Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển IV

Phẩm Ái Dục: Tích Con Cá Kapila

334. “Manujassa pamattacārino

Taṇhā vaḍḍhati māluvā viya
So plavati hurāhuraṃ
Phalaṃ icchaṃ’va vanasmiṃ vānaro”.
335. “Yaṃ esā sahatī jammī
Taṇhā loke visattikā
Sokā tassa pavaḍḍhati
Abhivaṭṭhaṃ’va bīranaṃ”.

“Người sống đời phóng dật

Ái tăng như dây leo
Nhảy đời nầy đời khác
Như vượn tham trái rừng”.
“Ai sống trong đời nầy
Bị ái dục ràng buộc
Sầu khổ sẽ tăng trưởng
Như cỏ Bi gặp mưa”.

336. “Yo c’etaṃ sahātī jammiṃ

Taṇhā loke duraccayaṃ
Sokā tamhā papatanti
Udabindu’va pokkharā vo”.
337. “Taṃ vo vadāmi bhaddaṃ vo
Tāvant’ettha samāgatā
Taṇhāya mūlaṃ khanatha
Usīrattho’va bīraṇaṃ
Māvo nalaṃ va soto’va
Māro bhañji punapppunaṃ”.

“Ai sống trong đời nầy

Ái dục được hành phục
Sầu rời khỏi người ấy
Như giọt nước lá sen”.
“Đây điều lành ta dạy
Các ngươi tụ họp đây
Hãy nhổ tận gốc ái
Như nhổ gốc cỏ Bi
Chớ để ma phá hoại
Như giòng nước cỏ lau”.

Kệ ngôn nầy Đức Đạo Sư thuyết ra khi Ngài ngự tại thành Sāvatthī, nơi Tịnh xá Jetavana, đề cập đến con cá Kapila.

Tương truyền rằng: Thời quá khứ, khi Giáo Pháp của Đức Chánh Đẳng Giác có hồng danh là Kassapa đang rực sáng trong thế gian. Khi Ngài Níp Bàn rồi, bấy giờ có hai anh em của một thiện gia tử, xuất gia với chư Tỳ khưu. Người anh có tên là Sodhana, người em tên là Kapila, mẫu thân là Sodhanā cùng với cô em gái tên Tāpanā cũng xuất gia làm Tỳ khưu ni trong Ni chúng.

Sau khi xuất gia, hai thiện gia tử ấy đã hành tròn bổn phận đối với Giáo Thọ Sư cùng với Tế Độ Sư. Một hôm, hai vị bạch hỏi thầy rằng:

– Bạch Ngài! Trong Giáo pháp nầy có bao nhiêu phận sự phải hành?

– Nầy Hiền giả! Có hai phận sự cần phải hành là: Pháp Học và Pháp Hành.

Tỳ khưu Sodhana suy nghĩ: “Ta sẽ tu tập Pháp hành”. Sau khi ở với Tế Độ Sư tròn năm hạ, Tỳ khưu Sodhana học đề mục nghiệp xứ cho thông suốt để đắc chứng A La Hán, mới đi vào rừng chuyên cần hành Sa môn Pháp và chứng đắc Vô Lậu Quả. Riêng Tỳ khưu Kapila suy nghĩ rằng: “Bây giờ ta còn trẻ, khi đến tuổi già rồi thì sẽ hành pháp Sa môn cũng chưa phải là muộn”.

Vị ấy bắt đầu học Tam Tạng Pháp Bảo, chẳng bao lâu vị ấy thông Tam Tạng, có nhiều tùy chúng vây quanh và lợi đắc phát sanh đến cho vị ấy. Do nhân lợi đắc dồi dào Tỳ khưu Kapila phát sanh sự ngã mạn, cho rằng: “Ta là bậc đại trí”. Y đã dùng biện tài của mình nói lên những điều sai lệch với chân lý khi tranh luận cùng người khác, những điều hợp pháp y cho rằng “không hợp pháp”, những điều có tội y cho rằng “vô tội”. Trái lại điều vô tội y chi rằng có tội, điều không hợp pháp y cho rằng là hợp pháp. Chư Tỳ khưu có Giới hạnh khuyên nhủ y rằng:

– Nầy Hiền giả Kapila, Hiền giả chớ nên nói thế.

Chư Tỳ khưu giảng giải luật đến y, y phẫn nộ đối với chư Tỳ khưu rằng:

– Các vị mà biết cái gì? Các vị ví như người nắm tay trắng…

Thấy khuyên nhủ Tỳ khưu Kapila không có hiệu quả, chư vị ấy đem sự việc ấy bạch lên Trưởng Lão Sodhana. Trưởng lão khuyên ngăn y rằng:

– Nầy Hiền giả Kapila! Sự thực hành chân chánh của Chư Tỳ khưu được xem là tuổi thọ của Giáo Pháp, Hiền giả cũng là vị Tỳ khưu, Hiền giả chớ nên bỏ việc thực hành chân chánh Sa môn Pháp.

Rồi Trưởng lão Sodhana đã khuyên giải những điều hợp lý về Pháp, về Luật… Nhưng Tỳ khưu Kapila vẫn để ngoài tai những lời khuyên nhủ ấy, y không nhận lấy lời khuyên nhủ của anh mình.

Trưởng lão Sodhana đã khuyến giáo Tỳ khưu Kapila đến hai, ba lần mà kết quả chẳng được chi cả, Ngài biết rằng: “Tỳ khưu Kapila là người khó dạy, y đã chẳng vâng lời ta”. Ngài bảo với Tỳ khưu Kapila rằng:

– Nầy Hiền giả Kapila! Nếu sự việc là như thế, Hiền giả sẽ nhận lãnh quả nghiệp của mình vậy.

Và Trưởng lão bỏ đi. Kể từ đó những vị Tỳ khưu có Giới hạnh thanh tịnh đã lìa xa Tỳ khưu Kapila. Tỳ khưu Kapila có hành vi bất thiện như thế nên thường thân cận với những người bất thiện.

Một hôm, vào ngày Uposatha, Tỳ khưu Kapila đi đến nơi hội họp của chư Tỳ khưu với ý niệm rằng: “Ta sẽ là người Tụng Giới Bổn”. Y liền cầm quạt đi đến ngồi trên Pháp tòa trong Giảng Pháp đường, hỏi rằng:

– Nầy chư Hiền! Chư Tỳ khưu hội họp nơi đây tụng đọc Giới Bổn phải chăng?

Chư Tỳ khưu im lặng, tự ngã của kapila bị xúc phạm, y suy nghĩ: “Cần gì ta phải vấn đáp với chư Tỳ khưu nầy nhỉ?”.

Y bèn nói rằng:

– Nầy chư Hiền, Pháp chẳng có đâu, Luật cũng chẳng có đâu, lợi ích chi với Giới Bổn mà các vị nghe hay không nghe chứ.

Nói rồi, y rời bỏ Pháp tòa đi khỏi Giảng đường. Tỳ khưu Kapila đã làm Giáo Pháp của Đức Thế Tôn Kassapa tổn giảm như thế. Và Trưởng lão Sodhana đã Vô Dư Níp Bàn ngay trong ngày ấy.

Khi mãn tuổi thọ, Tỳ khưu Kapila rơi vào A Tỳ địa ngục, mẹ và em gái của y là Sodhanā và Tāpanā thưở sanh tiền đã xu hướng với Tỳ khưu Kapila, đã mắng chửi chư Tỳ khưu nào khuyên giải Kapila. Do đó, cả hai cùng chịu chung số phận như Tỳ khưu Kapila.

Vào thời đó, có 500 thanh niên tụ hội với nhau thành một đảng cướp, bọn cướp đã cướp giật dân chúng, sách nhiễu đến chúng dân. Bọn chúng sanh sống bằng nghề nghiệp phi chân chánh như thế. Một hôm, chúng dân cùng quan binh truy nã bọn chúng, cả 500 tên cướp chạy vào rừng trốn, nhưng quân binh cùng chúng dân theo rượt quá gắt, bọn chúng chẳng có nơi nào ẩn thân được. Trên đường chạy vào rừng trốn, 500 tên cướp trông thấy vị Sa môn sống hạnh ẩn lâm đang ngồi thiền tư. Chúng vui mừng như bắt gặp tài sản quý, cả 500 tên cướp đến đảnh lễ vị ẩn lâm Tỳ khưu, bạch rằng:

– Bạch Ngài! Xin Ngài hãy là nơi nương chờ của chúng con đi.

– Nầy các người, chẳng có nơi nào nương nhờ an ổn cho bằng Giới. Vậy các ngươi hãy trọ trì giới đi.

– Thưa vâng, Bạch Ngài.

Bọn cướp đã thọ trì ngũ giới, thế rồi vị Tỳ khưu khuyên dạy bọn chúng rằng:

– Bây giờ các ngươi là người có giới rồi, dù có thiệt hại đến mạng sống đi nữa, các ngươi cũng không được lìa bỏ giới hạnh của mình, một ý ác cũng không nên vọng đến.

– Thưa vâng, Bạch Ngài.

Khi ấy, dân chúng cùng quan quân kéo đến bắt được bọn cướp tại nơi ấy, bọn cướp không chống trả lại và bọ sát hại hết. Và cả 500 tên cướp thọ sanh vào Thiên giới, tên chúa đảng trở thành vị Thiên tử trưởng của nhóm Thiên tử ấy.

Trải qua tuổi thọ một vị Phật, 500 Thiên tử ấy tái sanh vào nhân giới, vào thai bào của 500 gia tộc chuyên nghề đánh cá ven sông Aciravatī gần kinh thành Sāvatthī. Vị Thiên tử trưởng nhóm nầy cũng là người cầm đầu 500 thanh niên chài lưới ấy. Cả 500 thanh niên đã hạ sanh cùng một ngày như vậy.
Được biết rằng: Vào ngày hạ sanh đứa bé Trưởng đoàn, gia tộc trưởng của nhóm dân chài cho người đi tìm
“Có đứa bé nào hạ sanh cùng ngày trong làng nầy chăng?”. Được biết có được 500 đứa bé trai cùng sanh ra trong ngày, nên gia tộc trưởng nhóm dân chài cho tiền trợ cấp nuôi dưỡng của năm trăm hài nhi ấy, với ý niệm rằng: “Những hài nhi nầy sẽ là bạn của con ta”.

Những hài nhi ấy sinh hoạt chung với nhau từ thưở bé cho đến lớn, và con của người Trưởng tộc dân chài có uy quyền hơn cả.

Tỳ khưu Kapila bị thiêu đốt trong lửa địa ngục A Tỳ hết một đời vị Phật, quả nghiệp còn dư sót, vào thời Đức Phật Gotama y tái sanh làm con cá vàng ở sông Aciravatī, con cá có làn da vàng óng ánh, nhưng khi nó mở miệng ra thì phát sanh mùi hôi thối nồng nặc, đây là kết quả dị thục của lời phi ngữ đã hủy báng Giáo Pháp chư Phật. Một hôm, 500 thanh niên bàn luận cùng nhau rằng:

– Chúng ta ra sông bắt cá đi.

Họ mang lưới đánh cá dọc theo sông Aciravatī. Con cá vàng đã mắc lưới của 500 chàng thanh niên. Khi kéo lưới lên, thấy con cá vàng xinh đẹp óng ánh, 500 thanh niên reo lên rằng:

– Ồ! Lần đầu tiên chúng ta bắt được con cá kì lạ như vầy, lần nầy chúng ta sẽ mang đến dâng Đức vua, chắc chắn Ngài sẽ ban thưởng chúng ta trọng hậu.

Những chàng thanh niên mang con cá lên thuyền, bơi thuyền đến Hoàng cung, dâng lên Đức vua con cá vàng xinh đẹp. Đức vua Pasenadi vị thủ lãnh xứ Kosala phán hỏi rằng:

– Cái chi thế?

– Tâu Bệ hạ! Đây là con cá kỳ lạ mà chúng thần vừa bắt được trên sông Aciravatī.

Trông thấy con cá như thế, Ngài suy nghĩ rằng: “Việc nầy ngoài Bậc Đạo Sư ra hẳn không ai hiểu được tiền nghiệp con cá vàng nầy đâu. Vậy ta hãy mang đến Jetavana bạch hỏi Đức Thế Tôn vấn đề nầy”.

Ngài truyền lịnh mang con cá vàng đến Tịnh xá Jetavana, khi con cá mở miệng ra ngáp, một mùi thúi nồng nặc bay khắp kinh thành Sāvatthī. Đức vua bạch hỏi Đức Thế Tôn rằng:

– Bạch Thế Tôn! Do nhân chi mà con cá nầy có màu da vàng óng ánh. Và do nhân chi mà miệng nó thối nồng nặc như thế.

– Nầy Đại vương! Con cá nầy chính là vị Tỳ khưu Kapila, y là bậc đa văn, có nhiều tùy tùng trong thời Giáo Pháp của Đức Thế Tôn Kassapa, do bị tham đắm lợi lộc chửi mắng chư Tỳ khưu có giới hạnh, vì những vị nầy đã khuyên nhủ y. Y lại làm tổn giảm Giáo Pháp của Đấng Kassapa. Do nghiệp ác ấy, y phải rơi vào địa ngục A Tỳ trọn cả một đời vị Chánh Đẳng Giác, khi thoát khỏi địa ngục, quả nghiệp còn dư sót, Tỳ khưu Kapila họ sanh làm con cá vàng ở sông Aviravatī. Thưở trước do nhờ y thuyết giảng Phật ngôn, tán dương ân đức Phật và thân hạnh của y trong sạch một thời gian, nên có được màu da vàng ròng. Do mắng chửi chư Tỳ khưu và làm tổn giảm Giáo Pháp của Đức Thế Tôn nên miệng có mùi thối. Nầy Đại Vương, Như Lai sẽ khiến con cá nầy nói lên sự kiện ấy.

– Bạch Thế Tôn! Xin Ngài hãy làm con cá nói lên đi.

Đức Thế Tôn phán hỏi con cá vàng rằng:

– Nầy cá Aciravatī! Ngươi thưở trước tên là chi?

– Bạch Thế Tôn! Con là Tỳ khưu Kapila.

– Ngươi từ đâu đến?

– Con từ địa ngục A Tỳ thọ sanh lên đây.

– Nầy Kapila! Anh trai của ngươi đâu rồi?

– Bạch Thế Tôn! Anh con là Trưởng lão Sodhana đã Níp Bàn rồi.

– Còn nàng Sodhanā, mẹ ngươi hiện ở đâu?

– Đã rơi vào địa ngục A Tỳ rồi, bạch thế Tôn.

– Còn nàng Tāpanā, em gái của ngươi thì sao rồi?

– Bạch Thế Tôn, cũng đang rơi vào địa ngục A Tỳ.

– Nầy Kapila, giờ đây ngươi sẽ phải đi về đâu?

– Bạch Thế Tôn! Con sẽ rơi và địa ngục lại thôi.

Cá Kapila bị nhiệt não khi nhớ lại nghiệp ác thưở trước, nó đập đầu vào thuyền và mệnh chung, ngay khi ấy nó lại tái sanh vào địa ngục A Tỳ một lần nữa. Đại chúng kinh cảm trước sự việc ấy, lông tóc dựng ngược.

Đức Thế Tôn khi ấy dùng Phật trí quán xét hội chúng, Ngài thuyết lên Pháp thoại thích ứng với căn cơ hội chúng, Ngài thuyết bài kinh Kapila trong Suttanipāta rằng:

– Bậc trí đã nói lên sự thực hành Pháp và sự thực hành Phạm hạnh, đó là: Viên ngọc quý nhất.

Rồi Ngài thuyết lên kệ ngôn rằng:

334. “Manujassa pamattacārino

Taṇhā vaḍḍhati māluvā viya
So plavati hurāhuraṃ
Phalaṃ icchaṃ’va vanasmiṃ vānaro”.
335. “Yaṃ esā sahatī jammī
Taṇhā loke visattikā
Sokā tassa pavaḍḍhati
Abhivaṭṭhaṃ’va bīranaṃ”.

“Người sống đời phóng dật

Ái tăng như dây leo
Nhảy đời nầy đời khác
Như vượn tham trái rừng”.
“Ai sống trong đời nầy
Bị ái dục ràng buộc
Sầu khổ sẽ tăng trưởng
Như cỏ Bi gặp mưa”.

336. “Yo c’etaṃ sahātī jammiṃ

Taṇhā loke duraccayaṃ
Sokā tamhā papatanti
Udabindu’va pokkharā vo”.
337. “Taṃ vo vadāmi bhaddaṃ vo
Tāvant’ettha samāgatā
Taṇhāya mūlaṃ khanatha
Usīrattho’va bīraṇaṃ
Māvo nalaṃ va soto’va
Māro bhañji punapppunaṃ”.

“Ai sống trong đời nầy

Ái dục được hành phục
Sầu rời khỏi người ấy
Như giọt nước lá sen”.
“Đây điều lành ta dạy
Các ngươi tụ họp đây
Hãy nhổ tận gốc ái
Như nhổ gốc cỏ Bi
Chớ để ma phá hoại
Như giòng nước cỏ lau”.

Chú thích:
Pamattacārino: nghĩa là: Thiền không phát triển Minh sát. Đạo quả cũng không phát triển với người sống dễ duôi như thất niệm. Có lời giải rằng: Giống như dây leo quấn vào thân cây thường phát triển làm cho thân cây ấy bị tổn hại như thế nào, thì ái dục cũng như thế đó. Gọi là đã phát triển cho người ấy qua sáu căn, luôn luôn sanh khởi.

So pariplavati hurāhuraṃ: nghĩa là: Người ấy tiến theo đường lối của ái dục, thường lang thang kiếp nầy sang kiếp khác.

HỎI RẰNG: Họ thường lang thang giống như gì?

ĐÁP RẰNG: Giống như con khỉ mong muốn trái cây rừng, nhảy nhót trên những cành cây.

CHÚ GIẢI:
Khi con khỉ mong muốn trái cây, nó sẽ nhảy nhót trong rừng, nó nắm lấy cành nầy, buông bỏ cành kia, bắt lấy cành nọ. Nó không phải là loài thú được người ta bảo rằng: “Vì không bắt được cành cây nên nó ngồi yên”, nó cứ lao chao mãi . Cũng vậy, người diễn tiến theo đường lối ái dục, thường lang thang từ kiếp nầy sang kiếp khác, không thể là người được nói rằng: “Họ không bắt được cảnh rồi mới ngồi yên, không tầm cầu dục”, họ luôn đi tìm cảnh khả ái.

Câu: Yaṃ…: Nghĩa là ái diễn tiến trong sáu căn môn là hạ liệt, vì đó là điều bất thiện, kể là: Visattikā, vì ái dục phóng đi tức là bắt theo cảnh sắc…giống như vật thực độc, hoa độc, trái độc, vật dụng độc thường xâm nhập người nào, thì các sự sầu muộn như luân hồi làm gốc thường tăng trưởng nhiều trong tâm của người ấy, giống như loại cỏ bén nhọn khi trời mưa xuống thường xanh tươi trong rừng vậy.

Duraccayaṃ…: nghĩa là: Người nào khắc phục được ái dục như đã nói rằng: Khó vượt qua, vì đó là điều khó dứt bỏ được. Thì người ấy làm cho các sầu muộn như luân hồi làm gốc không thể thấm vào người ấy, giống như giọt nước không thể thấm trên lá sen.

Taṃ vo vadāmi: tức là do đó Như Lai mới dạy các ngươi.

Hai câu: Bhadaṃ vo: nghĩa là: may mắn cho các ngươi. Có lời giải rằng: Các ngươi chớ làm tổn hại như Tỳ khưu Kapila nầy.

Mūlaṃ…: nghĩa là: các ngươi hãy đào xới tận gốc rễ ái dục diễn tiến trong sáu căn nầy bằng trí tương ưng đạo A La Hán.

HỎI: Đào xới tận gốc rễ giống như cái gì?
ĐÁP: Giống như người ta đào lấy rễ của loại cỏ bén nhọn bằng cuốc như thế nào các ngươi hãy đào xới tận gốc rễ ái dục bằng trí tuệ như vậy.

Mā vo nalaṃva sotova māro bhañji punappunaṃ: Nghĩa là: Phiền não ma, Tử thần ma, và Chư Thiên ma chớ để cho nó xâm nhập, chiếm ngự các ngươi mãi mãi như dòng nước chảy mạnh cuốn trôi cả lát mọc ở bờ sông vậy.

Dứt pháp thoại, cả 500 thanh niên làng chài lưới động tâm, muốn dứt khỏi khổ. Cả 500 thanh niên xin xuất gia sống đời Phạm hạnh trong Giáo Pháp của Đức Thế Tôn. Chẳng bao lâu, các vị ấy đã đoạn tận khổ ưu, cùng an trú trong một Pháp là Aneñājāvihāradhamma và Samāpattidhamma với Bậc Đạo Sư.

Dịch Giả Cẩn Đề
Con cá vàng kim, miệng thúi tha,
Phật cho nói được tiếng người ta!
Khai rằng: “Tôi đến từ địa ngục,
Tên thật tôi là Kapila”.
Kiếp trước, cá là một Pháp Sư,
Nói năng hoạt bát giỏi kinh thư,
Ỷ tài, thị chúng, khinh thường luật,
Sót nghiệp A Tỳ, đọa lý ngư,
Phật dạy: Tỳ khưu chớ dễ duôi,
Theo dòng ái dục thả trôi xuôi,
Ngược dòng tuy khổ, nhưng vô hại,
Giờ phút lâm chung khỏi ngậm ngùi.
DỨT TÍCH CON CÁ KAPILA

127 1

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app