Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II
Phẩm Ngu Nhơn: Tích Nữ Thánh Uppalavaṇṇā
“Madhu’vā maññatī bālo,
Yāva pāpaṃ na paccati;
Yadā ca paccatī pāpaṃ,
Attha dukkhaṃ nigacchatīti”.
“Người ngu tưởng mật ngọt,
Khi ác quả chưa muồi,
Đến chừng quả thuần thục,
Phải chịu khổ không thôi”.
Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết ra khi Ngài an ngự tại Vetavana, đề cập đến nàng Thánh nữ Uppalavaṇṇā (Thanh Liên Sắc). Tương truyền rằng: Nàng Uppalavaṇṇā đã từng phát đại nguyện dưới chân Đức Phật Padumuttara và tiếp tục gieo trồng vào ruộng phước trong hằng trăm ngàn đại kiếp. Sau khi luân hồi lên xuống các cõi trời, người, trong thời đức Phật hiện tại, nàng tái sanh vào một gia đình Trưởng giả ở trong thành Sāvatthī. Cô được cha mẹ đặt tên là Uppalavaṇṇā, vì da cô tuy đen nhưng mịn màng, tươi tắn, thanh lịch như cánh sen xanh phong nhụy. Đến tuổi cặp kê, cô được các vương tôn, công tử nhà quyền quý, danh vọng trong cõi Diêm phù mang lễ vật đến cầu hôn.
Trưởng giả thân phụ của cô không dứt khoát hồi hôn, từ chối một ai, nhưng ông tự nghĩ: “Ta không thể nhận lời, chiều theo ý muốn của tất cả những người nầy. Vậy ta phải lập ra một phương thế”.
Ông cho gọi tiểu thư đến và hỏi:
– Nầy con, con có thể xuất gia được chăng?
Trưởng giả vừa dứt lời, nàng Uppalavaṇṇā nghe trong đầu cô bừng nóng, như có dầu sôi trăm dạo, nên cô đáp lại ngay:
– Thưa cha, con sẽ xuất gia.
Trưởng giả liền thiết tiệc linh đình để làm lễ tiễn đưa con gái, rồi đưa nàng đến chùa của Tỳ khưu Ni (Bhikkunūpassayaṃ), cho nàng xuất gia Tỳ khưu Ni. Xuất gia không bao lâu, nàng Uppalavaṇṇā chứng quả A La Hán. Hôm ấy nhằm phiên nàng quét dọn, sửa soạn chỗ làm lễ Phát Lồ sám hối của Tăng Ni. Sau khi quét tước xong chỗ kiết giới, nàng đốt đèn lên, nàng nhìn ngọn đèn làm đối tượng cho đề mục thiền, đắc luôn quả vị A La Hán với tuệ phân tích và các Thắng trí thần thông (abhiññā).
Thời gian sau, nàng Uppalavaṇṇā đi vân du, rồi đi vào rừng Manh Lâm (Andhavana) hành đạo. Lúc bấy giờ chưa có học giới cấm Tỳ khưu Ni ngụ trong rừng. Khi ấy, nhiều người phát tâm cất cốc cho nàng, bên trong có kê giường, bên ngoài có màn che bốn phía. Nàng đi vào thành Sāvatthī khất thực rồi đi trở ra.
Một thanh niên tên là Nanda, vốn là anh em cô cậu của nàng Uppalavaṇṇā (Mātulaputto), đã nặng tình luyến ái nàng từ khi nàng còn ở gia đình. Nay hay tin nàng trở lại kinh thành, chàng ta thừa lúc nàng chưa về, lẻn đến rừng Andhavanna, lén vào trong cốc của nàng, núp dưới gầm giường. Khi nàng về đến lều, vào trong đóng cửa lại, vừa lên giường thì thanh niên Nanda từ gầm giường chun ra, trèo lên giường. Nàng la lên: “Đồ ngu, đừng có liều mạng. Đồ ngu, đừng có liều mạng”. Bất chấp sự kháng cự của người nữ Ni, thanh niên dùng cường lực cưỡng hiếp vị Thánh nữ cho thỏa lòng dục vọng rồi y bỏ chạy.
Khi ấy, địa đại dường như không chịu nổi tội ác nặng nề của chàng thanh niên Nanda, nên nứt đôi, chàng ta sa vào nơi đất nứt, bị đọa vào địa ngục A Tỳ (Mahāvīci). Nữ ni Uppalavaṇṇā muốn cho tâm mình khỏi tắc trách bèn đem chuyện này trình lên Giáo Hội Tỳ khưu Ni, Chư Ni bạch lại chư Tăng và chư Tăng bạch lên Đức Bổn Sư.
Nghe vậy, Đức Thế Tôn gọi các Tỳ khưu đến phán dạy:
– Nầy các Tỳ khưu! Đối với hàng tứ chúng là Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, Cận sự nam, Cận sự nữ, nếu kẻ ngu nào gây ra ác nghiệp thì dầu cho kẻ ấy có vui sướng thỏa mãn được chút ít chi, cũng ví như người nếm qua hương vị ngọt ngào của chất đường và mật chẳng hạn.
Tiếp theo đây, Đức Bổn Sư thuyết lên thời pháp rồi đọc kệ ngôn rằng:
“Madhu’vā maññatī bālo,
Yāva pāpaṃ na paccati;
Yadā ca paccatī pāpaṃ,
Attha (bālo) dukkhaṃ nigacchati”.
“Khi quả ác nghiệp chưa muồi,
Người ngu lầm tưởng yên vui mật đường,
Đến giờ quả chín như thường,
Người ngu mới thấy chán chường khổ đau”.
CHÚ GIẢI:
Madhu’vā: Câu kệ Pāli thứ nhất có ý nói việc làm tội lỗi của người ngu vui sướng thỏa thích như là ăn kẹo ngọt, như mật, như đường. Đây là trường hợp của thanh niên Nanda nghĩ tưởng sai quấy như vậy.
Yāva: Trong lúc mà…
Pāpaṃ na paccati: Quả ác dị thục chưa trổ, chưa chín trong kiếp nầy hoặc trong những kiếp về sau thì người ngu vẫn còn tưởng như trên.
Yadā: Đến chừng hưởng ác quả, đã làm bằng cách thế nầy thế nọ, đến thời trổ quả chín muồi hoặc trong kiếp nầy hoặc trong kiếp sau thì kẻ ác phải chịu khổ thọ hình như ở hỏa ngục chẳng hạn.
Attha (bālo) dukkhaṃ nigacchati: Khi ấy kẻ ngu đi đến khổ cảnh, là phải bị khổ, bị thọ khổ như vậy.
Khi thời pháp chấm dứt nhiều vị chứng đắc Thánh quả, nhứt là Tu Đà Hườn quả. Vào thời khác, Đại chúng Tỳ khưu cùng nhau luận đạo trong phòng Pháp hội, đề xướng Pháp thoại như vầy: “Dầu là bậc Lậu Tận (Khīṇāsavā), theo ý tôi nghĩ, các Ngài cũng còn thọ hưởng dục lạc, vui thích ngũ trần, chớ chẳng lẽ làm ngơ. Thật thế, các Ngài đâu phải là bọng cây hay gò mối gì cho cam. Thân thể các Ngài cũng biết
thọ hưởng dục lạc, vui thích ngũ trần…”.
Đức Thế Tôn ngự đến phán hỏi: “Nầy các Tỳ khưu, hôm nay các ông ngồi luận việc chi?”. Khi nghe đáp: “Bạch Ngài, việc như vầy, như vầy…”.
Đức Bổn Sư đính chính rằng: “Nầy các Tỳ khưu, các bậc Lậu Tận (A La Hán) không vui thích ngũ trần, không thọ hưởng dục lạc. Thật thế, như trên mặt những lá sen, nước rơi xuống không thấm ướt, không ứ đọng mà tuột đi luôn và trên đầu mũi kim, hột cải không thể đeo dính, đứng vững được mà phải lăn tuột đi. Cũng như thế ấy, trong tâm bậc Lậu Tận, dục lạc ngũ trần không đeo dính và không ứ đọng lại được”.
Đến đây, Đức Bổn Sư thuyết pháp giải rộng thêm nghĩa lý rồi Ngài kết luận bằng câu kệ Pháp cú sau đây:
“Vāra pokkharapatt’eva,
Āraggeriva sāsapo;
Yo na lippati kāmesu,
Tam ahaṃ brūmi brāhmaṇanti”.
Lược dịch:
“Như nước giọt lá sen,
Hột cải gác đầu kim,
Người không nhiễm dục lạc,
Ta gọi Bà la môn”.
Bài kệ nầy nghĩa lỹ rõ rệt, phù hợp với phẩm Bà la môn, nên về sau được sắp chung vào phẩm ấy. Nhân dịp nầy, Đức Bổn Sư triệu thỉnh quốc vương Pasenadikosala đến và đề nghị rằng:
– Tâu đại vương! Trong giáo pháp nầy có bao nhiêu công tử thì cũng có bấy nhiêu tiểu thư, đều là con nhà gia giáo vọng tộc, đã từ bỏ quyến thuộc đông đảo và tài sản dồi dào mà xuất gia hành đạo, cư ngụ trong rừng. Khi ngụ trong rừng, các nữ tu ấy hằng bị các thanh niên ác quấy, đê hèn, manh tâm làm khó, đôi khi còn gây tai hại, làm hư hỏng phẩm hạnh nữa là khác. Vì thế, cần phải xây cất chỗ ngụ cho Tỳ khưu ni ở trong vòng kinh thành. Quốc vương đáp: “Lành thay”, rồi vâng theo lời đề nghị của Đức Thế Tôn, khiến quan quân kiến thiết một cảnh già lam riêng biệt cho Giáo Hội Tỳ khưu Ni trên một địa điểm trong vòng thành đô. Từ đó về sau, các Tỳ khưu ni chỉ cư ngụ trong vòng đô thành mà thôi.
Dịch giả Cẩn Đề
Thanh liên sắc quý mấy ai bì,
Chẳng khứng làm dâu, khứng đắp y,
Lửa đỏ thiền tâm hơn nữ tử,
Rừng xanh phạm hạnh quá nam nhi,
Từ hôn đã cắt duyên trần tục,
Đắc quả còn mang nợ thiếu thì…
Hỷ lạc nài hoa, say mật ngọt,
Ngờ đâu đất sụp, dạo A Tỳ.
DỨT TÍCH THÁNH NỮ UPPALAVAṆṆĀ