Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển IV
Phẩm Bà La Môn: Tích Chuyện Trưởng Lão Jāṭila
“Yodha taṇhaṃ pahatvāna
Anāgāro paribbaje
Taṇhābhavaparikkhīṇaṃ
Tamahaṃ brūmi brāhmaṇaṃ”.
“Ai ở đời đoạn ái
Bỏ nhà sống xuất gia
Ái hữu được đoạn tận
Ta gọi Bà-la-môn”.
Cùng trong thời ấy, trong thành Bārāṇasī có nàng tiểu thư là con gái một Đại Trưởng giả, nàng có một nhan sắc tuyệt đẹp. Cha mẹ nàng cho một nữ tỳ hầu hạ nàng và an trú nàng ở lầu bảy của một tòa lâu đài bảy tầng. Một hôm, có một chàng chú thuật gia, dùng chú thuật bay trên hư không, chợt trông thấy nàng tiểu thư đang đứng dựa cửa số ngắm nhìn ra bên ngoài, tiểu thư trông thấy chú thuật gia nàng mỉm cười, chàng bỗng phát sanh ái luyến với nàng, đi đến bên cửa sổ trò chuyện cùng tiểu thư.
Và cả hai đã tư thông với nhau. Thời gian sau, nàng tiểu thư có thai, nữ tỳ thấy được sự khác lạ từ thân của tiểu thư, gạn hỏi rằng:
– Thưa Tiểu Thư! Vì sao có chuyện như vầy.
Tiểu Thư lo sợ, tỏ thật với nữ tỳ và yêu cầu nữ tỳ giữ kín chuyện ấy rằng:
– Ngươi đừng cho ai biết việc nầy nhé.
Thời gian sau, nàng hạ sanh ra một bé trai, bảo nữ tỳ lấy chiếc thau, bỏ hài nhi vào trong đó, chụp lên trên một vòng hoa, rồi bảo nữ tỳ rằng:
– Em hãy mang đứa bé nầy ra khỏi tòa lâu đài, thả nó trôi sông đi. Nếu có người hỏi thì nói rằng: “Là vật tế lễ của cô tôi” .
Nàng nữ tỳ làm theo lời dặn, nó bỏ đứa bé trong thau thả trôi trên sông Gaṅgā. Cái mâm trôi xuôi theo dòng nước về miền hạ lưu, đến lãnh thổ xứ Avaṅtī, có hai nữ tỳ đang tắm sông, chợt trông thấy mâm trôi theo dòng nước, một cô nói rằng: “Chiếc mâm là của tôi”.
Còn cô kia thì nói rằng: “Nếu vậy thì vật trong mâm của tôi”. Hai nàng nữ tỳ vớt mâm thau ấy, thấy có đứa bé trong đó, cả hai phát sanh sự thương mến, giành rằng: “Đây là vật của tôi”.
– Nầy chị, đứa bé là vật của tôi. Còn mâm thau là vật của chị kia mà.
Cả hai giành nhau đứa bé, cuối cùng phải mang sự việc trình lên quan Đại thần xử kiện. Vị Đại thần không thể giải quyết được, nên trình lên Đức vua. Nghe xong câu chuyện, Đức vua phán giải rằng: “Người ước mâm thau thì nhận lấy mâm thau, người ước vật đựng trong mâm thì nhận lấy đứa bé”.
Người nữ tỳ nhận được đứa bé là người hộ độ cho Trưởng lão Mahākaccāyana, nên nàng có ý nghĩ rằng: “Ta sẽ cho con ta xuất gia với Trưởng lão Mahākaccāyana”.
Tóc đứa bé bện lại thành từng lọn vì dính lấy chất nhau mà tiểu thư tắm rửa cho con không sạch. Do vậy đứa bé có tên gọi là Jāṭila (tóc bện giả) vào ngày lễ đặt tên cho nó.
Khi Jāṭila vừa biết đi, nàng nữ tỳ cung thỉnh Trưởng lão Mahākaccāyana đến thọ thực tại tư gia của nàng. Sau khi cúng dường vật thực xong rồi, nàng đảnh lễ Trưởng lão và bạch rằng:
– Bạch Ngài! Con xin dâng hài tử nầy đến Ngài.
Thấy Jāṭila, Trưởng lão hỏi rằng:
– Nầy tín nữ! Cô có được đứa bé nầy sao?
– Thưa vâng! Bạch Ngài, đây là con nuôi của con, con nuôi đứa bé nầy với sự ước nguyện rằng: sẽ cho nó xuất gia với Ngài. Vậy xin Ngài hãy tế độ cho nó đi.
– Được thôi! Nầy tín nữ.
Nàng tín nữ giao đứa bé cho Trưởng lão, Ngài quán xét rằng: “Đứa bé nầy có phước hưởng tục sản chăng?”. Ngài thấy rằng có. “Đứa bé nầy là bậc Đại phước, sẽ thọ dụng đại tài sản, giờ đây nó còn quá bé, trí tuệ chưa viên mãn”.
Trưởng lão Mahākaccāyana đưa Jāṭila đến nhà người hộ độ của mình trong thành Takkasilā. Người hộ độ chăm nom săn sóc Jāṭila rất cẩn thận, vì rằng: Khi gặp Ngài Mahākaccāyana, người hộ độ ấy đảnh lễ Ngài, rồi đứng sang một bên, chợt trông thấy Jāṭila, ông đã bạch hỏi rằng:
– Ngài có được đứa bé nầy rồi sao?
– Đúng thế, nầy thiện nam, nó sẽ xuất gia sau nầy, nhưng giờ đây nó còn quá bé.
Vậy hãy để nó ở lại đây với ông nhé.
– Thưa vâng, bạch Ngài.
Người hộ độ nhận lời nuôi dưỡng đứa bé, xem Jāṭila như là con mình. Người hộ độ ấy có nhiều tài sản đã ứ đọng cả 12 năm rồi, ông phải tồn trữ trong nhà suốt thời gian 12 năm như thế. Một hôm vào ngày hội chợ, ông mang những tài sản ấy ra bán, dặn bảo Jāṭila rằng:
– Con hãy bán món nầy với giá tiền như vậy, món nầy có giá như thế nầy…
Rồi y trở về nhà, hôm ấy vị thiên nhân trấn giữ thành Takkasilā đã khiến mọi người đi đến gian hàng của Jāṭila mua hết tất cả những món tài sản ấy, dù chỉ là trái ớt hay cọng rau, họ cũng tìm đến cửa hàng ấy mà mua. Đồng tử Jāṭila đã bán sạch những hàng hóa được tồn trữ cả 12 năm chỉ nội trong một ngày.
Vị Tộc trưởng trở ra chợ, thấy hàng hóa đã hết, nên hỏi rằng:
– Nây Jāṭila con! Những hàng hóa đã mất hết rồi phải chăng?
– Chẳng có mất đâu cha! Con đã bán hết số hàng hóa ấy theo lời cha bảo rồi. Đây là tiền bán được.
Tộc trưởng vô cùng hài lòng trước kết quả tốt đẹp ấy, suy nghĩ rằng: “Người đại phước như thế nầy, dù cho có sống ở bất cứ nơi nào cũng tốt cả. Vậy ta hãy gả con gái ta cho y”.
Thế là, Trưởng giả gả con cho Jāṭila, rồi ông bảo gia nhân rằng:
– Các ngươi hãy kiến tạo tòa lâu đài cho hai đứa con của ta đi.
Khi ngôi nhà được hoàn tất rồi, ông bảo rằng:
– Hai đứa con hãy ở trong nhà ấy đi.
Chàng Jāṭila vừa đặt chân vào tòa nhà, lập tức một núi vàng cao 80 hắc tay (40 mét) từ dưới đất chui lên, ở phía sau nhà của Jāṭila. Đức vua nghe tin rằng:
– Núi vàng nổi lên gần nhà của Jāṭila.
Đức vua liền ban lọng Trưởng giả đến Jāṭila, đặt chàng vào địa vị đệ nhất Trưởng giả nơi thành Takkasilā. Trưởng giả Jāṭika có được ba người con trai, khi các công tử đã trưởng thành, được tin Đức Phật đã xuất hiện trên thế gian, tâm của Jāṭila mong muốn xuất gia, ông suy nghĩ rằng:
– Nếu giờ ta đi xuất gia, chắc chắn các con ta không cho ta đi đâu. Nếu có vị Trưởng giả nào có đại tài sản như ta hay hơn ta thì các con ta mới chịu cho ta xuất gia. Chẳng lẽ trên cõi Diêm Phù nầy không có người giàu có bằng hoặc hơn ta sao?
Trưởng giả Jāṭila cho thợ đúc những thỏi vàng ra thành những viên gạch bằng vàng, cho đúc cán dù bằng vàng, và đôi dép cũng bằng vàng, rồi bảo những vị Bàn Môn gia tộc rằng:
– Các vị hãy mang những vật nầy, đi chu du khắp cõi Diêm Phù giả như đang đi tìm một vật chi đó. Xem có ai giàu bằng hay hơn ta chăng?
Nhóm Bàn môn ấy đi đến kinh thành Bhaddiya, trong thành Bhaddiya có Trưởng giả Meṇḍaka, trông thấy nhóm gia nhân ấy, hỏi rằng:
– Các ngươi đang đi tìm cái chi thế?
– Chúng tôi đi tìm một món đồ.
Trưởng giả trông thấy họ mang những viên gạch vàng, cán dù vàng và đôi dép vàng như thế, thì biết rằng: “Những người nầy chẳng phải đi tìm vật chi khác lạ, họ đang tìm xem kẻ nào giàu hơn người đại phú gia này đây?”.
Nghĩ như thế rồi, Trưởng giả Meṇḍaka nói rằng:
– Nầy các ông, các ông hãy quan sát phía sau nhà của tôi đi.
Phía sau nhà Trưởng giả Meṇḍaka, một khoảng đất trống rộng nơi đó nổi lên những con dê bằng vàng lớn như con voi, con bò mộng Usabha hay con ngựa, những con nầy đứng nối đuôi con kia chật cả 8 mẫu. Quan sát được tài sản của Trưởng giả Meṇḍaka rồi, nhóm Bàn Môn biết được rằng: Đây là người mà chúng ta muốn tìm, họ liền trở lại thành Takkasilā, trình lại với Trưởng giả Jāṭila rằng: “Thưa ông! chúng tôi đã trở về”.
– Các ngươi có thấy ai giàu bằng hoặc hơn ta chăng?
– Thưa ông! Ông mà thấm vào đâu so với đại tài sản của Trưởng giả Meṇḍaka.
Trong thành Baddiya có Trưởng giả tên là Meṇḍaka có tài sản còn nhiều hơn ông nữa kìa.
Rồi nhóm Bàn môn ấy thuật lại cho Trưởng giả Jāṭila nghe. Nghe được tin nầy, Trưởng giả Jãṭila phát sanh hoan hỷ rằng:
– Ta đã gặp được một gia đình đại phú rồi. Giờ đây, còn gia tộc nào giàu có hơn nữa chăng?
Trưởng giả Jāṭila giao cho nhóm Bàn Môn tấm vải Kambala trị giá trăm ngàn đồng vàng, bảo rằng:
– Các vị hãy đi tìm xem có gia tộc nào là bậc đại phú gia nữa chăng?
Nhóm Bàn môn lại ra đi, sau nhiều nơi du hành, nhóm Bàn môn đi đến kinh thành Rājagaha, họ đi lần đến gần lâu đài của Trưởng giả Jotika. Họ giả vờ đi tìm củi, nhóm lên bếp lửa, thị dân trông thấy họ, nên hỏi rằng:
– Các ông đang làm chi thế?
– Chúng tôi có tấm vải trị giá trăm ngàn đồng vàng, chúng tôi muốn bán nhưng chẳng có ai mua nổi. Nay chúng tôi phải lên đường, con đường nầy có nhiều bọn cướp trú. Chúng tôi sợ cướp nên đành phải đốt bỏ tấm vải ấy để khỏi có sự tai hại đến mình.
– Nếu thế, các ông hãy mang đến bán cho Trưởng giả Jotika đi. Nhóm Bàn Môn ấy tìm đến lâu đài của Trưởng giả Jotika, Trưởng giả Jotika hỏi rằng:
– Các ông đến có việc chi chăng?
Nhóm gia nhân bạch trình lại sự việc ấy, Trưởng giả hỏi rằng:
– Vải Kambala nầy trị giá là bao nhiêu?
– Thưa chủ, trăm ngàn đồng vàng.
Trưởng giả sai người giao cho họ trăm ngàn đồng vàng rồi nhờ họ rằng:
– Các ngươi hãy mang tấm vải nầy đến cho người nữ tỳ quét rác trước cổng lâu đài hộ tôi đi.
Nàng nữ tỳ nhận lãnh chiếc vải Kambala ấy, nàng khóc lên đi tìm Trưởng giả Jotika mà than khóc rằng:
– Thưa gia chủ, tôi có phạm lỗi chi, chủ hãy đánh nặng tôi đi, vì sao chủ lại cho tôi tấm vải thô xấu như vậy. Làm thế nào tôi có thể mặc hoặc đắp loại vải thô xấu như vậy được.
– Chẳng phải ta cho ngươi dùng để mặc hay đắp, ta cho ngươi để ngươi đặt gần giường, khi ngủ ngươi sẽ lau chân bằng vải đó vậy.
– Thưa chủ, nếu dùng để lau chân thì tôi có thể sử dụng được.
Nhóm Bàn Môn chứng kiến được sự kiện ấy, vô cùng kinh hoàng trước đại gia sản của Trưởng giả Jotika, nên trở về Takkasilā báo lại cho Trưởng giả Jāṭila biết. Trưởng giả Jāṭila hỏi:
– Các ngươi có gặp người nào có đại tài sản hơn nữa chăng?
– Thưa gia chủ! Gia sản của ông chẳng thấm vào đâu so với gia sản của Trưởng giả Jotika ở thành Rājagaha cả.
Rồi họ thuật lại câu chuyện được chứng kiến đến gia chủ Jāṭila. Nghe xong, tâm của Jāṭila vô cùng phấn khởi rằng:
– Bây giờ thì ta dễ dàng xuất gia rồi. Ta hãy đi xuất gia thôi.
Trưởng giả Jāṭila đi đến hoàng cung, tâu lên Đức vua nguyện vọng của mình rằng:
– Tâu Đại Vương! Thần muốn được xuất gia.
– Lành thay! Lành thay! Nầy Trưởng giả, hãy làm theo những gì ông cho là hợp thời.
Trưởng giả Jāṭila cho gọi ba người con đến, trao cho người con cả cái cuốc bằng vàng, nói rằng:
– Con hãy cuốc một ít vàng ở núi vàng cho cha đi.
Người con cả cầm cuốc vàng đi đến núi vàng để cuốc vàng, nhưng vàng trở nên cứng rắn như đá tảng, không thể cuốc được.
Trưởng giả Jāṭila lại giao cuốc đến cậu công tử thứ hai, cậu nầy cũng như vậy, không cuốc được vàng ở núi vàng đó. Tiếp đến, Trưởng gia Jātila giao cuốc đến cậu công tử thứ ba. Công tử cuốc vàng như ta cuốc vào trong đất vậy. Trưởng giả nói với công tử út rằng:
– Thôi được rồi! Nầy con, bao nhiêu đó được rồi.
Ông cho gọi ba người con lại bảo rằng:
– Núi vàng nầy không phải phát sanh cho hai con, mà là phát sanh cho cha và em út của hai con. Vậy hai con phải sống an vui với em của các con đi.
Hỏi rằng: Vì sao núi vàng chỉ phát sanh đến Jātila và người con út vậy? Tại sao Trưởng giả Jātila bị cuốn trôi sông?
Đáp rằng: Do tiền nghiệp của hai vị ấy. Được biết rằng: Vào thời quá khứ, khi đại chúng đang kiến tạo ngôi Bảo Tháp vàng của Đấng Thập Lực Kassapa, có một vị Thánh Vô Lậu đi đến, sau khi xem xét Bảo Tháp, hỏi:
– Nầy quý vị, tại sao không xây mặt tiền hướng Bắc của ngôi Bảo Tháp?
– Bạch Ngài! Vì không đủ vàng.
– Nếu thế, tôi sẽ đi vào làng mạc để kêu gọi, các ngươi hãy tùy hỷ phước thiện ấy đi.
Vị Thánh Vô Lậu đi vào thôn xóm, kêu gọi đại chúng rằng:
– Nầy quý vị thiện gia tử, mặt tiền hướng Bắc của ngôi Bảo Tháp Đấng Thập Lực còn đang thiếu vàng. Vậy quý vị hãy cùng nhau tạo phước đi.
Tuần tự, Ngài đi đến ngôi nhà của người thợ bạc, ông ta vừa mới cãi cọ với vợ xong, sự phẫn nộ còn đang tiềm ẩn trong tâm. Khi ấy vị Thánh Lậu Tận đi đến kêu gọi người thợ bạc rằng:
– Nầy gia chủ, vàng dùng kiến tạo Bảo Tháp của Đấng Thập Lực còn thiếu. Vậy ông hãy hùn phước đi.
Cơn giận còn đang ẩn náu trong tâm của y, nên y thốt lên rằng:
– Ngài hãy quăng bỏ Đức Đạo Sư của Ngài xuống sông đi.
Nghe ác trọng nghiệp khẩu như thế, vợ ông kinh hoàng nói:
– Nầy ông! Ông đã tạo một ác trọng nghiệp quá nặng rồi. Ông có sân hận mà đánh đập hay chửi mắng tôi thì ác nghiệp ấy vẫn còn nhẹ. Vì sao ông lại quăng Đức Đạo Sư xuống sông chứ? Tại sao ông lại xúc phạm đến chư Phật ba đời như thế? Người thợ bạc nghe vợ nhắc nhở như thế, y kinh hoàng nói rằng:
– Bạch Ngài! Xin Ngài cho con được sám hối đi.
Y đảnh lễ dưới chân bậc Thánh Vô Lậu ấy. Ngài nói:
– Nầy thiện nam! Ông chẳng có lỗi lầm gì với ta cả, ông chỉ nên sám hối với Đức Đạo Sư mà thôi.
– Bạch Ngài! Con phải làm như thế nào để sám hối Đức Đạo Sư?
– Ông hãy làm ba bình bông để tôn trí Xá Lợi Phật, rồi mặc đồ ướt đẫm, tóc gội ướt đi đến sám hối với Ngài trước Xá Lợi Phật ấy.
– Thưa vâng! Bạch Ngài.
Người thợ bạc có ba người con, ông cho gọi các con đến, tỏ bày sự kiện ấy xong rồi, nói rằng:
– Nầy các con! Cha đã nói xúc phạm đến Đấng Thập Lực, nay cha phải làm ba bình hoa vàng để tôn trí Xá Lợi Đức Thế Tôn, và sẽ sám hối với Ngài. Vậy các con hãy giúp cha làm bình hoa vàng cho mau chóng đi.
Hai người con lớn của ông, nói rằng:
– Thưa cha! Chúng con không có bảo cha nói như thế. Ác nghiệp nầy của cha tạo ra, vậy cha hãy làm bình hoa vàng để chuộc lỗi cho được tốt đẹp hơn.
Riêng người con út suy nghĩ rằng:
– Lẽ thường phận sự của cha cũng là trách nhiệm của con vậy.
Y hoan hỷ cùng cha làm thành ba bình hoa vàng khoảng một gang tay để tôn trí Xá Lợi Đức Thế Tôn nơi ấy. Rồi ông thợ bạc mặc đồ đẫm ướt, tóc đẩm ướt nước, đến trước Xá Lợi Phật mà sám hối. Nhưng quả còn dư sót lại, khiến cho nàng tiểu thư sanh con ra, gọi nữ tỳ đem quăng hài tử xuống sông như vậy.
Hai người con lớn vì không có tâm hoan hỷ làm bình hoa vàng nên núi vàng không phát sanh đến cho hai người con lớn ấy. Mà núi vàng chỉ phát sanh đến Jāṭila cùng người con út, do vì cậu hoan hỷ cùng với cha làm ba bình hoa vàng như vậy.
Trưởng giả Jāṭila sau khi giáo giới con xong rồi, ông tìm đến Tịnh xá Jetavana xin được xuất gia với Đức Thế Tôn. Sau khi xuất gia, Ngài tinh cần hành Sa môn pháp nên chẳng bao lâu chứng đạt A La Hán Quả.
Thời gian sau, Đức Thế Tôn cùng đại chúng Tỳ khưu du hành đến xứ Takkasilā, Ngài cùng với 500 vị Tỳ khưu ngự đến tư thất của ba người con Trưởng Lão Jāṭila để nhận lấy vật thực. Các vị công tử cúng dường vật thực đến chư Tăng có Đức Phật là vị tọa chủ suốt cả nửa tháng.
Một hôm, chư Tỳ khưu bàn luận trong giảng đường rằng:
– Nầy Hiền giả Jāṭila! Giờ đây Hiền giả còn luyến ái núi vàng cao 80 hắc tay ấy chăng?
– Thưa chư Hiền! Tôi không còn ái luyến cùng với sự ngã mạn đối với núi vàng ấy nữa.
Chư Tỳ khưu cho rằng: “Tỳ khưu Jāṭila khoe pháp thượng nhân, nói lời không thật, tự cho mình là bậc A La Hán”.
Chư Tỳ khưu trình bạch lên Đức Thế Tôn vấn đề nầy, Ngài dạy rằng:
– “Nầy các Tỳ khưu! Vì ái và mạn đối với núi vàng hay các con mình, con Như Lai đã đoạn tận cả rồi”.
Rồi Đức Thế Tôn dạy lên kệ ngôn rằng: “Ai ở đời đoạn ái. Bỏ nhà sống xuất gia. Ái hữu được đoạn tận. Ta gọi Bà-lamôn”.
CHÚ GIẢI:
Nên hiểu kệ ngôn nầy như vậy: Người đã đoạn tận ái và kiến diễn tiến theo năng lực 6 môn, là bậc sống vô gia cư, tức là đã khước từ đời sống tại gia. Ta gọi người đã trừ tuyệt ái và hữu như thế là Bà la môn.
Dứt Pháp thoại, nhiều người chứng đạt Thánh Quả như Dự Lưu…
DỨT TÍCH TRƯỞNG LÃO LĀṬILA