Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển Ii – Phẩm Ngàn: Tích Tỳ Khưu Ni Đa Tử Đắc A La Hán

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II

Phẩm Ngàn: Tích Tỳ Khưu Ni Đa Tử Đắc A La Hán

“Yo ca vassasataṃ jīve,
Apassaṃ dhammamuttamaṃ;
Ekāhaṃ jīvitaṃ seyyo,
Passato dhammamuttamanti”.

“Ai sống một trăm năm,
Không thấy Pháp tối thượng,
Tốt hơn sống một ngày,
Thấy được Pháp tối thượng”.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết, khi Ngài ngự tại Jetavana Vihāra (Kỳ Viên Tự), đề cập đến vị Tỳ khưu Ni tên Bahuputtikā (Đa Tử).

Tương truyền rằng: Trong một gia đình nọ ở thành Xá Vệ, có bảy đứa con trai và bảy đứa con gái, đến tuổi trưởng thành tất cả đều yên bề gia thất. Tuy đã ra riêng nhưng cũng sống hạnh phúc, bình thường. Một thời gian sau, cha chúng qua đời, bà Đại Tín nữ nghĩ rằng: “Dầu chồng ta đã mất, ta cũng không phân chia gia sản cho các con trai và con gái ta đâu”.

Nhưng các con trai bà cứ theo hỏi bà:

– Thưa mẹ, cha chúng con đã mất, mẹ còn giữ gia sản cho ai nữa? Bộ chúng con không bảo quản được gia sản hay sao?

Nghe con hỏi, bà vẫn làm thinh. Nhưng chúng cứ đeo theo hỏi đi hỏi lại mãi. Sau cùng bà tự nghĩ: “Các con trai sẽ phụng dưỡng ta, ta còn giữ gìn gia sản làm của riêng mà làm chi?”.

Thế rồi, bà cho hội các con lại và phân chia tất cả di sản của chồng cho chúng.

Cách mấy ngày sau, người vợ của con trai lớn nói với bà rằng: “Trời ơi! Sao mẹ cứ đến nhà con hoài? Mẹ làm như nhà con là trưởng nam được hưởng hai phần gia tài vậy?

Những cô con dâu khác cũng đều nói y như con dâu lớn cả. Buồn chán lũ con trai, bà đến ở nhà các con gái, bắt đầu từ nhà đứa lớn, các con gái bà cũng xua đuổi bà với luận điệu như các con dâu.

Bị các dâu con ruồng rẫy, bà Tín nữ tự nghĩ: “Ta còn gần lũ nầy làm chi nữa, thà là ta xuất gia Tỳ khưu Ni, sống hạnh không nhà còn hơn”. Thế rồi, bà đến tịnh xá Ni xin xuất gia, chư Tỳ khưu Ni đã cho bà xuất gia. Sau khi xuất gia, bà được mệnh danh là Tỳ khưu Ni Đa Tử.

Tự xét rằng: “Ta là người lão niên xuất gia, ta phải Tinh tấn siêng năng mới được”. Bà ráng làm hết phận sự của bậc Tỳ khưu Ni, rồi còn tính: “Ta sẽ hành Sa môn Pháp suốt đêm nay”, nên lấy tay ôm một cây cột ở từng dưới của tòa lâu, rồi hành Sa môn Pháp xoay quanh cây cột ấy. Trong lúc đi kinh hành ở chỗ tối tăm, bà không thấy đường, quơ tay kiếm cây đại thọ, không ngờ va đầu vào cây, rồi lấy tay ôm cây ấy đi vòng quanh mà hành Sa môn Pháp. Bà lại tính thầm: “Ta sẽ hành trì đúng theo Pháp mà Đức thế Tôn đã thuyết”, rồi bà tham Thiền, quán tưởng về Pháp, ráng nhớ lại Pháp và hành Sa môn Pháp ấy.

Khi ấy, Đức Bổn Sư ngự tọa trong hương thất phóng tỏa hào quang, thị hiện như đang ngồi trước mặt mà đàm thoại với bà: “Nầy Đa Tử! Pháp của Ta thuyết, người nào không tham cứu, không nhìn thấy thì dầu sống một trăm năm, cũng không bằng người thấy Pháp của Ta thuyết chỉ sống trong một giây lát”.

Nói rồi, Đức Bổn Sư thuyết pháp và kết luận tóm tắt rằng:

“Yo ca vassasataṃ jīve,
Apassaṃ dhammamuttamaṃ;
Ekāhaṃ jīvitaṃ seyyo,
Passato dhammamuttamanti”.

“Sống trăm tuổi thọ lão thành,
Không thấy tối thượng Vô sanh pháp mầu,
Chẳng bằng sống một ngày lâu,
Thấy Pháp tối thượng nhiệm mầu Vô sanh”.

CHÚ GIẢI:

Dhammamuttamaṃ: pháp tối thượng gồm có chín Pháp Thánh, gọi là Siêu Thế Pháp (Lokuttaradhamma), là bốn Đạo, bốn Quả và Níp Bàn. Tên Pāḷi gọi là Uttama dhammo: người không thấy Pháp nầy, dầu sống một trăm năm, so với người thấy Pháp, thông hiểu Pháp nầy, chỉ sống trong một ngày, hoặc trong một sát na, thì người sau nầy vẫn hơn. Cuối bài kệ, Tỳ khưu Ni Đa Tử đắc quả A La Hán với Tuệ Phân tích.

Dịch Giả Cẩn Đề
Bất nghĩa, con dâu bỏ mẹ già,
Buồn lòng, góa phụ phải ly gia,
Ban ngày, phận sự lo tròn đủ,
Tối đến, hành thâm Pháp Phật Đà…
Thấy rồi, siêu pháp cũng còn hay,
Hơn người sống đến trăm năm chẵn,
Mà vẫn chưa thông Diệu Đế này!
DỨT TÍCH TỲ KHƯU NI ĐA TỬ ĐẮC A LA HÁN
DỨT PHẨM NGÀN

105

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app