Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II 

Phẩm Ác: Tích Bá Hộ Chân Mèo

“Māvamaññetha puññassa,
Na mantaṃ āgamissati;
Udabindunipātena,
Udakumbhopi pūrati;
Dhīro pūrati puññassa,
Thokathokampi ācinaṃ”.

“Chớ chê khinh điều thiện,
Cho rằng “chưa đến mình”,
Như nước nhỏ từng giọt,
Rồi bình cũng đầy tràn.
Người trí chứa đầy thiện,
Do chất chứa dần dần”.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết khi Ngài ngự tại Kỳ Viên Tự (Jetavana Vihāra), đề cập đến Bá hộ Chân Mèo (Biḷālapādaka). Một thuở nọ, dân thành Sāvatthī (Xá Vệ) lập thành đoàn Hộ pháp, để bát cúng dường đến Tăng, có Đức Phật dẫn đầu. Một hôm, trong lúc phúc chúc cho các thí chủ, Đức Thế Tôn giảng rằng:

– Nầy các Thiện nam, nơi đây (trong Giáo Pháp nầy), có một số người tự mình làm phước Trai Tăng cúng dường mà không rủ thêm ai khác, khi chuyển kiếp lai sinh nơi cảnh giới nào, người ấy cũng được dồi dào của cải mà không được đông đảo tùy tùng. Một số người không tự mình làm phước, nhưng lại rủ ren, đốc xúi người khác làm phước, khi chuyển kiếp tái sinh nơi cảnh giới nào sẽ là người có đông đảo tùy tùng nhưng không được dồi dào của cải. Một số người không tự mình làm phước Trai Tăng, cũng không hề rủ ren, đốc xúi ai khác làm phước, trong lúc chuyển kiếp tái sanh, người ấy không có của cải dồi dào, cũng không có tùy tùng đông đảo, phải sống nghèo đói, ăn chực của người. Còn một số người tự mình làm phước Trai Tăng, lại còn rủ thêm người khác cùng làm phước thì đến khi tái sanh nơi cảnh giới nào, những người sau nầy đều được dồi dào tài sản và đông đảo tùy tùng.

Khi ấy, có một bậc Hiền trí nghe được thời pháp nầy, lấy làm thỏa thích nghĩ thầm: “Ôi! Chân lý nầy thật là kỳ diệu! Bây giờ ta sẽ tạo nghiệp đầy đủ cả hai loại phước báu”.

Khi Đức Bổn Sư đứng dậy sắp đi, ông thỉnh rằng:

– Bạch Ngài, ngày mai xin Ngài hãy đến thọ bát của chúng tôi!

– Ông cần bao nhiêu vị Tỳ khưu?

– Bạch Ngài, con xin thỉnh hết tất cả Tỳ khưu.

Đức Bổn Sư im lặng nhận lời.

Ông Thiện nam bèn vào làng kêu gọi đồng bào Phật tử:

– Bà con cô bác ơi, ngày mai nầy chúng tôi sẽ làm phước thỉnh chư Tăng có Đức Phật dẫn đầu. Tùy theo sức mình, ai có thể đặt bát được bao nhiêu vị Tỳ khưu thì hãy lãnh phần, rồi đem gạo, thực phẩm đến để nấu cơm cháo, đến một địa điểm nọ giao cho một người nấu, rồi chúng ta sẽ đặt bát.

Khi ấy có một ông Bá hộ đi đến cửa chợ, thấy ông Thiện nam thì nghĩ rằng: “Cái ông nầy thỉnh tất cả Tăng chúng, mà lại đi kêu gọi khắp làng để bát”. Bá hộ phát sân, gọi ông Thiện nam: “Ông hãy đưa bình đây, ta hộ cho!”. Rồi ông ta chụm ba ngón tay nắm một chút gạo, một chút đậu xanh và một chút đậu trắng gởi để bát. Từ đó về sau, ông được biệt danh là Bá hộ chân Mèo (Biḷālapādaka). Sau khi bố thí thuốc nước như sữa chua, nước mía… ông Bá hộ cũng trút chung từ cái chai, cái hộp nhỏ vào trong một cái bình rồi rót ra từng giọt, từng giọt mà cho. Sau khi gom chung các vật hùn phước rồi, ông Thiện nam nhận lãnh phần ông Bá hộ và để riêng ra. Thấy ông làm như vậy, ông Bá hộ tự hỏi: “Vì lẽ gì ông nầy lại để phần Bố thí của ta riêng ra?”, ông phái một đầy tớ trai thân tín đi theo ông Thiện nam:

– Hãy đi, xem cho biết việc ông ta làm!

Ông Thiện nam đi về tới chỗ nấu ăn, soạn đồ của ông Bá hộ hùn phước và nói:

“Cầu cho ông Bá hộ được phần phước lớn”. Rồi ông lấy một vài hạt gạo của ông Bá hộ bỏ chung vào số thực phẩm để nấu cháo, cơm và làm bánh… đến đậu xanh, đậu trắng, dầu, nước mía ông cũng thận trọng rót từng giọt vào bình đựng thực phẩm như thế.

Tên tớ trai của ông Bá hộ thấy vậy, trở về thưa lại cho chủ biết, nghe vậy Bá hộ nghĩ thầm: “Nếu ông nầy nói xấu ta ngay giữa hội chúng thì ta sẽ đập chết ông ta mà rửa nhục”. Thế rồi qua ngày sau, ông Bá hộ lận dao găm vào thắt lưng đến đứng trong Trai Tăng đường.

Sau khi hộ độ chư Tăng có Đức Phật dẫn đầu xong, ông thí chủ bạch với Đức Thế Tôn:

– Bạch Ngài, chúng con kêu gọi đại chúng hùn phước mà làm xong cuộc lễ Trai

Tăng nầy, trong đây những người hùn phước tùy theo sức mình dầu nhiều hay ít, đã dâng cúng vật ăn, thức uống, cầu xin cho tất cả những vị ấy đều được quả phước lớn! Nghe vậy, ông Bá hộ suy nghĩ: “Ta đã lấy chút ít mẽ cốc mà hùn phước như vậy, rồi lại sợ ông ta bôi lọ tên tuổi mình, nên đến đây chực giết ông ta. Thế nhưng khi hộ độ tất cả chư Tăng rồi, ông đã hồi hướng quả phước cho tất cả thí chủ, dầu ai dâng cúng nhiều bằng đấu mễ cốc hoặc chỉ dâng cúng chút ít cũng vậy. Nếu ta không sám hối với một người công tâm như vậy, có lẽ thiên lôi sẽ đập ta bể đầu”.

Ông Bá hộ liền quỳ mọp dưới chân ông Thiện nam và nói:

– Xin ông hãy tha lỗi cho tôi!

– Cái gì đây vậy?

Nghe hỏi, ông Bá hộ tự thú hết câu chuyện sái quấy của mình. Thấy ông làm như vậy, Đức Bổn sư hỏi:

– Có việc gì thế, ông muốn làm phước Trai Tăng phải chăng?

Ông Thiện nam đem hết tự sự từ trước đến giờ thuật lại.

Đức Bổn Sư hỏi lại ông Bá hộ:

– Lời nói như thế đó có đúng không ông Bá hộ?

– Bạch Ngài, đúng như vậy.

Đức Bổn Sư giảng rằng:

– Nầy Thiện nam, trong việc làm phước không nên khinh thường việc làm phước nhỏ nhen. Sự làm phước cúng dường đến Tăng có Phật như Ta dẫn đầu thì dầu chút ít cũng không nên coi thường. Quả thật, đối với bậc Hiền trí, việc làm phước giống như cái bình không nắp hứng những giọt nước mưa, cứ liên tục hứng mãi thì bình ắt phải đầy.

Nói rồi, Đức Bổn Sư thuyết pháp và ngâm kệ rằng:
“Māvamaññetha puññassa,
Na mantaṃ āgamissati;
Udabindunipātena,
Udakumbhopi pūrati;
Dhīro pūrati puññassa,
Thokathokampi ācinaṃ”.

Chớ khinh điều lành nhỏ, cho rằng:
Chẳng đưa lại quả báo cho ta,
Phải biết giọt nước nhểu
Lâu ngày cũng làm đầy bình.
Kẻ trí sở dĩ toàn thiện
Chứa dồn từng khi ít mà nên.

CHÚ GTẢI:
Ý nghĩa của Kệ ngôn nầy là:

Người Hiền trí sau khi làm phước, không nên coi thường, xem khinh việc phước đã làm như nói: “Việc phước của ta đã làm nhỏ nhen, không đáng kể, sẽ không có quả báo. Nghiệp nhỏ như thế sẽ không thấy ta, hoặc ta sẽ không thấy nó ở đâu, chừng nào quả ấy mới chín…”. Cũng như giọt mưa cứ nhểu liên tục bất đoạn vào cái bình sành không đậy nắp, để ngoài trời sẽ đầy tràn cái bình ấy, bậc Hiền nhân Trí giả lai rai từng chút, làm phước mãi, lâu ngày cũng tích trữ đầy phước báu vậy. Cuối thời Pháp, ông Bá hộ đắc quả Tu Đà Huờn. Kỳ dư tứ chúng thính pháp đều được sự lợi ích.

Dịch Giả Cẩn Đề
Bá hộ nhà giàu, chẳng khác nghèo,
Nổi danh là “Thí chủ Chân mèo”,
Tức mình muốn giết người kêu phước,
Sám hối rồi, sau bỏ tính keo.
Phật dạy: Đừng khinh thiện nhỏ nhen,
Làm đi làm lại riết thành quen,
Giọt mưa tuy nhỏ, bình tuy lớn,
Nhểu mãi đầy bình, việc chẳng hèn!
DỨT TÍCH BÁ HỘ CHÂN MÈO

111

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app