Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển Iii – Phẩm Lão: Tích Hoàng Hậu Mạt Lỵ Thăng Hà

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III 

Phẩm Lão: Tích Hoàng Hậu Mạt Lỵ Thăng Hà

“Jīranti ve rājarathā sucittā,
Atho sarīrampi jaraṃ upeti;
Satañca dhammo na jaraṃ upeti,
Santo have sabbhi pavedayanti”.

“Xe vua đẹp cũng già,
Thân này rồi sẽ già,
Pháp bậc thiện, không già,
Như vậy, bậc chí thiện,
Nói lên cho bậc thiện”.

Kệ Pháp Cú này, Đức Thế Tôn thuyết lên khi ngự tại Jetavana Vihāra (Kỳ Viên Tự), đề cập đến Đức Vua Pasenadi (Ba Tư Nặc) hỏi về sanh thú của Hoàng Hậu Mallikā (Mạt Lỵ).

Tương truyền rằng: Một ngày nọ, Hoàng hậu Mallikā đi vào phòng tắm, rửa mặt xong liền cúi xuống định rửa bắp vế. Cùng vào phòng tắm với Hoàng hậu có một con chó mà bà rất cưng. Khi thấy bà đang khom xuống như vậy, nó khởi sự làm chuyện giao hoan bất chánh. Bà thoả thích vì sự xúc chạm của nó nên đứng yên.

Đức Vua ở tầng lầu trên nhìn qua cửa sổ, thấy rõ chuyện ấy, chờ khi Hoàng hậu trở lên mới quở rằng:

– Này con tiện tỳ hư đốn, tại sao ngươi lại hành động như thế được?

– Tâu Bệ hạ! Thần thiếp đã làm việc gì?

– Ngươi đã giao hoan cùng con chó!

– Tâu Đại vương! Chuyện ấy không có đâu!

– Chính mắt Trẫm đã trông thấy rõ ràng. Trẫm chẳng tin ngươi đâu con tiện tỳ hư đốn!

– Tâu Bệ hạ! Bất cứ ai vào phòng tắm, người đứng nhìn qua cửa sổ này cũng thấy rõ một người thành hai như vậy cả.

– Này dâm nữ! Ngươi không nói thật.

– Tâu Đại vương! Nếu Ngài không tin thiếp, xin Bệ hạ hãy đến phòng tắm đó, để thần thiếp nhìn qua cửa sổ xem thử ra sao?

Đức Vua bản chất đần độn, tin theo lời nàng, liền đi vào phòng tắm. Hoàng hậu đứng tại cửa sổ, nhìn xuống reo lên:

– Đại vương điên rồ ơi! Vì sao Ngài lại hành dâm cùng con dê cái như thế?

– Này ái khanh! Chớ có nói như vậy, Trẫm không có hành động tồi bại như thế!

– Chính mắt thần thiếp đã trông thấy như thế, làm sao thiếp tin được Bệ hạ chứ! Đức vua vì kém trí đã thua mưu trí của Hoàng hậu Mallikā, đã ngỡ rằng: “Thật vậy, với người đứng từ trên cao nhìn xuống, người đi vào phòng tắm vào giờ như vầy, sẽ có cảnh tượng tồi bại”. Nên Ngài đã bỏ qua chuyện ấy và vẫn thương yêu Hoàng hậu Mallikā như xưa. Riêng về Hoàng hậu có sự suy nghĩ rằng: “Đức vua vì kém trí nên bị ta lừa gạt, nhưng ta đã tạo ác nghiệp rồi, lại lừa dối Đức vua bởi vì không thật. Bậc Đạo Sư cùng với tám mươi vị Đại Trưởng lão cùng hai vị Thượng Thinh Văn cũng thấu rõ việc làm của ta. Ôi! quả thật vậy, tội của ta đã làm nặng lắm thay!”.

Được biết rằng: Hoàng hậu là người trợ thủ đắc lực cho Đức vua Pasenadi, chính nàng đã nhiều phen giúp Đức vua gỡ rối nhiều việc như việc cúng tế thần lửa phi pháp, việc thực hiện Trai Tăng Bất Nhị (một cuộc Trai Tăng vô tiền khoáng hậu – Bố Thí Vô Tỷ) mỗi ngày là một trăm bốn mươi triệu tiền vàng. Cả bốn vật dụng là lọng, bảo tọa, cái bàn nhỏ và ghế thấp kê chân của Đức Như Lai đều vô giá… Tuy tạo nhiều công hạnh như thế, nhưng khi gần lâm chung Hoàng hậu Mallikā không nhớ tưởng đến thiện nghiệp đã làm, trái lại nàng bứt rứt do nhớ lại ác nghiệp tà hạnh, nên khi mệnh chung nàng thọ sanh vào Địa ngục A Tỳ.

Trong số các Hoàng hậu, Đức Vua Pasenadi sủng ái Hoàng hậu Mallikā nhất. Vì quá buồn rầu, nhớ tiếc nên Ngài suy nghĩ: “Sau khi lễ trà tỳ long thể của ái hậu xong, Trẫm sẽ đến bạch hỏi Đức Thế Tôn cho biết nơi nàng tái sanh”.

Đức Vua ngự giá đến Tịnh xá Kỳ Viên, vào đảnh lễ Đức Thế Tôn xong rồi, ngồi vào nơi phải lẽ. Trong khi đối thoại, Đức Phật khiến Đức vua quên đi câu cần hỏi mà mình đã dự định. Ngài thuyết Pháp thoại đến Đức vua, Đức vua để tâm nghe Pháp, suy luận theo Pháp trong trú xứ của Đức Thế Tôn, rồi Ngài hoan hỷ ra về. Đến hoàng cung, Đức vua mới sực nhớ lại câu hỏi, phán bảo với quan hộ giá:

– Này các khanh! Trẫm dự định sẽ hỏi Bậc Đạo Sư về nơi tái sanh của nàng Mallikā, nhưng khi đến trú xứ của Ngài thì Trẫm lại quên mất. Mai này Trẫm sẽ đến Tịnh xá để hỏi lại vậy.

Hôm sau, Đức vua lại thân hành đến Tịnh xá Kỳ Viên định bạch hỏi về nơi tái sanh của Mallikā, Bậc Đạo Sư khiến cho Đức vua lại quên mục đích của mình. Việc này được kéo dài suốt cả bảy ngày, đến ngày thứ tám thì Hoàng hậu Mallikā được siêu sanh lên cõi trời Tusita (Đâu Suất), nàng chỉ chịu khổ cảnh trong Địa ngục có bảy ngày mà thôi.

Tại sao Bậc Đạo Sư phải làm cho Đức vua lãng quên như vậy?

Hoàng hậu Mallikā là người được Vua sủng ái nhất, mà bà lại là người có nhiệt tâm với Phật Giáo. Nếu Đức vua biết rằng nàng thọ khổ trong Địa ngục, Ngài còn là phàm nhân nên Ngài chẳng chịu suy xét sâu, Đức nua sẽ rơi vào tà kiến, cho rằng người nữ như Hoàng hậu Mallikā có đức tin nhiệt thành với Tam Bảo như thế, khi chết lại phải thọ sanh vào Địa ngục, thế thì ta còn bố thí đến chư Tỳ khưu Tăng để mà làm gì chứ? Và như thế Đức vua sẽ bãi bỏ việc để bát cúng dường đến năm trăm vị Tỳ khưu mỗi ngày tại hoàng cung, ngoài ra với vương quyền Ngài còn có thể tạo ra những ác trọng nghiệp khác dẫn đến khổ cảnh nữa. Vì thế, Ngài khiến cho Đức vua lãng quên trong bảy ngày qua.

Vào sáng ngày thứ tám, Đức Thế Tôn đi bát và thân hành ngự đến trước Ngọ môn. Quan giữ cổng thành hoàng cung báo tin cho Đức Vua rằng:

– Tâu Đại vương! Đức Thế Tôn đang ngự đến.

Đức vua bèn ra khỏi hoàng cung rước bát và thỉnh Ngài ngự vào cung nội, nhưng Bậc Đạo Sư tỏ ý muốn ngồi nơi kho xe của hoàng gia. Đức vua hội ý, bèn thỉnh Ngài ngồi vào nơi cao quý tại nơi đó, rồi cho người dâng cúng cháo và bánh ngọt điểm tâm. Xong rồi, Đức vua ngồi xuống một bên phải lẽ, đảnh lễ Đức Thế Tôn và bạch rằng:

– Bạch Đức Thế Tôn, Trẫm định đến nơi cư ngụ của Ngài để hỏi về nơi tái sanh của Hoàng hậu Mallikā, nhưng suốt cả bảy ngày qua, khi đến Tịnh xá Trẫm đều quên mất. Bạch Đức Thế Tôn, chẳng hay hiện nay Hoàng hậu Mallikā tái sanh về cảnh giới nào?

– Này Đại Vương! Lịnh bà đã sanh lên cõi trời Tusita (Đâu Suất).

– Bạch Thế Tôn! Nếu Hoàng hậu Mallikā không sanh về nơi ấy thì còn ai có thể thọ sanh lên đó được? Bạch Ngài, người nữ như Hoàng hậu thật khó kiếm. Đúng vậy, ở khắp nơi, nhất là tại các chỗ ngồi, bà cứ luôn miệng nói: “Ngày mai, thần thiếp sẽ cúng dường vật này lên Đức Thế Tôn và Tăng chúng, thần thiếp sẽ làm việc này!…”.

Ngoài việc lo sắp đặt việc cúng dường, bà không có phận sự nào khác. Bạch Thế Tôn!

Từ khi nàng mệnh chung, long thể của Trẫm nghe rũ riệt bần thần… Đức Thế Tôn bèn an ủi Đức vua rằng:

– Đại vương chớ nên ưu tư, sanh tử là lẽ thường đối với tất cả chúng sanh!

Nói rồi, Ngài laị hỏi:

– Tâu Đại vương! Chiếc xe này của vị nào?

Đức Vua chắp hai tay lên khỏi đầu, đáp rằng:

– Bạch Ngài! Chiếc xe ấy của Tiên vương Trẫm.

– Chiếc này của vị nào?

– Bạch Ngài, của Phụ vương Trẫm.

– Còn chiếc này của vị nào?

– Bạch Ngài, của Trẫm.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền dạy rằng:

– Tâu Đại vương, do đâu mà chiếc xe của Tiên vương Đại vương không sánh kịp chiếc xe của Phụ vương Đại vương và chiếc xe của Phụ vương Đại vương không bì kịp chiếc xe của Đại vương? Những vật hữu hình như vậy, dầu là khúc gỗ, cây mục cũng đều phải cũ, phải già, huống chi là cái xác thân. Tâu Đại vương, Pháp của bậc Trượng phu thì không cũ, không già, chớ thân của chúng sanh mà không già, không cũ là chuyện không hề có.

Nói rồi Đức Bổn Sư ngâm kệ rằng:

“Jīranti ve rājarathā sucittā,
Atho sarīrampi jaraṃ upeti;
Satañca dhammo na jaraṃ upeti,
Santo have sabbhi pavedayanti”.


Cái xe vua đi dù được trang hoàng lộng lẫy cũng phải hư hoại, thân này dù có trau dồi cũng có lúc già yếu. Chỉ trừ Thiện pháp của bậc thiện nhân là không bị suy già và cứ di chuyển từ người lành này sang người lành khác.

CHÚ GIẢI

Ve = Have: Phân từ bất biến nghĩa là chắc vậy.

Sucitta: Các thứ xe, dầu là xe vua tốt đẹp được trang bị bằng bảy thứ báu và vật quý khác, cũng đều phải cũ lần lần cho đến cuối cùng phải tan rã.
Sarīrampi: Chẳng phải riêng toàn thể các thứ suy yếu như vậy mà cái xác thân này, dầu khéo săn sóc cách nào rồi cũng đi đến sự già yếu, tóc bạc, răng long, lưng mỏi, gối dùn.

Satañca: Sự truyền thừa Pháp của Chư Phật là Chín Pháp Siêu Thế. Pháp ấy không một ai huỷ diệt được, không có trạng thái già cũ, suy yếu.

Pavedayaṃ: Các bậc đức hạnh như vậy, nhất là Chư Phật hằng khẩu truyền cho các bậc Hiền Triết.

Cuối thời pháp, có nhiều chúng sanh đắc Thánh quả, nhất là quả Tu Đà Hườn.

Dịch Giả Cẩn Đề
Mạt Lỵ lâm chung thọ khổ hình,
Nếu Vua hỏi, Phật khó làm thinh,
Chờ bà siêu thoát về Đâu Suất,
Vua mới hay bà được vãng sinh.
Nói thật, hại người cũng hại mình,
Làm thinh, phải biết cách làm thinh,
Đây là công án mà Phật giải:
“Nói phải hợp thời, hợp lý, tình!”.
Với Vua, Phật hỏi chuyện xe Vua,
Long thể khi già cũng chịu nua,
Chánh Pháp truyền thừa hằng sáng tỏ,
Đời đời chẳng biết sự già nua.
DỨT TÍCH HOÀNG HẬU MẠT LỴ THĂNG HÀ

6

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app