Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển Ii – Phẩm Hiền Trí: Tích Đại Đức La Đà

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II

Phẩm Hiền Trí: Tích Đại Đức La Đà

“Nidhīnaṃ’vapavattāra,
Yaṃ passe vajjadassinaṃ;
Niggayhavādiṃ medhāviṃ,
Tādisaṃ paṇḍitaṃ bhaje;
Tādisaṃ bhajamānassa,
Seyyo hoti na pāpiyoti”.

“Được hiền nhân thánh thiện,
Chỉ bày lối thô thiển,
Nên hoan hỷ kết tình,
Tôn như bậc cao minh.
Chỉ đường ta kiếm lại,
Hầm chôn giấu của cải,
Thân hiền lợi ích nhiều,
Chẳng có chi tai hại”.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết ra khi Ngài an ngự tại Jetavana, đề cập đến Đại đức Rādha (La Đà). Tương truyền rằng: Lúc còn ở tại gia, Đại đức trên đây vốn là một ông Bà la môn nghèo khó, cư ngụ trong thành Sāvatthī. Vì muốn xuất gia để sống gần gũi chư Tỳ khưu, ông ta đến chùa xin ở làm công quả, nhứt là phụ giúp chư Tăng trong các việc lặt vặt như quét dọn cốc liêu, dưng nước rửa mặt… Tuy nhiên, chư Tăng không nhận cho ông xuất gia, không được toại nguyện, ông trở nên ốm о gầy mòn.

Một hôm, trong lúc quán sát thế gian vào lúc sáng sớm, Đức Bổn Sư quán thấy ông Bà la môn ấy. Để xem ông ta có đủ căn lành hay không, Ngài quán thêm nữa thì biết ông sẽ đắc quả A La Hán. Cho nên, chiều hôm ấy, Đức Thầy ung dung bách bộ trong vòng tịnh xá, như đi kinh hành rồi ngự ngay đến chỗ ở của ông Bà la môn và phán hỏi rằng:

– Nầy ông Bà la môn, thường ngày làm công việc chi?

– Bạch Ngài, con làm tất cả mọi việc hộ giúp chư Tăng.

– Ông có được chư Tỳ khưu tế độ chăng?

– Bạch Ngài, về vật thực thì con được tiếp độ, nhưng chư Tăng không nhận cho con xuất gia.

Nhân dịp nầy, Đức Bổn Sư triệu tập Tăng chúng và phán hỏi về vấn đề Bà la môn.

– Nầy các Tỳ khưu, trong các ông, có ai nhớ ra rằng mình đã có thọ bát của ông

Bà la môn nầy chăng?

Đại đức Sāriputta đáp rằng:

– Dạ bạch Ngài, con đã nhớ ra, trong lúc con đi trì bình trong thành Rājagaha, chính ông nầy đã đích thân để bát cúng dường đến con một vá thực phẩm. Con nhớ rằng con đã thọ bát của ông ta.

Nầy Sāriputta, một người hộ giúp ông như thế, không đáng được ông giải khổ hay sao?

Nghe Đức Bổn Sư hỏi vậy, Đại đức Sāriputta vội đáp:

– Lành thay! Bạch Ngài, con sẽ tế độ ông ta.

Nói rồi, Đại đức làm lễ xuất gia cho ông Bà la môn ấy. Mỗi lần nhập chúng trong Trai tăng đường, vị tân sư nầy phải khó khăn vất vả trong sự thọ lãnh vật thực như cơm cháo, vì ông phải đi đến chỗ ngồi ở phía sau cùng chư Tỳ khưu. Thấy vậy, Đại đức mới dắt ông đi du phương, một thầy một trò và nhân thể luôn kèm dạy lần lần, nhắc nhở ông những điều nên hành và những điều phải tránh.

Là người dễ dạy, hết lòng tôn kính thầy chỉ dạy, Sư Rādha chăm chỉ hành đúng theo huấn từ của Đại đức Sāriputta, mấy ngày sau Đại đức Rādha chứng đắc A La Hán quả. Kế đó, Đại đức dắt Sư trở về yết kiến Đức Bổn Sư. Sau khi hai vị đệ tử đảnh lễ và ngồi xuống, Đức Bổn Sư hỏi Đại đức những câu hàn huyên thông thường rồi Đức Bổn Sư hỏi Đại đức rằng:

– Nầy Sāriputta! Học trò mới của ông có dễ dạy không?

– Bạch Ngài, ông ta rất mềm mỏng, dễ dạy. Ông ta không hề tỏ ra nóng giận mỗi khi bị chỉ trích dầu là phạm lỗi nhỏ nhen chút ít.

– Này Sāriputta, nếu được những người như vậy theo xin ông tế độ, thì ông sẽ thâu nhận bao nhiêu cho xuất gia?

Một hôm nọ, chư Tỳ khưu câu hội trong giảng đường, đưa ra luận đề như vầy:

“Tiếng đồn Đại đức Sāriputta là người biết ghi ơn và biết đền ơn. Sau khi nhớ lại sự hỗ trợ của ông Bà la môn nghèo, dầu chỉ một vá thực phẩm, cũng chịu khó tế độ cho ông ta xuất gia. Đại đức Rādha cũng là người giỏi chịu đựng, uốn nắn, mới gặp được thầy khéo dạy dỗ như thế”.

Khi Đức Bổn Sư ngự đến giảng đường, nghe chư Tỳ khưu bạch lại đề tài của cuộc luận đạo, Ngài phán rằng:

– Nầy các Tỳ khưu, không phải bây giờ mới như thế đâu, trước kia Sāriputta cũng đã từng là người biết ghi ơn và biết đền ơn như thế rồi.

Đoạn Ngài lại dẫn tích xưa, bắt đầu đọc kệ rằng:

“Alīnacittaṃ nissāya,
Pahaṭṭhā mahatī camū;
Kosalaṃ senāsantuṭṭhaṃ,
Jīvaggāhaṃ agāhayi.

Evaṃ nissaya sampanno,
Bhikkhu āraddhavīriyo;
Bhāvayaṃ kusalaṃ dhammaṃ,
Yogakkhemassa pattiyā;
Pāpuṇe anupubbena,
Sabbasaṃyojanakkhayanti. ”

“Nhờ phấn chấn tâm dẫn đầu,
Đại binh hoan hỷ phục thâu san hà.
Sanh cầm vua Kiêu Tát La,
Phá tan quân địch bắt hòa chúa tôi.
Cũng vậy phấn chấn tâm rồi,
Tỳ khưu tinh tấn trau dồi thiện duyên,
Chăm lo trì giới tham thiền,
Níp Bàn tịch tịnh chứng liền chẳng sai.
Bao nhiêu kiết sử dẳng dai,
Lần lượt cắt hết một hai chẳng còn”.

Kế đó, Đức Bổn Sư thuyết giảng rành mạch tích Bổn Sanh Phấn Chấn Tâm (Alīnacitta Jātaka), gồm có hai phân đoạn trên đây. Trong đó, con tượng chúa độc chiếc, đã đem con tượng con toàn sắc trắng của mình hiến tặng cho ông thợ mộc vì nhớ ơn người đã chữa lành vết thương nơi chân, chính là Đại đức Sāriputta đây vậy.

Sau khi kể sự tích tiền thân Đại đức Sāriputta, Đức Bổn Sư lại đề cập đến Đại đức Rādha.

Nầy các Tỳ khưu, bất kể là Tỳ khưu nào, cũng nên noi gương dễ dạy của ông Rādha đây mà bắt chước. Nếu được người trí thức chỉ rõ lỗi mình, không nên nóng giận trong lúc nhận lãnh những lời dạy dỗ. Phải xem người ban huấn từ như là bậc hướng đạo chỉ cho mình chỗ có hầm chôn giấu của cải vậy.

Pāḷi:
“Nidhīnaṃ’va pavattāraṃ,
Yaṃ passe vajjadassinaṃ;
Niggayhavādiṃ medhāviṃ,
Tādisaṃ paṇḍitaṃ bhaje;
Tādisaṃ bhajamānassa,
Seyyo hoti na pāpiyoti.”

Dịch:
“Gặp người hiền trí giải bày,
Những điều lầm lỗi sửa sai cho mình.
Hãy nên cùng họ kết tình,
Xem họ như bậc cao minh chỉ đàng.
Cho ta tìm thấy kho tàng,
Gần hiền vô hại, lợi càng gia tăng”.

CHÚ GIẢI:
Trong Pāḷi, tiếng Nidhīnaṃ nghĩa là: Những kho tàng bí mật, hay là những chỗ nào mà người đã đào lên chôn giấu của cải, thường là những chỗ đựng đầy vàng, bạc chẳng hạn.

Pavattāraṃ: Người chỉ lối không khác nào người có lòng từ mẫn muốn tế độ những kẻ khốn cùng khỏi cảnh vất vả lầm than, bèn kêu: “Hãy lại đây, ta sẽ chỉ cho các người một lối sống an vui”, rồi dắt họ đến tận chỗ chôn của để dành, lấy tay chỉ và bảo họ: “Hãy lấy của nầy và sống an vui đi”.

Vajjadassinaṃ: (Người cho thấy lỗi). Có hai hạng Tỳ khưu ưa vạch lỗi của người khác. Một là hạng Tỳ khưu tiểu tâm tìm lỗi lầm sơ suất của Tỳ khưu bạn, để lên mặt khiển trách người ở giữa Tăng chúng. Hai là hạng Tỳ khưu có tâm bi mẫn, muốn tế độ người tăm tối dốt nát, muốn dắt y đi lần đến chỗ sáng suốt, thông minh, giúp cho y tăng trưởng về mặt trí đức, cho nên mỗi việc lầm lỗi của y đều vạch ra cho y nhìn thấy để sửa chữa, ngõ hầu tiến lên bậc trên, trở nên con người đạo hạnh gương mẫu, tiếng Vajjadassinaṃ trong bài kệ chỉ hạng Tỳ khưu thứ hai nầy vậy. Quả thật, ví như một người khốn cùng, gặp được người chỉ bảo: “Hãy lấy của nầy đi!”. Dầu cho người ấy có dọa nạt, đánh đập anh ta chăng nữa, anh ta cũng không nóng giận mà còn vui thích là khác khi mà mắt anh ta nhận thấy được chỗ chôn vàng. Cũng vậy, Tỳ khưu nào nhận thấy điều sơ suất lỗi lầm của mình bị vạch ra, không nên tỏ vẻ nóng giận trong khi được chỉ dạy. Trái lại, phải hết lòng hoan hỷ và phải yêu cầu như vầy: “Bạch Ngài, ơn Ngài chỉ bảo thật rất trọng đại, xin Ngài hãy nhận làm Thầy Tiếp dẫn hoặc Thầy Tế độ của con mãi mãi, để ban thêm nhiều huấn từ giáo hóa cho con”.

Niggayhavādī: (Là người phản đối, khiển trách). Như có một số Thầy Tế độ (Hòa thượng) hoặc Thầy Tiếp dẫn (Yết Ma) nhìn thấy các đệ tử sơ suất phạm lỗi, nhưng không dám nói ra vì cho rằng: “Ông nầy chăm lo hầu hạ ta đàng hoàng tử tế, phục vụ ta được nhiều việc, nhất là dâng nước rửa mặt, nếu ta vạch lỗi ông ta sợ e ông ta sẽ không hầu hạ ta nữa, như thế thì ta sẽ bị thiệt thòi”. Tỳ khưu nghĩ như vậy không đáng gọi là Niggayhavādī. Vị ấy dung túng tội lỗi, như người xả гáс trong giáo pháp nầy vậy. Còn vị thầy nào thấy đệ tử mình phạm lỗi như thế, mà chỉ dạy, nhắc nhở giới
luật, có khi đe dọa đòi đuổi, bắt chịu hình phạt hoặc không cho ở trong chùa thì mới
đáng gọi là Niggayhavādī. Cũng như câu kim ngôn của Đức Chánh Biến Tri có dạy
rằng: “Nầy Ānanda, việc đáng phản đối thì Như Lai khiển trách, cấm ngăn. Nầy
Ānanda, việc đáng ủng hộ thì Như Lai khích lệ, thúc đẩy”.

(Niggayha niggayhāhaṃ, Ānanda, vakkhāmi; paggayha paggayhāhaṃ Ānanda vakkhāmi. Yo sāro soṭhassatīti).

Medhāviṃ: Bực nầy có đầy đủ trí tuệ đã nếm được hương vị của Pháp Bảo.

Tādisaṃ: Nên giao hảo, nương nhờ, học hỏi với bậc hiền trí như thế. Quả thật, vị đệ tử mà nương nhờ học hỏi với Giáo sư như vậy thì thâu hoạch được nhiều lợi ích, không bao giờ phải chịu thiệt thòi, hoặc tăng thêm những điều quấy ác tai hại. Thời pháp vừa dứt, nhiều vị Tỳ khưu chứng đắc Đạo quả.

Dịch Giả Cẩn Đề
Dầu ơn nhỏ mọn cũng không quên,
Đợi lúc lâm nguy mới đáp đền,
Người trí tùy cơ mà ứng biến,
Giúp cho bạn cũ được làm nên.
Giữ tánh nhu hòa diệt nết sân,
Một lòng cầu tiến, học chuyên cần,
Càng mau thấy lỗi càng mau sửa,
Thầy đó, trò đây, thảy Thánh nhân.
DỨT TÍCH ĐẠI ĐỨC RĀDHA

71

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app