Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III
Phẩm Pháp Trụ: Tích Ngoại Đạo Làm Thinh
268. “Na monena munī hoti
Mūḷharūpo aviddasu
Yo ca tulaṃ’va paggayha
Varaṃ ādāya paṇḍito”.
269. “Pāpāni parivajjeti
Sa munī tena so munī
Yo munāti ubho loke
Munī tena pavuccati”.
“Im lặng nhưng ngu đần
Đâu được gọi Tịnh giả
Như người cầm cán cân
Kẻ trí chọn điều lành”.
“Từ bỏ các ác pháp
Mới thật là Tịnh giả
Ai thật hiểu hai đời
Mới xứng danh Tịnh giả”.
Pháp Cú nầy được Đức Bổn Sư thuyết ra khi Ngài ngự tại Jetavana, đề cập đến các ngoại đạo. Tương truyền rằng: Sau khi thọ thực ở một nơi nào, các tu sĩ ngoại đạo thường chúc phúc cho thí chủ như vầy: “Xin cho người được bình yên, xin cho người được hạnh phúc, xin cho người tăng thêm tuổi thọ. Ở nơi nọ có sình lầy, ở nơi nọ có gai góc, người không nên đi đến chỗ như vậy…”.
Trong thời kỳ Giác ngộ đầu tiên, sự tụng kinh phúc chúc chưa được Đức Thế Tôn cho phép, nên các Tỳ khưu sau khi thọ thực tại nhà gia chủ là ra đi, chớ không chúc phúc cho gia chủ chi cả. Các tín gia bất mãn than phiền rằng: “Gần các tu sĩ ngoại đạo, chúng ta còn được nghe chúc phúc. Riêng các Sa môn Thích Tử đây chỉ làm thinh ra đi”.
Chư Tỳ khưu đem việc nầy bạch trình với Đức Bổn Sư, Ngài dạy rằng:
– Nầy các Tỳ khưu! Từ rày về sau ở trong trai đường hoặc nơi nào khác, Ta cho phép các thầy phúc chúc tùy theo sở thích và trò chuyện cởi mở với thí chủ khi ngồi gần bên họ.
Chư Tăng tuân theo lời dạy như vậy. Khi các thiện tín được nghe những lời phúc chúc, họ càng tinh tấn thêm hằng mời thỉnh và cúng dâng lễ vật đến Chư Tăng.
Các nhóm ngoại đạo than phiền rằng: “Chúng ta là những bậc Tịnh giả. Chúng ta giữ sự im lặng. Còn các Thinh Văn của Sa môn Gotama hay thuyết giảng dài dòng trong các trai đường hoặc những chỗ khác tương tợ như vậy”.
Khi nghe những lời chỉ trích của nhóm ngoại đạo, Đức Bổn Sư nói:
– Nầy các Tỳ khưu, Ta không gọi là Tịnh giả (Muni) chỉ vì người ấy giữ sự im lặng. Quả thật, có một số người vì không biết mà không nói, một số khác vì thiếu sự tín nhiệm và một số khác nữa lại cống cao ngã mạn sợ e người khác học được những tri kiến quan trọng của họ. Là vì họ bỏn xẻn pháp.
Bởi vậy, Ta không gọi là Tịnh giả chỉ vì lẽ họ giữ sự im lặng. Theo Ta, ai làm Tịnh giả, làm im lặng được các pháp bất thiện, người ấy mới xứng danh Tịnh giả.
Rồi Ngài thuyết lên hai kệ ngôn rằng:
268. “Na monena munī hoti
Mūḷharūpo aviddasu
Yo ca tulaṃ’va paggayha
Varaṃ ādāya paṇḍito”.
269. “Pāpāni parivajjeti
Sa munī tena so munī
Yo munāti ubho loke
Munī tena pavuccati”.
“Im lặng nhưng ngu đần
Đâu được gọi Tịnh giả
Như người cầm cán cân
Kẻ trí chọn điều lành”.
“Từ bỏ các ác pháp
Mới thật là Tịnh giả
Ai thật hiểu hai đời
Mới xứng danh Tịnh giả”.
CHÚ GIẢI:
Na monena: Tịnh giả là người đã làm im lặng tình dục bằng sự im lặng của Đạo Tuệ, bằng sự im lặng của Pháp hành (patipadā). Ở đây ám chỉ sự làm thinh, không nói.
Mūḷharūpo: Là người rỗng không.
Aviddasa: Là người vô trí.
Người như vậy dầu có im lặng chăng nữa cũng không phải là Tịnh giả. Hoặc là người mà chỉ có sự rỗng không, vô trí thì không đáng gọi là Tịnh giả.
Yo ca tulaṃ’va paggayha: Ví như người cầm cân lấy ra bên dư đưa vào bên thiếu như thế nào, thì cũng như thế ấy, bậc hiền trí lấy bên dư là ác pháp bỏ ra, châm đầy thiện pháp vào bên thiếu. Nói cách khác, bậc hiền trí hằng bổ túc các pháp cao nhân quý báu là Giới, Định, Tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến và mang theo mình, đồng thời xa lánh các tội ác, các nghiệp bất thiện.
Sa munī: Bậc ấy đáng gọi là Tịnh giả.
Tena so munī: Tại sao bậc ấy gọi là Tịnh giả. Vì mấy lẽ đã giải trên, nên bậc ấy gọi là Tịnh giả vậy.
Yo munāti ubho loke: Người nào đã cân nhắc kỹ mọi thế giới, nhất là ngũ uẩn. Theo cách nầy biết rõ cả hai thế gian pháp.
Munī tena pavuccati: Do lí lẽ trên mà gọi bậc ấy là Tịnh giả vậy. Cuối thời Pháp, nhiều Tỳ khưu chứng đắc Thánh Quả, nhất là Tu Đà Hườn quả.
Dịch Giả Cẩn Đề
Tận trừ tam độc, tuệ cao thâm
Không vì danh lợi phê tuồng giả
Một mực làm thinh, giống kẻ câm
Tịnh khẩu thì không nói bá xàm
Nói điều hữu ích, chống sân tham
Nương theo chánh mạng, xa tà kiến
Cấm khẩu là xa lánh tục phàm.
Tịnh Giả, người tu tịnh nơi tâm.
DỨT TÍCH NGOẠI ĐẠO LÀM THINH