Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển Iii – Phẩm Hỷ Ái: Tích Ông Bà La Môn Thất Hứa

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III 

Phẩm Hỷ Ái: Tích Ông Bà La Môn Thất Hứa

“Taṇhāya jāyatī, soko,
Taṇhāya jāyatī bhayaṃ;
Taṃhāya vippamuttassa,
Natthi soko kuto bhayaṃ”.

“Tham ái sinh sầu ưu,
Tham ái sinh sợ hãi.
Ai giải thoát tham ái,
Không sầu, đâu sợ hãi?”.

Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư thuyết ra khi Ngài trú ngụ tại Jetavana, đề cập đến vị Bà la môn mất mùa. Tương truyền rằng: Ông Bà la môn ấy là người tà kiến, một hôm ông ra bờ sông dọn đất ruộng.

Đức Bổn Sư quán thấy ông có duyên lành đạo quả, nên đi đến gần ông ta. Mặc dù nhìn thấy Đức Bổn Sư, ông chẳng tỏ vẻ gì cung kính Ngài, cứ lặng thinh.

Đức Bổn Sư mở lời trước, hỏi rằng:

– Nầy ông Bà la môn! Ông đang làm gì đó?

– Tôi dọn đất, nầy Sa môn Gotama ạ.

Đức Bổn Sư chỉ nói bấy nhiêu, rồi Ngài ngự đi. Qua ngày sau, Ngài lại đến chỗ Bà la môn đang cày ruộng và hỏi:

– Nầy Bà la môn! Ông đang làm chi đó?

– Tôi cày đất ruộng, nầy Sa môn Gotama ạ.

Nghe vậy, Đức Bổn Sư lại ngự đi. Từ đó cứ mỗi ngày là mỗi lần Đức Bổn Sư đến hỏi thăm Bà la môn về việc làm của ông. Nghe đáp: “Tôi đang gieo mạ… tôi đang cấy lúa… tôi đang giữ ruộng…” Đức Bổn Sư cũng đi luôn.

Thế rồi, một hôm Bà la môn nói với Đức Bổn Sư rằng:

– Nầy Ngài Gotama! Kể từ ngày tôi dọn đất ruộng cho đến nay đều được ông đến hỏi thăm. Nếu sau nầy tôi được mùa tôi sẽ chia phần cho ông, nếu chưa dâng cúng cho ông, tôi chưa ăn đâu. Từ nay về sau ông là bạn của tôi đấy.

Thế rồi, thời gian sau, lúa mùa của ông rất trúng, ông tính thầm: “Lúa của ta trúng lắm, ngày mai ta sẽ kêu công nhân gặt”. Và ông sắp đặt sẵn mọi việc để mai gặt lúa. Nhưng đêm ấy, mưa to gió lớn đã phá tan mùa màng của ông. Đám ruộng của ông trống trơn, coi như là bị phá sạch. Ngay từ ngày đầu tiên, Đức Bổn Sư đã biết trước rằng: Mùa lúa của Bà la môn nầy sẽ hư hoại thôi. Sáng hôm ấy, ông Bà la môn tự nghĩ thầm: “Ta sẽ đi xem ruộng lúa”.

Nhưng khi đến ruộng, thấy ruộng lúa trống trơn, ông ta phát tâm buồn chán quá, suy nghĩ rằng: “Sa Môn Gotama có đến thăm ruộng nầy kể từ này ta mới dọn đất về sau, và ta đã hứa với ông ấy. Nếu lúa trúng mùa, ta sẽ chia phần đến ông. Nếu chưa cúng dường đến ông thì tôi chưa ăn. Từ nay về sau, ông là bạn của tôi đấy. Thế mà
điều mong ước của ta không đạt được sự thành tựu”.

Ông Bà la môn bỏ ăn uống, nằm liệt trên giường.

Khi ấy, Đức Bổn Sư đến trước nhà của ông. Nghe tin có Đức Bổn Sư đến, ông bảo người nhà rằng: “Hãy đưa bạn ta vào đây và hãy tiếp đãi Ngài cho đàng hoàng tử tế”. Gia nhân làm theo lời của Bà la môn ấy. Sau khi an tọa, Đức Bổn Sư phán hỏi rằng:

– Nầy ông Bà la môn! Ông có biết vì đâu mà sự buồn khổ phát sanh lên cho ông không?

– Tôi không biết được, nầy Sa môn Gotama ạ. Nhưng ông có biết chăng?

– Phải rồi, nầy Bà la môn! Khi nào sự ưu tư hoặc sự sợ hãi phát sanh, nó chỉ xuất ra từ sự tham ái (taṇhā) mà thôi.

Nói rồi, Ngài ngâm lên kệ ngôn rằng:
“Taṇhāya jāyatī, soko,
Taṇhāya jāyatī bhayaṃ;
Taṃhāya vippamuttassa,
Natthi soko kuto bhayaṃ”.

Tham ái sinh sầu ưu,
Tham ái sinh sợ hãi.
Ai giải thoát tham ái,
Không sầu, đâu sợ hãi?”

CHÚ GIẢI:
Taṇhāya: Mỗi thứ tham ái trong sáu cửa đều do nơi dục ái làm gốc mà phát khởi lên. Cuối thời Pháp, ông Bà la môn chứng đắc Thánh Quả Tu Đà Hườn.

Dịch Giả cẩn Đề
Từ lúc ban đầu lúa mới gieo
Bao nhiêu mộng ước phải sanh theo
Đến khi sắp gặt đầy hi vọng
Một tối mưa giông!… nghĩ chán phèo.
Chủ ruộng chưa quen mặt chữ ngờ
Một mình Đức Phật rõ tri cơ
Bởi nhân khát ái mà lo sợ
Hết sợ lo, nhờ quả Tối sơ.
DỨT TÍCH ÔNG BÀ LA MÔN THẤT HỨA

53 1

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app