Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển Ii – Phẩm Hiền Trí: Tích Năm Trăm Vị Tỳ Khưu

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II

Phẩm Hiền Trí: Tích Năm Trăm Vị Tỳ Khưu

“Sabbattha ve sappurisā cajanti,
Na kāmakāmā lapayanti santo;
Sukhena phuṭṭhā atha vā dukkhena,
Na uccāvacaṃ paṇḍitā dassayanti”.

“Trượng phu lìa mọi Pháp,
Không bàn đến dục lạc,
Trí giả gặp khổ vui,
Không lo nghĩ cao thấp.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư khi ngự tại tịnh xá Jetavana đề cập đến năm trăm vị Tỳ khưu phát sanh tại Verañja (Huê Lan Nhã). Thật thế, sau khi chứng đắc quả Chánh Giác dưới cội Bồ Đề, Đức Thế Tôn ngự đến thành Verañja trước hạ kỳ đầu tiên, được ông Bà la môn Verañja thỉnh cầu Ngài an cư kiết hạ nơi đó với năm trăm vị Tỳ khưu. Ông Bà la môn Verañja bị Ma vương ám ảnh, khiến ông quên lãng lời thỉnh cầu, không nhớ đến Đức Tôn Sư, dầu chỉ là một ngày. Lúc ấy, thành Verañja gặp cảnh mất mùa, đói kém, chư Tỳ khưu đi bát khắp thành Verañja mà không tìm được vật thực, tình cảnh rất gian nan, vất vả. May nhờ đoàn lái ngựa nhín lại từng nhúm cơm khô để bát, chư Tăng mới sống lây lất qua ngày.

Thấy chư Tăng vất vả, Đại đức Moggallāna có ý muốn lấy chất dinh dưỡng bên dưới mặt đất (paṭhavojaṃ) cúng dường Tăng, và muốn dùng thần thông đưa chư Tăng sang Bắc Cưu Lưu Châu đi bát, nhưng Đức Thế Tôn không cho Đại đức làm như vậy. Còn chư Tỳ khưu không có ngày nào than phiền việc đi bát có ít ỏi vật thực cả. Các Ngài đã dứt được lòng tham dục nên vẫn sống an vui với đời đạo hạnh. Đến khi mãn mùa an cư nơi đó, Đức Bổn Sư đến từ giã ông Bà la môn Verañja, Ngài được ông ta cúng dường kính ngưỡng, và Ngài truyền thụ Quy giới cho ông ta.

Rời khỏi Verañja, Đức Bổn Sư ngự đi vân du, cho đến một thời Ngài ngự về thành Sāvatthī, vào ngự an nơi tịnh xá Jetavana. Dân cư trong thành Sāvatthī thiết đại lễ Trai Tăng cúng dường mừng ngày Đức Bổn Sư trở về. Khi ấy có năm trăm người ăn tàn thực nương theo chư Tỳ khưu, cũng cư ngụ trong vòng tịnh xá. Xin được những món ăn dư thừa của chư Tăng, toàn là thực phẩm ngon, quý, họ ăn uống xong rồi, ngủ xong thức dậy, đi ra mé bờ sông chơi
giỡn la hét, chia phe đấu vật với nhau trong vòng hoặc ngoài vòng tịnh xá.

Trong chư Tăng, nơi giảng đường đề khởi lên Pháp thoại như sau: “Nầy chư huynh đệ, bọn người dùng tàn thực nầy, trong khi ở thành Verañja nhằm mùa đói kém thì họ không tỏ ra vẻ sái quấy. Bây giờ về đây, được ăn uống cao lương mỹ vị như vậy, họ lại phô bày ra lắm trò bỉ ổi hằng ngày. Chư Tỳ khưu khi ở Verañja tuy vậy mà được an tịnh, còn bây giờ thì không được an tịnh”.

Đức Bổn Sư ngự vào giảng đường, phán hỏi: “Nầy các Tỳ khưu, các ông đang thảo luận chi vậy?”.

– Bạch Ngài, việc nầy…

Nghe vậy, Đức Thế Tôn phán dạy: “Những người ấy xưa kia đã là năm trăm con lừa sanh ra từ những con lừa mẹ. Những con lừa nầy đã dùng nước cốt nho tươi của năm trăm con tuấn mã được thuần phục uống, còn dư là cặn bã bất tịnh, người nài ngựa pha trộn thêm nước lã, rồi lược bằng giẻ bố và gọi rằng: “Tịnh thủy”, thứ nước hư bỏ, lạt lẽo, hèn hạ như vậy mà chúng nó xúm nhau uống như uống rượu ngon và sau khi uống lại hò hét la lối như người say rượu. Thời ấy, Đức vua nghe tiếng ồn ào, huyên náo, phán hỏi. Đức Bồ Tát tường trình hành vi của bọn lừa ấy như sau:

“Vālodakaṃ apparasaṃ nihīnaṃ,
Pitvā mado jāyati gadrabhānaṃ;
Imañca pitvāna rasaṃ paṇītaṃ,
Mado na sañjāyati sindhavānaṃ.
Appampivitvāna nihīnajacco,
So majjatī tena janinda phuṭṭho;
Dhorayhasīlī ca kulamhi jāto,
Na majjatī aggarasaṃ pivitvā’ti”.

Lược dịch:
“ ‘Tịnh thủy’ lạt lẽo thấp hèn,
Bầy lừa uống bị ma men nhập vào.
Rượu nho ngon ngọt thanh cao,
Ngựa tuấn uống, chẳng khi nào biết say.
Tâu quốc vương, kẻ không hay,
Nhắp chút ít rượu là say tức thì.
Con nhà dòng dõi lễ nghi,
Không say, dù uống rượu gì quý ngon”.

Sau khi giải rộng tích Bổn Sanh Tịnh Thủy (vālodaka), Đức Bổn Sư kết luận rằng: “Nầy chư Tỳ khưu, các bậc hiền nhân quân tử hằng giữ được phẩm hạnh như thế. Xa lìa tham dục rồi, dầu gặp hoàn cảnh vui buồn, sướng khổ thế nào, các bậc ấy cũng vẫn điềm đạm, an nhiên”.

Kết luận xong, Đức Bổn Sư lại thuyết pháp và đọc bài kệ nầy:

“Sabbattha ve sappurisā cajanti,
Na kāmakāmā lapayanti santo;
Sukhena phuṭṭhā atha vā dukkhena,
Na uccāvacaṃ paṇḍitā dassayanti”.

“Trượng phu chẳng chút bận lòng,
Đến điều tham dục không nên luận bàn.
Trí giả, tâm đã tịnh an,
Gặp cảnh sướng khổ, chẳng màng nói ra”.

CHÚ GIẢI:
Tiếng Sabbattha (khắp nơi) trên đây ám chỉ tất cả mọi pháp, nhất là khắp tất cả mọi thành phần của Ngũ uẩn (thân và tâm).

Sappurisā (Trượng phu) là những nam nhân tốt (Sappurisā), tức là những bậc hiền nhân quân tử.

Vajanta (lìa bỏ), đây là dứt bỏ được ái dục (chandarāga) do nhờ chứng đắc A La Hán đạo tuệ (Arahattamaggaññāṇa).

Na kāmakāmā: không bàn đến động cơ của dục lạc (kāmayantā) nhân của dục lạc (kāmahetu), lý do của dục lạc (kāmakāraṇā).

Santo: Bậc an tịnh như chư Phật… thì không tự mình nói hoặc bảo kẻ khác nói đến nhân dục lạc… Quả vậy, những vị Tỳ khưu nào lúc đi trì bình khất thực, đến đứng chỗ mình ưa thích rồi mở lời rằng: “Nầy ông thiện nam, vợ con ông mạnh giỏi không?”; hoặc “ông có việc chi phiền phức chớ?”. Tỳ khưu nói chuyện vô ích phù phiếm, như chuyện vua quan, trộm cướp… chừng ba bốn câu như vậy, là lapayanti (nói phiếm). Khi gia chủ nghe rồi, đáp lại: “Bạch Ngài, cả nhà con đều được an vui, không có điều chi phiền phức. Bây giờ, chúng con dư dả vật thực, xin thỉnh Ngài ở lại đây”. Tỳ khưu nói ướm để được thỉnh mời như vậy, gọi là lapayanti. Bậc Tịnh giả không nói theo hai cách trên đây.

Dầu tiếp xúc với cảnh vui hay cảnh khổ, dầu bị tám pháp thế gian đụng chạm đến các Ngài, bậc Trí giả cũng không to tiếng, lộ vẻ bất bình khen tốt, chê xấu, hãnh diện hay hổ thẹn chi cả.

Cuối thời pháp, có nhiều vị Tỳ khưu chứng đắc quả Tu Đà Hườn…

Dịch Giả Cẩn Đề
Tịnh giả dầu trong cảnh ngộ nào,
Cũng là trầm mặc chẳng xôn xao,
Khi vui, lúc khổ, tâm thường trụ
Bữa được, ngày thua, trí vẫn cao.
Lan Nhã đã qua mùa đói kém,
Kỳ Viên còn gặp nhóm tầm phào,
Thói đời no đủ sanh nhiều chuyện,
Theo Phật ăn dư lại tự hào.
DỨT TÍCH NĂM TRĂM VỊ TỲ KHƯU

78

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app