Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển I – Phẩm Chuyên Niệm: Tích Vị Tỳ Khưu Quán Lửa Rừng

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển I

Phẩm Chuyên Niệm: Tích Vị Tỳ Khưu Quán Lửa Rừng

“Appamādarato bhikkhu,
Pamāde bhayadassi vā;
Saññojanaṃ aṇuṃ thūlaṃ,
ḍahaṃ aggīva gacchatīti”.

“Tỳ khưu mến chuyên cần,
Hoặc thấy sợ phóng dật.
Như lửa cháy lan truyền,
Kiết sử nhỏ lớn mất”.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư thuyết ra khi Ngài ngự tại Tịnh xá Jetavana (Kỳ Viên) đề cập đến vị Tỳ khưu đã mục kích được một đám cháy rừng. Tương truyền rằng: Vị ấy sau khi đã thọ huấn nơi Đức Bổn Sư đề mục thiền định để đắc quả A La Hán bèn đi vào rừng tinh tấn hành thiền nhưng không chứng đắc quả như ý nguyện, vị ấy nghĩ thầm: “Ta phải về bạch xin Tôn sư giải thích thêm đề mục này mới được”. Thế rồi vị ấy lìa rừng trở về nơi ngự của Đức Bổn Sư, dọc đường vị ấy trông thấy một đám cháy rừng đang cháy tới, bèn lật đật trèo lên chóp một trái núi trọc, ngồi nhìn ngọn lửa đang cháy tung hoành và lấy đó làm đối tượng để quán niệm rằng: “Cũng như ngọn lửa rừng nầy, nó bắt cháy những nguyên liệu cỏ cây nhỏ lớn, mà tràn tiến tới. Như thế này thì ngọn lửa trí tuệ giác ngộ thành đạo, nó sẽ bắt cháy những kiết sử lớn nhỏ mà lan truyền tới cũng như thế ấy”.

Đức Bổn Sư đang ngự tọa trong hương thất thì thấy tâm niệm của vị Tỳ khưu trong rừng, nên phán dạy rằng:

– Nầy Tỳ khưu! Cũng như những đồ nhiên liệu lớn có, nhỏ có như thế ấy, bên trong những chúng sanh nầy có những kiết sử nhỏ lớn đang sinh lên, cần phải dùng ngọn lửa trí tuệ để thiêu cho cháy hết, không cho có thể tái sanh.

Phán rồi, Đức Bổn Sư phóng hào quang hiện ra cho vị Tỳ khưu trông thấy nhưNgài đang ngự trước mặt vị ấy và đọc kệ rằng:

“Appamādarato bhikkhu,
Pamāde bhayadassi vā;
Saññojanaṃ aṇuṃ thūlaṃ,
ḍahaṃ aggīva gacchatīti”.

“Tỳ khưu nào giữ thường lệ,
Thích không phóng dật, sợ ghê buông tuồng.
Tiến mau như ngọn lửa cuồng,
Kiết sử lớn nhỏ, tiêu luôn chẳng chừa”.

CHÚ GIẢI:

Trong bài kệ, Phạn ngữ Appamādarato: nghĩa là người hoan hỷ, thỏa thích trong hạnh chuyên cần, người luôn luôn giữ mình không phóng dật.

Pamāde bhayadassi vā: Nghĩa là người thấy sợ thay cho những người phóng dật sẽ phải sa đọa khổ cảnh như địa ngục chẳng hạn, hoặc là thấy sợ phóng dật vì đó là căn nguyên sa đọa của những người ấy.

Saññojanaṃ: Đây là triền phược, là kiết sử, nghĩa là mười sợi dây trói buộc chúng sanh trong vòng tái sanh.

Aṇuṃ thūlaṃ: Nghĩa là nhỏ nhen và lớn lao. Kiết sử được chia thành hai phần:

Hạ phần có năm là: Thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, dục ái và sân. Thượng phần kiết sử là sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo cử và vô minh.

Ḍahaṃ aggīva gacchati: Cũng như ngọn lửa nầy bắt cháy những nhiên liệu lớn và nhỏ ấy mà đi tới. Vị Tỳ khưu là người ưa thích nết hạnh chuyên cần, nhờ ngọn lửa trí tuệ, chuyên cần tăng tiến pháp hành cũng bắt cháy những kiết sử lớn nhỏ, lan truyền đi tới đốt thiêu tất cả, không còn có thể tái sanh vậy.

Bài kệ vừa dứt vị Tỳ khưu ấy đắc quả A La Hán tại chỗ ngồi vì đã thiêu đốt sạch tất cả mười kiết sử. Vị ấy bay đến tán thán Kim thân Đấng Như Lai. Sau khi ca tụng vị ấy đảnh lễ Ngài rồi từ giã ra đi.

Dịch Giả Cẩn Đề
Ngọn lửa thiên nhiên cứ cháy tràn,
Rừng xanh cây lá cũng tiêu tan.
Người tu trí nhạy dường như lửa,
Kiết Sử nào đâu chẳng rụi tàn?
Cần chuyên hăng hái nhiệt tâm thành,
Bỏ ngủ, quên nằm tuệ giác sanh.
Mỗi phút, giờ qua đừng chểnh mảng,
Lo chi đạo quả chậm viên thành?
DỨT TÍCH VỊ TỲ KHƯU QUÁN LỬA RỪNG

32 31

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app