Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển Iii – Phẩm Cấu Uế: Tích Tissa Nhà Sư Trẻ (hay Chê)

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III

Phẩm Cấu Uế: Tích Tissa Nhà Sư Trẻ (Hay Chê)

249. “Dadāti ve yathāsaddhaṃ

Yathāpasādanaṃ jano
Tattha yo yathāsaddhaṃ
Paresaṃ pānabhojane
Na so divā vā rattiṃ vā
Samādhiṃ adhigacchati”.

250. “Yassa cetaṃ sammucchinnaṃ
Mūlaghacchaṃ samūhātaṃ
Save diva vārattiṃ vā
Samādhiṃ adhigacchati”.

“Do tín tâm, hỷ tâm,

Loài người mới bố thí
Kẻ sanh lòng đố kỵ,
Vật thực cúng đến người,
Ngày đêm không an tịnh”.

“Những ai đã đoạn tận
Dứt trừ tâm ganh tỵ,
Ban ngày lẫn ban đêm,
Tâm hằng được tịnh lạc”.

Pháp Cú nầy Đức Bổn Sư thuyết lên khi Ngài ngự tại Jetavana, đề cập đến Tỳ khưu Tissa. Người ta nói rằng: Vị Sa môn trẻ nầy thường hay chê sự cúng dường, bố thí của Trưởng giả Anāthapiṇḍika, của bà Visākhā, chê luôn cả sự bố thí của 50 triệu Thánh Thinh Văn, cho đến cuộc Vô song thí của Đức vua Pasenadi cũng bị vị ấy chê tuốt. Vào trong Phước xá, nếu được vật nguội thì vị ấy chê là vật thực quá nguội, được vật thực nóng thì lại chê là đồ nóng. Thí chủ đặt bát thì bị vị ấy qưở rằng: “Sao lại đặt bát ít thế?”. Còn nếu dâng nhiều thì bị nói rằng: “Có lẻ trong nhà nầy không còn chỗ cất giữ vật thực sao? Nên họ không biết cúng dường vừa phải để Tỳ khưu vừa đủ nuôi mạng thôi, lại dâng cúng quá nhiều cháo cơm như thế nầy, thật là phí phạm quá”.

Tuy nhiên, khi nói đến quyến thuộc của mình, nhà sư lại đổi giọng khen ngợi rằng: “Ồ! Ngôi nhà của quyến thuộc chúng tôi thật là quán nước, tha hồ chư khách Tăng từ bốn phương tựu đến”.

Thật sự thì, vị sư trẻ nầy vốn là con của người gác cổng thành, nhân đi chung với nhóm thợ mộc, phiêu du khắp nơi, đến thành Sāvatthī, rồi y xin xuất gia.

Khi chư vị Tỳ khưu thấy vị sư trẻ nầy cứ chê sự bố thí cúng dường của người khác thì nghĩ rằng: “Chúng ta hãy tìm hiểu sự thật về ông sư nầy đi”. Chư khách Tăng hỏi vị ấy rằng:

– Nầy hiền giả! Quyến thuộc của hiền giả ở đâu?

– Ở nơi làng ấy, nơi trú xứ ấy.

Chư vị Tỳ khưu phái vài vị Tỳ khưu trẻ đi dò hỏi. Các vị đi đến làng ấy, được thôn dân cung thỉnh vào ngồi trong ký túc xá. Chờ đợi họ cúng dường vật thực xong, các vị hỏi rằng:

– Có vị sư trẻ tên Tissa, gốc người ở làng nầy đi xuất gia. Ở đây, ai là thân nhân của vị ấy?

Những người dân nghĩ rằng: “Làng nầy không có ai là con nhà vọng tộc đi xuất gia cả, vì sao các vị nầy lại hỏi như thế?”.

Họ bạch rằng:

– Bạch Ngài! Chúng tôi có nghe rằng một cậu con trai của người giữ cổng thành, sau khi phiêu lưu cùng với nhóm thợ mộc đã xuất gia rồi. Có lẽ Ngài hỏi về vị ấy phải chăng?

Các vị Tỳ khưu biết được vị Sa môn trẻ Tissa kia không có quyến thuộc giàu sang, thế lực ở tại đó, nên trở về thành Sāvatthī thuật lại với Tăng chúng rằng:

– Bạch các Ngài! Thầy Tissa không phải nói thật, đã bày chuyện vô cớ, nói nhảm nhí mà thôi.

Chư Tăng mang câu chuyện bạch trình lên Đức Thế Tôn, Ngài phán dạy rằng:

– Nầy chư Tỳ khưu! Chẳng phải bây giờ Tissa mới khoe khoang khoác lác. Thưở xưa, y cũng đã từng như thế rồi.

Chư Tỳ khưu thỉnh cầu Đức Bổn Sư thuyết giảng Bổn sanh, Ngài thuật lại tiền tích với kệ ngôn rằng:

“Bahumpi so vikattheyya aññaṃ janapadaṃ gato
Anvāgantvāna dūseyya bhuñja bhoge kaṭāhakāti”.

“Khoe khoang khoác lác lung tung
Đã qua xứ lạ ai lùng mà lo
Hại thay, bị kẻ theo dò…
Kaṭāhaka, ăn no đi nò!…”

Sau khi thuật xong Bổn sanh Kaṭāhaka, Đức Bổn Sư dạy rằng:

– Nầy các Tỳ khưu! Nếu vị nào cảm thấy hổ thẹn vì được người dâng cúng ít hoặc nhiều, thô đạm hoặc thanh quý, hoặc không được cúng dường sau khi
mình đã dâng phần mình cho những người khác, thì thiền định (ghānaṃ) hoặc Minh sát (Vipassanā) hoặc Đạo quả (Maggaphalāni) không phát sanh đến vị ấy.

Nói rồi Ngài thuyết lên kệ ngôn rằng:

249. “Dadāti ve yathāsaddhaṃ

Yathāpasādanaṃ jano
Tattha yo yathāsaddhaṃ
Paresaṃ pānabhojane
Na so divā vā rattiṃ vā
Samādhiṃ adhigacchati”.
250. “Yassa cetaṃ sammucchinnaṃ
Mūlaghacchaṃ samūhātaṃ
Save diva vārattiṃ vā
Samādhiṃ adhigacchati”.

“Do tín tâm, hỷ tâm, Loài người mới bố thí
Kẻ sanh lòng đố kỵ,
Vật thực cúng đến người,
Ngày đêm không an tịnh”.

“Những ai đã đoạn tận
Dứt trừ tâm ganh tỵ,
Ban ngày lẫn ban đêm,
Tâm hằng được tịnh lạc”.

CHÚ GIẢI:
Dadāti ve yathāsaddhaṃ: Con người ta khi dâng cúng món chi dầu thô bạc hay thanh quý cũng đều tùy theo đức tin của mình mà dâng cúng cả.

Tathā padānaṃ: Người phát tâm trong sạch đối với các vị Đại Đức Trưởng Lão… khi dâng cúng đến các vị ấy là dâng cúng tùy tâm trong sạch của mình.

Tattha: Trong sự bố thí (vật thí) của người khác, có trạng thái hổ thẹn sanh lên, nghĩ rằng: “Ta được ít, ta được đồ thô bạo”.

Samādhiṃ: Ban ngày hoặc ban đêm, người ấy không đắc thiền định như cận định, chánh định hoặc Đạo quả.

Yassa cetaṃ: Người nào đã cắt đứt, đã nhổ bật gốc rễ trạng thái bất thiện, có tên là sự hổ thẹn trong những chỗ ấy và đắc A La Hán đạo tuệ. Người ấy là người chứng đạt thiền định ấy. Cuối thời Pháp nhiều vị Tỳ khưu chứng Thánh Quả, nhất là quả vị Tu Đà Hườn.

Dịch Giả Cẩn Đề
Ai ngờ Sư trẻ gốc nhà quê
Lại giả làm sang cứ nhúng trề
Thọ ít, than phiền dâng ít quá
Dâng nhiều, trách móc: thọ nhiều ghê
Bày điều quyến thuộc ta giàu có
Đặt chuyện anh em tớ bộn bề
Rốt cuộc để lòi gương mặt mốc
Chê người, sao khỏi bị người chê?…
DỨT TÍCH NHÀ SƯ TRẺ HAY CHÊ

74 1

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app