Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển I

Phẩm Tâm: Tích Đại Đức Phục Tâm

“Anavaṭṭhitacittassa,
Saddhammaṃ avijānato;
Pariplavapasādassa,
Paññā na paripūrati”.

“Anavassutacittassa,
Ananvāhatacetaso;
Puññapāpapahīnassa,
Natthi jāgarato bhayaṃ”.

“Người chưa có định tâm,
Hiểu chánh pháp sai lầm,
Tín đức chẳng kiên cố,
Chẳng đắc tuệ cao thâm”.

“Người hết tâm tham ái,
Không còn ý não hại,
Phước tội đều dứt trừ,
Giác tinh không sợ hãi”.

Hai bài kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết khi Ngài ngự an tại Jetavana (Kỳ Viên), đề cập đến Đại đức Cittahattha (Phục Tâm).

Tương truyền rằng: Thưở ấy có một vị công tử vào rừng để tìm một con bò đi lạc, theo dấu chân con bò đi mãi cho đến cuối giờ ngọ, công tử mới tìm gặp được nó. Đuổi cho nó nhập bầy xong, công tử cảm thấy mình vừa đói lại vừa khát. Nhìn thấy cổng Tịnh xá cậu nghĩ rằng: “Mình vào đây xin cơm nước, thế nào chư Tăng cũng cho”. (Trong thời Đức Phật còn tại thế, có vô số thức ăn phụ và canh phát sanh đến
chư Tăng luôn luôn). Sau khi ăn cơm no, uống nước đã khát, rửa tay và súc miệng rồi, công tử đảnh lễ chư Tăng:

– Bạch Ngài! Hôm nay chắc là có thí chủ thỉnh các Ngài đến nhà thọ bát mang về.

– Không đâu, nầy ông thiện nam, chư Tăng đi khất thực hằng ngày luôn luôn đều được như thế nầy.

Công tử suy nghĩ: “Mình thức khuya dậy sớm, làm việc không hở tay, cũng chưa có được cơm ngon canh ngọt mà dùng, mình nghe chư Tăng nói ngày nào cũng độ như vầy thì thật là sướng quá. Mình nên đi tu chớ ở nhà làm gì cực khổ quá”. Thế rồi, công tử đến xin chư Tăng cho mình được xuất gia nhập đạo. Khi ấy, chư Tăng đáp: “Lành thay! Ông thiện nam”. Và cho công tử được xuất gia ngay.

Thọ Cụ túc giới rồi, tân Tỳ khưu cũng làm hết mọi phận sự lớn nhỏ của một vị Tỳ khưu. Nhờ được thọ hưởng đầy đủ lễ vật phát sanh lên đến chư Thánh Tăng, nên mấy ngày sau vị Sư mới nầy phát phì. Khi ấy, vị nầy nghĩ rằng: “Thà làm người cư sĩ còn hơn là sống đi trì bình khất
thực”. Thế rồi, vị ấy lại hoàn tục trở về nhà. Ở nhà làm công việc được vài hôm thì sút
ốm trở lại, thấy vậy chàng nghĩ rằng: “Thà làm vị Sa môn còn hơn ở nhà chịu cực khổ như vậy”.

Nghĩ rồi, công tử lại đến chùa xin xuất gia. Cách vài hôm sau, nhà Sư mới lại bất mãn, nên hoàn tục nữa. Nhưng trong lúc tại gia, công tử vẫn lui tới nơi chùa làm phụ các việc hộ Tăng. Mấy bữa sau, công tử lại bất mãn nghĩ thầm: “Ta nên xuất gia chớ ở nhà làm cái gì”.

Thế là, công tử đến đảnh lễ chư Tỳ khưu và xin xuất gia lại. Khi ấy, chư Tăng nghĩ công người hộ độ nên cũng chiều lòng cho công tử xuất gia trở lại. Công tử nầy đi xuất gia lại tất cả là sáu lần như vậy. Mỗi lần thấy công tử xuất gia thì vị nào cũng nói:

– Ông Sư nầy bây giờ khắc phục tâm được rồi mới xuất gia hành đạo đó. Vì thế chư Tăng tặng cho vị nầy danh hiệu Cittahattha. Trong thời gian Đại đức Cittahattha hoàn tục rồi xuất gia trở lại nhiều lần như thế thì cô vợ có thai. Đến kỳ muốn xuất gia lần thứ bảy, công tử từ rừng xách đồ phụ tùng mang về nhà, bỏ xuống và nói:

– Ta sẽ đắp y trở lại.

Rồi đi ngay vô buồng, nhằm lúc cô vợ chửa của công tử ngủ mê, cô ta để tuột y nội, thân thể lõa lồ mà không hay biết, mũi thì ngáy khò khò, miệng thì hả toang hoác, ngó y như thây ma chết sình. Công tử ghê tởm, tự nghĩ: “Đây là Vô thường, Khỗ não. Mình đã mấy lần xuất gia lại hoàn tục, cũng tại cái nầy đây mà mình không tu làm Tỳ khưu lâu bền được”.

Đoạn công tử lấy y buộc thắt ngang bụng rồi chạy ra khỏi nhà. Khi ấy, bà mẹ vợ đứng bên nhà kế cận, thấy công tử đi vào nhà rồi chạy trở ra, thì tự hỏi: “Thằng nầy từ rừng mới về nhà, bây giờ lại lấy y vàng buộc ngang lưng bụng chạy trở ra đi về phía chùa. Tại sao vậy cà?”.

Bà nhạc vào nhà thấy đứa con gái của mình nằm hở hang như thế thì biết ngay là: “Thằng nầy nhìn thấy tướng con nầy nằm ngủ phát chán nên bỏ ra đi”. Bà đánh thức con gái: “Dậy đi! Kāḷakaṇṇi (Hắc Nhi), chồng mầy thấy tướng mầy nằm ngủ, nó chán bỏ đi luôn đó. Từ nay chắc nó không thuộc quyền sở hữu của mầy nữa đâu”.

– Má à! Anh ấy đi rồi anh ấy về nhiều lượt rồi mà, vài bữa đây anh ấy lại trở về, chớ có đi luôn đâu mà sợ.

Công tử Cittahattha đi trên đường, chân đặt bước mà miệng cứ lẩm nhẩm thầm:

“Vô thường, Khổ não”, rồi chứng đạt quả Tu Đà Hườn trong lúc đang đi đường.

Đến đảnh lễ chư Tăng xin xuất gia, công tử bị từ chối:

– Chư Tăng không muốn cho ông xuất gia, ông đâu có đủ tư cách là vị Sa môn.

Đầu ông cứng như đá mài dao.

– Bạch các Ngài, xin các Ngài hoan hỷ từ bi giúp con một lần nầy nữa mà thôi.

Chư Tăng lại chiều lòng, cho công tử xuất gia, mấy ngày sau Tỳ khưu Cittahattha chứng đắc A La Hán cùng với Tuệ phân tích, chư Tăng không biết việc nầy, hỏi vị Thánh Tăng mới:

– Nầy đạo hữu! Kỳ nầy sao lâu quá đạo hữu chưa trở về nhà.

– Bạch các Ngài! Hễ còn luyến ái trong tâm thì còn trở về nhà. Ai dứt được tâm luyến ái thì không còn muốn trở về nhà nữa chứ sao!

Chư Tăng kéo đến bạch cùng Đức Thế Tôn:

– Bạch Ngài! Tỳ khưu nầy đã dám nói với chư Tăng như thế. Ông nói như thế tức là ông tráo trở, giả dối phạm đại vọng ngữ.

Nhưng Đức Bổn Sư xác nhận: “Nầy các Tỳ khưu! Ông ấy nói đúng sự thật, con trai Ta trong lúc tâm còn bất định, không thông hiểu chánh pháp thì còn đi đi về về.

Nhưng bây giờ thì dứt cả việc phước việc tội”.

Nói rồi Đức Bổn Sư ngâm hai bài kệ như sau:
“Anavaṭṭhitacittassa,
Saddhammaṃ avijānato;
Pariplavapasādassa,
Paññā na paripūrati”.

“Người tâm bất định xôn xao,
Không thông Chánh pháp tối cao lạ thường.
Đức tin chẳng được kiên cường,
Trì thí Bát nhã không phương viên thành”.

“Anavassutacittassa,
Ananvāhatacetaso;
Puññapāpapahīnassa,
Natthi jāgarato bhayaṃ”.

“Người mà tâm đã tịnh thanh,
Không còn tham ái, gian manh thù hằn.
Phước tội đều dứt tận căn,
Giác tỉnh chẳng sợ lẽ hằng tử sanh”.

CHÚ GIẢI:
Anavaṭṭhitacitassa (Người tâm bất định): Tâm phàm là không có chút gì chơn thường, hay là bất biến. Nó dao động luôn luôn không khi nào đứng yên, cũng như trái bí đặt trên lưng ngựa, như cây đòn xóc dựng trên đống trấu, cũng như bông Kadamba để trên đầu trọc vậy. Người nào lúc thì làm nô lệ, lúc thì làm tu sĩ ngoại đạo Ājīvaka, lúc thì tu theo Nigantha, lúc thì tu đạo sĩ, không nhất định theo mãi một con đường nào thì gọi là người tâm bất định.

Saddhammaṃ avijānato (Người không thông Chánh pháp): Người có tâm bất định thì không phân tích được ba mươi bảy pháp trợ Bồ đề
(Sattatiṃsabodhipakkhiya).

Paññā na paripūrati (Không đầy đủ trí tuệ): Không có trí tuệ cao siêu để hiểu biết, phân tích được các pháp trong cõi Dục, cõi Sắc… Nội dung cõi Dục còn chưa biết cho đầy đủ, có đâu mà hiểu biết tới cõi Sắc, rồi từ cõi Sắc mà hiểu biết cho đầy đủ cõi Vô sắc và Siêu thế được.

Anavassutacittassa (Người hết tâm tham ái): Là người đã dứt trừ được tham ái.

Ananvāhatacetaso (Không còn ý não hại): Là không có tâm muốn dùng cây đánh đập, dầu đang tức giận, không có ý gì muốn đánh đập làm thiệt hại ai.

Puññapāpapahīnassa (Phước tội đều dứt trừ): Là dứt bỏ bốn đạo, gọi là dứt phước, và diệt tận phiền não gọi là dứt tội.

Natthi jāgarato bhayaṃ (Giác tỉnh không sợ hãi): Đây là nói trạng thái giác tỉnh, vô úy của bậc Lậu tận, bậc đã giác tỉnh, thấy được năm pháp giác tỉnh là: Tín, tấn, niệm, định và tuệ, cho nên dầu thức hay ngủ cũng không sợ phiền não là sự sợ hãi, những phiền não ngày đã đoạn trừ bằng bốn Thánh đạo, không còn theo đuổi người nữa, nghĩa là những phiền não người đã đoạn trừ bằng Tu Đà Hườn đạo là ba kiết sử thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ không còn trở lại theo người nữa, những phiền não nào người đã đoạn trừ bằng Tu Đà Hàm, A Na Hàm và A La Hán đạo, những phiền não ấy có bảy kiết sử, không còn trở lại đeo níu người ấy nữa.

Nghe dứt hai bài kệ đại chúng đều hưởng được lợi ích và đắc Thánh quả. Sau đó, có một hôm chư Tỳ khưu để khởi Pháp luận trong giảng pháp đường như vậy:

– Nầy chư huynh đệ, những phiền não nầy quả thật là đáng sợ, một vị công tử có đầy đủ căn lành để đắc A La Hán mà còn bị nó lung lạc, tu rồi hoàn tục đến bảy lần như thế.

Đức Bổn Sư nghe được Pháp thoại đề khởi giữa chư Tỳ khưu, bèn ngự hành vào giảng đường, ngự lên Phật tọa xong, Ngài phán hỏi:

– Nầy chư Tỳ khưu! Hôm nay các ông hội thảo chuyện chi thế?

– Bạch Ngài như vầy…

Nghe vậy, Đức Bổn Sư xác nhận: “Nầy các Tỳ khưu! Những phiền não đáng sợ là thế, nếu nó phát sanh lên rồi thì ai cũng bị nó chi phối tất cả. Khắp cõi Sa bà từ chư Thiên, Phạm Thiên đến những chúng sanh ti tiện, không một ai thoát khỏi quyền lực của nó. Cả những người đầy đủ trí tuệ như Ta thưở trước. Quả thật, Ta cũng đã từng vì nửa gáo hột giống và một cái cuốc mà đã hoàn tục, xuất gia cả bảy lần như thế”.

– Bạch Ngài! Lúc nào vậy?

– Nầy các Tỳ khưu! Các ông có muốn nghe chăng?

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

– Thế thì hãy lắng nghe đây.

Đức Bổn Sư thuật lại tiền tích rằng:

Trong thời quá khứ, khi vua Brahmadatta đóng đô tại thành Bārāṇasī, có một thanh niên tên là Kuddālapaṇḍita (Tráp hiền sĩ), xuất gia làm đạo sĩ. Ở tu tám tháng trong miền Tuyết Sơn, đến mùa mưa thấy đất ướt Kuddāla nghĩ rằng: “Ở nhà còn nửa gáo hột giống bí ngô, với cái cuốc cùn. Ta đừng để cho mất giống…”.

Nghĩ rồi, chàng hoàn tục, trở về nhà lấy cuốc xới một thửa đất, xới dọn, đem hạt giống bí ngô đi gieo, cắm rào chung quanh để gìn giữ. Đến mùa bí già, hái ăn xong còn tiếc nuối để dành một gáo hột giống mới nữa. Hết mùa mưa, Kuddāla hiền trí lại tự nghĩ: “Bây giờ ta ở nhà làm gì? Thôi ta hãy xuất gia tu tám tháng nữa đi”.

Thế là hiền trí Kuddāla lìa nhà, vào tu ở trong miền Tuyết Sơn và đến mùa mưa năm sau lại về. Cứ như thế tất cả sáu lần và cũng về nhà sáu lần, cũng vì đạo sĩ tiếc nuối nửa gáo hột giống với cây cuốc cùn. Đến lần thứ bảy, vị hiền trí ấy nghĩ rằng: “Ta đã sáu lần hoàn tục, sáu lần xuất gia lại cũng tại cây cuốc cùn nầy. Cứ giữ nó hoài tu không được, ta hãy đem liệng bỏ nó đi cho rồi”.

Xách cuốc tới bờ sông, hiền trí Kuddāla nghĩ rằng: “Nếu ta thấy biết chỗ nó rớt xuống thì sợ e mình còn lượm lấy lại được, chi bằng mình liệng đừng dòm thấy chỗ nó rơi xuống mới nên”.

Nghĩ kỹ rồi, chàng lấy vải gói gáo hạt giống, đoạn cột gáo hột giống vào cây cuốc, cầm đầu cán cuốc đứng trên bờ sông, nhắm hai mắt lại, quay cái cuốc trên đầu ba vòng cho có trớn chàng ném mạnh nó ra giữa dòng sông. Khi quay đầu mở mắt ra không nhìn thấy dấu vết của cuốc rơi xuống chỗ nào. Hiền sĩ vui thích reo lên ba lần:

“Ta đã thắng, ta đã thắng…”.

Trong khi ấy, Quốc vương xứ Bārāṇasī ngự giá thân chinh để bình giặc loạn ở biên cương, ban sư khải hoàn vừa ngự đến bờ sông. Đức vua khoác lên long thể chiếc dục y quý giá, ngự xuống sông để tắm, thì nghe tiếng reo của Kuddāla.

(Các vị lãnh chúa thì không ưa thích tiếng reo: “Ta đã thắng…” như vậy).

Quốc vương đến gần bậc hiền trí và phán hỏi:

– Trẫm đi bình phiên dẹp loạn, đắc thắng khải hoàn về đến đây. Vừa nghe đạo nhân hô to ba lần: “Ta đã thắng” chẳng hay đạo nhân đã thắng là thắng cái chi?

– Tâu đại vương! Đại vương tuy chiến thắng kẻ tặc loạn bên ngoài, bây giờ tuy nó chịu thua, nhưng cũng có ngày nó dấy binh thắng ngược lại đại vương, còn tôi đã chiến thắng kẻ tặc loạn bên trong là tâm tham ái, không còn sợ bị nó thắng ngược lại.

Sự toàn thắng vĩnh viễn như thế mới thật là vẻ vang.

Nói xong, đạo sĩ ngâm kệ ngôn rằng:
“Na taṃ jitaṃ sādhu jitaṃ,
Yaṃ jitaṃ avajīyati;

Taṃ kho jitaṃ sādhu jitaṃ,
Yaṃ jitaṃ nāvajīyati”.

“Giao tranh trên bãi chiến trường,
Thắng rồi lại bại lẽ thường xưa nay.
Toàn thắng mới thật là hay,
Thắng không còn bại vì tay địch thù…”.

Ngâm kệ rồi, đạo sĩ nhìn xuống dòng sông, lấy nước làm đề mục niệm, đắc Thần túc thông, bay lên ngồi kiết già giữa hư không.

Quốc vương được nghe Pháp của đại nhân thuyết rồi, liền phủ phục long thể xin Ngài nhận làm đệ tử. Đức vua xuất gia cùng với tướng sĩ tùng chinh, thành một đoàn đạo sĩ ở trong một đạo tràng rộng cả một do tuần. Nghe tin Quốc vương Bārāṇasī đã xuất gia, Quốc vương nước láng giềng cử đại binh định sang đánh chiếm nước nầy. Nhưng khi tiến binh vào giữa thành đô nguy nga tráng lệ mà không hề có quân phòng thủ, Quốc vương xâm lăng nghĩ thầm: “Một kinh đô như vầy mà Quốc vương Bārāṇasī còn bỏ đi xuất gia, thì việc xuất gia nầy không phải là việc thấp hèn đâu. Vậy trẫm cũng nên xuất gia cho rồi”.

Nghĩ vậy, Quốc vương bèn ngự giá thân hành đến tận đạo tràng, xin đại nhân cho mình được xuất gia và đã xuất gia với đoàn quân hộ giá. Lần lượt có tất cả bảy Quốc vương đều xuất gia như trên, thành ra đạo tràng chiếm trọn một vùng đất bảy do tuần. Bảy nhà vua đã phế thải cơ đồ, sự nghiệp, xuất gia chỉ đem theo những người tâm phúc của mình mà thôi.

Đại nhân Kuddāla sống đời phạm hạnh đến khi lâm chung sanh về cõi Phạm Thiên giới.

Thuật hết câu chuyện tiền thân, Đức Bổn Sư dẫn giải rằng:

– Nầy các Tỳ khưu! Ta là hiền trí Kuddāla thưở xưa và những phiền não quả thật là đáng sợ như thế đó.

Dịch Giả Cẩn Đề
Cuốc cùn, hột giống tiếc mà chi?
Tạo nghiệp dây dưa chẳng định kỳ?
Đất thịt sáu lần còn nghĩ đến,
Rừng thiêng bảy lượt mãi ra đi.
Tham sân tội lớn nên kinh cụ,
Tín, tấn căn sâu khá chủ trì.
Quyết thắng được mình là đại thắng,
Phục tâm hiền sĩ cũng tướng y.
DỨT TÍCH ĐẠI ĐỨC CITTAHATTHA

39 38

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app