Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển IV
Phẩm Tỳ Khưu: Tích Hai Vị Tỳ Khưu Nghịch Gặp Nhau
365. “Salābhaṃ nātimaññeyya,
Nāññesaṃ pihayaṃ care;
Aññesaṃ pihayaṃ bhikkhu,
Samādhiṃ nādhigacchati”.
366. “Applābhopi ce bhikkhu,
Salābhaṃ nātimaññati;
Taṃ ve devā pasaṃsanti,
Suddhājīviṃ atanditaṃ.
“Không khinh điều mình được,
Không ganh người khác được,
Tỷ kheo ganh tỵ người,
Không sao chứng Thiền Định”.
“Tỷ kheo dầu được ít,
Không khinh điều mình được,
Sống thanh tịnh không nhác,
Chư thiên khen vị nầy”.
Kệ ngôn nầy được Đức Đạo Sư thuyết ra khi Ngài ngự tại Veḷuvana, đề cập đến hai vị Tỳ khưu nghịch. Tương truyền rằng: Có một vị Tỳ khưu trong hội chúng của Devadatta là bạn của một vị Tỳ khưu hội chúng Đức Thế Tôn. Một hôm Tỳ khưu (Devadatta) trông thấy vị kia cùng với chư Tỳ khưu đang trì bình khất thực. Sau khi thọ thực xong, vị Tỳ khưu (Devadatta) đi đến hỏi bạn rằng:
– Nầy Hiền giả, Hiền giả khất thực ở đâu?
– Tôi đi khất thực ở nơi ấy.
– Hiền giả có được vật thực chi chăng?
– Này Hiền giả, chính nơi đây tôi có nhiều lợi đắc và vật cúng dường.
– Vậy Hiền giả hãy ở đây vài ngày đi.
Thế là, vị Tỳ khưu (Đức Thế Tôn) ở lại nơi đó vài ngày theo lời mời của Tỳ khưu (Devadatta), rồi trở về nơi ngụ của Đức Thế Tôn. Chư Tỳ khưu biết được câu chuyện liền trình bạch lên Đức Thế Tôn, Đức Thế Tôn cho gọi vị ấy lên, phán hỏi rằng:
– Nầy Tỳ khưu! Có thật chăng, được nghe nói rằng ngươi đã hành động như thế?
– Bạch Thế Tôn, có thật như vậy. Con vì nể lời của vị Tỳ khưu bạn nên ở lại vài ngày, chứ con không hoan hỷ hội chúng của Devadatta.
– Nầy Tỳ khưu! Tuy ngươi không hoan hỷ với hội chúng của Devadatta, nhưng ngươi vẫn ở chung trong hội chúng ấy như là người có sự hoan hỷ trong hội chúng ấy.
Nầy Tỳ khưu, chẳng phải hiện nay ngươi đã hành động như thế, trong quá khứ ngươi cũng đã từng hành động như thế rồi.
Theo lời thỉnh cầu của chư Tỳ khưu, Đức Thế Tôn thuyết lên Bổn Sự rằng (trong Bổn sanh Mahilamukha).
“Con voi Mahilamukha nghe bọn cướp nói rồi, đã quật chết người nài, nhưng khi nghe vị Sa môn nói đã trở nên con voi có đức hạnh cao quý”.
Rồi Ngài phán rằng:
– Nầy chư Tỳ khưu! Lẽ thường vị Tỳ khưu chỉ nên hoan hỷ với lợi lộc của mình, không mong muốn lợi lộc của người khác, vì trong các loại thiền định, Minh Sát và Đạo Quả tuy chỉ là một pháp, cũng không phát sanh đến người mong mỏi lợi lộc của người khác. Nhưng các đức tánh Thiền Định… chỉ phát sanh đến vị Tỳ khưu hoan hỷ với lợi lộc của chính mình.
CHÚ GIẢI:
Salābhaṃ: tức là lợi lộc phát sanh cho mình. Thật vậy, vị Tỳ khưu từ bỏ hạnh đi khất thực từng nhà, nuôi mạng bằng sự tầm cầu bất chánh, gọi là khinh rẻ, tức là khinh thường lợi lộc của mình, vì thế vị Tỳ khưu không nên khinh rẻ lợi lộc của mình, là không nên thực hành pháp như thế.
Nāññesaṃ pihayaṃ: nghĩa là không mong muốn lợi lộc của người khác.
Samādhiṃ nādhigacchati: nghĩa là khi vị Tỳ khưu mong muốn lợi lộc của người khác như sự thèm muốn y phục… đối với hạng người đó thì không thể đắc thiền định hay cận định được.
Salābhaṃ nātimaññati: nghĩa là dù chút ít lợi lộc, khi vị Tỳ khưu đi khất thực từng nhà, bất luận giàu hay nghèo như thế, gọi là không khinh rẻ lợi lộc của mình. Taṃ ve…: nghĩa là tất cả chư thiên thường tán dương vị Tỳ khưu ấy, người như vậy gọi là có chánh mạng trong sạch, là có chánh mạng chân chánh, gọi là người không biếng nhác, là vì không ngần ngại với sự nổ lực nuôi sống.
Dứt Pháp thoại nhiều chúng sanh chứng đạt đạo quả, như Thánh Quả Dự Lưu…
Dịch Giả Cẩn Đề
Theo phe phản phật một đôi ngày,
Dự lễ trai tăng lộc đủ đầy,
Sư mới về chùa, Tăng hỏi tội,
Dắt lên để Phật qưở Sư ngay,
Đừng khinh lợi nhỏ đến cho ta,
Khao khát tài to của bá gia,
Tâm mãi vọng cầu như kẻ khác,
Tỳ khưu không đắc định cao xa!
Dẫu rằng lãnh ít cũng vui lòng,
Chánh mạng Tỳ khưu sống sạch trong,
Vô nhiễm chư thiên hằng kính mộ,
Định thiền tu tập dễ thành công,
Kiếp trước là voi “mặt nữ nhi”,
Khi hiền, khi dữ, tại ngu si,
Nghe đâu tin đó, sanh tà kiến,
Rồi lại quay về với chánh trí.
DỨT TÍCH HAI VỊ TỲ KHƯU NGHỊCH