Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển I
Phẩm Song Đối: Tích Cậu Kim Hoàn
KỆ NGÔN: (Pháp Cú câu 02)
“Manopubbaṅgamādhammā,
Manoseṭṭhā manomayā;
Manasā ce pasannena,
Bhāsati vākaroti vā;
Tato naṃ sukkhamanveti,
Chāyāva anupāyīnīti”.
“Tâm đi trước các pháp,
Tâm chủ, duy tâm tác.
Nếu bằng tâm trong sạch,
Nói năng hoặc hành vi.
Phúc lạc sẽ theo người,
Như bóng theo hình thật”.
Kệ Pháp Cú thứ nhì cũng được thuyết tại thành Sāvatthī, nhưng đề cập đến cậu Maṭṭhakuṇḍali (Kim Hoàn).
Tương truyền rằng: Thưở ấy, tại thành Sāvatthī, có ông Bà la môn tên là Adinnapubbaka (Vị Tằng Thí). Ông ta chưa hề bố thí cho ai chút gì, nên người đời gán cho ông cái biệt danh như thế. Ông ta có một đứa con trai duy nhất mà ông ta rất thương yêu trìu mến, ông ta muốn đặt thợ bạc làm một món đồ trang sức cho cậu con trai cưng, nhưng lại đắn đo suy nghĩ rằng: “Nếu ta đưa vàng cho thợ làm thì phải mất tiền trả công cho thợ”. Suy tính như vậy rồi, ông ta lấy vàng ra tự tay đập, uốn thành một đôi vòng tai bằng vằng cho cậu con đeo. Do đó, cậu công tử nầy được mệnh danh là Maṭṭhakuṇḍali (Kim Hoàn).
Cậu Maṭṭhakuṇḍali lúc lên mười sáu thì bị mắc bệnh huỳnh đản (Paṇḍurogo).
Mẹ cậu nhìn cậu, rồi kêu chồng:
– Nầy ông Bà la môn, con trai ông mang bệnh rồi đó! Ông lo rước thầy chữa bệnh cho nó đi.
– Bà ơi! Nếu ta rước thầy chạy thuốc thì ta phải tốn tiền công tiền thuốc. Bà chẳng dòm ngó đến tài sản của ta, muốn cho dễ bị sứt mẻ hao hớt hay sao? Ta tính cách nào, miễn là không hao hớt sứt mẻ tài sản của ta thì thôi. Nói xong, ông Bà la môn đến viếng nhiều vị lương y lần lựa hỏi thăm: “Gặp bệnh nhân như phát chứng như vậy, như vậy đó, thường quý thầy cho uống thứ thuốc chi?”.
Các y sĩ điềm chỉ cho ông ta thứ nọ, thứ kia, như là vỏ cây chẳng hạn. Ông ta nghe lời đi kiếm mấy thứ ấy đem về sắc làm thuốc cho con trai ông uống. Mặc dầu đã xoay đủ cách, bệnh tình của cậu con trai Maṭṭhakuṇḍali đã không thuyên giảm mà còn trở nên trầm trọng nan y. Đến khi thấy con trai đã kiệt quệ, ông Bà la môn mới cho mời thầy lang đến, nhìn thấy khí sắc của bệnh nhân, thầy thuốc nói:
– Tôi bữa nay bận quá! Xin tôn huynh cảm phiền rước thầy thuốc nào khác đến coi mạch, hốt thuốc cho cậu ấy.
Kiếm cớ chạy bệnh như thế rồi, ông y sĩ vội vã rút lui.
Ông Bà la môn nhìn con mình sắp chết, lại tính thầm rằng: “Nếu cứ để nó ở đây, ai đến thăm viếng nó cũng đều ngó thấy đồ đạc của cải trong nhà ta hết. Ta phải đem nó ra nằm ngoài mới được”.
Tính rồi, ông sai người đem cậu con trai ra đặt nằm ngoài mái hiên hàng ba. Ngày ấy vừa sáng tinh sương, Đức Thế Tôn xuất Định đại bi, dùng Phật nhãn quan sát thế gian, bủa lưới Chánh giác bao trùm khắp cả mười ngàn cõi Ta bà để tìm xem kẻ nào đã từng phát nguyện từ thời chư Phật quá khứ, kẻ nào có đầy đủ căn lành đáng được tiếp độ.
Hình ảnh cậu Maṭṭhakuṇḍali bị đem nằm bỏ dưới mái hiên lọt vào Giác võng của Đức Thế Tôn, vừa thấy cậu Maṭṭhakuṇḍali Đức Thế Tôn biết ngay là cậu bị đem ra khỏi nhà, bỏ nằm ngoài mái hiên như thế. Đức Thầy tự vấn: “Cậu bé nầy có đầy đủ duyên lành để Như Lai tiếp độ không?”.
Ngài liền thấy biết như sau: “Cậu bé nầy sẽ đặt niềm tin trong sạch nơi Ta!”, rồi nhắm mắt từ giã cõi đời, sanh lên cõi Trời Đao Lợi ở trong một tòa Kim điện có cả đoàn Thiên nữ theo hầu”.
Vị chư thiên sau khi ngắm nhìn thân hình mới mẻ của mình, cao đến ba phần tư dặm (12 cây số), đeo giắt những đồ trang sức có thể chất đầy năm mươi cỗ xe bò, có hàng ngàn Thiên nữ chầu chực chung quanh thì tự nghĩ: “Do nhờ nghiệp lành nào mà ta hưởng quả vinh hạnh nầy đây?”.
Khi quán xét thấy rõ nhờ tâm trong sạch đối với Như Lai mà được phước ấy, rồi vị chư thiên nhớ đến cha cũ của mình, tự nhủ rằng: “Thân phụ ta vì sợ sứt mẻ tài sản mà không dám rước thầy trị bệnh cho ta, bây giờ lại ra mộ địa mà than khóc nhớ tiếc ta, để ta làm cho người thay đổi tính tình mới được”. Vì tình phụ tử vị chư thiên biến hình thành một thiếu niên giống hệt cậu Maṭṭhakuṇḍali, hiện xuống cách nơi mộ địa
không xa, sẽ nằm xuống đất mà than khóc. Khi ấy ông Bà la môn sẽ hỏi: “Cậu là ai?”.
– Con là Maṭṭhakuṇḍali của cha đây mà.
– Con được sanh về cảnh giới nào?
– Ở Đao Lợi Thiên.
– Con đã tạo nghiệp gì?
Nghe cha hỏi vậy, chư thiên sẽ đáp là nhờ nơi có tâm trong sạch đối với Như Lai mà được siêu sanh. Ông Bà la môn sẽ đến chất vấn Như Lai:
“Có người nào chỉ nhờ có tâm trong sạch đối với Ngài không thôi mà được siêu sanh về nhàn cảnh không?”.
Khi ấy, Như Lai sẽ đáp: “Chẳng những chỉ có hàng trăm, hàng ngàn, hàng trăm ngàn người như vậy, nhiều không thể đếm xiết”. Và Như Lai sẽ đọc bài kệ Pháp Cú, khi dứt bài kệ tám muôn bốn bốn ngàn chúng sanh sẽ tỏ ngộ giáo pháp Như Lai, Maṭṭhakuṇḍali sẽ chứng Nhập Lưu (Tu Đà Hoàn), cả ông Bà la môn cũng thế, ấy là do duyên lành của cậu công tử nầy mà đại chúng sẽ tỏ ngộ Chánh pháp chẳng sai.
Đức Phật đã quan sát thấy rõ đầu đuôi câu chuyện diễn tiến như thế, nên sáng hôm ấy, sau khi tắm gội sạch sẽ, Ngài đắp y chỉnh tề cùng với Đại chúng Tỳ khưu vào thành Sāvatthī khất thực, rồi đi lần đến cửa ngõ ông Bà la môn. Lúc bấy giờ, cậu Maṭṭhakuṇḍali đang nằm quay mặt vô nhà, Đức Bổn Sư biết cậu thiếu niên không nhìn thấy kim thân của Ngài, nên Ngài phóng hào quang ra.
Thiếu niên tự hỏi: “Ánh sáng gì đây?”, từ chỗ nằm cậu quay mặt ra nhìn, liền thấy Đức Phật, cậu nói thầm một mình: “Ta mắc phải ông cha mù quáng si mê, thành ra không có cơ hội đến gần một bên Đức Phật như vầy để mà hầu hạ cúng dường vật thực hoặc nghe kinh, thính pháp. Bây giờ gặp được Ngài nhưng chân tay đã bị tê liệt, không cử động được, trông gì mạnh lại để làm những việc ấy”. Nghĩ rồi, thiếu niên
đem hết lòng tin trong trắng hướng lên Đức Phật.
Đức Bổn Sư nói: “Thôi bấy nhiêu đủ rồi” và Ngài ngự đi luôn. Cậu Maṭṭhakuṇḍali nằm nhìn theo mãi cho đến khi hình bóng của Đức Từ Phụ
đã ra ngoài tầm mắt của cậu. Trong khi cậu đang trong sạch như thế, cậu tắt hơi luôn, như một người mới ngủ thức giấc, cậu thác sanh lên cõi trời, ở trong một tòa kim ốc rộng đến ba mươi do tuần.
Ông Bà la môn thiêu xác con rồi, từ đó bỏ phế việc nhà, cứ ra mộ địa khóc lóc bi ai, mạch sầu chẳng dứt. Mỗi ngày ông mỗi ra đó kêu gào kể lể: “Con trai duy nhất của ta đâu rồi?”.
Khi ấy vị chư thiên kiếp trước là con của ông Bà la môn đang nhìn ngắm mọi vẻ huy hoàng tráng lệ của mình và tự hỏi: “Do nghiệp gì mà ta được như vậy đây?”.
Khi được biết là nhờ có tâm trong sạch đặt cả niềm tin nơi Đức Bổn Sư, vị chư thiên lại nói thầm: “Ông Bà la môn nầy, khi trước ta mang bệnh nặng, không dám bỏ tiền chạy thuốc cho ta, bây giờ lại ra mộ địa khóc than kêu réo. Ta phải lập cách cho ông chừa bỏ tật cũ mới được”.
Liền đó vị chư thiên liền biến thành cậu Maṭṭhakuṇḍali trở lại, xuống gần chỗ mộ địa tỏa sáng, đứng khoanh tay than khóc nức nở.
Ông Bà la môn trông thấy cậu con trai thì tự nói thầm: “Như ta vì thương nhớ con cưng mà than khóc đã đành, còn cậu nhỏ kia có việc gì mà cũng khóc lóc. Để ta hỏi thử cho biết”.
Rồi ông ứng tiếng ngâm bài kệ hỏi vị thiếu niên như vầy:
“Alaṅkato maṭṭhakuṇḍalī,
Mālābhārī haricandanussado;
Bāhā paggayha kandasi,
Vanamajjhe kiṃ dukkhito tuvanti?”.
“Hỡi cậu tai đeo kim hoàn,
Mình đầy hoa với huỳnh đàn thơm tho
Khoanh tay rên rỉ nhỏ to,
Giữa rừng than khóc nguyên do khổ gì?”.
Cậu trai liền đáp:
“Sovaṇṇamayo pabhassaro,
Uppanno rathapañjaro mama;
Tassa cakkayugaṇ na vindāni,
Tena dukkhena jahissāmi jīvitanti”.
“Tôi vừa mới được tức thì,
Chiếc xe không bánh vàng y sáng ngời,
Tôi tìm hai bánh hết hơi,
Khổ thân tôi phải lìa đời chết đi”.
Khi ấy, ông Bà la môn hỏi lại:
“Sovaṇṇamayaṃ maṇimayaṃ,
Lohamayaṃ attha rūpiyamayam;
Ācikkhame bhaddamāṇava,
Cakkayugaṃ paṭilābhayāmi teti”.
“Bằng vàng, bằng ngọc ma ni,
Bằng đồng, bằng bạc, bằng gì nói ra.
Hỡi chàng son trẻ tài hoa,
Bánh xe đủ cặp, để ta cho chàng”.
Nghe vậy vị thiếu niên nghĩ thầm:
“Ông nầy trước đã không dám rước thầy chạy thuốc cho con, bây giờ trông thấy ta giống tạc con ông, ông ta lại làm đổng nói cho, là sẽ cho ta cặp bánh bằng vàng ngọc… để ta hạ bớt ông ta xuống cho ông ta hết lớn lối”.
Thiếu niên cất tiếng hỏi: “Ông định làm cặp bánh chừng bao lớn để lắp vào chiếc xe của tôi?”.
– Cậu em muốn bao lớn cũng được, tùy ý.
– Ông Bà la môn trả lời.
– Tôi muốn được mặt trời và mặt trăng.
– Cậu trai đáp.
– Ông cho tôi hai mặt đấy đi.
Để năn nỉ xin xỏ:
“So māṇavo tassa pāvadi,
Candasūriyā ubhayettha dissare;
Sovaṇṇamayo ratho mama,
Tena cakkayugena sobhatīti”.
“Thiếu niên đáp lại vội vàng,
Mặt nguyệt, mặt nhựt hai chàng sinh đôi,
Lấy làm hai bánh cho tôi,
Lấy xe vàng nọ, sáng ôi chi bằng”.
Ông Bà la môn liền trách:
“Bālo kho tvamasi māṇava,
Yo tvaṃ paṭṭhayase apaṭṭhiyaṃ;
Maññāmi tuvaṃ marissasi,
Na hi tvaṃ lacchasi candasuriyeti”.
“Rõ em khờ dại nghĩ rằng,
Em đòi những vật lăng nghăng khó lòng.
“Qua” nghi em sẽ mạng cùng,
Trời, trăng không thể đèo bồng một hai”.
Nhưng thiếu niên không chịu lép, hỏi vặn lại rằng: “Tôi khóc vì đòi những vật còn thấy bóng hình, còn ông khóc người đã cách âm dương. Tôi với ông, không biết ai là kẻ ngu khờ số một?
Thiếu niên ngâm luôn mấy câu kệ rằng:
“Gamanāgamanampi dissati,
Vaṇṇadhātu ubhayattha vīthiyā;
Peto kālakato na dissati,
Ko nīdha kandataṃ bālyataroti?”
“Chúng còn hình bóng vãng lai,
Sắc màu còn thấy rọi hai bên đường,
Vọng mơ đâu thấy chán chường,
Khóc là ngu dại ai nhường hơn ai?
Nghe qua mấy lời biện bạch, ông Bà la môn như chợt tỉnh ngộ nghĩ thầm: “Cậu trai nầy nói đúng lý”, nên ông lên tiếng chịu thua:
“Saccaṃ kho vadesi māṇava,
Ahameva kandataṃ bālyataro;
Candaṃ vaya dārako rudaṃ,
Puttaṃ kālakatābhipaṭṭhayanti”.
“Lời em quả thật chánh nhơn,
Chính ta khóc dại khờ hơn em à!
Như đòi trăng, trẻ khóc la,
Ta đòi con đã ra ma mất rồi”.
Đến đây bỗng dưng trút bỏ được nỗi sầu tư, nhờ nghe kịp những lời biện minh của người bạn trẻ, ông Bà la môn ngâm lên hai câu kệ tán dương ca tụng thiếu niên:
“Ādittaṃ vata maṃ santaṃ,
Ghatasittam va pāvakaṃ;
Vārinā vija osiñciṃ,
Sabbaṃ nibbāpaye daraṃ.
Abbahī vata me sallaṃ,
Sokaṃ hadayanissitaṃ;
Yo me sokaparetassa,
Puttalokaṃ apānudi.
Svāhaṃ abbūḷhasallosmi,
Sītibhūtosmi nibbuto;
Na socāmi na rodāmi,
Tava sutvāna māṇavāti”.
“Lúc trước tâm ta tợ lửa lò,
Còn châm dầu nữa,cháy thêm to.
Em đem nước tưới lên lò lửa,
Lửa tắt: lòng ta hết khổ lo,
Em nhổ giùm ta mũi tên trù,
Cho lòng ta trắng hận ngàn thu,
Cho ta hết khổ sầu con chết,
Chẳng thế ta nào sống được ru.
Tên khổ trong tâm nhổ sạch rồi,
Giờ ta hạnh phúc biết an vui,
Nhờ nghe giác đắc lời trai trẻ,
Thôi dứt sầu thương, khóc cũng thôi”.
Kế đó, ông Bà la môn hỏi tiếp thiếu niên rằng:
Cậu là ai?
“Devatā nusi gandhabbo,
Ādū sakko purindado;
Ko vā tvaṃ kassavā putto,
Kathaṃ jānemu taṃ mayanti”?
“Cậu em là Càn Thát Bà,
Là vua Đế Thích hay chư Thiên.
Là ai? Con kẻ lạ, quen?
Làm sao cho lão biết tên thử nào?”.
Thiếu niên đáp:
“Yañca kandasi yañca rodasi,
Puttaṃ āḷāhane sayaṃ ḍahitvā;
Svāhaṃ kusalaṃ karitvāna kammaṃ,
Tidasānaṃ sahabyataṃ gatoti”.
“Chính con ông khóc ông gào,
Ông đem thiêu xác bỏ vào rừng hoang.
Con nhờ thiện nghiệp thế gian,
Sanh lên Đao Lợi dự hàng chư Thiên”.
Khi nghe chư thiên cho biết nguyên do như thế, ông Bà la môn hỏi nữa rằng:
“Appaṃ vā bahuṃ vā nāddasāma,
Dānaṃ dadantassa sake agāre;
Uposatthakammaṃ vā tādisaṃ
Tena kammena gatoti devalokanti?”.
“Ta không thấy trẻ chuyên cần,
Cúng dường nhiều ít làm duyên tại nhà,
Bát quan trai chẳng giữ qua,
Sanh lên thiên giới được là do đâu?”.
Thiếu niên giải thích rằng:
“Ābādhikohaṃ dukkhito gilāno,
Ātūrarūpomhi sake nivesane;
Buddhaṃ vigatarajaṃ vitiṇṇakaṅkhaṃ,
Addakkhiṃ sugataṃ anomapaññaṃ;
Svāhaṃ muditamano pasannacitto,
Añjaliṃ ākariṃ tathāgatassa;
Tāhaṃ kusalaṃ karitvaṃ kammaṃ;
Tidasānaṃ sahabyataṃ gatoti”.
“Nghĩ thân bệnh hoạn khổ sầu,
Nằm nhà còn những lo âu não phiền.
Thấy Phật vô nhiễm vô khiên,
Thiện Thệ diệu trí hóa duyên qua đường,
Tâm con phấn khởi lạ thường,
Chắp tay tưởng Phật cúng dường đức tin.
Tâm thành là nghiệp siêu sinh,
Bạn cùng Đao Lợi, thiên đình quốc vương”.
Trong khi nghe qua những lời giảng giải của vị chư thiên, ông Bà la môn phát sanh phỉ lạc khắp cả châu thân, để tỏ niềm hân hoan, ông ngân lên bài tán thán:
“Acchariyaṃ vata abbhutaṃ,
Añjalikammassa ayamīdiso vipāko;
Ahampi muditamano pāsannacitto,
Ajjeva buddhaṃ saranaṃ vajāmīti”.
“Thật là huyền diệu phi thường,
Chắp tay là nghiệp, quả dường thế ư?
Tôi cũng đem hết tâm tư,
Quy y Phật Bảo kể từ hôm nay”.
Thấy ông Bà la môn đã có chánh kiến, thiếu niên bèn dạy ông rằng:
“Ajjeva buddhaṃ saranaṃ vajāhi,
Dhammañca saṅghañca pasannacitto;
Tatheva sikkhāpadāni pañca,
Akhaṇḍaphullāni samādiyassu.
Pānātipātā viramassu khippaṃ,
Loke adinnaṃ parivajjayassu;
Amajjapo no ca musā bhaṇāhi,
Sakena dārena ca hoti tuṭṭhoti”.
“Hôm nay ông có tâm thành thật,
Hãy quy y cùng Phật, Pháp, Tăng.
Năm điều học, Phật cấm ngăn.
Gọi là ngũ giới, chớ hằng đơn sai.
Tội sát sanh chừa ngay tức khắc,
Của trong đời hoạnh đắc không tham
Rượu say, nói dối không làm,
Vợ nhà tri túc, chớ nên dâm tà”.
Ông Bà la môn hoan hỷ nhận lãnh mấy lời chỉ giáo của vị chư thiên bằng tiếng
“Sādhu – Lành thay!”. Đoạn ông ngâm kệ rằng:
“Atthakāmosi me yakkha,
Hitakāmosi devatā;
Karomi tuyhaṃ vacanaṃ,
Tvamasi ācariyo mama.
Upemi saraṇaṃ buddhaṃ,
Dhammañcāpi anuttaraṃ;
Saṅghañca naradevassa,
Gacchāmi saraṇaṃ ahaṃ.
Pānātipātā viramāmi khippaṃ,
Loke adinnaṃ parivajjayāmi;
Amajjapo no ca musā bhaṇāmi,
Sakena dārena ca homi tuṭṭhoti”.
“Chư thiên hoặc Dạ xoa, người hỡi!
Muốn an lành lợi ích cho ta,
Tôn người làm thầy, làm cha,
Lời người ta sẽ hành qua y kỳ,
Nay tôi nguyện y Đức Phật,
Và quy y Pháp thật cao siêu,
Quy y Tăng hội đủ điều,
Thinh Văn đệ tử hàng triều Thích Ca.
Tội sát sanh nguyện xa tức khắc,
Của trong đời hoạnh đắc không tham,
Rượu say, nói dối không làm,
Vợ nhà tri túc chẳng ham dâm tà”.
Khi vị chư thiên bảo ông Bà la môn: “Nầy ông Bà la môn, nhà ông có nhiều tiền của, ông nên tìm đến Đức Bổn Sư cúng dường để bát, thỉnh pháp, nghe kinh và hỏi han đạo lý”.
Vừa dứt lời vị chư thiên biến mất. Ông Bà la môn trở về nhà bảo vợ rằng: “Nầy bà nó! Ta sẽ thỉnh Đức Sa môn Gotama về nhà để hỏi đạo, vậy bà hãy lo sắp đặt lễ vật để cúng dường chư Tăng”.
Đoạn ông đi ngay đến Tịnh xá tìm Đức Bổn Sư, gặp Ngài ông chẳng biết đảnh lễ, cũng chẳng tỏ lời hoan hỷ theo pháp xã giao, ông chỉ biết nép một bên và nói: “Bạch Ngài Gotama, xin Ngài vui lòng nhận bữa Trai Tăng hôm nay tại nhà tôi, cùng chư Tỳ khưu Tăng”.
Đức Bổn Sư im lặng nhận lời.
Khi được biết Đức Bổn Sư chấp nhận lời mình, ông Bà la môn vội vã trở về hối người nhà lo nấu nướng vật thực loại cứng và loại mềm cho kịp giờ dâng cúng.
Đức Giáo Chủ cùng với đại chúng Tỳ khưu tùy cùng đông đảo, ngự đi bộ đến nhà ông Bà la môn và ngồi lên những chỗ ngồi đã dọn sẵn. Ông Bà la môn phục dịch Đức Thế Tôn thật cung kính.
Bên ngoài quần chúng tụ tập rất đông, theo truyền ngôn khi có người tà kiến thỉnh Phật cúng dường Trai Tăng, thì có hai dạng người thường tụ hội nơi chỗ cuộc lễ để chờ nghe vấn đạo. Bên phe tà kiến nghĩ rằng: “Hôm nay chúng ta sẽ được mục kích Sa môn Gotama bối rối vì bí lối, không giải đáp được những câu vấn nạn”. Nhóm người chánh kiến lại nghĩ khác: “Hôm nay chúng ta sẽ được chứng kiến thần oai đại
lực của Đức Chánh Giác”.
Khi thấy Đức Như Lai đã độ xong bữa ngọ, ông Bà la môm bèn đến bên chân Ngài, ngồi xuống một chỗ dưới thấp và bắt đầu mở lời nói rằng:
– Bạch Ngài Gotama! Có người nào không từng cúng dường để bát cho Ngài, không từng nghe Ngài thuyết pháp , giảng kinh, không từng giữ Bát quan trai giới, chỉ có tâm chí thành khẩn thiết đối với Ngài không thôi, mà được siêu sanh Thiên giới hay chăng?
Đức Bổn Sư trả lời bằng cách hỏi lại câu như vầy:
– Nầy ông Bà la môn, tại sao ông còn chất vấn Như Lai. Vậy chứ đứa con trai cưng của ông là thiếu niên Maṭṭhakuṇḍali đã chẳng nói cho ông biết là cậu ấy sinh lên cõi trời chỉ vì có tâm chí thành khẩn thiết đối với Như Lai hay sao?
– Bạch Ngài Gotama! Có nói tại đâu?
– Vậy chớ hôm qua ông qua mộ địa kêu khóc, ông há chẳng thấy gần nơi thiêu xác con ông có một thiếu niên đang khoanh tay kêu khóc, rồi ông ngâm kệ hỏi như vậy hay sao:
“Hỡi cậu trai đeo kim hoàn,
Mình đầy hoa với huỳnh đàn thơm tho…”.
Đức Bổn Sư đọc lại hết câu chuyện vấn đáp của hai người và kể luôn tiểu sử cậu Maṭṭhakuṇḍali nữa.
Do nhân duyên như vậy, Đức Thế Tôn mới thuyết lên một câu Phật ngôn:
“Na kho, brāhmaṇa, ekasataṃ na dve satāni atha kho mayi manaṃ pasādetvā sagge nibbattānaṃ gaṇanā nāma natthīti”.
“Nầy ông Bà la môn! Không phải một trăm, không phải hai trăm đâu, số người nhờ có đức tin trong sạch đối với Như Lai mà được siêu sanh Thiên giới nhiều không thể đếm”.
Đám đông đang dự thính còn đang bán tin bán nghi. Hiểu rõ tâm trạng của quần chúng, Đức Bổn Sư bèn nguyện rằng: “Thiên tử aṭṭhakuṇḍali hãy hiện xuống nơi đây với cả tòa Kim ốc”.
Thiên tử Maṭṭhakuṇḍali bỗng nhiên hiện đến tức khắc, bề cao ba phần tự dặm, khắp mình trang điểm bằng những vật báu cõi trời từ trên tòa đền bằng vàng bước xuống, đảnh lễ Đức Bổn Sư rồi đứng nép một bên.
Khi ấy Đức Thế Tôn cất tiếng hỏi:
– Ông nhờ tạo nghiệp gì mà được phước báu cao sang dường ấy? Rồi Đức Bổn Sư ngâm luôn bài kệ hỏi rằng:
“Abhikkantena vaṇṇena,
Yā tvaṃ tiṭṭhasi devate;
Obhāsentī disā sabbā,
Osadhī viya tārakā;
Pucchāmi tvaṃ deva mahānubhāvaṃ,
Manussabhūto kimakāsi puññanti”.
“Chư thiên đứng nơi kia,
Dung nhan đẹp quán thế,
Sáng dường sao một thể,
Nghe Như Lai hỏi đây,
Hỡi vị trời oai vệ,
Tạo phước gì đáng kể?”.
Đức Bổn Sư vừa dứt lời vị chư thiên vội vàng đáp trả rằng:
– Bạch Ngài! Con nhớ kiếp trước đặt hết niềm tin nơi Ngài mà được phước báu cao thượng nầy đây?
– Ông chỉ nhờ có tâm trong sạch tin tưởng Như Lai mà được như thế nầy phải không?
– Bạch Ngài đúng vậy.
Quần chúng trầm trồ ngắm nhìn vị chư thiên rồi tỏ lời khâm phục rằng: “Huyền diệu thay ân huệ của chư Phật, con trai của Bà la môn Adiṇṇapubbaka chẳng có làm phước lành chi khác, chỉ nhờ đặt lòng tin trong sạch vào Đức Giáo Chủ mà được vinh quang dường ấy”. Và quần chúng lấy làm hoan hỷ.
Khi ấy Đức Bổn Sư phán dạy quần chúng rằng:
“Tất cả nghiệp thiện và bất thiện của con người tạo ra đều do tâm đi trước dẫn đầu, tâm làm chủ, người có tâm trong sạch tạo nghiệp gì, khi sanh lên cõi trời, cõi người nghiệp ấy vẫn còn theo dính kế cận bên mình, như hình với bóng không lúc nào rời nhau”.
Sau khi chấm dứt câu chuyện bằng cách chỉ rõ mối tương quan chặt chẽ giữa Nhân quả. Đức Chánh Pháp Vương xướng lên bài kệ như sau, chẳng khác nào vị Hoàng Đế để đóng ấn ngọc tỷ lên trên chỗ đất xi để niêm phong một bức cẩm nang mang tờ Thánh chỉ:
“Manopubbaṅgamādhammā,
Manoseṭṭhā manomayā;
Manasā ce pasannena,
Bhāsati vākaroti vā;
Tato naṃ sukkhamanveti,
Chāyāva anupāyīnīti”.
“Tâm đi trước thọ, tưởng, hành,
Tâm là chủ pháp, tâm là nghiệp duyên.
Ai mà tâm sạch lành hiền,
Nói làm chi cũng yên vui theo mình.
Ví như bóng nọ tùy hình,
Hình đâu bóng đó như in hẳn hòi”.
CHÚ GIẢI:
Tâm(1) đi trước(2) các Pháp(3)
Tâm chủ(4) duy tâm tác(5)
Nếu bằng tâm trong sạch(6)
Nói năng hoặc hành vi(7)
Phúc lạc sẽ theo người(8)
Như bóng theo hình thật(9)
(1) Tâm hay ý (Mano) tức là tâm (citta) theo cách phân loại tổng quát thì có tất cả Tứ địa tâm (catubbhūmikacitta), nghĩa là tâm trong bối cõi: Dục, Sắc, Vô Sắc và Siêu thế. Theo ý nghĩa trong kệ ngôn nầy mà phân định cho chính xác, thì đây chỉ nói riêng về tám thiện tâm ở cõi Dục mà thôi. Còn theo chuyện tích nầy, tâm của cậu Maṭṭhakuṇḍali là tâm câu hữu hỷ tương ưng trí (Somanassasahagataṃ ñāṇasamyuttaṃ).
(2) Đi trước (Pubbaṅgamā), là dẫn đầu và đi chung một thể.
(3) Các Pháp (Dhamma), chỉ thọ uẩn, tưởng uẩn và hành uẩn. Do lẽ tâm câu hữu với hỷ tương ưng trí làm duyên sanh khởi cho các uẩn kia,
nên gọi là tâm đi trước. Ví như có nhiều người đồng làm phước một lượt trong một cuộc lễ dâng y, đặt bát, dâng vật dụng đến chư Tỳ khưu Tăng, hoặc chưng đèn, dọn hương, treo hoa kết lụa để cúng dường cao thượng ở một nơi thuyết pháp công cộng, thì thử hỏi: “Ai là người dẫn đầu trong nhóm ấy?”, cố nhiên ta phải trả lời rằng: “Người mà ai nấy đều nương theo để làm chung cuộc phước ấy, dầu là ông Giáp, ông
Ất chi cũng gọi là người cầm đầu”.
Do lẽ tâm làm duyên khởi cho các pháp sanh lên mà gọi là tâm đi trước dẫn đầu, quả nhiên không bao giờ các pháp sanh lên mà không có tâm sanh, trái lại khi tâm sanh rồi thì cũng có một vài nhóm tâm sở không cùng sanh.
(4) Tâm chủ (Manoseṭṭhā) vì tâm là chúa tể các pháp, nên gọi là tâm là chủ pháp, cũng vì thủ lãnh của một đảng được tôn xưng là chúa đảng, hoặc vị chủ tịch trong cuộc nhóm họp thì được gọi là hội chủ. Nơi đây nói tâm là chủ cũng y như thế.
(5) Tâm tác (Manomayā): Ví như ta lấy vàng làm nguyên liệu, để chế ra nhiều món đồ kim loại, ta thường nói các món đồ ấy làm bằng vàng (suvaṇṇamayā), nghĩa là do vàng mà làm ra (duy kim tác), các pháp do tâm làm nguyên liệu hay bản thể mà sanh ra nên gọi là duy tâm tác cũng đồng một lý như thế.
(6) Nếu bằng tâm trong sạch (Manasā ce pasannena) là bằng tâm thuần thiện, không bị tham, sân, si, tà kiến làm cho nhiễm ô, nhơ đục.
(7) Nói năng hoặc hành vi (bhāsati vā karoti vā): Người có tâm trong sạch như thế nói ra toàn là 4 thứ lời lành (không vọng ngữ, lưỡng thiệt, thô ngữ, hí ngữ), thuộc về khẩu thiện hạnh, còn làm chi cũng trong ba nghiệp lành (không sát sanh, trộm cắp, tà dâm) thuộc về thân thiện hạnh, nhược bằng không nói, không làm chi hết cũng có đầy đủ ba nghiệp lành (không tham, sân, si) thuộc về ý thiện hạnh. Lộ trình của thập
thiện nghiệp trải qua ba cửa thân, khẩu, ý tròn đủ như thế.
(8) Phúc lạc sẽ theo người (Tato sukhamanveti): Hễ con người tạo thiện nghiệp qua thân, khẩu, ý từ giờ nào thì phúc lạc sẽ theo bên người từ giờ đó, do mười nghiệp quả ba cửa đã giải trên đây, con người được siêu sanh về nhàn cảnh để hưởng sự an vui hạnh phúc vì nơi ấy thân căn và các căn tùy thuộc gọi là thân căn tâm sở của người ấy, hằng có quả an vui theo sát một bên (hỷ thần tùy chí) chẳng khi nào rời.
(9) Như bóng theo hình thật (Chāya vā anupāyinīti), là như bóng rọi của thân mình luôn luôn dính liền theo thân, thân đi thì bóng cũng đi, thân đứng bóng cũng đứng, thân ngồi bóng cũng ngồi, không thể dùng biện pháp dịu dàng hay thô bạo hoặc mềm mỏng hay cứng rắn mà tách rời ra được. Chẳng hạn như nói nhỏ nhẹ “Bóng ơi! Hãy đi chỗ khác” hoặc đánh đập, la hét “Tại sao bóng cứ theo ta mãi vậy” cũng chẳng
ly khai bóng với hình cho được. Cũng như thế ấy, trên lộ trình của người, thiện nghiệp nầy con người đã có sẵn thiện tâm, dầu đã thực hành hay chưa thực hành, khi sanh về cõi nào nhất là cõi Dục giới thì thân căn và các thiện căn tâm sở tùy thuộc đều có quả an vui theo dính một
bên, như bóng với hình không rời nhau vậy. Kệ ngôn vừa dứt, tám muôn bốn ngàn chúng sanh được tỏ ngộ Chánh Pháp. Thiên tử Maṭṭhakuṇḍali chứng quả Dự Lưu, cả ông Bà la môn Adiṇṇapubbaka cũng vậy. Ông nầy về sau đem cả gia sản khổng lồ của mình ra gieo trồng vào phước điền ở trong Phật giáo.
Dịch Giả Cẩn Đề
Nhờ tâm niệm thiện chí chân thành,
Khiến cậu Kim Hoàn được vãn sanh,
Cha đã thương tiền liều mạng trẻ,
Phật còn nhớ nguyện độc căn lành,
Lâm chung một niệm, nhân dầu chậm,
Phước báu ngàn xuân, quả khá nhanh!
Chẳng đợi cúng dường cùng thọ giới,
Thiên đường, Kìm ốc cũng thơm danh.
DỨT TÍCH CẬU MAṬṬHAKUṆḌALI