Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển I
Phẩm Chuyên Niệm: Tích Đại Đức Tissa Ở Thị Xã
“Appamādarato bhikkhu,
Pamāde bhayadasi vā;
Abhabbo parihāya,
Nibbānasseva santiketi”.
“Tỳ khưu mến chuyên cần,
Hoặc thấy sợ phóng dật.
Không thể bị sa chân,
Níp bàn đến gần thật”.
Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư thuyết ra khi Ngài an ngự tại Jetavana (Kỳ Viên) đề cập đến Đại đức Tissa ở thị xã (Nigamatissatthera).
Quả vậy, cách thành Sāvatthī không bao xa, có một công tử (Kulaputto) sanh trưởng trong một thị xã nọ. Về sau, xuất gia hành đạo trong giáo pháp của Đức Bổn Sư, trước tu Sa di, sau thọ Cụ túc giới, tu lên Tỳ khưu vì trùng tên với Trưởng lão Tissa, nên vị nầy được chư Tăng gọi là Đại đức Tissa thị xã cho dễ phân biệt.
Đại đức tỏ ra là một vị Tỳ khưu thiểu dục, tri túc, độc cư, cần mẫn. Đại đức chỉ đi khất thực trong vòng phường thị xã là sinh quán của Đại đức mà thôi, chớ không đi đâu xa. Cho đến những cuộc lễ Trai Tăng do các đại thí chủ, nhất là ông Anāthapiṇḍika tổ chức, hoặc cuộc cúng dường vô tiền khoáng hậu của Quốc vương Pasenadi xứ Kosala thực hiện trong thành Sāvatthī, Đại đức cũng không đến dự. Thấy
vắng mặt Đại đức trong các cuộc Tăng hội, Chư Tỳ khưu bảo nhau rằng:
– Đại đức Tissa thị xã này hằng ngày cứ sống thân cận với quyến thuộc không rời ra đi đâu hết, cho tới các cuộc đại lễ Trai Tăng do các thí chủ nhất là ông Anathapiṇḍika tổ chức, hoặc cuộc cúng dường của Quốc vương Pasenadi xứ Kosala thực hiện mà ông cũng không đến dự.
Và chuyện nầy được chư Tăng bạch trình với Đức Bổn Sư. Ngài cho gọi Đại đức Tissa thị xã đến và phán hỏi:
– Nầy Tỳ khưu! Nghe nói ông như thế, có thật vậy chăng?
– Bạch Ngài! Con không có lê la thân mật với quyến thuộc. Con giữ hạnh độc cư, đi thọ bát được món chi thì dùng món ấy, ngon hay dỡ chi cũng được. Dầu cho có nghe Trai Tăng ở đâu, con cũng không đi dự. Thật tình con không có lân la thân cận với các quyến thuộc, bạch Ngài.
Sau khi nghe rõ hạnh bình sanh của Đại đức Tissa thị xã, Đức Bổn Sư cất tiếng tán dương rằng:
– Lành thay! Lành thay! Nầy chư Tỳ khưu, chính nhờ thọ giáo với bậc Đạo sư như Ta, mà ông trở nên người thiểu dục, nết hạnh thiểu dục nầy quả thật là một đức tánh cố hữu, một tập quán di truyền của Ta tự thời xưa. Nghe vậy, chư Tăng thỉnh cầu Đức Thế Tôn thuật lại Bổn sanh. Ngài bắt đầu kể rằng:
Xưa kia có vô số ngàn con chim Anh Võ (Suvakā), đồng cư ngự trong rừng Udumbara (cây trái vải), trên bờ sông Hằng thuộc miền núi Hy Mã Lạp Sơn, bây giờ có con chim oanh vũ chúa giữ hạnh tri túc hết sức cao thượng. Trên cây vải, chỗ nó ngụ trái đã hết sạch, chỉ còn sót lại ít nụ, lá hay vỏ cây mà thôi. Nhưng nó cũng bằng lòng với chút ít ấy, ăn lấy chút đỉnh vật thực nầy rồi uống nước sống, chớ không chịu đi nơi khác.
Do oai lực tri túc của chim Anh vũ chúa. Thiên cung Đế Thích bị rung chuyển, Đế Thích tìm hiểu nguyên nhân, thấy là do hạnh tri túc của chim Anh Vũ chúa, để thử lòng chim Anh Vũ, Ngài liền khiến cho cây vải trở nên héo khô. Cây vải khô héo, mục gãy lần hết những nhánh lẫn thân cây, chỉ còn trơ lại gốc cây với nhiều lỗ bọng, gió thổi mạnh luồn qua nghe ù ù, làm cho mạc cây bay ra.
Chim Anh Vũ lại ăn mạc cây và uống nước sông mà sống qua ngày chớ không đi nơi khác. Nó đậu mãi trên gốc cây Udumbara, bất kể đêm sương ngày nắng gió cuộn bụi. Sau khi biết rõ đức hạnh cao siêu của chim Anh Vũ về hạnh thiểu dục, Đức Đế Thích nghĩ thầm: “Ta sẽ kết tình bằng hữu với chim nầy và ban ân huệ khiến cho cây vải trổ trái liên miên”. Đức Đế Thích hóa thành chim Thiên Nga chúa, cùng nàng
Sujātā là công chúa A Tu La, đi đến gần khu rừng Udumbara, đậu trên một cây khác gần đó của chim Anh Vũ, gợi chuyện làm quen bằng kệ ngôn rằng:
“Santi rukkhā haritapattā,
Dumāneka phalā bahū;
Kasmā nu sukkhe kolāpe,
Suvassa nirato manoti”.
“Có những cây xanh lá,
Vô số cây nhiều quả.
Xá chỉ cội mục khô,
Mà chúa két mến lạ”.
Cuộc đối thoại giữa Anh Vũ chúa và Thiên Nga chúa còn dài, trong Bổn sanh thứ mười đã ghi chép rõ chi tiết, nên đây chỉ tóm tắt.
Anh Vũ chúa đáp: “Ta đã từng ăn quả cây nầy rất nhiều năm rồi, cho nên bây giờ dầu cho hết trái, ta cũng vẫn thương mến nó như thưở trước”. Liền đó, Thiên Vương Đế Thích liền khiến cho cây vải mục khô xanh tươi trở lại và trổ cây đầy hoa trái. Dứt tích bổn sanh, Đức Bổn Sư giải rằng: “Đức Đế Thích xưa kia nay là Ānanda, còn chim Anh Vũ chúa chính là Đấng Như Lai”. Và Đức Thầy kết luận rằng:
– Nầy các Tỳ khưu! Nết hạnh thiểu dục như thế, là tập quán cố hữu di truyền của Ta, cho nên đối với Ta không có chi lạ, khi con trai của Ta là Tissa thị xã cũng giữ hạnh thiểu dục, cho xứng mang danh là Tỳ khưu. Quả thật vậy, Tỳ khưu nào hành được như thế thì không thể nào xa lìa các Đạo quả, chắc chắn sẽ chứng ngộ Níp Bàn chẳng sai.
Đức Bổn Sư đọc tiếp kệ ngôn rằng:
“Appamādarato bhikkhu,
Pamāde bhayadasi vā;
Abhabbo parihānāya,
Nibbānasseva santiketi”.
“Tỳ khưu nào đã mến ưa, Hạnh không phóng dật, sợ chừa buông lung. Khỏi lo sa đọa kỳ cùng, Gần đây sẽ chứng viên dung Níp bàn”.
CHÚ GIẢI:
Abhabbo parihānāya (Người không thể xa lìa): là Tỳ khưu giữ nết hạnh thiểu dục như thế. Không thể xa lìa các pháp hành Chỉ và Quán (Samathavipassanā) hoặc là Đạo quả (Maggaphala), cũng không thể xa lìa các Pháp đã chứng đắc và không đạt đến các Pháp chưa chứng đắc ấy.
Nibbānasseva santike (gần Níp bàn): là gần tắt hết lửa phiền não và chứng Hữu Dư Níp bàn cũng như gần tận diệt các pháp chấp thủ (upādāna) và chứng Vô dư Níp bàn. Sau khi mạng chung không còn tái sanh nữa.
Sau kệ ngôn Trưởng lão Tissa thị xã chứng đạt A La Hán quả với Tuệ phân tích. Những Tỳ khưu khác, nhiều vị đắc Thánh quả nhất là Dự lưu, trong hàng tứ chúng những Đại quả cũng phát sanh lên do nhờ thời Pháp của Đức Bổn Sư.
Dịch Giả Cẩn Đề
Nào phải ăn là việc tối cần,
Mà Ngài Tissa cậy gia nhân!
Trai Tăng, đại lễ không ra mắt,
Bố thí vô song chẳng dự phần.
Tri túc xả thân tìm giác ngộ,
Độc cư cầu đạo thoát mê tân,
Hành trì nết hạnh theo gương Phật,
Nên Níp Bàn xa cũng hóa gần.
DỨT TÍCH ĐẠI ĐỨC TISSA Ở THỊ XÃ
DỨT PHẨM CHUYÊN NIỆM