Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III
Phẩm Thế Gian: Tích Hoàng Tử Abhaya
“Etha passathimaṃ lokaṃ,
Cittaṃ rājarathūpamaṃ;
Yattha bālā visīdanti,
Natthi saṅgo vijānataṃ”.
“Hãy đến nhìn đời này,
Như xe Vua lộng lẫy,
Người ngu mới tham đắm,
Kẻ trí nào đắm say”.
Kệ Pháp Cú này Ngài thuyết ra khi ngự tại Valuvana, gần thành Rājagaha, đề cập đến Hoàng Tử Abhaya.
Tương truyền rằng: Hoàng Tử Abhaya vâng lịnh Phụ vương ra biên cương dẹp loạn, Ngài chiến thắng được giặc, ca khúc khải hoàn hồi triều ca. Đức vua Bimbisāra vô cùng đẹp dạ, ban thưởng cho chàng được trị ngôi trong 7 ngày, ngoài ra còn ban cho Vương Tử một nàng mỹ nữ tuyệt sắc, với tài vũ điêu luyện.
Hoàng Tử Abhaya thọ hưởng Vương Vị trọn bảy ngày, không hề rời Cung Vị mà ra ngoài. Đến ngày thứ tám, chàng mới ra sông tắm, khi đi chàng mang theo cô vũ nữ xinh đẹp ấy. Tắm xong, Hoàng Tử cùng với tuỳ tùng và nàng vũ nữ đến vườn Thượng Uyển ngoạn cảnh và nghỉ ngơi tại nơi đó. Nàng vũ nữ đang biểu diễn nghệ thuật múa hát của mình cho Vương Tử ngự lãm, chẳng may một ngọn độc phong xâm nhập vào thân nàng, khiến nàng mệnh chung trong nháy mắt, cũng giống như nàng vụ nữ của Đại Thần Santati, ngọn độc phong bén như lưỡi dao nhỏ, cắt đứt trái tim của nàng. Hoàng Tử Abhaya vô cùng sầu não, tiếc thương nàng vũ nữ với vẻ đẹp diễm lệ của nàng. Lòng Vương Tử ảo não, chàng suy nghĩ rằng:
– Ngoài Bậc Đạo Sư ra, không ai có thể làm cho ta hết sầu khổ được.
Chàng đi vào tịnh xá Veluvana, đảnh lễ Đức Thế Tôn xong rồi ngồi vào nơi phải lẽ. Đức Thế Tôn phán hỏi rằng:
– Này Vương Tử! Vì sao ngươi lại sầu não như thế?
– Bạch Thế Tôn! Con sầu não bởi tiếc thương nàng vũ nữ diễm lệ đã chết đi.
– Này Vương Tử! Nước mắt mà ngươi khóc cho nàng ấy khi nàng ấy chết đi, nếu gom lại còn nhiều hơn cả nước trong bốn đại dương. Nhưng nào ngươi có thấu được đâu.
Nghe như vậy, Hoàng Tử dịu bớt cơn sầu não, biết được tâm chàng với sầu khổ, Đức Thế Tôn phán dạy tiếp rằng:
– Này Hoàng Tử! Ngươi chớ nên sầu khổ nữa, vì đó là nơi sa đoạ của ngu nhân.
Rồi Đức Thế Tôn thuyết lên kệ ngôn:
171. Đến đây, hãy nhìn thế gian này, như chiếc Long xa trang hoàng lộng lẫy. Kẻ cuồng dại lặn hụp trong thế gian ấy, nhưng người thiện trí thì không luyến ái.
“Etha passathimaṃ lokaṃ,
Cittaṃ rājarathūpamaṃ;
Yattha bālā visīdanti,
Natthi saṅgo vijānataṃ”.
“Hãy đến nhìn đời này,
Như xe Vua lộng lẫy,
Người ngu mới tham đắm,
Kẻ trí nào đắm say”.
CHÚ GIẢI:
Etha passatha: Nghĩa là Đức Thế Tôn chỉ vị Hoàng Tử Abhaya.
Imaṃ lokaṃ: Nghĩa là xác thân tức là uẩn thế gian.
Cittaṃ: Nghĩa là trang điểm lộng lẫy với vải, ngọc… ví như chiếc Long xa được trang hoàng với 7 loại ngọc.
Yattha bālā: Nghĩa là chỉ có những kẻ ngu dính mắc trong xác thân.
Vijānataṃ: Nghĩa là đối với người trí hiểu biết, tức là các bậc trí không bị dính mắc vào các phiền não, vật trói buộc như ái… dù chỉ trong xác thân này cũng không hề có. Dứt thời Pháp, Hoàng Tử Abhaya chứng đạt Dự Lưu Quả, pháp thoại mang lại lợi ích cho thính chúng như thế.
Dịch Giả Cẩn Đề
Hoàng tử được Vua thưởng bảy ngày,
Tha hồ ngũ dục hưởng vui say!
Bất ngờ vũ nữ nhào lăn chết,
Hoàng tử sầu bi, kiếm Phật ngay!
Phật dạy: Về nàng vũ nữ kia,
Đau lòng từ biệt với sanh lìa,
Hoàng nam đã đổ hằng sa lệ
Trong cõi luân hồi mãi đoạn chia!
Kẻ trí khi nhìn cảnh thế gian,
Như xe Vua lộng lẫy muôn vàn
Cũng không thấy bận lòng lo nghĩ
Chỉ có người ngu mới tiếc than.
DỨT TÍCH HOÀNG TỬ ABHAYA