Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển I
Phẩm Hoa: Tích Bá Hộ Khan Nang
“Yathā pi bhamaro pupphaṃ,
Vaṇṇagandhaṃ aheṭhayaṃ;
Paleti rasam’ādāya,
Evaṃ gāme munī care”.
“Ví như ong lấy mật,
Không hại sắc hương hoa.
Vị Sa môn hành khất,
Vào làng lại trở ra”.
Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư thuyết ra khi Ngài an ngự gần thành Sāvatthī, đề cập
đến bá hộ Macchariya (Túi keo: Khan Nang).
Câu chuyện nầy khởi đầu tại thành Rājagaha.
Tương truyền rằng: Cách kinh thành Rājagaha không bao xa, có một thị trấn tên là
Sakkara, nơi đó có ông bá hộ Macchariyakosiya, gia tài lên đến tám trăm triệu đồng
vàng. Ông bá hộ nầy chẳng bao giờ bố thí cho ai hoặc tự mình tiêu xài chút ít chi, dầu chỉ là nhỏ nhen như rót dầu trên đầu cọng cỏ, cho đến những người thân thích ruột rà như vợ con trong nhà hoặc các bậc xuất gia như Sa môn, Bà la môn chẳng hạn, cũng không ai được hưởng phần gia tài khổng lồ mà ông bo bo gìn giữ như hồ nước đầy, không dám cho hao một giọt.
Một hôm, sau khi xuất định Đại bi trong buổi sáng sớm, Đức Bổn Sư dùng Phật
nhãn quán xét toàn cõi thế gian tìm kiếm chúng sanh nào có đủ căn lành đáng được tiếp độ, Ngài thấy ở cách xa Ngài độ bốn mươi lăm do tuần, có hai vợ chồng ông Trưởng giả Macchariyakosiya có duyên lành đắc Tu Đà Hườn trong ngày ấy.
Nguyên cách mấy hôm trước, ông Trưởng giả có lên thành Rājagaha yết kiến đức
vua, sau khi bãi chầu, trở về dọc đường ông có gặp một người dân quê đói bụng đang
nhai ngấu ngiến một ổ bánh tàn ong chất đầy váng sữa coi bộ ngon lành lắm, làm ông
phát thèm. Về đến nhà, ông nghĩ thầm: “Nếu ta hở môi ra nói là ta muốn ăn bánh tàn ong, thì chắc có nhiều đứa muốn ăn chung với ta, như thế phải tốn hao nhiều mè, bơ, đường, than, củi đủ thứ… Thôi tốt hơn ta không nên cho ai biết”. Ráng dằn tâm đè nén sự them khát, ông bỏ đi thất thơ đây đó.
Nhưng càng đi nhiều, ông càng thấy vỏ vàng gầy guộc, mình nổi gân xanh, chớ
không khuây khỏa được sự thèm khát. Về sau, ông phải vào phòng riêng, nằm úp sấp trên giường, cho đến nước ấy mà ông chẳng chịu tỏ thật với ai, chỉ vì sợ hao hụt kho tàng của mình.
Khi ấy, bà Trưởng giả vào đấm lưng cho chồng, hỏi ông:
– Chẳng hay mình đau bịnh chi vậy?
– Ta không có đau ốm chi cả!
– Hay là mình bị đức vua khiển trách?
– Đức vua cũng không phiền trách chi ta cả!
– Hay là con cái hoặc tôi tớ trong nhà có làm điều chi phật lòng của mình?
– Cũng chẳng có ai làm cho ta phật ý cả.
– Thế thì mình có thèm lạt món chi chăng?
Nghe vợ hỏi vậy, ông Trưởng giả lặng thinh, sợ nói ra lời thì thất thố, có thể hao tốn
đến kho tàng của ông. Bà Trưởng giả không nghe ông trả lời, bèn lặp lại câu hỏi:
– Mình à, hay là mình thèm lạt món chi?
Ông không dám nói lớn, chỉ ấm ứ trong cuốn họng: “Ta thèm ăn một món”.
– Mình thèm ăn món gì?
– Ta muốn ăn bánh tàn ong.
– Chỉ có vậy mình không nói cho tôi biết, để chịu nhịn thèm làm chi. Bây giờ, để tôi
làm ổ bánh để đãi cả thị trấn Sakkara nầy.
– Bà lo cho nhiều người chi vậy, họ muốn ăn thì họ tự lo làm lấy mà ăn chớ.
– Thế thì tôi làm một ổ bánh vừa đủ để đãi tất cả gia nhân trong khu phố ăn.
– Tôi dư biết là bà giàu có lớn rồi mà.
– Thế thì, tôi sẽ làm một ổ bánh lớn vừa cả gia tộc của mình ăn.
– Tôi vẫn biết bà có tật ưa làm đấy mà.
– Thế thì tôi sẽ làm một ổ bánh vừa đủ vợ chồng con cái mình ăn.
– Con cái ăn làm gì bánh nầy?
– Vậy tôi sẽ làm vừa đủ để ông và tôi dùng.
– Bà không thèm mà ăn làm chi.
– Vậy thì để tôi làm một cái vừa đủ mình ông ăn.
– Nếu bà nấu bánh tại đây sẽ có đứa biết mà ăn chực, bà chừa gạo tốt ra lấy tấm mẳn
với khuôn lò nướng và chút ít sữa tươi, bơ lỏng, mật ong, đường rồi mang lên lầu bảy, ở đó làm bánh và nướng ngay tại chỗ đó, để tôi ngồi ăn một mình. Bà Trưởng giả đáp: “Dạ được”.
Bà cho đem đủ thứ vật liệu cần thiết, lên tuốt trên lầu thượng, rồi cho các nữ tỳ
xuống hết, mới kêu ông Trưởng giả lên. Ông Trưởng giả trước hết lo đi đóng kín các cửa lại, gài then cẩn thận, rồi mới lên lầu bảy, đóng cửa bít bùng, ngồi trong phòng, đoạn ông bảo bà đốt lò, làm bánh nướng cho ông ăn.
Khi ấy vừa bình minh, Đức Bổn Sư gọi Đại đức Moggallāna và dạy: “Nầy Moggallāna, cách thành Rājagaha không xa, nơi thị trấn Sakkara có ông Trưởng giả Macchariyakosiya muốn ăn bánh tàn ong, nhưng sợ người ngó thấy, nên bảo vợ làm bánh nướng trên tầng lầu thứ bảy, ông hãy đến nơi đó thu phục cho được ông Trưởng giả ấy, bảo họ mang theo cả bánh và sữa, bơ, đường, mật, rồi ông hãy dùng thần lực đưa cả hai vợ chồng về Jetavana. Hôm nay ta sẽ ngồi thọ thực tại chùa cùng với năm trăm Tỳ khưu”.
Đại đức đáp: “Lành thay! Bạch Ngài”.
Vâng lịnh Đức Bổn Sư, Đại đức dùng thần thông bay đến thị xã Sakkara. Đến đứng trước cửa sổ tòa lâu đài bảy từng của ông Trưởng giả, Đại đức đứng giữa hư không với tam y quả bát nghiêm trang rực rỡ chói lòa như ngọc Maṇī. Ông trông thấy Đại đức thì nghe trong tim rúng động, ông nghĩ: “Ta sợ gặp mặt những người như vậy nên mới lên đến chỗ nầy, vậy mà ông còn theo ta lên đứng tại cửa sổ”. Nên ông nói rằng:
– Nầy ông Sa môn ơi! Không có bánh cho ông đâu, ông hãy đi đi. Không dè Đại đức đã quyết thi hành cho được sứ mạng rồi mới chịu đi, nên Ngài lặng thinh đứng nơi ấy. Ông Trưởng giả nổi xung, nói với giọng mất bình tĩnh, như là muối được ném vào lửa đỏ:
– Nầy ông Sa môn, ông đứng đó làm chi giữa trời vậy, ông có thể đi lên đi xuống làm thành một con đường mòn giữa hư không, nhưng rốt cuộc ông cũng chẳng được chi cả đâu.
Đại đức Moggallāna liền đi tới đi lui, ngay trước cửa sổ giữa hư không… Ông Trưởng giả liền nói:
– Ông đi tới đi lui làm chi cho mọi người thấy, chỉ mỏi chân thôi, ông có thể ngồi kiết già giữa hư không, nhưng nếu có làm như vậy ông cũng chẳng được chi cả.
Vị Đại đức liền xếp chân ngồi kiết già giữa hư không.
Ông Trưởng giả lại nói:
– Ông ngồi giữa trời mà làm chi, ông có thể đến đứng ngay trên cửa sổ, nhưng rốt cuộc làm như vậy, ông cũng sẽ chẳng được gì.
Đại đức liền đến đứng trước cửa sổ, ông Trưởng giả lại nói:
– Ông đứng ngay ngưỡng cửa sổ làm gì, ông có thể phun ra khói, nhưng rốt cuộc làm vậy ông cũng chẳng được gì đâu.
Đại đức liền phun khói ra, cả tòa lâu đài mù mịt trong khói đen, hai mắt ông Trưởng giả xốn xang như bị kim chích. Sợ cháy nhà, ông ta không dám thách thức Đại đức phun lửa, nên làm thinh nghĩ rằng: “Ông Sa môn nầy đeo dính theo ta, nói gì cũng không nhúc nhích. Ta phải thí cho ông một ố bánh đưa ổng đi cho rồi”.
Ông Trưởng giả bảo vợ: “Bà nầy, hãy nướng một cái bánh nhỏ cho ông Sa môn, bảo ông đi nơi khác đi”.
Bà Trưởng giả đổ chút ít bột vào khuôn, bột nổi phình thành một cái bánh to, choán đầy cả khuôn, thấy vậy ông nóng ruột, tự nghĩ rằng: “Chắc là đổ nhiều bột quá”.
Ông bèn đứng dậy, tự mình múc một muỗng nhỏ bột đổ vào khuôn, cái bánh thứ hai còn phồng to hơn cái bánh trước, ông lại tiếp tục bớt bột, nhưng cái thứ ba to lớn hơn thêm, ông tiếp tục bớt bột đổ thêm nữa, nhưng cá bánh càng về sau lại càng phồng hơn cái trước. Đến khi mệt mỏi, ông bảo vợ:
– Nầy bà, hãy lấy một cái bánh cho ông Sa môn đi.
Bà Trưởng giả cầm lấy cái bánh trong giỏ xách, nhưng tự nhiên các ổ bánh dính chùm lại với nhau. Bà gọi chồng:
– Mình à, những ổ bánh nầy dính chùm lại với nhau, tôi gỡ không ra.
– Bà để đó cho tôi.
Ông Trưởng giả gở cũng không ra, hai ông bà nắm hai đầu bánh kéo như căng dây, mà cũng không thể bẻ lẻ ra được, hai ông bà ráng sức kéo một hồi mồ hôi xuất ướt cả mình, hai ông bà khát nước quá, phải buông ra chịu thua. Ông bảo vợ rằng:
– Bà à, ta không cần ăn bánh nữa, bà hãy đem cả giỏ xách nầy mà cho ông Sa môn đi.
Bà Trưởng giả mang cả giỏ bánh đến gần Đại đức, Đại đức thuyết pháp cho ông bà nghe về ân đức của Tam Bảo và giải cho họ biết về phước báu của các việc lành, nhất là sự bố thí sẽ phát sanh tròn đủ cho các thí chủ như trăng tròn mọc trong ngày rằm vậy.
Được nghe pháp, ông Trưởng giả phát tâm trong sạch thỉnh Đại đức: “Bạch Ngài!
Xin Ngài vào an tọa nơi đây thọ thực”.
Đại đức đáp: “Nầy Trưởng giả, Đức Chánh Biến Tri hiện đang ngự tọa trong chùa Jetavana, Ngài muốn độ bánh với năm trăm Tỳ khưu tại đó. Ngài đã sai ta đến đây thuyết phục ông bà, rồi đưa ông bà với bánh sữa, đường, mật về Jetavana. Vậy ta hãy chuẩn bị cùng nhau đi đến viếng Đức Bổn Sư”.
– Bạch Ngài, hôm nay Đức Bổn Sư ngự tại đâu?
– Ở chùa Jetavana, cách đây độ bốn mươi lăm do tuần đó à.
– Bạch Ngài! Làm sao ta đi được một khoảng đường như thế cho kịp bây giờ.
– Nầy ông Trưởng giả, miễn là ông bà hoan hỷ thì dầu xa, ta sẽ dùng thần thông đưa hai người đi, nơi ta đứng trong tòa lâu đài nầy sẽ là cầu thang, và cổng tam quan của chùa Jetavana là chân cầu thang, chỉ trong thời gian mau lẹ như từ trên lầu nầy xuống đất, ắt sẽ đưa hai ông bà tới Jetavana rồi.
Ông Trưởng giả bằng lòng nên đáp: “Lành thay, bạch Ngài”.
Đại đức bèn nguyện rằng: “Nơi đây, là cầu thang, xin cho chân thang là cổng của Tịnh xá Jetavana”.
Lời nguyện của Đại đức thành tựu trong tức khắc. Đại đức và hai ông bà Trưởng giả trong chốc lát đã đến Jetavana, còn mau hơn là từ lầu xuống đất. Hai thí chủ cùng đến báo tin với Đức Bổn Sư: “Đã đến giờ thọ thực”.
Đức Bổn Sư bèn dắt năm trăm Tỳ khưu ngự vào trai đường, Ngài ngự lên Phật bảo tọa đã được dọn sẵn, ông Trưởng giả bèn xối nước khai mạc buổi lễ cúng dường bánh đến Đại đứcTăng có Đức Phật là hội chủ. Bà sớt đầy bánh đến đấng Như Lai, Đức Bổn Sư thọ dụng bánh vừa đủ, cả năm trăm Tỳ khưu vẫn như thế, ông Trưởng giả đứng dâng sữa, bơ, đường lỏng, đường cục.
Khi dùng xong bữa, Đức Bổn Sư cùng với năm trăm Tỳ khưu bảo thôi dâng, hai vợ chồng Trưởng giả mới rảnh tay, cùng ăn bánh cho no bụng, bánh còn dư thật nhiều, đem cho đế người xin tàn thực của chư Tăng, ăn cũng không hết. Hai ông bà bèn bạch lại với Đức Thế Tôn:
– Bạch Ngài, bánh còn dư đem bỏ đâu?
Đức Bổn Sư dạy:
– Hãy mang đổ ngoài cổng trước chùa Jetavana.
Khi hai ông bà đem bánh dư đổ xuống triền dốc, gần cổng tam quan chùa, cho đến nay chỗ ấy còn mang tàn tích kỷ niệm là Dốc bánh tàn ong (Kapallapūvapabbhāra), kế đó nhà đại phú hộ cùng vợ đến gần đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi đứng sang qua một bên. Đức Thế Tôn đọc kinh phúc chúc.
Nghe hết bài kinh, hai ông bà đắc quả Tu Đà Hườn, đảnh lễ Đức Bổn Sư rồi lên cầu thang từ cổng tam quan trở lại lâu đài của mình. Từ đó về sau, ông đem cái kho tàng tám trăm triệu đồng vàng mà ủng hộ Phật Pháp.
Sáng hôm sau, chư Tỳ khưu ngồi họp mặt trong giảng pháp đường, đề cao oai lực của Đại đức Moggallāna rằng:
– Chư hiền hữu có thấy oai lực của Đại đức Moggallāna chưa? Đại đức không làm mất đức tin, không làm hao tài sản, chỉ trong chốc lát mà thu phục được ông Trưởng giả Macchariyakosiya, khiến ông mang cả bánh và đưa ông ta trở về Jetavana yết kiến Đức Bổn Sư, nhờ đó ông đắc quả Tu Đà Hườn. Đại đức quả thật là một bậc đại thần lực vậy.
Do Thiên nhĩ, Đức Thế Tôn nghe được sự đàm luận của chư Tỳ khưu, Đức Bổn Sư ngự vào phòng họp phán hỏi rằng:
– Nầy các Tỳ khưu! Hôm nây các ông hôi họp thảo luận về việc chi thế?
– Bạch Ngài, chúng con… như vầy…
Nghe chư Tăng đáp xong, Đức Bổn Sư phán dạy:
– Nầy các Tỳ khưu! Ví như ong chỉ lấy mật trong hoa, Tỳ khưu nào khéo huấn luyện một gia tộc thì không làm mất đức tin, không làm hại tài sản, không làm khổ cực, khó mãi cho gia tộc ấy. Trái lại, khi đến gần người cư sĩ nên làm cho họ biết đến ân đức của Tam bảo như con trai ta là Moggallāna đây vậy.
Sau khi thốt lời khe ngợi Đại đức, Đức Bổn Sư thuyết lên kệ ngôn rằng:
“Yathā pi bhamaro pupphaṃ,
Vaṇṇagandhaṃ aheṭhayaṃ;
Paleti rasam’ādāya,
Evaṃ gāme munī care”.
“Ví như ong nọ tìm hoa,
Lấy xong chút mật rồi là bay đi.
Sắc hương chẳng động làm chi,
Sa môn khất thực cũng y thế mà”.
CHÚ GIẢI:
Trong bài kệ, Phạn ngữ bhamaro chỉ cho con ong mật bất cứ thứ nào. Pupphaṃ: Trong vườn hoa, con ong vào ra hút mật, nhưng không làm tổn hại hoa và hương sắc của hoa.
Paleti: Sau khi hút lấy nhụy hoa vừa đủ no, con ong bay về tổ, nhả ra để làm thành mật, nó bay lút vào một bọng cây trong rừng rậm nào đó, nhỏ nhụy có lẫn bột phấn hoa ra lọc lấy chất tinh túy chế biến dần thành mật ong nguyên chất. Trong khi bay đi đó khắp vườn hoa, không bao giờ con ong làm thiệt hại hoa hay hương sắc của hoa, sau đó nó bay đi, tất cả vườn hoa vẫn y nguyên như thường.
Evaṃ gāme munī careti: Cũng như thế, bậc xuất gia tịnh giả hữu học hoặc vô học (asekha) đi trì bình khất thực trong làng xóm của người cư sĩ, không bao giờ sự đi lại của các Ngài gây tổn hại đức tin hoặc tài sản của các gia tộc khi vào làng như thế, rồi trở ra, bậc tịnh giả hữu học trải Tăng già lê (saṅghāṭi) ngồi nơi chỗ mát mẻ, có nước, ở ngoài xóm, quán tưởng vật thực đi bát được như thịt của đứa con mình, là người trốn trong rừng bất đắc dĩ phải ăn để duy trì mạng sống, rồi mới thọ dụng, sau khi đi vào rừng như thế, vị ấy lấy nội tâm làm đề mục tham thiền quan tưởng, đạt được bốn đạo và bốn quả trở thành vị Thánh vô học, trú tâm vào Kiến lạc pháp (Diṭṭhadhamma sukha) tức là hưởng thụ tịnh lạc hiện tiền do nhờ giác ngộ nội tâm.
Vị nầy cũng giống như con ong vào rừng nhả nhụy làm hoa, biến chế ra mật nguyên chất vậy. Bậc tịnh giả trong bài kệ nầy là chỉ bậc sa môn A La Hán như Đại đức Moggallāna.
Bài kệ vừa dứt, nhiều vị Tỳ khưu chứng đắc Thánh quả, nhất là Tu Đà Hườn quả. Sau bài pháp nầy, Đức Thế Tôn còn thốt lời tán dương ân đức cao thượng của Đại đức nữa:
– Nầy chư Tỳ khưu, không phải Moggallāna chỉ mới thu phục được Trưởng giả trong kiếp nầy. Trong tiền kiếp Moggallāna cũng đã từng huấn luyện ông ta, khiến ông ta hưởng được nghiệp quả liên quan rồi.
Để chứng minh cho việc nầy, Đức Bổn Sư giảng tích Illīsajātaka (Tích Đoản Kiếm) và ngâm lên kệ rằng: (Jātaka 345)
“Ubho khañjā ubho kuṇī,
Ubho visamacakkhukā;
Ubhinnaṃ pīḷakā sīse,
Nāhaṃ jānāmi illīsanti”.
“Người què, người lại nhót chân,
Cả hai cặp mắt lé trân không nhìn.
Hai đầu lép cũng giống in,
Ai là đoản kiếm ta nhìn không ra?”.
Dịch Giả Cẩn Đề
Khan Nang bá hộ kiết ai bằng?
Thèm bánh tàn ong định trốn ăn.
Cửa đóng then gài che mắt tục,
Lời qua tiếng lại tiễn chân Tăng.
Duyên may Phật độ thành Sơ quả.
Phước tốt Sư trừ bớt bịnh căn.
Tự hậu chẳng quên thầy tiếp dẫn,
Tỳ khưu Lậu Tận, bực kỳ năng.
DỨT TÍCH BÁ HỘ KHAN NANG