Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển I – Phẩm Song Đối: Tích Trưởng Lão Cakkhupāla

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển I

Phẩm Song Đối

Tích trưởng lão Cakkhupāla

KỆ NGÔN: (Pháp Cú câu 01)

“Manopubbaṅgamā dhammā, Manoseṭṭhā manomayā; Manasā ce paduṭṭhena, Bhāsati vā karoti vā, Tato naṃ dukkham anveti, Cakkaṃ’va vahato padaṃ”.

“Tâm đi trước các Pháp,
Tâm chủ, duy tâm tác,
Nếu bằng tâm nhơ đục,
Nói năng hoặc hành vi,
Khổ sẽ theo người như,
Bánh xe chân bò giật”.

Kệ Pháp Cú này được thuyết tại đâu? Tại thành Sāvatthī (Xá Vệ). Nói về ai? –Về Trưởng lão Cakkhupāla (Đại đức Hộ (Mù) Nhãn).

Tương truyền rằng:
Thưở ấy, trong thành Sāvatthī có ông Trưởng lão tên là Mahāsuvaṇṇa (Đại Kim) là một bậc phú hào, gia tài đồ sộ, sự sản kinh dinh, nhưng lại hiếm muộn con cái. Một hôm, nhân dịp đi tắm ở bến tắm về, dọc đường ông gặp một cây Đại lâm thọ, tàng nhánh sum suê: “Trên cây nầy chắc có thọ thần oai linh ngự trị”. Nghe như thế, ông bèn thuê công dọn sạch chỗ gốc cây, khiến xây một vòng tường rào và cho trải cát bên trong, đoạn ông trần thiết cờ xí, trang hoàng cho cây đại thọ, rồi khấn vái rằng: “Xin cho tôi có được một đứa con, dầu trai hay gái tôi cũng sẽ làm đại lễ cúng tế Tôn thần”.

Nguyện xong ông lui gót về nhà. Rồi thì, không bao lâu vợ ông thọ thai, ông chăm lo thuốc thang cơm nước đầy đủ cho bà để bảo dưỡng thai nhi. Mười trăng vừa mãn, bà trổ sanh một mụn trai, ông Mahāsuvaṇṇa tin rằng: “Nhờ ta bảo hộ cây rừng, mới được đứa con cầu tự”. Nên ông
đặt cho nó là Pāla. Kế đó, bà lại sanh thêm một quý tử nữa, đứa con trai sau, phú ông đặt tên là Culla Pāla (Tiểu Hộ) và đứa trước ông kêu là Mahā Pāla (Đại Hộ) cho khỏi trùng nhau.

Khi hai trẻ lớn khôn, ông bà Mahāsuvaṇṇa lựa chỗ xứng đáng cho con kết mối duyên lành. Tháng ngày qua, lần lượt mẹ cha thành người thiên cổ. Tất cả gia sản được chia đồng đều cho hai anh em.

Thời bấy giờ, Đức Bổn Sư đã chuyển bánh xe Pháp bảo, sau khi tuần tự trải đi hoằng hóa nhiều nơi, Ngài tạm dừng bước du hành ngự đến an ngự tại Jetavana Mahāvihāra (Đại tự Jetavana), do nhà cự phú Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc) đã xuất của kho kiến tạo, phí tổn lên tới năm trăm bốn mươi triệu đồng vàng. Nơi đây Đức Phật đã khai thông con đường thiên giới và con đường Niết Bàn, tiếp độ vô số chúng sanh chứng đắc đạo quả. Đức Như Lai chỉ có lưu trú trong một mùa an cư (ba tháng mưa) tại ngôi chùa Nigrodha vốn là công trình của hai lần tám muôn quyến thuộc trong hoàng tộc Thích Ca (tám muôm bên họ ngoại và tám muôn bên họ nội). Thế mà, tại Đại Tự Jetavana của ông Anāthapiṇḍika, Ngài đã an cư mùa mưa tất cả là mười chín hạ và tại Pubbārāma (Đông Phương Tự) của bà Visākhā, xây cất với phí tổn là hai trăm bảy mươi triệu tiền vàng (27 koṭi), Ngài cũng đã an cư mùa mưa sáu hạ. Đó là nhờ công đức lớn lao của hai gia tộc nầy mà Đức Giáo Chủ đã ngự an cư trong khoảng thời gian hai mươi lăm năm gần thành Sāvatthī.

Ông Anāthapiṇḍika cũng như bà Visākhā đại tín nữ, hằng ngày đến hầu cận Đức Như Lai thường xuyên, mỗi ngày hai lượt và họ chẳng khi nào đến với tay không vì mỗi lần từ nhà ra đi hai người đều nhớ rằng: “Mấy vị Sa di nhỏ đang mong chờ ta đến dâng cúng (họ sẽ nhìn tay ta)”. Đi trước buổi ngọ, họ bảo gia nhơn cùng đi, mang theo vật thực loại cứng và loại mềm, đi sau bữa ngọ họ cho mang theo năm món thuốc ngừa bệnh (là bơ, sữa, mật, đường, dầu ăn) và tám thứ nước giải khát (nước cốt trái cây như nước trâm, xoài, chuối viết, thanh trà, thị, cam…). Còn tại nhà riêng của mỗi người luôn luôn lúc nào cũng dự bị sẵn sàng chỗ ngồi cho hai ngàn vị Tỳ khưu về phần cơm nước, thuốc men vị sư nào cần dùng món chi đều được cúng dường theo như ý muốn. Tuy nhiên, không có ngày nào mà ông Anāthapiṇḍika hỏi Đức Thầy một câu về đạo lý. Theo truyền ngôn thì sỡ dĩ ông không vấn đạo là vì ông quá tôn sùng ngưỡng mộ Đức Bổn Sư, ông tự nhủ: “Đức Như Lai là một vị Phật Chí Tôn, một vị Vương chí Thánh, thuộc dòng dõi quyền quý cao sang, nếu Ngài thấy ta hộ độ Ngài nhiều rồi thuyết pháp cho ta nghe, sợ e ngài phải hơi hao tốn sức”. Nhưng ông Anāthapiṇḍika vừa an tọa thì Đức Bổn Sư lại nghĩ rằng: “Trưởng giả này cứ lo gìn giữ cho Ta, ở chỗ mà Ta chẳng cần chi phải gìn giữ”, trải qua bốn A tăng kì (Asaṅkheyya) và một trăm ngàn đại kiếp (mahākappa) của quả địa cầu, Ta đã từng cắt thủ cấp khôi ngô tuấn tú của chính mình, Ta đã từng móc mắt Ta, Ta đa từng rứt thịt nơi quả tim Ta, Ta đã từng đoạn ly vợ con yêu dấu nhất đời mà Ta quý trọng chẳng khác nào mạng sống của tự thân Ta, nhất nguyện để hoàn thành hạnh Pāramī (Ba La Mật) ngõ hầu để có thể tuyên dương chánh pháp, phổ độ quần sanh. Cái ông này cứ lo gìn giữ cho Ta cái chỗ mà Ta chẳng cần chi phải gìn giữ”. Thế rồi Đức Bổn Sư thuyết ngay một thời pháp. Thưở ấy, thành Savatthi rất là phồn thịnh và đông đúc dân cư, sau khi nghe Đức
Thế Tôn thuyết pháp thì phần lớn nhập dòng Thánh vức, chứng bậc Thinh Văn (Sāvaka).

Chư Thánh cư sĩ Thinh Văn có hai phận sự: Buổi sáng thì lo để bát hộ chư Tăng, buổi chiều thì cụ bị lễ vật để đi nghe pháp. Khi đi, các vị ấy cầm hương hoa trên tay và dắt theo người để mang vải hoặc y, thuốc ngừa bệnh và nước giải khát. Một hôm, Trưởng giả Mahāpāla trông thấy các Thánh cư sĩ Thinh Văn đi chùa trên tay có cầm hương hoa, bèn hỏi: “Hàng đại chúng đi đâu mà đông vậy?”, có tiếng trả lời rằng: “Đi nghe thuyết pháp”.

– Tôi cũng đi nữa.

Nói xong, Trưởng giả nhập theo đoàn người đi chùa. Đến nơi đảnh lễ Đức Bổn Sư, rồi ngồi xuống một nơi sau cùng ngoài vòng cử tọa. Trước khi thuyết pháp, chư Phật luôn luôn quán xét căn cơ và trình độ của thính chúng rồi mới tùy nhân duyên mà giảng giải về pháp trọ trì Quy giới, hoặc pháp xuất gia chẳng hạn. Bởi thế ngày ấy Đức Giáo Chủ sau khi quán xét căn cơ trình độ của Trưởng giả Mahāpāla, Ngài đã thuyết bài pháp gọi là “Tuần tự pháp thoại” (Anupubbīkathā), nghĩa là ngài lần lượt giảng giải liên tục về năm pháp kế tiếp nhau từ bố thí, trì giới, các nhàn cảnh đến tội ngũ trần và phước báu của bậc xuất gia. Ngồi yên nghe pháp, Trưởng giả Mahāpāla ngẫm nghĩ: “Khi mình lìa đời đi sang thế giới bên kia, thì con trai con gái đều chẳng theo mình, nhà cửa ruộng vườn cũng đều bỏ lại, thậm chí xác thân cũng không còn làm bạn đồng hành, nào có ích chi mà ta mải miết đeo giai gánh nặng gia đình, ta phải xuất gia mới được”.

Đợi dứt thời pháp thoại, Trưởng giả đến gần Đức Bổn Sư và ngỏ lời cầu xin xuất gia nhập đạo. Khi ấy Đức Phật bèn hỏi:

– Ông có quyến thuộc nào để cần hỏi lại ý kiến (từ giã) không?
– Bạch Ngài! Con còn có đứa em trai!
– Vậy ông hãy về hỏi lại ý kiến của em ông đi.
– Dạ vâng.

Sau khi đảnh lễ tạm biệt Đức Phật, Trưởng giả Mahāpāla trở về nhà, cho mời Trưởng giả Cullapāla đến và bảo:

– Em à! Tất cả tài sản hữu thức và vô thức (gồm có tôi tớ và súc vật, động sản và bất động sản) trong nhà này anh giao hết cho em trọn quyền làm chủ.

– Còn anh thì sao? Thưa anh.

– Anh sẽ đến xuất gia với Đức Tôn Sư.

– Anh ơi, sao anh nói chi lời ấy, từ khi thân mẫu từ trần thì em sở cậy chỗ anh thay vào chỗ mẹ. Đến khi thân phụ quá cố thì em cũng nhờ nơi anh thế chỗ của cha. Vả lại anh là một bậc phú gia, của tiền thừa thải, anh cứ ở nhà mà làm việc phước đức cũng được, hà tất anh phải xuất gia như vậy.

– Em ơi! Anh vừa được nghe chánh pháp của Đức Tôn Sư, Ngài đã thuyết một thời pháp tuyệt diệu cả đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối, giải rành ba tướng mong manh (Saṇhasukhumaṃ) là Vô thường, Khổ não, Phi ngã khiến cho anh nghe qua ngán ngẩm sự đời, không thể tiếp tục ở nhà mà mong kiện toàn đạo hạnh cao siêu, cho nên anh phải xuất gia.

– Thưa hiện giờ anh cũng là thanh niên tráng kiện, xin hãy nán lại, chờ khi già cả rồi hãy xuất gia.

– Em à, con người khi già nua thì chắc chắn tay chân không còn tự chủ, không thể điều khiển theo như ý muốn của mình. Chính ngay bản thân hãy còn như vậy thay, huống hồ là gia nhơn quyến thuộc, bởi thế anh không làm theo lời khuyến dụ của em, trái lại anh sẽ đi ngay bây giờ để thực hành đầy đủ giới hạnh của bậc Sa môn.

“Jarājajjaritā honti,
Hatthapadā anassavā;
Yassa so vihatatthāmo,
Kathaṃ dhammaṃ carissati”.

“Tuổi già làm suy yếu,
Tay chân khó dạy biểu,
Người lực kiệt sức cùng,
Lấy chi hành pháp diệu”.

Sau bài kệ, Trưởng giả Mahāpāla nói tiếp:

– Này em! Chí anh đã quyết, dầu em có can gián cách nào, anh cũng quyết định xuất gia mà thôi.

Thế rồi, bỏ mặc người em kêu gào than khóc, trưởng giả Mahāpāla dứt tình ra đi, đến chỗ Đức Bổn Sư đang ngự và xin xuất gia nhập đạo nơi Ngài. Thọ Cụ túc giới xong, vị Tỳ Khưu mới phải ở chung cùng với các vị Đại Đức Tăng để học tập thu thúc trong thời gian năm hạ. Đến mãn hạ thứ năm, làm lễ Tự Tứ xong, Tỳ khưu Mahāpāla tìm đến Đức Bổn Sư đảnh lễ Ngài, rồi bạch hỏi rằng:

– Bạch Đức Tôn Sư! Trong tôn giáo của Ngài có bao nhiêu pháp chánh yếu cần phải hành trì?

– Này Tỳ khưu! Chỉ có hai pháp tất yếu mà thôi, đó là pháp học và pháp hành vậy.

– Bạch Ngài! Pháp học là sao và pháp hành là thế nào?

– Tùy theo trí tuệ của mình, học hỏi ôn nhuần một hay hai bộ kinh (Nikāya) hoặc toàn bộ Tam Tạng (Tipiṭaka) ghi chép Phật Ngôn, sau khi đã thành thuộc đem ra đọc tụng thuyết giảng để giáo hóa chúng sanh, đó gọi là Pháp học (Ganthadhura).

Còn như cam chịu sống cảnh thanh bần đạm bạc (Sallahukavutti) vui thích ở nơi vắng vẻ hẻo lánh (Pantasenāsanabhirata), ngày đêm hằng nhớ tưởng đến tánh chất vô thường dị diệt của bản ngã (Attabhavekkayaviya), rồi bền chí kiên gan, hành thiền đắc Tuệ Minh Sát để dứt trừ phiền não, để chứng bậc Vô sanh (Arahattagahana), đó gọi là pháp Hành (Vipassanādhura) vậy.

– Bạch hóa Tôn Sư! Đệ tử nay là kẻ cao niên xuất gia (Mahāllakakālepabbajita) không kham theo đuổi Pháp học cho đến ngày thành tựu hoàn toàn, còn Pháp hành thì đệ tử còn có thể làm cho kết quả mỹ mãn được. Cúi xin Tôn Sư truyền dạy đề mục (Kammaṭṭhāna) cho đệ tử.

Thể theo lời thỉnh cầu của Tỳ khưu Mahāpāla, Đức Bổn Sư đã truyền dạy cho thầy câu thoại đầu (đề mục) để niệm cho đắc quả Vô sanh (A La Hán). Sau khi đảnh lễ từ tạ Đức Tôn Sư, thầy đi tìm thêm được sáu mươi vị Tỳ khưu làm bạn đồng tu, rồi cùng nhau cất bước ra đi hành đạo, đi được quãng đường một trăm hai mươi do tuần (Visayojanasatamagga). Chư Sư đến một thị trấn nhỏ sát biên giới, Đại đức Mahāpāla hướng dẫn cả đoàn chư Tăng vào đó trì bình khất thực.
Dân chúng trông thấy chư vị Tỳ khưu đầy đủ oai nghi tế hạnh, nên phát sanh
lòng ngưỡng mộ. Họ bảo nhau sắp đặt chỗ ngồi thỉnh chư Tăng an tọa và dâng cúng vật thực ngon lành, xong mới hỏi rằng:

– Bạch chư Đại đức, chẳng hay các Ngài định đi đâu vậy?

– Này chư thiện nam! Chúng tôi đi tìm một chỗ tiện nghi thuận cảnh.

Nghe đáp như vậy, những vị trí thức trong nhóm người ấy tự nhiên là hiểu biết chư Tăng đang cần có chỗ để kiết hạ an cư, họ bèn thỉnh khéo rằng:

– Bạch Đại đức Tăng, nếu quý Ngài có thể lưu lại nơi đây nhập hạ ba tháng này, thì rất tiện bề cho chúng tôi là có được chỗ nương nhờ vững chắc để thọ trì Tam quy và Ngũ giới.

Chư Tăng cùng nghĩ: “Chúng ta nương nhờ các gia tộc nầy hộ độ, may ra có thể tu hành siêu xuất ba cõi được chăng?”. Thế nên quý Ngài nhận lời cầu thỉnh. Nhóm người ấy, sau khi được sự chấp nhận của chư Tăng, liền khởi công xây dựng một ngôi Tịnh xá kiến tạo các cơ sở cần thiết để chư Tăng tùy nghi sử dụng trong lúc ban ngày hoặc ban đêm (Rattitthanadivāthānāni), rồi dâng cúng tất cả đến chư Tăng, chư Tăng chỉ còn việc là hằng ngày ôm bát vào thị trấn nhỏ để khất thực mà thôi.

Sau khi ấy, có một vị y sĩ tìm đến Tịnh xá, hứa cung tụng chư Tăng về phương tiện trị liệu thuốc thang. Ông nói: “Bạch Đại đức Tăng! Chỗ nào người ở đông đảo thì không sao tránh khỏi phát sanh bệnh tật. Vậy nếu trong quý Ngài có vị nào đau yếu, xin hoan hỷ báo tin cho tôi biết, tôi nguyện sẽ tận tâm chữa trị và cúng dường thuốc men đến cho quý Ngài dùng”.

Ngài làm lễ nhập hạ an cư, Đại đức Mahāpāla hội các vị Tỳ khưu lại nói rằng:

– Này chư hiền hữu! Trong ba tháng hạ nầy, chư hiền hữu sẽ giữ mấy oai nghi?

– Bạch Ngài! Chúng tôi sẽ giữ hết bốn oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi).

– Nói thế có hợp không, hỡi chư hiền hữu? Chúng ta đương nhiên là chẳng buông lung giải đãi vì trước khi ra đến tận chỗ nầy, chúng ta đã trọ trì đề mục Minh sát từ nơi Đức Phật hiện thế và ân huệ của Đức đương kim Đại Giác, chẳng có thể hưởng được từ một thái độ lưng chừng. Trái lại ta phải có thái độ dứt khoát một lòng thiết tha vì đạo mới được, vả lại bốn khổ cảnh ác đạo hiện như đang hườm sẵn chờ người phóng dật, kẻ nào buông lung ắt sẽ về đó như về nhà của mình chẳng sai. Vậy chư hiền hữu hãy nên tinh cần dũng mãnh.

– Bạch Ngài! Còn Ngài thì sao?

– Về phần tôi, thì tôi nguyện sẽ giữ ba oai nghi, tôi sẽ không đặt lưng nằm xuống trong ba tháng hạ.

– Sadhu! Lành thay! Bạch Đại đức! Chúng tôi cầu chúc cho Ngài chuyên cần tinh tấn y như sở nguyện.

Cuối tháng thứ nhất, Đại đức Mahāpāla cảm thấy đôi mắt xốn xang vì sự bỏ ngủ. Qua tháng thứ hai Ngài bị đau mắt thật sự, từ hai khóe mắt nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng như hai vòi nước tuôn ra từ một cái lu nước lủng. Tuy vậy, Đại đức vẫn tiếp tục hành thiền Minh sát cả đêm thâu, mãi đến lúc mặt trời sắp rạng, Đại đức mới vào ngồi tịnh trong cốc.

Khi đến giờ đi bát, các Tỳ khưu đến thỉnh Đại đức:

– Bạch Ngài đã đến giờ đi khất thực.

– Thế thì chư hiền hữu cụ bị y bát sẵn sàng đi.

Nói rồi, Đại đức cũng tự mình đắp y mang bát ra đi, chừng ấy các Tỳ khưu mới nhận thấy hai mắt của Đại đức ràn rụa nước mắt bèn hỏi:

– Bạch Ngài! Ngài làm sao vậy?

– Này chư hiền hữu, tôi bị gió làm xốn mắt.

– Bạch Ngài! Vị y sĩ lúc nọ đã chẳng hứa lời giúp đỡ trị bệnh chư Tăng hay sao?

Để chúng tôi báo tin cho vị ấy biết.

– Phải đó, chư hiền hữu!

Chư Tỳ khưu báo tin cho vị y sĩ. Vị nầy liền chế một thứ thuốc dầu, gởi chư Tăng đem về dâng lên Đại đức Mahāpāla, Ngài vẫn giữ oai nghi ngồi mà nhỏ thuốc lên mũi. Nhỏ thuốc xong, Đại đức đi vào làng vị y sĩ trông thấy bèn hỏi:

– Bạch Đại đức, nghe nói Đại đức bị trúng gió đau mắt phải không?

– Phải đó ông thiện nam.

– Bạch Đại đức, thứ thuốc dầu của tôi chế để nhỏ lên mũi, tôi có gửi dâng Đại đức. Đại đức đã dùng qua chưa?

– Ta đã dùng rồi ông thiện nam.

Vị y sĩ nghĩ thầm: “Thứ thuốc của mình chế gởi dâng Đại đức, chỉ cần nhỏ qua một lần là đủ lành bệnh, nhưng nay Đại đức dùng rồi mà chưa hết bệnh là bởi cớ sao?”, rồi ông lên tiếng hỏi nữa rằng: “Bạch Đại đức chẳng hay Đại đức nằm hay ngồi mà nhỏ thuốc vậy?”.

Đại đức Mahāpāla làm thinh, mặc dù vị ấy lặp lại câu hỏi ấy nhiều lần, Ngài vẫn nín lặng không đáp.

Vị y sĩ tính thầm: “Để rồi mình sẽ đến Tịnh xá xem qua chỗ ngụ của Đại đức”.

Ông bèn nói: “Thôi vậy cũng được, xin Đại đức cứ đi”.

Sau khi tiễn chân Đại đức Mahāpāla vị y sĩ đi ngay đến Tịnh xá, xem xét chỗ ngụ của Đại đức, thì thấy có một chỗ đi kinh hành và một chỗ ngồi, còn chỗ nằm thì tuyệt nhiên không thấy đâu cả, ông lại hỏi: “Bạch Đại đức, lúc nhỏ thuốc đó Đại đức ngồi hay nằm?”. Đại đức làm thinh.

Thấy thế vị y sĩ khẩn đoán yêu cầu: “Bạch Đại đức, xin Đại đức đừng làm như vậy không nên. Một bậc Sa Môn cũng cần phải bảo dưỡng xác thân đầy đủ sức khỏe để mà hành đạo. Yêu cầu Đại đức hoan hỷ nằm xuống đặng nhỏ thuốc cho có hiệu quả”. Giây lâu, Đại đức mới đáp: “Thôi hiền hữu hãy về đi. Để ta bàn tính lại rồi sẽ quyết định”.

Ngay bấy giờ, Đại đức Mahāpāla không có gia đình quyến thuộc chỉ ở tại nơi ấy để cùng thảo luận hoặc thăm dò ý kiến. Vì thế Đại đức tự mình hỏi lấy mình rằng:

“Hỡi này Pāla hiền hữu, hãy nói cho ta biết hiền hữu xem đôi nhục nhãn của mình hay giáo pháp của Đức Giác Ngộ là đáng quý trọng hơn?”.
Và Đại đức cũng tự trả lời câu hỏi của mình như vầy: “Từ đời vô thủy dĩ lai, trải qua hằng hà sa số kiếp, chìm nổi trôi dạt trong biển luân hồi, hiền hữu vẫn sống mãi trong cảnh đui mù tăm tối. Trong khoảng thời gian ấy không thể đem kể xiết là bao nhiêu trăm Đức Phật, bao nhiêu ngàn Đức Đại Giác đã thành đạo chứng quả, còn kiến văn, tri thức của hiền hữu không đủ bao trùm thời kì của một Đức Phật trong số chư
Phật quá khứ, bây giờ đây hiền hữu đã phát nguyện: “Trong hạ kỳ nầy! Ta sẽ ngăn oai nghi nằm suốt cả ba tháng”. Vậy thì dù cho đôi mắt của hiền hữu có đui mù hư hoại đi chăng nữa cũng mặt kệ cho nó đui mù hư hoại. Hiền hữu chỉ cần kiên trì Giáp pháp của Đức Đại Giác mà thôi”.

Rồi như để dạy bảo thân xác mình. Đại đức ngâm lên mấy câu kệ:

“Cakkhūni hāyantu mamāyitāni,
Sotāni hāyantu tatheva kāyo;
Sabbampidaṃ hāyatu dehanissitaṃ,
Kiṃ kāraṇā pālita tvaṃ pamajjasi”.

“Cakkhūni jīrantu mamāyitāni,
Sotāni jīrantu tatheva kāyo;
Sabbampidaṃ hāyatu dehanissitaṃ,
Kiṃ kāraṇā pālita tvaṃ pamajjasi”.

“Cakkhūni bhijjantu mamāyitāni,
Sotāni bhijjantu tatheva kāyo;
Sabbampidaṃ hāyatu dehanissitaṃ,
Kiṃ kāraṇā pālita tvaṃ pamajjasi”.

“Mắt ta dù có đui mù,
Tai ta dù điếc, thân dầu bất an.
Trong thân tất cả cơ quan,
Dầu tê liệt hết, há màng chi sao.
Hộ ơi! Đừng vịn cớ nào?
Buông lơi mối đạo, lãng xao Pháp hành”.

“Mắt ta dầu có quáng manh,
Tai ta dầu nặng, thân đành bất an.

Trong thân tất cả cơ quan,
Dầu hư hoại hết, há màng chi sao!
Hộ ơi! Đừng vị cớ nào?
Buông lơi mối đạo, lãng xao Pháp hành”.

“Mắt ta dầu có tan tành,
Tai ta dầu lủng, thân đành bất an.
Trong thân tất cả cơ quan,
Dầu tiêu tán hết há màng chi sao!
Hộ ơi! Đừng vị cớ nào?
Buông lơi mối đạo, lãng xao Pháp hành”.

Ngâm bài kệ dài ba kệ khúc để tự huấn dụ lấy mình xong. Đại đức Mahāpāla vẫn giữ oai nghi ngồi như trước, lấy thuốc nhỏ lên mũi, rồi đi vào làng khất thực. Vị y sĩ trông thấy Ngài bèn hỏi:

– Bạch Đại đức! Hôm nay Đại đức có nhỏ thuốc lên mũi không?
– Có rồi! Ông thiện nam.
– Vậy bây giờ Đại đức thấy thế nào?
– Vẫn còn đau nhức như cũ, ông thiện nam.
– Sao thế? Đại đức nằm xuống hay cũng vẫn ngồi mà nhỏ thuốc?

Đến đây Đại đức Mahāpāla làm thinh, dầu cho vị y sĩ có hỏi đi hỏi lại nhiều lần, Ngài cũng chẳng thốt ra một lời để đối đáp. Khi ấy vị y sĩ nói:
– Đại đức đã không cần làm cho mình được tiện nghi thoải mái thì thôi, nhưng tôi yêu cầu Đại đức từ nay về sau đừng nói với ai là: “Có ông thầy đó đã chế thuốc trị bệnh cho ta và tôi cũng chẳng nhìn nhận là đã chế thuốc trị bệnh cho Đại đức”.

Đại đức bèn đáp:
– Ta sẽ không nói thế đâu.

Bị vị y sĩ chạy bịnh không chịu cứu chữa, Đại đức trở về Tịnh xá, lòng tự nhủ rằng: “Này ông Sa môn ơi! Thầy thuốc đó bỏ rơi ông thì bỏ, chứ ông đừng bỏ rơi hạnh nguyện của mình nhé”.

Ngài lại sướng lên bốn câu kệ:
“Paṭikkhitto tikicchāya,
Vejjenāpi vivajjito;
Niyato maccurājassa,
Kiṃ pālita pamajjasi?”.

“Diệu dược vô phương chữa trị rồi,
Lương y bất lực cũng đành lui,
Giờ đây có nước chờ Diêm Chúa,
Hộ hỡi làm sao dám dễ duôi?”.

Sau bài kệ tự huấn ấy, Đại đức thu thúc hành Sa môn pháp một cách rốt ráo. Đến cuối canh giữa đêm ấy không trước không sau, thì hai mắt của Ngài vĩnh biệt ánh sáng, nhưng đồng thời tâm của Ngài cũng đoạn ly tất cả tiềm miên phiền não. Ngài hưởng thụ nguồn an vui tự tại trong sự giác ngộ nội tâm của quả vị A La Hán, rồi vào ngồi trong tịnh thất.

Đến giờ đi bát, chư tăng đến thỉnh:

– Bạch Ngài! Đã đến giờ đi khất thực.
– Tới giờ rồi sao chư hiền hữu?
– Dạ, bạch Ngài đã tới giờ rồi.
– Nếu vậy chư hiền hữu hãy đi đi.
– Dạ! Còn Ngài thì sao? Bạch Ngài.
– Mắt ta (hỏng mất) hết thấy đường rồi chư hiền hữu.

Các Tỳ khưu sau khi nhìn thấy đôi mắt mù của Đại đức Mahāpāla, cả thảy đều động lòng, quanh tròng lệ ứa, đồng tỏ lời an ủi rằng: “Bạch Ngài! Xin Ngài đừng bận tâm lo nghĩ chi nhiều, đã có chúng tôi chăm lo cho Ngài đàng hoàng tử tế”.

Kế đó, sau khi thi hành mọi việc cần thiết thuộc về phận sự của mình, chư Tăng vào làng đi bát, không trông thấy vị Đại đức, nhiều người bèn hỏi chư Tăng: “Bạch chư Đại đức! Ngài Cả của chúng tôi đâu? Không thấy đi đây?”. Khi được nghe câu chuyện rõ ràng, họ gởi cháo nhờ chư Tăng đem về trước dâng lên Đại đức điểm tâm. Phần họ đích thân dự bị cơm nước đem theo để bát. Đến Tịnh xá họ đảnh lễ Đại đức, rồi nằm lăn xuống đất bên chân Ngài mà khóc lóc thở than.

Một lát sau, trước khi từ tạ ra về, họ an ủi Đại đức rằng: “Chúng tôi hứa chắc chắn sẽ chu cấp, phụng dưỡng Đại đức tới cùng, xin Đại đức cứ an tâm đừng lo nghĩ”. Từ đó trở đi, mỗi ngày họ đều gởi cháo, cơm, vật thực đến Tịnh xá đều đều không khi nào ngớt.

Đại đức Mahāpāla vẫn thường khuyên bảo nhắc nhở các bạn đồng đạo và chư Tỳ khưu cũng biết phục thiện, tinh tấn thực hành theo lời chỉ dạy của vị trưởng đoàn một cách rốt ráo, cho đến kì Tự Tứ sau đó, tất cả sáu mươi vị Thiền Sư cũng đều đắc quả A La Hán với Tuệ phân tích.
Sau lễ ra hạ, chư Tỳ khưu muốn về hội kiến với Đức Bổn sư, nên bạch xin với Đại đức:

– Bạch Ngài! Chúng tôi muốn về yết kiến Đức Thế Tôn.

Khi nghe chư Tăng ngỏ ý như vậy, Đại đức Mahāpāla suy nghĩ: “Ta nay mù lòa yếu đuối, đường xa lại trắc trở gian nan, phải xuyên qua truông rậm rừng hoang đầy rẫy phi nhơn ác quỷ. Nếu ta đi chung với chư Tăng thì cả đoàn đều khó mỏi, còn e một nỗi không thể đi bát kiếm được món ăn. Chi bằng Ta hãy để cho chư Tăng đi về trước là hơn”.

Đại đức ứng tiếng bảo chư Tỳ khưu:

– Nầy chư hiền hữu, các bạn hãy về trước đi.

– Còn phần Ngài thì sao? Bạch Ngài.

– Ta nay yếu đuối, đường xa lại trắc trở gian nan, phải xuyên qua truông rậm rừng hoang có nhiều phi nhơn trấn thủ, nếu ta cùng đi với chư hiền hữu thì càng gây thêm trở ngại và làm chậm trễ cuộc hành trình, thôi chư hiền hữu cứ tự tiện về trước đi.

– Bạch Ngài! Xin Ngài đừng làm vậy, dầu sao chúng tôi cũng quyết sẽ về một lượt với Ngài mà thôi.

– Nầy chư hiền hữu! Không nên cố nài ép làm như thế thật ta chẳng hài lòng. Khi nào gặp mặt chư hiền hữu, đứa em trai của ta có hỏi về ta thì xin quý vị hãy hoan hỷ báo tin cho chú nó biết là ta đã bị mù đôi mắt, chắc chắn chú nó sẽ cho người đến đón ta về. Chư hiền hữu cho ta gởi lời đảnh lễ Đức Thập Lực (Đức Phật) với tám mươi vị Đại đức Trưởng lão Chưởng quán Giáo Hội Tăng Già. Sau khi dặn dò, Đại đức thốt lời tiễn biệt, chư Tỳ khưu đồng thanh sám hối vì đã nài ép Ngài, rồi cùng nhau đi vào làng. Chư thiện tín thỉnh chư Tăng an tọa, cúng dường cơm nước như thường lệ, rồi mới hỏi rằng:

– Bạch Đại đức Tăng! Hôm nay quý Ngài sửa soạn đi đâu? Có thể cho chúng tôi biết được chăng?

– Nầy chư thiện tín! Chư Tăng chúng tôi sắp về yết kiến Đức Bổ Sư.

Nhóm thiện tín lúc ấy nài nỉ cầm cọng nhiều phen, đến khi biết rõ chư Tăng nhất định ra đi, thì cầm lòng không đậu, khóc lóc bịn rịn, theo tiễn chân chư Tăng hai dặm đường mới chịu trở lại.

Chư Tăng đi bộ lần hồi về đến Jetavana vào ra mắt Đức Bổn Sư và Bát thập đại Trưỡng lão để đảnh lễ và chuyển lời xin đảnh lễ của vị Đại đức Mahāpāla. Hôm sau, lúc đi bát chư Tỳ khưu nhắm ngay con đường có ngôi nhà của vị em trai Đại đức mà đi tới. Trưởng giả Cullapāla nhận ra các vị Tỳ khưu quen thuộc thì niềm nỡ chào mừng, trải chiếu mời thỉnh chư Tăng an tọa, xong mới hỏi rằng:

– Sư huynh của đệ tử hiện giờ ở đâu?

Lúc đó chư Tăng tường thuật mọi điều khúc chiết, khiến cho Trưởng giả Cullapāla nghe qua, nhào lăn bên chân các sư mà khóc lóc thở than, giây lâu mới hỏi tiếp rằng: “Bạch quý Sư huynh! Bây giờ đệ tử phải làm sao đây?”.

– Đại đức mong ước ông gửi đến cho Ngài một người, để Ngài theo chân người ấy trở về.

– Bạch quý Sư huynh! Đây là thằng Tế Hộ, đứa cháu ruột kêu đệ tử bằng cậu.

Quý Sư huynh hãy sai nó đi đi.

– Cho đi như thế không được đâu? Vì lộ trình nguy khổ lắm, phải cho nó xuất gia trước rồi hãy sai nó đi.

– Bạch quý Sư huynh! Xin quý Sư huynh hãy làm như vậy rồi sai nó đi.

Khi ấy, chư Tăng làm lễ Sa di cho Tế Hộ, giữ ông lại trong nữa tháng để kềm tập những oai nghi thường thức, nhất là tập cách đắp y cho đàng hoàng, xong rồi chỉ vẽ đường đi nước bước và cầu chúc cho vị tu sĩ thiếu niên thượng lộ bình an. Sa di Tế Hộ ra đi một mình, lần hồi đến nơi trị trấn nhỏ ở sát biên giới. Tại cổng làng, Tế hộ gặp một vị bô lão, bèn đón lại hỏi thăm:

– Kính thưa lão trượng! Gần thôn trang này có ngôi Thiền lâm Tịnh xá nào chăng?

– Bạch sư có.

– Vị Đại sư nào trụ trì ở nơi đó, thưa lão trượng?

– Có một vị Đại đức tên là Mahāpāla hiện trụ nơi đó, bạch Sư.

– Xin lão trượng hoan hỷ chỉ đường cho tôi đến đó.

– Bạch Sư, Sư là ai?

– Thưa lão trượng! Tôi là cháu ruột kêu vị Đại đức đó bằng cậu.

Khi ấy vị bô lão dẫn đường đưa vị Sư trẻ đến nơi Tịnh xá.

Sau khi đảnh lễ vấn an Đại đức Mahāpāla, Sa di Tế Hộ ở luôn nơi Tịnh xá nữa tháng, chăm lo quán xuyến các việc lớn nhỏ, giúp đỡ tay chân cho vị Sư mù, hết lòng phụng dưỡng người cậu tật nguyền của mình một cách chu đáo, sau đó ông bạch với Đại đức: “Bạch Sư cửu. Cậu Cullapāla ở nhà, hiện đang mong chờ Sư cửu! Xin thỉnh Sư cửu đi về với con”.

– Thế thì con hãy cầm gậy dắt ta đi.

Vị Sư trẻ nắm lấy một đầu gậy, cùng vị Đại đức đi vào trung tâm thị trấn nhỏ, nhóm thiện tín đón rước, mời ngồi đoạn hỏi Đại đức: “Bạch Đại đức! Đại đức sửa soạn đi đâu, có thể cho chúng tôi biết được chăng?”.

– Được lắm. Nầy chư thiện tín, ta hôm nay đi về đảnh lễ Đức Tôn Sư.

Chư thiện tín thỉnh cầu Đại đức ở lại, đến năm lần bảy lượt cũng không được. Họ bèn theo tiễn chân, đưa một đỗi đường, đến lúc cáo từ lui gót, họ còn ngậm ngùi lưu luyến, mắt lệ chứa chan. Vị Sa di tay vẫn không rời gậy, dắt vị Đại đức tiếp tục cuộc hành trình. Đi đến một thôn trang ở ven rừng tên là Katthanagara (Mộc Thanh), gần nơi đó Ngài có tịnh cư một lúc trước.

Vừa ra khỏi làng, bỗng nghe trong rừng vọng ra tiếng hát của một người đàn bà (itthī) đang mót củi, vị Sư trẻ phát động tình xuân, luyến ái tiếng hát của người phụ nữ.

(Nói về năng lực làm cho toàn thân của người nam xao xuyến mê ly thì không có thứ âm thanh nào mãnh liệt cho bằng tiếng hát ru hồn của người phụ nữ). Cho nên Đức Thế Tôn đã có lần khuyến cáo:

“Nāhaṃ, bhikkhave aññaṃ ekasaddampi samanupassāmi yaṃ evaṃ purisassa cittaṃ pariyādāya tiṭṭhati, yathayidaṃ, bhikkhave, itthisaddo’ti”(1).

“Nầy các Tỳ khưu! Như Lai biết chắc là không hề có một thứ thinh âm nào khác có năng lực chiếm đoạt trọn vẹn quả tim của một người nam, ngoài thứ thinh âm nầy: Đó là âm thinh (tiếng nói) của người nữ vậy”.

Mê mẩn vì giọng hò tiếng hát ấy, vị Sa di buông rơi đầu gậy vừa bạch với vị Đại đức rằng: “Xin Sư cứ đứng đây chờ, con đi có chút việc…”. Nói đoạn ông ta đi ngay đến chỗ người nữ, cô này ngưng ngang tiếng hát khi thấy ông Sa di và ông ta phá giới, làm hư phạm hạnh với người phụ nữ ấy.

Vị Đại đức đứng một mình suy nghĩ: “Ta vừa mới nghe tiếng hát véo von rõ ràng là tiếng phụ nữ, sao bây giờ im bặt lặng thinh. Chắc ông Sa di này đã làm hư hỏng phạm hạnh”.

Sau khi xong việc tư riêng, Tế Hộ trở lại bạch với Đại đức:

– Bây giờ mình lên đường đi Sư cửu.

Khi ấy Đại đức mới hỏi: “Nầy ông Sa di, ông đã làm chuyện tội lỗi rồi phải không?”.

Vị Sa di nín thinh, dầu bị cật vật nhiều lần vẫn không đáp lời chi cả. Vị Đại đức bèn nói:

– Kẻ phạm tội như ông, không bao giờ ta cho nắm giữ gậy của ta.

Vị Sa di trẻ kinh hoàng hối hận, liền cởi xả bộ y vàng, mặc lại bộ đồ của hàng cư sĩ. Rồi ông nói:

– Bạch Sư cửu! Khi trước con là một Sa di, nhưng bây giờ con đã xả giới hoàn tục (gihījāto), con chỉ miễn cưỡng xuất gia vì đã e ngại đường xá hiểm trở, chớ thật  lòng con không có ý muốn đi tu luôn. Thôi bây giờ cậu cháu mình hãy đi ra khỏi chốn này.

– Ông bạn (āvuso) cứ đi, Đại đức nói: Hễ kẻ nào làm tội thì đã là kẻ phạm tội, dù là cư sĩ hay bậc xuất gia cũng vậy. Khi còn là Sa di ông đã không giữ tròn phạm hạnh, bây giờ hoàn tục ông sẽ làm được việc thiện gì sao? Một kẻ tội phạm như ông, không bao giờ ta cho nắm giữ gậy của ta.

– Bạch Sư cửu! Đoạn đường này có nhiều phi nhơn khuấy nhiễu mà Sư cửu lại mù lòa, làm sao ở lại nơi đây một mình cho được.

Khi ấy Đại đức đáp:

– Nầy ông bạn, ông chớ lo chi điều ấy. Ta sẽ nằm đây chờ chết, hoặc đi lang thang một mình đây đó cũng mặc kệ ta, còn đi chung với ông nữa, chuyện đấy chắc chắn không thể đâu đừng hòng…

Ngẫu hứng Đại đức tiếp ngâm luôn mấy câu kệ rằng:

“Handāhaṃ hatacakkhusmi,
Kantāraddhānamāgato;
Seyyamāno na gacchāmi,
Natthi bāle sahāyatā”.
Handāhaṃ hatacakkhusmi,
Kantāraddhānamāgato;
Marissāmi no gamissāmi,
Natthi bāle sahāyatā”.

“Than ôi mắt đã bị mù!
Đường còn xa vắng âm u lạnh lùng.
Thà nằm giữa chốn mông lung,
Quyết không kết bạn, đi cùng đứa ngu”.
Than ôi mắt đã bị mù!
Đường còn xa vắng âm u lạnh lùng.
Đành liều thân, chịu mạng chung,
Quyết không kết bạn, đi cùng đứa ngu”.

Nghe qua bài kệ, Tế Hộ càng thêm kinh hoàng, hối hận kêu lớn mấy tiếng: “Hỡi ơi! Việc quấy rầy của ta làm, quả thật nặng nề ác liệt”. Rồi tự ôm chầm lấy hai vai, chàng khóc than rên rỉ và đi tuốt vô rừng biệt dạng. Khi ấy, trên cung trời Đao lợi, Đích Thiên Vương Đế Thích (Sakka) đang ngự trên chiếc ngai bằng thạch anh vàng, có màu tươi như hoa hồng nhung (jayasumana), có thể tự động hạ xuống hay vươn lên tùy lúc đức vua Trời ngồi hay đứng. Chiếc ngai ấy bị ảnh hưởng oai lực giới đức cao độ của Đại đức nên bỗng nhiên phát nhiệt. Đức Đế Thích nói thầm: “Kẻ nào muốn truất ngôi của ta đây kìa”. Đoạn Ngài dùng Thiên nhãn (Dibbacakkhu) quan sát thấy vị Đại Đức.

Người xưa (Porāṇā) có bài thơ vịnh rằng:
“Sahassanetto devindo,
Dibbacakkhuṃ visodhayi;
Pāpagarahī ayaṃ Pālo,
Ājīvaṃ parisodhayi”.
Sahassanetto devindo,
Dibbacakkhuṃ visodhayi;
Dhammagaruko ayaṃ Pālo,
Nisinno sāsane ratoti”.

“Vua trời ngàn con mắt,
Giữ “mắt thần” trong sạch.
Thánh Hộ lánh tội tình,
Sống đời tu khiết bạch”
Chúa Trời ngàn con mắt,
Gìn Thiên nhãn trong sạch.
Sư Hộ trong giáo điều,
Vui đạo ngồi tự đắc”.


Khi ấy, Đức Đế Thích nghĩ thầm: “Nếu ta bỏ qua không tiếp độ một người có tâm trong sạch, biết ghê sợ tội lỗi, tôn trọng giới luật như vị Sư nầy, chắc có lẽ đầu ta nứt bể thành bảy mảnh. Ta phải xuống đó giúp người mới được”. Thế rồi:

“Sahassanetto devindo,
Devarajjasirindharo;
Taṅkhaṇena āgantvāna,
Cakkhupālaṃ upāgami”.

“Ngọc Đế ngàn con mắt,
Cao sang nhất cõi trời.
Phút chốc đến tận nơi
Sư Hộ mù đôi mắt”.

Khi đáp xuống cách chỗ Đại Đức Mahāpāla không xa, Đức Đế Thích nhấn mạnh bước chân cho nghe tiếng xào xạc. Đại Đức bèn hỏi: “Ai đó?”.

– Bạch Ngài! Tôi đây, tôi là một khách lữ hành.
– Ông thiện nam! Ông đi đâu vậy?
– Bạch ngài! Tôi về thành Sāvatthī.
– À thôi! Ông bạn đi đi.
– Bạch Ngài! Còn Ngài đi đâu?
– Ta cũng sẽ về nơi đó.
– Nếu vậy thì tiện quá. Bạch Ngài, ta hãy cùng đi một lượt cho vui.
– Ta yếu đuối, đi chung với ta sẽ trở ngại, phiền phức cho hiền hữu lắm.
– Bạch Ngài! Không sao, tôi đi đây không có chuyện gì cần kíp. Vả lại, cùng đi với Ngài tôi có thể thực thi phần nào trong mười việc thiện để bòn chút phước báu, thôi ta hãy cùng nhau lên đường. Đại Đức Mahāpāla tự nghĩ:

“Ông này chắc là một nhà hảo tâm quân tử chẳng sai”.

Rồi Ngài nói:

– Vậy thì, ông thiện nam, hãy cầm lấy một đầu gậy của ta. Đức Đế Thích vâng lời vị Đại Đức, rồi dùng phép thu đất, rút ngắn con đường,
cho nên sáng hôm sau hai khách lữ hành đã đến Đại Tự Jetavana. Khi nghe tiếng cồng, tiếng sáo rộn rã, Đại Đức hỏi Đế Thích:

– Đây là đâu mà nghe tiếng tiêu thiều nhạc trỗi dậy?
– Bạch ngài! Đây đã tới thành Sāvatthi.
– Ủa! Sao lúc trước ta đi với chư Tỳ khưu lâu lắm mới tới đây mà.
– Dạ! Tại vì tôi biết một lối đi tắt đó, bạch Ngài.

Ngay lúc ấy, hốt nhiên Đại Đức tự hiểu biết rằng: “Ông này không phải là người ta, chắc có lẽ là một vị Chư Thiên”.

Quả thật:
“Sahassanetto devindo,
Devarajjasirindharo;
Saṅkhipitvāna taṃ maggaṃ,
Khippaṃ Sāvatthimāgami”.

“Ngọc Đế ngàn con mắt,
Cao sang nhất cõi Trời.
Thâu đường ngàn dặm khơi,
Đến Vệ Thành tức khắc”.

Đức vua Trời dẫn vị Đại Đức đến cốc lá của Trưởng giả Cullapāla đã cất riêng cho anh mình về ở tịnh. Dìu Đại đức ngồi xuống một cái đôn, rồi biến hình hóa ra một người bạn thân thiết của Trưởng giả Cullapāla, đến trước và ông kêu lớn:

– Bạn Cullapāla ơi!
– Chuyện chi đó bạn?
– Bạn có biết tin Đại đức đã về đây chưa?
– Chưa biết, nhưng có phải thật Đại đức đã về đây không?
– Thật mà! Chính tôi vừa đến Tịnh xá, thấy Đại đức ngồi ngoài cái cốc lá mà bạn cất cho ngài, kế về qua đây.

Nói rồi, Đức Đế Thích đi luôn. Trưởng giả Cullapāla đi đến Tịnh xá, gặp mặt Đại đức Mahāpāla thì nữa mừng nữa tủi, nằm lăn xuống đất bên chân Đại đức mà khóc nức nở cà nói:

– Trước kia em đã hết sức cấm cản mà Ngài không nghe, để bây giờ chịu khổ như vậy.

Sau những lời hàn thuyên an ủi của người anh bất hạnh của mình, Trưởng giả về nhà chọn lựa hai đứa tiểu đồng, đưa đến cho xuất gia Sa di làm đệ tử của Đại đức, rồi giao phó cho chúng phận sự trông nom, phục dịch thầy Tế Độ và dặn thêm rằng:

Hai Sư mỗi ngày đi bát, thọ lãnh cháo cơm vật thực đem về dâng lên Đại đức nghe!

Hai vị Sa di nhỏ vâng lời, chăm lo tất cả mọi việc trong tịnh thất và hộ độ Đại đức rất chu đáo. Một ngày kia, có nhóm Tỳ khưu ở phương xa về Jetavana để yết kiến Đức Bổn Sư về đến nơi đảnh lễ Đức Thầy và ra mắt tám mươi vị Đại Trưởng lão xong, chư Tăng cùng nhau đi tản bộ trong vòng Tịnh xá, gần đến tịnh thất của Đại đức Mahāpāla, chư Tăng rủ nhau: “Chiều nay ta cũng nên đến thăm Đại đức một chút”.

Nhưng chiều tối, lúc chư Tăng sắp sửa đi thăm Đại đức thì trời vần vũ, mưa to gió lớn nổi lên khiến chư tăng phải quay trở lại và hẹn nhau: “Bây giờ trời đã tối, mà mưa bão tới nơi rồi, thôi để mai sáng chúng ta hãy đi thăm Đại đức”.

Mua tuôn xối xả từ canh đầu đến canh giữa mới tạnh.

Đại đức Mahāpāla bản tánh chuyên cần tinh tấn, năng đi kinh hành nên đến canh cuối đã xuống chỗ kinh hành, không ngờ lúc ấy từ dưới lòng đất ướt lạnh vì trận mưa đầu hôm, mấy con mối cánh chúng lên cả đàn cả lũ, vị Đại đức đi đi lại lại đạp chết rất nhiều. Hai ông Sa di chưa kịp quét dọn chỗ Đại đức kinh hành ấy. Khi các khách Tăng đến viếng chỗ ngụ, thấy xác mối mới chết còn nằm la liệt trên đường kinh hành,
bèn hỏi:

– Ai vừa mới đi trên đường nầy vậy?

– Bạch chư Đại đức, đó là Đại đức thầy của chúng tôi. – Hai vị Sa di đáp.

Chư Tăng bất mãn, buông lời phiền trách rằng: “Chư hiền hữu hãy coi! Hành vi của ông Sa môn này, khi còn sáng mắt ông ta cứ nằm mãi không làm chi hết, để bây giờ với đôi mắt mù, ông ta lại tính “Ta đi kinh hành”, rồi sát hại bấy nhiêu chúng sanh đó. Miệng ông ta nói: “Ta sẽ hành động đúng đắn, lợi ích”, nhưng việc làm của ông ta thì không đúng đắn, lợi ích chút nào!”.

Thế rồi, chư Tăng đem chuyện này bạch Đức Như lai:

– Bạch Ngài! Đại đức Mahāpāla tính thầm: “Ta sẽ đi kinh hành”, rồi giết rất nhiều chúng sanh.

– Chính mắt các ông có thấy ông ta giết chết những chúng sanh ấy hay không?

– Bạch Ngài! Chúng con không thấy.

– Các ông không thấy ông ta như thế nào, thì ông ta cũng không trông thấy những chúng sanh kia như thế ấy. Nầy các Tỳ khưu, các bậc đã dứt trừ lậu hoặc không còn tác ý sát sanh.

– Bạch Ngài! Đại đức Mahāpāla có đầy đủ căn lành để đắc quả A La Hán như thế, tại sao còn phải chịu mù?

– Nầy các Tỳ khưu! Đó là tiền nghiệp bất thiện của ông ta vậy!

– Bạch Ngài! Chẳng hay Đại đức tã tạo nghiệp gì?

– Nầy các Tỳ khưu! Các ông hãy lắng nghe đây:

Thời quá khứ, dưới triều của quốc vương Bārāṇasī (Ba La Nại) đang trị vì tại thành Bārāṇasī, có một ông y sĩ du phương, trải đi khắp nơi trong xứ, từ thành thị đến thôn quê, để hành nghề nuôi mạng, khi gặp một phụ nữ đau mắt, ông ta hỏi:

– Bà chị có bệnh phải không?
– Dạ! Mắt tôi đau không thấy đường.
– Đâu đưa tôi xem thử.
– Dạ đây! Thầy coi liệu chưa trị được không?
– Nếu tôi trị hết bệnh, bà chị trả công thuốc cho tôi bao nhiêu?
– Dạ! Nếu thầy làm sao cho mắt tôi sáng lại như thường, tôi tình nguyện đưa cả con gái đến làm tôi mọi cho thầy suốt đời.

– Được lắm.

Nói rồi, y sĩ lo chế thuốc nhỏ mắt trao cho phụ nữ ấy, chỉ nhỏ có một lần thuốc, mắt bà ta đã thấy rõ lại như thường, nhưng bà ta suy tính ngấm ngầm: “Mình trót hứa đem gả con gái đến làm tôi đòi cho ông thầy thuốc, nhưng e rồi đây thế nào ông ta cũng nặng nhẹ khó dễ, hành hạ mẹ con mình, chi bằng kiếm lời tráo trỡ dối gạt ông ta là hơn”.

Vì thế, lúc y sĩ đến nhà hỏi thăm bệnh tình: “Mắt bà chị hôm nay ra sao?”.

Phụ nữ ấy đáp: “Lúc trước chỉ hơi đau sơ sơ chút ít thôi, còn bây giờ thì nhức nhối quá chừng quá đổi”.

Vị y sĩ nghĩ thầm: “Mụ này muốn gạt ta để quỵt số tiền công thuốc của ta đây. Ta chẳng cần đòi số tiền thù lao của mụ, nhưng ta sẽ làm cho hai mắt của mụ mù luôn cho hết nói dối”.

Ông y sĩ về nhà, có thuật lại câu chuyện trên đây cho vợ nghe, nhưng vợ ông ta làm thinh không phát biểu ý kiến gì cả. Ông bèn chế ra mọt thứ thuốc có sức công phạt rất mạnh, đi ngay đến nhà phụ nữ nói dối, giục thúc rằng: “Bà chị hãy nhỏ thứ thuốc này liền bây giờ đi”.

Nhỏ thuốc vừa xong, hai con mắt của phụ nữ tắt lịm ánh sáng, y như ngọn đèn hết dầu. Ông thầy thuốc có dã tâm ấy là Tỳ khưu Cakkhupāla hiện nay vậy. Nầy các Tỳ khưu! Nghiệp ác chưa trả quả vẫn đeo đuổi con của Như Lai mãi cho đến hết kiếp này. Vì nghiệp ác luôn luôn theo đuổi theo kẻ làm ác, y như bánh xe theo sát gót chân con bò kéo xe vậy.

Sau khi chấm dứt câu chuyện tiền khiên, chĩ rõ mối tương quan chặt chẽ giữa nhân và quả, Đức Chánh Pháp Vương xướng lên bài kệ như sau đây, chẳng khác gì một vị Hoàng Đế đóng ấn Ngọc tỷ lên trên chỗ đất xi (patitthapitamattika) để niêm phong một bức cẩm nang từ Thánh chỉ:

“Manopubbaṅgamā dhammā,
Manoseṭṭhā manomayā;
Manasā ce paduṭṭhena,
Bhāsati vā karoti vā;
Tato naṃ dukkham anveti,
Cakkaṃ’va vahato padaṃ”.

“Tâm đi trước thọ, tưởng, hành,
Tâm là chủ pháp, tâm thành nghiệp duyên.
Ai mà tâm dục (chẳng hiên),
Nói làm chi cũng lụy phiền theo sau.
Chân con vật kéo nơi nào,
Bánh xe lăn cũng theo sau đành rành”.

CHÚ GIẢI:
Tâm(1) đi trước(2) các pháp(3),
Tâm chủ
(4) duy tâm tác(5);
Nếu bằng tâm nhơ đục
(6),
Nói năng hoặc hành vi
(7),
Khổ sẽ theo người
(8) như,
Bánh xe chân bò giật
(9).

(1) Tâm hay ý (mano) trong kệ ngôn nầy chính là tâm (citta) trong Thắng Pháp tập yếu (Abhidhammatthasaṅgaha), theo đó phân loại thì có Tứ địa tâm (Catubbhūmikacitta), là tâm trong bốn giới, nhất là Dục giới bất thiện tâm (Kāmāvacara-akusalacitta) nếu y cứ theo tâm của vị y sĩ, phát sanh lên trong lúc tạo nghiệp ác mà định nghĩa cho phân minh chính xác, thì chữ tâm trong câu Pháp Cú nầy là tâm Câu hữu ưu tương ưng hận (domanassasahagataṃ paṭighasampayuttacittaṃ).

(2) Đi trước (pubbaṅgamā), nghĩa là dẫn đầu và đi chung một thể.

(3) Các pháp (Dhammā), căn cứ trên đặc tánh không phải là chúng sanh (Nissatta) không có mạng sống (Nijjīva). Theo nghĩa tổng quát trong Kinh Tạng thì có bốn pháp tất cả là: Pháp (Dhamma – thiện tâm), phi pháp (Adhamma – bất thiện tâm) và hai Dị thục quả tâm (Vipākacitta). Có Phật ngôn giải về đặc tính các pháp như sau:

“Na hi dhammo adhammo ca,
Ubho samavipākino;
Adhammo nirayaṃ neti,
Dhammo pāpeti sugatin’ ti’’.

“Pháp cùng phi pháp chẳng đồng,
Thì Tâm dị thục cũng không ngang hàng.
Pháp đưa lên cõi thiên đàng,
Phi pháp dắt xuống suối vàng âm ti”.

Ngoài ra chữ Pháp có nhiều nghĩa khác nhau nữa, chẳng hạn như: Trong kinh có chỗ Đức Phật nói: “Nầy chư Tỳ khưu, Như Lai sắp thuyết cho các ông nghe thời pháp tuyệt diệu cả đoạn đầu…”. Thì chữ Pháp chỗ đó có nghĩa là bài thuyết pháp.

Ở một chỗ khác Đức Phật nói: “Nầy các Tỳ khưu, nơi đây có một số con nhà gia giáo (kulaputta) đã học thuộc lòng pháp…”. Thì chữ Pháp ở đây có nghĩa là Phật ngôn, Kinh kệ, gọi chung là Pháp bảo vậy.

Cũng có chỗ Đức Phật nói: “Có những Pháp, có những uẩn…”. Thì những pháp ấy gọi là phi chúng sanh Pháp (Nissattadhammo). Những pháp vô sanh mạng (Nijjīvadhammo) cũng đồng một nghĩa lí như thế. Giải rộng ra thêm nữa, thì những pháp có hai đặc tính trên đây gồm có ba Vô sắc uẩn là: Thọ uẩn, tưởng uẩn và hành uẩn.

Tâm (tức là thức uẩn) dẫn đầu tất cả những Tâm sở kia, cho nên có tiếng nói là tâm đi trước các pháp.

Vì sao đồng đi chung với các sỡ hữu tâm (Cetasika), đồng một vật (Vatthu), đồng một cảnh (Ārammaṇa), đồng sanh lên trong một sát na (Ekakhaṇa) mà gọi là tâm đi trước.

Vì do tâm làm chuyên sanh khởi các pháp vậy, cũng ví như có nhiều kẻ cướp đồng một lượt xông vào giết hại cướp bóc trong làng xã chẳng hạn, thì thử hỏi:

“Ai là kẻ cầm đầu bọn cướp lúc đó?”. Cố nhiên kẻ làm duyên khởi cho chúng nương theo mà tạo nghiệp cướp bóc ấy, kẻ ấy dù là bạn hay cái chi cũng có thể gọi là kẻ cầu đầu. Ta nên trả lời câu hỏi trên đây một cách đầy đủ như vậy. Do lẽ làm duyên khởi cho các Pháp sanh lên mà gọi là tâm đi trước các Pháp. Quả thật không bao giờ có pháp sanh lên khi tâm chưa sanh, nhưng trái lại tâm vẫn sanh lên được mặt dù có một vài nhóm sỡ hữu tâm chưa sanh.

(4) Tâm chủ (Manoseṭṭhā): Do vì tâm làm chúa các pháp Vô sắc nên nói là tâm chủ. Theo ví dụ trên, tên đầu đảng của bọn cướp là chúa tướng, là chủ của bọn chúng như thế nào, thì nơi đây là tâm ác chỉ các pháp (ác) cũng như thế.

(5) Duy tâm tác (Manomayā): Khi ta dùng gỗ chẳng hạn, để sản xuất các thứ đồ mộc khác nhau, nhưng tựu trung cũng chỉ là của gỗ là bản chất, ta quen nói các món đồ gỗ ấy làm bằng gỗ (dārumayā) cũng đồng một cách như thế, các pháp Vô sắc đều do tâm mà sanh ra, có tâm là bản thể, ta cũng gọi là pháp làm bằng tâm hay duy tâm tác.

(6) Nếu bằng tâm nhơ đục (Manasā ce paduṭṭhena): là tâm vừa mới bị những sở hữu tâm khác như tham, sân chẳng hạn xâm nhập, làm cho nhiều chỗ nhiễm ô, nhơ đục. Quả nhiên, tâm bình thường (Pakatimano) tức là Hữu phần tâm (Bhavṅngacitta), tự tánh vốn trong sạch chưa bị nhiễm ô (tánh bổn thiện), nhưng một khi đã sân hận (Dosa), nhứt là tham lam (Abhijjhā) gia nhập làm cho trở nên nhơ đục, không còn là
tâm bình tịnh, nhứt là Hữu phần như trước, chẳng khác nào là một dòng nước trong bị những màu bất khiết, nhứt là màu chàm mới vừa lẫn vào làm cho biến sắc, thành ra nước xanh chàm
(Nīlodaka) không còn là nước thuần chất, cũng không còn trong sạch như thưở ban đầu vậy.
Đức Thế Tôn có dạy rằng:
“Pabhassaramidaṃ, bhikkhave, cittaṃ, tañca kho āgantukehi upakkilesehi upakkilitthanti”. “Nầy các Tỳ khưu! Tâm này bản chất tịnh quang sáng suốt, nhưng bị các pháp mới ô nhiễm xâm nhập, làm cho trở nên nhơ đục”. Từ ngữ “bằng tâm nhơ đục” có ý
nghĩa như thế.

(7) Nói năng hoặc hành vi (Bhāsati vā karoti vā) kẻ có sẵn tâm ác, hễ mở miệng nói ra lời là phạm nhằm bốn tội về khẩu ác hạnh (Vacīduccarita), bằng như ra tay hành động thì phạm nhằm ba tội về thân ác hạnh (Kāyaduccarita) nhược bằng làm thinh không nói, không làm đi nữa cũng phạm ba tội về ác ý ác hạnh (Manoduccarita), tất cả các tội ác chung quy cũng đều do nơi tâm đã bị tham lam, oán
thù, tà kiến làm cho nhơ đục mà ra. Lộ trình của mười nghiệp bất thiện
(Dasa akusalakammapathā) trải đi tròn đủ ba cửa thân, khẩu, ý là như thế.

(8) Khổ sẽ theo người: (Tato naṃ, dukkhamanveti), kẻ thủ phạm tạo ba ác hạnh từ lúc nào thì sự khổ bắt đầu theo dõi kẻ ấy từ lúc đó, do năng lực của ác hạnh, kẻ ấy sẽ sa xuống bốn ác đạo (Apāya), hoặc trở lại làm người thế gian, nhưng trong đời kiếp nào, thân căn và cả các căn khác tức là những sở hữu tâm liên hệ với thân căn đã giải rành mạch trên đây của kẻ ấy cũng bị quả khổ theo sát một bên.

(9) Như bánh xe theo chân bò giật (Cakkaṃ vā vahato padaṃ). Thường thường bò tơ mới tập giật (kéo xe), thì thay tháo trút, tánh còn hung hăng, khi bị mắc cổ vào ách thì chạy vụt đi, lôi cả chiếc xe chở đồ nặng, ý muốn tự do như trước, nhưng nào có được, con bò ấy dầu cho kéo một ngày, hai ngày, năm ngày, mười ngày hay nữa tháng cũng không thể nào tách rời ra chiếc bánh xe đang lăn phía sau, mỗi khi con bò
muốn vươn mình tới trước thì bị cái ách đè nặng trên cổ, không cho vượt qua, còn muốn thụt về phía sau thì bị bánh xe đụng cọ vào thịt đùi không cho lùi lại, thành thử ra do hai lẽ ấy mà con bò đành chịu để cho hai bánh xe cứ mãi theo sát hai bên chân của nó vậy. Con người có tâm nhơ đục, đã làm tất cả ba ác hạnh rồi, nhứt định phải sa vào ác đạo như địa ngục chẳng hạn, là nơi mà vì gốc ác hạnh, cả thân tâm của người ấy đều bị tội khổ đuổi theo.

Kệ ngôn vừa dứt, nhiều vị Tỳ khưu đắc quả A La Hán với Tuệ phân tích, kỳ dư thính chúng câu hội nơi ấy đều được chánh quả, nhờ nghe thời pháp của Đức Bổn Sư.

Dịch Giả Cẩn Đề
Vì tâm niệm ác lúc chưa tu,
Thánh Hộ đời nay phải chịu mù.
Chế thuốc cho người công chẳng thí.
Dùng mưu hại chúng tội đành bù.
Nhân gieo ý chí vui vài phút.
Quả hái thân còn cực mấy thu.
Sớm biết hồi đầu lo giải thoát,
Răn lòng, chẳng trễ buổi công phu.

DỨT TÍCH TRƯỞNG LÃO CAKKHUPĀLA

1

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app