Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II

Phẩm Ngu Nhơn: Tích Trưởng Giả A Nan

Puttā m’atthi dhanaṃ m’atthi,
Iti bālo vi haññati;
Attā hi attano natthi,
Kuto puttā kuto dhanaṃ”.

“Ta có con, có của,
Kẻ ngu cứ lo âu,
Bản thân không tự chủ,
Nào con đâu, của đâu”.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết ra khi Ngài ngự gần thành Sāvatthī, đề cập đến ông Trưởng giả Ānan (A Nan). Tương truyền rằng: Thời ấy trong thành Sāvatthī, có vị Trưởng giả tên Ānan, có đại gia sản đến tám trăm triệu đồng vàng, nhưng lại có tiếng là Đại Hà Tiện.
Cứ mỗi kỳ nửa tháng, ông ta nhóm họp thân quyến một lần, rồi trước mắt mọi người trong gia tộc ông gọi công tử Mūlasiri (Tiền Tài) là con trai ông, nhắc nhở rằng:

– Chớ nên cho rằng tám trăm triệu đồng đây là nhiều rồi. Dầu có của cũng chẳng nên bố thí. Hãy ráng làm cho tiền của sanh lên mãi, dầu một đồng cũng chẳng nên tiêu phí mà hao hụt gia tài.

Ông nhắc nhở con trai ba lần như thế. Kế đó, ông đọc luôn bốn câu kệ:

“Añjanānaṃ khayaṃ disvā,
Upacikānañca ācayaṃ;
Madhūnañca samāhāraṃ,
Paṇḍito gharamāvaseti”.

Lược dịch:
“Thấy những giọt thuốc hư,
Mới góp chứa vào ổ,
Cơm với chút mật dư,
Hiền sĩ ngồi nhà độ”.

Thời gian sau, không kịp chỉ năm hầm lớn tài sản của mình cho con biết, ông Trưởng giả Ānan hà tiện nhưng rất tự mãn qua đời. Tâm thức của ông tái sanh trong lòng một phụ nữ Chiên đà la (Caṇḍāla: giai cấp cùng đinh của Ấn Độ thời xưa) cư ngụ trong một làng nhỏ ngoài cổng thành Sāvatthī.

Quốc vương hay tin ông Ānan từ trần, bèn triệu công tử Mūlasiri vào bệ kiến, rồi phong chức Trưởng giả cho công tử.

Một ngàn gia đình Chiên đà la vẫn cùng nhau làm thuê, làm mướn chung quanh để sống qua ngày. Nhưng từ lúc ông Trưởng giả hà tiện tái sanh vào dòng họ thì họ không còn tìm được việc làm như trước nữa, dầu chỉ là một việc làm được trả công bằng bữa cơm, họ bàn rằng: “Chúng ta ngày nay đi xin việc làm để kiếm ăn cũng không có, chắc là trong bộ lạc của chúng ta có những kẻ xui xẻo (Kāḷakaṇṇī) ở chung”. Họ bèn chia làm hai nhóm, lựa chọn lần đầu để loại ra kẻ hắc vận. Khi loại đến cặp vợ chồng là cha mẹ của đứa bé ấy, thì họ biết rằng:

“Trong gia đình nầy có kẻ xui xẻo sanh ra”. Họ bèn đuổi mẹ của đứa bé khỏi bộ lạc. Người phụ nữ nầy còn đang mang thai ngày nào là còn vất vả ngày ấy, đi xin việc làm sống lây lất cho đến lúc sanh ra đứa con trai, đứa bé nầy tay chân vẹo vọ, mắt lé, mũi và miệng đều không nằm đúng vị trí thông thường. Với hình dung cổ quái như ngạ quỷ, trông nó xấu không thể tưởng tượng được. Tuy nhiên, mẹ nó cũng
không bỏ rơi nó. Tình thương của người mẹ đối với đứa con ruột do mình sanh ra quả thật là đậm đà mãnh liệt.

Người phụ nữ nuôi đứa con nầy cũng gặp nhiều khó khăn, ngày nào bà đem nó theo là ngày ấy bà chẳng được chút chi cả. Còn bỏ nó lại nhà đi một mình thì ngày ấy bà tìm được việc làm có lương.

Đến khi đứa bé trọng tuổi, có thể ôm bát đi xin ăn, tự nuôi mạng sống được thì bà mẹ trao cho đứa con cái bát và bảo:

– Con à, cha mẹ vì con mà phải đau khổ ê chề, bây giờ không nuôi nổi con nữa.

Trong thành nầy, người ta có thí cơm cho những người bần cùng hành khất. Vậy con hãy vào đó đi xin ăn mà nuôi mạng.

Nói rồi, bà mẹ thả con đi một mình.

Lần theo từng nhà đi xin ăn, đứa bé đi đến xóm, nơi nó ở trong tiền kiếp là Trưởng giả Ānan. Đến đây, thấy lại được cảnh cũ, nó nhớ lại được chuyện xưa, bèn xăm xăm đi ngay vào nhà của nó. Qua từng cửa cổng, không một ai lưu ý đến nó, đến từng cổng thứ tư, đứa con trai nhỏ của Trưởng giả Mūlasiri trông thấy nó, hoảng sợ khóc thét lên.

Khi ấy, các gia đinh của ông Trưởng giả đuổi nó:

– Đi ra, đồ hắc ám.

Họ còn đánh đập và ôm đứa bé ăn mày ném lên đống rác. Bấy giờ, Đức Bổn Sư cùng với Đại đức Ānanda là vị Sa môn thị giả, ngự trì bình, cũng vừa đến nơi đó. Ngài nhìn Đại đức, Đại đức bạch hỏi nguyên do. Ngài giải rõ câu chuyện tái sanh của ông Trưởng giả Ānan hà tiện.
Đại đức bảo gia đinh đi mời Trưởng giả Mūlasiri đến. Đại chúng thấy lạ nên tụ lại xem rất đông.

Đức Bổn Sư gọi Trưởng giả Mūlasiri và hỏi:

– Ông có biết đứa bé ấy chăng?

– Thưa, tôi không biết.

Đức Bổn Sư chỉ ngay rằng: “Nó là Trưởng giả Ānan, cha của ông kiếp trước đó!”.

Thấy Trưởng giả Mūlasiri chưa tin lời, Đức Bổn Sư bảo đứa bé ăn mày:

– Nầy Trưởng giả Ānan, ông hãy chỉ chỗ năm hầm đại tài sản đã chôn cho con trai ông đi.

Sau khi đứa bé chỉ năm hầm của chôn giấu, ông Mūlasiri hết sức tin tưởng nơi Đức Bổn Sư, nên ông xin quy y với Ngài.

Đức Bổn Sư nhân cơ hội ấy, thuyết pháp đến ông Mūlasiri, rồi Ngài đọc lên kệ ngôn rằng:

“Puttā m’atthi dhanaṃ m’atthi,
Iti bālo vihaññati;
Attā hi attano natthi,
Kuto puttā kuto dhanaṃ”.

“Người ngu chấp ngã, tự hào,
Đây con, đây của, ta đào tạo ra,
Nhưng không biết chính mình ta,
Còn không tự chủ, huống là của, con”.

CHÚ GIẢI:
Hai câu đầu: Puttā m’atthi dhanaṃ m’atthi, iti bālo vihaññati: Nghĩa là ta có của, có con, kẻ ngu do lòng luyến ái con mà lo âu, phiền muộn, khổ tâm, khổ vì sợ  “con ta chết”, khổ vì “con ta đang chết”, khổ vì “con ta sẽ chết”. Đối với của cải cũng vậy, thành ra sáu trường hợp phải khổ tâm. Người có con, phải lo nuôi con hằng ngày,  lo ngày đêm, lo trên đường bộ, trên đường thủy, cố gắng cách nào cũng không hết
chuyện lo. Người muốn có của cải phải lo bươn chải làm ăn, buôn bán, dầu hành nghề gì cũng không khỏi lo.

Attā hi attano natthi: Tự mình còn làm chủ không được, như bao nhiêu nỗi khổ đã giải ở trên, mình không thể đổi trở thành vui sướng được. Lúc lâm chung mình cũng không tự chủ được, nằm trên giường thọ khổ, lúc hấp hối một mình, chẳng khác nào bị màn lưới lửa bao vây thiêu đốt, gân cốt dường như tan nát, rã rời, dầu cho có ai mở mắt nhìn thấy cái khổ lúc sắp bước sang cảnh giới khác, rồi nhìn lại kiếp hiện tại,
chăm sóc o bế xác thân, mỗi ngày tắm gội nó đôi ba lần, nuôi cơm ba lần, trang điểm hương hoa đủ thứ cho nó suốt đời đi nữa, cũng không làm cho nó vị tình, nhớ ơn cấp dưỡng mà giảm bớt khổ cho ta được. Bản thân không còn phải của mình, vì mình không tự chủ tức là không làm chủ được xác thân như đã giải rồi, thì
Kuto puttā kuto dhanaṃ nào là con, nào là của có thể làm được gì để giảm khổ cho ta được?
Như Trưởng giả Ānan chẳng hề bố thí cho ai chút gì, bao nhiêu là tài sản gom góp giao lại cho con, mà con và của có làm chi được trong tiền kiếp, lúc ông sắp lâm chung. Vì trong kiếp hiện tại, khi ông chịu hậu quả khổ sở như vậy, mà con đâu? Của đâu? Sao không chia sớt sự khổ cho ông, sao không chia vui cho ông? Thời pháp vừa dứt, tám muôn bốn ngàn chúng sanh giác ngộ Chánh Pháp. Đại chúng dự thính cũng được hưởng lợi ích.

Dịch Giả Cẩn Đề
Bá hộ mãn đời bị tái sanh,
Làm tên xui xẻo cấp cùng đinh,
Từ trong bụng mẹ đà mang khổ,
Tận cửa nhà con vẫn thọ hình,
Mắt mũi dường ma, ai chẳng gớm,
Hình dung tợ quỷ, cháu còn kinh,
Vâng lời Phật, chỉ hầm chôn của,
Mới được đoàn viên, phụ tử tình.
DỨT TÍCH TRƯỞNG GIẢ A NAN

58

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app