Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển Ii – Phẩm Đao Trượng: Tích Trưởng Lão Kon Đá Tha Ná

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II

Phẩm Đao Trượng: Tích Trưởng Lão Kon Đá Tha Ná

133. “Māvoca pharusaṃ kañci, “Chớ nói lời ác độc,

Vuttā paṭivadeyyu taṃ;
Dukkhā hi sārambhakathā,
Paṭidaṇḍā phuseyyu taṃ”.
134. “Sace neresi attānaṃ,
Kaṃso upahato yathā;
Esa pattosi nibbānaṃ,
Sārambho te na vijjati”.

Nói ác, bị nói lại,
Khổ thay lời phẫn nộ,
Đao trượng phản chạm người”.
“Nếu tự mình yên lặng,
Như chiếc chuông bị bể,
Ngươi đã chứng Níp Bàn,
Ngươi không còn phẫn nộ”.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết khi Ngài ngự tại Jetavana Vihāra (Kỳ Viên Tự), đề cập đến Trưởng lão Koṇḍadhāna (Kon Đá Tha Ná).

Tương truyền rằng: Kể từ ngày xuất gia về sau, Trưởng lão đi đâu cũng có một hình bóng người phụ nữ đi theo sau lưng cả. Chính Trưởng lão thì không thấy bóng phụ nữ ấy, nhưng đại chúng đều thấy.

Khi Trưởng lão vào làng khất thực, mọi người để bát một phần ăn xong, lại đặt thêm một phần nữa, nói rằng: “Bạch Ngài, đây là phần của Ngài, và đây là phần của cô bạn Ngài”.

Thử hỏi: Trưởng lão đã tạo nghiệp gì trong quá khứ? Đức Bổn Sư đã giải rằng: Trong thời của Đức Phật Kassapa (Ca Diếp), có hai vị Tỳ khưu hết sức hòa
thuận cùng nhau, chẳng khác nào hai anh em ruột cùng một mẹ sanh đôi. Suốt thời gian trường thọ của Đức Cổ Phật, cứ đúng một năm hoặc sáu tháng chư Tăng lại nhóm họp một lần để làm lễ Phát lồ (Sám hối chung). Bởi thế, hai vị rủ nhau: “Chúng ta đi về chùa dự lễ Phát lồ”, rồi từ chỗ ngụ ra đi.
Một vị chư thiên mới sanh lên cõi trời Đao Lợi nhìn xuống thấy hai vị nầy, nghĩ thầm rằng: “Hai Tỳ khưu nầy hòa thuận với nhau quá! Có thể nào ly gián hai ông nầy được chăng?”.

Trong lúc vị chư thiên ngu muội nầy đang nghĩ quấy như vậy, thì một trong hai vị Tỳ khưu bảo bạn rằng:

– Nầy đạo hữu hãy đi thủng thẳng, chờ tôi đi đại một chút.

Nghe vậy, vị chư thiên hóa hình thành một phụ nữ đi theo vị Trưởng lão vào trong bụi rậm, đến khi trở ra chỗ trống thì một tay bới lại đầu tóc, một tay vận lại у hạ, đi theo sau lưng vị Trưởng lão mà vị nầy không hay biết.

Trong khi vị nầy đi ra thì vị Tỳ khưu đứng ngoài quay lại nhìn thấy một người nữ đi ra với dáng điệu khả nghi như vậy. Người nầy biết rằng vị Tỳ khưu đã nhìn thấy mình rồi, liền biến mất.

– Nầy đạo hữu! Đạo hữu đứt Giới rồi phải chăng?

– Không bao giờ tôi phá Giới đâu đạo hữu?

– Bây giờ, chính mắt tôi thấy, từ phía sau đạo hữu đi ra một thiếu phụ dáng điệu như vậy, mà đạo hữu còn chối, nói: “Tôi không có như thế hay sao?”.
Như bị sét đánh lên đầu, vì bị cáo oan không thể nhẫn nại, bèn cãi lại:

– Đạo hữu đừng phá hại tôi, quả tôi không có như thế mà!

Vị kia cứ nhất quyết:

– Chính mắt tôi trông thấy, tôi tin đạo hữu thế nào được?

Nói rồi, như người bẻ gãy cây gậy, vị ấy bỏ đi tự bảo mình rằng: “Dầu đến chỗ làm lễ Phát lồ, ta cũng sẽ không ngồi sám hối chung với Tỳ khưu nầy”.
Vị Tỳ khưu bị tình nghi thanh minh với chư Tăng rằng:

– Bạch các Ngài, tôi không có một chút lỗi nào, dầu nhỏ như hột mè.

Còn vị Tỳ khưu bạn thì vẫn đề quyết: “Chính mắt tôi trông thấy”.

Thấy hai vị Tỳ khưu bạn không chịu làm lễ Phát lồ chung, vị chư thiên nghĩ rằng: “Ôi nặng thay là nghiệp của ta tạo!”. Vị chư thiên bèn ứng tiếng lên hòa giải:

– Bạch các Ngài, vị Trưởng lão của chúng tôi không đứt Giới, đây chỉ là một việc làm của tôi để thử lòng các Ngài đó thôi. Vậy các Ngài cứ làm lễ Phát lồ chung với vị Trưởng lão đi.

Khi ấy, vị chư thiên đứng giữa hư không nói xuống, làm các Tỳ khưu phát sanh đức tin và làm lễ Phát lồ chung với nhau. Tuy nhiên, vị Tỳ khưu không còn giữ được lòng dịu hòa như trước nữa. Đó là tiền nghiệp của vị chư thiên.

Đến khi mãn tuổi thọ, hai vị Trưởng lão tùy theo phước nghiệp được sanh lên cõi Trời. Còn vị chư thiên bị đọa xuống A Tỳ địa ngục suốt thời gian không có Phật, chịu sự thiêu đốt nơi địa ngục đó cho đến thời Đức Phật hiện tại, được tái sanh làm người trong thành Xá Vệ, đến tuổi trưởng thành xuất gia trong Phật Pháp và được thọ Cụ túc giới. Từ ngày xuất gia về sau, một bóng hình phụ nữ thường xuất hiện lên sau lưng Tỳ khưu nầy. Do đó vị nầy được mệnh danh là Koṇḍadhāna (Kon Đá Tha Ná).

Thấy vị nầy có hiện tượng như vậy, chư Tăng đốc xúi Bá hộ Cấp Cô Độc:

– Nầy Bá hộ, vị nầy phá giới, ông hãy đuổi ra khỏi chùa đi, để vị nầy ở chung với chư Tăng, sẽ mang tiếng xấu hết!

Bá hộ Cấp Cô Độc hỏi:

– Bạch các Ngài, có chuyện gì đây? Đức Bổn Sư không có trong chùa ư?

– Có, ông Bá hộ à!

– Vậy thì bạch các Ngài, Đức Bổn Sư sẽ biết rõ việc nầy!

Các Tỳ khưu đi mách với bà Thiện Chi. Bà cũng từ chối không làm theo lời đề nghị của chư Tăng.

Các Tỳ khưu không được hai vị đại thí chủ chấp thuận lời mình, liền báo lên Đức vua.

– Tâu Đại vương! Tỳ khưu Koṇḍadhāna đi đâu cũng dắt theo một phụ nữ, làm cho tất cả chư Tăng mang tiếng xấu chung, xin Đại vương hãy thắng phục và đuổi vị ấy đi!

– Bạch các Ngài, vị ấy hiện ở đâu?

– Tâu Đại vương, vị ấy ở trong chùa.

– Trong chỗ ngụ nào trong chùa?

– Trong cốc tên đó.

– Nếu vậy, các Ngài hãy đi, Trẫm sẽ cho người bắt vị ấy.

Buổi xế chiều, Đức vua ngự đến chùa, cho binh lính bao vây chỗ ngụ chư Tăng đã chỉ, rồi đi thẳng đến trước cốc của Trưởng lão Koṇḍadhāna.

Nghe tiếng ồn ào, Trưởng lão đi ra khỏi chùa đứng sát trước sân cốc. Đức vua nhìn thấy thấp thoáng bóng một phụ nữ đứng sau lưng Trưởng lão.

Trưởng lão biết có Đức vua ngự đến, bèn leo lên ngồi trên chùa. Đức vua không đảnh lễ Trưởng lão, nhưng đến gần thì không thấy bóng phụ nữ đâu cả. Đức vua nhìn qua cửa lớn, nhìn xuống gầm giường cũng không thấy, bèn nói với Trưởng lão rằng:

– Bạch Ngài, trong chỗ nầy, Trẫm có thấy một phụ nữ, cô ta ở đâu rồi?

– Tâu Đại vương! Bần Tăng không thấy.

– Rõ ràng vừa mới đây Trẫm thấy cô ta đứng sau lưng Trưởng lão mà!

Dầu nghe như vậy, Trưởng lão cũng đáp:

– Tâu Đại vương! Bần Tăng không thấy!

Đức vua nghĩ thầm: “Thế nầy là nghĩa gì?”.

Đức vua bèn thỉnh Trưởng lão:

– Bạch Ngài, xin Ngài hoan hỷ đi ra khỏi chỗ nầy xem!

Khi Trưởng lão ra ngoài cốc, đứng trước sân thì có phụ nữ lại đứng sau lưng vị ấy. Đức vua thấy phụ nữ bèn trèo lên nền chùa. Biết Đức vua sắp đến, Trưởng lão bèn ngồi xuống.

Một lần nữa, Đức vua nhìn soát lại khắp mọi nơi mà chẳng thấy gì, bèn hỏi Trưởng lão:

– Cô phụ nữ đâu rồi?

Trưởng lão cũng trả lời như trước.

– Tâu Đại vương, Bần Tăng không trông thấy!

– Bạch Ngài, xin Ngài hãy nói thật, chính Trẫm vừa mới thấy một phụ nữ phía sau lưng Ngài mà!

– Vâng, tâu Đại vương! Mặc dù đại chúng đều nói Bần Tăng đi đâu cũng dắt theo một phụ nữ, nhưng sự thật Bần Tăng chẳng thấy phụ nữ nào cả.

Đức vua suy xét, cho rằng chắc có chuyện gì bí ẩn, bèn nói với Trưởng lão:

– Bạch Ngài, xin Ngài hoan hỷ bước xuống khỏi đây xem!

Khi Trưởng lão bước xuống khỏi nền, đứng trước sân chùa, Đức vua lại thấy hình phụ nữ đứng sau lưng Trưởng lão, nhưng sau khi vị ấy trèo lên nền chùa thì Đức vua lại hết thấy phụ nữ.

Đức vua hỏi Trưởng lão, Trưởng lão lại đáp:

– Bần Tăng không thấy phụ nữ ấy!

Nghe vậy, Đức vua nghĩ: “Việc nầy có chỗ bí ẩn” và để chấm dứt, Đức vua nói với Trưởng lão rằng:

– Bạch Ngài, có bóng phiền não đi theo sau lưng Ngài như vậy, ngoài Trẫm ra chắc không có một ai đặt bát cho Ngài. Vậy xin thỉnh Ngài hãy thường xuyên vào hoàng cung để Trẫm dâng cúng tứ vật dụng. Sau khi ngỏ lời thỉnh Trưởng lão, Đức vua ra đi. Các Tỳ khưu than phiền với nhau rằng: “Các đạo hữu hãy xem việc làm của nhà vua quấy ác đó. Tưởng đâu nghe lời báo cáo, Đức vua đến đuổi thầy ấy ra khỏi chùa, té ra bây giờ Đức vua lại thỉnh thầy ấy vào cung dâng tứ sự, rồi ra đi”.

Chư Tăng cũng nói với Trưởng lão rằng:

– Nầy ông phá giới, bây giờ ông được lên chức Quân sư rồi đấy.

Từ trước không thể nói lời gì nghịch lại chư Tăng, nhưng bây giờ đã có chỗ dựa, vị Trưởng lão liền nói trả lại:

– Các ông phá Giới, các ông làm Quân sư, các ông đem phụ nữ đi theo!

Chư Tăng mang việc nầy trình với Đức Thế Tôn:

– Bạch Ngài, thầy Koṇḍadhāna nghe chúng con nói, thầy mắng trả lại chúng con rằng: “Các ông cũng phá Giới v.v…”

Đức Bổn Sư cho gọi Tỳ khưu ấy đến và hỏi:

– Nầy Tỳ Khưu, nghe nói thầy đã nói như thế có thật chăng?

– Bạch Ngài! Có thật vậy.

– Nầy Tỳ khưu! Tại sao vậy?

– Tại vì các thầy ấy đã nói con.

– Nầy các Tỳ khưu! Tại sao các thầy lại nói với thầy nầy như vậy?

– Bạch Ngài, vì chúng con thấy cô phụ nữ đi theo thầy nầy.

– Các thầy nầy nói vì có thấy phụ nữ đi chung với thầy, còn thầy không thấy phụ nữ đi chung với họ, mà sao lại nói vậy? Trong tiền kiếp, thầy há đã chẳng nương theo tà kiến tội lỗi mà có quả xấu đến kiếp nầy, bây giờ tại sao thầy còn cố chấp tà kiến tội lỗi nữa vậy?

Chư Tỳ khưu cùng nhau bạch hỏi: “Bạch Ngài! Kiếp trước thầy ấy đã làm gì?”.

Khi ấy, Đức Bổn Sư bèn đem tiền nghiệp của vị Tỳ khưu nầy kể lại cho chư Tăng nghe, rồi bảo vị nầy rằng:

– Nầy Tỳ khưu, do ác nghiệp nầy mà thầy đã có tướng trạng kỳ quái như vậy, bây giờ thầy lại cố chấp tà kiến như trước nữa hay sao? Chớ nói lời chi trả treo với chư Tăng nữa! Hãy là người câm lặng như chiếc chuông bể miệng, làm như vậy thầy sẽ là người chứng Níp Bàn chẳng sai.

Nói rồi, Đức Bổn Sư thuyết pháp và ngâm hai bài kệ nầy:

133. “Māvoca pharusaṃ kañci,
Vuttā paṭivadeyyu taṃ;
Dukkhā hi sārambhakathā,
Paṭidaṇḍā phuseyyu taṃ”.

“Chớ nên nói lời thô ác. Khi ngươi dùng lời thô ác nói với người khác, người khác cũng dùng lời thô ác nói với ngươi. Thương thay, những lời nóng giận thô ác chỉ làm cho ngươi đau đớn khó chịu như đao gậy mà thôi!”.

134. “Sace neresi attānaṃ
Kaṃso upahato yathā;
Esa pattosi nibbānaṃ,
Sārambho te na vijjati”.

Nếu ngươi mặc nhiên như cái đồng la bể, trước những người đem lời thô ác cãi vã đến cho mình, tức là ngươi đã tự tại đi trên con đường Níp Bàn, người kia chẳng làm sao tìm sự tranh cãi với ngươi được nữa”.

CHÚ GIẢI:

Kañcī: đừng nói lời thô ác với một người nào cả.

Vuttā: ngươi nói kẻ khác phá Giới thế nào, kẻ ấy cũng nói trả lại ngươi thế ấy.

Sārambhakathā: những lời thô ác để tranh lấn áp chế nhau là khổ.

Paṭidaṇḍā: các thứ hình phạt, nhất là hành phạt thân, người dùng đánh đập kẻ khác như thế nào, thì chính ngươi phải bị chúng rơi lên đầu hành phạt người trả lại.

Sace neresi: nếu ngươi có thể giữ mình yên lặng.

Kaṃso upahato yathā: hãy làm như cái đồng la, cái cồng đã bể miệng, nó không phát ra tiếng được như ngươi đã bảo dùng tay chân hoặc đao trượng mà đánh đập kẻ khác.

Esa patto’si: nếu ngươi có thể giữ mình như thế, pháp Hành được kiện toàn rồi, bây giờ ngươi không dễ duôi, tức là ngươi đã đắc Níp Bàn vậy.

Sārambho te na vijjati: được như thế thì những lời nói qua nói lại của chư Tăng, nói ngươi phá giới và ngươi nói chư Tăng phá giới là những lời thô ác thái quá, không có và sẽ không bao giờ có nữa. Cuối thời Pháp, nhiều Tỳ khưu đắc Thánh quả, nhất là Tu Đà Hườn quả. Riêng phần Trưởng lão Koṇḍadhāna nhờ huấn từ Đức Bổn Sư ban cho mà đắc quả A La Hán, liền bay lên hư không, nắm lá phiếu đầu tiên.

Dịch Giả Cẩn Đề
Bóng người phụ nữ bám sau thầy,
Ai biết là do nghiệp báo gây,
Trong kiếp chư thiên, vì vọng niệm,
Thử xem tình bạn chắc không đây?…
Chẳng Nhẫn để mà trả quả xưa,
Lời qua tiếng lại cứ dây dưa,
Phật khêu nhớ lại nhân tiền kiếp,
Đắc quả Vô sanh, ác khẩu chừa!
Khác nào chuông bể, hết âm vang,
Người giữ tâm yên, chứng Níp Bàn,
Không nói lời thô, không uất hận,
Đâu còn hình phạt, khổ nhân gian.
DỨT TÍCH TRƯỞNG LÃO KOṆḌADHĀNA

121

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app