Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển Ii – Phẩm Ngu Nhơn: Tích Đệ Tử Của Đại Đức Ma Ha Ca Diếp

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II

Phẩm Ngu Nhơn: Tích Đệ Tử Của Đại Đức Ma Ha Ca Diếp

“Carañce nādhigaccheyya,
Seyyaṃ sadisamattano;
Ekacariyaṃ daḷhaṃ kayirā,
Natthi bāle sahāyatā”,

“Nếu chẳng được chung đường,
Người hơn hoặc tương đương,
Thà quyết đi độc chiếc,
Kẻ ngu không chỗ nương”.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết ra khi Ngài ngụ tại gần thành Sāvatthī, đề cập đến một đệ tử của đại đức Mahākassapa. Câu chuyện nầy phát khởi từ thành Rājagaha (Tàu âm là La Duyệt Kỳ). Tương truyền rằng: Thuở ấy, Đại đức nương náu trong động Pipphaliguhā (Lạt
Tiêu), phụ cận thành Rājagaha, Ngài có được hai đệ tử theo hầu. Trong hai vị, một vị thì chăm làm phận sự đàng hoàng, tử tế, còn vị kia thì xảo trá, thường mạo nhận công việc của bạn như là của chính mình làm. Như khi biết bạn sắp đặt nước rửa mặt, cây chà răng xong rồi, thì ông mau đến bạch với Đại đức trước rằng: “Bạch Ngài, nước rửa mặt, cây chà răng đã sẵn rồi, xin thỉnh Ngài đi rửa mặt”. Đến giờ Đại đức rửa chân hoặc tắm gội chẳng hạn, ông ta cũng đi thỉnh Đại đức như thế đó.

Vị đệ tử siêng năng làm phận sự, thấy vậy nghĩ rằng: “Ông nầy luôn cướp công lao của ta, làm Đại đức ngỡ lầm là của ông. Ta phải làm cho ông bỏ tật ấy mới được”. Đến xế chiều, vị kia ngủ dậy, thấy hơi nước nóng xông ra, nghĩ rằng: “Chắc có nước sôi nấu sẵn để trong nhà tắm”, có ngờ đâu khi ông lười biếng, ăn rồi đi ngủ, vị siêng năng nấu nước tắm, châm đầy bình, giấu phía sau phòng tắm, chỉ chừa lại trong
nồi độ gáo nước sôi đủ cho có hơi nước bay ra thôi. Thế nên, vị lười biếng đi đến bạch với Đại đức: “Xin thỉnh Ngài đi tắm”. Nói rồi,
ông ta cùng đi với Đại đức đi vào nhà tắm. Không thấy có nước, Đại đức hỏi: “Nước ở đâu, đạo hữu?”. Vị ấy liền đi vào nhà nấu nước, đưa vá vào nồi nước, mới biết là nồi không, bèn xách bình đi ra giếng, vừa đi vừa cằn nhằn: “Hãy coi đó, thứ đồ mất dạy, nó bắt cái nồi không lên bếp rồi bỏ đi đâu mất. Làm mình tưởng có sẵn nước trong nhà tắm, mới đi thỉnh Đại đức”.

Khi ấy, vị đệ tử siêng năng xách cái bình nước nóng giấu sau nhà tắm, đem vào nhà tắm. Đại đức nghĩ: “Ông sư trẻ nói: Nước nấu sẵn rồi, để trong nhà tắm, thỉnh Ngài đi tắm, mà giờ đây lại vừa xách bình đi múc nước vừa cằn nhằn, thế là nghĩa làm sao?”.

Đợi vị ấy trở lại, Đại đức bảo ông ngồi đàng hoàng, rồi ban huấn từ rằng:

– Nầy đạo hữu, phàm là Tỳ khưu thì việc nào có làm mới nhận là của mình làm, bằng không thì thôi. Còn ông, ông đã nói với ta: “Trong nhà tắm đã có nước sẵn, thỉnh Ngài đi tắm”. Nhưng ta vào thì đứng chờ, còn ông thì xách bình vừa đi vừa cằn nhằn. Người xuất gia không nên làm như thế. Vị đệ tử nói thầm: “Ai mà coi, Ngài Đại đức mà còn làm như vậy đó. Vì vấn đề nước tắm mà Ngài rầy ta nặng nề như thế”. Ông giận thầy tế độ, nên hôm sau không đi khất thực với Đại đức.

Đại đức cùng với đệ tử kia đi đến một địa phương nọ. Trong lúc vắng Đại đức, vị đệ tử cứng đầu, đi đến nhà của người hộ độ Đại đức. Chủ nhà hỏi:

– Bạch Ngài, Đại đức đâu rồi?

– Đại đức trong mình không được khỏe nên còn ngồi trong chùa.

– Bạch Ngài, tôi phải làm gì bây giờ đây?

– Ông hãy đặt bát dâng cho Đại đức những thực phẩm có tên như vầy… như vầy…

Tỳ khưu ấy giả cách đi bát về nuôi thầy, nên nói món gì thì chủ nhà lo tìm đủ món ấy rồi để bát cúng dường. Ông ta đi nửa đường, kiếm chỗ ngồi ăn hết rồi mới đi về chùa.

Ở địa phương nơi Đại đức đến, người ta dâng cho Đại đức lá y lớn, bằng vải nhuyễn rất tốt. Đại đức cho lại vị Đệ tử theo mình. Ông nầy mừng rỡ lấy chiếc y mới đắp lên mình.

Qua hôm sau, Đại đức đến nhà người hộ độ của mình. Chủ nhà bạch lại rằng:

– Bạch Ngài! Nghe nói Ngài không được khỏe trong mình, chúng con có sắp đặt thực phẩm theo lời chỉ dẫn của ông Tỳ khưu trẻ và gởi ông đem về dâng Ngài. Chẳng hay Ngài dùng rồi, nghe có khỏe trong mình chưa? Đại đức nghe vậy, Ngài làm thinh. Đại đức về đến chùa, khi vị ấy đảnh lễ Ngài xong, Đại đức dạy rằng:

– Nầy đạo hữu! Nghe nói ngày hôm qua ông đã làm việc như vậy. Những người xuất gia không nên ăn, dùng những thực phẩm mà mình quán thấy không hợp lẽ đạo như vậy.

Bị rầy lần nầy, ông đệ tử giận lắm, bèn cột oan trái với Đại đức: “Bữa hôm trước về vụ nước, Ngài đã cho ta là kẻ láo xược, ngày hôm nay thực phẩm mà Thiện tín hộ độ của Ngài dâng ta, ta đã ăn hết rồi. Ngài còn bảo là phải quán xét rồi mới nên thọ dụng. Được y mới tốt, Ngài cho riêng đệ tử theo hầu Ngài. Ôi! Nghiệp của Ngài nặng lắm thay! Đã đối xử khắc nghiệt với ta thì ta cũng sẽ biết cách mà đối phó vậy”.

Hôm sau, thừa lúc Đại đức đi vào làng, ông Sư ấy ở lại một mình nơi chùa, lấy gậy đập bể hết các đồ vật dụng của Đại đức, lại nổi lửa đốt cái cốc lá của Đại đức. Còn món nào không thể cháy, ông ta lấy chày vồ đập bể ra rồi bỏ đi luôn. Về sau, ông ta chết bị đọa xuống địa ngục Vô Gián (Avīci). Đại chúng khởi lên bàn tán việc nầy như vầy: “Nghe nói đệ tử của Đại đức không chịu đựng nổi sự giáo hóa của Đại đức, nổi xung lên đã đốt cháy cái thảo am của Đại đức và bỏ đi mất rồi”. Sau đó, có Tỳ khưu rời thành Rājagaha đến thành Sāvatthī, đi vào Tịnh xá Jetavana để yết kiến Đức Bổn Sư. Khi vị nầy đảnh lễ xong, Đức Bổn Sư tiếp chuyện thân hữu, rồi bảo rằng: “Ông từ đâu về vậy?”.

– Bạch Ngài, con từ thành Rājagaha đến đây.

– Kassapa con trai ta có dễ chịu chăng?

– Bạch Ngài, được dễ chịu. Tuy nhiên có một vị đệ tử của Ngài đã chẳng nghe lời giáo huấn của Đại đức, mà còn sanh tâm thù hận, nổi lửa đốt cháy thảo am của Đại đức rồi bỏ đi mất.

Đức Bổn Sư minh định rằng: “Không phải chỉ bây giờ ông ấy mới căm thù khi được nghe lời giáo hóa đâu. Xưa kia, ông cũng đã từng căm thù như thế rồi. Không phải chỉ bây giờ ông ta mới phá cốc đâu, xưa kia ông ta cũng đã từng phá hoại như thế rồi”. Đoạn Đức Bổn Sư tiếp theo thuật lại tiền tích của ông đệ tử ngỗ nghịch.

Thuở xưa, dưới triều đại của vua Brahmadatta, đóng đô tại kinh thành Bārāṇasī. Trong miền núi Tuyết Lãnh, có một con sáo trú ẩn trong ổ của nó làm. Một hôm, trong lúc mưa, một con khỉ rét run lập cập, mon men đi vào miền núi ấy. Sáo thấy khỉ bèn hót lên bài kệ rằng:

“Manussasseva te sīsaṃ,
Hatthapādā ca vānara;
Atha kena nu vaṇṇena,
Agārante na vijjatīti”.

“Anh có đầu giống người,
Đủ tay chân, khỉ ơi,
Sao không làm nhà ở,
Để lang thang ngoài trời”.

Khỉ nghĩ thầm: “Dầu ta có đủ tay chân, nhưng ta còn thiếu trí tuệ sáng suốt để kiến tạo nhà”. Muốn nói sao cho sáo biết được biệc nầy, khỉ cũng hú lên kệ rằng:

“Manussasseva me sīsaṃ,
Hatthapādā ca siṅgila;
Yāhu seṭṭhā manussesu,
Sāme paññā na vijjatīti”.

“Ta có đầu giống người,
Đủ tay chân, sáo ơi!
Nhưng ta thiếu trí tuệ,
Phải thua kém người đời”.

Câu chuyện đối đáp về nhà ở giữa cầm và thú, ban đầu còn êm ái, nhưng lần lần đi đến chỗ gay cấn. Sáo liền nói lên hai bài kệ trách khỉ rằng:

“Anavaṭṭhitacittassa,
Lahucittassa dubbhino;

Niccaṃ addhuvasīlassa,
Sukhabhāvo na vijjati”.

“Người có tâm bất an,
Nóng nảy gây oan trái,
Thường bôn chôn liếng khỉ,
Không vui vẻ hân hoan”.

“So karassānubāvaṃ tvaṃ,
Tvaṃ vītivattassu sīliyaṃ;
Sītavātaparittāṇaṃ,
Karassu kuṭikaṃ kapīti”.

“Tự nâng cao giá trị,
Thời giờ đừng lãng phí,
Anh nên cất cái chòi,
Gió rét có nơi nghỉ”.

Con khỉ tức giận nói rằng: “Con nầy dám chê ta là kẻ có tâm bất an, có tâm nóng nảy, ưa gây oan trái và thường bôn chôn. Bây giờ, ta hãy cho nó thấy sự ưa gây oan trái của ta một lần cho nó tởn”. Khỉ ta liền bức phá tan hoang ổ của con sáo. Con sáo thấy động ổ, vội thoát ra ngoài rồi bay mất. Sau khi thuyết xong tích nầy, Đức Bổn Sư dẫn giải rằng: “Con khỉ lúc trước nay là vị Tỳ khưu phá cốc thầy tế độ, còn con sáo nay là Mahākassapa vậy”.

Để kết luận, Đức Bổn Sư lập lại rằng:

– Như thế, nầy các Tỳ khưu, không phải bây giờ người giáo huấn bị phá hoại chỗ ngụ của người. Còn con trai của ta là Mahākassapa mà ở chung với kẻ ngu si như thế, thà là ở một mình đơn chiếc còn hơn. Nói rồi, Đức Bổn Sư thuyết kệ rằng:

61. “Carañce nādhigaccheyya,
Seyyaṃ sadisamattano;
Ekacariyaṃ daḷhaṃ kayirā,
Nathi bāle sahāyatā”.

61. “Ví như chẳng được kết đôi,
Với người cao hoặc bằng ngôi thứ mình,
Thà rằng quyết chí độc hành,
Kẻ ngu chẳng phải bạn lành thâm giao”.

CHÚ GIẢI:
Carañce: Trên đây nghĩa là đi, chỉ một trong bốn oai nghi, được dùng một cách vắn tắt, phải hiểu rộng ra là “đi tìm bạn lành”.

Seyyaṃ sadisamattano: Là nếu không gặp được người nào cao hơn mình hoặc ngang hàng mình về phương diện Giới, Định, Tuệ.

Ekacariyaṃ: Thà là đi một mình. Quả thật vậy, kết bạn với người cao thì Giới hạnh càng thêm tăng tiến, kết bạn với người bằng thì Giới hạnh không suy giảm, còn kết bạn với kẻ kém hèn, khi ở chung, ăn chung, làm việc chung thì Giới hạnh lần lần bị thua sút. Có Phật ngôn rằng:

“Evarūpo puggalo na sevitabbo na bhajitabbo na payirupāsitabbo aññatra anuddayā aññatra anukampāti”. –

“Kẻ nam tử như vậy ta không nên thân cận, không nên giao du, không nên liên kết, trừ ra vì lòng thương xót muốn tế độ”. Cho nên nếu vì lòng bi mẫn ta thấy rằng: Được nương theo ta, thanh niên nầy sẽ tăng trưởng Giới hạnh. Rồi ta đối đãi tử tế mà không cầu mong sự đền đáp
chút nào, nếu ta làm được như vậy thì rất tốt, bằng không được như vậy thà ở một mình tốt hơn.

Daḷhaṃ kayirā: Là lời cô tịch một mình kiên cố, bền bỉ trú tâm trong bốn oai nghi như là bạn đồng cư. Tại sao vậy?

Natthi bāle sahāyatā: Không có tình bạn nơi kẻ ngu. Tiếng sahāyatā (tình bạn) được dùng với nghĩa phần Tiểu giới, phần Trung giới, phần Đại giới, mười đề luận (kathāvatthūni), mười ba chi pháp Đầu đà (dhutaṅga), Pháp Minh sát, bốn Đạo, bốn Quả, ba cái Minh (vijjā), sáu cái thông (abhiñña). Những Giới đức trên đây không có nơi kẻ ngu si.

Khi thời pháp chấm dứt, vị Tỳ khưu khách chứng đắc Tu Đà Hườn quả. Các vị khác cũng có nhiều vị chứng đắc Thánh quả, nhất là Tu Đà Hườn quả. Đại chúng thính pháp đều hưởng được sự lợi ích.

Dịch Giả Cẩn Đề
Đại đức Ma Ha Ca Diếp dạy kẻ ngu,
Không ơn thì chớ, lại sanh thù,
Mưu cơ sắp sẵn liền thiêu cốc,
Thủ đoạn hành xong, vội rút dù.
Bạc nghĩa đã đành sa cảnh khổ,
Vòng tình còn chịu phí đời tu,
Kiếp xưa là khỉ, nay người ngợm,
Xác đổi nhưng mà trí vẫn lu.
DỨT TÍCH ĐỆ TỬ CỦA ĐẠI ĐỨC MA HA CA DIẾP

57

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app