Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển Iii – Phẩm An Lạc: Tích Đức Vua Pasenadi Bớt Ăn

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III

Phẩm An Lạc: Tích Đức Vua Pasenadi Bớt Ăn

“Ārogyaparamā lābhā,
Santuṭṭhiparamaṃ dhanaṃ;
Vissāsaparamā ñāti,
Nibbānaṃ paramaṃ, sukhaṃ”.

“Không bệnh, lợi tối thượng,
Biết đủ, tiền tối thượng.
Thành tín đối với nhau,
Là bà con tối thượng,
Niết bàn, lạc tối thượng”.

Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư thuyết lên khi Ngài ngự nơi Jetavana, đề cập đến Đức Vua Pasenadi.

Một thời, Đức Vua Pasenadi thường dùng cơm hấp chung với canh và các món ăn khác. Một hôm, sau khi độ điểm tâm sáng, Đức Vua không thắng được sự hôn trầm vì ăn quá no, bèn ngự giá đến bái yết Đức Bổn Sư rồi đi bách bộ trước mặt Ngài với vẻ mệt mỏi, mặc dù buồn ngủ hết sức nhưng không dám nằm dài xuống. Đức Vua ngồi qua một bên. Khi ấy, Đức Bổn Sư hỏi Đức Vua rằng:

– Tâu Đại Vương! Có phải chưa được nghỉ ngơi thoải mái mà Đại Vương đã đến nơi đây chăng?

– Bạch Ngài, phải, sau bữa cơm Trẫm rất đau khổ nặng nề.

Đức Bổn Sư bèn nói với Đức Vua rằng:

– Tâu Đại Vương, sự thọ thực quá nhiều hằng có cái khổ như thế.

Rồi Ngài thuyết lên kệ ngôn.

Sau bài kệ nầy, Đức Bổn Sư dạy tiếp rằng:

– Tâu Đại Vương! Phàm trong sự ăn uống, con người phải biết tiết độ. Người biết tiết độ trong ăn uống hằng được sự an vui.

Rồi Ngài dạy thêm câu kệ ngôn:

“Người sẽ lâu già, bảo trì được tuổi thọ”.

Đức Vua không thể học thuộc được bài kệ nầy, Đức Bổn Sư bảo Hoàng điệt Sudassana đang đứng bên đó: “Hãy học thuộc bài kệ nầy”. Sau khi Sudassana học thuộc bài kệ. Đức Bổn Sư được Sudassana hỏi rằng:

– Bạch Ngài, con sẽ làm gì với kệ ngôn nầy?

– Khi nào Đức Vua độ cơm đến vắt cuối cùng, Hoàng diệt nên đọc lên bài kệ nầy, Đức Vua sẽ thấu rõ nghĩa lý của nó, sẽ ném bỏ vắt cơm cuối cùng. Vả lại, trong vắt cơm ấy có được bao nhiêu hạt cơm, thì đến giờ nấu cơm cho Đức Vua, hãy bảo đầu bếp bớt ra bấy nhiêu hạt gạo.

– Lành thay, bạch Ngài.

Thế rồi, suốt cả hai buổi sáng và chiều, khi Đức Vua ngự thiện đến vắt cơm cuối cùng, hoàng diệt Sudassana liền đọc lên bài kệ ấy. Trong vắt cơm cuối cùng được bỏ đếm được bao nhiêu hạt cơm thì bảo bớt ra bấy nhiêu hạt gạo. Mỗi lần được nghe kệ ngôn, Đức Vua ban thưởng Sudassana ngàn đồng vàng. Thời gian sau, Đức Vua tận được thói quen tri túc với một đấu gạo (độ 1 lít) mỗi bữa ăn và được an vui, nhưng Long thể có ốm bớt.

Thế rồi, một hôm Đức Vua đến bái yết Đức Bổn Sư, bạch rằng:

– Bạch Ngài, bây giờ Trẫm được an vui. Hơn thế nữa, Trẫm còn có thể săn đuổi thú, bắt được hươu nai và ngựa rừng nữa. Lúc trước Trẫm hay chiến đấu với cháu Trẫm, nhưng mới đây Trẫm gã Công Nương Kim Cương cho Hoàng diệt. Trẫm đã ban công chúa làng Kāsi để công chúa có thể làm hồ tắm. Sự tranh chấp giữa Hoàng điệt và Trẫm đã chấm dứt. Nhờ vậy, Trẫm càng được an vui. Hôm trước viên bảo ngọc của Hoàng gia bị mất cắp, nay nó được tìm thấy, trở về với Trẫm, do đó Trẫm càng thêm an vui. Muốn được tình thân thiện với các Thinh Văn của Ngài, do đó Trẫm lại càng được an vui hơn.

– Tâu Đại Vương! Thật vậy, vô bịnh là lợi tối thượng, biết tri túc là được bạc tiền, tình thân mật là những quyến thuộc tốt nhất, sự an vui của Níp Bàn không có gì sánh được.

Rồi Ngài thuyết lên kệ ngôn rằng:

“Ārogyaparamā lābhā,
Santuṭṭhiparamaṃ dhanaṃ;
Vissāsaparamā ñāti,
Nibbānaṃ paramaṃ, sukhaṃ”.

“Không bệnh, lợi tối thượng,
Biết đủ, tiền tối thượng.
Thành tín đối với nhau,
Là bà con tối thượng,
Niết bàn, lạc tối thượng”.

CHÚ GIẢI:
Ārogyaparamā: Trạng thái vô bịnh là tối thượng. Quả vậy, những người có bịnh dầu đang có lợi cũng giống như không có lợi, bởi thế, tất cả đều có đến cho người vô bịnh, vì thế Đức Bổn Sư đã dạy sự vô bịnh là lợi tối thắng.

Santuṭṭhiparamaṃ dhanaṃ: Người sư sĩ hoặc bậc xuất gia nào có sự vui thích đến lợi lộc của mình hoặc tài sản của mình, sự vui thích ấy là biết đủ hay tri túc. Nó là của cải cao thượng hơn những thứ của cải khác.

Vissāsaparamā ñāti: Ví như mẹ, cha của một người nào mà đối với họ mặc dầu không phải là bà con, họ hàng, người thân mật cũng là quyến thuộc tối thượng. Do đó, Đức Bổn Sư đã nói tình thân mật là quyến thuộc tối thượng vậy. Không có sự an vui nào sánh bằng sự an vui của Níp Bàn, nên nói Níp Bàn là lạc tối thượng vậy. Cuối thời Pháp nhiều người đắc chứng Đạo Quả Dự Lưu.

Dịch Giả Cẩn Đề
Lợi dưỡng như Vua dễ phát phì,
Nặng nề Long Thể, chẳng vui chi
Ngồi lo mệt mỏi, sanh buồn ngủ
Đừng sợ hôn trầm ráng sức đi.
Phật dạy bớt cơm bằng giọng kệ
Cháu mình nhắc cậu với bài thơ.
Uống ăn tiết độ, người tinh tiến
Vô bịnh, nương nhờ hạnh xả ly.
DỨT TÍCH ĐỨC VUA PASENADI BỚT ĂN

45

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app