Nội Dung Chính
Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II
Phẩm Hiền Trí: Tích Ác Tăng
“Ovādeyyānusāseyya,
Asabbhā ca nivāraye;
Sataṃ hi so piyo hoti,
Asataṃ hoti appiyoti”.
“Những người hay khyên giải,
Cản ngăn điều chẳng phải,
Người sáng trí kính yêu
Kẻ tối thì trái lại”.
Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư thuyết ra khi Ngài an ngự tại Jetavana, đề cập đến
nhóm Tỳ khưu Assajipunabbasuka (Ác Tăng). Câu chuyện của nhóm Tăng nầy đã phát khởi tại miền núi Kiṭa. Tương truyền rằng: Họ là những Tỳ khưu quấy ác, không biết hổ thẹn tội lỗi, mặc dầu vị nào cũng đã từng là đệ tử của hai vị Thượng Thinh Văn. Họ quy tụ được đồ chúng cũng quấy ác như họ, gồm có năm trăm Tỳ khưu cùng trú ngụ chung nhau, tự mình trồng hay bảo kẻ khác trồng hoa… sửa kiểng… Nói tóm lại là họ tạo nhiều việc tà hạnh, làm hư hỏng các gia đình thiện tín, để nhờ đó mà nuôi sống bằng tứ vật dụng tà mạng. Họ chấp chứa các Tỳ khưu quấy ác như thế, còn những vị trong sạch thì bị họ đuổi đi, không cho ở (anāvāsaṃ akaṃsu).
Việc tác tệ của nhóm Tỳ khưu nầy thấu đến tai Đức Thế Tôn. Để hành Tăng sự trục xuất (pabbājanīyakammakaraṇa) họ ra khỏi vùng cư trú, Đức Thầy gọi hai vị Thượng Thinh Văn cùng với đoàn tùy tùng của các Ngài, đến phán bảo:
– Nầy Sāriputta, các ông hãy ra đi… Hễ những ai không vâng lịnh các ông, thì các ông hãy cho đọc tuyên ngôn trục xuất họ. Còn những ai vâng lịnh thì ông hãy dạy dỗ nhắc nhở họ. Quả thật, đối với người dạy dỗ, nhắc nhở thì những kẻ thiểu trí không mấy gì yêu mến, nhưng những người sáng suốt thì lại kính yêu.
Tiếp theo đó, Đức Bổn Sư thuyết pháp và kết luận bằng kệ ngôn rằng:
“Ovādeyyānusāseyya,
Asabbhā ca nivāraye;
Sataṃ hi so piyo hoti,
Asataṃ hoti appiyoti”.
“Người hay dạy dỗ khuyên răn,
Thấy ai phạm lỗi can ngăn tức thì.
Người sáng trí kính yêu vì,
Kẻ tối, trái lại sân si oán thù”.
CHÚ GIẢI:
Tiếng Ovādeyya trên đây nghĩa là chỉ dạy về điều lỗi nào đã hoặc đang phạm. Còn tiếng anusāseyya là chỉ dạy khuyên răn về điều lỗi nào chưa phạm nhưng có thể phạm trong tương lai, và làm hạ phẩm giá của người phạm lỗi.
Dạy dỗ người cách trực tiếp, lúc giáp mặt gọi là ovadati, còn dạy dỗ gián tiếp hoặc bằng thơ, hoặc bằng lời nói nhắn thì gọi là anusāsati. Dạy dỗ chỉ một lần cũng gọi là ovadati, còn dạy dỗ theo cách dạy đi dạy lại nhiều lần nối tiếp thì dạy những lần sau gọi là anusāsati.
Câu kệ đầu là nói về sự chỉ dạy bằng cả hai cách như đã giải trên.
Asabbhā có nghĩa là ngăn cấm các bất thiện pháp và khuyến khích các thiện pháp.
Sataṃ: người sáng trí như thế, hằng được các bậc đại nhân, nhất là chư Phật mến yêu.
Asataṃ: những người chưa giác ngộ chơn lý giải thoát, xuất gia chỉ có mục đích kiếm ăn để nuôi thân sống mà thôi cho nên đối với người dạy dỗ khuyên răn họ, họ trả lời trắng trợn như muốn xỉa xói vào mặt: “Sư không phải là Thầy Tế độ, không phải là Thầy Tiếp dẫn của chúng tôi, tại sao Sư lại muốn dạy chúng tôi?”; kẻ tối mê không ưa mà còn ghét người dạy dỗ như thế.
Đến cuối thời Pháp nhiều vị Tỳ khưu chứng đắc Thánh Quả, nhất là Tu Đà Hườn.
Sau khi nhận lãnh huấn từ của Đức Bổn Sư, Đại đức Sāriputta cùng Đại đức Moggallāna ra đi đến dạy dỗ, nhắc nhở nhóm Tỳ khưu tà hạnh. Có một số nhận lãnh huấn từ giáo hóa, cải tà quy chánh, một số tự động xin hoàn tục, còn một số không nhận lỗi bị Tăng tụng tuyên ngôn trục xuất ra khỏi địa phương Kiṭa.
Dịch Giả Cẩn Đề
Phẩm giá nhà sư chẳng giữ gìn,
Làm điều tà hạnh để mưu sinh,
Biết nghe lời dạy còn yêu Phật,
Ngoan cố thì theo hẳn thế tình…
DỨT TÍCH ASSAJIPUNABBASUKA