Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III
Phẩm Phật Đà: Tích Bảo Tháp Của Đấng Kassapa
195. “Pūjārahe pūjayato,
Buddhe yadi va sāvake;
Papañcasamatikkante,
Tiṇṇasokapariddave”.
196. “Te tādise pūjayato,
Nibbute akutobhaye;
Na sakkā puññaṃ,
Saṅkhātuṃ, imettamapi kenaci”.
“Cúng dường bậc đáng cúng,
Chư Phật hoặc đệ tử,
Các bậc vượt hý luận,
Đoạn diệt mọi sầu bi”.
“Cúng dường bậc như vậy,
Tịch tịnh, không sợ hãi,
Các công đức như vậy,
Không ai ước lường được”.
Kệ Pháp Cú nầy được Đức Bổn Sư thuyết ra khi Ngài du hành, đề cập đến Bảo Tháp của Đức Chánh Đẳng Giác Kassapa. Một thời, Đức Thế Tôn cùng hội chúng Tăng Tỳ khưu 500 vị, khởi sự du hành, rời khỏi kinh thành Sāvatthī đi đến thành Bārāṇasī. Tuần tự du hành, Ngài trú tại một ngôi đền gần làng Todeyyagāma ở giữa đường. Đức Thế Tôn ngự tại ngôi đền ấy và Ngài phán bảo vị Dhammabhandāgārika (Vị Thủ Kho Chánh Pháp, tức là Ngài
Ānanda) rằng: “Nầy Ānanda! Hãy gọi người đang cày ruộng đến đây”.
Bà la môn ấy đi đến nơi Phật ngự, ông không đảnh lễ Đức Đạo Sư mà lại đảnh lễ ngôi đền, rồi bước đứng sang một bên, Đức Thế Tôn phán hỏi rằng:
– Nầy Bà la môn! Ngươi nghĩ rằng: Nơi nầy là nơi nào?
– Thưa Ngài Sa môn Gotama! Tôi đảnh lễ ngôi đền nầy vì nghĩ rằng là bảo tháp theo tục lệ của chúng tôi.
Đức Thế Tôn khiến tâm của Bà la môn ấy hoan hỷ, Ngài phán:
– Lành thay! Nầy Bà la môn, ngươi đảnh lễ nơi nầy là tốt đẹp lắm.
Chư Tỳ khưu nghe vậy, khởi lên sự hoài nghi rằng:
– Vì lẽ nào Đức Thế Tôn làm cho Bà la môn ấy hoan hỷ như thế.
Để đoạn nghi cho Tăng chúng, bấy giờ Đức Thế Tôn liền thuyết giảng bài kinh Ghātikāra (trong Trung Bộ Kinh). Rồi Ngài dùng thần thông hóa thiện ngôi Bảo Tháp vàng của Đấng Thập Lực Kassapa cao 1 do tuần, ngôi Bảo tháp vàng ấy lơ lửng giữa hư không, đại chúng chiêm ngưỡng Bảo Tháp như là Bảo Tháp đang ở trước mặt mình.
Ngài phán dạy Bà la môn ấy rằng:
– Nầy Bà la môn! Sụ cúng dường đến Bậc đáng cúng dường như Bảo Tháp nầy thì rất xứng đáng.
Rồi Ngài tuyên thuyết về bốn hạng người xứng đáng được lập tháp thờ là: Đấng Chánh Đẳng Giác, Đấng Độc Giác Phật, Bậc Ứng Cúng A La Hán và Vua Chuyển Luân Vương. Theo ý nghĩa mà Ngài thuyết trong Kinh Đại Bát Níp Bàn. Rồi Ngài thuyết giảng chi tiết về ba loại Bảo Tháp là Sāricatīya – Uddisacetīya – Paribhogacetīya.
Sau cùng, Ngài thuyết lên kệ ngôn rằng:
195. “Pūjārahe pūjayato,
Buddhe yadi va sāvake;
Papañcasamatikkante,
Tiṇṇasokapariddave”.
196. “Te tādise pūjayato,
Nibbute akutobhaye;
Na sakkā puññaṃ,
Saṅkhātuṃ, imettamapi kenaci”.
“Cúng dường bậc đáng cúng,
Chư Phật hoặc đệ tử,
Các bậc vượt hý luận,
Đoạn diệt mọi sầu bi”.
“Cúng dường bậc như vậy,
Tịch tịnh, không sợ hãi,
Các công đức như vậy,
Không ai ước lường được”.
195-196. Người tôn kính những bậc xứng đáng thọ lãnh sự tôn kính, chư Phật hay chư Thinh Văn đệ tử, những bậc đã khắc phục mọi chướng ngại và đã thoát khỏi mọi phiền não âu sầu – công đức của người tôn kính cúng dường bậc an tịnh, bậc vô úy thật là vô lượng.
CHÚ GIẢI:
Người dâng cúng dường gọi trong kệ ngôn nầy là Pūjārahe pūjayato. Câu nói của người đáng cúng dường đến Bậc đáng cúng dường nghĩa là: Người cúng dường bằng cách như đảnh lễ… hoặc bằng tứ vật dụng.
Đức Thế Tôn thuyết giảng người đáng cúng dường là Buddha, nghĩa là chư Phật… là bậc Chánh Đẳng Giác.
Tadi tức là yadivā. Có lời giải rằng: Attavā tức là vậy thì. Câu nói chư Phật Độc Giác mà Ngài phán dạy trong kệ ngôn nầy (hoặc là chư Thinh Văn Giác đệ tử). Câu nói: Người đã vượt qua Pháp chướng ngại, nghĩa là các pháp chướng ngại tức là ái, tà kiến, mạn mà các Ngài đã vượt qua. Câu nói: Người đã thoát khỏi sầu muộn tức là bậc không còn sầu muộn, nghĩa là đã vượt qua cả hai thức. Bậc đáng cúng dường mà Đức Thế Tôn đã phán dạy trong câu Vidasana. Câu nói: Các Bậc đáng cúng dường như Đức Phật… Câu nói: Người như vậy tức là người có đầy đủ ân đức như đã nói trên. Câu nói: Người đã Níp Bàn. Nghĩa là đã Níp Bàn do đã dập tắt phiền não như ái dục…
Câu nói: Không còn nguy hiểm bất cứ ở đâu từ nơi sanh hữu hay cảnh hữu đối với các bậc Thánh, là bậc đáng cúng dường. Do đó các Ngài mới không còn gọi là không còn sự nguy hiểm bất cứ ở nơi đâu. Đó là Bậc không còn nguy hiểm ở bất cứ nơi nào.
Câu nói: Không ai có thể ước lượng quả phước, nghĩa là không ai có thể kể được số lượng. Nếu có câu hỏi rằng: Đếm như thế nào? Thì hãy đáp rằng: Không ai có thể đếm được quả phước nầy là có được bao nhiêu đây, có được khoảng chừng nầy, quả phước kia có số lượng khoảng chừng bấy nhiêu.
Chữ Api ghép trong câu Kenaci. Nghĩa là: Không có người nào hoặc bằng cách nào đếm được. Trong hai câu nầy, câu nói NGƯỜI, tức là người như Phạm Thiên.
Câu nói: Cách đếm, tức là đếm bằng ba cách: Cách ước lượng, cách cân và cách đong. Cách ước lượng là theo như thế nầy: Khoảng chừng bao nhiêu đây, gọi là ước lượng. Cách làm cho ngang bằng gọi là cân. Cách làm cho đầy gọi là đong. Không ai có thể đếm được quả phước của người cúng dường đến bậc đáng cúng dường như thế nào, tức là cúng dường đến Đức Phật… ba cách đếm nầy không thể đếm được quả dị thục thiện. Bởi vì nó có quá nhiều, có vô số lượng. Quả thí của người cúng dường trong hai trường hợp ra sao? Quả phước của người cúng dường đến Đức Phật…khi Ngài còn tại tiền thì như
thế. Nhưng quả phước của người cúng dường đến Đức Phật đã Níp Bàn có sự sai khác nhau chăng? Cũng không có sự sai khác nhau đâu. Vì rằng, Đức Đế Thích có nói lên kệ ngôn trong bộ Thiên Cung Sự rằng:
“Khi Bậc Chánh Đẳng Giác còn tại tiền hay Ngài đã Níp Bàn rồi cũng thế. Nếu tâm đồng nhau thì quả thí cũng đồng nhau, vì rằng nhân tạo phước do sự tịnh tín nơi tâm, tất cả chúng sanh đều sanh về nhàn cảnh như vậy”.
Dứt kệ ngôn, Bà la môn ấy chứng đắc Pháp nhãn Dự Lưu.
Ngôi Bảo Tháp Vàng cao 1 do tuần ấy, đứng giữa hư không trọn cả bảy ngày. Về sau, đại chúng trở lại cổ tục của mình. Ngôi Bảo Tháp đã trở về nơi cũ do Phật Lực, trên nền cẩm thạch của Bảo Tháp ở chính tại nơi ấy, đã hiện ra trở lại như xưa. Trong hội chúng ấy có khoảng 84 ngàn chúng sanh chứng ngộ Pháp.
DỨT TÍCH BẢO THÁP CỦA ĐỨC PHẬT KASSAPA
DỨT PHẨM PHẬT ĐÀ-BUDDHA VAGGA