Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển Iv – Phẩm Ái Dục: Tích Hiền Trí Cūḷadhanuggaha

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển IV

Phẩm Ái Dục: Tích Hiền Trí Cūḷadhanuggaha

349. “Vitakkapamathitassa jantuno

Tibbarāgamsa subhānupassino

Bhiyyo taṇhā pavaḍḍhati

Esa kho daḷhaṃ karoti bandhanaṃ”.

“Người tà ý nhiếp phục

Tham sắc bén nhiệt nồng

Thường quán nhìn tịnh tướng

Người ấy ái tăng trưởng”.

350. “Vitakkūpasame ca yo rato
Asubhaṃ bhāyayati sadāsato
Esa kho byantikāhiti
Eso checchati mārabandhanaṃ”.

“An vui an tịnh ý
Quán bất tịnh thường niệm
Người ấy sẽ diệt ái
Cắt đứt ma trói buộc”.

Ngài làm sáng tỏ chuyện hiền trí Cūḷadhanuggaha như sau: Thời quá khứ có vị hiền trí là Cūḷadhanuggaha. Chàng đi đến kinh thành Takkasilā học nghệ thuật với danh sư Dīsāpa. Với bản chất thông minh, chẳng bao lâu chàng học xong mọi nghiệp nghệ của thầy. Danh sư Dīsāpa rất thương mến người học
trò thông minh như thế, nên ông gả cô con gái cho chàng.

Hiền trí Cūḷadhanuggaha từ tạ thầy trở về quê quán nơi kinh thành Bārāṇasī, mang theo người vợ lên đường. Hai vợ chồng đi đến một khu rừng, khu rừng nầy có 500 tên cướp trú ẩn, chúng thường xuyên chận khách xuyên rừng để cướp giật tài vật. Khi thấy hai vợ chồng hiền trí đi vào rừng, bọn chúng liền xông ra toan cướp giật tài sản, nhưng với tài nghệ của mình hiền trí Cūḷadhanuggaha đã giết chết những tên cướp, chỉ còn lại tên Chánh đảng, và tên Chánh đảng chống trả với Bồ Tát mãnh liệt, hắn ta bị Bồ Tát đè xuống trên mặt đất. Bồ Tát bảo vợ rằng:

– Nầy em, em hãy đưa gươm bén cho anh đi.

Người vợ vừa trông thấy tên cướp, tâm nàng chợt khởi lên tâm ái luyến với gã ta, nàng ta lừa kế, trao mũi gươm đến cho hiền trí Cūḷadhanuggaha còn chuôi gươm thì quay về phía tên cướp, tên cướp nhân cơ hội rút gươm sát hại hiền trí Cūḷadhanuggaha.

Sau khi thoát hiểm, tên cướp mang nàng ta theo, trên đường đi tên cướp chợt suy nghĩ rằng: “Cô nầy vừa trông thấy ta, đã say mê ngay và tìm cách sát hại chồng mình. Nếu như nàng trông thấy gã đàn ông khác thì nàng cũng say mê rồi sẽ giết ta như sát hại chồng nàng vậy”.

Khi đến bờ sông, y lập kế bảo nàng ta rằng:

– Nầy em! Anh sẽ mang hành trang qua sông trước, rồi trở lại rước em sau. Vì thuyền nầy nhỏ bé, không thể chở nặng được. Em hãy chờ đợi anh.

Tên cướp mang những hành trang qua sông rồi y bỏ đi luôn mặc cho nàng ta ở bên sông nầy. Đến khi biết được mình bị bỏ rơi, nàng ôm mặt khóc. Với Thiên nhãn, Đức Đế Thích biết rõ câu chuyện. Ngài muốn cảnh tỉnh nàng ta, hóa hiện thành con chó chóc đi đến bên nàng. Câu chuyện nầy được giảng rộng trong Bổn Sanh Pañcakapipāta chi tiết rằng:

– Nầy chàng Bà la môn, anh hãy mang hết hành trang qua sông đi, rồi hãy trở lại rước em với.

– Nầy nàng xinh đẹp ơi, nàng đã chọn tôi không phải là chồng nàng, không phải là người sống chung với nàng, thay vì người chồng đã cùng nàng chung sống từ lâu.

Nầy nàng thiếu nữ xinh đẹp kia, nàng sẽ chọn người đàn ông xinh đẹp khác thay vì tôi. Tôi sẽ xa lánh nàng, sẽ đi khỏi nơi nầy thật xa.

– Ai đã cười trong bụi cỏ, ở nơi đây chẳng có sự múa hát hay sự hòa tấu nào mà người tạo nên cả. Nầy nàng xinh đẹp, nàng có mông tròn đầy, tại sao nàng lại sụt sùi than khóc?

– Nầy chó chóc, là loài Jambuka ngu si thiếu trí, ngươi không có cá (thịt) rồi ủ rũ giống như con thú mồ côi.

– Lỗi người thấy thật dễ dàng, còn lỗi mình thì khó thấy, chính nàng vừa bị mất chồng, vừa bị mất tình nhân. Nàng đang ủ rũ còn hơn ta nữa kìa.

– Nầy thú Jambuka! Chuyện ấy đúng như ngươi nói. Ta sẽ ra khỏi nơi nầy, ta chắc chắn sẽ tìm được chàng.

– Ngươi nào dùng bát đất được thì cũng dùng bát đồng được, người đã làm việc ác thuần thục và sẽ làm ác như thế tiếp tục nữa.

Khi Đức Thế Tôn thuyết giảng xong Bổn Sanh, Ngài phán rằng:

– Trong thời đó, hiền trí Cūḷadhanuggaha chính là Tỳ khưu trẻ hiện nay, nữ nhân khi ấy nay chính là thiếu nữ trong hiện tại. Còn Thiên Vương Đế Thích chính là Như Lai vậy.

Tiếp theo Ngài giáo giới vị Tỳ Khưu trẻ ấy rằng:

– Nầy Tỳ Khưu! Người thiếu nữ ấy đã giết chết hiền trí cao quý ấy chỉ vì thương yêu người nam vừa gặp mặt trong giây lát như thế. Nầy Tỳ khưu, ngươi hãy cắt đứt ái dục của ngươi đi, hãy cắt đứt ái dục với nàng thiếu nữ ấy.

CHÚ GIẢI:

Vitakkapamathitassa: tức là người bị ba loại tầm như dục tầm… chi phối.

Tibharāgassa: tức là người tham ái quá độ.

Subhānupassino: nghĩa là người thấy cảnh rằng: “đẹp” vì tâm đã phóng theo các cảnh ước muốn do sự chấp thủ cảnh khả ái.

Taṇhā: nghĩa là: Trong các bậc Thiền như Sơ thiền… Thậm chí một tầng thiền cũng không đắc chứng hay phát triển được với nhiều người tham dục như vậy. Thật sự ái được tăng trưởng qua sáu căn môn.

Esa kho: nghĩa là: Chính người đó làm dây trói buộc tức ái càng bền chắc.

Vikūpasame: nghĩa là: Cả 10 đề mục bất tịnh trong Sơ thiền, tức là Pháp khắc phục các tà tư duy.

Sadāsato: nghĩa là: vị Tỳ khưu nào hoan hỷ trong Sơ thiền… gọi là có niệm, do có niệm vững chắc luôn luôn mới phát triển thiền bất tịnh ấy.

Byantikāhati: nghĩa là: Vị Tỳ khưu ấy đã làm cho ái sanh trong ba cõi được chấm dứt.

Mārabandhanaṃ: nghĩa là: Vị Tỳ khưu ấy đã cắt đứt dây ràng buộc của Ma vương, tức là vòng luân hồi diễn tiến trong ba cõi.

Dứt Pháp thoại, vị Tỳ khưu trẻ chứng đạt quả vị Tu Đà Hườn. Pháp thoại mang lại lợi ích cho hội chúng là như thế.

Dịch Giả Cẩn Đề
Xin nước, gặp nhà có gái xinh,
Lân la han hỏi, gợi hoa tình,
Tỳ khưu trẻ tuổi mong hoàn tục,
Phật kể thầy nghe tích bổn sinh,
Xưa kia, nàng ấy đã lang tâm,
Cứu cướp, giết chồng đạo nghĩa thâm!
Cướp đoạt của nàng đi một nước,
Bỏ nàng hiu quạnh giữa sơn lâm…
Đến nay, gặp lại chính chồng xưa,
Nàng vẫn manh tâm, nết chẳng chừa!
Nghe vậy, Tỳ khưu đang bất mãn,
Nhất tâm, ái dục, nguyện ngăn ngừa.
DỨT TÍCH HIỀN TRÍ CŪḶ ADHANUGGAHA

133

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app