Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển IV
Phẩm Bà La Môn: Tích Bà La Môn Akkosaka Bhāradvāja
“Akkosaṃ vadhabandhañca
Aduṭṭho yo titikkhati
Khantībalaṃ balānīkaṃ
Tamahaṃ brūmi brāhmaṇaṃ.
“Không ác ý nhẫn chịu
Phỉ báng đánh phạt hình
Lấy nhẫn làm nhân lực
Ta gọi Bà-la-môn”.
Đức Thế Tôn khi trú tại Veḷuvana, đề cập đến Bà la môn Akkosaka Bhāradvāja, đã thuyết lên kệ ngôn. Tương truyền rằng: Bà là môn Akkosaka Bhāradvāja có một người anh, người nầy có người vợ là một nữ Bà la môn đã đắc chứng Bậc Dự Lưu, vợ Bà la môn Bhāradvāja có thói quen tụng niệm danh hiệu Đức Thế Tôn mỗi khi bà ho hoặc nhảy mũi. Khi ấy nàng thường niệm: Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa.
Một hôm, trong lúc mang vật thực lên cho Bà la môn ấy, bà bị vấp té, nên giật mình tụng niệm lời niệm ấy. Bà la môn Bhāradvāja tức giận mắng nhiếc bà:
– Con khốn nầy, lúc nào cũng tán dương Sa môn trọc đầu ấy. Giờ đây ta sẽ đến chất vấn ông Sa môn ấy, là Bậc Đạo Sư của ngươi đây.
– Nầy ông! Ông hãy đi đi, tôi chưa bao giờ thấy ai có thể cật vấn với Đức Đạo Sư được. Ông hãy đi cật vấn Đức Thế Tôn đi.
Bà la môn ấy đi đến Tịnh xá, đảnh lễ Đức Thế Tôn xong rồi, đứng một bên chất vấn ngài rằng:
– “Người diệt được chi gọi là sống an lạc? Diệt được vật chi mới không sầu
muộn. Thưa Sa môn Gotama, Ngài thường tán tụng pháp chi nhất?”.
– “Nầy Bà la môn! Người diệt được sân hận sống an lạc. Diệt được sân hận sống không sầu muộn. Nầy Bà la môn, bậc Thánh hằnq tán thán sự diệt được sân hận, sân hận có rễ là độc, có ngọn là vị ngọt. Người đã trừ được sân hận không còn sầu muộn”.
Nghe được Pháp âm của Đức Thế Tôn, Bà la môn ấy phát sanh tịnh tín và xin xuất gia với Bậc Đạo Sư. Chẳng bao lâu ông tinh cần hành pháp, chứng đắc được quả vị А La Hán.
Bấy giờ nghe tin anh mình đã xuất gia, Bà la môn Akkosaka (người em) cùng với người em kế bất bình đi đến Tịnh xá Jetavana lăng mạ Đức Thế Tôn bằng lời nói thô tục. Và y cùng với người em kế cũng được Đức Đạo Sư nhiếp phục và tế độ bằng ví dụ đem đãi khách. Y tịnh tín xin xuất gia với Bậc Đạo Sư và về sau tinh cần hành pháp cũng chứng đạt A La Hán Quả.
Akkosaka còn có hai người em nữa là Sandarika và Bilaṇka cũng lăng mạ Đức Thế Tôn như vậy, cả hai cũng được Ngài tế độ, rồi họ cũng được xuất gia trong Giáo Pháp của Ngài và chứng đạt A La Hán Quả.
Một hôm, chư Tỳ khưu ngồi lại Giảng đường bàn luận với nhau rằng:
– Nầy chư Hiền, ân đức Phật thật là thù diệu. Cả bốn anh em Bà la môn ấy lăng mạ Ngài, Ngài vẫn an nhiên, trái lại Ngài còn tế độ, là nơi nương nhờ cho các vị Bà la môn ấy.
Đức Thế Tôn ngự đến phán hỏi rằng:
– Nầy các Tỳ khưu! Các ngươi đang bàn luận về vấn đề gì?
Chư Tỳ khưu trình lên Đức Thế Tôn vấn đề đang bàn luận.
– Nầy chư Tỳ khưu! Như Lai không ác hại với người ác hại. Vì Như Lai có đủ sức mạnh là sự nhẫn nại, thường là nơi nương nhờ của đại chúng thật sự.
Rồi Ngài tuyên thuyết lên kệ ngôn rằng: “Không ác ý nhẫn chịu. Phỉ báng đánh phạt hình. Lầy nhẫn làm quân lực. Ta gọi Bà-la-môn”.
CHÚ GIẢI:
Aduṭṭho…: nghĩa là người nào tâm sân hận, chịu đựng lời lăng mạ và lời đả kích với lo sợ đánh đập bằng tay… hoặc sự hình phạt bằng gông xiềng. Người lấy nhẫn nại làm sức mạnh, do có sự nhẫn nại là sức mạnh người ấy có được quân lực tối thắng, người ấy Như Lai gọi là Bà la môn.
Dứt Pháp thoại nhiều người chứng đạt Thánh Quả…
Dịch Giả Cẩn Đề
Bốn anh em nọ ở chung nhà,
Mắng Phật đã rồi, lại xuất gia,
Ấy thế mà sau La Hán cả,
Nhờ Ngài đem nhẫn nại độ tha,
Không giận, dầu ai phỉ báng mình,
Dầu ai đánh đập, hoặc gia hình,
Bà la môn chính danh như Phật,
Mát mẻ nhờ oai lực nhẫn binh.
DỨT TÍCH BÀ LA MÔN AKKOSAKA BHĀRADVĀJA