Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển IV
Phẩm Bà La Môn: Tích Vị Bà La Môn Nhiều Đức Tin
“Chinda sotaṃ parakkamma
Kāme panuda brāhmaṇa
Saṅkhārānaṃ khayaṃ
Ñatvā akataññūsi brāhmaṇa”.
“Hỡi nầy Bà la môn
Hãy tinh tấn đoạn lòng
Từ bỏ các dục lạc
Biết được hành đoạn diệt
Ngươi là bậc vô vi”.
Đức Thế Tôn ngự tại Jetavana, Ngài đề cập đến vị Bà la môn có nhiều đức tin, thuyết lên kệ ngôn nầy.
Tương truyền rằng: Vị Bà la môn ấy nghe Pháp của Đức Thế Tôn, khởi tâm tịnh tín. Mỗi ngày, vị ấy sắp đặt vật thực cho 16 vị Tỳ khưu tại tư gia của mình. Khi chư Tỳ khưu đến, ông ra rước bát rất cung kính, bạch rằng:
– Xin thỉnh các Ngài A La Hán hãy vào trong. Xin thỉnh các Ngài A La Hán hãy ngồi…
Bất kỳ một câu nào, ông cũng xưng tụng là A La Hán. Chư phàm Tăng suy nghĩ rằng: “Vị Bà la môn nay ngỡ rằng ta là vị A La Hán”. Còn những vị Bậc Lậu Tận thì nghĩ: “Bà la môn nầy đã biết ta rõ rồi”. Và thế là chư Tỳ khưu e ngại cách xưng hô ấy, nên không đến tư gia của vị ấy nữa. Ông buồn phiền rằng:
– Tại sao các Ngài lại không đến nhà ta như thế?
Ông đi đến Tịnh xá đảnh lễ Đức Thế Tôn, trình bạch lên Ngài sự việc ấy. Bậc Đạo Sư cho gọi chư Tỳ khưu đến phán hỏi rằng:
– Nầy chư Tỳ khưu! Điều ấy là như thế nào?
Chư Tỳ khưu trình bày lên Đức Thế Tôn sự suy nghĩ của mình như thế. Ngài phán rằng:
– Nầy chư Tỳ khưu, các ngươi không hài lòng về câu nói A La Hán phải chăng?
– Bạch Thế Tôn! Chúng con không hài lòng về câu nói ấy.
– Nầy các Tỳ khưu! Đây là câu nói do sự tịnh tín, vô tội với lời nói bằng sự tịnh tín. Lại nữa, đây là sự cảm mến của Bà la môn ấy với các vị Thánh Vô Lậu rất nhiều.
Lẽ ra, các ngươi cần phải cắt đứt ái dục để chứng đạt quả A La Hán mới phải. Rồi Ngài thuyết lên kệ ngôn rằng: “Hỡi nầy Bà la môn. Hãy tinh tấn đoạn lòng. Từ bỏ các dục lạc. Biết được hành đoạn diệt. Ngươi là bậc vô vi”.
CHÚ GIẢI:
Parakkamma: nghĩa là dòng ái dục không ai có thể cắt đứt bằng sự tinh cần yếu kém được. Do đó, ngươi hãy tinh cần cắt đứt bằng sự quyết tâm mạnh cùng với trí tuệ. Tức là hãy giảm trừ, nghĩa là hãy dứt bỏ hai loại dục.
Brāhmaṇa: là câu gọi chỉ các Bậc Vô Lậu.
Saṅkhārānaṃ: nghĩa là đã thấu hiểu sự hoại diệt của các uẩn.
Akataññūsi: nghĩa là nếu như vậy ngươi là người vô ơn, vì rằng đã thấu hiểu nghĩa Níp Bàn là gì, đã thấu hiểu các nguyên chất như vàng ròng như thế, (mà tại sao) ngươi lại không thực hành để đến mục đích cứu cánh chứ.
Dứt Pháp thoại nhiều người chứng đạt Thánh Quả.
Dịch Giả Cẩn Đề
Danh từ La Hán chẳng nên ham,
Khi biết tự thân vẫn tục phàm,
Nhưng nếu người đời vì tịnh tín,
Tôn mình La Hán cũng đành cam,
Điều tối yếu là chớ dễ duôi,
Ngược dòng ái dục, chẳng trôi xuôi,
Niết Bàn vô tác, cần tu chứng,
Ngũ uẩn xa lần, chớ trở lui.
DỨT TÍCH VỊ BÀ LA MÔN NHIỀU ĐỨC TIN