Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III
Phẩm Pháp Trụ: Tích Đại Đức Ekudāna
“Na tāvatā dhammadharo
Yāvatā bahu bhāsati
Yo ca appaṃ pi sutvāna
Dhammaṃ kāyena passati
Sa ve dhammadharo hoti
Yo dhammaṃ nappamajjati”.
“Không phải vì nói nhiều
Mới xứng danh Pháp Hộ
Những ai tuy nghe ít
Nhưng tâm hành chánh Pháp
Không buông lung chánh Pháp
Mới xứng danh Pháp Hộ”.
Pháp Cú nầy được Đức Bổn Sư thuyết ra khi Ngài ngự tại Jetavana. Đề cập đến vị Lậu Tận Minh có tên Ekudāna.
Tương truyền rằng: Đại Đức một mình tịnh cư trong khu rừng nọ. Ngài chỉ thuộc lòng một kệ ngôn “Tự thuyết (Udāna)” như vầy: “Adhicetaso appamajjato munino monapathesu sikkhato Sokāna bhavanti tādino upasantassa sadā satīmototi”.
“Với tâm cao thượng, chí cần chuyên Học tập đường tu tịnh, định thiền Bậc đắc tâm hình, thường chánh niệm Như trên những chỗ chứa ưu phiền”.
Tương truyền rằng: Trong ngày lễ Phát lồ, Đại Đức lớn tiếng kêu gọi người nghe Pháp, rồi đọc bài kệ trên đây. Chư thiên đồng thanh tán dương, tiếng vang rền như nổ tung cả địa đại.
Về sau cũng trong ngày lễ Phát lồ, có hai vị Tỳ khưu thuộc lòng Tam Tạng, mỗi vị dắt theo 500 tùy giả, đi đến chỗ ngụ của Đại Đức. Thấy chư khách Tăng đến, Đại Đức rất hoan hỷ, nói rằng:
– Lành thay hôm nay được chư Tăng quang lâm đến đây. Chúng tôi sẽ được nghe Pháp trong dịp được gần gũi với các Ngài.
– Nhưng nầy Hiền giả! Ở đây có thính giả chăng?
– Bạch các Ngài! Trong ngày thuyết pháp, khu rừng nầy vang dội tiếng hoan hô của chư thiên.
Hai vị Pháp sư Tam Tạng thuyết pháp nhưng không có vị thiên nhân nào tán dương cả. Hai vị trách Đại Đức rằng:
– Nầy Hiền hữu! Hiền hữu nói trong ngày lễ Phát lồ, chư thiên trong khu rừng nầy đã tán dương vang dội. Nhưng thế nầy là nghĩa làm sao?
– Bạch các Ngài, trong những ngày khác quả có như thế. Nhưng hôm nay tôi cũng không biết tại sao vậy.
– Nếu thế thì, Hiền giả thử thuyết pháp xem sao?
Đại Đức cầm quạt ngồi trên Pháp tọa thuyết bài kệ đã thuộc lòng như trước. Chư thiên đồng thanh hoan hô vang dậy. Khi ấy, hai đoàn Tăng lữ của hai Đại Đức Tam Tạng Pháp Sư trách móc rằng:
– Trong khu rừng nầy, chư thiên chỉ coi mặt mà tán thán, ca tụng. Hai Ngài Tam Tạng Pháp Sư thuyết bằng ấy Pháp mà chư thiên chẳng có một lời khen ngợi, còn vị Đại Đức già nầy chỉ thuyết có một bài kệ mà chư thiên lại lớn tiếng hoan hô. Khi trở về chùa, chư Tăng đem sự kiện nầy bạch với Đức Bổn Sư, Ngài dạy rằng:
– Nầy các Tỳ khưu, người học được nhiều hoặc thuyết ra nhiều Pháp, Ta không gọi là Pháp Hộ (Dhammadharo). Người chỉ thuộc lòng một câu kệ mà thấu triệt chơn lý, mới xứng danh là Pháp Hộ vậy. Rồi Ngài thuyết lên kệ ngôn rằng:
“Na tāvatā dhammadharo
Yāvatā bahu bhāsati
Yo ca appaṃ pi sutvāna
Dhammaṃ kāyena passati
Sa ve dhammadharo hoti
Yo dhammaṃ nappamajjati”.
“Không phải vì nói nhiều
Mới xứng danh Pháp Hộ
Những ai tuy nghe ít
Nhưng tâm hành chánh Pháp
Không buông lung chánh Pháp
Mới xứng danh Pháp Hộ”.
CHÚ GIẢI:
Yāvatā: Không phải do nơi học nhớ cho nhiều Phật ngôn và Chú giải… rồi đem thuyết giảng cho nhiều mà xứng đáng gọi là Pháp Hộ. Người bảo tồn dòng giống của mình mới là người giữ gìn gia phong.
Appampi: Người dầu chỉ nghe ít Pháp, nhưng chú ý theo dõi nghĩa lý của Pháp, rồi vâng giữ hành theo Pháp, do danh sắc (nāmakāya) mà hiểu rõ các trạng thái vui, khổ… thấy được Pháp Tứ Đế, Người ấy chính là Pháp Hộ vậy.
Yo dhammaṃnappamajjati: Người nào từng mong mỏi: Hôm nay ta sẽ giác ngộ, rồi chuyên cần tinh tấn mãi, không dễ duôi Pháp, người ấy cũng là Pháp Hộ nữa. Cuối thời Pháp, nhiều Tỳ khưu chứng đắc Thánh Quả, nhất là quả Tu Đà Hườn.
Dịch Giả Cẩn Đề
Tuy thuộc một bài kệ bốn câu
Nhưng hành chứng đắc tuệ cao sâu
Còn hơn giải thích rành Tam Tạng
Mà chỉ phô trương pháp khẩu đầu
Nhà Sư sợ khổ, chẳng đi hành
Đeo núi chùa chiền, bám lợi danh
Học hỏi cho nhiều Kinh Pháp thuyết
Thua Ngài nhất Kệ ở rừng xanh.
DỨT TÍCH ĐẠI ĐỨC EKUDĀNA