Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III
Phẩm Phẫn Nộ: Tích Tín Nữ Uttarā
“Akkodhena jine kodhaṃ
Asādhuṃ sādhunā jine
Jine kadariyaṃ dānena
Saccena alikavādinaṃ”.
“Từ bi thắng sân hận.
Hiền thiện thắng hung tàn.
Bố thí thắng xan tham.
Chân thật thắng hư ngụy”.
Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết ra khi Ngài trú tại Veḷuvana, khi thọ thực tại nhà của nàng Uttarā, đề cập đến nàng.
Câu chuyện nầy tuần tự diễn tiến như sau: Tương truyền rằng: Trong thành Rājagaha, có một người nghèo khổ tên là Punṇa, làm thuê cho Trưởng giả Sumana mà sống qua ngày. Vợ và con của anh đều có tên là Uttarā, đều làm công trong nhà Trưởng giả. Một ngày nọ, trong thành Rājagaha có tin loan truyền rằng:
– Trong bảy ngày liền, mọi người được nghỉ lễ và ăn chơi.
Nghe tin nầy, sáng hôm sau, Trưởng giả Sumana thấy Punṇa đi đến bèn hỏi anh rằng:
– Nầy Punṇa! Những công nhân của ta đều nghỉ lễ để vui chơi, còn người thì thế nào?
– Thưa chủ! Việc nghỉ lễ để vui chơi là việc của những người giàu có. Còn trong nhà tôi, ngày mai nầy không có gạo để nấu cháo, thì tôi nghỉ lễ làm chi. Tôi sẽ bắt bò đi cày.
– Ờ phải! Ngươi hãy bắt bò khỏe và lấy cái cày.
Punṇa đi về nhà bảo vợ: “Nầy em! Dân thành sẽ vui chơi trong bảy ngày lễ hội, còn mình thì nghèo quá phải đi làm thuê. Vậy hôm nay, em hãy lấy gạo nhiều gấp đôi, nấu cơm rồi mang ra đồng cho anh nhé”.
Dặn vợ xong, anh mang bò ra ruộng cày.
Lúc bấy giờ, sau bảy ngày nhập Đại Định, Trưởng lão Sāriputta vừa xuất định trong ngày ấy, Ngài phán xét rằng: “Hôm nay ta sẽ tế độ ai đây?”. Hình ảnh Punṇa lọt vào võng trí của Ngài.
“Anh ta có đức tin và cúng dường đến ta chăng?”. Được biết rằng có và nhờ đó Punṇa sẽ có quả báo lớn.
Khi quán xét xong rồi, Đại Đức đắp y mang bát đi đến chỗ Punṇa đang cày ruộng, Ngài đứng trên bờ ruộng nhìn về phía lùm cây.
Punṇa trông thấy Đại Đức, phát tâm tịnh tính, bỏ cày xuống đảnh lễ Đại Đức với cách ngũ thể đầu địa và nghĩ rằng: “Chắc Ngài cần dùng cây đánh răng”. Y liền làm cây đánh răng đúng theo Pháp rồi dâng lên Đại Đức. Khi ấy, Đại Đức trao Bát và đồ lọc nước cho y.
Punṇa suy nghĩ: “Chắc Ngài cần dùng nước”. Anh đi lấy nước, lọc
nước xong cúng dâng đến Đại Đức. Đại Đức suy nghĩ:
– Punṇa nầy ở nhà cuối xóm, nếu ta đến nhà anh, vợ anh không thể gặp được ta.
Chi bằng ta hãy nán chờ nơi nầy giây lát.
Ngài dùng trí quán xét, khi biết vợ Punṇa đang trên đường mang cơm đến cho chồng, Ngài bèn đi thẳng vào thành Rājagaha.
Nàng Uttarā gặp Đại Đức giữa đường, tự nghĩ rằng:
– Đôi khi ta có vật để bát mà không gặp Ngài, đôi khi mình gặp Ngài mà chẳng có chi để bát. Hôm nay vừa được gặp Ngài vừa có vật đặt bát, không biết Ngài có tế độ mình hay chăng?
Đặt mâm cơm xuống, vợ Punṇa đảnh lễ Đại Đức xong, bạch rằng:
– Bạch Ngài! Xin Ngài từ bi tế độ cho kể tôi đòi của Ngài, đừng lưu ý vật thực nầy ngon hay dở.
Đại Đức đưa bát ra, nàng Uttarā một tay bưng cơm, một tay sớt cơm và bát. Khi được nữa phần cơm, Đại Đức bảo:
– Thôi vừa rồi.
Ngài lấy tay che miệng bát lại.
Thí chủ van lơn rằng: “Bạch Ngài! Một bữa ăn không thể chia làm hai phần được. Ngài khỏi tế độ kẻ tôi đòi nầy trong đời nầy, nhưng xin Ngài hãy tế độ trong đời vị lai. Con muốn dâng tất cả cơm nầy cho Ngài không còn để dư sót lại.
Nói rồi, thí chủ sớt bát trọn vẹn cho Ngài và phát nguyện rằng: “Mong sao con đạt được Pháp mà Ngài đã giác ngộ”.
Đại Đức phúc chúc rằng: “Mong cho ngươi được như vậy”. Đại Đức tụng lên bài kệ hoan hỷ phước, rồi Đại Đức đi đến một nơi mát mẻ, có nước uống, nước rửa tay chân, Ngài ngồi xuống độ cơm.
Vợ Punṇa quay về nhà nấu phần cơm khác cho chồng. Punṇa cày được độ nữa mẫu ruộng, y đói bụng quá, bèn mở bò ra thả đi ăn, rồi vào ngồi trong một bóng mát của một cây to, nhìn ra lộ.
Vợ Punṇa mang cơm ra cho chồng, nhìn thấy Punṇa đang ngồi trong một bóng mát, hướng nhìn ra lộ, tự nghĩ rằng: “Anh ấy đang đói bụng và đang ngồi chờ mình.
Nếu anh ấy trách mắng mình: “Sao lâu quá vậy?” và dùng roi đánh mình thì sẽ làm mất lợi ích. Vậy ta hãy lên tiếng trước”. Nàng nói với chồng rằng:
– Anh ơi! Hôm nay anh nên phát tâm trong sạch đừng phá tan phần phước mà em đã tạo. Hồi sáng, khi mang cơm ra ruộng cho anh, dọc đường gặp Trưởng Lão Sāriputta, em đã cúng dường phần cơm ấy đến Ngài, rồi trở về nấu lại phần cơm cho anh. Mong anh hãy phát tâm trong sạch đi.
Punṇa hỏi lại: “Em vừa nói cái chi thế?”. Khi nghe vợ lặp lại, anh hoan hỷ nói rằng: “Nầy em! Việc mình đã làm là cúng dường đến Đại Đức phần cơm ấy là phải lắm. Chính anh cũng đã cúng dường Ngài cây đánh răng cùng nước súc miệng, rửa mặt sáng hôm nay”.
Với tâm trong sạch thỏa thích khi nghe vợ nói, Punṇa dùng cơm xong, thân mệt mỏi, Punṇa nằm xuống gác đầu lên đùi vợ mà ngủ.
Khi ấy, thửa ruộng mà Punṇa vừa cày được từ ban sáng, tất cả đất nát đều trở thành vàng sáng rực như một đống hoa Kanikāra.
Khi thức dậy, nhìn thấy cảnh tượng ấy, Punṇa bảo vợ rằng:
– Nầy em! Thửa ruộng hình như hóa thành vàng cả, có lẽ vì anh hoa mắt do đói bụng mà thấy như vậy phải chăng?
– Anh à! Chính em cũng thấy như anh vậy.
Punṇa đứng dậy, đi đến thửa ruộng, cầm lấy cục đất đập vào cán cày, biết đất thành vàng, thì kêu lên: “May thật, việc đặt bát cúng dường đến Ngài Pháp Chủ đã trổ quả ngay hôm nay. Nhưng bấy nhiêu vàng đây, ta không thể cất hưởng trọn vẹn được.
Punṇa lấy vàng đựng vào mâm cơm mà vợ anh mang cơm ra cho anh, đi thẳng vào Hoàng cung, chờ được lịnh vua, anh vào yết kiến Đức vua. Đức vua phán hỏi: “Cái chi đây? Khanh?”.
– Tâu bệ hạ! Hôm nay đất mà thần vừa cày lên bỗng hóa thành vàng, xin Bệ hạ hãy cho chở về Hoàng Cung đi.
– Khanh là ai?
– Dạ! Thần là Punṇa.
– Hôm nay khanh đã làm gì?
– Sáng hôm nay con có cúng dường cây chà răng cùng nước đến Đức Pháp Chủ Sāriputta và vợ con thì cúng dường cơm là phần của con đến Ngài.
Nghe vậy, Đức vua tán thán rằng: Vậy thì, việc cúng dường của khanh đến Đức Sāriputta đã trổ quả rồi đó. Nầy khanh! Giờ đây Trẫm phải làm gì bây giờ?”.
– Xin Bệ hạ cho người mang mấy ngàn cỗ xe bò đến ruộng mà chở vàng về.
Đức vua cho người đánh xe bò mang vàng về. Trong khi chất vàng lên xe, các viên chức Triều đình bảo nhau rằng: “Đây là vàng của Đức vua”. Tự nhiên các thỏi vàng biến thành đất hết. Mọi người lạ lùng, trở về báo lại cho Đức vua biết, Đức vua phán hỏi rằng:
– Thế các khanh đã nói những gì?
– Tâu Bệ hạ! Chúng thần chỉ nói là “Đây là vàng của Đức vua”.
– Nầy chư khanh! Đó không phải là tài sản của Trẫm, mà là của Punṇa. Hãy đi, khi cầm lên nói rằng “Đây là tài sản của Punṇa”.
Các quan làm theo lời của Đức vua, tự nhiên những cục đất họ cầm trên tay đều hóa thành vàng. Họ chở tất cả vàng về đổ thành một đống giữa sân rồng, cao đến 80 hấc tay. Đức vua cho triệu tập thị dân vào Hoàng cung và phán hỏi rằng:
– Trong thành nầy, có ai là người có được tài sản như vậy chăng?
– Tâu Bệ hạ! Chẳng có ai cả.
– Vậy nên ban thưởng cái chi cho người có được tài sản như vậy?
– Tâu Bệ hạ! Nên ban thưởng danh vị Trưởng giả cho người ấy.
– Vậy thì Trẫm phong cho Punṇa tước vị Trưởng Giả Bahudhana (Đa Kim).
Rồi Đức vua ân tứ cho Punṇa nhiều phẩm vật với chiếc lọng Trưởng giả. Punṇa tâu với Đức vua rằng:
– Tâu Bệ hạ! Bấy lâu thần ở nương vào gia tộc của Trưởng giả Sumana. Xin Bệ hạ hãy ban nơi ngụ cho Thần đi.
Đức vua chỉ tay về hướng Nam của ngôi nhà Trưởng giả Sumana, ở khoảng đất trống, nói với Punṇa rằng:
– Khanh hãy nhìn theo đây. Về phía tay mặt, khanh thấy có lùm cây ậm rạp. Hãy dọn sạch nơi đó và cất nhà ở đi.
Chỉ vài ngày sau, Punṇa đã cho cất xong ngôi nhà tại chỗ Đức vua ban cho.
Nhân dịp khánh thành ngôi biệt dinh cùng với lễ thọ phong danh vị Trưởng giả được cử hành cùng một ngày, Trưởng giả Punṇa cho thỉnh chư Tăng Tỳ khưu có Đức Phật là vị Thượng Thủ đến dự, cúng dường vật thực đến Đức Phật và chư Tăng.
Khi thọ thực xong, Đức Thế Tôn tùy hỷ bằng thời pháp thoại Tuần Tự Pháp (Anupubbe katham). Đứt thời pháp, Trưởng giả Punṇa cùng vợ và con gái là nàng Uttarā, cả ba người chứng đạt Thánh Quả Tu Đà Hườn.
Thời gian sau, Trưởng giả Sumana định cưới tiểu thư Uttarā cho con trai mình, nhưng Punṇa từ chối rằng:
– Tôi không gả con đâu.
Ông Trưởng giả thành Rājagaha năn nỉ rằng:
– Xin ông đừng làm vậy, bấy lâu nay Ngài vẫn ở chung với chúng tôi, nay được phú quý vinh hoa rồi! Xin hãy gả cho con trai tôi đi.
– Ông là người tà kiến. Con gái tôi không thể sống xa Tam Bảo được. Không bao giờ tôi gã con cho con ông được đâu.
Khi ấy, nhiều công tử, Trưởng giả… xúm nhau thuyết phục Punṇa:
– Xin Ngài đừng đoạn tình hữu nghị như vậy, hãy gã con gái cho con trai ông ấy đi.
Sau cùng, Trưởng giả Punṇa chấp thuận lời yêu cầu, chọn ngày rằm tháng Āsakha (tháng 6 âm lịch) để gả con.
Từ ngày Uttarā về nhà chồng, cô không còn được dịp thân cận chư Tăng hoặc Ni, không được cúng dường, đặt bát đến chư Tăng hoặc được nghe Pháp từ các Ngài.
Trải qua hai tháng rưỡi như thế, cô hỏi những nữ tỳ rằng:
– Bây giờ, còn bao nhiêu ngày nữa là ngày ra hạ?
– Thưa cô! Còn nữa tháng nữa.
Nghe vậy, Uttarā liền gởi thư cho cha, nói rằng:
– Tại sao vứt con vào một nhà tà kiến như vậy? Thà bắt con làm nữ tỳ của kẻ khác, còn hơn là gả con về một gia đình tà kiến như vậy. Kể từ ngày con về làm dâu đến nay, con không hề gặp được một vị Tỳ khưu nào cả, hoặc là được cúng dường một lần nào cả.
Khi nhận được thư con gái như thế, Punṇa xót thương nàng Uttarā, than rằng: “Khổ thân con gái ta thật”.
Trưởng giả Punṇa cho con gái mình 15.000 đồng vàng Kahāpana với phong thư có lời dạy rằng: “Trong thành nầy có nàng kỹ nữ tên là Sirimā, nhận tiếp khách với giá một ngàn đồng vàng mỗi đêm. Với số tiền nầy, con hãy rước nàng về hầu hạ chồng con nữa tháng, để con được rảnh rang làm phước thiện”.
Nàng Uttarā liền cho rước nàng Sirimā đến nhà, bảo với nàng:
– Nầy cô! Cô hãy nhận số tiền nầy và cố gắng tiếp đãi bạn của tôi trong thời gian nữa tháng đi.
– Được thôi.
Nàng Uttarā đưa kỹ nữ Sirimā đến gặp chồng mình. Chồng nàng thấy nàng Sirimā xinh đẹp liền hỏi rằng: “Có chuyện gì thế?”.
– Thưa anh! Trong nữa tháng nầy, anh hãy để bạn em hầu hạ anh, còn em muốn được đi nghe Pháp và cúng dường đến Bậc Đạo Sư và Tăng chúng.
Chồng nàng say đắm nhan sắc của Sirimā, nên nhận lời ngay.
Nàng Uttarā liền cung thỉnh Tỳ khưu Tăng có Đức Phật là vị Thượng Thủ, bạch rằng:
– Bạch Ngài! Trong nữa tháng nầy, xin thỉnh Ngài thọ bát tại nhà của con, đừng ngự đến nơi nào khác.
Đức Thế Tôn im lặng nhận lời, nàng Uttarā hoan hỷ nghĩ rằng:
– Từ đây cho đến ngày Lễ Tự Tứ (Pavāranā), ta may mắn nghe được phục vụ Đức Thế Tôn cùng Chư Tăng và được nghe Pháp thoại từ các Ngài.
Nàng Uttarā thường đến nhà bếp dặn dò, chỉ bảo các nữ tỳ rằng:
“Hãy nấu cháo như vậy, hãy nướng bánh như vậy…”
Bây giờ, còn ngày mai nữa là đến ngày Lễ Tự Tứ, chồng nàng chợt nhớ đến nàng Uttarā, nghĩ thầm rằng: “Chẳng biết nàng Uttarā đang làm gì nhỉ?”.
Chàng ngó xuống nhà bếp, thấy nàng Uttarā đang tất bật, sửa soạn lễ Trai Tăng để cúng dường đến Đức Phật và chư Tăng vào ngày mai, mình nàng đẫm ướt mồ hôi, đầu cô thì lấm lem tro bụi, chàng nghĩ rằng: “Cô nầy thật là lảng trí, ở nơi như vậy mà không biết hưởng thụ, lại thỏa thích làm việc hầu hạ mấy ông Sa môn”.
Nghĩ vậy, chàng tức cười rồi bỏ đi nơi khác.Thấy vậy, nàng Sirimā hiếu kỳ, đi đến nơi vừa đứng của công tử, nhìn xuống thấy nàng Uttarā, nàng Sirimā suy nghĩ: “Chàng ta cười vì thấy được vợ mình là nàng Uttarā, hẳn hai người có tình ý chi đây”. (Người ta nói rằng:
Trong thời gian nữa tháng ấy, trong nhà với vai trò Tiểu thiếp nhưng nàng Sirimā đã quên hẳn đi, cứ ngỡ rằng mình bà chủ nhân của ngôi nhà).
Nàng Sirimā liền cột oan trái với nàng Uttarā rằng:
– Ta sẽ làm cho nó khổ sở mới được.
Từ nhà trên, nàng đi xuống bếp đến nơi chiên bánh, nàng múc một muỗng bơ sôi, đi thẳng đến nàng Uttarā. Thấy nàng Sirimā đi đến, nàng Uttarā suy nghĩ rằng: “Bạn ta đã giúp ta thật hữu ích! Cõi Sa bà vẫn còn chật hẹp. Cõi Phạm Thiên vẫn còn thấp kém so với ân đức của bạn ta đã giúp ta. Nhờ có cô mà ta được tạo phước cúng dường chư Tăng và nghe Pháp. Nếu như ta có tâm sân hận với nàng thì bơ nầy sẽ làm hại ta, bằng không thì xin cho ta không bị khổ sở do bơ nầy”.
Rồi nàng rải từ tâm đến nàng Sirimā. Tuy bị Sirimā tạt bơ sôi lên đầu, nhưng bơ ấy khi chạm vào nàng thì trở nên nguội lạnh. “Có lẽ bơ nầy bị nguội”, nghĩ vậy, Sirimā lại múc một muỗng bơ khác tại vào người Uttarā. Các nữ tỳ trông thấy la lên rằng: “Hãy cút đi, đồ ác độc. Ngươi đã tạt bơ nóng lên người chủ chúng ta thật không phải lẽ”.
Vừa la hét, vừa xúm nhau lại, các nữ tỳ dùng tay chân đánh đá vào người nàng Sirimā, nàng ta ngã xuống đất, quá bất ngờ, nàng Uttarā không ngăn cản kịp, bèn ngã nằm trên người của Sirimā che cho nàng và đẩy lui bọn nữ tỳ ra. Và nàng khuyên giải rằng: “Sao bạn lại tạo ác nghiệp nặng như thế?”.
Nàng Uttarā còn pha nước ấm tắm cho nàng Sirimā, dùng dầu được tinh chế hằng trăm lần xức vào những nơi bầm của nàng Sirimā.
Khi ấy, nàng Sirimā mới ý thức được địa vị của mình nơi nhà ấy, tự nghĩ rằng: “Ta đã gây tội ác nặng nề, khi ta tạt bơ nóng vào người nàng, khi chồng nàng cười với nàng. Thay vì oán hận ta, bảo bọn nữ tỳ bắt bớ ta, nàng lại dùng thân che chở ta, quát lui nhóm nữ tỳ khi họ đang áp đảo ta, nàng còn pha nước tắm cho ta, thoa xức
dầu. Nếu ta không sám hối tội lỗi với nàng, chắc đầu ta sẽ vỡ thành bảy mảnh”.
Nàng liền mọp dưới chân của Uttarā, nói rằng:
– Xin cô từ bi xá lỗi cho tôi đi.
– Tôi là con có cha, nếu cha tôi tha thứ cho cô thì tôi sẽ tha thứ cho cô.
– Thưa vâng! Xin cô tha lỗi cho tôi đi, rồi tôi sẽ tìm đến Trưởng giả Punṇa xin sám hối nữa.
– Nầy cô! Trưởng giả Punṇa chỉ là cha của tôi trong vòng sinh tử, người cha mà tôi muốn nói là người đã vượt ngoài sinh tử.
– Ai là cha cô? Là người vượt khỏi sanh tử.
– Chính là Đức Chánh Biến Tri.
– Tôi chưa từng được diện kiến với Ngài, tôi phải làm sao đây.
– Ta sẽ đưa nàng đến yết kiến Ngài. Ngày mai Đức Thế Tôn sẽ cùng 500 Tỳ khưu Tăng đến đây. Hãy mang lễ vật tùy theo sức mình đến cúng dường và sám hối cùng với Ngài đi.
– Lành thay! Thưa cô chủ.
Nàng Sirimā đứng dậy, trở về nhà của mình, ra lịnh cho 500 nữ tỳ của nàng phải sẵn sàng chuẩn bị đủ thứ vật thực để cúng dường. Nàng Sirimā đi đến nhà nàng Uttarā nhưng nàng không dám đặt bát cúng dường vật thực đến Đức Phật và chư Tăng.
Nàng Uttarā thu nhận tất cả những lễ vật, rồi nàng cúng dường đến Đức Phật và Tăng chúng thế cho nàng Sirimā.
Khi Đức Thế Tôn thọ thực xong, nàng Sirimā cùng 500 nữ tỳ phủ phục dưới chân Ngài xin sám hối tội lỗi, Ngài phán hỏi:
– Con đã phạm lỗi chi?
– Bạch Ngài! Hôm qua con đã làm như thế nầy, thế nầy. Nhưng nàng Uttarā đã ngăn cản nữ tỳ đang áp đảo và hành hạ con, nàng lại còn giúp đỡ cho con nữa. Khi con hối lỗi, xin sám hối với nàng, thì nàng bảo nếu Ngài tha thứ cho con thì nàng mới tha thứ.
– Nầy Uttarā! Con có nói như thế chăng?
– Bạch Ngài có! Hôm qua bạn con đã tạt bơ nóng vào đầu của con.
– Lúc ấy, tâm của con như thế nào?
– Bạch Ngài! Con rải tâm từ đến nàng Sirimā, tự nghĩ rằng: “Cõi ta bà nầy còn hẹp, cõi Phạm Thiên còn thấy kém so với ân đức của bạn ta. Nhờ nàng Sirimā, ta được dịp cúng dường và nghe pháp từ nơi Đức Thế Tôn và Tăng chúng trọn nữa tháng nay. Nếu như ta có tâm sân hận với nàng thì bơ nầy sẽ làm hại ta, còn như tâm
ta không có sân hận với nàng thì bơ sôi nầy không làm phỏng mình ta được”.
– Lành thay! Lành thay. Nầy Uttarā, cần phải thắng phục sự phẫn nộ như vậy.
Thật thế, nên thắng phục người nóng giận bằng sự vô sân, nên thắng phục kẻ mắng nhiếc, phỉ báng mình bằng sự từ hòa dịu ngọt. Nên thắng kẻ bỏn xẻn rít rón bằng sự bố thí tài sản của mình. Nên thắng kẻ dối trá hư ngụy bằng sự chân thật.
Nói rồi, Ngài thuyết lên kệ ngôn rằng:
“Akkodhena jine kodhaṃ
Asādhuṃ sādhunā jine
Jine kadariyaṃ dānena
Saccena alikavādinaṃ”.
“Từ bi thắng sân hận.
Hiền thiện thắng hung tàn.
Bố thí thắng xan tham.
Chân thật thắng hư ngụy”.
CHÚ GIẢI:
Akkodhena: Gặp người đang nóng giận, con nên lấy tâm từ hòa mà thắng họ.
Asādhu: Gặp người không tốt, con lấy tâm hiền lành mà thắng phục họ. Bởi thế ta mới nói: “Lấy từ thắng sân hận,… lấy chơn thắng hư ngụy”. Cuối thời pháp, nàng Sirimā và 500 nữ tỳ chứng đạt Quả Dự Lưu.
Dịch Giả Cẩn Đề
Thân nghèo há nghĩ chuyện vui say
Ngày lễ, Punṇa vẫn ráng cày
Bụng đói, giờ trưa mong vợ đến
Đường xa, gối mỏi, sợ chồng đay
Hai người áo rách duyên tròn đủ
Một đống vàng y, quả trổ đầy
Trưởng Giả Đa Kim nhờ Pháp Chủ
Càng tin tưởng, càng nhớ ơn thầy.
***
Dùng tâm mát mẻ thắng tâm sân
Bơ nóng vô mình, chẳng hại thân
Tiểu thiếp ganh chồng toan bỏ nghĩa
Chánh thê mến bạn, cứ hàm ân
Đức hạnh cảm hóa người ngu ác
Đạo cả dung thông kể độn đần
Gái điếm vào dòng thành Phật tử
Nhờ con Bá Hộ giúp tròn nhân.
DỨT TÍCH TÍN NỮ UTTARĀ