Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển I 

Phẩm Chuyên Niệm: Tích Đức Sakka

“Appamādena maghavā,
Devānaṃ seṭṭhataṃ gato;
Appamādaṃ pasaṃsanti,
Pamādo garahito sadāti”.

“Nhờ chuyên cần Ma già,
Thành vua trời Đao Lợi.
Chuyên cần được ngợi khen,
Phóng dật thường bị la”.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết ra khi Ngài ngự an trong giảng đường Trùng Các (Kūṭagārasālā), gần thành Vesālī, đề cập đến Thiên Vương Sakka (Đế Thích), tục gọi là Đức Ngọc Hoàng.

Thời ấy, trong thành Vesālī (Quảng Nghiêm) có một vương tử tên là Mahāli, thuộc dòng Licchavī. Một hôm, được nghe Đức Bổn Sư thuyết lên bài kinh Sakkapañha (Đế Thích Vấn Đạo). Vương tử nghĩ rằng: “Đức Chánh Biến Tri đã thuyết pháp đề cao, ca tụng quyền lực của Đức Thế Thích, là do Ngài đã thấy rồi thuyết, hay là Ngài chưa thấy mà thuyết. Do Ngài quen Đức Thế Thích hay là không quen? Ta phải hỏi lại Ngài mới được”.

Thế rồi vương tử Mahāli đến gần Đức Thế Tôn, đảnh lễ Ngài xong rồi, ngồi qua một bên. Khi đã ngồi yên vương tử bạch hỏi Đức Thế Tôn:
– Bạch Ngài! Ngài có thấy Thiên Vương Đế Thích hay chưa?

– Nầy Mahāli! Ta đã thấy Thiên Vương Đế Thích rồi.

– Bạch Ngài! Nếu thật là Thiên Vương Đế Thích thì khó thấy, khó biết lắm. Sợ e

Ngài đã thấy lầm vị nào giống như Thiên Vương Đế Thích chăng?

– Nầy Mahāli! Ta biết rõ Đế Thích, ta biết rõ cả những pháp nào mà Đế Thích thọ trì và thực hành mới được làm chúa cõi chư Thiên. Nầy Mahāli, Đế Thích Hoàn Nhân (Sakkadevānamindo), do kiếp trước ở cõi nhân gian là một thanh niên tên Magha, cho nên được gọi là đức Maghavā. Nầy Mahāli, Đức Đế Thích do kiếp trước ở nhân loại đã bố thí tròn đủ nên được gọi là Purindado (Đức Viên Mãn Thí). Nầy Mahāli, Đức Đế Thích do kiếp trước ở cõi nhân gian đã bố thí đắc lực, cho nên được gọi là đấng Sakka (Năng Thiên). Nầy Mahāli, Đức Đế Thích do kiếp trước ở cõi nhân gian đã bố thí chỗ trú, nên được gọi là Vāsava (Lưu Ngụ Thí). Nầy Mahāli, do kiếp trước ở cõi nhân gian, mỗi giây phút nghĩ ra được hàng ngàn việc lợi ích, cho nên Đức Đế Thích được gọi là Sahassacakkhu (Thiên Nhãn). Nầy Mahāli, do làm chồng của
nàng Sujātā là Công chúa cõi Asura (A Tu La) nên có danh hiệu là Sujampati (Đức Diệu Sanh Phu). Nầy Mahāli, do là vị lãnh chúa, ngự trị trên cõi Tam thập tam thiên (Tāvatiṃsa), nên có danh hiệu là Devānamindo (Đức Đề Hoàn Nhân). Nầy Mahāli, Đức Đế Thích kiếp trước ở cõi nhân gian đã hành theo bảy hạnh công đức mà được làm vua cõi chư Thiên. Thế nào là bảy?

1. Hạnh nguyện suốt đời phụng dưỡng song thân.
2. Suốt đời tôn kính các bậc trưởng thượng.
3. Hạnh nguyện suốt đời nói lời chân thật.
4. Hạnh nguyện suốt đời không nói lời đâm thọc.
5. Hạnh nguyện suốt đời rửa lòng thật sạch bợn nhơ bỏn xẻn, là người tại gia cư
sĩ mà xả bỏ của cải bố thí không chút luyến tiếc, để đáp ứng nhu cầu của kẻ đến xin.
6. Hạnh nguyện suốt đời nói lời dịu ngọt.
7. Hạnh nguyện suốt đời không phẫn nộ, nếu có sân hận nổi lên thì mau dập tắt.

Nầy Mahāli! Đức Đế Thích do kiếp trước ở cõi nhân gian đã thành tựu bảy thứ công hạnh: Sự thân, tôn trưởng, cam ngôn, vô lưỡng thiệt, hảo tâm, chơn ngữ, vô nộ như thế nên mới được làm chúa cung trời Đao Lợi.

“Mātāpettibharaṃ jantuṃ,
Kule jeṭṭhāpacāyinaṃ;
Saṇhaṃ sakhilasambhāsaṃ,
Pesuṇeyyappahāyinaṃ.
Maccheravinaye yuttaṃ,
Saccaṃ kodhābhibhuṃ naraṃ;
Taṃ ve devā tāvatiṃsā,
Āhu sappuriso itīti”.

“Nuôi song thân trọn niềm hiếu đạo.
Biết kính nhường Trưởng lão trong nhà.
Nói năng êm ái dịu hòa.
Những thói đâm thọc, điêu ngoa chẳng dùng.
Hằng dứt bỏ được lòng rít róng.
Lời chánh chơn, tánh nóng dẹp yên.
Người có Đao Lợi chư Thiên,
Tôn xưng quân tử đại hiền trượng phu”.

Nầy Mahāli! Đó là nghiệp lành mà Đức Đế Thích đã tạo trong kiếp làm thanh niên Magha vậy.

Đức Bổn Sư vừa dứt lời, vương tử Mahāli muốn biết thêm chi tiết về những thiện hạnh của Đức Đế Thích, bèn bạch hỏi rằng:

– Bạch Ngài! Chẳng hay thanh niên Magha đã thực thi những hạnh công đức như thế nào?

– Thế thì, nầy Mahāli ông hãy lắng nghe.

Phán rồi, Đức Thế Tôn bắt đầu kể chuyện tiền thân của Đức Đế Thích. Thưở xưa, trong làng Acalagāma (Bất Đồng) thuộc Magadha, có một thanh niên tên là Magha. Chàng Magha đến cư ngự trong làng từ lúc mới lập thôn ấp, đất đai hãy còn nhiều chỗ hoang vu. Ban đầu chàng xí một miếng đất rừng, phát dọn khang trang thành một nơi lạc thổ. Cất nhà lên để ở, thì một kẻ khác đến đánh đá, đuổi đi và chiếm
đoạt chỗ ở của chàng.

Magha cũng chẳng chút giận hờn chi kẻ đã hiếp đáp mình, lại phát dọn một sở đất khác cho sạch sẽ, đẹp đẽ rồi lại cất nhà khác để ở. Làm xong nhà, chàng lại bị kẻ khác đến đánh chiếm dành chỗ nhà, không cho chàng ở. Magha cũng chẳng giận chi kẻ bất lương, chỉ lo khai thác đất hoang cho bằng phẳng, cất nhà ở một chỗ khác. Hễ cất nhà xong là chàng bị kẻ khác đuổi đi, dọn đất thì bị chiếm đất, thanh niên Magha bị những kẻ mạnh áp chế để cướp đoạt chàng một cách trắng trợn như thế nhiều lần, nên cứ phải đi mãi. Tuy vậy chàng vẫn hoan hỷ tự
nhủ rằng: “Tất cả mọi người đều được an vui, chính ta là người ban sự an vui cho họ, tức là ta đã tạo phước cho ta về sau vậy”.

Nhờ có tâm quảng đại như thế, thanh niên Magha không chút ưu phiền. Hôm sau, chàng lại vác cuốc đi giẫy cỏ, ban đất, dọn thành một cái sân rộng lớn, sạch sẽ khang trang, cất lên một phước xá. Tất cả mọi người đến ngự đều được Magha cung cấp củi lửa trong mùa lạnh và nước tắm trong mùa nóng. Từ khi hoàn thành ngôi an lạc cảnh nầy về sau Magha được lòng yêu mến của mọi người thọ ơn, không ai còn ganh ghét chàng nữa cả. Thấy việc làm phước của mình có kết quả tốt đẹp, thanh niên lại nghĩ rằng: “Từ nay về sau ta nên đắp đường bồi lộ cho thiên hạ đi”. Mỗi buổi sáng, chàng ra đi sửa sang đường xá cho bằng phẳng, lượm hết rác rến, nhánh cây gãy nằm ở giữa đường.
Khi ấy, có người thấy thanh niên Magha làm như vậy bèn hỏi:

– Nầy anh, làm cái chi vậy?

– Anh ạ! Tôi làm con đường đi lên cõi trời.

– Nếu vậy, anh cho tôi làm chung cho có bạn.

– Được thôi, anh hãy làm chung với tôi. Ở cõi trời có nhiều người cũng là tốt.

Từ đó, có được hai người chung một chí hướng, nhiều người khác thấy họ làm việc công ích, hỏi thăm và xin gia nhập vào đoàn. Số bạn của Magha tăng lên dần dần, sau cùng thành một nhóm ba mươi ba người.

Ngày nào họ cũng vác cuốc ra đồng để sửa soạn con đường, làm thành một quãng dài độ hai do tuần.

Thấy công tác do nhóm thanh niên Magha lãnh đạo viên Hương quản (Gāmbhojaka) nghĩ bụng: “Những người nầy chỉ lo làm việc tốn công vô ích, phải chi họ đi rừng kiếm cá thịt đem về, hoặc là nấu rượu ăn nhậu chơi, hoặc làm cái chi khác mà ta có thể kiếm chác, liếm láp chút đỉnh…”.

Thế rồi viên Hương quản sai chú trùm đi mời nhóm thanh niên ấy đến công sở và hỏi:

– Mấy chú làm cái chi vậy?

– Dạ thưa Hương quản, làm đường lên trời.

– Những người có nhà cửa gia đình chẳng nên làm vậy. Tốt hơn nên vào rừng kiếm cá thịt, rau trái đem về, hoặc nấu rượu nhậu chơi, hoặc làm việc chi khác nữa kìa.

Mặc dầu viên Hương quản nhắc đi nhắc lại nhiều lượt như thế. Nhóm thanh niên cũng chẳng chịu nghe theo, viên Hương quản nổi giận nói rằng:

– Ta sẽ làm cho lũ nầy phải chết hết.

Ông ta vào triều tâu với Quốc vương: “Muôn tâu Thiên tử! Y chức có thấy nhiều kẻ cướp kết bè lập đảng để đi nhiễu hại lương dân”.

Quốc vương phán rằng: “Trẫm phú cho khanh nã tróc bọn ấy đem nạp triều đình”.

Được lịnh Quốc vương viên Hương quản bắt hết nhóm thanh niên áp giải về triều.

Quốc vương không cần tra xét, lập tức ra lịnh:

– Hãy cho voi dày bọn ấy.

Magha bình tĩnh khuyên nhủ các bạn:

– Nầy anh em, trừ tâm từ ái chúng ta không còn chỗ nào để nhờ cậy. Anh em đừng có chút gì buồn giận đức vua với viên Hương quản và con voi sẽ giày đạp mình. Anh em hãy rải từ tâm và giữ tâm bình tĩnh. Cả nhóm đã làm như thế, khi ấy do oai lực từ tâm của những người vô tội, con voi không dám lại gần họ.

Quốc vương nghe quân phúc trình việc nầy thì nghĩ rằng:

– Chắc là tại nó thấy đông người nên không dám dày đạp họ.

Ngài bèn ra lịnh: “Hãy lấy đệm phủ lên mình bọn ấy rồi thả voi ra cho giày đạp”.

Con voi được thả ra cho giày đạp nhóm người bị trùm đệm, thấy họ nó càng lảng tránh ra xa. Khi nghe thông báo rõ việc nầy, Quốc vương sanh nghi: “Chắc là có điều chi uẩn khúc?”.

Quốc vương cho áp giải toán thanh niên vào triều và phán hỏi:

– Nầy các khanh! Tại sao các khanh không tuân hành luật vua phép nước như vậy?

– Muôn tâu Thánh hoàng! Chúng thần có làm chi phạm pháp đâu?

– Có người tố cáo các khanh là những tên cướp kết bè đảng với nhau, đi lẩn lút trong rừng.

– Tâu Thánh thượng! Ai tố cáo như thế?

– Viên Hương quản các khanh ạ.

– Muôn tâu Thánh hoàng, chúng con không phải là kẻ cướp, chúng con tự lo sửa sang, quét dọn con đường lên thiên giới. Nếu có làm việc nầy việc nọ viên Hương quản xúi bảo chúng con làm điều bất thiện không được, ông ta muốn hãm hại chúng con, nên mới vu khống như thế.
Sau khi nghe lời trần tình của nhóm thanh niên ham làm việc nghĩa. Quốc vương rất đẹp dạ, phán rằng:

– Nầy các khanh! Con thú nầy nó còn nhận biết ân đức của các khanh, trẫm là người không bì kịp nó, cho nên trót lỡ tin theo lời quấy của kẻ ngu si, không chịu tra xét cho minh bạch. Trẫm có sơ xuất, các khanh tha lỗi cho trẫm.

Quốc vương hạ lịnh bắt giam viên Hương quản và vợ con phải làm tôi tớ cho nhóm thanh niên, ban cho nhóm nầy con voi ấy để cưỡi, cấp luôn làng Acalagāma cho họ được trọn quyền làm chủ, tùy ý sử dụng. Các thanh niên bảo nhau: “Chúng mình làm phước thì được phước, được thấy nhãn tiền rồi”. Họ càng phấn khởi phát tâm trong sạch.

Sau khi cỡi voi dạo khắp làng, họ lại trù tính như vậy: “Bây giờ chúng ta nên làm một công tác phước thiện đặc biệt”.

– Chúng ta sẽ làm gì?

– Nơi ngã tư đường cái, ta sẽ lập một ngôi An dưỡng đường (vissamanasālā) bình dân, thật bền chắc lâu dài.

– Phải rồi.

Sau khi đã đồng ý, họ kêu thợ mộc làm ngôi An dưỡng đường. Vì không muốn có tên nữ nhân dự trong công việc của họ, nên họ không chịu cho phụ nữ hùn phước trong việc tạo tác ngôi dưỡng đường.

Chàng Magha có bốn cô vợ là: Sunandā, Sucittā, Sudhammā và Sujātā, bốn nàng đều có nhà ở riêng.

Nàng Sudhammā nghe các thanh niên không cho nữ nhân hùn phước, nàng tìm đến ông thợ mộc mật đàm rằng:

– Nầy bác ơi! Bác làm thế nào cho cháu được đứng tên làm chủ ngôi giảng đường nầy.

Nàng trao tặng cho người thợ mộc tiền nước rất trọng hậu, ông nhận lời nói rằng:

“Được rồi”.

Lúc khởi công, người thợ mộc chọn cây ván, phơi khô, bào đục, làm thành tấm bảng hiệu trước hết và khắc mấy chữ là: “An dưỡng đường Sudhammā”. Xong rồi dùng vải bao lại, để riêng một nơi.

Khi đã đốc xuất làm xong ngôi An dưỡng đường. Vào ngày trương bảng hiệu để khánh thành. Ông thợ mộc giả vờ nói:

– Ông ơi! Có một việc mà tôi quên mất.

– Việc chi vậy bác?

– Còn thiếu tấm bảng.

– Để chúng tôi mang cây ván đến cho bác làm.

– Bây giờ dùng ván mới sẽ không làm kịp. Phải kiếm cho được tấm bảng ván phơi khô sẵn bào đục từ trước để dành cho đến bây giờ mới được.

– Thế thì phải làm sao?

– Nếu như ai có làm sẵn bảng để dành bán thì mình hãy nài lại họ.

Nhóm thanh niên đi kiếm tấm bảng để mua, gặp được tấm bảng trong nhà của Sudhammā, trả giá đến ngàn đồng vàng, cũng không mua được. Nàng nói: “Tôi không cần tiền bạc chi cả. Nếu các anh cho tôi được hùn phước tạo tác ngôi An dưỡng đường thì tôi biếu không tấm bảng nầy”.

Nghe vậy, các chàng thanh niên đáp:

– Chúng tôi đã quy định không cho nữ nhân hùn phước.

Khi ấy ông thợ mộc xen vào can thiệp:

– Thưa quý Ngài! Sao quý Ngài lại tính như thế, trừ ra cõi Phạm Thiên, ngoài ra không có cõi nào không có nữ nhân. Quý Ngài nên nhận tấm bảng đã sẵn sàng như thế nầy đi, để khánh thành ngôi An dưỡng đường cho xong. Xong việc rồi chúng tôi còn đi nơi khác nữa.

Nhóm thanh niên bằng lòng nhận tấm bảng đem về, dựng lên khánh thành ngôi An dưỡng đường.

Cơ sở kiến trúc nầy được chia làm ba khu, khu thứ nhất để cho chủ nhân ở, khu thứ nhì để cho bần nhân và khu thứ ba để cho bịnh nhân trú.
Ba mươi ba chàng thanh niên lót ba mươi ba tấm ván, rồi ra dấu cho con voi hiểu rằng: “Nếu khách đến ngồi trên tấm ván của người nào lót, thì hãy đưa khách đến nhà người ấy: chủ tấm ván ấy làm tất cả phận sự để phục dịch khách lạ mới đến, như là đấm bóp tay chân, đấm lưng, cung cấp vật thực cứng mềm, xếp dọn chỗ ngủ…”.

Con voi hiểu ý chủ nhân, hễ thấy khách lạ đến ngồi vào tấm ván nào, thì nó đưa khách đến gặp chủ tấm ván ấy. Và chủ nhân phải lo làm tất cả những gì cần phải làm trong ngày, để phục dịch khách. Cách An dưỡng đường không xa, Magha có trồng một cây Kovilāra và lót kê một phiến đá bằng mặt, nơi gốc cây ấy.

Thiên hạ khi vào An dưỡng đường, ai cũng nhìn lên tấm bảng và đọc mấy chữ:

“An dưỡng đường Suddhammā” rồi nói:

– An dưỡng đường nầy của nàng Sudhammā. – Không ai nhắc đến tên ba mươi ba chàng thanh niên.

Khi ấy, nàng Sunandā suy nghĩ rằng: “Mấy anh ấy cất An dưỡng đường, không chịu cho nữ nhân hùn phước. Tuy vậy, nàng Sudhammā thông minh lịch lãm, đã biết dùng tấm bảng mà chia phước báu, ta cũng phải làm cái chi để tham dự phần nào. Bây giờ, ta sẽ phải làm gì đây?”. Tiếp đến, nàng Sunandā suy nghĩ rằng: “Khách xa mới đến cần nước để tắm rửa, để xài. Vậy ta mướn đào một hồ nước”. Và nàng Sunandā
đã tạo được một hồ sen. Thấy vậy, nàng Sucittā nói thầm: “Dì Sudhammā làm phước được tấm bảng, chị Sunanda tạo được ao sen, còn phần ta phải làm chi đây?”. Để tạo phước nàng suy nghĩ:

– Khách đến An dưỡng đường, sau khi tắm rửa, uống nước, tắm mát xong, cần phải có hoa để cài lên mình mà đi. Vậy ta sẽ tạo vườn hoa.
Và nàng Sucittā đã tạo thành một lạc cảnh viên trồng đủ mọi hoa thơm cỏ lạ, mỹ miều khả ái, có đủ các thứ cây ăn quả chen vào với cây tòng, cây bá, xanh rợp cả bốn mùa.

Riêng nàng Sujātā thấy mọi người chung nhau tạo phước, nàng nghĩ thầm: “Ta là họ hàng bên ngoại và cũng là người nâng khăn sửa túi cho chàng Magha, những công tác của chàng thì cũng như của ta, những công việc của ta thì cũng chính là của chàng, chớ có khác chi đâu”.

Nghĩ vậy, nàng Sujātā không lo hùn phước, chỉ tối ngày lo điểm trang thân thể, trau dồi sắc đẹp mà thôi.

Còn chàng thanh niên Magha, suốt đời giữ đủ bảy hạnh: Sự thân, tôn trưởng, cam ngôn, vô lưỡng thiệt, ly hận, chân thật, vô nộ:

Nuôi song thân trọn niềm hiếu thảo. Biết kính nhường Trưởng lão trong nhà. Nói năng êm ái dịu hòa. Những thói đâm thọc điêu ngoa chẳng dùng. Hằng dứt bỏ được lòng rít róng. Lời chánh chơn, tánh nóng dẹp yên. Người đó Đao Lợi chư Thiên, Tôn xưng quân tử, đại hiền, trượng phu. Nhờ chuyên cần nhiệt tâm đáng đề cao như thế, sau khi mệnh chung Magha siêu sanh làm bậc Thiên Vương trên cung trời Đao Lợi. Những người bạn đồng chí của Magha cũng đều được sanh về đó cả, ông thợ mộc cũng sanh lên đó, là vị chư thiên có tên là Vissakamma (Thiên Tử kiến trúc) vì là người thợ mộc kiến tạo An dưỡng đường (Vissamanasālā).

Thời bấy giờ, các Thiên thần Asura (Atula) còn ở trên Tam thập tam thiên (Tāvatiṃsabhavana), nhân dịp có những tân thiên tử mới sanh lên, họ liền mở tiệc rượu ăn mừng, uống ròng huỳnh tương tiên tửu (dibbapāna).

Đức Đế Thích ra lịnh nghiêm cấm các thuộc hạ của mình, không cho ai uống rượu. Các thần Asura cứ uống rượu tiên đến nỗi say mèm, nằm nghiêng ngửa.

Đức Đế Thích thấy vậy, bất bình phán rằng:

– Làm sao trẫm trị quốc với những kẻ buông lung nầy được. – Thiên Vương bèn lịnh cho tùy tướng của mình nắm chân bọn Asura say, quăng chúng xuống đại hải. Tuy bị rới cắm đầu xuống biển, nhưng các thần Asura còn nhiều phước báu, nhờ đó mà một Asura thiên đường nhàn cảnh (Asuravimāne) phát sanh lên cho họ ở dưới chân núi Sineru. Một kinh đô cũng phát sanh lên có tên là Cittapātali (Mỹ La Thành).

Sau khi chiến thắng các Asura, ba mươi ba vị Thiên Chủ chiếm trọn cảnh giới Tāvatiṃsa rộng mười ngàn do tuần và nơi này được mệnh danh là cõi Ba Mươi Ba (Tāvatiṃsadevanagara). Tàu âm là Đao Lợi Đế Hoàng thành. Thành nầy từ cửa Đông qua cửa Tây đo được mười ngàn do tuần và cửa Nam qua cửa Bắc cũng mười ngàn do tuần. Vòng thành có ngàn cái cửa, bên trong có hoa viên và hồ nước mát. Ngay trung
tâm thành do phước kiến tạo An dưỡng đường có nổi lên một ngôi đền gọi là Tối Thắng Điện (Vejayanta) cao bảy trăm do tuần, làm bằng thất bảo (Sattaratana). Có cắm những đại kỳ cao ba trăm do tuần, những lá đại kỳ bằng ngọc Maṇi thì có cán bằng vàng, những lá đại kỳ bằng vàng thì cán là ngọc Maṇi. Những lá đại kỳ bằng trân châu có cán bằng san hô, lá đại kỳ bằng san hô thì cán bằng trân châu. Những lá
đại kỳ bằng thất bảo thì cán cũng là thất bảo. Ngay chính giữa là Đại Chiến Thắng Kỳ đứng hùng dũng cao ba trăm do tuần.

Đó là phước tạo An dưỡng đường mà ngôi Vương điện làm bằng thất bảo, cao một ngàn do tuần phát sanh lên như thế. Các thiên trượng (pāricchattako) che phủ một khoảng tròn rộng một trăm do tuần phát sanh lên là nhờ phước trồng cây Kovilāra. Còn phước kê tảng đá bằng mặt, làm cho dưới chân Thiên Trượng phát sanh lên bảo tọa bằng thạch anh vàng (Paṇḍukambalasilā), có màu tươi sáng như hoa hồng nhung, dài sáu mươi do tuần, rộng năm mươi do tuần, cao cũng năm mươi do tuần. Ngai bảo tọa nầy tự động xọp xuống khi Thiên Vương ngự lên và sau đó tự động phồng lên như cũ khi Thiên Vương đứng dậy.

Con voi cũng được sanh về cõi Đao Lợi, là vị Thiên Tử có tên Erāvaṇa. Trên Thiên cung không có thú vật, cho nên mỗi khi Thiên Đế hay chư thiên xuất hành ngự du ngoạn thì vị trời Erāvaṇa bỏ tướng chư Thiên, hóa hình thành voi Erāvaṇa cao lớn một trăm năm mươi do tuần cho vua cưỡi. Vị Trời nầy còn hóa ra ba mươi ba ngà voi (kumbha) có ba mươi ba bảo tọa có bề tròn khoảng ¾ do tuần. Chính giữa là thiên
kiệu dành cho Đức Đế Thích, cao ba mươi do tuần có tên là Sudassanaṃ (Thiện Kiến Đình). Trên mặt đình có ngôi nhà mát Bảo Đình tạ (Ratanamaṇḍapo) rộng độ mười hai do tuần. Nơi đây được trần liệt những thất bảo kỳ cao một do tuần, chung quanh mái đình tạ có treo một giàn chuông lạc, gọi là Linh Võng (Kinkiṇijāla), mỗi khi có làn gió nhẹ thoảng qua, lưới chuông nầy phát ra tiếng nhạc ngũ âm trầm bổng du
dương, hòa nhã thanh thoát, nghe tựa như cung đàn tiếng địch trong động Thiên Thai.

Giữa ngôi đình tạ, một bảo tọa bằng ngọc Maṇi rộng độ một do tuần, được trang trí khéo léo, là nơi Đức Đế Thích ngự tọa. Ba mươi ba vị chư thiên đều ngồi trên bảo tọa trong thiên kiệu của mình. Tất cả ba mươi ba thiên kiệu, mỗi cái đều được vị trời Erāvaṇa hóa ra đủ bảy ngà
dài năm mươi do tuần. Trong mỗi ngà có một hồ sen, mỗi hồ sen có bảy cụm hoa sen, mỗi cụm hoa sen có bảy hoa sen, mỗi hoa sen có bảy cánh sen, mỗi hoa sen có bảy nàng thiên nữ đang vũ những khúc nghê thường. Trên khắp cả vũ trường rộng năm mươi do tuần, bảy ngà voi đều có lễ hội tưng bừng như nhau cả. Đức Thiên Vương tọa hưởng vinh quang, Ngài hằng đi du ngoạn khắp Thiên cảnh vĩ đại huy hoàng như
thế.

Nàng Sudhammā mệnh chung cũng được sanh lên cõi Đao Lợi, tòa chư thiên hội rộng năm trăm do tuần phát sanh lên, có tên là Sudhammā là tên của nàng. Tòa bảo điện nầy nổi tiếng là nguy nga tráng lệ nhất, không nơi nào khác sánh kịp, hàng tháng, cứ đến ngày thứ tám, chư thiên tề tựu về đây để nghe thuyết pháp, ai ai cũng trầm trồ ngợi khen rằng:

– Tất cả những thắng cảnh tân thời ta đã viếng, đều thua xa tòa Diệu Pháp Thiên Hội Đường nầy!

Nàng Sunandā sau khi chết sanh về cõi trời Đao Lợi cùng với một ao sen xinh đẹp rộng năm trăm do tuần.

Nàng Sucittā cũng sanh về cõi Đao Lợi, một vườn hoa kỳ ảo rộng năm trăm do tuần, có tên là Cittalatāvana (Cát Đàng Viên Citta) phát sanh lên cho nàng. Đó là nơi thu hút chư thiên cõi Đao Lợi đến thưởng ngoạn một cách say mê. Vì đây là một cảnh trí đầy hương sắc và hằng thay đổi. Riêng về nàng Sujātā, khi lâm chung bị đọa làm con cò mái ở trong một hang đá trên sườn núi.

Đức Thiên Vương nhớ đến bốn người vợ cũ, bèn dùng Thiên Nhãn ra quan sát, thấy nàng Sudhammā, Sunandā, Sucittā được sanh về Đao Lợi cung, riêng nàng Sujātā thì vắng mặt nơi đây. Nhìn xa xuống nhân gian, Đức Thiên Vương thấy nàng đang ở trong khổ cảnh thì nghĩ rằng: “Nàng nầy dại dột, không làm phước báu dù chỉ là ít ỏi, bây giờ phải mang lớp thú. Ta cũng nên nhắc nhở nàng tạo phước để được
siêu sanh về đây”.

Nghĩ vậy, Đức Đế Thích biến hình hóa ra một người lạ mặt đến gần con cò mái và hỏi:

– Nàng làm gì lang thang ở đây vậy?

– Thưa, ông là ai?

– Ta là chồng của nàng, là Magha đây.

– Chàng hiện sanh về cảnh giới nào?

– Ta được sanh về Đao Lợi Thiên cung, ba cô bạn của nàng cũng được sanh lên đó. Nàng không biết sao?

– Thưa chàng! Em không biết.

– Nàng ráng cần tu khổ hạnh cho được sanh lên cõi của ta, thì sẽ tái ngộ ba cô bạn của nàng.

– Bây giờ, tôi lên cõi đó có được chăng?

– Được, để ta mang nàng lên cõi ấy.

Nói rồi, Đức Đế Thích đem con cò mái Sujātā lên cõi Đao Lợi, đặt nó đứng cạnh bờ hồ Sunandā, Ngài báo tin cho ba nàng Thiên hậu biết rằng:

– Ba nàng đã gặp nàng Sujātā chưa?

– Thưa Thiên chúa! Nàng ấy ở đâu?

– Đang đứng tại bờ hồ Sunandā.

Nghe vậy, cả ba nàng rủ nhau đến đó, trông thấy con cò mái, ba nàng kêu lên rằng:

– Dì út! Chao ôi, còn đâu nhan sắc mặn mà. Chao ôi! Còn đâu phấn sáp lụa là điểm trang. Bây giờ chị em hãy nhìn cặp giò kia, hãy nhìn xem hai chân kia? Có phải cô ả thật là đẹp lộng lẫy chăng? Sau khi buông lời chế giễu mỉa mai cô bạn cũ, ba nàng Thiên hậu đồng bỏ ra về.
Đức Đế Thích trở lại hỏi con cò Sujātā:

– Nàng có gặp được bạn cũ rồi chớ?

– Thưa có rồi, họ chế giễu em rồi kéo nhau đi mất. Xin chàng hãy đưa em đi viếng cảnh thiên.

Đế Thích nhận lời đưa cò Sujātā đi viếng khắp các thắng cảnh trên Thiên cung, xong rồi đưa nàng trở lại nơi cũ của nàng và hỏi rằng:

– Nàng đã thấy cơ đồ sự nghiệp của ba nàng kia chưa?

– Tâu Thiên vương, thiếp đã thấy rồi.

– Vậy nàng nên tinh cần tu tập để được về nơi ấy.

– Thưa Thiên vương! Thần thiếp phải làm sao để tu tập?

– Nàng hãy ráng vâng giữ làm theo những huấn từ của ta.

– Tâu Thiên vương, thần thiếp nguyện sẽ tuân theo lời dạy.

Khi ấy, Đức Thiên vương Đế Thích truyền ngũ giới cho con cò mái Sujātā, căn dặn nàng phải ráng chuyên cần gìn giữ rồi từ giã nàng.
Từ đó trở đi, con cò mái chỉ ăn ròng những tôm cá đã chết, để khỏi phạm giới sát sanh.

Cách vài hôm sau, để thử lòng con cò Đức Đế Thích hóa thành con cá măng nằm ngửa trên bãi cát giống như đã chết. Con cò mái thấy, ngỡ là cá chết nó lấy mỏ gắp lên để ăn, không ngờ khi nó sắp nuốt thì thấy con cá ve vẩy đuôi. Con cò nói:

– Cá còn sống.

Rồi nó nhả ra, thả cá xuống ao nước. Mấy hôm sau nữa, Đức Thế Thích lại thử con cò lần nữa, cũng y như thế, khi con cò gắp cá thấy còn ve vẩy cái kỳ, nó lại thả ra và nói: “Cá còn sống”. Sau khi thử thách ba phen như thế. Đế Thích hiện nguyên hình Thiên vương, khen con cò mái rằng:

– Nàng giữ giới thật trong sạch, ta đã ba phen xuống thử nàng, nàng đã kiên trì giữ giới cả ba. Nếu nàng cứ trì giới như thế mãi thì không bao lâu nàng sẽ siêu sanh về cõi của ta.

Nói rồi Thiên Vương biến mất. Từ đó trở đi, con cò mái nhất định: “Có cá chết thì ta dùng, không có thời thôi”. Cách mấy ngày sau nó phải bị chết đói. Do phước giữ năm giới trong sạch, nó được tái sanh làm con gái ông chủ lò gốm trong thành Bārāṇasī.

Khi cô gái đến tuổi cập kê, Đức Đế Thích chợt nhớ đến con cò tự hỏi: “Nàng đã tái sanh về đâu nhỉ?”. Khi quan sát tìm kiếm, thấy được hậu thân con cò mái là cô gái lứa. Đức Đế Thích nhủ thầm: “Bây giờ, ta nên xuống nơi đó”, Ngài hóa ra một cỗ xe tay nhỏ, chất đầy bảy loại báu vật, hình dáng như những quả thanh qua (dưa chuột), đi vào trong thành Bārāṇasī:

– Ai dùng thanh qua chăng?

Vừa đi vừa cất tiếng rao lanh lảnh, Đức Thế Thích noi theo lộ chính của thành phố, rảo qua các phố thị. Nhiều người đem đậu xanh, đậu đỏ, ngũ cốc đến đổi chác, Đức Thế Thích đều từ chối, nói rằng:

– Tôi không bán buôn hay đổi chác chi hết.

– Vậy thì ông cho hay sao?

– Tôi chỉ cho không những nữ nhân nào giữ giới.

– Trong những chị em đây, không một ai biết ngũ giới là gì cả, làm sao mà giữ giới cho được.

– Tôi chỉ cho đến người nào có giữ giới mà thôi.

– Ông ạ! Ở đây có cô gái ông chủ lò gốm thường ngày tự xưng là có giữ giới.

Vậy ông nên đến cho cô ấy đi.

Thiếu nữ nghe tin đồn, cũng tìm đến cỗ xe của Đức Thế Thích:

– Ông ơi! Ông hãy cho tôi xin những trái thanh qua của ông.

– Nàng là ai?

– Tôi là người không bao giờ đứt lìa ngũ giới.

Nghe vậy, Đức Đế Thích bảo:

– Thế thì nàng hãy đưa ta về cho biết nhà đi.

Đức Đế Thích đẩy cỗ xe đi theo theo thiếu nữ về tận nhà cô, cho cô trọn xe báu vật dưa xanh của cõi trời, rồi hiện nguyên hình cho cô biết và dặn rằng: “Nàng hãy dùng châu báu này để nuôi mạng sống của một đời nàng. Hãy ráng gìn giữ giới đừng cho đứt”.

Nói rồi, Thiên vương từ giã ra đi. Thiếu nữ y theo lời dạy, giữ giới cho tới mãn đời. Sau khi thác thiếu nữ được sanh lên làm Công chúa, con vua cõi Asura Thiên. Nhờ cả hai kiếp đều giữ giới trog sạch, nên Công chúa Asura có dung nhan tuyệt đẹp, màu da như vàng ròng, đầy vẻ đẹp yêu kiều diễm lệ, thanh quý vô song. Các vương tôn, công tử Asura đi đến cầu hôn, đều bị Asura vương là đức Vepacitti cự tuyệt, bảo rằng:

– Các khanh không xứng đáng với con gái trẫm.

Về sau, đức vua Vepacitti cho phép Công chúa gieo cầu để tự mình kén chọn phò mã.

Đức vua tập hợp thần dân cùng tướng sĩ Asura trước hoàng lâu, trao cho Công chúa một vòng hoa và phán:

– Con hãy giao cầu kén chọn phò mã xứng ý với con đi.

Ngay lúc ấy, Đức Đế Thích quan sát tìm xem nàng Sujātā thọ sanh vào cõi nào.

Biết được việc nầy. Thiên vương nói:

– Bây giờ, trẫm xuống đó rước nàng về đây.

Đức Đế Thích bèn hóa thành một ông lão Asura, xuống đứng sau đám quân sĩ đang dự hội giao cầu.

Công chúa đang ngồi trên lầu vàng, nhìn khắp mọi nơi, nhưng không lưu ý đến ai cả. Nhưng khi vừa trông thấy lão già Asura, thì đột nhiên tình ái khởi phát, sóng tình lai láng tràn ngập tâm tư của nàng trinh nữ đang độ xuân thì, do nơi tiền kiếp của đôi bạn đã từng chung chăn chung gối. “Người đó là ý trung nhân của ta”, nghĩ rồi Công chúa nhằm ngay ông lão mà ném chiếc giao cầu xuống. Khắp cả hội trường xôn xao, ai cũng nói:

– Quốc vương tuyên bố là không ai xứng đáng với Công chúa. Bây giờ cuộc gieo cầu kén phò mã, lại chọn được ông cụ già tuổi đáng cha của Công chúa vậy.

Đức Đế Thích nắm tay Công chúa, miệng hét lớn rằng: “Ta là vua trời Đế Thích đây!”. Đoạn Thiên vương dắt vợ đằng vân bay đi. Binh lính Asura hô chuyền nhau: “Chúng ta đã mắc mưu lão già Đế Thích”, rồi họ ráp nhau đuổi theo hai người. Mātali vị trời đánh xe hộ giá, điều khiển chiếc nhạc thinh xa (Vejayantarathaṃ) chạy đến rước Đế Thích, Đức Đế Thích bèn ngự lên Thiên xa trực chỉ về Thiên thành Đao Lợi.
Khi chiếc xe vượt qua đám rừng Simbali (Ti thọ), những con Kim Sí Điểu con, nghe tiếng xe réo thì giựt mình, sợ Thiên xa cán chết, nên la ó inh ỏi. Đức Đế Thích phán hỏi Mātali: “Lũ nào la om sòm như thế?”.

– Tâu Thiên vương, lũ Kim Sí Điểu con la ó như thế.

– Tại sao vậy?

– Chúng nó nghe tiếng xe nghiến rần rộ nên sợ chết mà la đó.

– Vì một mình trẫm mà bao nhiêu kẻ bị xe cán chết quá nhanh, thôi đừng sát hại nữa. Khanh hãy cho xe quay lại đi.

Vị trời ngự giá ra roi lên, điều khiển ngàn con ngựa cho quay xe trở lại. Thấy vậy, quân binh Asura thông báo cho nhau “Lão già Đế Thích thua ta đang bỏ chạy, chợt quay đầu lại, hẳn là có Thiên binh tiếp viện phía sau”. Thế là, họ thối lui quay đầu chạy trở về thành Asura, cho đóng chặt các cửa thành lại không dám cất đầu ngó lên. Đức Đế Thích đưa nàng Sujātā (Công chúa Asura) về Thiên thành, phong cho
nàng chức Thiên hậu, cầm đầu hai mươi lăm triệu Thiên nữ. Tân Thiên Hậu tâu xin với Đức Đế Thích rằng:

– Tâu đại vương! Nơi Thiên cung nầy thần thiếp không có cha mẹ, anh chị em chị cả. Nếu đại vương ngự đi bất cứ nơi nào, xin cho thần thiếp được theo một bên hầu hạ đại vương.

Đức Đế Thích chuẩn tấu rằng: “Lành thay!”.

Từ đó về sau, chư thiên Asura đóng quân ở hai thành Cittapātali (Mỹ Hoa) và Pupphita (Khai Hoa). Cứ mỗi mùa thiên trượng của vua họ (Dibbapāricchattaka) trổ hoa, thì họ lại dấy loạn, đem binh chống cự lại với Thiên triều, quyết định tái chiếm cung trời Đao Lợi.

Đức Đế Thích muốn ngừa hậu hoạn bèn sắp đặt cho những Long Vương án ngữ canh phòng dưới đáy biển. Từng kế đó thì giao cho những Kim Sí Điểu. Lên từng nữa thì có Cưu Bàn Trà (Kumbhaṇḍa), từng kế tiếp do các Dạ xoa trấn giữ và lớp cuối cùng là Tứ Đại Thiên vương. Trên Thiên cung, ở mấy cổng thành đều có tượng Thiên vương tay cầm Kim Cang trượng (Vajirahattha). Binh sĩ Asura dù cho có thắng trận
vượt qua vòng thành của các Long Vương và mấy vòng thành kế, khi thấy dáng pho tượng của đức Thiên Vương từ xa, chúng ngỡ là Đức Đế Thích đứng trấn nơi đó thì tháo lui chạy trở lại.

– Nầy Mahāli! Thanh niên Magha đã chuyên cần hành pháp như thế. Và người chuyên cần như thế mới đạt đến mức quyền uy như thế, một mình ngự trên hai Thiên giới. Là người chuyên cần, thì tất cả chư thiên cho đến chư Phật đều tán dương, ca tụng người ấy. Vì quả như thế, mới có thể chứng đạt những pháp siêu thế quý báu cao thượng do nương theo hạnh nguyện chuyên cần vậy.

Kết luận xong, Đức Bổn Sư ngâm kệ rằng:

“Appamādena maghavā,
Devānaṃ seṭṭhataṃ gato;
Appamādaṃ pasaṃsanti,
Pamādo garahito sadāti”.

“Ma già ngự cõi chư Thiên,
Cũng nhờ giữ hạnh cần chuyên vững bền.
Chuyên cần Phật, Thánh đều khen,
Luôn luôn giải đãi ươn hèn bị chê…”.

CHÚ GIẢI:
Trong bài kệ, Phạn ngữ Appamāda nghĩa là: Do sự chuyên cần, tức là sự siêng năng cần cù, quét dọn đất đai, kiến tạo phòng ốc, làm việc phước thiện trong làng Acalagāma vậy.

Maghavā, đức Ma Già được tôn xưng như thế, sau khi từ cõi nhân gian là thanh niên Magha mà lên làm Chúa chư Thiên, thống trị cả hai Thiên cảnh.

Pasaṃsanti (ca tụng, ngợi khen) những bậc trí tuệ nhất là chư Phật hằng tán dương, đề cao, khen ngợi hạnh chuyên cần, là bởi vì sao? Là bởi vì nhờ nó mà chứng đạt tất cả các pháp siêu thế quý báu cao thượng.

Pamādo garahito sadā: Người buông lung, phóng dật dể duôi, giải đãi thì thường bị các bậc Thánh ấy rầy la quở trách, là bởi vì sao? Là bởi nết buông lung là nguồn cội của tất cả nết hư tật xấu.

Quả thật các tội lỗi mà người đời gây tạo, các ác đạo mà họ bị đe dọa đều do căn bản là buông lung cả thảy.

Khi bài kệ chấm dứt vương tử Mahāli dòng Licchavī chứng đạt Dự Lưu quả. Đồ chúng câu hội thính pháp, nhiều người cũng đạt Thánh quả, nhất là Dự Lưu.

Dịch Giả Cẩn Đề
Ngọc Hoàng kiếp trước cũng như ta,
Tích đức tu nhân mới được là!
Bố thí, không lo người tốt xấu,
Trung hoàng, chẳng ngại chỗ gần xa.
Đường trời đắp thấu nhờ kiên nhẫn,
Nghĩa bạn gây nên bởi cộng hòa.
Hiếu, Để, Từ, Chân đều đủ cả,
Muôn đời ngự trị cõi Băm Ba.
DỨT TÍCH ĐỨC SAKKA

30

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app