Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II
Phẩm A La Hán: Tích Trưởng Lão Bê Lát Thá Xi Xô
“Yesaṃ sannicayo natthi,
Ye pariññātabhojanā;
Suññato animitto ca,
Vimokkho yassa gocaro;
Ākāseva sakuntānaṃ,
Gati tesaṃ durannayāti”.
“Tài sản không chất chứa,
Ăn uống biết liễu tri,
Tự tại trong hành xứ,
Không, Vô tướng, Giải thoát
Như chim giữa hư không,
Hướng chúng đi khó tìm”.
Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư thuyết, khi Ngài ngụ tại Jetavana Vihāra (Kỳ Viên tự), đề cập đến Trưởng lão Belaṭṭhasīsa (Bê Lát Thá Xi Xô).
Tương truyền rằng: Trưởng lão nầy, sau khi vào làng đi khất thực theo một con đường, độ cơm xong rồi, lại theo một con đường khác thọ lãnh cơm khô đem về chùa cất để dành, vì thấy sự đi bát kiếm ăn hàng ngày vất vả khó nhọc. Trưởng lão muốn nghỉ vài ba hôm để hành thiền cho được an vui, lúc cần đến vật thực sẽ lấy cơm khô ấy mà độ. Chư Tỳ khưu biết được chuyện này trách móc Trưởng lão, rồi mách lại với Đức Thế Tôn.
Mặc dầu Đức Thế Tôn nhân cơ hội nầy đã ban hành điều học cấm các Tỳ khưu từ nay trở đi không được phép cất giữ vật thực quá thời hạn, nhưng Ngài cũng giải thích rằng: Trưởng lão không phạm tội vì hành theo hạnh Thiểu dục, trong khi các học giới chưa được ban hành. Kế đó, Đức Bổn Sư thuyết pháp rồi ngâm kệ rằng :
92. “Yesaṃ sannicayo natthi,
Ye pariññātabhojanā;
Suññato animitto ca,
Vimokkho yassa gocaro;
Ākāseva sakuntānaṃ,
Gati tesaṃ durannayāti”.
“Những bực đắc Lậu tận thông,
Của tiền chẳng để dự phòng mà chi.
Uống ăn quán tưởng theo thì,
Trên đường giải thoát lại đi an nhàn.
Cõi Không, Vô Tướng, Níp Bàn,
Là nơi trống vắng chim ngàn bay cao”.
CHÚ GIẢI:
Sannicayo: Sự tích trữ có hai thứ: Tích trữ nghiệp (Kammasannicayo) và tích trữ vật dụng (Paccayasannicayo). Sự tích trữ các thiện hay bất thiện nghiệp, gọi là tích trữ nghiệp, sự tích trữ bốn món vật dụng để ăn, mặc, ở và trị bịnh gọi là tích trữ vật dụng. Trong ngôi chùa nói trên đây, là một khối đường cục, bốn phần sữa chua và một đấu gạo của vị Tỳ khưu cất giữ để dành còn không có, huống chi nhiều hơn nữa, đó là nói về tích trữ vật dụng. Đối với các bậc A La Hán, cả hai thứ tích trữ trên đều không có.
Pariññātabhojanā: biết rõ vật thực, có ba thứ biết rõ gồm chung trong đó:
1. Ñātapariññā: là sự biết rõ thường thức, chẳng hạn như biết rõ cháo là cháo bởi trạng thái của nó.
2. Tīraṇapariññā: sự biết rõ đặc biệt do suy xét đến nhân phát sanh vật thực ô trọc tưởng (Āhārepaṭikūlasaññā).
3. Pahānaparinnā: Sự biết rõ dứt bỏ, nhờ có Trí tuệ cao thượng không còn tham dục đối với các món ăn thức uống.
Suññato animitto ca: Không, Vô tướng ở đây có luôn cả vô dục giải thoát. Cảnh giới Níp Bàn là nơi có ba tánh cách: Không, Vô tướng và Vô dục giải thoát nầy. Nơi đó không có những tâm tham, sân, si nên gọi là Không (Suññaṃ), đã giải thoát cả tam độc đến mức rỗng không nên gọi là Không giải thoát (Suññatovimokkha), không còn hình tướng của Tam độc nên gọi là Vô tướng (Animitta), đã giải thoát đến mức không còn hình tướng của Tam độc nên gọi là Vô Tướng Giải Thoát (Animitto vimokkho), không có sự thèm muốn dục lạc nên gọi là Vô dục (Appaṇhita), đã giải thoát hết cả mọi tình dục, nên gọi là Vô Dục Giải Thoát (Appaṇihito Vimokkho). Các bậc đã đắc Đạo quả, lấy Níp Bàn làm cảnh giới, trú tâm trong đối tượng đó mà được giải thoát cả
ba mặt nói trên đây.
Gataṃ tesaṃ durannayā: Lộ trình của các vị ấy không thể vẽ lại được. Cũng như đàn chim bay trên hư không, không có lưu lại dấu chân, ta không thấy lối đi của chúng, nên không thể vẽ lại được. Các bậc Lậu tận cũng thế, các Ngài không có hai thứ tích trữ về nghiệp và vật dụng, lại có ba thứ biết rõ về vật thực ăn uống, các Ngài lấy Níp Bàn Không, Vô tướng và Vô dục giải thoát làm cảnh giới. Đối với các Ngài, ba cõi (Tam giới), bốn loài (Tứ sanh), năm đường luân hồi (Ngũ lộ), bảy nơi nhàn cảnh (Satta viññāṇaṭṭhitiyo), chín cõi Tịnh cư (Navasattāvāsa), tất cả là năm đường lối tái sanh các Ngài đã vượt qua, lộ trình các Ngài đi không thể biết được, cũng không bày vẽ cho ai biết được.
Cuối thời Pháp, nhiều Tỳ khưu chứng đắc quả Thánh nhất là quả vị Tu Đà Hườn.
Dịch Giả Cẩn Đề
Trưởng lão Bê Lát Thá Xi Xô
Ham ngồi Thiền quá, chứa cơm khô,
Nghỉ chân ít bữa, mong vào Định,
Tăng chúng xì xò, Định chẳng vô…
Phật chẳng chê sư hám lợi quyền,
Nhưng ban Giới cấm chứa cơm tiền,
Người tu đi bát ăn từng bữa,
La hán không còn trữ Nghiệp duyên.
DỨT TÍCH TRƯỞNG LÃO BÊ LÁT THÁ XI XÔ