Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III
Phẩm Pháp Trụ: Tích Nhiều Vị Tỳ Khưu Tham Vọng
262. “Na vākkaraṇamattena
Vaṇṇapokkharatāya vā
Sādhurūpo naro hoti
Issukī maccharī saṭho”.
263. “Yassa cetaṃ samucchinaṃ
Mūlagacchaṃ samūhataṃ
Sa vantadoso medhavī
Sādhurūpo’ti vuccati
“Không phải nói lưu loát
Không phải sắc mặt đẹp
Mà thành người lương thiện
Nếu con người ganh tỵ
Xan tham và dối trá”.
“Chỉ những ai cắt tuyệt
Nhổ tận gốc đoạn trừ
Người trí tận diệt sân
Mới phải người lương thiện”.
Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết lên khi Ngài ngự tại Jetavana, đề cập đến nhiều vị Tỳ Khưu. Một thưở nọ, khi nhìn thấy các Tỳ khưu trẻ và các vị Sa di lo hầu hạ các vị A Xà Lê (Ācariya) của mình như: giặt, nhuộm y, và làm việc lặt vặt hộ các Ngài, thì một số Đại Đức đề nghị với nhau rằng: “Chúng ta tuy có tài thuyết pháp nói đạo nhưng rốt cuộc chẳng được ai phục dịch cả… Hay là bây giờ chúng ta hãy đến bạch với Đức Bổn Sư như vầy: “Bạch Ngài, chúng con thông thạo về Kinh điển, Phật ngôn. Xin Ngài ra chỉ thị cho các Tỳ khưu trẻ và các Sa di rằng: “Dầu học Pháp với thầy khác, các con cũng phải đến nhờ các thầy nầy bổ túc cho rồi mới nên ôn tập”. Làm như vậy, ắt lễ lộc chúng ta sẽ tăng trưởng.
Thế rồi, các Đại Đức ấy đến bạch với Đức Bổn Sư như vậy.
Sau khi nghe lời các Đại Đức bạch, Đức Bổn Sư biết ngay rằng: “Theo Giáo Pháp nầy, nếu theo truyền thống là đúng. Nhưng các vị nầy chỉ chú trọng phần lễ lộc mà thôi”. Do đó, Ngài phán dạy rằng:
– Ta không gọi các thầy là Lương thiện (sādhupūpā) chỉ vì các thầy có tài biện thuyết thiện xảo. Người nào đã cắt đứt các pháp bất thiện, nhất là ganh tỵ bằng A La Hán đạo, người ấy thật là người lương thiện.
Nói rồi Ngài ngâm lên hai bài kệ rằng:
262. “Na vākkaraṇamattena “Không phải nói lưu loát
Vaṇṇapokkharatāya vā
Sādhurūpo naro hoti
Issukī maccharī saṭho”.
263. “Yassa cetaṃ samucchinaṃ
Mūlagacchaṃ samūhataṃ
Sa vantadoso medhavī Sādhurūpo’ti vuccati
Không phải sắc mặt đẹp
Mà thành người lương thiện
Nếu con người ganh tỵ
Xan tham và dối trá”.
“Chỉ những ai cắt tuyệt
Nhổ tận gốc đoạn trừ
Người trí tận diệt sân Mới phải người lương thiện”.
CHÚ GIẢI:
Na vākkaraṇamattena: Không phải bằng lời nói, không phải bằng cái tướng có đầy đủ thiện xảo về khoa nói như hùng biện…
Vaṇṇapokkharatāya vā: Hoặc dung nhan có đầy đủ sắc đẹp mỹ miều khả ái.
Naro: Do các lẽ trên đây, người có tâm ganh tỵ lợi lộc của kẻ khác, có đủ cả năm pháp bỏn xẻn (là āsāve, kula, lābha, vaṇṇa, dhamma macchariyaṃ) nhập theo phe phái xảo trá, lường gạt, không phải là người lương thiện.
Yassa cetaṃ: Người chứng A La Hán đạo tuệ cắt đứt tận gốc rễ các tội lỗi nhất là ganh tỵ, không tái sanh, người đã xa lìa tội lỗi, có đầy đủ trí tuệ hưởng thụ Pháp hỷ, gọi là người lương thiện. Cuối thời Pháp, nhiều Tỳ khưu chứng đắc Thánh Quả, nhất là Tu Đà Hườn.
Dịch Giả Cẩn Đề
Lương thiện là tâm chánh thiện lương
Không do môi miệng lưỡi khéo trăm đường
Tỳ khưu mặt đẹp lòng đen xấu
Chẳng phải Tăng đồ Phật tán dương
Ai khéo trừ tan gốc rễ phàm
Đoạn lìa sân hận với xan tham
Không tâm dối trá cùng ganh tỵ
Thật xứng danh là Phật hiếu nam.
DỨT TÍCH NHIỀU TỲ KHƯU THAM VỌNG