Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III
Phẩm Cấu Uế: Tích Tỳ Khưu Cūḷasāri Tà Mạng
244. “Sujīvaṃ ahirikena,
Kākasūrena dhaṃsinā;
Pakkhandinā pagabbhena,
Saṃkiliṭṭhena jīvitaṃ”.
245. “Hirīmatā ca dujjīvaṃ
Niccaṃ sucigavesinā
Alīnen’appagabbhena
Suddhājīvena passatā”.
“Sống không biết tàm quý,
Sống chê bai khoác lác,
Sống ngạo mạn nhiễm ô”.
“Sống vô cầu khiêm tốn,
Sống thường cầu thanh tịnh,
Sống thanh tịnh sáng suốt,
Khó thay đời sống ấy”.
Pháp Cú nầy được Đức Thế Tôn thuyết lên, khi Ngài ngự tại Jetavana, đề cập đến Tỳ Khưu Cūḷasāri là đệ tử theo hầu Đại Đức Sāriputta.
Tương truyền rằng: Một ngày nọ, sau khi làm nghề thầy thuốc, Tỳ khưu Cūlasāri được dâng cúng thực phẩm ngon quý, đang ôm bát ra cổng thành, giữa đường gặp Đại Đức, bèn thưa rằng:
– Bạch Ngài, vật thực nầy con có được nhờ làm y sĩ. Ở nơi khác Ngài sẽ không có được loại vật thực nầy đâu. Xin thầy hãy thọ dụng vật thực nầy. Với nghề thầy thuốc, con sẽ cúng dường Ngài vật thực ngon quý như vậy luôn luôn.
Đại Đức nghe dứt mấy lời của đệ tử, Ngài im lặng bỏ đi luôn. Chư Tỳ khưu về đến chùa, đem chuyện nầy bạch với Đức Thế Tôn. Ngài dạy rằng:
– Nầy các Tỳ khưu, người xuất gia mà vô tàm vô quý, giống như con quạ, sống theo 21 pháp tà mạng để được sung sướng. Còn bậc có đầy đủ tàm quý thì hằng sống vất vả cực khổ.
Nói rồi Ngài ngâm lên kệ ngôn:
244. “Sujīvaṃ ahirikena,
Kākasūrena dhaṃsinā;
Pakkhandinā pagabbhena,
Saṃkiliṭṭhena jīvitaṃ”.
245. “Hirīmatā ca dujjīvaṃ
Niccaṃ sucigavesinā
Alīnen’appagabbhena
Suddhājīvena passatā”.
“Sống không biết tàm quý,
Sống lỗ mãng như quạ,
Sống chê bai khoác lác,
Sống ngạo mạn nhiễm ô”.
“Sống vô cầu khiêm tốn,
Sống thường cầu thanh tịnh,
Sống thanh tịnh sáng suốt,
Khó thay đời sống ấy”.
CHÚ GIẢI:
Ahirikenā: Sống mà không có sự hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi. Tỳ khưu không có tàm quý, gặp người nữ không phải mẹ cũng nhận làm mẹ mình, người nam không phải cha cũng nhận là cha mình, hoặc dùng lối nói hay hành vi tưng bợ người thế theo 21 pháp tà mạng, có thể sống sung sướng.
Kākasūrena: Sống bạo dạn như con quạ, như là con quạ lỗ mãng (sūrakāko) muốn xớt vật thực như cháo… trong nhà khá giả, thường đậu lên trên mái nhà cao như đầu tường…, sợ người ta biết ý đồ của mình nên giả vờ như không có ý nhìn vật chi cả, hoặc giả vờ ngủ, chờ người ta sơ ý, không lưu tâm gìn giữ, nói chuyện cùng nhau, nó bay xuống cực nhanh xớt đồ ăn đầy miệng rồi bay vụt đi. Cũng như thế, kẻ vô tàm vô quý cùng các Tỳ khưu vào làng để biết những nơi nào có cúng dường tứ vật dụng. Sau khi khất thực về, chư Tỳ khưu quán tưởng, rồi tham thiền chú tâm trên đề mục thiền định, hoặc quét sạch Tăng đường. Kẻ vô tàm vô quý thì chẳng làm việc ấy, chỉ thừa cơ Tăng vào làm, sợ chư Tăng để ý mình, dầu đang nhìn cũng giả cách không
nhìn, giả vờ như ngủ hoặc như đang thắt dây lưng, đang xếp y… rồi nói rằng: “Tôi bận việc nầy…”. Từ chỗ ngồi đi vào làng, đến một nhà trong số những nhà được Tăng chỉ định từ sáng sớm. Mặc dầu gia chủ đã khép kín cửa, vị ấy cũng đưa tay mở cửa để đi vào. Khi thấy vị Sa môn, dù muốn dù không, gia chủ cũng phải mời ngồi, tiếp hộ cơm cháo, dâng cúng vật theo khả năng có được của mình. Sau khi thọ thực rồi, còn tàn thực thì kẻ vô tàm vô quý bỏ vào bát mang về. Kẻ vô tàm vô quý sống một cách sung sướng như thế, thật đáng gọi là con quạ lỗ mãng.
Dhamsinā: Khi nghe chư Tăng nói: “Đại Đức tên đó là vị Tỳ khưu tri túc, thiểu dục…” thì lại chê rằng: “Như vậy có gì đáng khen đâu? Chúng ta há chẳng phải cũng là những Sa môn tri túc thiểu dục sao?” cốt ý hạ bớt giá trị ân đức của kẻ khác và tự đề cao mình. Mọi người nghe vậy, tưởng lầm rằng: “Vị nầy cũng là bậc có giới đức trong sạch, tri túc, thiểu dục”. Rồi họ nghĩ đến sự cúng dường. Nhưng từ đó về sau, kẻ hay chê bai cũng không lấy được niềm tin của hàng thức giả, vì thế lợi lộc cũng suy tàn. Kẻ hay chê bai (dhamsī) phá hoại lợi lộc của chính mình và của người khác như thế đó.
Pakkhandinā: (Sống khoác lác), kẻ khoác lác thì hay mạo nhận những công việc của người khác là công việc chính mình. Như buổi sáng sớm chư Tăng chia nhau thành từng nhóm làm công việc nọ việc kia, như quét sân Thánh tháp chẳng hạn, làm xong việc rồi, ngồi tịnh tham thiền giây lát mới đứng dậy vào làng khất thực. Lúc bấy giờ kẻ khoác lác mới dậy súc miệng rửa mặt khoác y vàng lên mình, nhỏ thuốc vào hai mắt, xức dầu… trang điểm thân thể xong, giả vờ lấy chổi quét sân chùa, nhưng chỉ quét qua loa vài cái thôi. Ngay trước cổng chùa, những người đến từ sáng sớm với ý định “Chúng ta sẽ lễ
bái Thánh tháp, chúng ta sẽ dâng cúng tràng hoa”. Trông thấy vị Sa môn đang quét thì nghĩ rằng: “Nhờ có vị nầy chăm nom, săn sóc ngôi chùa mới được sạch sẽ như vầy, chúng ta chớ nên lãng quên vị ấy”. Nói rồi, họ làm phước cúng dường đến ông ta. Do khéo giả vờ mà kẻ khoác lác sống được an vui hạnh phúc.
Pagabbhena: Nhờ có đủ tư cách bạo dạn bằng thân, khẩu, ý do dám liều lĩnh.
Sankiliṭṭhena jīvitaṃ: Con người sống nếp sống như thế nào, đáng gọi là sống nhiễm ô. Sống như thế là sống xấu xa tội lỗi.
Hiramatā ca: Người có đầy đủ tàm quý thì sống khó khăn. Thật vậy: Những ai không phải là cha mẹ ruột, người ấy không mạo nhận: “Đây là cha mẹ của tôi”. Tứ vật dụng không hợp lẽ đạo, người ấy thị như phẩn uế. Khi đói khát, người ấy đi khất thực với tâm bình đẳng đi bát từng nhà mà nuôi mạng sống và sống một nếp sống đạm bạc, đơn sơ.
Sucigavesinā: Sống thường cầu thanh tịnh cả ba nghiệp thân, khẩu, ý.
Alīnena: Sống hoạt động, không làm biếng.
Suddhājīvena passata: Người như thế đáng gọi là người sống trong sạch. Do nếp sống thanh bạch như thế, người ấy càng nhớ rõ, hiểu rành nếp sống thanh bạch, rồi cam chịu sống vất vả khổ cực với nếp sống đạm bạc đơn sơ. Cuối thời Pháp, nhiều Tỳ khưu đắc Thánh Quả, nhất là quả Tu Đà Hườn. Hai mươi mốt pháp tà mạng của vị Tỳ khưu, có ghi trong Tứ Thanh Tịnh giới của Ngài Bửu Chơn. Đây kể sơ lược(1).
Dịch Giả Cẩn Đề
Tu thật, làm sao cũng chịu nghèo
Giả thì hỏng mất hạnh Tỳ khưu
Mỗi ngày quán tưởng, tùy duyên sống
Hàng bữa tham thiền, liệu sự đeo
Tà mạng, lòng no ăn giống quạ
Chánh tâm, bụng đói nhửi như mèo
Thánh phàm hai hạng, xưa từng vậy
Rằng khổ, rằng vui chớ trả treo…
DỨT TÍCH TỲ KHƯU CŪḶASĀRI