Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II

Phẩm Ngàn: Tích Trưởng Lão Xà Nô

“Yo ca vassasataṃ jīve,
Kusīto hīnavīriyo;
Ekāhaṃ jīvitaṃ seyyo,
Viriyaṃ ārabhato
(1) daḷhaṃ”.

“Ai sống một trăm năm,
Lười nhác không Tinh tấn,
Tốt hơn sống một ngày,
Tinh tấn tận sức mình”.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết khi Ngài ngự tại Jetavana Vihāra (Kỳ Viên Tự), đề cập đến Trưởng lão Sappadāsa (Xà Nô).

Tương truyền rằng: Trong thành Sāvatthī (Xá Vệ) có một thanh niên con nhà gia giáo, sau khi được nghe Đức Bổn Sư thuyết pháp, đã xuất gia lên Tỳ khưu. Một thời gian sau, vị nầy bất mãn vì hành đạo không tiến triển, nhưng tự nghĩ: “Con nhà gia giáo như ta mà hoàn tục sống đời cư sĩ thì không đứng đắn, thà là chết trong đạo còn hơn”. Thế rồi vị Tỳ khưu bất mãn đi lang thang, tìm phương thế để tự sát.

Một hôm nọ, vào sáng sớm các Tỳ khưu đã tắm gội, thọ thực xong đi vào chùa, gặp con rắn trong nhà khói (Aggisālā), các Ngài bắt nó bỏ vào trong cái bình, đậy nắp lại rồi mang bình ra khỏi chùa.

Vị Tỳ khưu bất mãn cũng vừa thọ thực xong đi vào thì gặp chư Tăng đi ra, liền hỏi:

– Cái chi đây, các đạo hữu?

– Con rắn, này đạo hữu.

– Các Ngài sẽ làm gì nó?

– Chúng tôi đem nó đi quăng cho xa.

Nghe chư Tăng nói vậy, vị Tỳ khưu tính thầm: “Ta sẽ cho con rắn nầy cắn ta chết”. Thế nên, vị này nói với chư Tăng: “Các đạo hữu hãy đưa tôi, tôi sẽ không quăng nó đâu”.

Chư Tăng trao cái bình qua vị Tỳ khưu, vị này ôm cái bình đi kiếm chỗ ngồi và nhử cho con rắn cắn mình, con rắn không chịu cắn, vị Tỳ khưu thọc tay vào bình quậy lung tung, rồi còn cạy miệng con rắn ra, đút ngón tay của mình vào nữa, nhưng con rắn vẫn không cắn vị này. Vị Tỳ khưu nghĩ thầm: “Con rắn nầy không phải loại rắn
độc”. Bèn bỏ nó đó mà đi vào chùa.

Khi ấy chư Tăng hỏi vị Tỳ khưu:

– Đạo hữu đã quăng con rắn rồi phải không?

– Nầy các đạo hữu! Con rắn đó không phải là rắn độc.

– Nầy đạo hữu! Con rắn đó đã phùng mang, thở phì phì. Chúng tôi khó nhọc lắm mới bắt được nó, sao đạo hữu lại nói như vậy?

– Nầy các đạo hữu, chính tôi đã thọc tay vào bình cho nó cắn, đút ngón tay vào miệng chọc cho nó cắn, mà còn không được kia mà!

Nghe vậy chư Tăng làm thinh. Lại một hôm khác, ba Tỳ khưu tắm xong mang theo hai lưỡi dao cạo vào chùa, bỏ dưới đất một lưỡi, còn một lưỡi dùng cạo tóc cho chư Tăng.

Vị Tỳ khưu bất mãn lượm lưỡi dao bỏ quên trên đất, tính thầm: “Với lưỡi dao này ta sẽ cát cổ tự tử”. Đứng thẳng cần cổ, tự ví mình như một cái cây, đưa lưỡi dao sát cuống họng, vị Tỳ khưu quán xét lại Giới hạnh của mình từ lúc thọ Giới Tỳ khưu đến nay thì thấy Giới của mình hoàn toàn trong sạch, không tỳ vết, vô nhiễm như mặt trăng rằm, tinh khiết như ngọc Ma ni. Quán thấy Giới mình được như vậy, vị Tỳ khưu phát tâm hỷ lạc, toàn thân vui sướng chẳng cùng.

Sau khi xả bỏ hỷ lạc, phát triển Tuệ Minh sát vị Tỳ khưu đắc quả A La Hán với Tuệ Phân tích, rồi bèn cầm lưỡi dao cạo đi vào giữa chùa. Chư Tăng hỏi vị ấy:

– Đạo hữu nãy giờ đi đâu?

– Thưa các đạo hữu, với lưỡi dao nầy tôi đã đi cắt cuống họng, tự tử.

– Thế sao đạo hữu không chết?

– Khi cầm con dao nầy đi ra, tôi tự nhủ: “Ta không có thể sống dưới dao bén nầy, ta sẽ cắt đứt cuống họng của ta”. Thì bỗng nhiên lưỡi dao Trí tuệ đã cắt đứt tất cả phiền não của tôi.

Các Tỳ khưu cho là vị này nói dối, phạm giới đại vọng ngữ, nên đi mách với Đức Bổn Sư. Đức Thế Tôn nghe chư Tăng tường trình xong liền giải thích rằng:

– Nầy các Tỳ khưu, các bậc Lậu tận không bao giờ tự tay cắt đi sinh mạng của mình(1).

– Bạch Ngài, Ngài dạy rằng vị này là bậc Lậu tận, nếu đã đầy đủ căn lành để đắc quả A La Hán, tại sao vị này còn bất mãn? Do đâu mà vị ấy đắc quả A La Hán và tại sao con rắn không cắn vị này?

– Nầy các Tỳ khưu, vì lẽ con rắn ấy đã từng là nô bộc của vị ấy trong ba kiếp, cho nên nay nó không cố gắng cắn mổ thân thể của chủ nó.

Như lời Phật dạy, vị A La Hán không bao giờ tự sát, vị Tỳ khưu trong Phật giáo tự sát phạm tội tác ác, phải sa Địa ngục bảy ngày sau khi chết. Nhưng cũng có trường hợp tự sát mà đắc A La Hán
trong giờ phút chót, như Trưởng lão Cồ Điệt (Godhika) (Kệ Pháp Cú số 57, Phẩm Hoa).

Trường hợp của Trưởng lão Xà Nô lại khác: Ngài không chết vì chưa cắt cổ mà đã đắc A La Hán, do đó ý nghĩ tự sát không còn. Ngài chỉ cắt đứt phiền não bằng lưỡi dao Trí tuệ mà thôi. Chỗ nầy bản dịch của ông Phạm Kim Khánh có hơi khác: “Thầy lấy dao tự cắt lấy cuống họng, lúc cắt xong Thầy suy niệm về đời sống toàn thiện, tận lực cố gắng Tham thiền và đắc quả A La Hán trước khi nhắm mắt…”. Sự khác biệt nầy có lẽ xuất phát từ nguyên bản Pāḷi, tức là có hai bản chảnh khác nhau vậy. (TKPM).

Bằng bấy nhiêu lời, Đức Bổn Sư đã chỉ cho các Tỳ khưu thấy được một nguyên do. Do vậy, từ đó về sau Trưởng lão được mệnh danh là Sappadāsa (Xà Nô).

Cũng do lời Đức Thế Tôn thuật lại, trong thời của Đức Phật Kassapa (Ca Diếp), có một thanh niên con nhà khá giả, sau khi nghe pháp của Đức Giáo Chủ, phát tâm kinh cảm liền xin xuất gia và được thọ giới Tỳ khưu. Một thời gian sau, sanh tâm buồn chán, vị ấy bày tỏ nỗi lòng cho một Tỳ khưu bạn biết. Vị sau này thường thuyết giảng, nhắc bạn về sự bất lợi tội lỗi của đời sống tại gia. Nhờ nghe pháp, vị trước lại vui thích sống trong Giáo Pháp, mới đem những vật phụ tùng để hành Sa môn pháp mà khi trước mình đã bỏ cho lem uế, đến ngồi bên một bờ ao để giặt giũ cho sạch bụi.

Vị Tỳ khưu bạn cũng đến ngồi gần đó, vị kia nói với bạn rằng:

– Nầy đạo hữu, khi muốn hoàn tục, tôi đã có ý định tặng đạo hữu tất cả những vật phụ tùng nầy.

Vị Tỳ khưu bạn sanh lòng tham muốn, nghĩ rằng: “Bạn ta còn tu hay không còn tu, đối với ta có nghĩa gì? Ta đừng để phí mất những vật phụ tùng này”.

Từ đó về sau, vị Tỳ khưu bạn thay đổi chiều hướng, thuyết pháp ca tụng đời sống tại gia, chẳng hạn như: “Nầy đạo hữu, tại sao ta cứ mãi sống đời sống xuất gia, hằng ngày ôm bát đi khất thực nơi những gia đình người khác? Tại sao ta không ở nhà vui thú đoàn viên, chuyện trò thân mật với vợ con ta?”.

Nghe bạn thốt lời như thế, vị Tỳ khưu kia lại bất mãn, nghĩ thầm rằng: “Bạn ta lúc trước nghe ta ngỏ ý bất mãn đời sống Phạm hạnh thì đã thuyết pháp chỉ rõ sự bất mãn tội lỗi đời sống tại gia, bây giờ lại thường xuyên ca tụng là tại cớ gì?”.

Suy xét kỹ, vị ấy biết bạn mình vì có tâm tham muốn được những vật phụ tùng này nên mới trở lòng như vậy. Đó là cái nhân bất mãn từ thời Đức Phật Kassapa còn lưu lại đến bây giờ, khiến vị Tỳ khưu này có tâm bất mãn. Còn công phu tu hành Sa môn Pháp suốt hai muôn năm qua là nhân khiến cho vị này có duyên đắc quả A La Hán.

Chư Tăng nghe Đức Thế Tôn giải thích đủ ba nguyên do rồi, còn đặt thêm một câu hỏi nữa:

– Bạch Ngài, nghe nói Tỳ khưu này trong lúc đứng kê lưỡi dao sát cuống họng thì đắc A La Hán ngay. Như thế thì A La Hán đạo phát sanh trong một khoảnh khắc ngắn ngủi bằng một sát na hay sao?

– Phải đó! Nầy các Tỳ khưu! Tỳ khưu nào chuyên cần Tinh tấn, giở bàn chân lên rồi đặt trở xuống đất, bàn chân chưa tới đất A La Hán đạo đã phát sanh rồi. Đời sống của vị chuyên cần Tinh tấn, dầu trong giây lát còn quý báu hơn đời sống của người một trăm tuổi mà biếng nhác giải đãi. Nói rồi, Đức Thế Tôn thuyết pháp và kết luận bằng kệ:

“Yo ca vassasataṃ jīve,
Kusīto hīnavīriyo;
Ekāhaṃ jīvitaṃ seyyo,
Viriyaṃ ārabhato daḷhaṃ”.

“Dầu cho sống cả trăm năm,
Mà lười biếng, chẳng tận tâm tu hành.
Không bằng sống một ngày lành,
Luôn luôn Tinh tấn, nhiệt thành nhất tâm”.

CHÚ GIẢI:
Kusīto: người miệt mài truy hoan, chú tâm đi tìm dục lạc (bằng ba cái tầm: Tīhi vitakkehi).

Hīnavīriyo: đồng nghĩa với Nibbīriyo là không Tinh tấn.

Viriyaṃ arabhato daḷhaṃ: đây là đề cập đến sự tinh tấn, có thể đưa hành giả chứng Níp Bàn, bằng hai pháp Thiền Chỉ và Quán. Các câu khác còn lại đồng nghĩa như trước.

Cuối thời Pháp, nhiều vị Tỳ khưu đắc Thánh quả, nhất là Tu Đà Hườn quả.

Dịch Giả Cẩn Đề
Trưởng lão Xà Nô quá chán đời,
Thò tay chọc rắn cắn mình chơi,
Rắn quen chủ cũ, không thèm cắn,
Ngài thả cho đi, bảo: Rắn lười!
Lại lượm con dao, dựa nhánh cây,
Nguyện rằng: “Cắt cổ với dao này,
Não phiền sẽ sạch, không dư sót,
Mạng sống cũng đành dứt tại đây!”.
Nhưng khi quán xét Giới mình xong,
Trưởng lão đắc ngay Lậu tận thông,
Tăng chúng hỏi Ngài: “Sao chẳng chết?”
Ngài rằng: “Nhờ chứng được Tâm không!”
Tăng chúng hoài nghi hỏi Phật đà,
Phật rằng: Chỉ sống một ngày qua,
Chuyên cần Tinh tấn còn hơn sống,
Suốt cả trăm năm giải đãi mà!
DỨT TÍCH TRƯỞNG LÃO XÀ NÔ

102

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app