Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển Iii – Phẩm Phật Đà: Tích Thể Hiện Song Thông Nhiếp Ngoại Đạo

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III

Phẩm Phật Đà: Tích Thể Hiện Song Thông Nhiếp Ngoại Đạo

“Ye jhānapasutā dhīrā,
Nekkhammūpasame ratā;
Devāpi tesaṃ pihayanti,
Sambuddhānaṃ satīmataṃ”.

“Người trí chuyên thiền định,
Thích an tịnh viễn ly,
Chư Thiên đều ái kính,
Bậc chánh giác, chánh niệm”.

Kệ Pháp Cú nầy được Đức Bổn Sư thuyết lên, khi Ngài trú tại thành Sankassa, đề cập đến nhiều vị Chư Thiên và nhân loại tại cửa thành Sankassa. Một thời, có vị Trưởng giả trong thành Rājagaha, ông ta cho giăng lưới có hình như chiếc chai bể, để giữ an toàn khu vực tắm riêng mình và giữ lại những đồ vật do vô ý làm rớt xuống nước bị trôi đi như là: y phục… chẳng hạn.

Một hôm, khi đi tắm sông, ông bỗng trông thấy một khúc gỗ trầm hương đỏ trôi tấp vào lưới giăng và mắc vào đó. Nguyên trên thượng lưu sông Gangā, có một cây Trầm hương mọc dựa mé thượng nguồn, dần dần nước xoáy gốc trầm hương, cây trầm hương ngã xuống, một đoạn trầm có vòng tròn bằng cái nồi rơi trên một tảng đá, bị đá cắt dần rồi đứt ra, sóng đánh vào và rút dần ra, khúc trầm ấy rơi vào dòng sông Gangā, xuôi theo dòng nước trôi xuống miền hạ lưu sông, dính mắc vào lưới của Trưởng giả ấy. Vị Trưởng giả hỏi tùy tùng rằng: “Cái gì thế?”.

Khi biết là khúc lõi trầm hương. Ông cho mang lên, quán sát biết đây là loại trầm hương đỏ quý giá. Trưởng giả nầy chẳng phải là người có chánh kiến, cũng không rơi vào tà kiến của ngoại giáo. Ông ta không theo một đạo giáo nào cả, khi nhặt được khúc gỗ trầm quý giá đó, ông khởi lên sự suy nghĩ rằng:
– Loại trầm hương đỏ nầy, nơi gia tộc ta có nhiều. Ta cần thiết chi đến loại trầm hương nầy.

Rồi ông lại khởi lên ý tưởng rằng: “Hiện nay trong thành Rājagaha có nhiều người tự xưng mình là bậc A La Hán. Riêng ta thì chẳng biết giáo phái nào có được vị A La Hán. Vậy ta hãy cho tiện khúc gỗ trầm nầy làm thành bát, treo giữa hư không cao khoảng 60 hắc tay (30m), cho rao truyền rằng: Bậc nào là Thánh A La Hán thì hãy bay lên nhận lấy bát ấy. Người nào nhận được bát bằng thần thông lực thì ta cùng với vợ con sẽ theo người ấy”.

Ông cho tiện khúc gỗ trầm hương đỏ thành cái bát, rồi thực hành theo ý tưởng của mình, xong rồi cho gia nhân đánh trống rao truyền khắp kinh thành Rājagaha rằng:

“Trong thế gian nầy, bậc nào là A La Hán, vị ấy hãy đến nhận lấy bát này đi”.

Nghe được tin ấy, cả Giáo chủ của sáu ngoại đạo, cho người đến thảo luận riêng với Trưởng giả ấy rằng:

– Nầy Trưởng giả, cái bát ấy rất xứng đáng với Giáo chủ của chúng tôi, ông hãy dâng bát ấy đến Giáo chủ chúng tôi đi.

– Thưa các Ngài! Giáo chủ của Ngài hãy dùng thần thông bay lên lấy bát ấy đi.

Ông đã từ khước dâng bát bằng cách như vậy. Đến ngày thứ sáu, Giáo chủ ngoại đạo Nigantha là Niganthanātapliputta bày mưu cùng các đệ tử rằng:

– Các con hãy đến tán dương oai đức của ta với Trưởng giả ấy, rằng: “Bát trầm nầy xứng đáng với Giáo chủ của chúng tôi, ông chớ vì cái bát có giá trị nhỏ mọn nầy mà để Giáo chủ chúng tôi phải hiển lộ thần thông như thế”.

Nhóm đệ tử Nigantha làm theo lời thầy dạy, nhưng vị Trưởng giả đã trả lời rằng:

– Người nào có khả năng thần thông, hãy bay lên hư không mà nhận bát ấy.

Rồi Nātapliputta bàn với đệ tử rằng:

– Khi ta đưa tay chân lên, giả vờ như muốn bay đi lấy bát, các con hãy ôm ta lại, thưa rằng: “Thưa thầy! Thầy làm chi như thế, xin thầy đừng phô diễn khả năng thượng pháp của bậc A La Hán, chỉ vì cái bát có giá trị nhỏ nhoi như vầy”. Rồi nắm lấy tay, chân của ta xuống.

Xong rồi, Giáo chủ Niganthanātapliputta đi đến Trưởng giả nói:

– Nầy Đại Trưởng giả! Bát trầm nầy chỉ xứng đáng với ta, chẳng xứng đáng với ai khác đâu. Ông chớ nên vui thích sự bay lên không trung của ta chỉ vì nguyên nhân cái bát có giá trị nhỏ nhoi nầy. Ông hãy dâng bát ấy đến ta đi.

– Thưa Ngài, nếu Ngài cần thì Ngài hãy bay lên lấy bát ấy đi.

– Nếu thế thì, ông hãy xem đây.

Niganthanātapliputta giả vờ đưa cao chân tay, như muốn thi triển thần thông bay đi lấy bát, chúng đệ tử Niganthanātapliputta lập tức chạy đến, nắm lấy tay chân của y, nói rằng:

– Thưa thầy, thầy làm chi thế? Có ích lợi chi cho thầy khi phải phô diễn thần thông lực với Đại chúng chỉ vì cái bát nhỏ nhoi nầy chứ.
Rồi họ kéo tay chân của Niganthanātapliputta xuống. Khi ấy, y nói với Trưởng giả rằng:

– Nầy Đại Trưởng giả! Các đệ tử của ta không cho ta phô diễn thần thông. Vậy ông hãy cho ta cái bát trầm ấy đi.

– Thưa Ngài, nếu muốn bát ấy, thì Ngài hãy cứ bay lên lấy vậy.

Bọn ngoại đạo dù cho cố dùng đủ mọi phương cách, thủ thuật như thế cũng không lấy được bát. Vào sáng ngày thứ bảy, Tôn giả Moggallāna cùng Tôn giả
Pindolabhāradvāja, hai vị trú ở tảng đá đen (kālanilā) nơi ngoại thành Rājagaha cùng đi vào thành Rājagaha khất thực. Hai Ngài nghe đại chúng bàn luận cùng nhau rằng:

– Trưởng giả cho treo bát cao khoảng 60 hắc tay, loan báo rằng: Vị nào là Thánh A La Hán hãy đến nhận lấy bát ấy. Nhưng đã bảy ngày rồi chẳng có ai lấy được bát ấy cả. Chẳng lẽ trong thế gian nầy không có bậc A La Hán sao nhỉ?

– Lại nữa, thời trước cả 6 vị Giáo chủ danh tiếng, tự xưng là bậc A La Hán trong thế gian, thế mà cũng không thể dùng thần thông bay lên để lấy bát trầm ấy. Cả thời gian bảy ngày trôi qua như thế, không có ai phô diễn năng lực của Bậ c A La Hán cho chúng ta được mục kích. Như thế, hôm nay chúng ta biết rằng: Trong thế gian nầy không có bậc A La Hán đâu.

Nghe vậy, Tôn giả Moggallāna hỏi Tôn giả Pindolabhāradvāja:

– Nầy Hiền giả! Hiền giả có nghe sự bàn luận của chúng dân trong thành Rājagaha chăng?

– Thưa Hiền giả! Tôi có nghe.

– Nầy Hiền giả! Họ đã khích bác Phật Giáo. Hiền giả là người có thần thông lực, hãy bay lên nhận bát ấy và làm loạn nghi đại chúng đi, mang lại niềm tin cho những ai chưa tín ngưỡng, làm tăng trưởng niềm tin cho người đã có đức tin.

– Thưa Hiền giả! Hiền giả là bậc được Đức Thế Tôn ban cho danh hiệu là Tối thắng đệ nhất về thần thông. Xin Hiền giả hãy đi lấy bát ấy đi. Nếu Hiền giả không đi lấy thì tôi sẽ đi lấy vậy, vì đó là phận sự của tôi.

– Nầy Hiền giả Pindolabhāradvāja! Hiền giả hãy lấy bát ấy đi.

Được tôn giả Moggallāna cho phép, Tôn giả Pindolabhāradvāja nhập vào Tứ Thiền, ước nguyện thi triển thần thông, khi xả thiền Ngài dùng hai ngón chân kẹp lấy một tảng đá lớn khoảng 3 gāvuta, bay lên hư không như người ta kẹp lấy mảnh bông gòn, Tôn giả bay quanh kinh thành bảy vòng. Tảng đá như cái lọng lớn che kín một vùng kinh thành khoảng 7 gāvuta. Thị dân kinh hoàng rằng: “Tảng đá sẽ rớt đè chúng tôi”. Họ tìm lấy thúng, nia… để che trên đầu, thấy chúng dân kinh hoàng, Tôn giả Pindolabhāradvāja hiện rõ thân, Ngài vẫn kẹp chặt tảng đá trong hai ngón chân. Đại chúng thấy được Tôn giả, liền kêu lên rằng:

– Thưa Tôn giả Pindolabhāradvāja! Ngài giữ chặt lấy tảng đá ấy, đừng để rơi xuống đè chết chúng tôi.

Tôn Giả Pindolabhāradvāja thấy chúng dân kinh hoàng như thế, Ngài vận thần thông đưa tảng đá trở về nơi cũ, rồi bay đến lấy bát trầm đang treo cao 60 hắc tay ấy.

Vị Trưởng giả mục kích được cảnh tượng hy hữu, đúng theo nguyện vọng của mình, ông đi đến đảnh lễ Tôn Giả Pindolabhāradvāja, rước bát trầm ấy và bạch:

– Xin thỉnh Ngài hãy ngự vào nhà của con.

Khi Tôn Giả ngự vào nhà của Trưởng giả, ngồi lên chỗ ngồi đã được soạn sẵn, Trưởng giả cho đặt vào bát trầm ấy bốn loại vật thực có đầy đủ hương vị tối thắng, cúng dường đến Tôn Giả. Tôn giả thọ lãnh xong rồi, trở ra hướng về Tịnh Xá Jetavana.

Khi ấy, có những người dân phải ra ngoại thành làm việc trong rừng, hay đồng ruộng, trở về nghe thị dân tán dương và thuật lại cảnh tượng hy hữu ấy. Những người không có duyên mục kích hiện cảnh thần thông lực của Tôn Giả, đã hội lại với nhau, đến bạch xin Trưởng Lão hãy thi triển thần thông như ban sáng, rằng:

– Xin Ngài hãy thể hiện thần thông cho chúng tôi xem đi.

Tôn Giả Pindolabhāradvāja đành phải thi triển lại thông lực như ban sáng để làm lắng yên sự náo động của nhóm người ấy. Đức Thế Tôn nghe được tiến ồn ào náo nhiệt của nhóm người hiếu kỳ ấy, Ngài phán hỏi Đại Đức Ānanda rằng:

– Nầy Ānanda! Tiếng ồn ào náo nhiệt ấy là do nhân chi thế?

Đại Đức Ānanda thuật lại mọi sự việc, khi biết được rằng: “Bạch Thế Tôn! Đó là tiếng thỉnh cầu của Đại chúng, thỉnh Tôn Giả Pindolabhāradvāja thi triển lại thần thông như ban sáng”.

Đức Thế Tôn cho gọi Tôn giả Pindolabhāradvāja đến, hỏi rằng:

– Nầy Bhāradvāja! Có thật chăng, được nghe rằng ngươi đã làm như thế, như thế?

– Bạch Thế Tôn! Có thật như vậy.

– Nầy Bhāradvāja! Tại sao ngươi lại làm như thế, tại sao ngươi lại phô diễn năng lực Thượng nhân pháp chỉ vì cái bát trầm có giá trị nhỏ nhoi nầy.

Sau khi khiển trách Tôn Giả Pindola xong, Ngài thuyết pháp thoại, rồi dạy đập bỏ bát trầm ấy, tán nhuyễn ra dùng làm thuốc nhỏ mắt. Do nhân đó, duyên đó Bậc Đạo Sư chế định học giới cấm Tỳ khưu không được phô diễn thần thông lực. Bọn ngoại giáo được tin rằng: “Sa môn Gotama cho đập bỏ bát trầm, tán nhuyễn dùng làm thuốc nhỏ mắt, rồi chế định học giới, không cho Tỳ khưu phô diễn thần thông”. Chúng liền đi rao truyền trong kinh thành rằng:
– Chúng ta gìn giữ Pháp của mình, nên mới không phô diễn năng lực bậc A La Hán chỉ vì bát trầm có giá trị nhỏ nhoi như thế. Sa môn Gotama đã cấm chế đệ tử mình dùng thần thông, vậy thì giờ đây chúng ta sẽ thi triển thần thông đấu với Sa môn Gotama vậy.

Bọn ngoại đạo biết được rằng: “Các đệ tử của Đức Thế Tôn, khi Ngài chế định học giới rồi, dù có chết các Ngài cũng chẳng hề vi phạm, luôn bảo vệ học giới”. Nên chúng bảo nhau: “Chúng ta đã có cơ hội làm giảm uy danh của Sa môn Gotama rồi”, do vậy chúng mới trân tráo lên tiếng thách thức, thi đấu thần thông như vậy. Nghe bọn ngoại đạo tuyên bố như thế, Đức Vua Bimbisāra lo lắng, Ngài đi đến Tịnh Xá Veḷuvana bạch hỏi với Đức Thế Tôn rằng:
– Bạch Thế Tôn! Được biết rằng Ngài chế định học giới cho chư Tỳ khưu:
Không được thi triển, phô diễn năng lực thần thông phải chăng?

– Thật như thế, nầy Đại Vương.

– Hiện nay bọn ngoại giáo đã tuyên bố rằng: chúng sẽ thi triển thần thông để đấu với Ngài. Giờ đây Đức Thế Tôn phải làm sao?

– Nếu bọn ngoại đạo muốn dùng thần thông đấu với Như Lai, Như Lai sẽ thể hiện thần thông.

– Bạch Thế Tôn! Có phải Ngài đã chế định học giới ấy rồi?

– Nầy Đại Vương! Thật vậy Như Lai chế định học giới cho đệ tử Như Lai, chứ chẳng phải chế định học giới ấy cho mình.

– Bạch Thế Tôn! Điều học Ngài chế định chỉ cho riêng đệ tử Ngài, chứ riêng Ngài thì không bỏ cuộc trong học giới ấy sao?

– Nầy Đại Vương! Như Lai sẽ hỏi Đại Vương về vấn đề nầy. Nầy Đại Vương!

Vườn Thượng Uyển của Hoàng gia trong thành nầy có chăng?

– Bạch Thế Tôn có!

– Đại Vương có ra lịnh: Người ngoài vào vườn hái hoa quả, người ấy sẽ bị hình phạt chăng?

– Bạch Thế Tôn có!

– Nếu người khác vi phạm đi vào vườn Thượng Uyển hái trái, hái hoa thì Đại vương sẽ làm sao?

– Bạch Ngài! Trẫm sẽ trừng phạt kẻ ấy, vì đã sai lịnh của Trẫm.

– Nầy Đại Vương! Nếu như Đại Vương vào vườn Thượng Uyển hái lấy những quả chín như xoài… để dùng, thì Ngài có phạm tội chăng?

– Bạch Thế Tôn, không!

– Vì sao vậy, nầy Đại Vương khi Ngài ra lịnh: Không ai được vào vườn Thượng Uyển hái hoa, trái, người khác vào thì phạm tội, còn riêng Ngài thì không?

– Bạch Thế Tôn! Trẫm ra lệnh ngăn cấm như thế, là ngăn cấm người khác, chứ riêng Trẫm thì không bị ràng buộc bởi sự ngăn cấm ấy.

– Cũng vậy, nầy Đại Vương! Đấng Như Lai chế định điều học là dành cho đệ tử mình, riêng Như Lai là bậc Pháp Vương không hề bị ràng buộc do sự ngăn cấm ấy.

Nầy Đại Vương, điều học mà Như Lai chế định cho đệ tử có oai lực đến trăm ngàn koti thế giới, cũng như hình phạt của Đại Vương có năng lực trong 300 do tuần quốc độ của mình. Hình Phạt ấy không có hiệu lực đối với Đại Vương như thế nào, thì học giới mà Như Lai chế định cho đệ tử, Như Lai chẳng bị ràng buộc vào trong đó như thế ấy. Do vậy, Như Lai sẽ tự thân thi triển thần thông vậy. Nghe Đức Thế Tôn tự thân thi triển thần thông, bọn ngoại đạo lo lắng, bàn luận cùng nhau rằng: Giờ đây, chúng ta bị tổn hại rồi, nghe rằng: Sa Môn Gotama tự thân thi triển thần thông, ông chỉ chế định học giới cho hàng đệ tử mà thôi, chứ riêng Sa Môn Gotama chẳng bị ràng buộc trong điều học nầy. Giờ đây chúng ta phải làm sao đây?

Thế rồi, Đức Vua Bimbisāra đi đến tịnh xá Veḷuvana, bạch hỏi Đức Thế Tôn rằng: “Bạch Thế Tôn! Khi nào Ngài thể hiện thần thông?”.

– Nầy Đại Vương! Còn bốn tháng nữa, vào ngày rằm tháng sáu, Như Lai sẽ thi triển thần thông.

– Bạch Thế Tôn! Ngài sẽ thực hiện thần thông ở nơi đâu?

– Như Lai sẽ thi triển thần thông tại thành Sāvatthī.

Hỏi rằng: Vì sao Bậc Đạo Sư định thời gian xa như vậy?

Đáp rằng: Vì kinh thành Sāvatthī là nơi chư Phật quá khứ đã dùng thần thông nhiếp phục ngoại đạo. Lại nữa, Ngài dự định thời gian dài như vậy, để đại chúng có dịp tụ hội với nhau. Và trong đời chư Phật chỉ có một lần Ngài thể hiện Song Thông Lực mà thôi.

Bọn ngoại đạo nghe được tin nầy, chúng bàn tính với nhau rằng:

– Được nghe nói rằng: Sa môn Gotama còn bốn tháng nữa sẽ thi thố thần thông tại thành Sāvatthī. Bây giờ, chúng ta hãy bám sát theo Sa môn Gotama. Đại chúng thấy thế có hỏi, thì chúng ta đáp rằng: “Chúng tôi có tuyên bố thi triển thần thông với Sa môn Gotama, nay Sa môn Gotama toan trốn chạy, nên chúng tôi phải truy đuổi theo ông ta”.

Bấy giờ, Bậc Đạo Sư sau khi ngự vào kinh thành Rājagaha khất thực xong, khi Ngài trở ra thì bọn ngoại đạo cử người theo sau bám sát Ngài. Khi bọn chúng bị đại chúng hỏi rằng: “Vì sao các ông theo sát Đức Thế Tôn như thế?”. Chúng trả lời rằng: “Vì chúng tôi tuyên bố sẽ dùng thần thông đấu với Sa môn Gotama, nay ông ấy toan trốn, nên chúng tôi phải theo sát như thế”.

Đại chúng suy nghĩ rằng: “Chúng ta sẽ được mục kích hết thần thông của Đấng Thập Lực”.

Đức Thế Tôn từ giã thành Rājagaha tuần tự du hành đến thành Sāvatthī. Bấy giờ, bọn ngoại giáo theo phía sau Ngài, khi đi đường chúng quyên góp tài vật của các giáo dân mà rằng: Hãy bỏ ra 100 dồng vàng, hãy bỏ ra 1000 đồng vàng. Chúng tích trữ được số tài sản lớn, bỏ ra trăm ngàn đồng vàng kiến tạo mái nhà nóc nhọn bằng gỗ sālā, lợp nóc nhà bằng hoa sen xanh. Rồi tuyên bố với chúng dân thành Sāvatthī rằng: “Chúng tôi sẽ dùng nơi nầy thi triển thần thông với Sa môn Gotama”. Được tin Đức Thế Tôn ngự về quốc độ Kosala của mình, Đức Vua Pasenadi đi  vào Jetavana, đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi bạch hỏi rằng:

– Bạch Thế Tôn! Hiện nay bọn ngoại đạo đã kiến tạo ngôi nhà nóc nhọn, lợp bằng hoa sen xanh, chính nơi ấy chúng tuyên bố sẽ dùng thần thông đấu với Ngài.

Bạch Thế Tôn! Trẫm sẽ kiến tạo mái nhà dâng đến Ngài.

– Nầy Đại Vương! Chớ phí sức như thế, Như Lai sẽ có người làm nhà rồi.

– Bạch Thế Tôn! Ngoài Trẫm ra, ai có năng lực làm được việc ấy?

– Nầy Đại Vương! Thiên Vương Đế Thích sẽ đảm nhận việc đó cho Như Lai.

– Bạch Thế Tôn! Nếu thế, Ngài sẽ thể hiện thần thông tại nơi nào?

– Nầy Đại Vương! Tại cây xoài Ganda.

Chúng ngoại giáo được biết: Sa môn Gotama sẽ thi triển thần thông tại cây xoài Ganda. Chúng liền cho những người hộ độ của mình, thuê tiền nhổ tất cả những cây xoài, dù chỉ là cây con mới vừa mọc trong ngày, khắp thành Sāvatthī ném bỏ. Cả một do tuần thành phố quanh đó không có cây xoài nào cả, chúng đem những cây xoài nhổ bỏ đó ném vào rừng.

Vào ngày rằm tháng sáu, sáng hôm ấy Đức Thế Tôn ngự vào thành Sāvatthī để khất thực. Bấy giờ, nơi vườn Thượng Uyển của Đức Vua Pasenadi, có một cây xoài già cằn cỗi, người giữ vườn Thượng Uyển tên là Ganda, y nhìn thấy giữa chùm lá có một đàn kiến vây quanh, ngạc nhiên y trèo lên xem xét thì thấy rằng đàn kiến vây chung quanh một trái xoài độc nhất, xoài đang chín, có mùi thơm ngất. Y hái trái xoài ấy xuống, dự định mang vào Hoàng Cung dâng lên Đức Vua Pasenadi. Trên đường đi đến Hoàng Cung, Ganda trông thấy Đức Thiện Thệ đang ngự đi trì bình, y khởi tâm tịnh tín, nghĩ rằng:

– Đức Vua dùng trái xoài nầy, Ngài cũng chỉ ban thưởng cho ta 8 hoặc 16 đồng Kahāpana mà thôi. Số tiền ấy chỉ có lợi cho ta vài tháng mà thôi. Nếu giờ đây ta cúng dường xoài nầy đến Đức Thế Tôn, ta sẽ được lợi ích suốt thời gian lâu dài. Phước báu ấy sẽ hộ trì ta vô lượng kiếp.

Rồi y tín thành dâng xoài ấy đến Đức Thế Tôn. Bậc Đạo Sư đưa mắt nhìn lại Đại đức Ānanda. Hiểu ý Đức Thế Tôn, Trưởng Lão Ānanda mang chiếc bát mà Tứ Thiên Vương cúng dường, Đức Thế Tôn dùng bát ấy thọ nhận trái xoài từ tay người giữ vườn Ganda. Ngài tỏ ý muốn ngồi tại nơi ấy, Đại đức Ānanda trải tọa cụ ra, cung thỉnh Đức Thế Tôn ngự lên. Rồi Tôn giả Ānanda dùng nước ép xoài ra dâng lên Đức Đạo Sư. Đức Thế Tôn thọ dụng nước xoài xong, Ngài bảo người giữ vườn Ganda rằng:

– Nầy Ganda! Ngươi hãy gieo trồng hạt xoài nầy đi.

Ganda đào khoảng đất xốp, rồi gieo hạt xoài xuống đó, lấp đất lại. Đức Thế Tôn ngự đến Ngài dùng nước rửa tay mình trên chỗ ấy. Khi Ngài vừa rửa tay xong, xoài nứt mộng, mộng lên và tăng trưởng nhanh chóng, chỉ trong thời gian ngắn cây xoài trở thành một cây cổ thụ, thân xoài to bằng cán cày, cao 50 hắc tay (25m). Cây xoài ấy có năm tầng, một ngọn mọc thẳng, còn bốn ngọn kia xuôi theo bốn bốn hướng, mỗi ngọn dài khoảng 50 hắc tay. Ngay khi ấy, xoài trở nên sum suê, ra hoa kết trái, rồi chín vàng, rơi rụng xuống, chư Tỳ Khưu đi đến sau, lượm những trái xoài chín mộng ấy dùng.

Đức Vua Pasenadi được nghe tin: “Một cây xoài kỳ diệu vừa phát sanh”. Ngài sợ bọn ngoại giáo cho người chặt bỏ đi, nên phái quân sĩ đến canh giữ, với lịnh truyền rằng: “Cấm bất kì ai chặt phá cây xoài nầy”.

Cây xoài ấy được mang tên là Ganda, vì là của ông Ganda trồng lên. Bọn côn đồ nghe tin có cây xoài kỳ diệu như thế, tìm đến xem, nhặt lấy những quả xoài chín ăn, hưởng được hương vị thơm ngọt của trái xoài, nên mắng chửi nhóm ngoại đạo rằng:

– Bọn ngoại đạo ác độc nầy, chúng được tin Sa Môn Gotama thể hiện thần thông trên cây xoài, nên chúng cho người đến phá tất cả xoài trong thành Sāvatthī nầy.

Thậm chí những cây con vừa mọc, chúng cũng chẳng tha. Chúng khiến chúng ta không được nếm hương vị thù diệu của xoài như xoài Ganda nầy.
Bọn côn đồ tức giận, đi tìm kiếm bọn ngoại giáo, dùng hạt xoài ném vãi vào chúng. Bấy giờ, nơi Thiên Cung Đao Lợi, Đức Đế Thích biết rằng: Hôm nay Đức Bổn Sư sẽ thi triển thần lực để nhiếp phục ngoại giáo. Ngài ra lịnh cho Thiên Tử Vātavalāhaka (Thần Gió) rằng:

– Ngươi hãy nổi cuồng phong, thổi bay tróc ngôi nhà mái nhọn của ngoại đạo đi, hãy ném nóc nhà ấy vào đống rác trong thành Sāvatthī. Rồi Đế Thích ra lịnh tiếp cho Thiên Tử Suriya rằng:

– Ngươi hãy chiếu ánh sáng mặt trời thật mãnh liệt vào chúng ngoại đạo, khiến cho chúng trở nên nóng nảy.

Ngài phán bảo thêm Thiên Tử Vātavalāhaka rằng:

– Khi bọn ngoại đạo bị nắng chiếu rực vào người, mồ hôi tuôn đổ, ngươi hãy nổi gió cuốn bụi tấp vào bọn chúng.

Hai vị Thiên Tử vâng lịnh Thiên Vương thực hành y như thế, bấy giờ nhóm ngoại đạo đang nhễ nhại mồ hôi, một cơn gió cuốn bụi vây quanh bọn chúng, người của chúng giống như con mối đỏ, ngôi nhà nóc nhọn của chúng bị trận cuồng phong dữ dội thổi bay mất, ngôi nhà rơi vào đống rác lớn trong thành Sāvatthī.

Đức Đế Thích lại ra lịnh cho Thiên Tử Vassavalāhaka (Thần làm mưa) rằng:

“Ngươi hãy làm mưa rơi trên người bọn ngoại giáo đi”. Thiên Tử vâng lịnh, bây giờ, thân hình chúng ngoại đạo giống như con bò đốm. Chúng bị nhiệt bức khi dứt cơn mưa, ánh sáng mặt trời càng gắt chiếu vào người, chúng bỏ chạy tứ tán, chẳng còn tha thiết chuyện đấu thần thông. Khi ấy, có gã nông dân là người hộ độ cho giáo chủ Pūranakadasspa, y suy nghĩ rằng:

– Chắc giờ nầy Giáo chủ của ta đang thi triển thần thông, vậy ta hãy đến xem Thần lực của Giáo chủ ta.

Y thả bò ra, mang theo sợi dây cột bò cùng với cái nồi cháo, trên đường đi đến thành, y trông thấy vị Giáo chủ của mình đang chạy trốn, y liền gọi rằng:

– Bạch Ngài! Tôi đến để xem Ngài thi triển thần thông đây. Ngài bỏ chạy đi đâu thế?

– Ngươi cần thiết chi với thần thông chứ, hãy trao sợi dây và cái nồi cháo cho ta ngay đi.

Pūrana cầm lấy nồi cháo cùng với sợi dây mà gã nông dân đệ tử vừa trao cho, chạy thẳng ra bờ sông, cột nồi vào cổ mình rồi nhảy xuống sông để tránh sự nhiệt bức bởi ánh mặt trời, bọt nước bắn lên tung tóe, Pūrana mệnh chung dưới dòng sông ấy và rơi vào A Tỳ địa ngục.

Vào xế chiều, Đức Như Lai ngự trong Hương thất, Ngài suy nghĩ rằng:

“Đây là giờ hợp lẽ, Như Lai sẽ thể hiện Phật Lực”.

Đấng Như Lai hóa hiện ra con đường kinh hành bằng ngọc Maṇi trên hư không.

Chỗ tận cùng của con đường là tận cùng của vũ trụ về phương Tây. Hội chúng thấy được kinh hành lộ bằng ngọc Maṇi như thế, vô cùng hoan hỷ, tụ tập lại nơi ấy một khoảng rộng lớn đến cả 36 do tuần. Rồi từ trong Hương thất, Đức Thế Tôn ngự ra, tiến về phía cây xoài Ganda. Khi ấy một cận sự nữ đã chứng đạt Bất Lai Quả, đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, bạch rằng:

– Bạch Thế Tôn! Xin ngài chớ nhọc sức làm chi, khi Ngài có được đứa con gái như con. Con sẽ thể hiện thần thông thay thế Ngài.

– Nầy Ganranī! Ngươi sẽ thể hiện thần thông như thế nào?

– Bạch Thế Tôn! Con sẽ biến vũ trụ nầy thành nước, nhưng mọi chúng sanh đều an toàn, con sẽ lặn trong nước ấy như con ngỗng trời, nổi lên ở ranh giới vũ trụ về phương Đông, phương Nam, phương Tây và phương Bắc, sau cùng con nổi lên ở giữa quả địa cầu cho đại chúng tận tường. Khi sự kiện xảy ra như thế, đại chúng sẽ nói: “Nàng là ai?”. Con sẽ đáp rằng: “Tôi là một cận sự nữ của Đức Thế Tôn, tên Gharanī”. Đại chúng sẽ nghĩ rằng: Chỉ là một cận sự nữ mà có được thần lực như thế, thì còn nói gì đến oai đức của Đức Thế Tôn chứ. Và bọn ngoại đạo không kịp trông thấy Ngài, họ đã trốn chạy mất.

– Nầy Gharanī! Như Lai biết ngươi có khả năng thể hiện thần thông như thế. Nhưng vòng vương miện nầy họ không dành cho ngươi đâu.

Ngài khước từ lời thỉnh cầu của nàng Gharanī. Nàng suy nghĩ: Bậc Đạo Sư từ chối ta, chắc có người khác có khả năng thần thông để thể hiện rồi. Và nàng lui đứng sang một bên. Bậc Đạo Sư quán xét rằng:

– Thật vậy, trong hàng cận sự nữ của Như Lai, cũng có được đạo hạnh như thế.

Rồi Ngài quán xét thấy được rằng: “Đệ tử của Đấng Như Lai sẽ rống tiếng rống sư tử giữa đại chúng 36 do tuần nầy”.

Chư Thánh đệ tử Thinh Văn ấy lần lượt tỏ bày rằng:

– Bạch Thế Tôn! Con sẽ thể hiện thần thông như thế nầy…

Trước mặt Đức Thế Tôn, giữa đại chúng rộng cả 36 do tuần ấy, các Ngài đã rống lên tiếng rống của con sư tử đang thời sung sức.

Được nghe lại rằng: Trong hàng cận sự nam, có Trưởng giả Cūla Anāthapiṇḍika suy nghĩ rằng:

– Khi Đức Thế Tôn có được người con trai như ta, là bậc Bất Lai Quả, Ngài chẳng can chi vất vả cả.

Ông liền bạch với Đức Thế Tôn rằng:

– Bạch Thế Tôn! Con sẽ hoán hiện như vị Phạm Thiên cao lớn khoảng 12 do tuần, phát ra Phạm âm vang như sấm động giữa đại chúng. Mọi người đều nghe rõ ràng phạm âm, sẽ nói rằng:

“Đây là âm thanh của Phạm Thiên, được ông Cūla Anāthapiṇḍika phát ra bởi thần lực”.

Bọn ngoại giáo sẽ nghĩ rằng: “Thần lực của gia chủ, chỉ là một cận sự của Đức Thế Tôn thôi, mà còn có oai lực như thế, thì còn nói chi đến oai lực siêu việt của Đức Thế Tôn chứ. Và chúng chưa kịp nhìn thấy Ngài, đã kinh hoàng bỏ chạy trốn”.

– Nầy Cūlānāthapinṇḍika! Như Lai vẫn biết ngươi sẽ thực hiện được điều đó. Nhưng đây không phải là phận sự của ngươi. Đây là việc làm của Đấng Như Lai.

Đức Thế Tôn từ chối sự thỉnh cầu của gia chủ Cūlānāthapiṇḍika, không chấp thuận cho ông thể hiện thần thông. Kế đến có vị sa di ni, tuổi vừa lên 7 nàng đã chứng đạt Tuệ Phân Tích, đến đảnh lễ Đức Thế Tôn bạch rằng:

– Bạch Thế Tôn! Con sẽ thực hiện pháp thần thông.

– Này Vīrā! Ngươi sẽ làm như thế nào?

– Bạch Thế Tôn! Con sẽ mang quả núi Sineru, núi Luân Vi và núi Hy Mã đặt giữa đại chúng nầy, rồi từ những quả núi ấy, con chui ra nhẹ nhàng, bay lượn giữa hư không như con hạc chúa vàng. Đại chúng sẽ hỏi nhau rằng: “Người nầy là ai thế?”.

Con sẽ trả lời rằng: “Ta là Sa di ni Vīrā”. Đại chúng sẽ suy nghĩ rằng: “Vị Sa di ni mới 7 tuổi mà có đại thần lực như thế, thì còn nói gì đến oai lực Đức Như Lai chứ”.

Bọn ngoại giáo sẽ kinh hoàng, không kịp nhìn thấy Ngài đã bỏ chạy trốn mất”.

– Nầy Sa di ni Vīrā! Như Lai biết ngươi có thể thực hiện được điều đã nói. Nhưng đây không phải là phận sự của ngươi.

Đến Sa di Cunda, là bậc Lậu Tận chứng đạt Tuệ Phân Tích, Ngài cũng vừa tròn bảy tuổi, đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, bạch rằng:

– Bạch Thế Tôn! Con sẽ thể hiện thần thông lực.

– Nầy Sa di Cunda! Ngươi sẽ làm như thế nào?

– Bạch Thế Tôn! Con sẽ nắm lấy Hồng quân lớn, làm thành cột cờ của cõi Diêm Phù, rung mạnh cho trái Hồng quân rơi rụng xuống, đại chúng nhặt lấy dùng. Và con sẽ hóa hiện hoa mạn đà rơi như mưa để cúng dường Đức Thế Tôn.

– Nầy Cunda! Như Lai biết rằng ngươi sẽ thực hiện được những điều như ngươi đã nói. Nhưng đây không phải là phận sự của ngươi.

Tiếp theo là vị Thánh Nữ đệ nhị của Đức Thế Tôn là nàng Uppalavannā, bước ra đảnh lễ Đức Thế Tôn, bạch rằng:

– Bạch Thế Tôn! Con sẽ thực hiện thần thông lực.

– Nầy Uppalavannā! Ngươi sẽ làm thế nào?

– Bạch Thế Tôn! Con sẽ hóa thành vị Chuyển Luân Vương, có hội chúng vây quanh rộng 6 do tuần. Vị Vua Chuyển Luân với đầy đủ 7 báu ấy cùng đại chúng rộng lớn đi đến đây đảnh lễ Đức Thế Tôn.

– Nầy Uppalavannā! Như Lai biết ngươi sẽ thực hiện được điều ngươi vừa nói. Nhưng đây không phải là phận sự của ngươi.

Tiếp đến, Trưởng lão Moggallāna, vị Thượng Thủ Thinh Văn đệ nhị bước đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, xin phép Ngài cho thi triển thần thông.

– Nầy Moggallāna! Ngươi sẽ thực hiện được điều gì?

– Bạch Thế Tôn! Con sẽ đặt núi Sineru ở giữa đôi hàm răng, rồi con nhai núi ấy như nhai hạt cải.

– Ngươi còn thực hiện được điều gì nữa?

– Con sẽ đặt quả địa cầu nầy vào lòng tay trái, đặt tất cả sinh chúng trên địa cầu vào lòng tay phải.

– Ngươi còn làm chi nữa?

– Con sẽ dùng núi Sineru làm thành các lọng, che cho quả địa cầu, rồi một tay cầm lấy núi Sineru như cầm lọng trong tay, đi kinh hành giữa hư không.

– Nầy Moggallāna! Như Lai biết ngươi thực hiện được những điều như thế.

Nhưng đây không phải là phận sự của ngươi. Trưởng lão Moggallāna suy nghĩ: Có lẽ Đức Đạo Sư biết người sẽ thể hiện thần thông rồi. Trưởng lão lui ra đứng vào nơi thích hợp. Bây giờ, Đức Thế Tôn phán dạy Trưởng lão Moggallāna rằng:

– Nầy Moggallāna! Vòng hoa nầy không phải dành cho ngươi hay bất cứ ai trong đại chúng. Vì rằng: Phận sự nào của Như Lai, thì không một ai có thể làm thay được.

Không một ai có thể nhận lãnh phận sự Như Lai trong hiện tại đây, không phải là điều kỳ diệu, mà trong thời quá khứ, việc làm của Như Lai, khi ta sanh làm hạng người vô nhân là bàng sanh, việc làm của Ta cũng chẳng có ai có thể thay thế làm được rồi.

– Bạch Thế Tôn! Câu chuyện ấy như thế nào vậy?

Theo lời thỉnh cầu chư Tỳ khưu, Đấng Như Lai thuyết giảng lên Túc Sanh Kanhavisabha với chi tiết như sau: “Công việc nặng có trong thời nào, con đường khó khăn trong thời nào. Chính trong thời ấy, người chủ bò Kanha, chính bò Kanha ấy giải quyết được công việc ấy mà thôi”.

Rồi Ngài thuyết lên Bổn Sanh ly kỳ Nandavisābha chi tiết như sau: “Người chỉ nên nói lời tao nhã, không nói lời thô ác. Khi Bà la môn nói lời tao nhã, bà Nanda mới kéo được chiếc xe nặng được, khiến Bà la môn ấy được tài sản. Bà la môn ấy có tâm thỏa thích vì nhận được tài sản lớn”.

Sau khi thuyết giảng xong Bổn Sanh, Đức Thế Tôn ngự lên con đường kinh hành bằng Ngọc Maṇi ở giữa 24 do tuần đại chúng, phía trái phía phải, trước sau là 12 do tuần đại chúng. Tất cả đều trông thấy rõ ràng như hiện ra trước mắt mình. Đức Thế Tôn hiển lộ Song Thông Lực giữa đại chúng ấy.

Bậc trí nên hiểu Song Thông Lực ấy theo ý nghĩa Pāli như vậy:

– Thế nào là Song Thông Tuệ của Đấng Như Lai? Tuệ nầy chỉ có đối với bậc Chánh Đẳng Giác, không phổ cập đến Thinh Văn Đại Đệ Tử. Hàng Thinh Văn không thể nào có được Song Thông Tuệ. Trong cùng một lúc, Ngài an trú vào hai đề mục, từ kim thân Ngài lửa và nước cùng tuôn ra, bên phải phun lửa, bên trái tuôn nước, bên trái tuôn lửa thì bên phải phun nước. Phía trên ra lửa, phía dưới ra nước, phía trên tuôn nước, phía dưới phun lửa. Phía trước hiện lửa, phía sau hiện nước, phía trước hiện nước, phía sau hiện lửa. Mắt nầy phun lửa, mắt kia phun nước và ngược lại. Tai nầy ra lửa tai kia ra nước và ngược lại. Đầu thượng y bên nầy ra lửa, đầu thượng y bên kia ra nước và ngược lại. Ngón tay tuôn lửa, kẽ tay tuôn nước và ngược lại. Lông tuôn nước thì chân lông tuôn lửa và ngược lại. Hông nầy ra lửa thì hông kia ra nước và ngược lại. Chân nầy ra lửa thì chân kia ra nước và ngược lại. Hay là thân trên có màu xanh, thân dưới có màu đỏ và ngược lại… Hào quang sáu màu xanh-đỏ-vàng-trắngcam và dợn sóng tuôn ra như vàng tuôn chảy không ngớt từ nồi nấu vàng, khắp cả mười muôn triệu thế giới đều sáng ngời Phật Quang.

Đức Thế Tôn hóa hiện một vị Phật Chánh Đẳng Giác giống như Ngài. Khi hiện thân đi thì hóa thân ngồi, đứng hoặc nằm và ngược lại khi hóa thân đi thì hiện thân đứng, nằm hay ngồi… Hiện thân vấn đạo thì hóa thân đáp, hóa thân vấn pháp thì hiện thân trả lời. Đây là Song Thông Tuệ của Đức Chánh Đẳng Giác. Bậc Đạo Sư ngự đi trên kinh hành lộ ngọc Maṇi, Ngài thể hiện song thông trí như thế, nêu lên ý nghĩa rằng: Kim thân phía trên phun lửa là do định lựa từ Tejokasina (đề mục lửa), kim thân phía dưới phu nước là do định lực Āpokasina (đề mục nước), hay bên phải có màu xanh là do định lực đề mục Xanh (Nilakasina), nên trái có màu đỏ là do định lực Lohitakasina (đề mục Đỏ)… Lửa phun ra từ nước, nước tuôn ra từ lửa. Ánh sáng xanh từ trong ánh sáng đỏ phát ra, ánh sáng đỏ từ trong ánh sáng xanh hiện khởi…

Trưởng lão Sāriputta có giải rằng: Ý nghĩa của những câu văn nầy cũng như thế. Song Thông Lực nầy là: Lửa không lẫn với nước, nước chẳng phải lẫn với lửa. Và cả nước với lửa ấy đã xông tới tận Phạm Thiên Giới, rồi lan rộng khắp mọi Luân Vi trong vũ trụ. Vì thế, Trưởng Lão Sāriputta mới giải rằng: “Channam Vannānam… hào quang sáu màu của Bậc Đạo Sư phóng ra khắp vũ trụ như khoáng chất vàng tuôn chảy từ nồi luyện kim, thấu đến
tận Phạm Thiên Giới rồi phản chiếu khắp cùng vũ trụ, ánh sáng đều đồng nhất rực rỡ ví như: Diêm phù nầy là trung tâm, tựa cội Bồ Đề được đóng cướng với những cọc sắt, từ nơi ấy phát ra ánh sáng lan rộng khắp nơi đồng nhất như nhau.

Ngày hôm ấy, Đức Đạo Sư đi kinh hành trên Ngọc lộ, thuyết pháp thoại giữa đại chúng bằng cách vấn đáp với vị Phật hóa thân, làm cho đại chúng thêm hiểu nghĩa văn thâm mật của Phật Ngôn rõ ràng. Tiếng tán dương vang dội, tiếng Sādhu từ đại chúng vang rền như tiếng sấm nổ giữa trời quang đảng. Bậc Đạo Sư dùng Phật tuệ quán xét cơ tính chúng sanh của đại chúng ấy, Ngài thấu hiểu tâm chúng sanh đủ cả 16 chi phần. Tâm Chư Phật diễn tiến rất nhanh như thế, người tịnh tín với Pháp nào và loại thần thông nào, Ngài thuyết lên Pháp ấy và loại thần lực ấy, tùy theo cơ tánh từng chúng sanh. Ngài thuyết pháp hợp theo cơ tánh ấy. Khi Ngài thể hiện Song thông lực và thuyết pháp thoại như thế, chúng sanh đắc chứng đạo quả không thể kể đến số
lượng được. Vì sao Ngài lại hóa thân thêm một vị Phật nữa? Vì rằng: Ngài biết rõ rằng: Giữa Đại chúng nầy, không một ai có thể giải đáp những câu hỏi thuộc về Phật Giới, cũng không một ai có thể đặt được một câu hỏi thuộc cảnh giới Phật Tuệ.

Do đó, Ngài phải hóa thân thêm một vị chánh Đẳng Giác như Ngài, khi vị Hóa thân hỏi thì Hiện thân đáp. Nên để nêu lên ý nghĩa nầy, các Luận Giải Sư đã nói: “Đức Phật hóa thân đi kinh hành thì Đức Phật hiện thân ngồi tham thiền…”.

Có đến 22 koti (220 triệu) chúng sanh đắc Pháp do thấy được Song Thông Trí mà bậc Đạo Sư thể hiện cùng với sự nghe Pháp Bảo từ hai vị Phật ấy.
Sau khi thể hiện Song Thông Lực rồi, Đức Thế Tôn suy nghĩ rằng:

– Chư Phật quá khứ, sau khi dùng thần thông nhiếp phục ngoại đạo rồi, Ngài ngự đi đâu? Nhập hạ tại nơi nào?

Với Phật Trí, Ngài thấy rằng: Sẽ an cư tại cõi Đao Lợi, thuyết lên Tạng Thắng Pháp để tế độ Phật mẫu.

Sau khi hiểu rõ điều nầy, Ngài đưa chân phải lên đỉnh núi Yugandhara, núi Sineru dường như chạy đến hạ thấp xuống thỉnh rằng: “Xin Bậc Đại Giác hãy đặt chân Ngài lên đỉnh nầy”. Ngài đưa chân trái lên đỉnh Sineru, núi Sineru dường như vươn thẳng người, đưa Ngài đến cõi Đao Lợi. Khoảng cách ba bước chân ấy là sáu mươi tám trăm ngàn do tuần (6.800.000). Hai chân Ngài đều duỗi thẳng ra như bình thường ngự đi trì bình. Không nên nghĩ rằng: Đức Thế Tôn đưa chân lên cao rồi đặt xuống, vì khi Ngài đưa chân tới trước thì các đỉnh núi như chạy đến đỡ chân Ngài, khi chân Ngài rời khỏi thì như chạy trở về vị trí cũ. Đức Đế Thích trông thấy Bậc Đạo Sư ngự đến, Ngài suy nghĩ rằng:

– Đức Thế Tôn Ngài ngự lên đây để an cư mùa mưa, Ngài sẽ ngự nơi tảng đá vàng Pandukambala. Khi Đức Thế Tôn ngự đến nơi nầy, chư thiên sẽ phục vụ Ngài, các Thiên Nhân không thể có sự dễ duôi trong phận sự ấy được. Nhưng tảng đá Pandukambala nầy dài 60 do tuần, rộng 50 do tuần, cao 15 do tuần, Đức Thế Tôn ngự lên trên đó quả thật là trống rỗng.

Hiểu được tư tưởng ấy của Đức Đế Thích, Đức Thế Tôn liền trải tọa cụ ra, phủ trọn vẹn tảng đá vàng Pandukambala, rồi ngự ngồi trên ấy. Thiên chúa lại suy nghĩ rằng: “Đức Thế Tôn trải tọa cụ như thế, nhưng Ngài chỉ ngồi chút ít thôi”.

Biết được ý nghĩ nầy, Đức Thế Tôn liền thu tảng đá Pandukambala vừa dặn với tọa cụ và Ngài ngồi vừa vặn với tọa cụ ấy, giống như vị Tỳ khưu mặc phấn tảo y ngồi thường nhật trên tọa cụ của mình.

Đức Đế Thích mục kích cảnh tượng thù diệu ấy, Ngài vô cùng hoan hỷ, đảnh lễ Đức Thế Tôn, Ngài phán rằng:

– Nầy Đế Thích, ngươi chớ nghĩ rằng Ngai vàng nầy rộng lớn đối với Như Lai.

Như Lai hành pháp độ với vô lượng kiếp, mong chứng đạt Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, thì không phải là nhỏ đâu.

Bây giờ, nơi nhân giới, đại chúng bỗng nhiên thấy Đức Thế Tôn biến mất, ví như ánh mặt trời cùng mặt trăng cùng vụt tắt. Đại chúng than khóc rằng:

– Bậc Đạo Sư đã ngự đến núi Cittakūta hay núi Kreylāsa hoặc núi Yugandhara mất rồi, từ nay chúng ta không còn được thấy Ngài nữa, Bậc Chánh Đẳng Giác không còn trở về với chúng ta.

Nhóm khác thì sầu khổ than khóc rằng:

– Bậc Đạo Sư là bậc hàng an trú nơi thanh vắng, tán thán nơi an tịnh, nay Ngài đã ngự đến nơi khác, vì Ngài nghĩ rằng: “Ta đã thể hiện Song Thông như vậy với đại chúng”. Hẳn là chúng ta không còn được chiêm bái Ngài nữa rồi. Họ nói lên kệ ngôn rằng:

“Ngài là bậc Thượng Trí, Ngài vui thích nơi thanh vắng, không còn trở lại thế gian nầy nữa. Chúng ta không còn thấy Bậc Chánh Đẳng Giác, bậc chúa tể của thế gian, bậc cao quý hơn cả nhân thiên”.

Đại chúng liền đi đến bạch hỏi Trưởng Lão Moggallāna rằng:

– Bạch Ngài, Đức Đạo Sư của chúng tôi đang ngự trú nơi nào?

Quán xét rõ việc Đức Thế Tôn an cư mùa mưa nơi cõi Đao Lợi, Trưởng Lão Moggalāna đáp rằng:

– Các người nên đến hỏi Tôn giả Anuruddha, bậc đệ nhất Thiên Nhãn trong hàng Thinh Văn.

Sở dĩ, Đại đức Moggallāna không trả lời, và khuyên dạy thính chúng đến hỏi Tôn Giả Anuruddha, vì Ngài muốn cho đại chúng hiểu rằng: Các Công hạnh của Thánh Thinh Văn thật thù diệu, và làm công hạnh của chư Thánh Thinh Văn được hiển lộ.

Đại Chúng đi đến bạch hỏi Trưởng Lão Anuruddha rằng:

– Bạch Ngài, Đức Đạo Sư của chúng tôi ngự nơi nào?

– Ngài đang an ngự trên cõi Đao Lợi, nơi tảng đá Pandukambala là ngai vàng của Thiên Vương Đế Thích, để tuyên thuyết Tạng Thắng Pháp tế độ Mẫu hậu Māyā.

– Bạch Ngài! Bao giờ Đức Đế Thế Tôn trở về nhân giới?

– Ngài sẽ thuyết tạng Thắng Pháp trọn cả ba tháng trường (tính theo cõi nhân loại). Rồi Ngài sẽ trở về nhân giới trong ngày Tự Tứ (Mahāpavāranā).
Đại chúng bàn nhau rằng:
“Chúng ta sẽ không rời khỏi nơi nầy nếu chưa gặp Đức Đạo Sư trở về”. Và họ cư ngụ tại nơi ấy. Tương truyền rằng: Đại chúng dùng hư không làm màn, lấy mặt đất làm chiếu trải, nhưng cả đại hội chúng to lớn như thế cũng không làm cho mặt đất nơi ấy trở nên chật và ô nhiễm, mặt đất gồ ghề ở nơi ấy bỗng trở nên bằng phẳng cho đại chúng và rộng rãi. Sự sạch sẽ luôn hiện đến với đại chúng. Trước đó, Bậc Đạo Sư đã phán dạy Tôn Giả Moggallāna rằng:

– Nầy Moggallāna! Ngươi hãy thuyết pháp đến đại chúng ấy. Còn gia chủ Cūla Anāthapiṇḍika hãy bố thí vật thực đến đại chúng.

Trưởng giả Cūla Anāthapiṇḍika bố thí đến đại chúng cơm, cháo, vật thực, cau, trầu, vật thơm, vật thoa và vật trang điểm cho đại chúng cả sáng lẫn chiều, hay trong mỗi giờ. Đại thí ấy được thực hiện cả ba tháng trọn vẹn như thế. Riêng Tôn Giả Moggallāna thì thuyết lên Pháp thoại, giải đáp những thắc mắc, đoạn nghi cho đại chúng đến chứng kiến Thần Thông của Đức Phật tại nơi ấy.

Nơi Thiên Giới Đao Lợi, Chư Thiên trong 10 muôn triệu thế giới được biết Đức Thế Tôn an cư tại cõi Đao Lợi nên cùng nhau vân tập đến cõi Đao Lợi ấy, nên các Luận Giải Sư đã ghi rằng:

– Trong thời Đức Phật là bậc cao quý nhất trong nhân, thiên giới, Ngài ngự nơi tảng đá vàng Pandukambala, dưới cội cây Pāricchattaka ở Đao Lợi Thiên. Bấy giờ, Chư Thiên trong 10 muôn triệu thế giới Sa bà cùng nhau tụ hội đến đảnh lễ Đức Chánh Đẳng Giác. Khi Ngài ngự trên đỉnh núi Sineru ấy, không một Thiên nhân nào sáng rực hơn Đức Chánh Đẳng Giác, chỉ có Đức Chánh Đẳng Giác hằng sáng ngời hơn tất cả Thiên nhân.

Đức Thế Tôn ngự giữa ngai vàng Kambala như thế, Đức Đế Thích hiểu biết với trí của mình rằng: “Đức Thế Tôn ngự đến cõi Đao Lợi nầy, với mục đích là tế độ Mẫu hậu Māyā của Ngài”. Tự thân Đức Đế Thích đi đến cung trời Tusitā cung thỉnh Thiên Tử Māyā từ nơi cung trời Tusitā ngự xuống cõi Đao Lợi, và ngồi bên tay phải của Đức Thế Tôn.

Khi ấy, có hai vị Thiên Tử là Indaka cũng ngồi phía bên phải Đức Thế Tôn và Thiên Tử Anruka thì ngồi phía tay trái của Ngài. Khi Chư Thiên có đại oai lực đi đến, Thiên nhân nào kém oai lực thì phải đứng dậy nhường chỗ ngồi lui ra sau. Và Thiên Tử Ankura phải lui ra xa cả 12 do tuần, trái lại Thiên Tử Indaka vẫn ngồi yên một chỗ. Thấu rõ sự kiện nầy như thế nào rồi, nhưng Bậc Đạo Sư muốn cho Chư Thiên thấy rõ oai lực thù diệu của ân đức Phật Đạo rằng: “Vật thí mà tín gia cúng dường đến bậc đáng cúng dường trong Phật Giáo, tuy vật thí dù nhỏ chút ít vẫn có đại oai lực thù thắng, có đại quả báu”. Ngài phán hỏi Thiên Tử Anruka rằng:

– Nầy Ankura! Ngươi thọ sanh vào cảnh Thiên Giới nầy là do phước thiện nào thế?

– Bạch Thế Tôn! Khi còn là nhân loại, con hằng bố thí đến chúng nhân, con đã cho xây lò bếp dùng nấu vật thực bố thí, dài đến 12 do tuần. Con hành thí sự ấy suốt cả 10 ngàn năm như thế. Quả thiện ấy cho con được tái sanh vảo cảnh giới nầy.

– Nầy Indaka! Ngươi tái sanh cõi Đao Lợi là do quả thiện nào?

– Bạch Thế Tôn! Khi còn là người, con cúng dường đến Trưởng Lão Anuruddha một vá cơm. Do nhân ấy, con được thọ sanh về cõi nầy.

– Nầy Ankura! Ngươi đã hành thí sự suốt 10 ngàn năm, xây lò bếp dài 12 do tuần. Thế vì sao, hiện nay trong hội chúng nầy, ngươi lại lui ra xa đến 12 do tuần như thế?

Thật vậy, các Luận Giải Sư đã thuyết lên rằng:

Bậc Chánh Đẳng Giác thay Thiên Tử Ankura và Indaka, Ngài tán dương sự cúng dường bậc đáng tôn kính, đáng cúng dường trong câu Phật Ngôn nầy: “Nầy Ankura! Ngươi đã bố thí rất nhiều trong khoảng thời gian dài 10 ngàn năm, xây bếp lò dài cả 12 do tuần. Nhưng khi đến hội chúng Thiên nhân nầy, vì sao ngươi lại lui xa 12 do tuần như thế?”.

Âm thanh vi diệu của Đức Thế Tôn xuyên suốt cả kinh thành Sudassana là thành phố Chư Thiên cõi Đao Lợi, lan đến nhân giới. Đại chúng đó đã nghe được Phật âm vi diệu ấy.

Nghe Bậc Đạo Sư phán hỏi như thế, Thiên Tử Ankura buồn rầu đáp:

– Bạch Thế Tôn! Con cầu mong được gì nơi quả phước ấy, vì con tạo phước vào thời không có Phật Pháp, không có bậc đáng cúng dường. Dạ Xoa Indaka chỉ cúng dường chút ít, nhưng được cúng dường vào thời có Phật Pháp, cúng dường đến bậc đáng cúng dường nên vị ấy có nhiều oai lực hơn con. Ví như vầng trăng rực sáng trong chòm sao như thế.

(Trong những câu văn ấy, chữ Dajjā đổi thành Datvā nghĩa là đã cho). Nghe Thiên Tử Ankura bạch như thế, Đức Thế Tôn phán hỏi Thiên Tử Indaka rằng:

– Nầy Indaka! Vì sao chỉ với chút ít vật thí như thế, mà ngươi có đại oai lực, ngươi không lui ra như vậy?

– Bạch Thế Tôn! Con đã cúng dường đến bậc đáng cúng dường, ví như người nông dân gieo hạt vào ruộng màu mỡ, dù chỉ là ít hạt giống nhưng được nhiều kết quả.

Sau khi nêu lên sự kiện cúng dường đến bậc cúng dường như thế. Thiên Tử Indaka bạch tiếp rằng:

– Bạch Thế Tôn! Dù là hạt giống nhiều, nhưng gieo vào ruộng xấu khô cằn thì kết quả không sung mãn, không thể làm người nông dân ấy hài lòng hoan hỷ như thế nào, cũng vậy người bố thí nhiều đến những kẻ ác giới thì quả phước không được sung mãn, thí nhân ấy hằng không được hoan hỷ với quả ấy. Trái lại, tuy ít hạt giống, nhưng được gieo vào ruộng tốt, đúng thời mưa thuận gió hòa, thì quả sẽ sung mãn, khiến người nông dân hoan hỷ hả dạ. Cũng như thế ấy, thí vật tuy chút ít, nhưng được dâng cúng đến bậc đáng cúng dường là bậc có giới đức, chắc chắn quả ấy sẽ cho người làm thí sự hoan hỷ như thế.

Hỏi rằng: Tiền nghiệp của Thiên Tử Indaka ấy là thế nào?

Đáp rằng: Được biết Thiên Tử Indaka đã cúng dường một vá cơm đến Trưởng

Lão Anuruddha, khi Ngài đang trì bình khất thực trong thành. Nên quả phước của vị ấy có nhiều quả báu hơn sự bố thí của Thiên Tử Ankura xây bếp lò cả 12 do tuần, bố thí suốt thời gian 10 ngàn năm. Do đó, Thiên Tử Indaka mới bạch như thế.

– Nầy Ankura! Sự lựa chọn bậc đáng cúng dường rồi cúng dường, thí sự ấy thường có nhiều quả báu. Ví như hạt giống mà được gieo xuống ruộng tốt như vậy. Nhưng ngươi không làm như thế, do vậy thí sự của ngươi mới không có quả tối thắng.

Rồi Ngài nêu lên ý nghĩa để làm sáng tỏ vấn đề nầy:

“Sự bố thí mà người đã bố thí trong chỗ nào có quả nhiều, người nên lực chọn rồi bố thí trong chỗ ấy. Sự chọn lựa để cúng dường mà Đức Thiện Thệ tán dương là thí sự đến bậc cúng dường hiện hữu trong thế gian, sẽ có quả nhiều, ví như hạt giống được gieo vào ruộng tốt không cỏ dại”.

Ngài tuyên thuyết lên kệ ngôn rằng: Ruộng có cỏ là độc hại, chúng sanh có ái là độc hại. Vì vậy sự thí mà người đã bố thí đến người đã đoạn tận ái có nhiều quả. Ruộng có cỏ là độc hại, chúng sanh có sân hận là độc hại. Vì vậy sự thí mà người đã bố thí đến người đã đoạn tận sân có nhiều quả. Ruộng có cỏ là độc hại, người có si mê là độc hại. Vì vậy sự thí mà người đã bố thí đến người đã đoạn tận si có nhiều quả. Ruộng có cỏ là độc hại, chúng sanh có tham là độc hại. Vì vậy sự thí mà người thí đến bậc đã đoạn tận tham có nhiều quả.

Dứt kệ ngôn, hai Thiên Tử Ankura và Indaka đều an trú vào Dự Lưu Quả. Thế rồi, Bậc Đạo Sư ngồi giữa Đại chúng thiên nhân, đề cập đến Phật mẫu rằng:

– Mẫu hậu hãy đến đây, lắng nghe Pháp Như Lai. Như Lai sẽ đền đáp công ơn của người đã nuôi dưỡng Như Lai trong vòng luân hồi.

Ngài nghĩ tiếp: Công ơn của Mẫu hậu Māyā đối với Ta thật là vĩ đại. Vậy ta phải dùng Pháp môn nào để đền đáp cho xứng đáng ơn nghĩa thâm sâu kia? Ngài thấy rằng chỉ có Thắng Pháp Tạng mới xứng đáng với công ơn của Bà Māyā nuôi dưỡng Ngài khi Ngài còn lang thang trong vòng luân hồi. Và Ngài khởi đầu thuyết lên Tạng Thắng Pháp rằng: “Kusalādhammā, akusalādhammā, abyākatā dhammā…”. Đức Thế Tôn thuyết Tạng Diệu Pháp theo cách nầy trọn cả ba tháng. Trong khi Ngài ngự đi khất thực thì Ngài hóa thân một vị Phật như Ngài và vẫn tiếp tục thuyết Pháp với sự chú nguyện rằng: “Vị Phật hóa thân nầy sẽ thuyết pháp cho đến khi Như Lai trở về”.

Rồi Ngài ngự đến rừng Tuyết Lãnh, đánh răng bằng cây chà răng của rừng ấy ở hồ Anotatto trong rừng Anāgalatā. Ngài ngự đi khất thực ở xứ Kuru (Bắc Cưu Lưu Châu), khi khất thực xong, Ngài ngự về ngôi nhà lớn nơi thành Sankassa. Khi ấy, Tôn Giả Sāriputta quán:

“Bậc Đạo Sư hiện đang trú tại đâu?”. Khi biết Đức Thế Tôn đang ngự tại thành Sankassa, Trưởng Lão đi đến phục vụ Đức Thế Tôn.

Đức Thế Tôn khi thọ thực xong, Ngài phán dạy Trưởng Lão Sāriputta rằng:

“Nầy Sāriputta! Hôm nay ta sẽ thuyết Pháp như thế như thế. Ngươi hãy thuyết lại ý nghĩa nầy đến 500 vị tân Tỳ khưu vừa mới xuất gia của ngươi đi”.

– Thưa vâng! Bạch Thế Tôn.

Tương truyền rằng: Có 500 thiện gia từ khi được chứng kiến Song Thông Lực của Đức Thế Tôn, phát tâm tịnh tín mãnh liệt nơi Phật Lực, cả 500 vị đã xin xuất gia ngay khi ấy, và Tôn Giả Sāriputta đã tiếp độ cho 500 vị thiện gia tử ấy trong trú xứ của mình. Lời dạy của Đức Thế Tôn là Ngài ám chỉ đến 500 tân Tỳ khưu ấy.

Sau khi phán dạy xong, Đức Thế Tôn ngự lên cõi Đao Lợi, vị Phật hóa thân biến mất và Đức Phật tiếp tục thuyết lên Pháp thoại Thắng Pháp. Riêng Ngài Sāriputta trở về trú xứ của mình, thuyết lên Pháp mà Đức Đạo Sư vừa tóm tắt cho mình đến các vị tân Tỳ khưu một cách rộng rãi. Khi vừa mãn ba tháng an cư thì nhóm Tỳ khưu ấy đã thông suốt trọn vẹn 7 bộ Thắng Pháp.

Được nghe lại rằng: Trong thời Giáo Pháp của Đức Chánh Đẳng Giác Kassapa, có một đàn dơi 500 con trú tại một hang động trong núi. Bấy giờ, có hai vị Tỳ khưu trong Giáo Pháp Đức Phật Kassapa cũng trú ngụ nơi động ấy, khi các Ngài kinh hành hay ngồi lại cùng nhau, hằng tụng niệm Abhidhamma. Đàn dơi ấy bắt lấy cảnh thinh ấy, với ấn tượng rằng đây là Pháp chư Phật. Đàn dơi ấy không thể hiểu rằng: “Đây là uẩn, đây là xứ, đây là Giới…”, chúng chỉ bắt lấy tiếng tụng niệm làm cảnh với ấn tượng là lời Phật dạy mà thôi. Sau khi mệnh chung, cả 500 con dơi ấy tái sanh lên Thiên giới, thọ hưởng Thiên sản trọn một kiếp Phật. Mạng chung từ Thiên giới, 500 vị Thiên Tử tái sanh vào nhân giới trong thời Phật hiện tại, ở trong thành Sāvatthī. Nhân dịp mục kích được quang cảnh hy hữu của Song Thông Trí của Đấng Như Lai. Cả 500 thiện gia tử ấy khởi tâm tịnh tín, xin xuất gia trong Pháp Luật của Đức Thế Tôn, và Trưởng Lão Sāriputta đã tế độ 500 thiện gia tử ấy trong trú xứ của mình. Và trong ba tháng an cư mùa mưa ấy, 500 vị Tỳ khưu ấy thông suốt trọn vẹn 7 bộ Thắng Pháp trước những vị Tỳ khưu kia.

Đức Thế Tôn thuyết trọn vẹn Tạng Thắng Pháp trên cõi Đao Lợi ròng rã ba tháng dài (tính theo cõi nhân loại), đã mang đến Đạo Quả cho 80 koti Chư Thiên, và Hoàng hậu Māyā chứng đạt được Pháp Nhãn Dự Lưu Quả. Còn bảy ngày nữa là đến ngày Đại Lễ Tự Tứ, đại chúng rộng 36 do tuần ấy, khởi
lên sự suy nghĩ rằng:

– Từ hôm nay trở đi, đến ngày thứ bảy là ngày Đại Lễ Tự Tứ. Đức Thế Tôn sẽ ngự về nơi nào?

Họ đi đến Trưởng Lão Moggallāna bạch rằng:

– Bạch Ngài! Chúng tôi muốn biết ngày trở về của Đức Thế Tôn, nếu chúng tôi chưa được chiêm bái Ngài, chúng tôi sẽ không rời khỏi nơi đây đâu.

– Nầy đại chúng, thôi được.

Trưởng Lão Moggallāna chú nguyện rằng: “Đại chúng hãy trông thấy ta đi đến cõi Đao Lợi, diện kiến với Đức Thế Tôn”.

Ngài độn thổ, đi đến chân núi Sineru, rồi theo triền núi đi dần lên, giống như sợi chỉ vàng xỏ vào viên ngọc trai đỏ. Ngài đi lên đỉnh núi Sineru, đại chúng thấy rõ ràng như đang thấy cảnh Ngài đi trên núi Sineru trước mặt, Trưởng Lão đi được 1 do tuần, 2 do tuần… Tôn Giả Moggallāna đi đến Thiên Cung Đao Lợi, đến tảng đá Pandukambala, đảnh lễ dưới chân Ngài với sự cung kính cực điển, bạch với Đức Thế Tôn rằng:

– Bạch Thế Tôn! Hội chúng muốn yết kiến Ngài, nếu chưa được chiêm bái Ngài, họ sẽ không rời chỗ ấy. Bạch Thế Tôn! Xin Ngài mở lòng bi mẫn ngự về nhân giới.

– Nầy Moggallāna! Sư huynh ngươi là Tôn giả Sāriputta hiện nay đang ở nơi nào?

– Bạch Thế Tôn! Vị ấy đang trú tại thành Sankassa.

– Nầy Moggallāna! Kể từ hôm nay trở đi, đến ngày thứ bảy, Như Lai sẽ ngự về nhân giới, tại chân thành Sankassa. Đại chúng muốn yết kiến Đấng Như Lai thì hãy đến nơi ấy.

Từ Sāvatthī đến thành Sankassa chỉ cách nhau 30 do tuần, chẳng cần phải chuẩn bị lương thực chi cho lắm. Ngươi hãy thông báo cho đại chúng biết như thế. Đại chúng hãy thọ trì Trai giới rồi đến nghe pháp vậy.

– Lành thay! Bạch Thế Tôn.

Trưởng Lão Moggallāna trở lại nhân giới, tuyên ngôn lại lời dạy của Đức Thế Tôn cho đại chúng biết. Vào ngày Đại Tự Tứ, Bậc Đạo Sư phán bảo Đức Thiên Chúa rằng:

– Nầy Đại Vương! Như Lai sẽ ngự về nhân giới.

Thiên chúa liền hóa hiện ba thang trời, một thang ngọc Maṇi ở giữa, một thang bạc và một thang vàng ở hai bên, chân thang đặt ở chân thành Sankassa, đầu thang ở đỉnh núi Sineru. Thang vàng ở bên phải dành cho Chư Thiên, thang bạc bên trái dành cho Phạm Thiên, Đấng Như lai ngự đi giữa thang ngọc Maṇi.

Từ đỉnh núi Sineru Đức Thế Tôn ngự đi giữa thang ngọc ấy. Ngài đưa mắt nhìn lên trên, thấu suốt cõi Phạm Thiên như tụ hội lại thành một điểm, Ngài đưa mắt nhìn xuống, thấu suốt cõi địa ngục A Tỳ như thu lại thành một điểm. Cả 10 muôn triệu thế giới như thu thành một điểm trong Phật Lực của Ngài như vậy. Chư Thiên thấy được nhân loại và Phạm Thiên, nhân loại thấy được Chư Thiên cùng Phạm Thiên dường như đang đứng đối diện với nhau. Đức Thế Tôn phóng hào quang 6 màu tỏa đi khắp muôn trùng vũ trụ. Cả 36 do tuần đại chúng ấy, thấy được oai lực tuyệt diệu hy hữu của Đức Phật, đều khởi tâm ước muốn thành vị Chánh Đẳng Giác vị lai.

Bấy giờ, Phạm Thiên ngự đi nơi thang bạc cầm lọng cho cho Đức Thế Tôn, Đức Đế Thích ngự đi nơi thang vàng ôm bát hầu Ngài. Càn Thát Bà Pancasikha cầm thiên cầm Baluva màu vàng xinh đẹp, tấu lên những thiên khúc, ca hát cúng dường Bậc Đạo Sư, Thiên Tử Mātalisangāhaka cầm vật thơm và tràng hoa tung lên hư không cúng dường Đức Thiện Thệ, hoa thiên Mạn Đà của Chư Thiên cúng dường rơi như mưa, Thiên Tử Suyāma cầm quạt Vālavījavī quạt hầu Đức Đạo Sư…

Đức Thế Tôn ngự về nhân giới, tại chân thành Sankassa. Trưởng Lão Sāriputta đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, tán thán tướng hảo quang minh của Đức Thế Tôn, vì đây Phật Tướng hiển lộ thù diệu như thế nầy, Trưỡng Lão chưa từng trông thấy bao giờ cả. Trưởng Lão thốt lên kệ hoan hỷ tán thán như vậy:
“Bậc Đạo Sư với Phật âm du dương, với lời tao nhã. Ngài là bậc Thầy của Chư Thiên và nhân loại. Từ Cung trời Đấu Suất Ngài hạ sanh về nhân giới cũng không có được quang cảnh thù thắng như thế nầy đây. Ta chưa từng thấy tướng hảo của một ai chói sáng rực như Ngài, không ai so sánh được với Phật Thân”.

Rồi Tôn Giả Sāriputta bạch với Đức Thế Tôn rằng:

– Bạch Thế Tôn! Hôm nay cả nhân thiên đều hoan hỷ cung nghinh Ngài trở về nhân giới.

Đức Đạo Sư phán dạy Tôn Giả Sāriputta rằng:

– Nầy Sāriputta! Một vị Phật đầy đủ ân đức tối thượng, thường là nơi kính mến của Chư Thiên và nhân loại như thế.

Rồi nhân đó, Ngài thuyết lên kệ ngôn rằng:

“Ye jhānapasutā dhīrā,
Nekkhammūpasame ratā;
Devāpi tesaṃ pihayanti,
Sambuddhānaṃ satīmataṃ”.

“Người trí chuyên thiền định,
Thích an tịnh viễn ly,
Chư Thiên đều ái kính,
Bậc chánh giác, chánh niệm”.

181. Bậc trí chuyên cần hành thiền, đã thỏa thích trong sự an tịnh của hạnh khước từ (tức Níp Bàn), những vị Phật giác tỉnh toàn hảo như vậy, chí đến Chư Thiên cũng hết lòng ngưỡng mộ.

CHÚ GIẢI:
Ye jhānapasutā: nghĩa là đầy đủ sự chuyên cần về 2 loại thiền là
Lakkhaṇūpanijjhāna và Ārammaṇūpanijjhāna, bằng sự ghi nhớ, sự an trú, sự chú
nguyện, sự xả thiền và sự quán xét. Bậc xuất gia học giả không nên chấp rằng:
“Nekkhamma” trong kệ ngôn Nekkhammūpasame ratā nầy, chính câu Nekkhamma đó là chỉ về sự hoan hỷ với Níp Bàn, là nơi đoạn tận phiền não.

Devāpi: nghĩa là Chư Thiên và nhân loại thường hoan hỷ, tức mong mỏi được như bậc Chánh Giác.

Satīmataṃ: nghĩa là Chư Thiên cùng nhân loại mong muốn thành Đấng Chánh Giác rằng: “Ngài có tướng hảo quang minh thù thắng như thế, ta cũng nên thành vị Phật vị lai”. Như vậy, gọi là sự hoan hỷ với Bậc Chánh Đẳng Giác, là người có ân đức lớn như vậy, bậc tròn đủ chánh niệm và giác tỉnh. Dứt kệ ngôn có đến 30 koti chúng sanh đạt Pháp Nhãn. Cả 500 vị tân Tỳ khưu đệ tử của Trưởng Lão Sāriputta cũng chứng đạt A La Hán. Tương truyền rằng: Sự thể hiện Song Thông Tuệ rồi an cư tại cung trời Đao Lợi, thuyết Tạng Thắng Pháp tế độ Phật Mẫu, ngự về nhân giới nơi cổng thành Sankassa, đó là cổ lệ của chư Phật Quá khứ. Chỗ di tích dấu chân phải nơi Ngài ngự xuống có tên là Sineru. Đức Đạo Sư đứng tại chính nơi ấy giảng giải về cơ tánh trí của chúng sanh rằng: Phàm nhân chỉ biết cơ tánh của mình và đồng bậc, không thể biết được trí của Bậc Tu Đà Hườn, Bậc Dự Lưu chỉ biết được căn cơ của hàng Dự Lưu, không biết được căn cơ của bậc Nhất Lai. Bậc Nhất Lai chỉ biết được căn cơ của hàng Nhất Lai, không biết được căn cơ của bậc Bất Lai. Bậc Bất Lai chỉ biết được căn cơ của hàng Bất Lai không biết được căn cơ của bậc A La Hán. Bậc A La Hán Nhứt Minh… Tam Minh… Lục Thông… Tuệ Phân Tích, Chư Thánh Đại Đệ Tử không biết được căn cơ của Tôn Giả Moggallāna. Tôn Giả Moggallāna không thấu rõ cơ tánh của Tướng Quân Chánh Pháp Sāriputta. Tôn Giả Sāriputta không thể giải được căn cơ của bậc Độc Giác Phật. Chư Độc Giác Phật không thể giải được căn cơ của Bậc Chánh Đẳng
Giác.

Rồi Ngài phán lên một câu hỏi, Ngài đưa mắt nhìn khắp bốn phương tám hướng, hướng trên hướng dưới, các thế giới tụ về một điểm. Chư Thiên, nhân loại, Phạm Thiên cả đến Long Vương, Kim Sí Điểu ở hướng dưới đều chấp tay bạch rằng:

– Bạch Thế Tôn! Không một ai trong hội chúng nầy giải đáp được, xin Ngài từ bi quán xét hội chúng nầy.

Bậc Đạo Sư suy nghĩ: “Sāriputta thường vất vả, vì vị ấy nghe được câu hỏi của Đức Như Lai, nhưng câu hỏi ấy thuộc về Phật Giới Trí”. Rằng: “Nầy người vô phiền! Người có trí tuệ phòng hộ mình, khi Như Lai hỏi về sự diễn tiến của người có đầy đủ các Pháp và các Bậc Hữu Học nhiều trong thế gian. Hãy nói lên sự diễn tiến ấy cho Như Lai”.Là người đã đoạn tận hoài nghi về câu hỏi: “Tuy rằng, Bậc Đạo Sư hỏi đến sự diễn tiến của Đạo Hành (Patipadā) của bậc Hữu Học và Bậc Vô Học. Dù là như thế, nhưng ta không thể nắm lấy được ý nghĩa trong câu hỏi của Như Lai, Ngài đang đề cập đến vấn đề nào trong các Pháp như Uẩn, Xứ, Giới, Đế… Khi nhận được Phật ý, ta mới có thể diễn đạt thuận theo câu hỏi mà Ngài vừa nêu ra được”.

Khi Bậc Đạo Sư không vạch ra đường lối, thì Ngài Sāriputta không thể giải đáp được, Đức Như Lai suy nghĩ: “Như Lai hãy vạch ra đường lối cho Sāriputta”. Ngài phán rằng:

– Nầy Sāriputta! Ngươi hãy quán xét sự thật nầy đi.

Được nghe rằng! Khi nhận được đường lối rồi. Khi Ngài Sāriputta nhận lấy ý của Đức Như Lai, sẽ nói lên ý nghĩa về uẩn… được.

Câu hỏi của Đức Như Lai, làm phát sanh đến Tôn Giả Sāriputta cả trăm, cả ngàn, cả trăm ngàn ý, cùng với sự vạch ra đường lối của Đức Như Lai. Khi ấy, Ngài Sārputta mới trả lời được câu hỏi của Đức Thế Tôn. Được biết rằng: Ngoại trừ Đức Thế Tôn, không một Thánh Thinh Văn nào có Đại Trí như Trưởng Lão Sāriputta. Vì rằng: Tôn Giả Sāriputta từng rống lên tiếng rống sư tử đang thời sung sức trước mặt Đức Thế Tôn giữa hội chúng rằng:

– Bạch Thế Tôn! Dù cho có mưa suốt cả đại kiếp nầy, con vẫn có thể đếm được số lượng hạt mưa. Con vẫn biết được bao nhiêu hạt rơi xuống biển, chừng nầy hạt mưa rơi trên đất, chừng nầy hạt mưa rơi trên núi…

– Nầy Sāriputta! Như Lai biết rằng ngươi có được khả năng như thế ấy.

Gọi là điều ví dụ để so sánh với trí tuệ của Tướng Quân Chánh Pháp không có được. Do vậy, Tôn Giả Sāriputta đã bạch rằng:

– Bạch Thế Tôn! Cát trong địa đại, nước trong sông Gangā luôn được tràn đầy từ suối nguồn, sông rạch, nhưng cũng không so sánh được sự hiểu biết của con.

Ý nghĩa của câu ấy như vầy: Bạch Thế Tôn! Bậc Đại Thượng Trí, bậc nương nhờ của thế gian. Điều hiểu biết (chỉ một điều) của con, người lấy ra một hạt cát. Nhưng cát trên địa cầu nầy có thể hết mà sự hiểu biết của con không hết. Hay là, mỗi một điều hiểu biết của con sánh với 1 giọt nước sông Gangā được làm tràn đầy bởi suối nguồn, sông rạch, nước sông Gangā có thể hết, nhưng sự hiểu biết của con thì không hết. Hay là mỗi mảnh đá vụn được so sánh một điều hiểu biết của con, núi đá trên địa cầu nầy có thể hết, nhưng sự hiểu biết của con thì không hết.

Tuy là bậc Đại Trí như thế, nhưng Tôn Giả Sāriputta vẫn không nắm được gốc ngọn của vấn đề mà Đức Thế Tôn phán hỏi theo cơ tánh của vị Phật. Chỉ khi nào nhận được đường lối Đức Phật vạch ra, bấy giờ vị ấy mới giải đáp được thấu đáo. Được nghe như thế, chư Tỳ Khưu bàn luận cùng nhau rằng:
“Bậc Đạo Sư đã hỏi câu nào rồi, mọi người không thể giải đáp được, chỉ có Bậc Tướng Quân Chánh Pháp mới có thể giải đáp được mà thôi”.

Nghe chư Tỳ Khưu bàn luận như thế, Bậc Đạo Sư phán dạy rằng:

– Nầy chư Tỳ Khưu! Chẳng phải chỉ trong kiếp nầy Sāriputta giải đáp được câu hỏi của Đức Như Lai, câu hỏi mà đại chúng không một ai có thể giải được.

Trong quá khứ, vị ấy cũng đã từng là như thế rồi. Rồi Ngài thuyết lên Bổn Sanh với đầy đủ chi tiết rằng: “Người đi đến nơi tụ họp rồi, dù cả ngàn người vô trí, tuy có quán sát cả 100 năm, người ấy cũng không thấu đáo được ý nghĩa của Phật ngôn. Duy chỉ bậc trí là cao quý hơn cả”.

Dịch Giả Cẩn Đề
Phật cấm thinh văn dụng phép thần,
Khiến cho ngoại đạo được lên chân:
Phen nầy, ta sẽ khoe tài giỏi,
Thách thức Cồ Đàm, gạt thế nhân.
Bất ngờ, Phật hứa sẽ thi tài
Gần Xá Vệ thành, dưới gốc xoài,
Dân chúng rần rần rần theo ngoại đạo,
Để xem họ sẽ thắng hay Ngài.
Ngoại đạo quyên tiền cất trại xong,
Khoe rằng: Ta sẽ hiện thần thông.
Thiên Vương khiến các thần mưa gió,
Thổi sập tan nhà, hóa đất không!
Phật được Ganh Đô cúng quả xoài,
Hột vùi xuống đất mọc lên ngay,
Thành cây to lớn năm mươi hắc,
Năm hướng, năm cành, quả thật sai!
Thinh văn lớn nhỏ đến xin Ngài,
Cho họ biểu dương chút ít tài,
Ngài bảo: Không ai làm được cả,
Vì là phận sự của như Lai.
Đức Phật ngự lên lộ báu hành
Khắp mình nước lửa tỏa chung quanh
Hòa quang lục sắc huy hoàng chói,
Thuyết pháp từng hồi, độ chúng sanh.
Ngài lên Đao Lợi độ mẫu thân,
Thuyết Vi Diệu Tạng bảy thành phần,
Suốt ba tháng hạ, rồi ngự xuống
“Xăng cách Xá” thành gặp chúng dân.
DỨT TÍCH THỂ HIỆN SONG THÔNG NHIẾP NGOẠI ĐẠO

32

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app