Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển I

Phẩm Hoa: Thiện Nam Tản Thủ

“Yathā’pi ruciraṃ pupphaṃ,
Vaṇṇavantaṃ agandhakaṃ;
Evaṃ subhāsitā vācā,
Aphalā hoti akubbato”.

“Yathā’pi ruciraṃ pupphaṃ,
Vaṇṇvantaṃ sagandhakaṃ;
Evaṃ subhāsitā vācā,
Saphalā hoti sakubbato”.

“Như đóa hoa tươi đẹp,
Có sắc chẳng mùi thơm.
Như lời nói tuy đẹp,
Không hành chẳng quả đơm”.

“Như đóa hoa tươi đẹp,
Có sắc có mùi thơm.
Như lời nói đã đẹp,
Có hành quả chắc đơm”.

Kệ Pháp Cú (51 – 52) nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết ra khi Ngài an ngự tại Tịnh xá Jetavana, gần thành Sāvatthī, đề cập đến thiện nam Chattapāṇi (Tản Thủ). Quả thật vậy, vào thời ấy ở thành Sāvatthī có vị cận sự nam tên là Chattapāṇi đắc A Na Hàm và thông suốt Tam tạng.
Một buổi sáng nọ, sau khi thọ giới Bát quan, ông ấy đến hầu cận với Đức Thế Tôn, dĩ nhiên là chư Thánh Thinh Văn A Na Hàm thì không cần giữ giới Bát quan trai, vì các vị ấy giữ tròn phạm hạnh và không còn ăn sái giờ nữa. Do đó, có Phật ngôn: “Tâu đại vương! Dầu là người thợ làm chén, làm đồ gốm nhưng nếu ăn một ngày một bữa và giữ phạm hạnh tròn, thì cũng là bậc có giới đức, có thiện pháp, ví như vị A Na Hàm luôn luôn ăn ngày một bữa và giữ tròn phạm hạnh vậy!”.

Tuy nhiên, cận sự nam Chattapāṇi cũng theo lệ thọ trì Bát quan trai giới, rồi đến gần Đức Bổn Sư, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên nghe thuyết pháp. Ngay lúc bấy giờ, quốc vương Pasenadi Kosala cũng ngự đến hầu Đức Bổn Sư. Thấy quốc vương đến, ông cận sự nam nghĩ thầm: “Ta có nên đứng dậy hay không?”. Ông xét thấy rằng: “Ta đang ngồi chầu một vị Hoàng đế mà đứng lên chào một vua chư hầu thì không phải phép. Dầu cho quốc vương có thấy ta không đứng dậy tiếp rước mà giận dữ, ta cũng đành để cho quốc vương giận, chớ ta không đứng dậy. Quả nhiên, nếu thấy các vua mà đứng dậy thì quý trọng đức vua hơn Đức Bổn Sư hay sao? Thôi ta nhất định không đứng”. Thế rồi, ông cận sự nam ngồi yên như cũ. Các bậc hiền trí không bao giờ giận người đang ngồi gần vị cao quý hơn mình, khi người nầy thấy mình mà không đứng dậy. Nhưng quốc vương thấy ông Chattapāṇi không đứng dậy chào mình, nghinh tiếp mình, thì lại bất bình, đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi ngồi nép qua một bên, Đức Bổn Sư biết đức vua đang giận, bèn đề cao ông thiện nam rằng:

– Tâu đại vương! Cận sự nam Chattapāṇi nầy là bậc hiền giả, bậc lịch sự, thông suốt Tam tạng Pháp bảo, hiểu rành các điều hữu ích và vô ích.

Quốc vương nghe Đức Bổn Sư ca tụng cận sự nam với ân đức thù diệu thời mới nguôi cơn giận và phát tâm hoan hỷ. Sau đó, một hôm quốc vương đã thọ thực xong, đang đứng trên lầu cao trong cung đình, trông thấy thiện nam Chattapāṇi, tay cầm dù chân mang dép tiến lên sân
ngự, bèn cho quân hầu gọi ông vào đền, ông bỏ dù, cởi dép, đến gần đảnh lễ quốc vương, rồi đứng nép qua một bên. Quốc vương phán hỏi:
– Nầy khanh cận sự nam, sao khanh lại bỏ dù, cởi dép chi vậy?

– Tâu bệ hạ! Vì nghe có lịnh quốc vương dời, nên thần dân bỏ dù cởi dép ra mà vào hầu hạ bệ hạ.

– Chắc hôm nay khanh mới nhận biết trẫm là quốc vương phải không?

– Tâu bệ hạ! Thần dân chúng tôi lúc nào cũng nhận biết bệ hạ là quốc vương luôn luôn.

– Nếu nói như thế, tại sao ngày hôm nọ khanh ngồi bên Đức Thế Tôn, thấy trẫm đến sao khanh không đứng dậy?

– Tâu đại vương! Như người đang ngồi chầu Đức hoàng đế mà trông thấy các vua chư hầu, nếu thần dân đứng dậy lúc ấy hóa rá bất kính thất lễ với Đức Bổn Sư. Vì vậy mà thần dân không đứng dậy.

– Khanh nói cũng hữu lý, trẫm nghe nói khanh là bậc hiểu rành các sự lợi và bất lợi trong kiếp hiện tại và những kiếp vị lai, thông suốt Tam tạng kinh điển, vậy khanh hãy thuyết pháp ngay trong hậu cung đình cho trẫm nghe.

– Tâu bệ hạ, không được.

– Vì lí do nào?

– Tâu bệ hạ, chốn cung đình thâm nghiêm trang trọng, có nhiều nghi thức phiền phức, thần dân không dám phạm thượng.

– Khanh chớ nói như thế, bữa hôm trước khanh trông thấy trẫm còn không đứng dậy chào, bây giờ đừng e ngại gì cả.

– Tâu bệ hạ, người cư sĩ tại gia mà vượt quá phận sự của mình đảm nhiệm làm phận sự của Tăng thì mang lỗi. Xin bệ hạ hãy cho triệu tỉnh một bậc xuất gia vào đây thuyết pháp.

Quốc vương phán: “Lành thay, thôi khanh đi đi”.

Cho phép cận sự nam đi rồi, quốc vương ngự đến yết kiến Đức Thế Tôn và yêu cầu:

– Bạch Ngài, hoàng hậu Mallikā và hoàng hậu Vāsabhakhattiya ngỏ lời muốn ôn nhuần các bài pháp. Xin thỉnh Ngài với năm trăm Tỳ khưu thường nhật vào hoàng cung thuyết giảng cho họ nghe.

– Tâu đức vua, chư Phật không bao giờ đến mãi một nơi nào.

– Bạch Ngài, nếu vậy xin Ngài phái một vị Tỳ khưu khác cũng được.

Đức Bổn Sư bèn giao trọng trách ấy cho Đại đức Ānanda. Đại đức hằng ngày vào thâm cung giảng dạy kinh điển cho hai hoàng hậu. Trong hai bà, bà Mallikā chăm chỉ họ tập nên thuộc lòng được các kinh tụng. Bà Vāsabhakhattiya trái lại không chăm chỉ học tập cho nên không thể thuộc lòng được các kinh tụng. Một hôm, Đức Bổn Sư phán hỏi Đại đức:

– Nầy Ānanda! Hai tín nữ ấy có ôn thuần kinh pháp hay không?

– Bạch Ngài, có.

– Người nào chăm chỉ học tập?

– Bạch Ngài, hoàng hậu Mallikā chăm chỉ học tập cho nên có thể nhập tâm được các bài kinh tụng một cách hoàn toàn. Còn bà quyến thuộc của Ngài không chăm chỉ học tập nên không thể nhập tâm kinh tụng một cách mỹ mãn. Nghe Đại đức trình bày, Đức Bổn Sư kết luận:

– Nầy Ānanda! Pháp của ta thuyết giảng kẻ nào không nghe, không học, không tập, không thuyết thì không được kết quả gì. Ví như thứ hoa hữu sắc vô hương. Còn kẻ nào ráng nghe, ráng học, ráng tập, ráng thuyết thì sẽ gặt hái nhiều kết quả, hưởng được phước báu to tát.
Nói rồi Đức Bổn Sư ngâm hai bài kệ sau đây:

“Yathā’pi ruciraṃ pupphaṃ,
Vaṇṇavantaṃ agandhakaṃ;
Evaṃ subhāsitā vācā,
Aphalā hoti akubbato”.

“Như hoa sắc đẹp có thừa,
Mùi thơm chẳng có thì chưa quý gì?
Lời lành thuyết để mà chi?
Nếu không cố gắng thực thi việc lành”.

“Yathā’pi ruciraṃ pupphaṃ,
Vaṇṇvantaṃ sagandhakaṃ;
Evaṃ subhāsitā vācā,
Saphalā hoti sakubbato”.

“Như hoa tươi tốt trên cành,
Sắc hương thắm đượm lịch thanh đủ mùi.
Lời lành nếu đã thuyết rồi,
Làm lành kết quả an vui thấy liền”.

CHÚ GIẢI:
Trong bài kệ, Phạn ngữ ruciraṃ nghĩa là sáng sủa, đẹp đẽ, tươi tốt.

Vaṇṇavantaṃ: Là có đầy đủ màu sắc.

Agandhakaṃ: Là không có hương thơm, như nhiều loại hoa ở rừng núi, trừ ra hoa lài, hoa sứ, hoa mẫu đơn.

Evaṃ subhāsitā vācā: Lời lành ở đây là Phật ngôn trong Tam tạng Pháp bảo, ví như loài hoa hữu sắc vô hương. Cũng như loại hoa vô hương nầy nếu có giắt, đeo trên thân mình cũng không thể tiết ra mùi thơm được. Các câu Phật ngôn cũng thế, ai không kính cẩn nghe, không kính cẩn thọ trì, tức là không làm điều đáng làm thì không có mùi thinh hương, thọ hương, hành hương, không có kết quả. Do đó, Phật
dạy câu:

Lời lành thuyết để mà chi?

Nếu không cố gắng thực thi việc lành.

Sandhagankaṃ: Là có mùi thơm, không như tai nấm, hoa lục bình, hoa rau muống… Cũng như thế ấy, ai mang, giắt những thứ hoa thơm trên mình thì thân mình xông ra mùi hương thơm tho dễ chịu, như người thực hành theo Phật ngôn trong Tam tạng Pháp bảo, tức là kính cẩn nghe, kính cẩn thọ trì, là làm việc nên làm thì sẽ gặt hái được nhiều phước báu vậy. Bài kệ vừa dứt, nhiều vị Tỳ khưu chứng đắc Thánh quả, kỳ dư thính chúng đều được hưởng sự lợi ích.

Dịch Giả Cẩn Đề
Tản Thủ đa văn lại khéo hành,
Tại gia đắc quả đáng nêu danh.
Thấy vua, kỉnh Phật không rời chỗ,
Trọng pháp, nhường Tăng chẳng hợm mình.
Mạt Lê Viên, hoa đủ sắc hương,
Phật ngôn học tập hiểu tinh tường.
Dày công kính cẩn hành không mỏi,
Đáng được đời sau mãi tán dương!
Hòa Tát Ba thì chẳng dụng công,
Như hoa có sắc thiếu hương nồng.
Uổng mang tên tuổi Hoàng gia Thích,
Pháp học, hành chi cũng bất thông…
DỨT TÍCH THIỆN NAM CHATTAPĀṆI

50

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app