Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển Iii – Phẩm Hỷ Ái: Bộ Ba Cha Mẹ Con Xuất Gia

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III

Phẩm Hỷ Ái: Bộ Ba Cha Mẹ Con Xuất Gia

209. “Ayoge yuñjamattānaṃ,
Yogasmiñca ayojayaṃ;
Atthaṃ hitvā piyaggāhī,
Pihetattānuyoginaṃ”.

“Tự chuyên, không đáng chuyên
Không chuyên, việc đáng chuyên
Bỏ đích, theo hỷ ái,
Ganh tị bậc tự chuyên”.

210. “Mā piyehi samāgañchi,

Appiyehi kudācanaṃ;
Piyānaṃ adassanaṃ dukkhaṃ,
Appiyānañca dassanaṃ”.

211. “Tasmā piyaṃ na kayirātha,
Piyāpāyo hi pāpako;
Ganthā tesaṃ na vijjanti,
Yesaṃ natthi piyāppiyaṃ”.

“Chớ gần gũi người yêu,

Trọn đời xa kẻ ghét.
Yêu không gặp là khổ,
Oán phải gặp cũng đau”.
“Do vậy chớ yêu ai,
Ái biệt ly là ác;
Những ai không yêu ghét,
Không thể có buộc ràng”.

Pháp Cú nầy được Đức Thế Tôn thuyết lên, khi Ngài ngự tại Jetavana, đề cập đến ba người xuất gia. Tương truyền rằng: Trong một gia đình ở thành Sāvatthī, có được đứa con trai duy nhất mà cha mẹ rất thương yêu quý mến. Một hôm, trong khi chư Tỳ khưu được tỉnh mời đến nhà, đang tụng kinh phúc chúc và thuyết pháp, cậu con nghe xong, liền phát tâm muốn xuất gia, mới xin cha mẹ cho mình được xuất gia. Nhưng hai ông bà không chấp nhận lời con mình. Cậu trai tự nghĩ rằng: “Chờ dịp cha mẹ ta không để ý, ta sẽ thoát ra ngoài mà đi xuất gia”.

Rồi khi người cha rời khỏi nhà thì dặn vợ ở nhà lo gìn giữ đứa con. Còn người mẹ khi đi ra thì cũng dặn chồng hãy lo gìn giữ con như vậy.

Một hôm, khi người cha đi khỏi, bà mẹ suy nghĩ: “Ta phải gìn giữ con trai ta”. Thế rồi, bà ngồi dưới đất mà quay chỉ, sau khi dùng hai chân chặn hai bên ngạch cửa ra vào. Cậu con trai suy nghĩ : “Ta sẽ gạt mẹ ta mà ra đi mới được”. Cậu nói với mẹ rằng:

– Mẹ thân ơi! Xin mẹ hãy tránh qua một bên đặng cho con đi cầu.

Bà mẹ rút chân, cậu đi ra ngoài được, lật đật chạy đến chùa tìm các vị Tỳ khưu: “Bạch các Ngài! Xin cho con được xuất gia”. Sau khi yêu cầu, cậu được xuất gia với chư Tỳ khưu ấy. Khi người cha trở về hỏi người vợ rằng:

– Con trai ta đâu rồi?

– Mình ơi! Con nó mới vừa ở đây mà.

Người cha tìm quanh quất không thấy con mình, nghĩ rằng: “Chắc có lẽ nó đến chùa để xuất gia rồi”. Khi đến chùa thấy con trai mình đã xuất gia, người cha than khóc kêu gào: “Con ơi! Sao con đành giết cha như vậy?”. Nhưng một lát sau, ông tự nghĩ: “Con trai ta đã xuất gia, bây giờ ta còn ở nhà
mà làm gì?”.

Thế rồi, tự mình ông cũng xuất gia với các Tỳ khưu. Còn bà mẹ ở nhà cũng tự nghĩ rằng: “Sao con trai và chồng ta đi lâu quá vậy? Có lẽ cả hai cha con đến chùa xuất gia rồi chăng?”.

Khi đến chùa tìm chồng con, bà thấy cả hai đều xuất gia cả rồi, thì nghĩ thầm: “Cả hai người nầy đã xuất gia cả rồi, ta còn ở lại nhà có ích lợi chi đâu?”. Tự mình, bà cũng đến Tịnh Xá của Chư Tỳ khưu ni mà xin xuất gia. Tuy đã xuất gia, nhưng cả ba người nầy không thể tách rời nhau. Dầu ở chùa hoặc ở Tịnh Xá của chư Ni, họ cũng ngồi chung nhau một chỗ, nói chuyện cùng nhau suốt ngày. Do đó, chư Tăng và chư Ni đều lấy làm gai mắt. Một hôm, chư Tăng đem hành động của ba người bạch trình lên Đức Thế Tôn, Ngài cho gọi bọn họ đến và hỏi:

– Nghe nói các ngươi đã hành động như thế, có phải chăng?

– Bạch Thế Tôn! Có thật như vậy.

– Tại sao các ngươi lại làm như thế? Việc làm ấy không thích đáng với các bậc xuất gia.

– Bạch Ngài! Chúng con không thể sống xa nhau được.

– Kể từ khi xuất gia về sau, việc làm như thế không còn phù hợp nữa. Sự xa cách những người thương và sự gần gũi những người không thương đều là khổ cả. Bởi thế, đối với chúng sanh hoặc các pháp hữu vi ta không phân biệt là thương hay ghét cái chi cả.

Rồi Đức Bổn Sư thuyết lên kệ ngôn như sau:

209. “Ayoge yuñjamattānaṃ,

Yogasmiñca ayojayaṃ;
Atthaṃ hitvā piyaggāhī,
Pihetattānuyoginaṃ”.

210. “Mā piyehi samāgañchi,
Appiyehi kudācanaṃ;
Piyānaṃ adassanaṃ dukkhaṃ,

Appiyānañca dassanaṃ”.

211. “Tasmā piyaṃ na kayirātha,
Piyāpāyo hi pāpako;
Ganthā tesaṃ na vijjanti,
Yesaṃ natthi piyāppiyaṃ”.

“Tự chuyên, không đáng chuyên

Không chuyên, việc đáng chuyên
Bỏ đích, theo hỷ ái,
Ganh tị bậc tự chuyên”.

“Chớ gần gũi người yêu,
Trọn đời xa kẻ ghét.
Yêu không gặp là khổ,

Oán phải gặp cũng đau”.

“Do vậy chớ yêu ai,
Ái biệt ly là ác;
Những ai không yêu ghét,
Không thể có buộc ràng”.

CHÚ GIẢI:
Ayoge: Việc không đáng cố gắng, không đáng cố ý làm, như sáu chỗ không thường đến, nhất là nhà gái điếm(1) là những chỗ không chú tâm niệm tưởng, mà mình lại năng lui tới, nhớ tưởng.

Yogasmiñ: Và trong chỗ khác đáng lưu tâm, đáng cố gắng, mình lại không cố gắng.

Atthaṃ hitvā: Từ khi xuất gia trở về sau, được lợi ích thọ trì tam học nhất là học giới cao thượng, lại bỏ lợi ích ấy đi.

Piyaggāhī: Người bám chặt, luyến ái ngũ trần dục lạc.

Pihetattānuyoginaṃ: Những người xuất gia hành đạo rồi hoàn tục trở về trạng thái cư sĩ, về sau thấy những người tự lực tinh tấn, kiện toàn Giới, Định, Tuệ được Chư Thiên và nhân loại lễ bái cúng dường cũng hâm mộ, ước ao: Ôi! Phải chi ta là những người ấy.

Appiyehi: Với những chúng sanh hoặc đồ vật (hữu vi) mà ta yêu, ta chẳng nên hội hợp, bất cứ lúc nào dù chỉ trong giây lát. Với những người và đồ vật mà ta không yêu thích cũng vậy. Tại sao thế? Bởi vì ái ly tức là sự xa cách, không gặp gỡ những người hay đồ vật thương mến và oán mà phải gần gũi, gặp gỡ những người hay vật mà không yêu thích đều là khổ cả.

Tasmā: Vì lẽ cả hai vật thương và ghét đều là khổ cả, cho nên ta chớ yêu ai hoặc ghét vật chi cả.

Piyāpāyo: Sự biệt ly, cách xa nhân vật ta thương yêu.

Pāpako: Thấp kém, tội lỗi.

Ganthā tesaṃ na vijjanti: Những người không yêu, không tham lam, dứt được dây ràng buộc xác thân, những người không ghét thì không sân hận, cũng dứt được dây ràng buộc thân. Những người ấy đã bỏ được hai mối dây ràng buộc thì kể như bao nhiêu triền phược khác cũng cởi bỏ được cả. Bởi vậy, ta không nên thương ghét chi cả.

Cuối thời pháp, nhiều Tỳ khưu chứng đắc Thánh Quả, nhất là Tu Đà Hườn quả. Còn bộ ba người với nhau đã nói: “Chúng ta không thể sống xa nhau”. Thế rồi, họ lại hoàn tục trở về nhà.

Dịch Giả Cẩn Đề
Ghét với thương chi cũng khổ sầu
Ba người thân thuộc mãi lo âu
Xuất gia chẳng bứng điều ly biệt
Hoàn tục nào qua cuộc bể dâu.
Chánh Pháp an lành tu há dễ
Trần gian lẩn quẩn sống bao lâu
Cái vòng lẩn quẩn làm sao thoát.
Bốn Đế hành thâm, rõ nhiệm mầu.
DỨT TÍCH BỘ CHA – MẸ – CON XUẤT GIA

48

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app