Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II
Phẩm A La Hán: Tích Trưởng Lão Xá Lợi Phất Bị Cáo Gian
“Paṭhavīsamo no virujjhati,
Indakhīlūpamo tādi subbato;
Rahado’va apetakaddamo,
Saṃsārā na bhavanti tādino”.
“Như đất không hiềm hận,
Như cột trụ, kiên trì,
Như hồ, không bùn nhơ,
Không luân hồi, vị ấy”.
Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết, khi Ngài ngự tại Jetavana Vihāra (Kỳ Viên Tự), đề cập đến Trưởng lão Sāriputta (Xá Lợi Phất).
Một thuở nọ, sau khi mãn mùa an cư, Trưởng lão Sāriputta muốn đi vân du, bèn vào xin phép Đức Bổn Sư, đảnh lễ cáo từ Ngài và ra đi với đoàn tùy tùng của mình, nhiều Tỳ khưu ở nhóm khác cũng đi theo Trưởng lão. Những Tỳ khưu được Trưởng lão biết rõ tên họ được Trưởng lão quay lại chào hỏi theo tên họ. Có một Tỳ khưu nọ không được Trưởng lão lưu ý vì đứng lẫn lộn trong đám đông Tăng chúng. Vị Tỳ khưu vô danh này thấy mình không được ưu đãi như các Tỳ khưu khác thì buộc oan trái với Trưởng lão. Khi ấy, Trưởng lão vô tình để cái y Tăng Già Lê chạm vào mình của vị Tỳ khưu ấy.
Khi biết: “Có lẽ bây giờ Trưởng lão đã đi khỏi ranh chùa rồi!”, vị Tỳ khưu bất bình vào khiếu nại với Đức Bổn Sư:
– Bạch Ngài Trưởng lão Sāriputta ỷ thị: “Ta đây là Thượng Thinh Văn, lớn nhất trong Tăng chúng”, nên khi ra đi vân du, Trưởng lão đánh con muốn bể vành tai mà không sám hối.
Đức Bổn Sư cho gọi Trưởng lão trở lại để phân xử. Ngay khi ấy hai vị Trưởng lão là Mahāmoggallāna (Ma Ha Mục Kiền Liên) và Ānanda (A Nan Đa) đều nghĩ thầm: “Sư huynh của ta không có đánh Tỳ khưu nầy, nếu Đức Bổn Sư không biết rõ sự thật thì oan cho Sư huynh của ta lắm”. Hai Trưởng lão muốn cho Trưởng lão Xá Lợi Phất rống lên tiếng rống của con sư tử, nên bảo nhau: “Ta sẽ triệu tập Tăng chúng câu hội lại tất cả”.
Thế rồi, hai vị Trưởng lão mở hoác các cửa vào đạo trường, kêu gọi chư Tỳ khưu Tăng tập hợp: “Các Trưởng lão hãy đến hội trường cho đông đủ, hôm nay trước mặt Đức Thế Tôn, Trưởng lão Sāriputta sẽ rống lên tiếng rống con sư tử”.
Trưởng lão Sāriputta đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi ngồi xuống, khi ấy Đức Bổn Sư hỏi Trưởng lão về câu chuyện vị Tỳ khưu vô danh tố cáo, thay vì nói: “Con không có đánh Tỳ khưu nầy”, Trưởng lão chỉ thuyết trình về đức tính của tự ngã:
“Bạch Ngài, thật vậy, Tỳ khưu nào chưa thuần thục trong đề mục niệm Thân trược (Kāyagatāsati), tâm còn luyến lưu một bạn đồng Phạm hạnh nào đó, chưa dứt bỏ được thì nên ra đi hành đạo”. Rồi Trưởng lão giảng giải: “Bạch Ngài, ví như mặt đất, trên đó người ta bỏ đồ sạch, hay đồ dơ nó vẫn như thường, tâm mình cũng bình thản như mặt đất vậy đối với mọi sự thị phi. Hoặc nói cách khác tâm mình cũng bình thản như nước, như lửa, như gió, như bụi, như thanh niên Chiên đà la, như bò rụng sừng, như chén mỡ đặc. Vả lại, tự thân mình thật đáng ghê tởm như xác rắn chết sình, như chảo
chiên dầu mỡ, chứ nào có đáng gì trân trọng bảo trì?”.
Trong khi Trưởng lão đang thuyết trình, tự ví mình như chín vật trên đây, bắt đầu từ đất đến nước,… thì quả địa cầu rung động. Đến khi Trưởng lão ví mình như từ hạt bụi đến thanh niên Chiên đà la, đến chảo chiên dầu mỡ, thì các Tỳ khưu còn phàm không còn cầm được nước mắt, các bậc Lậu tận thì kinh cảm vì Pháp (Dhammasaṃyego).
Trong khi Trưởng lão đang thuyết trình về các đức tính của mình có theo thứ lớp như vậy, vị Tỳ khưu cáo gian nghe trong mình toàn thân bị nóng như bị lửa đốt. Vị ấy quỳ mọp dưới chân Đức Thiện Thệ vừa tự thú là mình cáo gian Trưởng lão. Đức Bổn Sư gọi Trưởng lão và bảo: “Nầy Sāriputta hãy tha tội cho kẻ nầy, để cho đầu hắn khỏi bị bể thành bảy mảnh”.
Trưởng lão ngồi xổm, chấp tay lại và nói: “Bạch Ngài, con tha thứ cho vị Tỳ khưu này và xin Trưởng lão ấy hãy xá lỗi cho con, nếu con có lỗi”.
Các Tỳ khưu nói chuyện với nhau:
– Nầy các đạo hữu hãy nhìn xem, Trưởng lão có đức độ vô thượng, bây giờ đối với vị Tỳ khưu nguyên cáo giả dối như vậy mà Trưởng lão không có tâm giận hờn chút chi, lại còn tự mình ngồi xổm, chấp tay xin sám hối nữa.
Đức Bổn Sư nghe câu chuyện của Chư Tăng, liền hỏi:
– Nầy các Tỳ khưu, các thầy nói chuyện chi vậy?
– Bạch Ngài, chuyện nầy như vầy… như vầy.
Nghe vậy, Đức Bổn Sư dạy rằng: “Nầy các Tỳ khưu, không thể nào làm cho hạng người như Sāriputta phát sanh tâm sân. Nầy các Tỳ Khưu, tâm của Sāriputta bình thản như mặt đất, kiên cố như cột trấn của chư thiên, thanh tịnh như nước ao không bùn”.
Nói rồi, Ngài thuyết pháp dạy thêm tóm tắt bằng bài kệ rằng:
“Paṭhavīsamo no virujjhati,
Indakhīlūpamo tādi subbato;
Rahado’va apetakaddamo,
Saṃsārā na bhavanti tādino”.
“La Hán giũ sạch Tam hành,
Tâm như bình địa chí thành cố kiên.
Như cột trấn của chư thiên,
Như ao sâu thẳm, lặng yên, không bùn.
Nên vòng sanh tử cuối cùng,
Khởi từ vô thủy cáo chung nơi người”.
CHÚ GIẢI:
Paṭhavīsamo: Nầy các Tỳ khưu, ví như trên mặt đất người ta vứt bỏ những vật sạch sẽ là hương thơm, tràng hoa chẳng hạn, người ta vứt bỏ những vật dơ bẩn như phẩn, nước tiểu chẳng hạn, như ở ngoài cổng thành là chỗ đổ rác vậy.
Indakhīla: lại ví như trụ đá bị lũ trẻ con đến tiểu lên, hoặc đập sứt mẻ, khi khác lại được người khác đến cúng dường dâng hương hoa, lễ vật. Cả mặt đất và cây trụ đá cũng không vui mừng hay phẫn nộ. Bậc Tỳ khưu Lậu tận cũng như thế, tâm không dao động vì Tám pháp thế gian, do có tư cách tốt đẹp mà nên người có hạnh kiểm tốt, không quan tâm nghĩ rằng: “Những người nầy tôn trọng cúng dường ta bằng tứ vật dụng, còn những người nầy không tôn trọng cúng dường ta”. Dầu ai tôn trọng hay không tôn trọng, bậc ấy cũng không hề nổi giận, hoặc chống cự lại, chẳng khác mặt đất và cây trụ đá đó vậy.
Rahado’va: Ví như ao hồ nước trong veo vì không lẫn bùn, bậc Lậu tận có tâm thanh tịnh, không lẫn bùn nhơ là phiền não tham ái, sân hận, si mê.
Tādino: đối với vị thánh thiện như vậy, con đường luân hồi siêu sanh nhàn cảnh hay đọa vào bốn khổ cảnh không thể có. Cuối thời Pháp, chín ngàn vị Tỳ khưu đắc quả A La Hán với Tuệ Phân Tích.
Dịch Giả Cẩn Đề
Pháp chủ mà còn bị cáo gian,
Người ngay đâu lẽ chịu hàm oan?
Phân minh tự ví mình như đất:
Hàm chứa bao dung chẳng thở than!
Phật dạy: Tâm người đã hết sân,
Là tâm La Hán, bậc Siêu nhân,
Vững như trụ đá trên Thiên giới,
Sạch tợ trùng dương, chẳng nhuốm trần.
DỨT TÍCH TRƯỞNG LÃO XÁ LỢI PHẤT BỊ CÁO GIAN