Nội Dung Chính
Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II
Phẩm Ác: Tích Ba Nhóm Tỳ Khưu
“Na antalikkhe na samuddamajjhe,
Na pabbatānaṃ viraraṃ pavissa;
Na vijjate(1) so jagatippadeso,
Yatraṭṭhito(1) mucceyya pāpakammā”.
“Không trên trời, giữa biển,
Không lánh vào động núi,
Không chỗ nào trên đời,
Trốn được quả ác nghiệp”.
Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết khi Ngài ngự tại Kỳ Viên Tự (Jetavana Vihāra), đề cập đến ba nhóm Tỳ khưu.
Tương truyền rằng: Trong thời Đức Bổn Sư đang ngự tại Kỳ Viên, có nhiều vị Tỳ khưu đang trên đường về yết kiến Ngài, ghé vào một làng nọ để khất thực. Dân làng thỉnh bát các Tỳ khưu, mời các Ngài ngồi nơi nhà khách, dâng cháo và bánh ngọt các Ngài điểm tâm xong, ráp nhau ngồi nghe thuyết pháp, vì chưa đến giờ dâng bữa cơm ngọ.
Trong khi ấy, một phụ nữ đã nấu cơm ở nhà bếp, đang còn nấu canh và các món ăn phụ, chụm lửa quá nhiều, ngọn lửa từ lò bốc lên cháy mái tranh. Một bựng tranh cháy bay bổng lên không.
Ngay lúc ấy, một con quạ đang bay qua, đút cổ vào trong bựng tranh đang cháy, bị cỏ tranh quấn khắp mình thiêu đốt, rơi xuống giữa làng. Các Tỳ khưu thấy vậy, nghĩ thầm: “Ôi! Tội nghiệp thay! Các đạo hữu hãy coi đó! Con quạ nầy chết dữ do tạo nghiệp gì, ngoài Đức Bổn Sư ra, ai mà biết được? Chúng ta sẽ hỏi Ngài cho biết tiền nghiệp của nó!”. Rồi các Tỳ khưu lại ra đi.
Một nhóm Tỳ khưu khác, cũng đáp thuyền về Kỳ Viên để yết kiến Đức Thế Tôn. Thuyền đi giữa biển, bỗng nhiên đứng khựng lại. Hành khách xôn xao hỏi: “Trong đây chắc có người xui xẻo”. Họ đồng ý bắt thăm xem ai là người phải chịu hi sinh để tế hải thần. Đợt đầu tiên, vợ của thuyền trưởng rút trúng thăm ấy. Thuyền trưởng lại yêu cầu bắt thăm một lần nữa. Đợt thứ hai, cũng vợ ông ta trúng thăm. Đến đợt thứ ba, lá thăm cũng về phần phụ nữ nầy.
Hành khách nhìn mặt thuyền trưởng và hỏi:
– Phải tính sao đây, ông chủ?
Thuyền trưởng đáp:
– Ta không thể vì một phụ nữ mà để cho đại chúng phải thọ nạn. Quí vị hãy thảy cô ta xuống biển đi!
Khi bị bắt thảy xuống nước, phụ nữ ấy kinh hãi sợ chết, khóc thét lên. Thuyền trưởng nghe la, bèn nói:
– Cần gì phải làm hủy hoại những nữ trang của cô ấy cho uổng?
Ông ta cởi hết nữ trang của cô vợ, cho cô ta mặc một cái váy cũ, rồi bảo mọi người:
– Hãy ném cô ta đi! Vì ta không thể chịu được khi thấy xác cô ta nổi phình trên mặt nước, cho nên mấy người hãy lấy bình đầy cát cột vào cổ cô ta rồi liệng cô ta xuống biển cho ta khỏi trông thấy cô ta nữa.
Mọi người làm theo lời thuyền trưởng. Ngay chỗ bị ném xuống, phụ nữ ấy bị cá và rùa bao vây cắn rỉa. Chư Tỳ khưu nghe hết câu chuyện nầy, tự nghĩ: “Ngoài Đức Bổn Sư ra, nào ai khác biết được tiền nghiệp của phụ nữ ấy? Chúng ta sẽ hỏi Đức Bổn Sư về tiền nghiệp của nàng!”.
Khi thuyền đến bến, các Tỳ khưu lên bờ và đi bộ về chùa. Một nhóm Tỳ khưu khác gồm có bảy vị, nhập hạ ở miền biên địa, mãn hạ, trở về yết kiến Đức Bổn Sư. Dọc đường, chiều tối các vị vào một ngôi chùa xin tạm trú. Trong chùa có một cái động đá có bảy cái giường, chư Tăng được vào nằm nghỉ trong đó. Đến nửa đêm, một tảng đá to bằng nóc nhà, từ trên núi lăn xuống, chắn bít cửa động đá.
Chư Tăng ở chùa bảo nhau: “Chúng ta đã để cho các Tỳ khưu khách ngụ trong động đá nầy, bây giờ tảng đá to nầy đứng chắn lấp cửa động. Chúng ta hãy dẹp nó đi!”. Tất cả dân chúng trong bảy làng họp lại, ráng hết sức đẩy cũng không nhúc nhích nổi tảng đá. Bên trong động, các Tỳ khưu cũng tận lực một cách vô ích. Suốt bảy ngày liền, dân chúng không dời được tảng đá. Các Tỳ khưu khách phải nhịn đói trong bảy ngày, thọ khổ rất khốc liệt.
Đến ngày thứ bảy, tảng đá tự động lăn đi.
Các Tỳ khưu được thoát nạn, tự nghĩ: “Quả ác nầy của chúng ta, trừ Đức Bổn Sư ra thì có ai biết được? Chúng ta sẽ hỏi Ngài!”.
Ra khỏi chùa nầy, các Tỳ khưu nầy gặp hai nhóm Tỳ khưu trước, liền vần đoàn cùng nhau đi về đảnh lễ Đức Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Sau khi đáp lời vấn an của Đức Bổn Sư, chư Tăng lần lượt hỏi Ngài về lý do của những điều mình đã mục kích. Đức Bổn Sư tuần tự giải thích những lý do ấy như sau:
– Nầy các Tỳ khưu, con quạ ấy, tự nó đã tạo nghiệp ác nên mới chịu quả báo như vậy. Quả nhiên, trong thời quá khứ, nơi thành Bārāṇasī (Ba La Nại), có một nông phu, tự mình tập con bò của mình mà tập không được. Con bò của anh ta cứ đi một chút lại nằm xuống. Anh ta đánh nó đứng dậy thì nó cũng chỉ đi một chút rồi lại nằm ỳ xuống như trước. Ráng hết sức mình mà tập con bò lỳ không được, anh ta nổi nóng nói rằng:
“Từ đây về sau mầy sẽ nằm ngủ an vui nhé!”. Anh ta lấy rơm quấn cổ con bò coi như cục rơm, rồi lấy lửa châm đốt”.
Con bò bị thiêu sống, phải chết ngay nơi ấy.
– Nầy các Tỳ khưu, đó là tiền nghiệp của con quạ tạo. Do quả dị thục, nó đã bị thiêu trong hỏa ngục rất lâu và do quả còn dư sót nó đã đầu thai làm quạ bảy lần và bị chết cháy trên không như thế. – Nầy các Tỳ khưu, sau đây là tiền nghiệp của phụ nữ ấy. Trong thời quá khứ, nơi thành Bārāṇasī (Ba La Nại), vợ của một gia chủ nọ, một tay quán xuyến tất cả công việc nhà, nào là gánh nước, giã gạo, nấu cơm v.v… Có một con chó đực, cứ ngồi nhìn chị ta trong khi chị ta đang làm các công việc nhà. Khi chị ta đem cơm ra ruộng cho chồng, hoặc vào rừng kiếm củi, lá v.v… con chó cũng đi theo chị ta.
Thấy vậy, các thanh thiếu niên chế nhạo rằng: “Anh em ơi, bữa nay thợ săn dắt con chó đi săn, chúng mình sẽ có thịt ăn!”.
Nghe lũ trẻ nói vậy, chị ta mắc cỡ, lấy gậy, lấy đá đánh đuổi con chó chạy đi xa. Theo truyền thuyết, con chó nầy đã là chồng của chị ta trong ba tiền kiếp, cho nên không thể đoạn tuyệt luyến ái được. Quả thật, mặc dầu trong cái vòng luân hồi vô thỉ, ban dầu không có ai là vợ hoặc là chồng của ai cả, nhưng trong những kiếp gần đây, vì tình thân thuộc mà phát sanh sự ái luyến thái quá, cho đến nỗi con chó lìa xa chị ta không được.
Phụ nữ nổi giận, muốn giết con chó, bèn lấy một cuộn dây đem theo mình, khi đem cháo ra ruộng cho chồng ăn, con chó vẫn lẽo đẽo theo sau phụ nữ ấy.
Sau khi đưa cháo cho chồng ăn rồi, chị ta cầm cái bình không đi đến một ao nước, hốt cát đổ đầy bình. Nhìn thấy con chó đứng gần đó, chị ta tróc kêu nó đến.
Con chó nghĩ thầm: “Từ lâu lắm, hôm nay ta mới được nghe những lời dịu ngọt”, nó ngoắt đuôi chạy lại. Phụ nữ ấy nắm chặt cổ con chó. Một đầu dây đã cột sẵn vào bình đầy cát, còn một đầu chị ta cột cổ con chó, rồi ném cái bình xuống ao nước. Con chó bị lôi theo cái bình và bị chết chìm dưới ao.
Do quả dị thục của ác nghiệp nầy, phụ nữ đã bị thiêu đốt rất lâu dưới địa ngục. Do quả dư sót, chị ta bị cột cổ dính với cái bình đầy cát, thảy xuống nước và chết đuối như vậy trong một trăm kiếp nữa, khi được trở lại làm người.
– Nầy các Tỳ khưu, các thầy đã gặp nạn cũng là do quả tiền nghiệp. Thật vậy, trong thời quá khứ, có bảy cậu bé chăn bò cư ngụ nơi thành Bārāṇasī, thường đuổi bò cho ăn trong một chỗ đất hoang ở ven rừng, cứ bảy ngày thì trở lại chỗ ban đầu. Một hôm, khi đuổi bò về, chúng gặp một con kỳ đà và rượt theo nó. Con kỳ đà chạy thoát, chun xuống một gò mối. Cái gò nầy có bảy ngách. Lũ trẻ nói: “Bây giờ chúng ta không thể bắt được nó. Ngày mai ta hãy trở lại bắt nó!”.
Nói rồi, bảy đứa bé, mỗi đứa bẻ một nhánh cây làm gậy, thọc xuống bít bảy lỗ ngách rồi bỏ đi. Hôm sau, không nhớ đến con kỳ đà, lũ trẻ đuổi bò cho đi ăn ở một nơi khác. Đến ngày thứ bảy, chúng đuổi bò đáo trở lại chỗ cũ, nhìn thấy gò mối mới nhớ đến con kỳ đà: “Con kỳ đà bây giờ ra sao nhỉ?”.
Mỗi đứa bé tự khai mở lỗ ngách của mình đã bít. Con kỳ đà đã ngất ngư gần chết, thân hình ốm chỉ còn xương với da, run rẩy bò lê ra ngoài. Thấy nó như vậy, lũ trẻ thương xót khuyên nhau: “Thôi đừng phá nó nữa, nó đã nhịn đói bảy ngày rồi”, chúng xoa lưng nó và nói: “Hãy đi an vui nhé!”, rồi thả nó ra.
Nhờ con kỳ đà chưa chết, bọn trẻ không bị thiêu ở địa ngục. Tuy nhiên, bảy đứa trẻ đã tạo cộng nghiệp, nên mười bốn kiếp về sau, mỗi kiếp chúng đều bị bỏ đói bảy ngày như thế cả.
– Nầy các Tỳ khưu, thuở xa xưa, khi sanh làm bảy đứa trẻ chăn bò, các thầy đã tạo ác nghiệp như thế.
Khi ấy, một vị Tỳ khưu hỏi Đức Thế Tôn rằng:
– Bạch Ngài, nếu vậy thì khi con người đã tạo nghiệp ác rồi, dầu cho bay lên trời, lặn xuống biển, hoặc vào trong hang núi, cũng không thoát khỏi quả của nghiệp phải chăng?
Đức Bổn Sư xác nhận:
– Nầy các Tỳ khưu, đúng như vậy! Bất cứ nơi đâu, như trên trời chẳng hạn, cũng không có chỗ trú để tránh khỏi quả của nghiệp ác.
Nói rồi, Đức Thế Tôn ngâm kệ rằng:
“Na antalikkhe na samuddamajjhe,
Na pabbatānaṃ vivaraṃ pavissa;
Na vijjate so jagatippadeso,
Yatraṭṭhito mucceyya pāpakammāti”.
Chẳng phải bay lên không trung,
Chẳng phải lặn xuống đáy biển,
Chẳng phải chui vào hang sâu núi thẳm,
Dù tìm khắp thế gian nầy, chẳng có nơi nào
Trốn khỏi ác nghiệp đã gây.
CHÚ GIẢI:
Ý nghĩa của kệ ngôn nầy là: Dầu cho ai có giỏi nói: “Bằng phương thế nầy ta sẽ tránh khỏi quả của ác nghiệp”, rồi bay lên ngồi trên không, hoặc lặn xuống đáy biển sâu đến tám muôn bốn ngàn do tuần, hoặc vào ngồi trong hang núi, người ấy cũng không bao giờ thoát khỏi quả của ác nghiệp. Khắp bốn phương tám hướng trên mặt đất nầy, không có một chỗ đứng an toàn nhỏ bằng mảy lông để tránh khỏi quả của ác nghiệp được.
Cuối thời Pháp, ba nhóm Tỳ khưu đều đắc Thánh quả, nhất là Tu Đà Hườn quả. Kỳ dư đại chúng thính pháp đều hưởng được lợi ích.
Dịch Giả Cẩn Đề
Ba nhóm Tỳ khưu lễ Phật Đà,
Tường trình mọi việc thấy vừa qua:
Một con quạ tự bay vào lửa,
Thiếu phụ bị thần biển chẳng tha.
Bảy vị Tỳ Khưu bị bảy ngày,
Nhốt trong hang núi, lạ lùng thay!
Cầu xin Phật giải Nhân tiền nghiệp,
Phật bảo: “Các thầy lắng nghe đây!”
Con quạ trước là một dân cày,
Đốt bò chứng chẳng nương tay.
Ngày xưa, thiếu phụ dìm con chó,
Xuống một ao hồ, chết rã thây.
Bảy đứa chăn trâu, nhốt kỳ đà,
Bảy ngày đói khát, mới buông tha,
Nhân nào quả nấy không sai chạy,
Chẳng có nơi đâu khỏi Nghiệp mà!
DỨT TÍCH BA NHÓM TỲ KHƯU