Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển IV 

Phẩm Tỳ Khưu: Tích Sadi Sumana

“Yo have daharo bhikkhu,
Yuñjati buddhasāsane;
Somaṃ, lokaṃ pabhāseti,
Abbhā muttova candimā”.

“Tỳ kheo tuy tuổi nhỏ
Siêng tu giáo pháp Phật,
Soi sáng thế gian nầy,
Như trăng thoát khỏi mây”.

Đức Đạo Sư khi ngự tại Pubbārāma, đề cập đến Sadi Sumana, Ngài tuyên thuyết lên kệ ngôn nầy.

Tương truyền rằng: Trong thời Đức Phật có hồng danh là Padumuttara, một thiện gia nam tử được trông thấy Đức Đạo Sư ban địa vị tối thắng đến một vị Tỳ khưu là đệ nhất về Thiên Nhãn. Nam tử ấy muốn đạt được địa vị ấy, đã cung thỉnh Đức Thế Tôn cùng chư Đại chúng Tăng đến tư thất cúng dường trọn 7 ngày. Đến ngày thứ bảy, sau khi Đức Phật cùng chư Tăng thọ thực xong, nam tử cúng dường y phục đến Đức Phật và chư Tỳ khưu, xong rồi phát nguyện rằng: “Bạch Thế Tôn! Do công hạnh nầy, con chỉ mong ước được chứng đạt địa vị Tỳ khưu thù thắng nhất về Thiên Nhãn trong thời kỳ Giáo Pháp của Đức Thế Tôn”.

Đức Thế Tôn Padumuttara dùng Phật trí quán xét, Ngài thấy rằng: Sau trăm ngàn đại kiếp nữa, lời ước nguyện của thiện gia tử nầy sẽ được thành tựu, Ngài liền thọ ký rằng:

– Nầy Nam tử, kể từ kiếp trái đất nầy trở đi, sau một trăm ngàn đại kiếp, ước nguyện hôm nay của ngươi sẽ thành tựu, ngươi có tên là Anuruddha trong Giáo Pháp của Đấng Chánh Giác có hồng danh là Gotama.

Được Đức Thế Tôn Padumuttara thọ ký như thế, y tưởng chừng rằng tài sản ấy y sẽ đạt được trong nay mai, nên phát sanh năm loại phỉ lạc sung mãn.

Khi Đức Thế Tôn Padumuttara viên tịch, y hỏi chư Tỳ khưu sự tu tập để đạt được Thiên Nhãn. Và y đã tạo ngàn ngọn đuốc xung quanh ngôi Bảo Tháp thờ Xá Lợi Đức Phật cao 7 do tuần.

Sau khi mệnh chung, y thọ sanh về Thiên Giới, từ ấy luân chuyển trong vòng luân hồi với hai sanh thú là chư thiên và người trọn cả 100 ngàn đại kiếp, cho đến hiền kiếp nầy.

Trong hiền kiếp nầy, thiện gia tử ấy tái sanh vào một gia tộc nghèo khổ trong thành Bārāṇasī, là người cắt cỏ cho Trưởng giả Sumana, y có tên gọi là Annabhāra.

Trưởng giả Sumana là người có tâm đại thí, hằng cúng dường đại thí trong thành Bārāṇasī.

Một hôm, có vị Độc Giác Phật Upariṭṭha, Ngài xả thiền Diệt dùng Phật trí quán xét rằng:

– “Hôm nay ta sẽ tế độ cho ai?”.

Ngài thấy được duyên lành của thanh niên Annabhāra, y đang cắt cỏ ở bìa rừng, rồi y đang trên đường về nhà: “Khi thanh niên Annabhāra thấy được ta, y sẽ phát sanh tịnh tín cúng dường đến ta vậy”.

Thế là, từ núi Gandhamādana Đức Độc Giác Phật đắp y mang bát theo đường hư không, xuất hiện trước mặt thanh niên Annabhāra.

Vừa trông thấy Đức Phật Độc Giác, Annabhāra bạch hỏi rằng:

– Bạch Ngài! Ngài được vật thực chi chăng?

– Nầy người đại phước, ta sẽ được vật thực thôi.

– Bạch Ngài, nếu thế xin Ngài hãy hoan hỷ chờ con một chốc.

Y liệng bỏ bó cỏ trên vai xuống, chạy nhanh về nhà hỏi vợ rằng:

– Em đã có vật thực cho anh chưa?

– Thưa anh có chứ.

Y hoan hỷ chạy nhanh đến nơi Đức Phật Độc Giác với tâm hoan hỷ rằng: “Khi ta muốn cúng dường đến Ngài thì không gặp Ngài, khi gặp Ngài lại không có vật thí. Hôm nay ta có được hai điều hạnh phúc ấy, là lợi đắc lớn đến với ta vậy”.

Y đặt đầy bát vật thực, rồi cúng dường đến Đức Phật Độc Giác, xong rồi Annabhāra phát nguyện rằng: “Do sự cúng dường nầy, xin cho con đừng lâm vào cảnh nghèo khổ, đừng nghe biết đến tiếng KHÔNG CÓ trong những kiếp sau”.

Đức Độc Giác ban lời tùy hỷ rằng: “Xin cho phước nguyện của người được mau thành tựu như ý”.

Rồi Đức Phật Độc giác từ giã về núi Gandhamādana. Vị Thiên tử ngự trên cây lọng trắng trong nhà Trưởng giả Sumana chứng kiến trọn vẹn cảnh ấy, đã tán thán lòng tịnh tín của Annabhāra rằng: “Thật rất hoan hỷ với vật thực thù thắng mà Annabhāra đã cúng dường đến Đức Độc Giác Phật”. Rồi vị Thiên tử ấy đã sādhu ba lần. Trưởng giả Sumana nghe tiếng Sādhu, hỏi vị Thiên tử rằng:

– Nầy Thiên tử, ngươi không thấy ta cúng dường trong bấy lâu nay hay sao?

Hôm nay ngươi mới Sādhu như thế.

– Tôi không Sādhu sự cúng dường của ông, tôi Sādhu do sự cúng dường vật thực của Annabhāra đến Đức Phật Độc Giác Upariṭṭha mà thôi.

Trưởng giả Sumana suy nghĩ: “Thật kỳ diệu thay, ta thường xuyên cúng dường cũng không khiến cho vị Thiên nhân nầy tán thán. Annabhāra đang sống nương vào ta, y chỉ cúng dường vật thực có một lần, thế mà được Thiên nhân tán thán. Vậy ta sẽ làm thế nào để sự để bát của y trở thành là của ta ”.
Trưởng giả Sumana cho gọi thanh niên Annabhāra đến hỏi rằng: “Hôm nay ngươi đã cúng dường vật thực đến ai thế?”.

Thưa chủ, hôm nay tôi cúng dường vật thực đến Ngài Upariṭṭha.

– Ngươi hãy nhận lấy số tiền nầy đi, rồi cho ta phần phước ấy đi.

– Thưa chủ, không được đâu.

Dù cho Trưởng giả Sumana có tăng số tiền lên đến cả ngàn Kahāpana, thanh niên Annabhāra vẫn không màng, không nhường phần phước mà mình đã tạo cho Sumana.

– Thôi được, nếu ngươi không bằng lòng nhường phần phước lại. Ngươi hãy nhận số tiền 1.000 Kahāpana nầy, rồi chia phước lại cho ta đi.

– Thưa chủ! Việc nầy để tôi hỏi lại Đức Phật đã.

Y tìm đến hỏi Đức Phật Độc Giác, Ngài nói rằng:

– Nầy thanh niên! Sự chia phước đến người khác là một điều tốt. Ngươi nên hiểu theo ví dụ nầy đi. Nầy thanh niên Annabhāra! Ví như có người thắp sáng lên ngọn đèn rồi cho ngàn gia tộc khác mồi lửa từ ngọn đèn ấy mang đi. Nầy thanh niên, vậy ngọn lửa có vì sự mồi lửa mà hao bớt đi chăng?

– Bạch Đức Độc Giác, không.

– Nhưng bấy giờ ánh sáng ở tại nơi đó thì như thế nào?

– Thưa Ngài, nơi ấy ánh sáng càng tỏ rạng hơn.

– Cũng vậy, nầy thanh niên người trí dù cúng dường chỉ là một muỗng cháo hay muỗng vật thực cũng vậy. Khi chia phước cúng dường vật thực của mình đến người khác dù là bao nhiêu người đi nữa, phước ấy càng tăng trưởng. Tuy ngươi chỉ cúng dường một muỗng vật thực thôi, nhưng khi ngươi chia phước đến Trưởng giả, phần vật thực ấy trở thành hai phần, của ngươi là một và một của Trưởng giả.

– Lành thay, bạch Ngài.

Rồi thanh niên Annabhāra đảnh lễ Đức Độc Giác Phật, tâm hân hoan vui vẻ ra về, nói với Trưởng Giả Sumana rằng: Thưa chủ, tôi chia phước nầy đến ông với niềm tin.

– Thế thì, ngươi hãy nhận tiền đi.

– Thưa chủ, tôi không bán vật thực. Tôi chỉ chia phước đến Ngài bởi niềm tin mà thôi.

– Nầy thanh niên, ngươi đã chia phước đến ta bởi đức tin, thế thì ta cũng biếu ngươi công đức bởi đức tin. Lại nữa, kể từ nay trở đi, ngươi không cần phải làm việc bằng tay hay chân nữa, hãy dựng nhà ở cạnh đây và muốn dùng những vật chi hãy đến nơi ta mà lấy.

Vật thực mà người cúng dường đến Bậc xả Thiền Diệt thường phát sanh Quả hiện tại ngay trong ngày là như thế. Vì thế, thậm chí đến Đức vua khi nghe được sự kiện ấy, Ngài cho gọi Annabhāra đến hoàng cung, xin chia phước rồi ban thưởng cho chàng nhiều tài sản và ban cho y địa vị Trưởng giả.

Thanh niên Annabhāra kết bạn với Trưởng giả Sumana cùng nhau đắp xây thiện hạnh suốt đời. Khi mệnh chung thọ sanh về thiên giới. Đến thời Giáo Pháp của Đức Thế Tôn Gotama, từ nơi thiên giới Thiên tử Annabhāra thọ sanh vào chủng tộc Sakya có tên là Amitodana trong thành Kapilavatthu. Thân quyến đặt tên cho hài tử là Anuruddha, vị nầy là em của Hoàng thân Mahānāma, là em chú bác với Đức Đạo Sư. Ngài là bậc đại phước. Được biết rằng: Có một hôm, Hoàng thân Anuruddha cùng với sáu vị Hoàng tử khác chơi đánh cầu, dùng bánh đặt cuộc. Hoàng tử Anuruddha thua, nhắn mẹ cho bánh để chung cho 5 vị kia, đến lần thứ tư thì không còn bánh nữa.

Ba lần trước mẹ Ngài dùng mâm vàng đựng bánh mang ra cho Anuraddha. Lần thứ tư bà bảo rằng: Bánh KHÔNG CÓ. Nghe mẹ cho người báo như thế, Ngài Anuruddha ngỡ rằng: Có loại bánh tên là “không có”. Vì từ nhỏ đến lớn, Hoàng tử Anuruddha chưa từng biết đến tiếng KHÔNG CÓ, nên bảo với gia nhân rằng: “Ngươi hãy mang bánh “không có” đến nơi đây”.

Mẹ Ngài nghe gia nhân báo lại như thế rằng:

– Tâu lịnh Bà! Hoàng tử bảo mang bánh KHÔNG CÓ đến cho Hoàng tử.

Mẹ Ngài suy nghĩ: “Con ta chưa từng nghe tiếng KHÔNG CÓ, ta sẽ làm cho nó biết ý nghĩa KHÔNG CÓ bằng cách nào đây nhỉ?”. Bà lấy mâm vàng trống rỗng úp lên chiếc mâm vàng khác, bảo với tùy tùng rằng: “Các ngươi hãy mang bánh KHÔNG CÓ đến Hoàng tử”.

Bấy giờ, vị chư thiên giữ thành Kapilavatthu suy nghĩ rằng:

– Hoàng tử Anuruddha khi còn là nhân loại thuở trước, có tên là Annabhāra, phát nguyện rằng: Xin cho đừng biết tiếng KHÔNG CÓ. Nếu ta biết giai thoại nầy, mà vẫn yên lặng thì đầu ta sẽ bể thành bảy mảnh.

Chư thiên kinh sợ, vội mang bánh trời đặt vào mâm vàng đầy ắp. Khi vị Hoàng tử trông thấy gia nhân mang bánh ra đặt trước mặt các vị Hoàng tử, chàng liền dỡ nắp ra, một mùi thơm tỏa ngát khắp kinh thành Kapilavatthu. Bánh ấy khi chạm vào lưỡi, lập tức tan ra lan rộng khắp 700 sợi thần kinh vị.

Hoàng tử Anuruddha suy nghĩ: “Có lẽ từ trước đến nay mẹ ta chẳng hề thương ta, vì bà không hề làm loại bánh KHÔNG CÓ cho ta dùng”. Hoàng tử không chơi đùa nữa, lập tức trở về lâu đài, đi đến gặp mẹ hỏi rằng: “Thưa mẹ, chắc mẹ không thương con phải không?”.

Nầy Anuruddha! Con nói chi lạ vậy. Con là nơi thương yêu của mẹ, ví như người giữ gìn con mắt còn lại hay người gìn giữ trái tim của chính mình.

– Nếu mẹ thương con, tại sao từ trước đến giờ không làm bánh KHÔNG CÓ cho con ăn.

Ngạc nhiên, bà hỏi lại tên gia nhân rằng:

– Ngươi có thấy vật chi trong mâm vàng không?

– Thưa bà! Trong mâm vàng chứa đầy loại bánh có mùi thơm lan khắp cả kinh thành nầy. Một loại bánh quý mà con chưa từng thấy như thế bao giờ cả.

Bà suy nghĩ rằng: “Thật vậy, con ta là bậc Đại Phước. Do đó, chư thiên đã mang bánh đặt vào”.

Rồi Hoàng tử Anuruddha nói với mẹ rằng:

– Thưa mẹ, loại bánh như vậy con chưa từng được dùng, từ nay trở đi mẹ chỉ nên làm loại bánh như thế cho con dùng thôi.

Từ đó, mỗi khi Hoàng tử Anuruddha đòi ăn bánh, Hoàng hậu chỉ sửa soạn mâm vàng, chụp lên mâm khác rồi bảo rằng bánh KHÔNG CÓ. Thế là chư thiên mang bánh trời đặt vào. Với cách ấy, Hoàng tử Anuruddha thọ dụng bánh trời như vậy. Khi các Hoàng tử trong Hoàng gia Sakya đã lần lượt xuất gia trở thành tùy tùng của Đức Thế Tôn như lời giao ước. Bấy giờ ông Hoàng Mahānāma hỏi em rằng:

– Nầy em, trong gia tộc ta phải có một người xuất gia, vậy em hay anh sẽ phải xuất gia một người.

– Thưa anh! Em là người hay đau ốm nên không thể xuất gia được.

– Nếu thế, em hãy học nghiệp nghệ của người tại gia đi. Để cai quản gia sản của gia tộc.

– Thưa anh, công việc gì cần phải làm như thế?

Thật ra, nơi phát sanh ra vật thực để dùng, Hoàng tử Anuruddha còn chưa biết, vì thế Ngài mới hỏi anh như thế.

Tương truyền rằng: Một hôm ba vị Hoàng tử là Anuruddha, Baddiya và Kimbila tranh luận cùng nhau rằng: “Vật thực phát sanh từ nơi nào?”. Hoàng tử Kimbila bảo rằng: “Vật thực phát sanh từ trong kho” vì rằng: Một hôm, Hoàng tử Kimbila trông thấy họ vác lúa từ kho ra đề cập, xay xát thành gạo, do đó mới tưởng rằng “Vật thực phát sanh từ trong kho”. Hoàng tử Baddiya nói với Kimbila rằng:

– Nầy anh! Anh không biết đâu, vật thực lẽ thường phát sanh từ trong nồi.

Được biết: Một hôm Ngài Baddiya thấy họ múc vật thực từ trong nồi ra, do đó mới nói như thế.

Hoàng tử Anuruddha nói với hai vị kia rằng: “Vậy là cả hai anh đều không biết cả. Thật ra vật thực phát sanh từ mâm vàng chén ngọc”. Được biết rằng: Hoàng tử chưa từng thấy giã lúa hay nấu cơm chi chi cả, chỉ thấy có sẵn trong mâm vàng chén ngọc mà thôi. Do vậy, Hoàng tử ngỡ rằng: Vật thực có được từ mâm vàng chén ngọc.

Các thiện gia tử ấy là những bậc đại phước, không biết nơi phát sanh vật thực, cũng không biết việc gì khác cần phải làm. Thế rồi, Hoàng tử Anuruddha được nghe anh chỉ dẫn các công việc như: Nầy Anuruddha, hãy đến đây anh sẽ chỉ bảo các công việc cho em: Trước tiên em phải biết cày ruộng…như vậy (các công việc) không đi đến sự kết thúc, cứ thay nhau tiếp diễn. Hoàng tử Anuruddha nghe xong, phát sanh chán nản rằng:

– Ôi! Thật khó nhọc thay đời sống tại gia. Thưa anh, em sẽ xuất gia vậy.

– Thưa mẹ, con không còn ham đời sống tại gia. Con sẽ xuất gia. Xin mẹ hãy cho con được xuất gia.

Thế rồi, Hoàng Từ Anuruddha cùng với 5 vị Hoàng tử dòng Sakya cùng đi xuất gia, đó là Hoàng đế Bhaddiya, Hoàng thân Kimbila, Bhagu, Ānanda và Devadatta. Cùng đi đến yết kiến Đức Thế Tôn tại Anupiya Ambavana xin được xuất gia. Sau khi xuất gia xong, Tỳ khưu Anuruddha tinh cần hành Sa môn pháp, chẳng bao lâu Ngài thành đạt phạm hạnh cứu cánh, chứng đạt Tam Minh. Với Thiên Nhãn Minh đệ nhất trong hàng cao đồ của Đức Thế Tôn, Ngài ngồi giữa hư không, có thể trông thấy cả ngàn thế giới như người nhìn thấy trái me trong lòng bàn tay. Ngài đã thốt lên cảm hứng ngữ rằng: “Ta đã chứng được Túc Mạng Minh, ta đã đạt được Thiên Nhãn Minh, ta đã đạt được Lậu Tận Minh. Tam Minh ta đạt được cùng với thần thông lực. Lời Phật dạy nay ta đã làm xong”.

Sau khi đắc quả, Ngài quán xét rằng: “Ta đã tạo được thiện nghiệp gì trong thời quá khứ? Mới được tài sản như vậy”. Biết được rằng: Ta đã phát nguyện dưới chân Đức Phật Padumuttara. Rồi quán xét tiếp rằng: Ta đã luân chuyển trong luân hồi, là thanh niên Annabhāra, làm thuê cho Trưởng giả Sumana để nuôi sống.

Ngài nói lên kệ ngôn rằng: “Trong thời trước ta tên là Annabhāra là người nghèo khổ cắt cỏ, ta đã cúng dường vật thực đến Đức Phật Độc Giác Upariṭṭha là bậc cao quý”.

Bấy giờ, Trưởng lão Anuruddha suy nghĩ: “Trưởng giả Sumana bạn cũ của ta, đã xin phước báu mà ta đã cúng dường đến Đức Phật Độc Giác trong thời đó, nay sanh ở đâu nhỉ?”. Ngài thấy rằng: Trưởng giả ấy nay sanh vào làng Muṇḍanigāma, tại chân núi gần khu rừng cháy. Trong làng ấy, có người thiện nam tên là Muṇḍa, y có hai người con là Mahāsumana và Cūlasumana. Trưởng giả Sumana chính là Cūlasumana. Sau khi quán thấy như thế rồi, Ngài suy nghĩ: “Khi ta đến đó, có sự tiếp đãi hay chăng?”. Ngài quán thấy Cūlasumana sẽ được xuất gia khi tròn 7 tuổi và sẽ chứng đạt A La Hán Quả khi vừa cạo tóc xong.

Quán xét xong rồi, Trưởng lão Anuruddha ngự đến làng Muṇḍanigāma vào mùa an cư. Ngài dùng thần thông hiện ra trước cửa nhà. Còn thiện nam Mahāmuṇḍa là người thân quen với Trưởng lão từ trước. Khi vừa thấy Trưởng lão, ông đứng dậy tiếp rước bát, bảo con trai lớn là Mahāsumana rằng:

– Nầy con, Trưởng lão Anuruddha đã ngự đến đây, con hãy thỉnh y bát Ngài và cung thỉnh Ngài vào ngự nơi phòng khách đi.

Mahāsumana vâng lời cha, thiện nam ấy cúng dường cung thỉnh Đức Anuruddha an cư mùa mưa tại làng ấy.

Trưởng lão nhận lời. Thiện nam Muṇḍa cúng dường tứ sự đến Trưởng lão trọn ba tháng dễ dàng như chỉ cúng dường có một buổi. Đến ngày lễ Tự Tứ, Muṇḍa cúng dường Tam y cùng tứ sự đến Trưởng lão, những vật dụng như dầu, sữa, đường… đặt dưới chân Trưởng lão, ông thiện nam bạch rằng:

– Xin Ngài hãy hoan hỷ thọ dụng những vật nầy đi.

– Thôi được rồi! Nầy cận sự nam, những vật nầy ta không nhận, không cần dùng đến.

– Bạch Ngài! Những vật nầy gọi là Vassāvāsikalābha (lợi lộc phát sanh đến người an cư). Xin Ngài hãy nhận lấy đi.

– Thưa vừa rồi, nầy cận sự nam.

– Bạch Ngài! Vì sao Ngài không nhận?

– Vì ta không có Sadi để làm thích hợp.

– Bạch Ngài, nếu thế thì Mahāsumana sẽ làm Sadi cho Ngài.

– Ta không cần đến Mahāsumana.

– Bạch Ngài! Thế thì Cūlasumana có thích hợp chăng?

– Được thôi, nầy cận sự nam.

Trưởng lão cho Giới tử Sumana xuất gia Sadi. Cūlasumana vừa cạo tóc xong đã quán tưởng theo lời dạy của thầy qua đề mục thể trược, Ngài chứng đắc ngay A La Hán Quả. Trưởng lão cùng Sadi trú tại nơi đó chừng nửa tháng, rồi khởi hành tuần tự về Sāvatthī để bái kiến Đức Thế Tôn. Khi hai vị đi đến một căn chòi tranh trong rừng, gần Himavanta (Tuyết Sơn).

Trưởng lão Anuruddha là người hằng có sự tinh cần, Ngài đi kinh hành khi trú đêm tại nơi đó vào canh đầu, tiếp theo vào những canh sau thì Ngài phát sanh chứng đau bụng. Sadi Sumana thấy Thầy bịnh khó nhọc như thế, bạch hỏi rằng:

– Bạch thầy, Thầy lâm bịnh chi thế?

– Ta khởi bịnh đau bụng.

– Bạch Thầy, thế thì Thầy có thường bị chứng bịnh nầy chăng?

– Thường hay bị lắm Sa di à.

– Khi Thầy đau bụng như thế, Thầy dùng vật chi mới hết?

– Ta dùng nước ở hồ Anotatta mới hết bịnh.

– Bạch Thầy, con sẽ đi lấy nước hồ Anotatta về dâng Thầy.

– Nầy Sadi, con đi lấy được chăng?

– Bạch Thầy được.

– Nầy Sadi, trong hồ ấy có con Long Vương Pannaka, Long Vương rất hung dữ đấy, con hãy cẩn thận khi lấy nước hồ Anotatta.

– Bạch Thầy vâng.

Sadi Sumana đảnh lễ thầy xong, dùng thần lực bay lên hư không đi suốt cả 500 do tuần.

Trong ngày hôm ấy, Long Vương cùng đoàn Long nữ đang vui đùa múa hát. Long Vương trông thấy Sadi bay trên hư không hướng về hồ Anotatta, nên nó phát sanh sân hận rằng:

– Sadi nầy bay trên hư không, bụi dưới chân y rơi rớt trên đầu ta, Sadi nầy đi đến hồ Anotatta để lấy nước. Ta sẽ không cho y lấy nước hồ ấy.

Long Vương liền phùng mang che đậy cả ao Anotatta đến 50 do tuần, như người đậy nồi cơm bằng nắp lớn. Thấy Long Vương làm như thế, Sadi Sumana biết rằng: “Long Vương đang sân hận”, liền nói rằng: “Nầy Long Vương, người là bậc có đại uy lực, có đại sức mạnh. Ngươi hãy lắng tai nghe ta. Hãy cho ta xin bát nước dùng làm thuốc trị bịnh cho Thầy ta”.

“Sông Gaṅgā ở phía Đông thường chảy vào đại dương, ngươi hãy lấy nước từ con sông Gaṅgā ấy đi”.

Sadi Sumana suy nghĩ rằng:

– Long Vương nầy không chịu cho nước theo lời xin của ta. Ta sẽ cho nó biết thần lực, ta sẽ uy hiếp nó để nó phục tùng cho ta nước hồ Anotatta.

Sadi Sumana nói với Long Vương rằng:

– Nầy Đại vương! Thầy Tế Độ của ta bảo, chỉ lấy nước từ hồ Anotatta mà thôi.

Do vậy, ta chỉ có thể lấy nước hồ nầy mang về, ngươi hãy cho nước ấy đến ta đi, đừng nên ngăn cản ta.

Rồi Sadi Sumana nói lên kệ ngôn rằng: “Ta chỉ lấy nước từ hồ Anotatta này thôi. Ta chỉ cần nước hồ nầy. Nếu có sức mạnh, hỡi Long Vương ngươi hãy liệu giữ lấy”.

– Nầy Sadi, nếu ngươi làm như thế, ta gọi ngươi là Bậc Đại Hùng. Ta rất hài lòng về lời nói của ngươi. Ngươi hãy dùng thần lực lấy nước của ta đi.

Sadi Sumana nói với Long Vương rằng: “Nầy Đại vương ta sẽ lấy nước cho ngươi xem”.

– Ngươi có khả năng thì cứ lấy đi.

Sau khi đã xác định rõ ràng ba lần như thế, Sadi Sumana suy nghĩ: “Giờ đây, ta hiển lộ Phật Pháp lực để lấy nước hồ Anotatta là hợp lẽ vậy”.

Sadi Sumana đi mời tất cả chư thiên địa cầu, chư thiên trên hư không, các vị ấy đảnh lễ và bạch hỏi rằng:

– Bạch Ngài, chuyện chi vậy?

Nầy chư thiên, ta sẽ thi đấu với Long Vương tại hồ Anotatta, các ngươi hãy đến xem ai thắng ai bại.

Tuần tự Sadi Sumana đi đến Tứ Đại Thiên Vương, Đức vua Sakka, Đức vua Suyāma, Đức vua Santusita, Đức vua Sunimmitta và Đức vua Vasavattī trình bày sự việc như thế. Rồi Sadi Sumana tuần tự đi đến Phạm Thiên giới, các vị phạm thiên ở cõi đó đến đảnh lễ và bạch hỏi:

Bạch Ngài, có chuyện chi thế?

Sadi Sumana thuật lại câu chuyện. Và vị ấy đi khắp nơi chỉ trừ cõi Vô Tưởng và Vô Sắc. Chư thiên và Phạm thiên nhận được lời thỉnh, đã hội họp đông đảo trên hư không, chẳng có một khoảng trống nơi hồ Anotatta, ví như bột bánh mà người ta chất đầy trong nia đó vậy.

Khi chư thiên, phạm thiên đến đông đủ rồi, Sadi Sumana đứng trên hư không nói với Long Vương rằng:

– Nầy hỡi Long Vương, ngươi có nhiều quyền lực, có đại thần lực, ngươi hãy nghe lời ta, hãy cho ta xin bát nước để về làm thuốc cho thầy ta.

– Nầy hỡi Sadi, nếu ngươi là bậc anh hùng. Ta rất thích lời nói của ngươi. Vậy ngươi cứ việc lấy nước của ta đi.

Sadi Sumana xác nhận đủ ba lần rồi, đứng trên hư không hóa thân thành vị Đại Phạm Thiên to lớn 12 do tuần, bay xuống đạp lên đầu Long Vương nhận chìm xuống hồ. Bị Sadi Sumana đè đầu nhận xuống đáy hồ, Long Vương lập tức co rút đầu lại cho nhỏ để thoát ra, đầu Long Vương lúc ấy nhỏ như cái muỗng, giống như mảnh da tươi bị người có sức mạnh đạp lên co rút lại. Khi Long Vương co đầu lại thì một luồng nước lớn bằng cây thốt nốt đã phun lên không. Sadi Sumana hứng đầy bát nước ngay trên hư không. Chư thiên tán dương vang dội Sādhu. Sadi Sumana lấy được nước rồi, dùng thần lực bay về nơi trú của thầy. Long Vương hổ thẹn nổi sân hận vội rượt theo Sadi Sumana, hai mắt nó đỏ rực như hoa hồng (japā). Nó suy nghĩ: “Sa môn trọc đầu
ấy đã mời chư thiên đến chứng kiến cuộc tranh hùng nầy, làm cho ta hổ thẹn. Ta sẽ đuổi theo, bắt được y ta sẽ thọc tay vào ngực moi lấy trái tim y, hay nắm lấy chân y quăng qua bên kia sông Hằng”.

Long Vương dùng thần lực rượt theo Sadi Sumana, nhưng không thể theo kịp. Sadi về dâng nước lên Tế Độ Sư, bạch rằng:

– Bạch Ngài! Xin Ngài hãy dùng nước đi.

Long Vương theo sau đi đến nói rằng:

– Bạch Ngài Anuruddha! Vị Sadi ấy lấy nước của tôi, nước ấy chưa cho, xin Ngài đừng dùng.

– Nầy Sadi, thế nầy là như thế nào vậy?

– Bạch Thầy! Xin thầy cứ dùng nước ấy, nước nầy Long Vương đã cho nên con

mới mang về.

Trưởng lão biết rằng: “Bậc Vô Lậu như Sadi chẳng bao giờ nói dối bao giờ”. Và Ngài đã dùng nước ấy trị bịnh cho mình.

Khi bịnh đã thuyên giảm ngay. Long Vương bạch với Trưởng lão rằng: “Bạch Ngài! Sadi nầy đã thỉnh chư thiên tụ hội lại nơi hồ Anotatta để tranh tài. Và vị ấy đã làm cho tôi hổ thẹn, giờ đây tôi sẽ bóp nát trái tim của ông ấy hay nắm lấy chân mà ném qua bên kia sông Hằng!”.

– Nầy Long Vương! Sadi nầy là bậc có đại uy lực, có đại thần lực, ngươi không thể thắng được đâu. Ngươi nên sám hối vị ấy đi, rồi trở về hồ Anotatta. Long Vương vẫn biết thần lực của Sadi, nhưng vì lòng tự ái bị tổn thương nên nó làm như thế thôi. Bây giờ nghe lời của Ngài Anuruddha, nó tỉnh ngộ và bình tâm lại. Long Vương liền sám hối Sadi, kết thân với Sadi Sumana rằng:

– Bạch Ngài! Kể từ nay trở đi, khi nào Ngài cần nước hồ Anotatta Ngài khỏi cần nhọc sức đi lấy, Ngài chỉ nhắn tin đến tôi, tôi sẽ mang nước đến cho Ngài.

Khi lành bịnh rồi, Trưởng lão cùng Sadi lại lên đường về thành Sāvatthī. Đức  Thế Tôn biết rằng: Trưởng lão Anuruddha sắp về đến, Ngài ngự nơi lâu đài của Migāramātā nhìn ra đường. Chư Tỳ khưu trông thấy Trưởng lão trở về, hoan hỷ ra đảnh lễ và chào đón thân tình, tiếp rước y bát.

Bấy giờ, có vài vị Tỳ khưu phàm thấy Sadi Sumana còn nhỏ dễ thương, nên nô đùa, vò đầu cũng có, nhéo tai cũng có, kéo tay cũng có, đùa cợt rằng: “Nầy Sadi! Ông không có cảm dục sao?”.

Đức Thế Tôn thấy hành động thô tháo của các vị ấy, suy nghĩ:

– Hành động của các Tỳ khưu nầy thật là tai hại. Họ nắm lấy cổ, đầu của Sadi Sumana chẳng khác gì đang nắm lấy đầu cổ của con rắn độc mà không biết. Chúng nào thấu đáo được oai lực của Sadi Sumana. Hôm nay Như Lai sẽ làm sáng tỏ thần lực của Sumana vậy.

Trưởng lão Anuruddha đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

Đức Thế Tôn ân cần thăm hỏi Trưởng lão Anuruddha, Ngài cho gọi Trưởng lão Ānanda đến dạy rằng:

– Nầy Ānanda! Như Lai đang cần nước rửa chân, nước ấy phải được múc từ hồ Anotatta. Ngươi hãy đưa bát cho các vị Sadi, bảo lấy nước đem về cho Như Lai.

Trưởng lão tụ hội 500 vị Sadi lại, phán truyền lịnh ấy. Trong số đó, Sadi Sumana là vị trẻ nhất, Trưởng lão Ānanda phán dạy Sadi rằng:

– Nầy Sadi! Bậc Đạo Sư đang cần nước ở hồ Anotatta để rửa chân. Vậy hiền giả hãy đi lấy nước về cho Bậc Đạo Sư đi.

– Bạch Trưởng Lão! Con không đủ khả năng.

Thế là Trưởng lão tuần tự hỏi đến các vị Sadi còn lại. Các vị ấy đều từ chối cả.

Hỏi rằng: Trong số 500 vị Sadi ấy, không có vị nào là bậc Vô Lậu hay sao?

Đáp rằng: Có chứ, nhưng các vị Sadi ấy biết rằng: Vòng hoa nầy không phải kết cho ta, mà Đức Thế Tôn kết cho Sadi Sumana. Đối với các vị còn phàm thì từ chối, vì thấy rằng mình không có khả năng ấy.

Cuối cùng thì đến Sadi Sumana. Trưởng lão Ānanda nói:

– Nầy Sadi ơi! Bậc Đạo Sư đang cần nước hồ Anotatta để rửa chân, vậy hiền giả hãy lấy bát đem nước ấy về đi.

– Bạch Ngài! Khi Bậc Đạo Sư cho phép thì con sẽ đi lấy nước đem về.

Rồi Sadi Sumana đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn bạch rằng:

– Bạch Thế Tôn! Được nghe rằng: Ngài phán dạy con đi lấy nước hồ Anotatta phải chăng?

– Đúng thế, nầy Sumana.

Sadi Sumana cầm bát lớn như cái nồi, bát ấy có thể chứa được 6 cái bát thường. Những bát nầy được dùng trong Tịnh thất do nàng Visākhā cúng dường. Vị ấy xách đi với ý nghĩ: “Ta không cần phải vác lên vai”. Và Ngài bay lên hư không nhắm hướng hồ Anotatta mà lướt đến.

Long Vương trông thấy Sadi Sumana từ xa đi đến, tiếp lấy bát để lên vai, nói rằng:

– Bạch Ngài! Khi Ngài có người phục vụ như tôi đây, vì sao Ngài lại đích thân đến lấy nước chứ. Khi Ngài cần nước sao không nhắn cho tôi biết.

Rồi Long Vương múc đầy bát nước, vác lên vai nói rằng:

– Bạch Ngài, xin thỉnh Ngài hãy đi trước, tôi sẽ mang nước theo sau.

– Được rồi, nầy Long Vương, vì Bậc Đạo Sư bảo ta đi lấy.

Sadi Sumana dạy Long Vương hãy trở về, tự tay nắm lấy bát bay lên hư không. Trông thấy Sadi Sumana trở về, Bậc Đạo Sư phán dạy chư Tỳ khưu rằng:

– Nầy chư Tỳ khưu! Các ngươi hãy nhìn con đường bay của Sadi, đẹp như thiên nga trong hư không vậy.

Sadi Sumana đặt bát nước xuống, đảnh lễ Đức Thế Tôn xong rồi và đứng sang một bên, Bậc Đạo Sư phán hỏi rằng:

– Nầy Sadi Sumana, ngươi được bao nhiêu tuổi?

– Bạch Thế Tôn! Con vừa được 7 tuổi.

– Nầy Sumana, nếu thế từ nay trở đi, ngươi sẽ là vị Tỳ khưu.

Đức Thế Tôn ban Dāyajja upasampada (Cụ túc đặc biệt) đến Sadi Sumana. Được biết rằng: Chỉ có hai vị Sadi là Sumana và Sopāka vừa được 7 tuổi, được Đức Thế Tôn ban cho địa vị Thera. Bấy giờ chư Tỳ khưu cùng nhau bàn luận trong Giảng đường về sự kiện hy hữu ấy rằng:

– Nầy chư Hiền giả, việc làm nầy thật là kỳ diệu thay, từ trước đến nay chúng ta chưa từng thấy vị Sadi trẻ nào có được thần lực như thế.

Đức Thế Tôn ngự đến phán hỏi rằng:

– Nầy chư Tỳ khưu! Các ngươi đang ngồi lại bàn luận về vấn đề gì thế?

Chư Tỳ khưu liền bạch lên Thế Tôn về việc ấy, Ngài phán rằng:

– Nầy chư Tỳ khưu! Trong Giáo Pháp của Như Lai, dù là người trẻ tuổi nhưng thực hành chân chánh, thường đạt được tài sản như vậy.

CHÚ GIẢI:
Yuñjati: là tinh cần siêng năng.
Pabhāseti: nghĩa là vị Tỳ khưu hằng làm cho thế gian như uẩn, xứ…, chói sáng, tức là làm cho ánh sáng bằng trí Tương ưng với A La Hán Đạo của mình, như mặt trăng ra khỏi vầng mây che.

Dứt Pháp thoại, nhiều người chứng đạt Thánh Quả như Dự Lưu.

Dịch Giả Cẩn Đề
Sa di Hảo Ý thật phi thường,
Thi thố thần thông thắng Long Vương,
Lấy nước từ hồ cao Tuyết Lãnh,
Dâng thầy uống hết bệnh can trường,
Chư Tăng không biết tưởng Sa di,
Trẻ dại vào tu đã có chi?
Chọc ghẹo, rờ đầu, cùng bẹo má,
Phật làm Tăng chúng hết khinh khi,
Phật sai, ông lấy nước hồ xa,
Thị hiện thần thông, chúng thấy qua,
Rồi đặt ông lên hàng Đại Đức,
Phàm tăng kinh ngạc, nghĩ không ra
Phật dạy: Tỳ khưu dầu trẻ trung,
Chú tâm học pháp hiểu cho cùng,
Như trăng ra khỏi vùng mây che,
Rọi khắp nhân gian, đuốc Đại Hùng.
DỨT TÍCH SADI SUMANA
DỨT PHẨM TỲ KHƯU – BHIKKHU VAGGA
DỨT PHẨM 25

150

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app