Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển I
Phẩm Hoa: Tích Đại Đức Ānanda Vấn Đạo
54. “Na pupphagando paṭivātam eti,
Na candanaṃ tagaramallikā vā;
Satañ ca gandho paṭivātam eti,
Sabbā disā sappuriso pavāyati”.
“Ngược lại chiều gió thổi,
Hương hoa không bay nổi,
Dầu là Đa già la,
Chiên đàn, Mạt lỵ hoa,
Chỉ có hương Giới đức,
Khắp phương trời bay xa”.
“Chiên Đàn, Đa già la,
Thanh liên, Vũ quý hoa,
Sánh các hương hoa ấy,
Giới hương vô thượng vậy”.
55. “Candanaṃ tagaraṃ vā’pi,
Uppalaṃ atha vassikī;
Etesaṃ gandhajātānaṃ,
Sīlagandho anuttaro”.
Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư thuyết ra khi Ngài ngự gần thành Sāvatthī, để giải đáp câu hỏi của Đại đức Ānanda. Tương truyền rằng: Một buổi chiều nọ, Đại đức ngồi nơi thanh vắng, bỗng tự nghĩ rằng Đức Thế Tôn có nói: “Căn hương (thọ), tâm hương và hương hoa là ba thứ
hương cao thượng”. Nhưng ba thứ hương ấy chỉ bay theo chiều gió chớ không có hương nào mà bay ngược gió cả. Không biết có loại hương nào mà bay xuôi gió, bay ngược gió cũng được, hay bay cả hai chiều gió đều được cả chăng? Rồi Đại đức lại tính thầm: “Ta cần gì suy nghĩ tìm tòi cho mất công, để về hỏi Đức Bổn Sư là hơn”.
Thế rồi, Đại đức về nơi cư ngụ của Đức Bổn Sư và bạch hỏi Ngài. Đoạn nầy trong kinh có ghi chép rằng: Khi ấy trong buổi chiều, Đại đức Ānanda từ chỗ tịnh cư đứng dậy, về gần Đức Thế Tôn. Sau khi đến gần bèn bạch với Đức Thế Tôn:
– Bạch Ngài, có ba thứ hương, mà hương của nó chỉ bay thuận theo chiều gió, chớ không bay nghịch chiều gió. Thế nào là ba? Hương của rễ, hương của lõi và hương của hoa là ba giống có hương, mà hương nó chỉ bay thuận theo chiều gió, chớ không bay nghịch chiều gió. Bạch Ngài, chẳng hay có giống hương nào mà hương của nó bay thuận chiều gió, nghịch chiều gió, hay bay thuận và nghịch theo chiều gió
được chăng?
Khi ấy, Đức Thế Tôn đáp rằng:
– Nầy Ānanda! Có giống hương mà hương của nó dầu gặp gió xuôi, gió ngược cũng đều bay được cả.
– Bạch Ngài! Thế nào là có giống hương mà hương của nó dầu gặp gió xuôi, gió ngược hay cả gió xuôi gió ngược đều được cả.
– Nầy Ānanda! Ở đây nơi thôn quê hay thành thị nào có một nữ nhân hay nam nhân quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, tránh xa sự sát sanh, tránh xa sự trộm cắp, tránh xa sự tà dâm, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự uống rượu và các chất say, là người có Giới đức là người có thiện pháp. Tâm đã dứt bỏ sự bỏn xẻn, sự nhiễm ô. Tuy còn tại gia mà có tâm dứt bỏ, xả thí, thỏa thích trong sự bố thí không nhơ bợn, biết
thông cảm đến người xin, hoan hỷ chia xớt vật thí đến tất cả mọi người. Thì từ nơi thôn quê hay thành thị đó, cho đến các phương hướng, chư Sa môn và Bà la môn hằng ca tụng rằng: “Nơi chốn thôn quê hoặc thành thị đó, có nữ nhân ấy, có nam nhân ấy là người quy y Phật… hoan hỷ chia sớt vật thí đến tất cả mọi người”. Nầy Ānanda, đó là giống hương mà hương của nó bay xuôi chiều gió, bay xuôi lẫn ngược chiều gió vậy.
Giải xong, Đức Bổn Sư thuyết lên hai bài kệ:
54. “Na pupphagando paṭivātam eti,
Na candanaṃ tagaramallikā vā;
Satañ ca gandho paṭivātam eti,
Sabbā disā sappuriso pavāyati”.
“Ngược chiều gió, các hương hoa,
Chiên đàn, Mạt lỵ, Già la bặt đường.
Ngược chiều gió chỉ có hương,
Của người Giới đức muôn phương lan tràn”.
55. “Candanaṃ tagaraṃ vā’pi,
Uppalaṃ atha vassikī;
Etesaṃ gandhajātānaṃ,
Sīlagandho anuttaro”.
“Đa già la với Chiên đàn,
Thanh liên, Vũ quý, các hàng hoa vương.
Dầu thơm cho mấy cũng nhường,
Thứ hương Giới đức là hương tuyệt trần”.
CHÚ GIẢI:
Trong bài kệ Phạn ngữ, câu đầu có nghĩa là không có hương hoa nào bay ngược chiều gió, như trên cung trời Đao Lợi có cây Pāricchattakarukkha, thân cao và tàng rộng hàng trăm do tuần, hoa của nó phát ra ánh sáng rơi xa năm mươi do tuần, hương hoa lan xa hàng trăm do tuần. Tuy nhiên nó chỉ bay theo chiều gió mà thôi, còn ngược gió thì dầu gần như nữa ngón tay nó cũng không thể bay được. Tất cả các hương hoa đều không thể bay ngược chiều gió như thế cả.
Candanaṃ: Viết cho đủ là candanagandho nghĩa là hương của Chiên đàn.
Tagaramallikā vā: Cũng đề cập đến hương của Đa già la, Mạt lỵ. Quả thật, dầu cho hương của các thứ có tiếng là thơm nhất, như là Chiên đàn đỏ, Đa già la, Mạt lỵ hoa chẳng hạn, cũng chỉ bay xuôi chiều gió chớ không bay ngược chiều gió bao giờ cả.
Satañ ca gandho: Chỉ có hương của người Giới đức là hương của các bậc Thinh Văn đệ tử Phật Toàn Giác và Độc Giác mới bay được ngược gió. Tại sao vậy?
Sabbā disā sappuriso pavāyati: Tại vì tiếng thơm Giới đức của các bậc Thinh Văn, những người Thánh thiện lan truyền đi khắp các phương hướng, cho nên có thể nói là mùi hương Giới đức bay ngược chiều gió. Do đó, Đức Phật đã dùng từ ngữ Paṭivātameti.
Vassikī: là Vũ quý, Vũ sanh, tức là loại hoa thơm như lan, huệ.
Etesaṃ: Câu chót có nghĩa là nếu đem so sánh có giống nào mùi thơm như Chiên đàn chẳng hạn, với những bậc Thánh thiện có Giới đức là mùi thơm thì Giới hương là vô thượng, vô tỷ, vô song vậy (anuttaro asadiso appaṭibhāgo).
Khi thời pháp chấm dứt, nhiều Tỳ khưu thành đạt chánh quả, nhất là Tu Đà Hườn quả. Đại chúng cũng hưởng được sự lợi ích nhờ nghe pháp.
Dịch Giả Cẩn Đề
Đại đức Nan Đa muốn biết rằng:
Hương bay ngược gió có cùng chăng?
Chiều tà tạm lánh nơi cô tịch,
Trở gót đi tìm Đức Vạn Năng.
Phật dạy: “Hương sanh có thứ nầy,
Ngược chiều gió thổi chẳng ngừng bay,
Là hương Giới đức cao vô tỷ,
Hương của trầm hoa chẳng sánh tày”.
DỨT TÍCH ĐẠI ĐỨC ĀNANDA VẤN ĐẠO