Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển I – Phẩm Hoa: Tích Đại Đức Cồ Điệt Viên Tịch

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển I

Phẩm Hoa: Tích Đại Đức Cồ Điệt Viên Tịch

“Tesaṃ sampannasīlānaṃ,
Appamādavihārinaṃ;
Sammadaññā vimuttānaṃ,
Māro maggaṃ na vindati”.

“Những người đủ Giới đức,
Vững tâm không phóng dật,
Chánh trí thoát lao lung,
Ma chẳng thấy hành tung”.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết ra khi Ngài an ngự trong Veḷuvana (Trúc Lâm), gần thành Rājagaha (Vương Xá), đề cập đến sự viên tịch của Đại đức Godhika (Cồ Điệt).

Thời ấy, Đại đức Godhika an cư nơi làng Kālasilā (Hắc Nham) trên sườn núi Isigili (Ẩn Sĩ), nhờ chuyên cần tinh tấn hành đạo một mình, nên chứng đạt trên tâm giải thoát tạm thời (Sāmāyikaṃ cetovimuttiṃ). Nhưng bị một chứng bịnh kinh niên làm cho sa sút, mất pháp đã chứng.
Đại đức hành thiền lần thứ nhì, lần ba cho đến lần thứ sáu cũng không chứng đắc pháp thiền đã mất, đến lần thứ bảy, Đại đức bỗng phát khởi ý nghĩ: “Ta đã sáu lần rớt ra khỏi đề mục thiền. Hành giả mà rớt ra khỏi thiền thì cảnh giới tái sanh kể như bất định. Vậy bây giờ ta phải dùng đến lưỡi dao mới được”.

Thế rồi, Đại đức lấy con dao cạo tóc lên, nằm trên giường định cắt tóc đứt cuống họng.

Mạ vương biết được tâm niệm của Đại đức, thì nghĩ rằng: “Tỳ khưu nầy có ý muốn lấy dao, lấy dao rồi lại muốn tận diệt mạng sống của mình. Ông ấy mà an tâm vào Minh sát tuệ thì chắc là phải đắc A La Hán quả. Nếu ta đứng ra cản ông ấy thì chắc ông ấy chẳng chịu nghe lời ta, chi bằng ta cậy mượn Đức Bổn Sư cản ngăn ông ấy”.

Ma vương liền hóa thân thành một khách lạ, đến gần Đức Bổn Sư, đọc lên kệ ngôn như vầy:

“Mahāvīra mahāpaññā,
Iddhiyā yasasā jala;
Sabbaverabhayātīta,
Pāde vandāmi cakkhuma.
Sāvako te mahāvīra,
Maraṇaṃ maraṇābhibhū;
Ākaṅkhati cetayati,
Taṃ nisedha jutindhara.
Kathaṃ hi bhagavā tuyhaṃ,
Sāvako sāsane rato;
Appattamānaso sekho,

Kālaṃ kayirā janesutāti.
Tasmiṃ khaṇe therena,
Satthaṃ āharitaṃ hoti”.

Lược dịch:
“Kính bạch Đức Đại Hùng Đại Trí,
Bậc uy danh lừng lẫy khắp nơi,
Bậc đã qua oán cụ biển đời,
Bậc Hữu Nhãn, tôi thời đảnh lễ.
Bậc Đại Hùng, trong hàng môn đệ,
Của Ngài từng áp chế tử thần,
Có Thinh Văn muốn lìa trần,
Bạch Ngài tráng hệ, Ngài cần cản ngăn.
Trong đạo Ngài, Thinh Văn vui vẻ,
Bạch Thế Tôn, sao kẻ chán đời,
Không lo tu tập đến nơi,
Lại toan tự vận, Ngài thời biết cho.
Giây phút nầy tôi lo Đại đức,
Đã lấy dao để dứt mạng căn”.
Đức Bổn Sư biết rõ: “Người nầy là Ma vương”, nên Ngài đáp lời bằng bài kệ rằng:

“Evaṃ hi dhīrā kubbanti,
Nāvakaṅkhanti jīvitaṃ;
Samūlaṃ taṇhaṃ abbuyha,
Godhiko parinibbutoti”.

“Quả thật kẻ hiền năng làm thế,
Chẳng duy trì mạng sống để thừa,
Ái dục nhổ gốc chẳng chừa,
Cồ Điệt đã nhập Vô Dư Níp Bàn”.

Kế đó, Đức Thế Tôn cùng với nhiều Tỳ khưu ngự đến bên giường, chỗ Đại đức Godhika nằm với lưỡi dao cắt cổ. Trong khi ấy, ác ma muốn biết: “Thức tái sanh của Đại đức nầy trú nơi đâu?”. Nên liều hóa ra một luồng khói đen tỏa đi các hướng để tìm tâm thức của Đại đức. Đức Thế Tôn chỉ làn khói đen cho Tỳ khưu thấy và bảo rằng:

– Nầy các Tỳ khưu, đó là ác ma đi tìm kiếm tâm thức của Godhika, nó tự hỏi: “Tâm thức của Ngài Godhika đang trú nơi đâu?”. Nầy các Tỳ khưu! Tỳ khưu Godhika đã Vô Dư Níp Bàn rồi, cho nên tâm thức không còn trú nơi đâu nữa vậy. Dầu là Ma vương, y cũng không thể tìm thấy tâm thức của Ngài Godhika. Hắn liền hiện hình là một thanh niên, tay ôm cây đàn Tỳ bà vàng lợt, đến gần Đức Bổn Sư hỏi rằng:

“Uddhaṃ adho ca tiriyaṃ,
Disā anudisā svahaṃ;

Anvesaṃ nādhigacchāmi,
Godhiko so kuhiṃ gatoti”.

“Đường lên xuống bằng ngang hay dọc,
Khắp hướng phương, xó hóc gần xa,
Tôi tìm không gặp ông ta,
Chẳng hay Cồ Điệt đi qua cõi nào?”.

Đức Bổn Sư đọc kệ đáp rằng:
“Yo dhīro dhitisampanno,
Jhāyī jhānarato sadā;
Ahorattaṃ anuyuñjaṃ,
Jīvitaṃ anikāmayaṃ.
Jetvāna maccuno senaṃ,
Anāgantvā punabbhavaṃ;
Samūlaṃ taṇhaṃ abbhuyha,
Godhiko parinibbutoti”.

Lược dịch:
“Người trí tuệ, hùng hào cương nghị,
Hằng vui thiền, mến vị vui thiền,
Đêm ngày mải miết cần chuyên,
Không tham mạng sống cần chuyên dài dòng.
Thắng phục được binh ròng thần chết,
Đường tái sanh đã hết bước đi,
Ái dục bứng gốc còn chi,
Cồ Điệt đã nhập Vô Dư Níp Bàn.
Nghe vậy, Ác Ma đứng thở than tiếc rẻ,
Không vũng lầy, khỏi té xuống sâu,
Từ đây bất hạnh khổ sầu,
Dạ xoa vội biến đi đâu mất liền”.
Tuy nhiên, Đức Bổn Sư cũng còn nói tiếp rằng:
– Nầy ác ma, ngươi đừng luống công đi tìm chỗ tái sanh của Godhika làm chi vô ích. Quả thật, dầu có một trăm hay một ngàn kẻ như ngươi đi tìm kiếm nữa cũng chẳng thấy được.

Nói rồi, Đức Bổn Sư thuyết kệ Pháp Cú:
57. “Tesaṃ sampannasīlānaṃ,
Appamādavihārinaṃ;
Sammadaññā vimuttānaṃ,
Māro maggaṃ na vindati”.

57. “Những người Giới đức đủ điều,
Vững tâm những ngã theo chiều buông lung,
Chánh trí giải thoát tột cùng,
Ma vương có thấu hành tung bao giờ”.

CHÚ GIẢI:
Tiếng tesaṃ trên đây chỉ những người đã Vô Dư Níp Bàn, tâm thức chẳng còn trú vào chỗ nào nữa cả, y như Đại đức Godhika vậy.

Sampannasīlānaṃ: Nghĩa là đầy đủ Giới đức.

Appamādavihārinaṃ: Nghĩa là những người có tâm an vui, trú trong sự chuyên cần, không phóng dật, tức là những người có pháp ghi nhớ (gọi là Chánh niệm) đến sự lợi ích to lớn là Níp Bàn.

Sammadaññā vimuttānaṃ: Chánh trí giải thoát, là có trí hiểu biết về nhân (hetu), pháp (naya), lý (kāraṇa) của sự giải thoát. Những người giải thoát lại được dứt trừ phiền não theo năm pháp:

1. Tadaṅgavimutti: Giải thoát tạm thời, do quán xét.
2. Vikkhambhanavimutti: Giải thoát năm pháp che lấp (pháp cái) của thiền định, gọi là áp chế giải thoát.
3. Samucchedavimutti: Giải thoát do đạo tuệ, gọi là đoạn trừ giải thoát.
4. Paṭippassaddhivimutti: Giải thoát do đắc quả.
5. Nissaraṇavimutti: Giải thoát do Vô Dư Níp Bàn.

Māro maggaṃ na vindati: Đối với những bậc đại Lậu Tận như thế, thì tất cả các chỗ của các Ngài đi trên con đường đạo, Ma vương chẳng biết chẳng thấy, chẳng đến được giai đoạn nào cả.

Thời pháp vừa dứt, nhiều vị Tỳ khưu chứng đắc Thánh quả, nhất là Sơ quả. Đại chúng thính pháp cũng đều được hưởng nhiều lợi ích

Dịch Giả Cẩn Đề
Tâm chứng từng cao, kế sụt liền,
Bởi Ngài Cồ Điệt bịnh kinh niên,
Sáu phen sức đẩy không vào định,
Một nhát dao đưa mới đắc thiền.
Quyết chí thân tàn thành quả Thánh,
Nguyện đi nước lớn rạng danh hiền,
Ma vương ngũ uẩn, Ma phiền não,
Hết biết đường theo phải lặng yên.
DỨT TÍCH ĐẠI ĐỨC GODHIKA VIÊN TỊCH

54

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app