Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển I
Phẩm Chuyên Niệm: Hoàng Hậu Sāmāvatī
“Appamādo amataṃ padaṃ,
Pamādo maccuno padaṃ;
Appamattā na mīyanti,
Ye pamattā yathā matā”.
“Etaṃ visesato ñatvā,
Appamādamhi paṇḍitā;
Appamāde pamodanti,
Ariyānaṃ gocare ratā”.
“Te jhāyino sātatikā,
Niccaṃ daḷhaparakkamā;
Phusanti dhīrā nibhānaṃ,
Yogakkhemaṃnuttaranti”.
“Chuyên cần đường bất tử,
Giải đãi lộ tiêu vong;
Người chuyên cần chẳng chết,
Kẻ biếng sống như không”.
“Nhờ tri giác như thế,
Bậc trí chẳng buông lung;
Hoan hỷ chuyên cần mãi,
Tôi, Thánh được thung dung”.
“Người chuyên cầu thiền định,
Hằng tinh tấn dụng công;
Bậc trí thoát triền phược,
Chứng Níp Bàn vô song”.
Những kệ ngôn Pháp Cú (21-22-23) nầy được Đức Thế Tôn đã thuyết pháp khi Ngài an ngự tại Ghositārāma (Lôi Âm Tự), gần thành Kosambi, đề cập đến cái chết của Hoàng hậu Sāmāvatī cùng năm trăm phi tần của cô và cái chết của Thứ hậu Māgandiyā luôn cả năm trăm cung nữ, quyến thuộc của nàng.
Đầu đuôi câu chuyện như sau:
Trong thời quá khứ, nơi quốc lộ Allakappa (An Lạc Kiếp), có Allakappa Quốc vương và nơi quốc độ Veṭṭhadīpaka (Bệ Tha Đảo), có Veṭṭhadīpaka Quốc vương. Hai nhà vua là đôi bạn thâm giao. Hai người kết nghĩa kim bằng từ thời thơ ấu, đã từng sống chung, học tập nghề văn nghiệp võ với một ông thầy. Khi phụ vương của mỗi vị băng hà, ai về nước nấy để nối ngôi thiên tử, thống lãnh giang sơn tiểu quốc
(Dasadasayojanika raṭṭha). Tuy nhiên, hai vị tân vương thỉnh thoảng vẫn còn tương hội, cùng sánh vai nhau đi đứng, nằm ngồi.
Một hôm luận đàm thế sự, nhìn thấy dân gian lớp mới sanh, lớp đã già, đều đi lần đến cõi chết, hai bạn tri kỷ đồng than: “Hỡi ơi! Huỳnh tiền di lộ, bất đắc tương tùy, hơi thở dứt đi thì thân nầy cũng bỏ, cơ đồ sự nghiệp, quyến thuộc gia đình… chung quy cũng là ảo mộng mà thôi. Vậy ta hãy xuất gia tu hành cho rảnh”.
Phán rồi, hai nhà vua cả quyết phú thác sơn hà xã tắc lại cho thê nhi, cùng nhau xuất gia đạo sĩ vào ẩn cư trong miền Tuyết Lãnh (Himavanta).
Ở chung nơi đây, hai bạn đạo bảo nhau rằng: “Chúng ta bỏ vương quyền đế vị là hy cần đắc đạo, nhập thánh siêu phàm, chẳng lẽ không tự túc cánh sinh, nếu ta còn lưu luyến chung cư thì có khác nào lúc xưa ta còn ở thế? Thôi ta nên ở riêng mỗi người một phía, bạn ở núi kia tôi ở núi nầy, mỗi kỳ nữa tháng, đến ngày Phát lồ (sám hối) ta sẽ hội họp một lần nữa mà thôi”.
Hai đạo sĩ lại đồng ý thêm rằng: “Như thế ta cũng còn mong mỏi đến ngày tương hội, tốt hơn hết là đến ngày ấy, bạn nổi lửa bên núi bạn, tôi nổi lửa bên núi tôi. Bằng cách ấy, ta thông tin nhau biết là mình còn sống”.
Thế rồi, hai đạo sĩ chia tay, giữ đúng lời giao ước. Một thời gian sau, đạo sĩ Veṭṭhadīpaka chết, thọ sanh làm một vị Thiên vương có nhiều thần lực. Đến kỳ Phát lồ nữa tháng, không thấy khói lửa phía núi bên kia vị đạo sĩ còn sống biết rằng: “Bạn ta đã mãn phần”.
Còn vị thiên, sau khi hóa sanh, ngẫm xem thân hình đổi mới, cao sang lộng lẫy, bèn tìm hiểu duyên nghiệp đã làm cho được quả phước hiện tại, thì được biết rằng: Do nhờ ta xuất gia tu hành. Rồi vị ấy tính thầm: “Ta hãy xuống thăm bạn ta coi nào?”.
Liền đó, xóa bỏ hình dáng chư thiên vị ấy biến thành một khách lữ hành, đến đảnh lễ vị đạo sĩ và đứng qua một bên.
Thấy người lạ, đạo sĩ hỏi:
– Đạo hữu ở đâu lại đây?
– Bạch Ngài! Tôi là khách lữ hành ở tận một phương xa, bạch Ngài cho phép tôi hỏi thăm: Nơi đây có ai khác nữa ở chung với Ngài không?
– Có, ta có một người bạn.
– Ngài ấy ở đâu?
– Vị ấy ở núi bên kia, hôm nay đến kỳ Phát lồ mà sao không thấy nổi lửa, có lẽ vị ấy chết rồi chăng?
– Bạch Ngài, đúng vậy.
– Đạo hữu biết chắc ư?
– Bạch Ngài vị ấy chính là tôi đây.
– Đạo hữu sanh về cảnh giới nào?
– Tôi sanh lên cõi trời, làm vị Thiên vương có nhiều thần lực, nay vì muốn thăm bạn cũ, nên trở xuống đây. Bạch Ngài! Nơi đây Ngài có gặp điều chi trở ngại, khó khăn phiền phức không?
– Thưa đạo hữu, có. Tôi bị mấy con voi thường đến quấy phá.
– Bạch Ngài, chẳng hay mấy con voi ấy quấy nhiễu Ngài bằng cách nào?
– Đàn voi đến phóng uế trên sân, chỗ tôi đã quét sạch sẽ và dậm chân quần thảo làm cho bụi bay lên tứ tung, tôi phải mất công hốt phân voi và đổ đất lấp các lỗ chân voi.
– Chắc Ngài muốn đàn voi đừng trở lại nữa?
– Phải đó, đạo hữu.
– Vậy thì để tôi chỉ Ngài cách nầy làm cho bọn chúng sẽ từ biệt nơi đây. Nói rồi, Thiên vương tặng cho đạo sĩ cây đàn thần ba dây và dạy cho đạo sĩ niệm chú để sai khiến loài voi. Lần lượt chỉ vào ba dây đàn, Thiên vương giảng:
– Khi nào Ngài khảy dây đàn nầy và niệm chú nầy thì đàn voi chạy thẳng một mạch, không thể quay đầu nhìn lại phía sau. Còn khi nào Ngài khảy dây đàn nầy và niệm câu chú nầy, thì đàn voi “phản tiền vi hậu”, quay đầu lại vừa chạy vừa nhìn về phía Ngài. Còn nếu Ngài khảy dây đàn nầy và niệm câu thần chú này thì con Tượng chúa lập tức chạy đến đưa lưng cho Ngài cởi.
Đoạn Thiên vương đảnh lễ đạo sĩ và cáo từ lui gót. Nhờ phép niệm chú và khảy đờn rất linh nghiệm, khiến cho đàn voi chạy lảng xa
hết, đạo sĩ từ đó mới được nhận sự nhàn lạc tịnh cư nơi miền sơn dã. Đồng thời với đạo sĩ, có đức vua ngự, hiệu là Parantapa (Phổ Chiếu), đóng đô tại thành Kosambi.
Một hôm nhân buổi chiều hè nóng bức, quốc vương cùng Chánh hậu đang hoài thai ra khỏi hoàng cung, ngự tọa trên sân thượng lộ thiên của tòa biệt điện. Hoàng hậu được đức vua khoác trên mình chiếc long bào triều phục bằng gấm đỏ trị giá bằng mười vạn đồng vàng, trong khi ấu yếm chuyện trò, đức vua lại cởi chiếc nhẫn ngọc ấn trị giá cũng mười vạn đồng vàng nơi tay Ngài mà lồng qua ngón tay của Hoàng hậu.
Tình cờ khi ấy, trên không có con chim đại bàng (hatthiliṅgasakuṇa) từ xa bay đến, trông thấy Hoàng hậu mặc chiếc hồng bào, nó tưởng là đống thịt đỏ tươi, nên xếp đôi cánh lại lao mình xuống nhanh như cắt, phát ra tiếng gió ào ào nghe đến lạnh mình. Đức vua kinh hãi đứng dậy, chạy ngay xuống lầu. Hoàng hậu cũng hốt hoảng hoang mang, nhưng vì đang lúc hoài thai nên không thể lanh chân tẩu thoát kịp. Vì thế
đại bàng điểu xớt được Hoàng hậu, kẹp cứng trong móng vuốt của nó, rồi vỗ cánh bay lên.
Theo lời xưa kể lại, giống đại bàng nầy là một giống kên kên (Thốc thứu) có mỏ dài như vòi voi, có sức mạnh tha mồi bằng năm con tượng, cho nên khi sớt mồi rồi là nó bay đi, tùy thích đáp xuống mà ăn thịt. Đang lúc bị chim đại bàng tha bay lên không, Hoàng hậu phập phồng sợ chết, tự nghĩ thầm rằng: “Giống thú hay sợ tiếng người, nếu ta kêu la, nó nghe tiếng ta, ắt là buông bỏ ta rơi xuống đất, như thế ta cùng
thai nhi cũng đều vong mạng. Chi bằng chờ khi nó đậu chỗ nào, sắp sửa ăn thịt ta, chừng ấy ta sẽ cất tiếng la to để xua đuổi nó”.
Nhờ thông minh tinh trí, nghĩ ra diệu kế, Hoàng hậu nhẫn nại làm thinh. Nơi miền Tuyết Sơn, có một cây đa rất to lớn, mọc lên đã lâu đời, thân cây sừng sững giữa trời, tàn nhánh tròn xoe, sum suê mát mẻ, chim đại bàng vẫn thường sớt tha thú rừng đem về gác trên cây đa cổ thụ mà ăn. Cho nên hôm ấy nó cũng tha Hoàng hậu Parantapa về đậu trên cháng hai ấy và đưa mắt quan sát con đường về. Theo tục
truyền giống chim nầy có thói quen là luôn luôn quan sát con đường về như thế.
Ngay khi ấy, Hoàng hậu tính rằng: “Bây giờ là lúc ta phải xua đuổi nó đây”.
Duỗi hai cánh tay ra, Hoàng hậu vừa vỗ tay vừa la lớn tiếng, đuổi được con chim đại bàng bay mất. Chiều tàn, bóng ô vừa khuất, Hoàng hậu bỗng nghe thai nhi chuyển động. Bầu trời lúc bấy giờ lại vần vũ mây đen, tứ bề chớp giăng sấm nổ. Thảm thay cho một trang quốc mẫu, lá ngọc cành vàng.
“Rừng khuya tân khổ cơ hàn
Ai người bầu bạn trấn an cho mình”.
Đến khi đêm tàn mưa tạnh vừa hồng lố dạng trời đông, Hoàng hậu xổ lòng sanh được một hoàng nam. Để kỷ niệm bầu trời quang đãng với mặt nhật đang lên, báo hiệu một ngày tươi sáng. Hoàng hậu Parantapa đặt tên con là Udena (Cao Thắng).
Chỗ Hoàng hậu thọ nạn, cách chỗ ngụ của đạo sĩ Allakappa không bao xa. Thói thường trong những ngày mưa, đạo sĩ sợ cảm hàn không dám vào rừng hái trái cây, đạo sĩ chỉ đi đến dưới gốc cây đa cổ thụ, chờ đại bàng điểu ăn xong thì hốt mót xương thừa, thịt vụn, đem về giã nát ra, cho thêm gia vị nấu thành nước canh mà húp.
Sáng hôm ấy, đạo sĩ cũng tính thầm: “Ta đi lượm mót xương”, đến gốc cây đa, đạo sĩ còn đang nhặt xương gom lại, bỗng nghe tiếng khóc của trẻ thơ ở phía trên cây. Đạo sĩ ngước mắt nhìn lên, thấy Hoàng hậu ẵm con, bèn hỏi rằng:
– Nàng là giống chi?
– Thưa thiếp bị đại bàng điểu xớt tha về đây.
– Nàng muốn xuống đất không?
– Thưa muốn! Nhưng thiếp e giữa thiếp với người có chỗ cách biệt về dòng dõi không?
– Nàng thuộc về giai cấp nào?
– Thưa thiếp thuộc dòng Sát Đế Lỵ (Khattiya).
– Bần đạo cũng dòng Sát Đế Lỵ.
– Thế thì xin Ngài hãy kể những kiến thức đặc biệt của dòng Sát Đế Lỵ thử coi. Nghe đạo sĩ kể đúng rồi, Hoàng hậu hết nghi nan, bèn yêu cầu: “Xin Ngài trèo lên ẵm ấu tử giùm cho tiện thiếp”.
Đạo sĩ lập cách mở một lối lên đến cháng cây đa, đoạn trèo lên để bồng ấu tử và dặn rằng: “Nàng khá thủ lễ, chớ đụng tay vào mình bần đạo không nên”.
Hoàng hậu y lời, khi trao hài nhi qua cho đạo sĩ ẵm xuống giữ gìn không cho đụng chạm, rồi Hoàng hậu cũng xuống theo luôn.
Đạo sĩ bồng ấu tử trở về tới thảo am, ra tay tế độ nuôi nấng nhưng dè dặt chẳng cho đứt giới người tu, đạo sĩ vào rừng kiếm mật ong nguyên chất và nước trái thốt nốt, đem về nấu cháo lỏng cho ấu tử bú.
Thấy đạo sĩ chăm non dưỡng dục con mình mà còn gìn giữ tư cách, Hoàng hậu buồn thân tủi phận nói thầm rằng: “Như ta nay đường đi chẳng biết, nẻo về cũng không hay, ở lại thì đạo sĩ đối với nữ nhân bơ phờ lạnh nhạt, không chút cảm tình.
Nếu rủi bị ông ấy bỏ rơi thì mẹ con ta biết sẽ lưu lạc về đâu? Chắc chắn cả hai đều phải chết, ta phải làm sao cho đạo sĩ phá bỏ giới hạnh, chớ đừng bỏ rơi hai mẹ con ta”.
Nghĩ vậy, Hoàng hậu bắt đầu ăn vận rách rưới lang thang, dùng chất liễu bồ nhược chất mà lung lạc tâm kẻ tu hành. Đạo sĩ rốt cuộc phải xiêu lòng. Từ đó nam nữ sống chung thuận hòa hợp êm ấm. Tháng ngày qua… Một hôm đạo sĩ nhìn xem thiên tượng, thấy khí số của vua
Parantapa đã hết, bèn kêu vợ bảo rằng:
– Nầy hiền nội, đức vua Parantapa trong thành Kosambi đã băng hà rồi.
– Sao phu quân nói vậy, đức vua với phu quân có thù nghịch chi chăng?
– Không đâu! Nầy hiền nội, ta nhìn xem thiên tượng thấy sao ứng ra điều ấy, nên nói như thế.
Hoàng hậu sụt sùi đổ lệ.
Đạo sĩ hỏi:
– Sao nàng lại khóc.
Khi được biết vua Parantapa là chồng cũ của vợ mình, đạo sĩ an ủi: “Thôi hiền nội đừng nên bị lụy, ở đời hễ có sanh là có tử, đó là lẽ đương nhiên”.
– Thưa phu quân, thiếp cũng biết như vậy.
– Thế sao nàng lại khóc?
– Vì con trai của thiếp là đông cung Thái tử, có quyền kế vị ngai vàng, đáng lẽ hưởng được phú quý vinh hoa tột bực thế mà Thái tử bây giờ phải chịu làm kẻ thường dân, cho nên thiếp tủi buồn cho thân con mà lưu lệ đó phu quân!
– Hiền nội cứ an tâm, đừng lo rầu nữa, nếu Thái tử muốn hồi trào để thừa hưởng được phú quý vinh hoa tột bực thì ta có cách giúp cho Thái tử thành toàn ý nguyện chẳng sai.
Hoàng hậu mừng rỡ đáp: “Thưa phu quân, nếu được vậy thì còn chi quý bằng”.
– Được rồi, hiền nội.
Tiếp theo lời hứa, đạo sĩ lấy cây đàn thần ba dây ra trao cho Thái tử và truyền dạy ba câu mật chú điều khiển loài voi.
Hồi ấy vẫn có vô số tượng rừng ra vào gần đấy, tập trung quanh các gốc cây to kể hơn trăm ngàn thớt. Đạo sĩ liền dặn Thái tử rằng: “Lúc đàn voi chưa đến, con phải trèo lên ngồi trước trên cây cao. Hễ thấy chúng nó đến thì con niệm câu chú nầy và khảy dây đàn nầy, tất nhiên cả đàn voi sẽ quay đầu lại chạy thẳng một mạch không dám liếc nhìn lại phía sau. Chờ cả đàn voi qua hết, con hãy tuột xuống mà về”.
Thái tử vâng lời dưỡng phụ, một mình vào rừng thí nghiệm phép linh, xong rồi trở về thảo am thuật lại chuyện. Qua ngày thứ hai, đạo sĩ lại dạy thêm Thái tử:
“Bữa nay con niệm câu chú nầy và khảy sợi dây đàn nầy, đàn voi sẽ phản tiền vi hậu vừa chạy vừa nhìn về phía con”.
Thái tử cũng vâng lời ra đi, thí nghiệm xong liền trở về phục lịnh dưỡng phụ. Khi ấy, đạo sĩ gọi Hoàng hậu và bảo: “Nầy hiền nội, nàng có cần nhắn tin chi, thì hãy nói với con đi! Thái tử trở về phen nầy ắt sẽ lên ngôi cửu ngũ”.
Hoàng hậu gọi Thái tử vào ngỏ lời tâm sự rằng: “Nầy vương nhi, con chính là đông cung Thái tử, con vua Parantapa xứ Kosambi, lúc mẹ mang con trong lòng thì bị đại bàng điểu xớt đi…”.
Thuật hết lai lịch tông tích của mình rồi, Hoàng hậu lại kể đích danh các đại thần trong triều, nhất là tên quan Nguyên soái cho Thái tử biết và tiếp rằng: “Đến lúc cần, con hãy trưng ra chiếc Hồng Cẩm bào và chiếc Vương chỉ hoàn nầy vốn là triều phục và ngọc ấn của phụ vương con để làm tin”.
Dặn dò xong, Hoàng hậu tiễn biệt Thái tử. Thái tử quay lại hỏi đạo sĩ rằng:
– Thưa dưỡng phụ! Bây giờ con phải làm gì?
– Con hãy trèo lên cây, ngồi trên một nhánh thấp rồi con niệm câu chú nầy và khảy sợi dây nầy, tức thì Tượng chúa đến đưa lưng cho con cưỡi, con tuột xuống ngồi lên lưng Tượng trở về cố quốc kế vị ngai vàng của phụ vương con.
Thái tử sụp xuống bái biệt song thân, rồi theo lời dạy của dưỡng phụ, gọi con Tượng chúa đến cỡi lên lưng nó và kê miệng gần tai nó, xuống lịnh phán rằng: “Ta là Thái tử Udena, con vua Parantapa xứ Kosambi, xin Tượng chúa hãy đưa ta về triều phục quốc, để kế vị ngai vàng!”.
Nghe vậy, Tượng chúa rống to lên, dùng ngôn ngữ của loài voi kêu gọi hợp đàn:
“Vô số ngàn thớt tượng hãy tập trung tất cả nơi đây”.
Quả nhiên, có vô số ngàn thớt tượng vâng lịnh chúa đàn quy tụ rất đông.
Với lực lượng hùng hậu vô số ngàn voi chiến Thái tử lên đường trở lại cố đô, đến biên ải, Thái tử kêu gọi dân chúng: “Ta là đông cung Thái tử trở về trào phục quốc, thần dân khá mau hộ giá mà lập công danh”.
Từ đó trở đi dân chúng gia nhập càng ngày càng đông, Thái tử kết tập cả đoàn dân quân cùng với tượng binh kéo dốc toàn lực về vây thành Kosambi và phái sứ giả vào triều trao tối hậu thư, kết thúc bằng hai điều vắn tắt: “Muốn chiến tranh hay là quy hoàn vương vị cho ta”.
Trào thần đáp lại sứ giả rằng: “Cả hai câu hỏi của quý Ngài chúng tôi không thể trả lời dứt khoát. Quả thật, Hoàng hậu hoài thai có bị đại bàng điểu xớt tha đi, nhưng từ đó đến nay biệt tích vắng tăm, còn mất thế nào chưa rõ, bao giờ chúng tôi nghe đích xác tin tức Hoàng hậu rồi, chúng tôi mới có thể biểu quyết chiến tranh hay hoàn vương vị lại cho chúa của quý Ngài”.
Sứ giả về tâu lại với Thái tử những lời thương nghị của trào thần, Thái tử bèn thân hành đến tận cổng thành, bắt loa phán rằng: “Ta là đông cung Thái tử Udena, con của Hoàng hậu mất tích đây”. Rồi Thái tử gọi đích danh các quan đại thần, nhất là tên vị Nguyên nhung. Thấy họ còn hoài nghi, Thái tử bèn trưng ra hai tín vật, bá quan nhận thấy chiếc Hồng cẩm bào và chiếc ngọc ấn chỉ hoàng là tín hiệu của quốc vương
Parantapa, bèn mở rộng cửa ngọ môn nghinh tiếp Thái tử với ba quân tướng sĩ vào thành và chọn ngày làm lễ đăng quang để tôn Thái tử lên ngôi cửu ngũ.
(Trên đây là sự tích đản sanh của Thái tử Udena).
Nơi quốc độ Allakappa, trong một năm mất mùa, nạn đói hoành hành rất khốc liệt, có một anh chàng nọ tên là Kotuhaliko (Háo Kỳ) nghèo xác nghèo xơ, không nuôi sống nỗi gia đình là một vợ, một con thơ chưa rời vú mẹ. Chàng bảo vợ: “Chúng mình hãy đi Kosambi để tìm lối sống!”.
Nói rồi, anh ta góp nhóp được chút ít lương khô để dành ăn theo đường, dắt vợ ẵm con bỏ nhà ra đi. Anh Kotuhaliko chạy tị nạn đói, nhưng cũng có người cho rằng anh ta chạy tránh bịnh thiên thời dịch khí, làm cho nhân dân chết lây liều yếu vậy. Hai vợ chồng đi được một quãng đường thì vật thực hết sạch vừa đói vừa lả vì kiệt sức và còn phải đèo theo đứa con thơ, Kotuhaliko chán nản, than thở với vợ rằng:
– Mình ơi! Chúng ta còn sống thì còn sanh con, ta hãy bỏ đứa nầy lại nơi đây mà đi cho đỡ khổ nghe mình.
Động lòng từ mẫn, Kālī (Thị Thời) phản đối chồng rằng:
– Con còn sống, em không đành bỏ nó đâu?
– Vậy thì ta phải làm sao?
– Thì ta thay phiên nhau mà ẵm nó chứ sao?
Người mẹ lãnh phiên đầu, đeo đứa bé như một vòng hoa, đặt nó nằm yên trên ngực mình, một lúc sau thiếu phụ trao con cho chồng. Kotuhaliko ẵm con đi, dừng lại từng hồi từng chập chỗ nọ, chỗ kia. Mỗi khi bụng đói cồn cào, khổ đau quá sức. Thỉnh thoảng anh ta nhắc đi nhắc lại với vợ rằng: “Mình ơi! Ta còn sống thì còn sanh con, ta hãy bỏ đứa nầy đi cho rảnh”.
Kālī hễ nghe chồng mở miệng nói, là phản đối liền, nhất định không chịu lìa con.
Đứa bé được hai người thay phiên nhau ẵm bồng. Một lúc sau mòn mỏi ngủ thiếp trên tay cha nó.
Kotuhaliko thấy con ngủ, bèn giục vợ đi trước, một mình ở lại sau, anh kiếm lá lót trải dưới một bụi cây, se sẽ đặt con nằm xuống rồi bỏ đi.
Kālī quay lại kiếm chồng, không thấy con bèn hỏi:
– Con đâu, mình?
– Anh để nó nằm dưới bụi cây kia kìa.
Kālī đấm ngực khóc than kể lể: “Mình ơi! Mình làm khổ cho em, không có con chắc em không sống được, mình đem con giao trả lại cho em”.
Kotuhaliko phải miễn cưỡng trở lại ẵm con theo, nhưng đến nữa đường đứa trẻ cũng chết. (Do nhân dứt bỏ con thơ nhiều chỗ trong kiếp ấy mà Kotuhaliko phải trả quả, bị đem dứt bỏ bảy lần trong một kiếp sau. Thấy đó, ta không nên khinh thường những tội lỗi nhỏ nhen mà cho rằng sẽ không trả quả).
Vợ chồng Kotuhaliko khi được rảnh tay lại tiếp tục lộ trình gian khổ và sau cùng đi đến nông trại của một chủ nuôi bò. Hôm ấy, nhằm ngày trong trại tổ chức lễ mừng cho con bò cái giống (dhenumaṅgala) của chủ trại mới đẻ con so. Thường nhật có một Phật Độc Giác hằng đến thọ thực trong trại chủ bò. Chủ trại để bát cúng dường Đức Phật Độc Giác trước, rồi mới cử hành cuộc lễ, bữa ăn thịnh soạn cơm trắng chưng dọn ê hề.
Chủ trại nhìn thấy vợ chồng Kotuhaliko mới đến, bèn hỏi rằng: “Hai em ở đâu lại đây?”.
Sau khi nghe tường thuật những nỗi đoạn trường của kẻ tị nạn đói, ông bèn khiến gia đình đem đến cho họ khá nhiều cơm trắng với sanh tô (sappi).
Kālī nói: “Mình ơi! Hễ mình sống là em sống vậy mình hãy ráng ăn cho no nê đi đặng bù lại khi trước mình đã chịu đói lâu ngày”.
Nói rồi, người vợ đem gần hết phần cơm trắng, sanh tô của mình sớt qua bát của chồng, chỉ chừa lại ăn chút ít thôi. Anh Kotuhaliko vì bị đói trong bảy ngày liền, bây giờ gặp được mỹ vị cao lương, ăn nhiều bao nhiêu cũng chưa đã thèm. Sau khi sai người bố thí cơm trắng cho hai nạn nhân, chủ trại bò ngồi vào bàn ăn để dùng bữa.
Anh Kotuhaliko ngồi nhìn chủ trại, thấy ông ấy ném vắt cơm sữa xuống cho con chó cái đang nằm dưới gầm bàn thì phát sanh ý nghĩ như vầy: “Con chó cái nầy quả thật có phước mới được chủ cho ăn ngon lành như thế hằng ngày”.
Đêm ấy, anh Kotuhaliko bị trúng thực, phát ách, đau bụng mà chết, tâm thức nhập vào thai bào của con chó cái nói trên. Kālī lo an táng chồng rồi, còn nán ở lại làm công việc trong nhà chủ trại bò. Lãnh được một gáo gạo, chị bèn nấu cơm để bát cúng dường Đức Phật Độc Giác và phát nguyện rằng: “Xin cho phước nầy thấu đến chồng con”, nguyện rồi chị tự nghĩ: “Ta nên ở lại đây phục dịch vì Ngài Đại đức mỗi ngày đều đến đây thọ bát. Dầu ta có cúng dường hay không, mỗi ngày ta cũng được dịp lễ bái phục dịch Ngài. Như vậy, chắc chắn ta sẽ tạo được nhiều phước báu cho đời vị lai”. Thế là từ đó chị Kālī ở luôn làm công cho chủ trại.
Độ vài tháng sau, con chó cái đẻ, trong bầy con, nó chỉ có một con đực, chủ trại bò cưng con chó con nầy lắm, nên lấy sữa của một con bò cái cho nó bú, không bao lâu nó lớn, mỗi ngày trong khi thọ thực, Đức Phật Độc Giác đều cho nó một vắt cơm, vì được cho ăn quen lệ, con chó nầy cảm mến Đức Phật Độc Giác. Thường thường chủ trại bò đến hộ Đức Phật Độc Giác ngày hai lần. Đi đường đến chỗ có thú dữ , ông ta lấy gậy đập lên bụi cây, hay đập xuống đất, miệng la: “Hiu, hiu, hiu” ba tiếng làm cho thú dữ hoảng sợ bỏ chạy, mỗi lần ông đi, con chó chạy theo ông.
Một hôm, chủ trại bò ngỏ lời yêu cần Đức Phật Độc Giác rằng:
– Bạch Ngài! Khi nào con không được rảnh thì con sẽ cho con chó nầy đến thỉnh Ngài, xin Ngài hoan hỷ chấp nhận lời yêu cầu của con.
Từ đó về sau, mỗi khi bận việc, chủ trại bò sai con chó:
– Nầy con, con hãy đi thỉnh Ngài Đại đức.
Chỉ nghe chủ nói qua một lần là con chó lập tức đi. Tới chỗ mà chủ nó hay đập gậy lên bụi cây hay đập xuống đất, nó đứng lại sủa ba tiếng, khi chắc ý là thú dữ nghe tiếng nó sủa bỏ chạy xa rồi, nó mới sửa bộ tịch cho chỉnh tề, đi đến thảo am, chỗ Đức Phật Độc Giác đang ngự, thấy Ngài ngồi trong am nó đứng ngay trước cửa sủa ba tiếng ra hiệu cho biết là có nó đến, đoạn nó vào nằm bên Ngài. Đoán biết Đức Phật
Độc Giác sắp ra đi, nó vừa sủa vừa chạy trước dẫn đường.
Để thử trí khôn của con chó, Đức Phật Độc Giác thường rẽ qua lối này lối nọ, thấy vậy, nó chạy vọt tới trước, đứng cản đường và sủa lên để kêu Ngài trở lại con đường kia, một hôm Đức Phật Độc Giác cũng rẽ qua lối khác như thường lệ, con chó cũng chạy tới trước đón đường, nó ráng sức sủa, nhưng Ngài không đổi hướng, lại nắm chân nó vẹt qua để đi tới, khi thấy Ngài đi luôn, con chó chạy theo níu chéo y của
Ngài lôi ngược lại, để chỉ cho Ngài biết con đường nên đi. Sự gần gũi thân mật như thế khiến cho mối tình quyến luyến của con chó đối với Đức Phật Độc Giác càng ngày càng gia tăng.
Một thời gian sau, khi thấy y của Đức Phật Độc Giác cũ quá, ông chủ trại bò xin dâng Ngài vải may y. Khi ấy, Đức Phật Độc Giác bảo rằng: “Nầy đạo hữu, việc cắt may y rất khó mà làm một mình, vậy để ta đem vải đến chỗ có người tiếp tay phụ may cho dễ”.
– Bạch Ngài, xin thỉnh Ngài hoan hỷ ở đây may y.
– Không thể được đâu đạo hữu!
– Bạch Ngài, nếu vậy xin Ngài đừng đi ở đó quá lâu.
Khi chủ trại bò hầu chuyện cùng Đức Phật Độc Giác con chó ở một bên để ý lắng nghe.
Đức Phật từ giã thí chủ rồi, liền bay bổng lên hư không đoạn Ngài trực chỉ bay luôn về núi Gandhamādana (Hương Đản).
Thấy Đức Phật Độc Giác bay đi, con chó đứng dưới đất nhìn theo mà sủa mãi, cho đến khi hình bóng của Ngài mờ dần và tan biến trong hư không thì tim nó vỡ tan ra. Ôi, súc vật cũng có nhiều con trung nghĩa trung thành, trái với tiếng lòng muôn dạ thú, còn loài người cũng lắm kẻ mật miệng gươm lòng, hiệp với câu: “Giáp mặt lời ra, lòng xa ngàn núi (đối diện dữ, nhữ tâm cách thiên san). Do nhờ tánh trung nghĩa chân thật, sau khi chết, con chó được thọ sanh lên cung trời Đao Lợi, có một ngàn ngọc nữ theo hầu hưởng được phước lộc của một Thiên vương, đức vua trời này có giọng nói rất to. Dầu khi kề tai nói nhỏ, tiếng Ngài cũng vang rền xa mười sáu do tuần. Do đó, Thiên vương được mệnh danh là Lôi Âm thiên tử (Ghositadevaputta).
Nhờ gieo nhân nào mà Ngài được phước ấy, nhờ trong kiếp chó Ngài đã sủa Đức Phật Độc Giác bằng cả tấm lòng trìu mến vậy.
Lôi Âm thiên tử không được trường thọ để hưởng lộc trời. (Trên Thiên giới, chư Thiên mạng chung vì hết tuổi thọ, hoặc vì hết phước, vì quên thọ thực hay vì quá sân hận). Vị nào do tạo nhiều phước nghiệp, thọ sanh lên cõi trời nào, sống mãi tùy theo số tuổi thọ của chư thiên cõi ấy, chết rồi sanh đi sanh lại cũng chưa hết phước, như vậy gọi là mạng chung vì hết tuổi thọ. Vị nào tạo chút ít phước thọ sanh lên cõi trời
nào, khi hưởng hết phước để dành thì phải chết ví như người gởi vào công khố độ bốn, năm lon lúa, lấy ra hết rồi thôi, như thế mạng chung vì hết phước. Còn vị nào đang mê say thọ hưởng ngũ trần, mãi ham vui mà quên lãng việc thọ thực vị ấy cũng phải chết vì xác thân không được dinh dưỡng, như thế gọi là mạng chung vì quên thọ thực. Và vị nào thấy vị khác có nhiều oai lực phước báu hơn mình mà phát sanh lòng ganh tị, hễ cơn giận nổi lên thì cũng chết, như vậy gọi là mạng chung vì sân hận.
Ghositadevaputta mãi vui say với ngũ trần dục lạc mà quên thọ thực nên phải mạng chung, đầu thai vào lòng một cô gái lầu xanh ở trong thành Kosambi. Vừa sanh con, cô kỹ nữ (sobhinī) đã hỏi đứa tỳ nữ: “Trai hay gái?”.
– Dạ thưa cô, trai!
Không cần thấy mặt anh nhi, sản phụ vội bảo:
– Vậy mầy hãy bỏ thằng nầy vào một cái giỏ xách bằng mây, rồi đem liệng nó ra trên đống rác.
Đứa nữ tỳ vâng lịnh chủ, đem vứt đứa bé vô thừa nhận. (Các cô ả làng chơi ở đô thành chỉ nuôi ròng coi gái, chớ không dùng con trai vì con gái mới nối được nghiệp nhà).
Nằm trơ trên đống rác, hòn máu bỏ rơi bị chó và quạ xúm lại bao vây, nhưng chẳng con nào dám xáp lại gần do nhờ phước báu đã sủa Đức Phật Độc Giác với tâm trìu mến trong kiếp làm chó của nó.
Thời may, trong giây phút ấy có người đàn ông đi ra đồng, thấy quạ và chó chùm chum một chỗ, nên để ý tự hỏi:
– Đằng đó có cái gì vậy?
Rảo bước đến nơi, người đàn ông thấy đứa hài nhi thì sanh lòng thương như con đẻ, bèn bế xốc nó lên và tri hô rằng:
– Ta xí được đứa con trai, đoạn người ấy bồng nó đem về nhà.
Ngày sanh đứa trẻ không cha là ngày ông Thiên hộ thành Kosambi vào triều bái kiến đức vua. Lúc vào hoàng thành ông gặp quan Khâm thiên giám từ trong cung nội đi ra, bèn nghiêng mình thi lễ và hỏi rằng:
– Kính thưa Quốc sư, chẳng hay Ngài đã xem thiên văn để tiên đoán quốc sự ngày bữa nay hay chưa?
– Thưa phú Trưởng giả, đó là bổn phận hằng ngày của bổn chức.
– Vậy thưa Ngài, trong nước có chuyện chi lạ xảy ra không?
– Chẳng có chi khác, ngoài việc đứa bé sanh ra trong đô thành ngày hôm nay, sau nầy sẽ là đệ nhất phú Trưởng giả.
Lúc ấy bà Thiên hộ cũng có thai gần ngày sanh, cho nên ông Thiên hộ hối hả sai tên gia đinh theo hầu:
– Nầy con! Con về xem coi bà đã lâm bồn chưa nghe!
Tùng giả vâng lời chạy ngay về nhà, hỏi: “Bà Thiên Hộ đã lâm bồn chưa?”.
Nghe người nhà đáp: “Bà chưa sanh”, tùng giả bèn chạy trở vô thành, lập y lại với chủ “Bà chưa sanh”.
Khi hay tin vợ chưa sanh, phú ông vào triều thỉnh an đức vua xong vội vã trở về nhà, cho đòi con tỷ tất Kālī (Hắc Nô) đến, giao cho nó một ngàn đồng vàng và dặn bảo: “Con hãy đi rảo khắp trong thành dò xét, nếu gặp đứa bé nào mới sanh ra nội ngày bữa nay thì con xuất hết một ngàn đồng vàng mua nó đem về cho ông”.
Nàng kālī (Hắc Nô) đi hỏi thăm lần hồi, nhờ người điềm chỉ đến ngay nhà người đàn ông xí được đứa bé, liền hỏi vợ chủ nhà:
– Thằng nhỏ này thím sanh được bao lâu rồi?
– Dạ mới sanh bữa nay.
– Cho tôi xin nó đi.
Rồi cô kỳ kèo trả giá, từ một đồng lên tới một ngàn đồng vàng mới mua được đứa con rơi đem về cho ông Thiên hộ.
Phú ông bề ngoài làm ra vẻ yêu mến đứa con nuôi, cho cất nhà riêng để nó ở, nhưng trong thâm tâm ông dự tính rằng: “Nếu vợ ta sanh con gái thì ta sẽ gả cho thằng nầy và truyền chức Thiên hộ cho rể, nhược bằng vợ ta sanh con trai thì ta sẽ thủ tiêu nó ngay”.
Cách vài ngày sau, phú bà xổ lòng, sanh được một trai. Phú ông nghĩ rằng: “Bây giờ ta phải tìm cách hạ sát đứa con hoang thì đứa con ruột của ta sẽ giữ chức đệ nhất phú gia trong thành Kosambi nầy”.
Ông Thiên hộ gọi con tỷ tất Kālī và dặn riêng nó rằng: “Con đem thằng bé ngoại tộc nầy đến cửa chuồng bò, chờ khi người ta sắp thả bò ra, thì con bỏ nó nằm ngay giữa lối đi, cho bò cái dặm nhẹp xác nó! Con chờ coi, thấy nó bị đạp chết rồi, hãy về cho ông biết tin”.
Nữ tỳ Kālī ẵm đứa bé đi, chờ một lúc thấy mục đồng mở cửa chuồng bò, bèn đặt nó nằm ngang cửa lối đi của bò. Mọi bữa khác thì con bò đực đầu đàn đi ra sau chót hết, nhưng hôm nay nó lại ra trước nhất, đến ngay chỗ đứa bé nằm nó đứng dang bốn chân ra, che chở tứ phía.
Bầy bò cái không biết mấy trăm con, chạy túa ra làm hai hàng, chạm vào hai bên hông con bò mộng, người chăn bò thấy chuyện lạ, nói thầm rằng: “Con bò mộng nầy lúc nào cũng đi ra sau cùng, sao hôm nay lại phát chứng chạy ra trước nhất, đứng chận ngay cửa chuồng vậy cà? Không biết có cái gì ở đó?”.
Khi đến gần, trông thấy đứa bé tí hon đang nằm dưới con bò mộng, người chăn bò sanh lòng thương như con ruột của mình, bèn hô hớn lên: “Ta xí được đứa con trai” rồi ẵm luôn nó vô nhà.
Kālī về phục dịch chủ, đem hết mọi sự trình lại cho ông Thiên hộ nghe. Phú ông lại giao cho nó một ngàn đồng vàng và dặn: “Bây giờ con đem số tiền nầy đi, ráng chuộc thằng bé về cho ông”.
Tỷ tất Kālī thực hành lịnh chủ, xuất hết một ngàn đồng vàng chuộc được đứa bé mang về cho ông Thiên hộ. Khi ấy, phú ông lại nhỏ to sở cậy đứa tớ gái tâm phúc rằng: “Nầy Kālī con, hôm nay trong đô thành có năm trăm cỗ xe bò sắp khởi hành một chuyến buôn xa, sẽ đi tờ mờ sáng vậy con hãy mang thằng bé nầy đem bỏ giữa đường lộ cho bò đạp, cho xe cán nó nát thây, đứt đầu chết đi cho rảnh, con chờ xem thấy nó chết thật rồi, hãy về cho ông hay”.
Con nữ tỳ lại mang đứa bé đi bỏ nằm ngang giữa lộ. Lúc khởi hành vị đoàn trưởng cho xe mình đi trước dẫn đường, đến chỗ đứa bé nằm, cặp bò đứng khựng lại, bị chủ la hét thúc giục, chúng lại lộn nài bẻ ống không chịu đi tới nữa. Vì cặp bò hướng đạo sanh chứng, tháo trút như vậy, nên cả đoàn xe phải dừng lại. Vị đoàn trưởng đang mãi đứng loay hoay gác ách lên cổ bò thì trời rựng sáng.
Khi ấy ông trưởng đoàn lái buôn nhìn xuống đường để xem coi: “Tại sao mấy con bò sanh chứng kì vậy?”, khi trông thấy đứa hài nhi ông mừng thầm: “Hay lắm, công việc nầy thật phù hợp với vợ ta”, rồi ông bồng đứa bé lên và đem nó về nhà. Thấy Kālī về, ông Thiên hộ lật đật hỏi thăm, khi nghe đứa tớ gái tường thuật hết sự tình, ông lại sai nó đi:
– Thôi con ráng đi một lần nữa, đem một ngàn đồng vàng nầy chuộc nó đem về đây.
Con nữ tỳ làm theo lời chủ dặn.
Ông Thiên hộ lại bảo nó: “Bây giờ con đem thằng nhỏ bỏ vào bãi tha ma, để cho cầm thú, nhất là chó mèo nhai xương nó, cho phi nhân, ngạ quỷ đánh đập nó chết đi, chừng con thấy nó thật chết rồi thì về cho ông biết tin”.
Kālī lại mang đứa hài nhi ra đi, quạ hay là các giống phi nhân đều không dám xáp lại gần kề bên nó, nó chỉ có một mình trơ trọi, chẳng có cha, có mẹ, có anh chị nào khác bảo bọc, che chở cho nó hết cả. Vậy thì ai hộ trì nó? Đó là nhờ phước nó đã tạo trong kiếp chó, bằng cách sủa kêu Đức Độc Giác Phật với tâm trìu mến, hộ trì cho nó vậy.
Khi ấy có một người chăn dê, đuổi hằng trăm ngàn con dê ra đồng cỏ cho ăn, đi xuyên qua bãi tha ma, một con dê cái đi kiếm lá cây ăn, nên tách ra đi riêng, chui vào một bụi rậm, thấy đứa bé nó dừng lại, quỳ hai gối đưa vú cho đứa bé bú, nghe người chăn giả tiếng kêu “be be”, nó cũng không chạy ra, người nầy định bụng ta sẽ đập cho nó mấy gậy.
Khi chui vào chỗ lùm cây bụi rậm, thấy con dê cái đang đứng chàng hảng cho đứa bé nút sửa của nó, người chăn dê cảm thấy thương đứa bé ấy như con mình, bèn tri hô lên rồi ẵm nó đem đi. Con Kālī mục kích được chuyện nầy, trở về phúc trình tường tận cho ông phú hộ biết, ông ta lại sai nó mang một ngàn đồng tiền vàng chuộc đứa bé mang về và nó lại thi hành mệnh lệnh của chủ.
Khi ấy, ông Thiên hộ lại dặn dò cô tớ gái thân tín: “Nầy Kālī con! Phen nầy con ráng đem thằng nầy trèo lên núi, tới chỗ vực thẳm mà người ta sẽ xô bọn cướp xuống hành hình (Corappabbata), con vứt nó xuống hố sâu cho nó va chạm vào vách đá đập nát thây nhi, chừng con thấy nó rớt xuống đất thật chết rồi thì con về cho ông hay”.
Con nữ tỳ đai đứa bé, trèo lên chót núi rồi quăng nó xuống. Ngay chỗ ấy, từ sườn núi phía dưới có một lùm tre lớn theo khe đá nứt mọc lên,
trên đầu ngọn tre một đám cam thảo rừng (jiñjuka) bao phủ rậm rạp, đứa bé rơi nhằm trong đó như là nằm trên tấm thảm to vậy.
Ngày ấy, ông thợ cả trong nhóm người đan thúng rổ cần dùng tre, ông ta xách rựa đi với đứa con trai lên núi, đến chỗ lùm tre dọn gai ốc để đốn, bị động đứa trẻ khóc ré lên. Nghe tiếng con nít khóc dậy, ông đốn tre nói: “Tiếng gì y như tiếng con nít khóc vậy?”. Đoạn ông ta tìm lối trèo lên đầu ngọn tre, thấy đứa hài nhi ông mừng rỡ tri hô lên: “Ta xí được đứa con trai”. Rồi ông bồng nó đem đi. Con Kālī trở về gặp ông Thiên hộ, ông hỏi thì nó thấy sao nói vậy, tình thật khai ngay, phú ông lại đưa ra một ngàn đồng vàng, biểu nó di chuộc đứa bé đem về cho
ông và nó cứ y lời, không dám cãi lịnh chủ.
Mặc dù bị dưỡng phụ là ông Thiên hộ lập phương nầy thế nọ để sát hại như thế, đứa con trai mồ côi cũng chẳng hề hấn gì, nó lớn dần lên và được mọi người gọi là Ghosaka (Lôi Âm công tử) vì tiếng nói của nó vang rền như sấm, nó như là cái gai nhọn châm vào mắt Trưởng giả, ông ta thù ghét nó đến nỗi ông ta không muốn trông thấy mặt nó, bị những ý tưởng đen tối ám ảnh, ông Thiên hộ lại cố tìm cho ra mưu kế
để giết nó cho khuất mắt mình, ông ta bèn đến chỗ ngụ của người làm nghề lò gốm và nói:
– Chừng nào bạn đốt lò?
– Ngày mai.
Nghe vậy, ông Thiên hộ nói: “Thế thì bạn cứ cầm lấy một ngàn đồng tiền vàng nầy mà xài, rồi tiếp theo làm việc nầy giúp tôi nhé!”.
– Việc chi vậy?
– Tôi có một thằng con nuôi, tôi sẽ sai nó đến đây bạn hãy dắt nó vào phòng kín, lấy dao bén phân thây nó ra từng mảnh, ném vào lò hầm. Đây một ngàn đồng vàng nầy tôi biếu trước cho bạn, khi nào xong việc tôi còn nhiều quà tặng thù lao cho bạn nữa.
Chủ lò gốm nhận lời đáp: “Dạ thưa, được rồi”. Hôm sau, ông Thiên hộ cho đòi Ghosaka (Lôi Âm) đến, bảo rằng:
– Con à! Hôm qua cha có đặt cho ông chủ lò gốm làm một công việc, giờ con hãy đến nhắc ông ta như vầy: “Hôm qua cha tôi có đặt cho chú làm chuyện chi đó, thì chú cứ làm đi”.
Công tử Ghosaka: “Dạ vâng”, rồi ra đi.
Khi ấy, con ruột của ông Thiên hộ đang chơi bắn cu li (Golakīḷā) với bọn trẻ, thấy Ghosaka ra đi, kêu lại hỏi: “Anh Ghosaka, anh đi đâu đó?”.
– Cha sai anh đi đến nhà người chủ lò gốm có việc.
– Để em đi thế cho, mấy đứa nầy ăn của em nhiều đạn quá, anh hãy ở đây chơi, gỡ lại giùm em.
– Anh sợ cha rầy lắm.
– Anh đừng sợ, để em đi đưa tin thế cho anh, em bị thua nhiều lắm, anh ráng gỡ lại giùm em, trước khi em trở về nhà.
Công tử Ghosaka có tiếng là chơi bắn đạn rất giỏi nên con Trưởng giả mới theo nài nỉ như vậy.
Sau cùng công tử chiều theo ý em và bảo: “Ừ thôi, thì em đến nhắc với chủ lò gốm rằng: Nghe nói hôm qua cha tôi có đặt cho chú làm công việc chi đó vậy bây giờ chú cứ làm đi”.
Cậu con ruột của ông Thiên hộ đến tìm gặp ông chủ lò gốm và nói y theo lời Ghosaka đã dặn. Cậu ta không dè ông chủ lò gốm đã nhận tiền của cha cậu, nên y theo mật ước, giết chết và phân thây cậu và ném vào lò hầm.
Công tử Ghosaka ở chơi bắn đạn, mãi đến chiều tối mới trở về nhà. Ông Thiên hộ thấy cậu liền hỏi: “Ủa sao con chưa đi mà còn ở đây?”.
Công tử Ghosaka bèn cho dưỡng phụ biết lí do: Cậu không đi là vì em cậu đã giành đi thế cho cậu.
Nghe vừa dứt lời, ông Thiên hộ tưởng như máu nóng sôi trào trong khắp người ông, ông kêu thét lên hai tiếng: “Đừng giết,” rồi ông oằn oại chắp tay, lảo đảo đi đến lò gốm vừa đi vừa than khóc: “Chú lò gốm ơi! Chú đừng có giết hại tôi hi hi, chú đừng có giết hại tôi hi hi…”.
Chủ lò gốm thấy ông Thiên hộ đi đến vội vã chạy ra đón rước và cho biết rằng:
“Thưa ông chủ, xin ông đừng to tiếng việc ấy tôi đã thi hành rồi”.
Ông Thiên hộ bị mối sầu tựa như mối đè nặng tâm tư, nhưng ông chỉ còn nước ngậm hờn, nuốt tủi, thầm ôm mối hận ngàn đời. Đó là tội báo của kẻ nhiễm ô, manh tâm muốn hãm hại người trong sạch, đề cập đến việc nầy, Đức Thế Tôn có thuyết bài kệ Pháp Cú được ghi trong phẩm Đao Trượng (Hình phạt).
“Yo daṇḍena adaṇḍesu,
Appaduṭṭhesu dussati;
Dasannaṃ aññataraṃ ṭhānaṃ,
Khippameva nigacchati”.
“Vedanaṃ pharusaṃ jāniṃ,
Sarīrassa ca bhadanaṃ;
Garukaṃ vāpi ābādhaṃ,
Cittakkhepaṃ va pāpuṇe”.
“Rājato vā upassaggaṃ;
Abbhakkhānaṃ va dāruṇaṃ;
Parikkhayaṃ va ñātīnaṃ,
Bhogānaṃ va pabhaṅguṇaṃ”.
“Atha v’āssa agārāni,
Aggi ḍahati pāvako;
Kāyassa bhedā duppañño;
Nirayaṃ so’papajjati”.
“Cầm đao trượng đối tay không,
Ác nhân muốn hại người trong sạch thì,
Quả kia sẽ trả cấp kỳ,
Trong mười điều khổ, thọ y một điều:
Tâm thần đau đớn trăm chiều,
Hoặc thân ngộ nạn nát tiêu, rã rời,
Hoặc lâm bịnh nặng khổ đời,
Hoặc cuồng tâm, hóa ra người khùng điên,
Hoặc vua hình phạt, cùm xiềng,
Hoặc người vu cáo oan khiên tội tình,
Hoặc ly tán cả gia đình,
Hoặc là tài sản tan tành hư hao,
Hoặc là cửa rộng nhà cao,
Lửa hồng một ngọn cháy ào tan hoang.
Rã thây rồi, kẻ ngu ngoan,
Còn sa địa ngục chịu toàn khổ đau”.
Tuy đau khổ vì con chết do lòng hiểm độc của mình, phú Trưởng giả vẫn chưa tỉnh ngộ hối quá, mà lại càng ghét cay ghét đắng công tử Ghosaka, muốn thủ tiêu ngay cậu cho khỏi xốn mắt, mỗi khi nhìn thấy cậu, ông lại moi óc tìm ra được một kế khác “Ta sẽ sai thằng nầy đi đến mượn tay cậu quản lý ở Gāmasata (Ba Thôn) của ta giết nó”.
Ông liền thảo một bức thư, đại khái nói rằng: “Thằng nầy là con nuôi của ta, nhờ cậu giết nó chết và trừ cho mất xác, rồi ta sẽ đền công ơn xứng đáng”.
Trao phong thư cho công tử Ghosaka, phú ông hạ thấp giọng bảo rằng: “Nầy Ghosaka con! Cha có một viên quản lý ở Gāmasata, con mau mang thơ nầy đến trao tận tay ông ấy”.
Dặn dò xong, phú ông buộc bức thư cẩm nang vào vạt áo của cậu Ghosaka. Chàng công tử nầy đã đến tuổi thiếu niên mà còn dốt chữ vì thất học. Từ bé đến giờ, chàng bị người dưỡng phụ ác tâm cứ mãi tìm cách giết chàng cho khuất mắt, nhưng chẳng thành công, có đâu mà chăm lo đến sự học vấn của chàng. Vì thế, chàng ta vẫn vô tình để cho dưỡng phụ buộc cẩm nang, trong đó dựng bản án của chàng vào vạt áo. Lúc ra đi chàng chỉ hỏi: “Thưa cha, con chưa có vật thực chỉ để ăn theo đường”.
– Con khỏi cần đem theo vật thực cho mất công. Con đi giữa đường thì đến làng mổ, nơi đó có ông Trưởng giả là bạn của cha, con ghé nhà ông ấy dùng cơm rồi hãy đi nữa.
– Dạ thưa vâng!
Công tử Ghosaka cúi lạy từ giã dưỡng phụ, đi đến làng mổ hỏi thăm nhà ông Trưởng giả, rồi đến gọi cổng thì gặp bà Trưởng giả.
– Cháu ở đâu lại đây? – Phú bà hỏi.
– Dạ thưa bác! Cháu ở thành nội. – Thiếu niên đáp
– Cháu là con ai?
– Dạ thưa bác cháu là con ông Thiên hộ.
– Phải cháu tên là Ghosaka không?
– Dạ thưa bác phải.
Bà Trưởng giả thấy mặt Ghosaka và nghe tiếng chàng đối đáp tự nhiên sanh lòng mến thương chàng như con đẻ. Ông bà Trưởng giả chỉ có một nàng tiểu thư tuổi vừa mới cặp kê, nhan sắc mỹ miều, khả ái. Ông bà cắt riêng một đứa nữ tỳ để theo săn sóc và phục dịch cho tiểu
thư. Tiểu thư ở trên từng lầu thứ bảy, tối ngày chẳng hề bước chân ra khỏi căn phòng.
Bà Trưởng giả thấy con hầu của tiểu thư xuống lầu bèn kêu hỏi nó: “A hoàn ạ!
Mầy đi đâu vậy?”.
– Bẩm bà! Tiểu thư sai con đi chợ.
Bà Trưởng giả bảo: “Thôi mầy khoan đi chợ đã! Lại đây lo sửa soạn ghế cho công tử ngồi, trải chiếu mời công tử nằm nghỉ đâu đó xong xuôi đàng hoàng, rồi hãy đi chợ nghe”.
Con a hoàn vâng lịnh bà Trưởng giả, lo xong công việc rồi mới đi chợ. Khi nó về, tiểu thư thấy nó đi lâu nên trách mắng, hăm he, nó bèn phân trần: “Thưa tiểu thư, xin tiểu thư đừng giận, mắc bị có công tử Ghosaka là trưởng nam của ông Thiên hộ mới đến, bà biểu phải làm công kia việc nọ cho công tử trước rồi hãy đi chợ sau, nên em về trễ”.
Vừa nghe đến tên công tử Ghosaka, tiểu thư bỗng nhiên sửng sốt ngẩn ngơ: Tình yêu công tử bộc phát như xuyên qua khỏi làn da, chạm đến tận xương tủy của nàng xử nữ.
– Trong tiền kiếp công tử Ghosaka chính là chàng Kotuhaliko còn tiểu thơ là nàng Kālī vợ của chàng, nàng nhờ để bát một bát cơm cúng dường Đức Phật Độc Giác, nên kiếp nầy được sanh vào nhà đại phú, tình yêu chồng từ kiếp trước như lửa bừng cháy lại, khiến cho nàng xúc động tâm tư. Bởi thế nên Đức Thế Tôn mới thuyết kệ rằng:
“Pubbevasannivāsena,
Paccuppannahitena vā;
Evantaṃ jāyate pemaṃ,
Uppalaṃ va yathodaketi”.
“Xưa từng chung chạ ra vào,
Giờ nay tái ngộ, lòng nào chẳng lay.
Men tình vừa nhắp đã say,
Bèo xanh gặp nước ngày ngày gia tăng”.
Khi ấy, tiểu thư hỏi con a hoàn: “Công tử hiện nay ở đâu vậy em?”.
– Thưa cô! Công tử đang nằm ngủ trên giường.
– Công tử có cầm vật chi trên tay không?
– Thưa tiểu thư, ở vạt áo công tử có buộc một bức cẩm nang.
Tiểu thư nghĩ thầm: “Đó là thư từ chi vậy?”. Trong khi công tử Ghosaka còn đang say giấc nồng, tiểu thư không cho cha mẹ hay biết, rón rén lén xuống thơ phòng, mở lấy cẩm nang buộc nơi vạt áo của công tử, đoạn trở lên khuê các, đóng cửa cài then mở thơ ra đọc, tiểu thư vốn là bậc văn hay chữ giỏi, đọc suốt hết lời lẽ trong thơ rồi chép miệng than rằng: “Ôi! Công tử khờ khạo làm sao, ai lại buộc theo vạt áo một bức thơ giết mình mà đi lang thang như vậy? Nếu ta không thấy kịp còn chi là đời của công tử”.
Tiểu thư liền xé bỏ bức thư độc hại, nhái theo tuồng chữ và lời lẽ của ông Trưởng giả vắn tắt như vầy: “Đây là trưởng tử của tôi tên là Ghosaka. Xin túc hạ thay mặt tôi, tương lễ vật từ Gāmasata, lo cho nó đẹp duyên cùng ái nữ của ông Trưởng giả bạn tôi, cắt chia nữa phần đất giữa làng chỗ túc hạ ở, cất một ngôi nhà xung quanh có tường rào và thuê người canh gác cẩn mật phòng vệ chu đáo, xong rồi gởi thư phúc đáp: “Tôi đã làm như vầy… như vầy…” thì ta hậu tạ chẳng dám quên ơn”. Thảo xong bức thơ bỏ vào cẩm nang, tiểu thơ vội vã trở xuống chỗ Ghosaka đang ngủ, buộc trở lại vào áo công tử như trước.
Ngủ một giấc đỡ mệt, công tử dậy dùng cơm trưa, rồi cất bước lên đường, đi suốt cả đêm, sáng hôm sau công tử Ghosaka đến Gāmasata, gặp viên quản lý đang đi công cán trong làng. Thấy Ghosaka viên quản lý bèn hỏi:
– Có việc chi vậy công tử?
– Cha tôi gởi thơ qua cho ông đây.
– Thư gì đâu, công tử cho tôi coi thử.
Tiếp lấy bức cẩm nang viên quản lý mở thơ ra đọc rồi phân bua với dân làng: “Bà con ơi! Bà con coi đây, ông chủ thương tôi hết mình, ông gởi thư biểu tôi: “Hãy lo cưới vợ cho trưởng nam của ta”. Vậy anh em hãy ráng lo sắp đặt củi nước sẵn sàng nghe chưa”.
Phân chia công tác cho các gia chủ dự bị cuộc lễ hôn phối xong viên quản lý khiến dọn miếng đất gọn gàng giữa làng và lo kiến tạo một ngôi nhà mới. Kế đó viên quản lý sắp sanh lễ vật cầu hôn, đến rước tiểu thư ái nữ của ông Trưởng giả về cử hành lễ tân hôn và tân gia cho công tử Ghosaka, đoạn cho người báo hỷ tín cho ông Thiên hộ biết: “Tôi đã phụng hành mệnh lệnh Thiên hộ, làm như thế…như thế…”.
Tiếp được hỷ tín, ông Thiên hộ càng thêm tức tối bội phần, ngày đêm vào thở ra than: “Việc ta chủ mưu sao không thành, còn việc ta không chủ mưu thành sự như thế làm chi”.
Lớp sầu con chết, lớp giận Ghosaka, hai mối ưu phiền dồn dập, khiến ông Thiên hộ phát chứng đau bụng sanh ra kiết lỵ. Đây nói về tiểu thơ con ông Trưởng giả, khi về ở nhà mới, nàng dặn dò hết các gia tộc: “Nếu có người nhà của ông Thiên hộ qua đây, mà chưa gọi sai biểu các người thì các người khoan đi báo tin cho công tử biết nghe không?”.
Còn ông Thiên hộ nằm trên giường bịnh, ông tính một mình: “Nghĩa tử là kẻ ngoại thân, ta nhất định sẽ không lập nó lên là kẻ thừa kế sản nghiệp của ta”. Nghĩ rồi, ông cho đòi quản gia đến bảo rằng: “Nầy cậu, ta muốn gặp mặt nghĩa tử của ta. Vậy cậu sai một đứa bộ hạ đi kêu nó về đây!”.
– Dạ thưa vâng! – Viên quản lý đáp, rồi ông ấy thảo một bức thư, trao cho một gia đinh cầm đi qua Gāmasata để rước công tử Ghosaka.
Khi nghe tin báo có đứa gia đinh của ông Thiên hộ mới qua, còn đứng ngoài cổng ngõ chờ lịnh, tiểu thư con ông Trưởng giả cho gọi nó vào nhà và hỏi: “Cậu qua đây có việc chi?”.
– Thưa tiểu thư, ông Thiên hộ bịnh, sai con đi rước công tử về cho ông thấy mặt.
– Nầy, cậu thấy ông bịnh mà còn khỏe hay yếu sức rồi?
– Thưa tiểu thư, ông còn khỏe, thấy ông vẫn ăn uống như thường?
– Thôi được, cậu cứ ở lại đây chơi, đợi lúc nào cô bảo về hãy về.
Tiểu thơ lấy tiền thưởng công cho tên gia đinh, sai người dọn chỗ cho nó ở lại, nhưng cấm tuyệt không ai được thông báo cho công tử biết.
Ông Thiên hộ nằm chờ tin, lại hỏi viên quản gia: “Sao lâu quá vậy cậu! Hay là cậu chưa sai đứa nào kêu con ta về đây phải không?”.
– Dạ thưa Thiên hộ, tôi đã sai gia đinh đi rồi, nhưng nó chưa về.
– Nếu vậy, cậu sai đứa nào khác đi tiếp theo coi.
Viên quản gia lại sai thêm một tên gia đinh khác. Đứa sau nầy qua Gāmasata cũng bị tiểu thư đón hỏi thăm tin và lưu giữ lại như đứa trước.
Bịnh tình của ông Thiên hộ bỗng đâu biến chứng trở nên trầm trọng, cơm cháo ông cho vào một bát thì cũng cho ra một bát. Lần thứ ba, ông hỏi viên quản gia: “Sao lâu giữ vậy? Hay cậu không cho đứa nào đi gọi con ta về?”.
– Thưa Thiên hộ, tôi đã sai thêm đứa khác đi nữa rồi, nhưng nó cũng chưa về.
– Thế thì hãy sai thêm đứa khác đi nữa đi.
Viên quản gia lại sai thêm đứa khác đi qua rước công tử. Đứa gia đinh thứ ba nầy cũng bị tiểu thư đón lại hỏi thăm: “Bịnh tình của ông
Thiên hộ lúc nầy ra sao?”. Nó đáp: “Thưa tiểu thư ông Thiên hộ bịnh nặng lắm, ông tuyệt thực, nhắm chắc ông phải chết, ông bị ngay sống trường, ăn vô chút nào thì xổ ra hết chút nấy”.
Tiểu thơ nghĩ thầm: “Lúc nầy chính là lúc nên đi”. Tiểu thơ bèn vào thưa với chồng: “Có tin nhắn cho hay nghiêm đường thọ bệnh”.
– Hiền thê nói chi?
– Dạ thưa lang quân, phụ thân của chàng quý thể bất an.
Công tử Ghosaka lại hỏi vợ rằng: “Bây giờ ta phải làm gì đây há?”.
Tiểu thơ đáp: “Thưa lang quân! Ta nên đem theo sản phẩm ở Gāmasata để làm lễ vật khi về thăm viếng gia nghiêm”.
– Ờ phải rồi!
Công tử khiến người mang lễ vật chất đầy mấy cỗ xe bò, đem đi theo, rồi hai vợ chồng khởi hành.
Đi được nữa đường, tiểu thơ nói với chồng:
– Lịnh nghiêm đường đau yếu, ta về thăm mà mang nhiều lễ vật kềnh càng bất tiện lắm. Thôi chàng hãy cho trả trở lại hết đi.
Nói rồi, tiểu thư cho xe đem tất cả về hết nhà ông Trưởng giả cha nàng. Tiểu thơ lại dặn chồng: “Lang quân à! Lát nữa về thăm lịnh nghiêm, chàng hãy đứng phía dưới chân, để thiếp đứng phía trên đầu nghe chàng”.
Vào tới trong nhà, công tử Ghosaka đứng phía dưới chân dưỡng phụ, còn nàng thì đứng phía trên đầu ông.
Trong giờ ấy, ông Thiên hộ nằm ngửa, mắt nhắm thiêm thiếp, viên quản gia đang ngồi bóp chân cho ông, bèn lên tiếng:
– Thưa Thiên hộ, có công tử mới về đây.
– Nó đâu?
– Dạ công tử đang đứng dưới chân Thiên hộ đó.
Trông thấy công tử Ghosaka, ông Thiên hộ cho mời viên tổng quản tài sản của ông đến hỏi rằng:
– Gia tài của ta tất cả được bao nhiêu?
– Thưa Thiên hộ về tiền mặt, đồ vật dùng và xa xí phẩm độ bốn trăm triệu, còn làng ấp, ruộng vườn, sản vật lương tức, tứ túc, xe cộ, mỗi thứ dược chừng nầy, chừng nầy…
Nghe viên tổng quản phúc trình xong, ông Thiên hộ có ý muốn di chúc rằng: “Chừng ấy tài sản của ta, Ghosaka là nghĩa tử, ta không cho quyền thừa kế”. Nhưng khi thốt ra lời, ông Thiên hộ nói lộn là “Ta cho quyền thừa kế”. Tiểu thơ nghe dứt tiếng, nàng mừng thầm tự nghĩ: “Nếu cho ông ấy nói sửa trở lại thì tình thế sẽ đảo ngược hết”. Tiểu thơ liền giả cách bi thương, bứt tóc dậm chân khóc kể rằng: “Cha ơi
là cha, cha nói làm chi lời ấy, làm cho hai con nghe qua càng thêm đau khổ quá chừng! Cha ơi là cha ơi…”.
Dứt lời, tiểu thơ giả vờ chồm tới trước, đập đầu ngay ngực ông Thiên hộ, rồi nằm lì nơi đó khóc nỉ non tức tưởi, cốt ý không cho cha chồng mở miệng sửa lại chúc ngôn. Nhưng ông Thiên hộ cũng vừa tắt thở ngay trong phút giây ấy. Gia nhân vào trào bái kiến đức vua Udena để báo tin: “Ông Thiên hộ đã thất lộc”. Quốc vương ban cho gấm vóc để đem về khâm liệm tống chung phú ông, đúng theo nghi lễ và phán hỏi:
– Thiên hộ có con trai hay con gái chi không?
– Muôn tâu bệ hạ, Thiên hộ có một người con trai là công tử Ghosaka. Trước khi thất lộc, Thiên hộ có chúc ngôn truyền hết tài sản lại cho công tử.
Sau đó một thời gian, đức vua triệu công tử Ghosaka vào triều bệ kiến. Hôm ấy nhằm trời mưa to, trong sân ngự chỗ nào cũng có nước đọng vũng, công tử Ghosaka tính thầm: “Ta đi chầu vua”, rồi một mình đi vào cung nội. Đức vua đứng trong biệt điện, mở cửa sổ nhìn ra, thấy công tử đi đến đang nhảy tránh các vũng nước trong sân mà vào cung.
Đến chỗ vua ngự, công tử triều bái, tung hô vạn tuế, rồi đứng lên. Đức vua phán hỏi công tử:
– Khanh đây phải là Ghosaka không?
– Muôn tâu bệ hạ, phải! Hạ thần chẳng may nên nghiêm đường đã sớm thất lộc.
– Khanh đừng bị lụy, để trẫm phong chức Thiên hộ cho khanh, để khanh được nối chức của cha.
Phán xong, đức vua ân tứ cho công tử mấy chung ngự tửu, rồi truyền bãi chầu:
“Trẫm cho phép khanh về”.
Khi Ghosaka về, đức vua còn đứng nhìn theo, thấy công tử đi thẳng một đường, lội luôn qua các vũng nước, chứ không nhảy tránh như lúc vào cung. Đức vua lấy làm lạ về cử chỉ của công tử Ghosaka, bèn triệu hồi và phán hỏi công tử:
– Nầy hiền khanh, tại sao lúc vào cung để triều kiến trẫm thì khanh nhảy tránh các vũng nước, còn khi trở về khanh lội phăng xuống nước, đi thẳng một đường?
– Muôn tâu Thánh thượng, hạ thần lúc vào cung còn là một công tử, cho nên còn giữ tánh bay nhảy bông lông, bây giờ đã được lịnh cửu trùng chẩn hứa sẽ ban cho tước lộc triều đình, hạ thần không dám kinh suất như trước, cho nên phải đi đứng chỉnh tề như thế.
Nghe công tử biện bạch, Quốc vương Udena cảm mến, khen rằng:
– Thiếu niên nầy có đủ tư cách, đáng được thụ phong ngay từ bây giờ. Phán rồi, đức vua hạ chiếu chỉ, phong cho công tử Ghosaka giữ chức Thiên hộ của cha, được phép thu thuế công đền công thổ một trăm thôn ấp như trước. Công tử Ghosaka về nhà vinh quy bái tổ, công tử đứng trên một chiếc xe hoa, nhiễu qua thành phố dân chúng khắp nơi tưng bừng chào đón, tiếng hoan hô vang dậy. Tiểu thơ ở nhà đang trò chuyện với bà vú Kāḷī, tiểu thơ hỏi rằng: “Nhũ mẫu Kāḷī, vú có biết rằng tất cả sản nghiệp của con trai vú, nhờ một tay con mà có không?”.
– Nhờ bằng cách nào hả con?
– Lúc trước công tử qua nhà con, bên vạt áo có buộc một phong thư mượn người hạ sát chàng. Khi ấy chính tay con xé bỏ bức thư độc hại ấy và viết tráo một bức thư khác, mượn người đứng chủ hôn cho công tử đứng cưới con. Nhờ con cứu mạng mà công tử mới được sống sót đến ngày nay.
– Con à! Con chỉ biết thấy có bao nhiêu đó thôi. Chớ thật ra lão Thiên hộ đã lập tâm mưu sát công tử nhiều lần, kể từ thưở công tử hãy còn bé thơ. Nhưng lão đã thất bại hoàn toàn mặc dầu lão đã tung ra rất nhiều tiền của.
– Nhũ mẫu à! Lão Thiên hộ đã tạo thật nhiều nghiệp hết sức nặng nề, tội lỗi phải không?
Thấy công tử đã nhiễu qua thành phố, trở về đến nhà, Tiểu thơ cười rằng: “Công tử nhờ một tay thiếp mới được vinh hiển như thế”.
Thiên hộ Ghosaka thấy vợ cười thì hỏi:
– Tại sao nàng cười?
– Tại vì một lẽ riêng.
– Lẽ gì? Nói ta nghe thử.
Tiểu thư nín thinh, làm ra vẻ bí mật. Ghosaka rút kiếm ra giả vờ hăm dọa: “Nếu thực không chịu khai, ta sẽ chém mi đứt hai bây giờ”.
Tiểu thơ nói: “Thiếp cười vì chàng nhờ thiếp mới được làm chủ bấy nhiêu sản nghiệp nầy đây?”.
Ghosaka bảo vợ: “Tất cả tư sản nầy là của gia nghiêm truyền giao cho ta, ta thừa hưởng là lẽ dĩ nhiên, nàng có công lao chi mà kể lể”.
Thiên hộ vẫn vô tình, không biết chi về ác tâm của dưỡng phụ trong thời gian qua, nên khi nghe vợ kể công, thì chàng không tin.
Tiểu thơ bèn đem tất cả những điều ẩn khúc thuật lại một hồi: “Dưỡng phụ sai chàng mang thơ, mượn tay người thủ tiêu chàng, mà chàng vô tình nào biết. Nhờ thiếp đã làm như vậy… như vậy… để cứu mạng và che chở cho chàng sống đến ngày nay”.
– Không tin chàng cứ hỏi bảo mẫu Kāḷī thì biết.
– Thưa bảo mẫu vợ con nói đây có thật không?
– Thật thế con à, dưỡng phụ con mưu tính giết con khi con còn măng sữa nhưng không được. Người đã xuất rất nhiều tiền sai đem bỏ con bảy lần ở bảy chỗ, mà con đều thoát chết. Nên bây giờ con mới sống mà thừa hưởng di sản, được vua phong chức Thiên hộ và ân tứ quyền thu thuế một trăm thôn ấy đó con.
Nghe hết tự sự, Thiên hộ Ghosaka giật mình, than thầm: “Ôi! Nghiệp báo của ta quả thật nặng nề, cho nên mới chết hụt nhiều lần như vậy. May sao mà ta còn toàn mạng… Nếu ta cứ buông lung phóng dật chẳng là trái đạo lắm ư? Từ rày ta không nên dễ duôi nữa!”.
Nghĩ rồi, mỗi ngày Thiên hộ xuất ra một ngàn đồng tiền vàng để làm việc phước thiện, như giúp kẻ lỡ đường, nuôi người tàn phế, châu cấp cho kẻ cô bần quả nhược… Thiên hộ giao phó công việc chuẩn thí cho Trưởng giả Mittakuṭumbika trông coi.
DỨT TÍCH THIÊN HỘ GHOSAKA
Thưở ấy, nơi kinh thành Bhaddavatī, có viên ngoại là bạn đồng điệu “tương giao tương kiến” (adiṭṭhapubba-sahāyako) của Thiên hộ Ghosaka.
Do những lái buôn từ thành Bhaddavatī đến Kosambi, Thiên hộ được nge danh tiếng giàu sang của nhà cự phú ở nước láng giềng, sanh lòng ái mộ, muốn kết tình hữu nghị nên gửi tặng phẩm đến cho viên ngoại. Bánh ích đi bánh quy lại, hai nhà giao hảo như thế, nhưng chưa có dịp gần nhau. Một thời gian sau, nhà viên ngoại Bhaddavatī bị nhiễm bịnh thiên thời (ahivātarogo). Ruồi lằn chết trước tiên, kế đến kiến mối, chuột, bọ, gà vịt, heo, chó, mèo, bồ câu, tớ gái, tớ trai. Sau cùng tất cả gia nhân đều chết trụi, những người sợ chết lây, bỏ nhà chạy đi lánh nạn thì còn được sống sót. Trong số đó có viên ngoại Bhaddavatī, bà vợ và cô con gái tên là Sāmā (Ô Nhi: Con đen).
Chạy thoát nơi tử địa rồi viên ngoại tính muốn qua thăm Thiên hộ Ghosaka, bèn cùng vợ con lên đường đi Kosambi. Họ đi mới được nữa đường thì hết lương thực. Dầu dãi phong sương, nhịn đói, nhịn khát thân thể mệt mỏi, tay chân rũ liệt, gian nan lắm họ mới đi đến thành Kosambi. Kiếm chỗ có nước tắm rửa sạch sẽ cho mát mẻ, rồi họ vào nghỉ trong một ký túc xá (sālā) ở đầu cổng thành. Tạm trú yên nơi viên ngoại bảo vợ rằng: “Bà ơi! Chúng ta tiều tụy như vầy mà đến nhà ai, dầu là nhà mẹ sanh đi nữa, coi cũng khiếm nhã, nghe đồn bạn ta là Thiên hộ Ghosaka hằng ngày xuất cả trăm đồng tiền vàng để cứu giúp những người lỡ chân trái bước, áo rách đói cơm, ta hãy sai con Sāmā đến đó xin vật thực, ta dùng đỡ một đôi ngày cho lại sức, rồi hãy đến nhà viếng thăm bằng hữu của ta vậy”.
Bà Bhaddavatī cũng đồng tình: “Phải đó ông à”. Đêm ấy ba người ngủ luôn nơi ký túc xá, sáng hôm sau, khi thấy đám bần nhân kéo đến xin vật thực, ông bà viên ngoại kêu con gái:
– Con ơi! Con đi xin vật thực về cho cha mẹ đi con.
Than ôi! Một thiên kim tiểu thơ đến hồi mạt vận, cũng phải ráng dằn lòng chịu nhục, ôm bát đi chung với đám ăn mày, đến đứng trước cửa nhà Trưởng giả Mitta.
– Cô bé đây lãnh mấy phần?
Nghe Trưởng giả hỏi, tiểu thơ đáp:
– Dạ thưa ba phần.
Trưởng giả cấp cho nàng ba phần ăn. Lãnh thực phẩm xong, tiểu thư đem về ký túc xá cùng ngồi ăn chung với cha mẹ. Bà viên ngoại nói: “Gia tài sự nghiệp của ta đều tiêu tan, nhưng cũng có ngày tạo lại được cái khác, bây giờ ông nên bảo trọng thân thể, cứ ăn cho no đi, đừng lo cho mẹ con tôi, mà cũng đừng nghĩ ngợi gì nữa”.
Bị hai người cố nài ni ép ăn viên ngoại Bhaddavatī thọ thực quá nhiều, nên bị trúng thực phát ách, đau bụng cả đêm và trút hơi thở cuối cùng vào lúc mặt trời mới rạng.
Hai mẹ con bà viên ngoại vật mình than khóc, tình cảnh ái ly tử biệt thật là thống thiết bi ai…
Sáng hôm ấy, tiểu thư Sāmā vừa gạt lệ sầu vừa đi đến chỗ phát chẩn. Thấy tiểu thư, Trưởng giả Mitta lại hỏi:
– Cô bé lãnh mấy phần?
Tiểu thư đáp: “Dạ thưa hai phần”.
Trưởng giả bèn cấp cho tiểu thư hai phần ăn, tiểu thư đem thực phẩm xin được về dâng hết cho mẹ và yêu cầu bà ăn cho no, chiều theo lòng con gái, bà viên ngoại dùng bữa ăn quá sức mình vật thực không tiêu hóa được làm cho bà sình bụng, phát ách và từ trần luôn ngày ấy.
Tiểu thư Sāmā còn sống một mình, hết khóc lại than, muôn sầu vạn thảm, quê người vò võ, tứ cố vô thân, chút phận liễu yếu đào tơ, luống chịu truân chuyên nhiều nỗi.
Đã khổ tâm còn đói bụng, ngày sau tiểu thư phải gắng gượng đi xin ăn vừa đi vừa gạt lệ sầu.
Cô bé lãnh mấy phần ăn?
Dạ thưa, chỉ một phần.
Từ ba ngày nay, Trưởng giả Mitta thấy cô bé nầy mỗi ngày mỗi giảm một phần ăn, nên khi nghe cô đáp “một phần”, thì nói giọng khinh miệt rằng: “À cô bé ăn mày! Bữa nay mày mới tiết độ rồi hả?”. Tiểu thư Sāmā cảm thấy xót xa tủi nhục như vừa bị ai xát muối vào vết thương
lòng, nhưng cũng còn gượng hỏi lại rằng:
– Dạ thưa, ông nói chi?
– Bữa đầu mày lãnh ba phần, hôm qua lãnh hai phần, hôm nay lãnh một. Vậy là hôm nay mày biết tiết độ rồi đó.
– Dạ thưa ông chủ, xin ông đừng hiểu lầm là tôi xin về ăn một mình tôi.
– Thế thì tại sao cô bé đã lãnh tới ba phần?
– Bữa đầu, chúng tôi cả thảy ba người, hôm qua còn hai, bữa nay còn một mình tôi mà thôi.
Trưởng giả chưa hiểu rõ nguyên nhân, hỏi tiếp: “Tại làm sao, đâu em nói rành rẽ cho ta nghe thử?”.
Sau khi tiểu thư Sāmā kể hết nỗi nhà tan tác vì tai biến, trôi nổi thân lạc loài. Trưởng giả Mitta cầm lòng không được, nước mắt tuôn rơi.
Trưởng giả an ủi tiểu thư: “Thôi chuyện đã qua rồi, em đừng khêu gợi lại nữa. Con gái của viên ngoại Bhaddavatī cũng như con gái của ta, từ giờ trở đi ta nhận con làm nghĩa nữ”.
Nói rồi, Trưởng giả hôn lên đầu Sāmā, dắt nàng vào nhà, lập nàng lên làm trưởng nữ của mình. Khi ấy, trong phước xá (Dānagga) có nhiều tiếng ồn ào huyên náo. Tiểu thư Sāmā hỏi dưỡng phụ rằng:
– Thưa cha, sao cha không bảo đám người kia êm lặng và cha bố thí cho họ vậy?
– Không có cách nào làm cho họ im lặng được con à!
– Thưa cha, con có cách làm được.
– Làm sao được hả con?
– Thưa cha! Cha hãy cho xây rào ngang phía trước phước xá chỉ chừa hai bên cửa ra vào, rồi cha dặn hò: “Đi vô bên nầy, đi ra bên kia”. Làm như vậy thì cha sẽ giữ được trật tự. Họ hết chen lấn ồn ào, ai cũng đi vô lãnh phần mình và đi ra êm thắm. Trưởng giả Mitta nghe dứt lời khen rằng: “Hay quá, phương pháp của con hay quá”. Rồi Trưởng giả làm y như lời đề nghị của cô nghĩa nữ.
Tiểu thư trước đây tên là Sāmā, nay vì có sáng kiến làm hàng rào trước phước xá, nên được người gọi là Sāmāvatī. Từ đó về sau, trong phước xá dứt hẳn tiếng ồn ào náo nhiệt, sự thay đổi nầy làm cho Thiên hộ Ghosaka để ý, lúc trước mỗi khi nghe tiếng người lao xao vọng đến nhà mình, Thiên hộ rất hài lòng, nói thầm: “Tiếng huyên náo ở phước xá ta đó”. Cách hai ba bữa nay, nghe trong phước xá lặng trang, Thiên hộ
lấy làm lạ, bèn đích thân đến gặp Trưởng giả Mitta để gạn hỏi cho biết nguyên nhân.
– Công việc chẩn thí vẫn tiếp tục như thường chứ.
– Dạ vâng, thưa Thiên hộ.
– Tại sao hai ba bữa nay nghe lặng trang, không có tiếng tăm chi hết vậy?
– Thưa Thiên hộ vì tôi áp dụng phương pháp khiến họ được im lặng trước khi lãnh phần cấp thí.
– Thế sao từ trước ông không áp dụng phương pháp ấy?
– Thưa Thiên hộ vì trước kia tôi chưa biết.
– Sao bây giờ lại biết?
– Thưa Thiên hộ, nhờ có trưởng nữ của tôi nó bày cách cho tôi.
– Ủa lạ, từ hồi trước tới giờ, ta chưa nghe nói là ông có con gái mà.
Trưởng giả Mitta bèn đem hết lai lịch của tiểu thư Sāmāvatī, từ khi viên ngoại chết đi cho đến lúc Trưởng giả nhận tiểu thư Sāmāvatī làm trưởng nữ của mình, thuật lại một hồi. Nghe xong, Thiên hộ Ghosaka trách rằng:
– Chuyện như vậy, mà sao ông không cho ta hay? Con gái của bạn ta tức là con gái của ta. Ông kêu nó ra đây cho ta hỏi coi.
Thiên hộ nói tiểu thư Sāmāvatī rằng:
– Con là ái nữ của viên ngoại Bhaddavatī phải không?
– Dạ thưa Ngài, phải.
– Nếu vậy con đừng buồn lo nữa, ta nhận con làm con gái của ta, con chịu chăng?
Thiên hộ Ghosaka hôn lên mái tóc đen huyền của cô gái mồ côi, cấp cho cô năm trăm nữ tỳ và đặt lên địa vị tiểu thư, trưởng nữ của thiên hộ.
Ngày lễ Quốc khánh trong thành Kosambi, nhân dân vui chơi tưng bừng, rộn rịp.
Theo tục lệ, ngầy nầy ai ai cũng được tự do, mấy cô thiếu nữ “khuê môn bất xuất” đều dắt cả nhóm thị tỳ của mình đi bộ ra bờ sông để tắm gội.
Nhân dịp lễ hội, tiểu thư Sāmāvatī cùng với năm trăm thị nữ dắt nhau đi tắm sông. Họ diễu ngang qua sân ngự trước đền vua. Quốc vương Udena đứng trong hoàng cung nhìn qua song cửa sổ, thấy tiểu thư Sāmāvatī, bèn phán hỏi thị thần: “Vũ nữ nầy là của ai?”.
– Tâu bệ hạ! Nàng là ái nữ của Thiên hộ Ghosaka, mỹ danh là Sāmāvatī.
Quốc vương Udena từ lúc thấy tiểu thư Sāmāvatī thì đem lòng sủng ái, bèn hạ chiếu chỉ truyền lệnh cho Thiên hộ Ghosaka đưa tiểu thư tiến cung.
– Muôn tâu Thánh thượng, thần không thể nào đưa con gái tiến cung. – Thiên hộ Ghosaka đáp.
– Khanh chớ vi lịnh quả nhân như thế. Hãy mau đưa lịnh ái tiến cung lập tức.
– Muôn tâu chúa thượng, luật nước tuy nghiêm minh, không có lệ xử phạt, giam cầm người vô tội. Quyền cha thì hữu hạn thì làm sao hạ thần áp chế, đánh đập, ép uổng duyên con. Hạ thần không thể đem con gái mình mà hiến nạp vào cung.
Đức vua nổi trận lôi đình chỉ bộ, ra lịnh cho quan quân niêm phong nhà cửa của Thiên hộ Ghosaka, dắt hai ông bà đại phú đuổi tống ra bên ngoài.
Tiểu thư đi tắm về bị cấm cửa, không vào nhà được, bèn hỏi ông Thiên hộ:
– Sao có việc nầy vậy thưa cha?
– Nầy con, đức vua đưa sứ đến, đòi tuyển con vào cung, cha mẹ không phục tùng vương lịnh. Đức vua phẫn nộ ra lịnh niêm phong nhà cửa, đuổi tống cha mẹ ra ngoài như vậy đây.
– Thưa cha, – tiểu thư nói – Cha đã phạm tội khi quân, tội ấy rất nặng. Phàm đạo làm tôi không nên cãi lịnh nhà vua. Thưa cha, con thiết tưởng, cha nên tâu cùng đức vua, xin cho cả đoàn thị nữ cùng nhập cung với con.
– Hay thay! Nếu con đã thuận tình gần gũi quân vương thì cha mẹ sẽ chiều ý con mà tâu lên Thiên tử.
Nói rồi Thiên hộ Ghosaka cho người dâng sớ tâu lên Thiên tử. Đức vua chấp nhận bằng lời chuẩn tấu, đoạn khiến quân binh đến rước tiểu thư Sāmāvatī với đoàn thị nữ nhập cung. Đức vua tấn phong tiểu thư là chánh cung Hoàng hậu, còn năm trăm thị nữ của tiểu thư đều được chuẩn nhận làm cung nữ.
DỨT TÍCH TIỂU THƯ SĀMĀVATĪ
Đức vua Udena còn có một bà Thứ hậu tên là Vāsuladatta (Hòa Tu Lạc Thí), là công chúa con vua Caṇḍapajjota (Huy Đăng) trị vì Ujjenīya.
Hoàng đế Caṇḍapajjota là một vị vua có nhiều tham vọng hằng mong đi chinh phạt các nước nhược tiểu để mở rộng bờ cõi nước mình.
Một hôm, trên đường du ngoạn trở về nhà vừa háo chiến vừa tự đắc nhìn ngắm giang san của mình, rồi phán hỏi quần thần: “Có lãnh thổ của quốc vương nào bì kịp với lãnh thổ của trẫm đây chăng?”.
Bá quan tâu rằng: “Muôn tâu Chúa thượng, nếu so với lãnh thổ của Quốc vương Udena thì đất nước của chúng ta chưa thấm vào đâu cả vì xứ Kosambi là một xứ rộng lớn vô cùng”.
Nghe vậy, Hoàng Đế Caṇḍapajjota phán rằng:
– Thế thì trẫm sẽ tương tập binh, thôn tính xứ Kosambi.
– Muôn tâu Thánh thượng, không thể được.
– Tại vì sao thế?
– Vì vua Udena biết phép điều tượng, miệng niệm mật chú, tay khảy đàn thần vua ấy có thể huy động đàn voi chiến chạy tới chạy lui đúng theo binh pháp. Nước ta không có tượng binh hùng hậu và người tài giỏi như vua ấy đâu?
– Trẫm không bắt sống được vua ấy sao?
– Muôn tâu chúa thượng, nếu chúa thượng quyết bắt cho được vua Udena thì phải dụng mưu kế như vầy: Chúa thượng nên khiến thợ mộc rành nghề, chế tạo một con tượng bằng gỗ, rồi cho quân đem thả gần ranh giới nước vua Udena. Hễ vua ấy nghe đồn có voi chiến, hoặc ngựa chiến ở đâu, thì dầu cho xa xôi cách mấy cũng tìm đến tận nơi, khi ấy ta phục binh thì bắt được vua Udena dễ dàng như trở bàn tay.
Hoàng đế Caṇḍapajjota nghe tâu rất đẹp ý, bèn khiến tuyển nhiều thợ khéo, đặt cho họ làm một con tượng máy bằng gỗ, bên ngoài lấy vải cũ xù xì như da voi phủ lên, bên trong sắp đặt cơ quan điều động, đứng xa trông có vẻ linh hoạt như là voi sống thật sự, xong rồi Hoàng đế Caṇḍapajjota khiến quân sĩ đem tượng máy đến tận biên thùy, đặt nó đứng trên bờ của một hồ nước, trong bụng voi có đến sáu mươi quân
sĩ điều khiển cho nó đi tới đi lui chỗ nầy, chỗ nọ. Họ đem theo phẩn voi để trải đường voi đi. Một người thợ rừng xứ Kosambi trông thấy con bạch tượng trước nhất “Thớt tượng nầy rất xứng với quân vương ta”. Nghĩ vậy, người ấy về trào tâu với vua Udena:
– Muôn tâu chúa thượng! Hạ thần đi rừng gặp một con voi trắng phau nhau như ngọn núi tuyết. Thật là một thứ bạch tượng quý rất xứng đôi với chúa thượng. Lập tức vua Udena phong cho thợ rừng làm hướng đạo viên, rồi vua cưỡi voi cùng với đoàn quân hộ giá lên đường đi săn bạch tượng. Thấy vua Udena trúng kế, bọn thám tử thông tin cho Hoàng đế Caṇḍapajjota hay.
Vua Caṇḍapajjota ngự giá đến nữa đường, khiến quân sĩ an dinh hạ trại, đoạn bố trí hai đội quân mai phục hai bên con đường chẹt, chờ vua Udena đến. Vua Udena không hay biết cơ mưu của địch, chỉ cứ mải riết rượt theo con bạch tượng giả, bị đuổi gần, bọn người trong mình con voi gia tăng tốc độ, hướng về nơi có phục binh chạy tới. Vua Udena giở thuật niệm chú, khảy đàn để trục hồi tượng chúa, nhưng con voi
gỗ không tuân theo phép, bỏ chạy đi luôn. Thấy cưỡi voi rượt không kịp, đức vua Udena liền bỏ voi, thót lên một con tuấn mã, thúc ngựa đuổi theo. Ngựa vua phi nước đại, bỏ cả đoàn quân hộ tống rớt lại phía sau, đưa một mình vua vào nơi hiểm địa.
Khi ấy hai đội binh của hoàng đế Caṇḍapajjota rời chỗ mai phục, xông ra đón đường vây bắt được vua Udena, đem về nạp cho chúa tướng.
Đoàn quân hộ giá của vua Udena chạy trờ tới, thấy vua mình bị sa lưới địch, đã bị sanh cầm, bèn lập tức thối lui, đồn trú ngoài biên giới.
Sau khi dùng mưu bắt sống được vua Udena, Hoàng đế Caṇḍapajjota ra lịnh hạ ngục nhà vua thất thế, sai lính canh phòng cẩn thận, đoạn mở tiệc khao quân, ăn mừng thắng trận trong ba ngày liền. Đến ngày thứ ba vua Udena kêu gọi các lính canh:
“Chúa tướng các ngươi đâu?”.
– Đang uống rượu mừng bắt được vua nước địch.
Nghe vậy vua Udena quát mắng rằng: “Chúa tướng của chúng bây hành động y như là hạng phụ nữ. Lẽ thường, trên chiến địa hễ bắt được vua nước nghịch, một là tha, hai là giết, chớ có đâu mà giam cầm cô gia mãi, để cùng nhau uống rượu ăn mừng”.
Bọn lính canh chạy đi tâu lại những lời trên đây với chúa tướng. Hoàng đế Caṇḍapajjota thân ngự đến đề lao, hỏi vua Udena: “Phải quốc vương đã buông lời khiển trách khiếm nhã đối với quả nhân như thế chăng?”.
– Tâu đại vương, phải.
– Quả nhân nghe đồn Quốc vương biết pháp điểu khiển tượng, nếu Quốc vương truyền dạy quả nhân phép ấy, quả nhân sẽ thả Quốc vương ra ngay.
– Được rồi, cô gia sẽ dạy, nhưng trước khi thọ giáo, đại vương phải làm lễ bái sư, nào đại vương đảnh lễ đi.
– Quả nhân chẳng đảnh lễ ai cả.
– Đại vương không khứng hạ mình làm lễ bái sư hay sao?
– Quả nhân không làm lễ bái sư.
– Thì cô gia cũng không truyền phép điều tượng.
– Nếu Quốc vương giấu nghề, quả nhân sẽ đưa Quốc vương theo chầu tiên đế.
– Thân ta như cá nằm trên thớt, đại vương cứ giết phứt ta đi, chớ đừng mong làm chủ được tâm ta.
Nghe tù nhân phẫn uất la to, Hoàng đế Caṇḍapajjota biết không thể thị oai, nghĩ rằng: “Bây giờ ta phải tìm cách nào học lấy mật chú nầy cho kỳ được. Ta không nên để tiết lộ ra ngoài. À hay ta hãy cho Công chúa con ta đến học với hắn, rồi sau đó ta sẽ học lại của Công chúa”.
Suy nghĩ chín chắn rồi, Hoàng đế Caṇḍapajjota hỏi lại vua Udena: “Nếu có ai khác đảnh lễ Quốc vương để thọ giáo thì quốc vương sẽ truyền dạy mật chú cho người ấy phải chăng?”.
– Tâu đại vương, phải.
– Nếu vậy, trong hoàng cung có đứa con gái lưng gù, để quả nhân bảo nó ngồi bên trong bức rèm đảnh lễ , còn Quốc vương thì hãy đứng bên ngoài mà dạy nó học.
– Tâu đại vương! Gù lưng hay què cẳng chi cũng được, miễn là làm lễ bái sư, thì cô gia sẽ truyền bí thuật.
Hoàng đế Caṇḍapajjota liền trở về cung điện bảo công chúa Vāsuladatta: “Nầy công chúa, có một thanh niên cùi phong lở lói mà biết câu mật chú quý giá vô cùng, phụ vương không muốn hắn tiết lộ cho kẻ nào biết được. Vậy con hãy ngồi sau bức rèm làm lễ bái sư, rồi học câu chú ấy. Còn hắn ta, phụ vương sẽ khiến đứng phía ngoài bức rèm mà dạy con học, thôi để phụ vương dắt hắn đến đây”. Hoàng đế Caṇḍapajjota đã bịa ra cô gái gù lưng và gã thanh niên cùi như thế, để cho hai bên ghê sợ lẫn nhau mà không dám suồng sã lả lơi. Bị bức rèm ngăn cách, hai đàng không trông thấy rõ nhau. Chờ Công chúa đảnh lễ và ngồi xuống xong vua Udena đứng bên ngoài nói vọng vào để truyền dạy mật
chú.
Suốt cả ngày hôm ấy, ông thầy nhắc đi nhắc lại có một câu chú, mà cô học trò nói theo cũng không đúng giọng. Vua Udena bực mình gắt gỏng: “Cô gái lưng gù nầy đây, môi và má cô dầy quá đi thôi. Tôi phải tát tai cô mới được. Cô phải đọc trúng giọng như vầy nè”.
Công chúa nổi giận cũng mắng trả lại: “Cái thằng cha cùi phong lở lói nầy đừng có ăn nói hàm hồ, người như ta mà ngươi dám kêu là cô gái gù lưng phải không?”.
Công chúa vén rèm lên nhìn vua Udena. Vua Udena hỏi:
– Tiểu thư là ai?
– Ta là công chúa Vāsuladatta.
– Đại vương đã nói với ta rằng: “Công chúa là cô gái lưng gù”.
– Phụ vương cũng nói với ta rằng: “Quốc vương là gã thanh niên cùi phong lở lói”.
Hai người đồng chung một ý nghĩ: “Chắc phụ hoàng sợ chúng ta gần gũi thân mật nhau nên nói vậy”.
Rồi họ đưa nhau vào bên trong bức rèm tư tình với nhau. Từ đó về sau, không còn có chuyện dạy chú thuật, học thuật chi nữa cả. Hoàng đế Caṇḍapajjota không hay biết chuyện nầy và thường hỏi thăm công chúa: “Con có học pháp thuật không con?”.
– Tâu phụ vương, con vẫn đang học.
Nấn ná ở nước ngoài được ít lâu. Một hôm vua Udena than thở cùng công chúa Vāsuladatta: “Công chúa ơi! Tình nghĩa vợ chồng đậm đà, thắm thiết dù cho cha mẹ, anh em ruột cũng chẳng sánh bằng. Nếu công chúa thật dạ yêu ta, thì ráng giúp ta được đào sanh cùng nhau trở về cố quốc, ta sẽ phong cho Công chúa làm Hoàng hậu và cấp cho năm trăm cung phi mỹ nữ theo hầu”.
– Nếu như quân vương đoan thệ giữ lời kim thạch thì thần thiếp nguyện sẽ tận tình mà khai lộ đào sanh.
– Ái hậu ơi! Trẫm sẽ giữ đúng như lời đã hứa.
– Thôi được rồi, xin Quân vương hãy vững dạ.
Hôm ấy, Công chúa vào vương cung bái kiến phụ hoàng, rồi đứng qua một bên. Hoàng đế Caṇḍapajjota liền phán hỏi:
– Công chúa, con học hết phép điều tượng rồi phải không?
– Tâu phụ vương, con học chưa hết.
Vua lại phán:
– Thế thì con có điều chi muốn tỏ trần?
– Tâu phụ vương! Chúng con cần có một cửa thành riêng biệt và một con vật thần hành (Vāhana).
– Để làm chi vậy con?
– Tâu phụ vương, người thí nghiệm thần chú cần phải ra phía ngoài thành trong lúc ban đêm để kiếm một vị thuốc, cho nên chúng con cần phải có một cửa thành đặc biệt và một con vật thần hành để tiện dụng trong lúc xuất thành chánh thời hoặc phi thời cũng được.
Đức vua chuẩn tấu. Đôi tình nhân vui mừng hớn hở, đích thân ra khai một cửa thành đặc biệt.
Hoàng đế Caṇḍapajjota có đến năm vật thần hành. Một con voi cái tên là Bhaddavatī (Hiền Ly) mỗi ngày đi được năm mươi do tuần. Một quan nội thị tên là Kāla (Ô Nha) mỗi ngày đi sáu mươi do tuần, hai con thiên lý mã là Velakaṃsi và Muñjakesi mỗi ngày chạy được một trăm do tuần và con voi chúa Nāḷāgiri mỗi ngày đi được một trăm hai mươi do tuần.
Tương truyền rằng: Trong tiền kiếp, trước thời kỳ Đức Phật Tổ Gotama giáng sanh, Hoàng Đế Caṇḍapajjota là bộ hạ của Tổng trấn (Issara).
Một ngày nọ, nhằm lúc quan tổng trấn ra ngoài ngoại ô để tắm, đang đi trở về thì gặp vị Phật Bích Chi (Paccekabuddha) vào thành khất thực, bị Ma vương cản trở khiến toàn thể dân chúng không ai để bát, nên Ngài chẳng thọ dụng chút ít vật thực nào hết, bèn ôm bát không trở ra.
Đã vậy, Ma vương còn hóa hiện ra một người lạ mặt đứng đón Ngài tại cổng thành để hỏi: “Bạch Ngài! Ngài đi bát có được chút ít gì không?”. Đức Phật Độc Giác hỏi lại Ma vương:
– Vì cớ nào mà ngươi phá rối, làm cho ta đi bát không được chi hết vậy?
– Thế thì Ngài hãy trở lại thành, phen nầy tôi không phá Ngài nữa đâu.
Kỳ thật nếu Đức Phật Độc Giác trở vào thành thì Ma vương sẽ nhập vào mình toàn thể dân chúng khiến cho họ vỗ tay cười rộ lên chế nhạo Ngài. Nhưng Đức Phật từ khước không vào lại thành, thấy gạt Đức Phật không được, Ma vương biến mất.
Khi ấy, quan Tổng trấn trông thấy Đức Phật Độc Giác ôm bát không đi ra, bèn kính cẩn đảnh lễ Ngài, rồi hỏi rằng:
– Bạch Ngài, chẳng hay Ngài đi bát có được chút chi chăng?
– Nầy đạo hữu! Đi vào rồi, bây giờ ta đi ra.
Quan Tổng trấn ngẫm nghĩ: “Đại đức không trả lời câu hỏi của ta, mà lại nói lảng qua chuyện khác, chắc là Ngài không được chi hết”.
Khi đến xin Đức Phật Bích Chi cho xem bát, quan Tổng trấn nhìn thấy bát trống không, ý muốn xin thỉnh bát mà chưa dám vì không biết chắc ở nhà mình cơm nước đã chín sẵn chưa?
– Bạch Ngài! Xin thỉnh Ngài đi thong thả lại một chút.
Nói rồi quan Tổng trấn bươn bả trở về nhà, hỏi rằng: “Ở nhà cơm nước có chín sẵn chưa hả?”.
– Thưa sẵn cả rồi.
Nghe vậy, quan Tổng trấn gọi tên bộ hạ thân tín, bảo rằng:
– Nầy con! Nội nhà không có ai chạy lẹ bằng con vậy con ráng hết tốc lực chạy theo cho kịp Ngài Đại đức, bạch Ngài cho con thỉnh cái bát, rồi ôm bát chạy bay trở về đây.
Quan Tổng trấn vừa dứt tiếng nói thì tên bộ hạ đã phát sải như giông, chạy lấy bát đem về tức khắc. Quan Tổng trấn đem phần cơm ăn của mình đặt vào đầy bát rồi trao cho tên bộ hạ: “Nầy con, con chạy ra cho mau dâng bát thực phẩm nầy lên Ngài Đại đức! Phần phước của sự cúng dường nầy, ông cho con hết đó”.
Tên bộ hạ nhận lãnh bát vật thực, lại vội vã chạy thật nhanh, đến dâng bát lên Đức Phật Độc Giác, rồi gieo năm vóc xuống đất, đảnh lễ Ngài xong, phát nguyện rằng: “Bạch Ngài, do phước báu đã chạy đi cấp tốc, chạy về cũng cấp tốc của tôi hôm nay, xin cho tôi làm chủ được năm vật thần hành thiên lý, đi được năm mươi, sáu mươi, một trăm và một trăm hai mươi do tuần mỗi ngày trong đời cận lai. Do sự nồng
nhiệt của thân tôi khi chạy đi chạy lại dưới ánh mặt trời gay gắt, xin cho tôi tái sanh lên cõi nào cũng được oai lực sáng chói như ánh mặt trời. Do nơi phước báu để bát của chủ tôi cho tôi, xin cho tôi chứng được phép mầu cũng như Ngài vậy”.
Đức Phật Bích Chi đáp: “Mong cho được như ý” và Ngài đọc bài kệ phúc chúc như sau:
“Icchitaṃ patthitaṃ tuyhaṃ,
Khippameva samijjhatu;
Sabbe pūrentu saṅkappā,
Cando paṇṇaraso yathā”.
“Icchitaṃ patthitaṃ tuyhaṃ,
Khippameva samijjhatu;
Sabbe pūrentu saṅkappā,
Maṇi joti raso yathā”.
“Cầu cho bao nhiêu phước đã ước nguyền,
Của thí chủ mau kết quả nhãn tiền.
Bao nhiêu tư duy đạt thành viên mãn,
Như tối rằm, trăng chiếu sáng khắp miền.
Cầu cho bao nhiêu phước đã ước nguyền,
Của thí chủ mau kết quả nhãn tiền.
Bao nhiêu tư duy đạt thành viên mãn,
Như ngọc Ma ni, như ý chơn truyền”.
Theo huyền thoại, hai bài kệ phúc chúc nầy đã có từ thời Đức Phật Bích Chi và được truyền tụng mãi đến ngày nay.
Trong bài kệ sau, thành ngữ Maṇijotiraso chỉ thứ ngọc Ma ni bảo châu, giúp cho sở hữu chủ có thể thành tựu tất cả mọi điều mong ước.
Tên bộ hạ của quan tổng trấn trong thời dĩ vãng, nay là Hoàng đế Caṇḍapajjota, do phước báu của tiền nghiệp đã kể, mà năm món vật thần hành phát sanh đến Hoàng đế vậy.
Một hôm, Hoàng đế xuất thành du ngoạn trong vườn thượng uyển. Vua Udena nghĩ: “Hôm nay, ta phải nhân lúc đại vương đi vắng mà tẩu thoát cho mau”. Vua tom góp vàng, bạc dồn đầy mỗi thứ trong một cái bao da thật lớn, chất lên lưng con voi cái Bhaddavatī, rồi cùng với Công chúa Vāsuladatta cỡi voi bôn đào.
Huỳnh môn quan trông thấy hai người chạy trốn, bèn tức tốc báo với Hoàng đế Caṇḍapajjota. Hoàng đế hạ lịnh cho tướng sĩ dẫn binh rượt theo truy nã, thấy đại quân đuổi gần theo phía sau. Vua Udena mở miệng bao đựng tiền vàng ra, ném rải xuống đất, quân sĩ đang chạy nhanh, bỗng dừng lại tranh nhau lượm cho hết tiền vàng, rồi mới lên ngựa rượt đuổi theo nữa. Vua Udena lại mở miệng cái bao đựng bạc, ném rải tứ tung theo đường, tướng sĩ mãi ham lo lượm bạc nên đình bộ lần thứ hai.
Nhờ vậy vua Udena với Công chúa Vāsuladatta chạy vượt qua khỏi biên giới về tới địa phận xứ Kosambi.
Đội quân đồn trú nơi biên ải, thấy vua Udena đã về, liền nhổ trại hộ tống Quốc vương trở lại kinh đô. Về đến nơi vua Udena giữ lời hứa tấn phong Công chúa Vāsuladatta làm thứ cung Hoàng hậu.
Ngoài hai bà chánh cung và thứ cung, Hoàng đế Udena còn có một người ái phi tên là Māgandiyā (Tam Địa), sau khi nàng tiến cung, được vua Udena phong làm Hoàng hậu thứ ba.
Nghe nói, nàng nầy người gốc Kuru, con dòng Bà la môn, cả cha và mẹ nàng cùng trùng một tên với bà là Māgandiyā. Bà có một người chú (Cūḷapitu) cũng tên là Māgandiyā.
Tiểu thư Māgandiyā có nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn, đẹp như là tiên nữ giáng trần, mặc dầu đã có nhiều bậc vương tôn công tử, con nhà quyền quý đến cầu hôn. Tiểu thư vẫn còn treo giá ngọc vì phụ thân nàng chưa kén được rể đồng sàng.
Ông nói ngay: “Các cậu không xứng với con gái ta”. Khiến cho bọn người rắp ranh bắn sẻ tỉu nghỉu rút lui, về sau không còn ai dám nuôi hi vọng được làm chồng của tiểu thư nữa.
Một bữa nọ, theo lệ thường vào lúc tinh sương, Đức Bổn Sư dùng tuệ nhãn quan sát thế gian, thấy ông Bà la môn Māgandiyā với vợ ông, đều có căn lành có thể đắc quả A Na Hàm trong ngày hôm ấy. Vì thế, Ngài tự mang y bát một mình ngự đến ngôi đền thờ thần lửa của ông Bà la môn ở ngoại ô thị trấn.
Ngắm nhìn tướng hảo quang minh siêu phàm tuyệt sắc của Đức Như Lai. Ông Bà la môn nghĩ thầm: “Trên đời nầy nhất định không có cậu trai nào khác có thể sánh cặp với cậu trai nầy. Cậu nầy thật xứng đôi vừa lứa với con gái ta, ta sẽ dắt con gái ta ra tại đây mà gả không cho cậu”.
Nghĩ vậy, ông Bà la môn kêu Đức Bổn Sư và nói:
– Nầy ông Sa môn! Lão có một đứa con gái mà lâu nay lão vẫn kén rể đồng sàng, nhưng chưa gặp cậu trai nào có thể sánh duyên cùng con gái lão, nay lão gặp ông nếu đem so ông với nó thì hai đàng thật là xứng đôi vừa lứa, sắc cầm hảo hiệp. Vậy ông hãy đứng đây chờ, lão về dắt con gái ra mà gả cho ông.
Đức Bổn Sư im lặng, không đáp lời chi cả, ông Bà la môn lật đật chạy về gọi bà vợ: “Bà ơi! Bà à! Ta đã gặp được chàng rể xứng đáng với nhà ta, bà lo trang điểm con gái lẹ lẹ lên đi”. Khi tiểu thư đã trang điểm tươm tất rồi, ông Bà la môn với vợ dắt con gái chạy ra kiếm Đức Bổn Sư. Khắp cả châu thành đều xôn xao náo động, dân chúng bàn tán rằng: “Ông lão nầy lúc trước rêu rao là không có ai xứng đáng với con gái của
lão và không chịu gả con cho ai hết cả. Bây giờ phát thinh nói: “Hôm nay lão đã gặp được người xứng với con gái lão. Để ta tới xem mắt chàng rể quý của ông lão xem ra sao?”.
Thế là, người nọ rủ người kia, họ ùn ùn chạy theo ông Bà la môn. Khi ông Bà la môn dắt con gái đến chỗ hẹn với Đức Bổn Sư, thì Ngài không còn đứng ở chỗ đó nữa, nhưng Ngài có lưu lại một dấu chân, trước khi sang qua đứng ở chỗ khác. Pháp Phật thật là kỳ diệu vô cùng, sau khi đã nguyện, chư Phật dậm chân lên tại chỗ nào thì ngay tại chỗ ấy có dấu bàn chân của Ngài in hình rõ rệt, còn ở những chỗ khác ngoài chỗ nguyện thì không thấy dấu vết chi cả. Vả lại, những dấu chân của chư Phật không ai có thể xóa nhòa, dầu cho người ấy có phép hô phong hoán vũ, đảo hải di sơn, khiến cho gió táp mưa sa, tượng dày thú đạp đi nữa để làm mất dấu Phật tích nầy cũng không thể được.
Khi ấy, bà Bà la môn hỏi chồng: “Chàng rể đâu?”.
– Cậu ấy mới vừa đứng đây, sao bây giờ đi đâu rồi?
Vừa nói, ông Bà la môn đưa mắt nhìn quanh, thấy dấu chân Đức Phật, ông bảo bà: “Đây dấu chân cậu ấy ràng ràng đây”.
Bà Bà la môn vốn là người thông suốt ba bộ kinh Phệ Đà (Veda), rành về khoa tướng số, nên lẩm nhẩm duyệt lại những bài kệ “thân tướng”, xem kỹ dấu chân Đức Phật, rồi quyết đoán rằng: “Nầy ông Bà la môn, dấu chân nầy không phải là của người phàm tục đâu!”.
Rồi bà đọc kệ rằng:
“Rattassa hi ukkuṭikaṃ padaṃ bhave,
Duṭṭhassa hoti sahasānupīḷitaṃ;
Mūḷhassa hoti avakaḍḍhitaṃ padanti,
Vivaṭṭachadassa idamīdisaṃ padanti”.
“Đầu chân túm người đầy tham dục,
Dấu lõm sâu phàm tục xấu xa,
Dấu kéo lê, tánh la cà,
Dấu nầy hiển lộ, quả là chánh tâm”.
Ông Bà la môn vội ngăn vợ: “Thôi thôi hãy dẹp mấy câu chú ngữ của bà đi, đừng có giở giọng thầy bói nói đui, hít tới hít lui, hít ra kẻ trộm nằm trên máng xối…”.
– Nầy ông Bà la môn! Ông muốn nói chi thì nói, chớ dấu chân nầy, theo tôi nhận biết, thì không phải của người đắm nhiễm ngũ trần.
Ông Bà la môn ngó quang quất, trông thấy Đức Bổn Sư thì kêu lên:
– Cậu ấy đây rồi.
Ông ta đi ngay đến chỗ Đức Phật và gọi: “Nầy ông Sa môn lão đem con gái lão ra mà gả không cho ông đây”.
Đức Bổn Sư không đáp ngay: “Ta cần hoặc ta không cần dùng con gái của ông”.
Ngài ôn tồn bảo rằng: “Nầy ông Bà la môn, để Như Lai kể lại cho ông nghe một câu chuyện”.
– Ông Sa môn kể đi.
Thế rồi, Đức Bổn Sư nhắc lại lộ trình hành đạo của Ngài, từ khi mới phát đại nguyện xuất gia cho tới khi cảm thắng Ma vương dưới cội Bồ Đề và kết luận: “Dưới gốc cây Bồ Đề, Như Lai đã vượt qua ngũ dục ấy rồi”.
Thấy chuyện trên đây chưa dứt được nỗi ưu phiền tuyệt vọng của ông Bà la môn, Đức Bổn Sư giảng thêm chuyện ba cô Ma nữ, con gái của Ma vương đã từng dùng kế mỹ nhân để cám dỗ Ngài một cách vô ích: “Khi ấy Như Lai cũng chẳng còn thèm nữa là”.
Nói rồi, Đức Bổn Sư ngâm kệ rằng:
“Disvāna taṇhaṃ aratiñca rāgaṃ,
Nā hosi chando api methunasmiṃ;
Kimevidaṃ muttakarīsapuṇṇaṃ,
Pādāpimaṃ samphusitaṃ na iccheti”.
“Khát vọng, tật đố, dục tình,
Đã từng bạo dạng trêu hình mà chơi.
Chán chường bướm lả ong lơi,
Xá chỉ phẩn uế đầy người thế a.
Chớ mong đây đó hiệp hòa,
Dầu đưa chân đụng cũng là chẳng ưng”.
Bài kệ vừa dứt, cả hai ông bà Bà la môn đều chứng đắc A Na Hàm quả, còn tiểu thư Māgandiyā bị chạm tự ái, nên sanh lòng thù hận mà buộc oan trái với Đức Bổn Sư: “Nếu Sa môn nầy không cần ta thì ông ta nên nói ngay là ông không cần ta mới phải. Sao ông lại miệt thị ta là phẩn uế đầy người với mức sang giàu trẻ đẹp như ta, nguyện sao ta đạt đến địa vị mẫu nghi thiên hạ, cao quý tột phẩm triều đình, để chừng
ấy ta sẽ liệu phương chước mà hạ nhục Sa môn Gotama nầy mới được”.
(Đức Bổn Sư biết hay không biết việc tiểu thư Māgandiyā kết buộc oan trái với Ngài vì bài kệ trên đây? Cố nhiên là Ngài biết chớ lẽ nào không, Ngài biết mà tại sao Ngài ngâm kệ ấy? Vì Ngài muốn tiếp độ cho hai người kia, bao giờ cũng vậy chư Phật chỉ thuyết pháp tế độ cho chúng sanh chứng đắc đạo quả mà thôi, chớ không phải để gây oan trái).
Ông Bà la môn Māgandiyā dắt tiểu thư đến gởi nhà chú út của tiểu thư là Cūḷa Māgandiyā, bảo bọc chu toàn. Rồi cả hai người đến xin xuất gia với Đức Bổn Sư và về sau đều đắc quả A La Hán.
Ông Cūḷa Māgandiyā sau khi nhận lãnh trách nhiệm thành toàn giai ngẫu cho tiểu thư Māgandiyā thì suy tính rằng:
– Cháu gái ta, nếu đem gả cho kẻ thấp hèn dân dã thì không xứng đáng. Chỉ có bậc vua chúa mới xứng với nó mà thôi.
Nghĩ rồi, ông bèn đưa cháu gái lên thành Kosambi, mua sắm đủ thứ thời trang lộng lẫy để tô điểm cho tiểu thư thêm mỹ lệ, dắt tiểu thư hiến nạp vua Udena và tâu rằng: “Muôn tâu Thánh thượng, bảo nữ (Itthīratana) nầy xứng với chúa thượng, hạ thần mong ân chúa thượng doãn nạp”.
Vua Udena thấy tiểu thư Māgandiyā quả là một trang quốc sắc thiên hương, bèn đem lòng sủng ái vua cấp cho năm trăm cung nữ theo hầu tiểu thư, phong cho tiểu thư làm Hoàng hậu thứ ba, được dự vào hàng mẫu nghi thiên hạ.
DỨT TÍCH TIỂU THƯ MĀGANDIYĀ
Thế là Quốc vương Udena có đến ba Hoàng hậu với tổng số một ngàn năm trăm cung nữ hầu hạ dưới trướng. Đồng thời trong thành Kosambi cũng có ba nhà Thiên hộ là Thiên hộ Ghosaka, Thiên hộ Kukkuṭa (Hùng Kê) và Thiên hộ Pāvārika (Hắc Y). Hằng năm cứ đến mùa mưa, thì có năm trăm vị đạo sĩ từ miền Tuyết Sơn về thành để kiết hạ an cư. Một hôm ba nhà Thiên hộ thấy các đạo sĩ đang đi khất thực thì
phát tâm thành tín, mời các đạo sĩ vào ngồi trong nhà, cúng dường vật thực xong, thỉnh cầu các vị ấy nhập hạ bốn tháng ở gần nhà mình; mãn hạn kỳ, ba nhà đại phú lại tiếp thỉnh các Ngài trở lại nhập hạ mùa sau, rồi mới tiễn đưa các vị ấy lên đường về núi.
Sau tám tháng hành đạo trong miền Tuyết Sơn, các đạo sĩ lại về thành an cư gần gần trú xứ của ba nhà Thiên hộ.
Từ đó trở đi, họ cứ luân lưu như thế mãi cho đến một kỳ hạ nọ, các đạo sĩ cũng quen lệ, rời miền tuyết giá, đi xuyên qua một khu rừng, thấy một cây đa to, họ đến ngồi xung quanh gốc cây ấy để nghỉ mệt. Vị đạo sĩ trưởng đoàn nghĩ thầm: “Vị thọ thần ngự trên cây nầy không phải là hạng tầm thường thấp kém đâu? Chắc hẳn là một vị Thiên vương có nhiều oai lực, ước gì Ngài ban cho cả đoàn đạo sĩ nước uống giải
khát”.
Quả nhiên, thọ thần ban cho họ nước giải khát, vị trưởng đoàn ước muốn có nước để tắm, thọ thần ban cho họ nước tắm. Đạo sĩ ước muốn có cơm ăn, thọ thần cũng cho họ cơm ăn. Kế đó đạo sĩ trưởng nói thầm: “Ta mong ước vật kia vật nọ. Thiên vương nầy đều ban cho tất cả, ước gì ta được giáp mặt Thiên vương”.
Thọ thần làm cho cây nứt đôi và hiện hình trong chỗ nứt ấy. Các đạo sĩ xúm nhau hỏi: “Tâu Thiên vương! Quyền lực của Ngài thật to tát, chẳng hay Ngài đã tạo nghiệp gì mà được hưởng phước nầy?”.
– Bạch xin các Ngài đừng tra hỏi tôi.
– Tâu Thiên vương! Xin Ngài hoan hỷ trả lời.
Hổ thẹn vì tiền nghiệp của mình quá nhỏ nhen, thọ thần không muốn phô trương ra, nhưng bị các đạo sĩ nài ép, yêu cầu mãi, thọ thần phải chiều theo: “Thôi vậy, xin các Ngài lắng nghe”.
Thế rồi, Thiên vương bắt đầu kể chuyện: Theo lời tự thuật, thọ thần kiếp trước là một người đàn ông nghèo khó, đi xin việc làm để kiếm ăn, may được ông Anāthapiṇḍika thu nhận, cho ở làm công, nhờ đó mà yên thân, tạm sống qua ngày. Một hôm nhằm ngày Bát quan trai, ông Anāthapiṇḍika đi chùa về, hỏi gia nhân:
“Có ai nói chú mới đến ở mướn biết: Hôm nay cả nhà ta giữ bát quan không?”.
– Dạ thưa ông chủ! Không có ai nói cả.
– Vậy thì hãy lo nấu nướng cơm chiều cho chú ấy nghe.
Vâng lịnh chủ, người nhà lo nấu cơm chiều, để dành phần cho chú mới đến ở. Chú ấy làm lụng cả ngày trong rừng, đến chiều mới trở về nhà, kêu lên: “Nấu cơm rồi thì dọn cho tôi ăn, tôi đói bụng quá”.
Gia nhân dọn cơm ra, nhưng chú ấy bỗng nhiên ngừng lại, chưa vội ăn: “Mọi bữa thì giờ nầy trong nhà rần rần, đầu nầy kêu cơm, đầu kia gọi canh, đầu nọ xin thêm đồ ăn, om sòm tở lở, bữa nay ai nấy đều nằm ngủ im lìm. Họ dọn cơm chỉ một mình ta ăn, có việc chi vậy cà?”.
Chú làm mướn quay lại hỏi gia nhân: “Bộ mấy người kia ăn cơm hết rồi phải không?”.
– Họ không ăn.
– Tại vì lý do gì vậy?
– Nhà nầy không có ai dùng cơm chiều trong những ngày Bát quan cả vì tất cả đều là những người thọ trì Bát giới. Cho đến trẻ con còn bú, phú Trưởng giả cũng bắt
cho súc miệng rồi cho ngậm kẹo bộ dầu (catumadhura) để làm người thọ trì Bát giới nữa. Tối đến, khi lũ trẻ nhỏ lớn gì đều đi ngủ rồi, người ta đốt đèn và hương trầm lên ngồi tham thiền đề mục ba mươi hai thể trược. Vì quên không nói cho chú biết bữa nay trong nhà giữ Bát quan trai, nên tôi phải ráng nấu cơm chiều cho chú ăn. Thôi chú cứ dùng cho no bữa đi.
Chú làm rừng nói: “Nếu bữa nay trong nhà giữ Bát quan trai thì tôi cũng xin giữ nữa”.
Gia nhân đáp: “Nếu muốn vậy phải bẩm cho ông chủ biết!”.
– Ồ! Anh hỏi giùm ông chủ coi.
Gia nhân đi hỏi ý kiến phú Trưởng giả, ông đáp: “Nếu bây giờ chú ấy chưa ăn, chú ấy súc miệng cho sạch rồi nguyện trọ trì Bát quan phần (uposathaṅgāni) thì chú sẽ được hưởng phước báu của nữa ngày Bát quan”.
Chú mới ở nghe vậy, bèn làm theo cách ấy, vì ráng nhịn đói sau một ngày làm lụng cực nhọc, chú ấy bị cảm gió đau bụng. Chú phải lấy một dây lưng thắt chặt ngang bụng, một tay đè giữ mối thắt, nằm úp sấp mà chịu.
Hay tin nầy, phú Trưởng giả sai gia nhân cầm đuốc và đem theo kẹo mật, bơ dầu đi với ông đến thăm người bịnh, ông hỏi: “Con đau làm sao?”.
– Con bị trúng gió, đau bụng.
– Không sao, con ráng ngồi dậy, lấy kẹo mật, bơ dầu nầy ngậm đi.
– Dạ, mà ông chủ cũng ngậm kẹo nầy chứ.
– Không vì ông không có bịnh, con có bịnh thì ngậm ấy kẹo mà ăn.
Chú ở không chịu ăn, đáp rằng:
– Dạ, thưa ông chủ, con đã trót lỡ không được thọ trì Bát quan trọn cả một ngày, thì bây giờ con nguyện giữ đừng cho đứt giới Bát quan phần trong nữa ngày còn lại.
– Con đừng làm vậy, không nên.
Dầu cho ông chủ nói gì thì nói, chú ở vẫn một mực từ chối và rồi chú ấy tắt thở vào lúc mặt trời mọc, bỏ xác nằm trơ như một đóa hoa tàn. Tâm thức của chú thọ sanh làm vị Thiên vương, ngự trên cây đa nầy đây. Sau khi kể hết tiền nghiệp của mình, thọ thần kết luận:
– Phú Trưởng giả Anāthapiṇḍika là người tín ngưỡng Đức Phật (Buddhamāmako), là người tín ngưỡng Đức Pháp, là người tín ngưỡng Đức Tăng.
Nhờ làm theo lời ông chủ biểu, thọ trì nữa ngày Bát quan trai, ta mới tạo được phước báu là nhân duyên sanh quyền lực của ta vậy.
Nghe đến tiếng Đức Phật (Buddho), năm trăm vị đạo sĩ đồng thời đứng lên, chắp tay yêu cầu Thiên vương hãy niệm Đức Phật ba lần cho chúng tôi niệm theo với. Tiếng niệm Đức Phật vang lên nghe như rung chuyển cả một góc trời. Các đạo sĩ bồi hồi cảm kích, buột miệng tự nhủ: “Tiếng niệm vang rền như vậy, cũng khó mà được nghe trong thế gian”. Đoạn họ thốt lời cảm tạ thọ thần: “Thiên vương ơi! Cái tiếng mà chưa từng nghe từ vô lượng kiếp, trăm ngàn đại kiếp, nhờ Thiên vương mà chúng tôi mới được nghe đây!”.
Khi ấy, các đạo sĩ đệ tử bạch cùng đạo sĩ trưởng:
– Vậy chúng ta đi tìm Đức Phật ngay bây giờ đi.
– Nầy các trò, từ lâu nay chúng ta đã nhờ ân ba nhà Thiên hộ giúp đỡ rất nhiều vậy mai nầy sau khi thọ thực tại nhà ba vị ấy, ta phải báo tin cho họ biết và từ giã họ.
Các trò hãy khoan, đừng vội đi gấp. Các đệ tử vâng lịnh thầy, đều ở nán lại. Ngày hôm sau, khi nhớ chừng hôm nay là ngày quý vị đạo sĩ của mình trở về, ba nhà Thiên hộ khiến gia nhân nấu cơm cháo, sắp (soạn) chỗ ngồi trước sẵn sàng, rồi ra đi nghinh tiếp các đạo sĩ, thỉnh vào ngồi trong nhà và cúng dường vật thực.
Sau bữa cơm, các đạo sĩ đứng dậy nói: “Chúng tôi xin cáo từ gia chủ để đi nơi khác”.
– Bạch các Ngài! Các Ngài đã nhận lời thỉnh cầu của chúng tôi, hứa ở đây nhập hạ bốn tháng mà sao các Ngài còn định đi nữa?
– Nghe rằng: Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng đã giáng thế, cho nên chúng tôi đi tìm gặp Đức Bổn Sư.
– Ngoài các Ngài ra, những người khác có thể tháp tùng với quý Ngài, đi đến gặp Đức Đạo Sư được chăng?
– Những người khác đi cũng được, không có chi trở ngại đâu đạo hữu.
– Bạch Ngài, nếu vậy xin các Ngài khoan đi, chờ sắp đặt hành trang, chúng tôi cùng đi nữa.
– Nếu chờ quý gia chủ sắp đặt hành trang thì sợ e trì hoãn lâu lắc mất nhiều thì giờ, thôi để bần đạo chúng tôi khởi hành đi trước, rồi quý gia chủ sẽ nối gót theo sau.
Nói rồi, đoạn đạo sĩ vội vã đăng trình đến gặp Đức Chánh Biến Tri, họ vội vàng quỳ xuống đảnh lễ Ngài rồi nép qua một bên. Khi ấy, Đức Bổn Sư thuyết thời pháp gọi là Tuần Tự Pháp Thoại (Anupubbīkathaṃ), nghe hết thời pháp, tất cả năm trăm đạo sĩ đều đắc A La Hán quả với Tuệ phân tích, nên ngỏ lời xin xuất gia. Đức Bổn Sư lại phán: “Lại đây, hỡi các Tỳ khưu”. Ngài vừa dứt lời, thì tự nhiên do thần thông của Ngài các vị sư mới liền được đắp y mang bát giống như các vị Đại đức hàng trăm tuổi hạ.
Sau các đạo sĩ, ba nhà triệu phú cùng nhau ra đi, mỗi người cùng mang theo năm trăm cỗ xe bò, chở đủ thứ thập vật đồ cúng dường như là vải, y phục, đường, mật, bơ, dầu… đến Đại Tự Jetavana, đi bộ vào chùa, đảnh lễ Đức Bổn Sư rồi ngồi nghe pháp. Nghe hết thời pháp, họ đắc chứng Tu Đà Hườn quả. Họ ở nán lại Jetavana độ nữa tháng để làm phước Trai Tăng ngày ngày được gần gũi Đức Bổn Sư. Khi muốn trở về Kosambi, ba nhà Thiên hộ đến đảnh lễ cáo từ Đức Bổn Sư và xin Ngài ngự sang xứ mình để hoằng dương chánh pháp, Đức Bổn Sư chuẩn nhận bằng lời dạy rằng:
– Nầy các gia chủ, chư Như Lai chỉ an cư tịnh lạc trong chỗ rừng xa, nhà vắng mà thôi.
Nghe vậy, ba nhà triệu phú đáp: “Bạch Ngài, chúng con hiểu rồi. Để chúng con lo liệu về sắp đặt chỗ nơi, xong rồi sẽ phái người sang thỉnh Ngài”.
Về đến Kosambi, ba nhà cự phú bèn xúc tiến công việc kiến thiết cảnh già lam (ārāma), Thiên hộ Ghosaka cất Ghositārāma (Lôi Âm Tự), Thiên hộ Kukkuṭa thì cất Kukkuṭārāma (Hùng Kê Tự), Thiên hộ Pāvarika thì cất Pāvarikārāma (Hắc Y Tự).
Xong rồi, họ phái người đi thỉnh Đức Bổn Sư. Khi nghe tin sai của ba nhà Thiên hộ đến cung thỉnh. Đức Bổn Sư liền ngự sang thành Kosambi.
Ba nhà cự phú ra khỏi thành nghinh tiếp Đức Bổn Sư, lần lượt thỉnh Ngài vào ngồi nơi chùa mới của mình và tuyên bố trong cuộc lễ: “Ngôi đạo tràng nầy, chúng tôi xin dâng đến tứ phương Tỳ khưu Tăng, có Đức Phật làm hội chủ”.
Sau cuộc lễ dâng chùa, ba nhà cự phú thay nhau hộ độ chư Tăng. Đức Bổn Sư mỗi ngày ngự trong mỗi một ngôi chùa, hễ ở chùa của vị nào thì Ngài trì bình đến trước cửa nhà vị ấy mà thọ bát. Thưở ấy có ông Sumana (Hảo Ý) là nhà chuyên môn làm tràng hoa để cung cấp cho ba nhà Thiên hộ. Một hôm, ông Sumana nói với ba vị thân chủ của mình rằng:
“Tôi là người phục vụ cho ông chủ đã lâu rồi, bây giờ tôi muốn để bát cúng dường Đức Bổn Sư, tôi phải nghỉ việc một ngày đặng lo sắp đặt sự cúng dường”.
– Nếu vậy, ngày mai chú để bát đi.
– Dạ vâng, thưa ông chủ.
Hôm sau, ông Sumana cung thỉnh Đức Bổn Sư đến nhà và cúng dường thực phẩm. Vào thời ấy vua Udena ban cho Hoàng hậu Sāmāvati mỗi ngày tám đồng vàng để mua hoa, số tiền đó thường được giao cho một thế nữ tên là Khujjuttarā đi lấy hoa ở nhà ông Sumana.
Ngày ấy, khi cô thế nữ lưng gù đến, ông Sumana nói: “À! Hôm nay tôi mới vừa thỉnh được Đức Bổn Sư, tôi phải để dành những thứ hoa đẹp quý thượng hạng mà cúng dường Ngài, cô ở đây phụ tiếp với tôi, một lát nữa nghe pháp xong rồi thì cô lấy số hoa còn lại mà đem đi”. Cô thế nữ đáp: “Dạ được”, rồi cô ở lại chờ. Sau khi để bát cúng dường chư Tỳ khưu Tăng có Đức Phật làm hội chủ xong, ông Sumana phát nguyện hồi hướng phước báu đến chư thiên và các bậc hữu ân đã quá vãng. Nhân đó, Đức Bổn Sư thuyết giảng về công đức hồi hướng phước báu.
Ngồi chăm chú theo dõi thời pháp của Đức Bổn Sư, cô Khujjuttarā chứng đắc quả vị Tu Đà Hườn. Cô gái lưng gù nầy trong những ngày khác thì cô chỉ mua có bốn đồng hoa mà thôi, còn bốn đồng thì cô ăn lời, nhưng trong ngày ấy cô mua đủ tám đồng hoa đem về. Thấy nhiều hoa, Hoàng hậu hỏi cô thể nữ:
– Nầy con! Có lẽ hôm nay đức vua tăng lên gấp đôi số tiền mua hoa cho ta phải chăng?
– Tâu Chánh Hậu, không phải.
– Không thì tại sao hôm nay nhiều hoa thế?
– Những ngày khác thì con ăn lời, cất bớt bốn đồng vàng, chỉ mua đem về có bốn đồng mà thôi.
– Bữa nay, sao con không ăn lời?
– Nhờ nghe thời pháp của Đức Bổn Sư con đã chứng ngộ được chánh pháp. Khi ấy, thay vì hăm he trách mắng cô thể nữ “Mi là con thị tỳ xấu xa, bấy lâu nay mi đã ăn cắp giữ bao nhiêu đồng vàng, thì mi phải trả hết lại cho ta”, Hoàng hậu lại phán bảo:
– Nầy con, con đã hữu duyên uống được nước nguồn bất tử vậy con hãy cho chúng ta uống với.
Cô Khujjuttarā đáp:
– Nếu vậy, xin cho con được tắm gội sạch sẽ đã.
Nghe vậy, Hoàng hậu cho các cung nữ lo tắm rửa cho cô thể nữ bằng mười sáu bầu nước thơm và ban cho cô hai cái y choàng bằng lụa thật tốt, cô lấy một cái để mặc một cái chô choàng lên phủ kín mình. Cô chỉ biểu cho cung nữ dọn một pháp tòa và đem đến cho cô một cây quạt.
Lên ngồi đàng hoàng trên pháp tọa, một tay cầm cây quạt tuyệt đẹp, cô Khujjuttarā mở lời kêu gọi năm trăm cung nữ và thuyết lại cho họ nghe y nguyên thời Pháp mà cô đã được nghe Đức Bổn Sư thuyết. Xong rồi, tất cả năm trăm cung nữ ấy đều đắc quả Tu Đà Hườn.
Tất cả đều đảnh lễ cô gái gù lưng và nói: “Chị ơi! Từ giờ trở đi xin chị đừng làm các công việc gì nặng nhọc nữa, xin chị giữ địa vị làm mẹ và bà giáo của chúng tôi. Chị cứ ở không để đi nghe pháp của Đức Bổn Sư để về cùng thuyết lại cho chúng tôi nghe với”.
Cô Khujjuttarā làm y như lời yêu cầu về sau trở thành một nữ Tam Tạng Pháp Sư.
Khi ấy, Đức Bổn Sư đặt cô lên hàng đệ tử ưu tú: “Nầy các Tỳ khưu! Cao minh nhất trong các nữ cận sự Thinh Văn về đệ nhất thuyết pháp là thể nữ Khujjuttarā nầy vậy”.
Năm trăm cô cung nữ yêu cầu cô thể nữ lưng gù:
– Chị ơi! Chúng tôi muốn bái kiến Đức Bổn Sư. Chị làm sao đưa giùm chúng tôi đến gặp Ngài để chúng tôi cúng dường hương hoa lễ vật đến Ngài.
– Thưa quý nàng! Thể thống của hoàng gia rất trọng đại, tôi không dám dắt đưa các nàng ra khỏi hoàng cung.
– Chị ơi! Đừng để chúng tôi mỏi mòn thất vọng, chị ráng làm cách nào giúp chúng tôi được bái kiến Đức Bổn Sư.
– Thôi thì các nàng, mỗi người trổ một lỗ trống trong vách phòng của mình, rộng vừa đủ để trông thấy rõ bên ngoài và cho người mang lễ vật, hương hoa để sẵn nơi đó, chờ khi Đức Bổn Sư đi ngang qua để đến cổng ba nhà Thiên hộ, thì các nàng lại chỗ lỗ trống của phòng mình mà nhìn xem, hay là giơ tay ra ngoài lễ bái và dâng cúng lễ vật.
Các phi tầng làm y theo như vậy, họ chờ Đức Bổn Sư đi ngang qua, lúc Ngài ngự đến hoặc lúc trở về để nhìn ngắm kim quang hoặc lễ bái, cúng dường tùy theo sở thích.
Bất ngờ, một hôm Thứ hậu Māgandiyā từ trong tư cung bước ra, trong khi thung thăng bách bộ, bà đi đến chỗ ngự của năm trăm nàng cung phi ấy. Trông thấy các lỗ trống trong vách cung phòng, Thứ hậu bèn hỏi: “Lỗ gì vậy?”. Các nàng cung nữ không biết việc Thứ hậu Māgandiyā ôm lòng thù hận, ngầm buộc oan trái với Đức Bổn Sư, nên tình thật đáp rằng: “Khi nào Đức Bổn Sư ngự vào thành, chúng tôi đứng đó mà lễ bái và dâng cúng lễ vật đến Ngài”.
Thứ hậu nghĩ thầm: “Sa môn Gotama vào thành lúc nầy, thật là dịp may ta lập cách tẩy thù, phục hận, rửa được cái nhục ngày xưa. Còn mấy con tiện tỳ nầy là bọn a dua, thị tùng của hắn, thì ta cũng sẽ làm cho biết tay”. Lập tâm như thế rồi, Thứ hậu Māgandiyā vào trào, mật tấu với vua Udena: “Tâu đại vương! Năm trăm cung nữ của Chánh hậu Sāmāvatī âm mưu tư thông với bên ngoài, dự bị hành thích đại vương trong vài ngày tới đây”.
Đức vua không tin đáp rằng: “Các cung nữ ấy không dám làm việc tày đình ấy đâu”. Mặc dầu Thứ hậu tâu đi tâu lại, đức vua cũng không lưu ý, thấy vu cáo đến ba lần mà đức vua cũng không tin lời mình, Thứ hậu bèn tâu rằng: “Nếu đại vương không tin, thì xin đại vương quang lâm đến chỗ ngụ của các cung nữ ấy mà quan sát thì sẽ rõ ngay gian”.
Đức vua ngự đến các cung phòng, trông thấy những lỗ trổ trong vách, phán hỏi lỗ gì đây vậy.
Sau khi nghe các cung nữ trình bày hợp lý, đức vua chẳng giận hờn trách mắng chi họ, mà còn cho lịnh đến lắp các lỗ trống lại và gắn cửa sổ mắt cáo (khuddacchiddakavātapānāni) vào vách của tất cả các cung nữ. Tương truyền rằng:
“Những cửa sổ mắt cáo có từ khi nầy vậy”.
Bị thất bại trong việc vu cáo các cung nữ, Thứ hậu Māgandiyā tự nghĩ: “Bây giờ ta phải đối phó với Sa môn Gotama trước đã!”.
Thứ hậu bèn vãi tiền ra mướn dân chúng trong thành: “Ai thấy Sa môn Gotama vào thành thì kéo hết kẻ ăn người làm trong gia đình ra mà mắng nhiếc, lăng mạ xua đuổi ông ta đi”. Bọn người tà kiến, không có đức tin nơi Tam Bảo, sau khi lớn tiếng mắng chửi, lăng mạ Ngài: “Ngươi là kẻ cướp, là kẻ ngu, là kẻ khùng, ngươi là con lạc đà, là con bò, là con lừa, ngươi là giống quỷ sứ, là giống súc sanh, ngươi sẽ không bao giờ được siêu sanh lên nhàn cảnh, ngươi nhất định sẽ sa vào ác đạo”. Bị xúc phạm bằng mười thứ thô ác ngữ như trên. Đại đức Ānanda bạch với Đức Bổn Sư: “Bạch Ngài, dân chúng miền nầy mắng nhiếc, lăng mạ ta. Vậy ta hãy đi qua nơi khác”.
– Đi đâu hở Ānanda?
– Bạch Ngài, ta đi qua thành khác.
– Nếu dân chúng ở đó mắng nhiếc ta thì ta sẽ đi đâu nữa hở Ānanda?
– Bạch Ngài! Thì ta sẽ bỏ đó mà đi qua thành khác nữa.
– Nầy Ānanda! Không nên làm như vậy, chỗ nào có sự khẩu thiệt (adhikaraṇa) phát sanh, thì ta phải lưu lại đó cho đến khi những tiếng thị phi lắng dịu hết rồi mới nên đi qua chỗ khác. Họ mắng nhiếc bằng những lời lẽ nào vậy Ānanda?
– Bạch Ngài, họ giăng đủ cả thập ác thô ngữ.
– Nầy Ānanda! Như Lai chẳng khác nào con tượng chúa khi lâm trận phải hứng chịu tất cả bao nhiêu mũi tên địch từ bốn phía bắn vào, cũng như nơi đây, dầu cho những kẻ không giới hạnh có thốt ra nhiều lời bất nhã như thế kia, Như Lai cũng vẫn nhẫn nhục chịu đựng được hết.
Nói rồi, Đức bổn Sư thuyết pháp, tự đề cập đến Ngài và kết thúc bằng ba bài kệ Pháp Cú sau đây, được ghi chép trong Phẩm Voi:
“Ahaṃ nāgo va saṅgāme,
Cāpāto patitaṃ saraṃ;
Ativākyaṃ titikkhissaṃ,
Dussīlo hi bahujjano”.
“Dantaṃ nayanti samitiṃ,
Dantaṃ rājābhirūhati;
Danto seṭṭho manussesu,
Yoti vākyaṃ titikkhati”.
“Varamassatarā dantā,
Ājānīyā ca sindhavā;
Kuñjarā ca mahānāgā,
Attadanto tato varanti”.
“Như voi xuất trận gan lì,
Hứng tên cung bắn vào bì chẳng nao.
Như Lai hứng chịu biết bao,
Những lời phỉ báng thấp cao tục tằn”.
“Thế gian lắm kẻ làm nhăn,
Phá hư giới hạnh thiện căn của mình.
Voi thuần được đến hội đình,
Voi thuần được chúa thích tình ngự du.
Cao hơn nhân loại người tu,
Nhịn lời phỉ báng phàm phu tục tằn”.
“Quý thay là giống la thuần!
Quý thay ngựa tuấn người hằng khéo nuôi!
Quý thay tượng chúa đàn voi!
Người tự điều chế hẳn hòi quý hơn”.
Sau khi thuyết giảng như thế, Đức Bổn Sư phán:
– Nầy Ānanda! Ngươi chớ nên tư lự, họ chỉ mắng nhiếc trong vòng bảy ngày mà thôi. Đến ngày thứ tám họ sẽ tự động im lặng ngay.
Quả nhiên đối với chư Phật, mọi sự khẩu thiệt chỉ tồn tại trong bảy ngày chớ không bao giờ kéo dài hơn nữa. Khi thấy mướn người mắng nhiếc, xua đuổi Đức Bổn Sư không kết quả, Thứ hậu Māgandiyā tự nghĩ: “Bây giờ ta sẽ làm gì đây? À lũ cung tần và Sāmāvatī là những kẻ
hậu thuẫn của Sa môn Gotama. Ta phải tiêu diệt lũ nó”. Một hôm nọ, Thứ hậu được chỉ định trông coi việc ngự thiện, làm quản đốc nơi
tòa ngự yến lâu (Rañño surāpānaṭṭhāna). Nhân cơ hội đó, Thứ hậu gởi mật thư cho chú mình như vậy: “Xin tin cho Quốc tượng rõ, con đang cần dùng gà trống, tám con sống và tám con chết. Quốc trượng nên mang gà đến ngự yến lâu, đứng túc trực nơi chân cầu thang và thông tin cho con biết tin Quốc trượng đến. Khi có lệnh truyền cho vào. Quốc trượng cũng đừng lên lầu, lần đầu tiên Quốc trượng gởi cho nội thị tám con gà trống còn sống và lần sau hãy gởi mấy con kia”.
Mặc khác, Thứ hậu đút lót vàng bạc mua chuộc viên quan hầu rượu của vua (Cūḷupatthāko) và căn dặn: “Khanh nhớ ráng làm đúng theo lời ta ủy thác nha”. Tiếp được mật thơ, Quốc trượng Cūḷa Māgandiyā thân hành đi vào hoàng cung, khiến nối thị thông báo cho đức vua biết. Quốc vương truyền lịnh cho vào. Quốc trượng thối thác với nội thị rằng: “Nơi Quốc vương yến ẩm, ta không dám lên”. Thứ hậu bèn phán bảo bồi yến quan: “Hiền khanh hãy xuống tiếp kiến Quốc trượng đi”. Quan bồi yến xuống lầu, được Quốc trượng gởi tám con gà trống còn sống đem lên dâng đức vua: “Tâu Quốc vương, đây là lễ vật của Quốc trượng hiến nạp”. Quốc vương rất đẹp ý, phán rằng: “Quý hóa thay! Được thêm món trân tu mỹ vị nầy cô gia không biết nên giao cho ai nấu nướng đây”. Thứ hậu Māgandiyā tâu: “Tâu đại vương, năm trăm cung phi do Chánh hậu Sāmāvatī chưởng quản hiện đang ở không, đi dông đi dài. Xin đại vương gởi món nầy đến bảo họ nấu nướng rồi mang lại đây”.
Quốc vương ra lịnh cho quan bồi yến:
– Khanh đem mấy con gà nầy đến giao tận tay các cung nữ, chớ đừng giao cho ai khác và tâu rằng: “Đức vua muốn quý lịnh bà tự tay mình làm thịt gà và nấu món ăn dâng lên đức vua”.
– Hạ thần xin tuân Thánh lịnh. Nói rồi, quan bồi yến ra đi, đến gặp các cung nữ và truyền lịnh vua. Các cung nữ từ chối, đáp rằng: “Chúng tôi giữ giới không dám sát sanh”.
Quan bồi yến trở về phục lịnh đức vua. Khi ấy Thứ hậu Māgandiyā tâu rằng:
– Tâu đại vương! Muốn biết thật các cung nữ nầy có giữ giới cấm sát sanh hay là họ chỉ mượn cớ thối thác, không tuân vương lịnh, thì xin đại vương thử phán bảo họ:
“Nấu xong thực phẩm đem dâng cúng dường Sa môn Gotama”, xem ra sao?
Quốc vương y tâu, lại sai viên quan hầu rượu ra đi một lần nữa. Bồi yến quan đem gà xuống lầu, giả cách như đem thẳng vào thâm cung, nhưng sự thật thì ông giao trả Quốc trượng tám con gà trống sống mà tráo lấy tám con gà trống chết, đem qua chánh cung, tâu với vương phi rằng: “Có lịnh vua khiến quý vương phi làm thịt mấy con gà nầy, nấu thành thực phẩm gởi đến cúng dường Đức Tôn Sư”.
Các cung nữ ra rước lấy mấy con gà chết và nói:
– Bây giờ, công việc nầy là phận sự của chúng tôi đây.
Thấy quan hầu rượu trở về phục lịnh, đức vua phán hỏi:
– Thế nào vậy khanh?
– Bồi yến quan tâu: “Muôn tâu chúa thượng, vừa nghe nói nấu để cúng dường Sa môn Gotama, thì các cung nữ liền chạy ra đón đường hạ thần và rước mấy con gà rồi”. Thấy vậy, Thứ hậu Māgandiyā liền tâu rằng:
– Đại vương hãy coi đó, có phải rõ ràng là các cung phi ấy chỉ có tâm xu hướng ngoại nhân chớ không có lòng tín ngưỡng đại vương chăng, thế mà đại vương còn chẳng tin lời thần thiếp.
Quốc vương làm thinh giữ vẻ trầm ngâm để cho Thứ hậu Māgandiyā tha hồ tâu rỗi. Thấy vậy, Thứ hậu nghĩ thầm: “Bây giờ, ta phải làm sao đây?”.
Thời ấy đức vua luân phiên ngự vào cung của ba bà Hoàng hậu Sāmāvatī, Vāsuladatta và Māgandiyā. Vua tuần tự lưu lại trong mỗi hậu cung bảy ngày đêm liền.
Sau khi hỏi vua để biết trước “Mai hay mốt đức vua sẽ ngự hành sang qua chánh cung”, Thứ hậu Māgandiyā sai một người thân tín đến dinh Quốc trượng Cūḷa Māgandiyā, để xin một con rắn độc đã nhổ hết mấy cái răng độc về cho mình cần dùng. Quốc trượng làm y như lời đứa cháu gái cưng.
Quốc vương Udena, mỗi khi thân hành ngự đến nơi nào cũng mang cây đàn điều tượng đem theo, thùng đàn có một lỗ nhỏ, Thứ hậu Māgandiyā lùa cho con độc xà chui qua lỗ ấy mà vào trong thùng đàn, đoạn lấy một chùm hoa nhét trám miệng lỗ. Đến ngày Quốc vương xuất hành, Thứ hậu giả vờ hỏi:
– Hôm nay đại vương ngự đến cung nào?
– Đến cung chánh hậu Sāmāvatī.
Nghe vậy, Thứ hậu can rằng: “Tâu đại vương! Đêm hôm quan thần thiếp nằm mộng, thấy một điềm bất thường là lịnh Thiên tử không nên ngự qua chánh cung được”.
– Trẫm nhất định qua đó.
Thứ hậu can ngăn đức vua đủ ba lần, rồi mới nói:
– Nếu đại vương quyết như thế, thì thần thiếp xin cùng đi với đại vương.
Nói rồi, Thứ hậu theo sát cánh Quốc vương, ra khỏi phạm vi đệ tam cung, Thứ hậu cũng không quay về, lại nói rằng:
– Tâu chúa thượng! Thần thiếp rất e ngại, không biết sắp xảy ra biến cố nào đây.
Khi Quốc vương ngự đến chánh cung, Hoàng hậu Sāmāvatī và đoàn cung nữ ra nghinh tiếp, khoác lên long thể những đồ trang điểm quý giá tràng hoa và hương trầm.
Đức vua cứ để nguyên các phục sức ấy mà ngự dụng các món thiện soạn (subhojanaṃ). Xong bữa rồi, đức vua ngự lên long sàng để an giấc, buông bỏ cây đàn kế bên đầu nằm.
Thứ hậu Māgandiyā giả vờ đi quan sát chỗ nọ, chỗ kia, rồi thừa lúc vắng người lén đến rút bỏ chùm hoa nhét trám cái lỗ trên thùng đàn.
Con rắn nằm yên trong thùng đàn hai ba ngày qua, liền theo lỗ trống bò ra ngoài, ngóc đầu lên phùng mang thở khem khem rồi trườn lên nằm trên long sàn. Thấy vậy, Māgandiyā kêu thét lên: “Chúa thượng ơi! Có con rắn!”. Rồi như ngây như dại, Thứ hậu mắng nhiếc cả Quốc vương, Chánh hậu cùng các cung nữ:
– Hôn quân bất hạnh, không nghe lời ta can gián. Lũ tiện tỳ nầy cũng vô phước vậy mà cũng học đòi chầu chực Quốc vương. Có lẽ chúng bây mong mỏi đức vua thăng hà để cho bây được sống an vui, nếu đức vua còn tại vị thì chúng bây sống chịu cực khổ phải không?
Chúa thượng ơi! Sáng nay thần thiếp đã thấy triệu bất thường, biết là Chúa thượng chẳng nên ngự đến cung của chánh hậu Sāmāvatī nầy. Thần thiếp đã hết lời can gián mà Chúa thượng chẳng tin nghe thần thiếp.
Nhìn thấy con rắn, Quốc vương kinh hoàng, nghĩ đến cái chết: “Mấy cung nữ nầy có thể làm cho trẫm thăng hà được lắm. Ôi! Thật trẫm quá
ngu khờ mới không tin lời Thứ hậu đã lắm lần chỉ rõ ác tâm của bọn họ cho trẫm thấy. Lần đầu tiên họ khoét lỗ vách cung phòng để ngồi ngó ra ngoài, lần kế đó họ trả mấy con gà trống của trẫm đưa đến cho họ làm thịt và bữa nay họ thả rắn lên long sàn trong lúc trẫm ngủ say”.
Nghĩ đến đây, Quốc vương phừng phừng nổi giận, nộ khí xung thiên. Chánh hậu Sāmāvatī điềm tĩnh bảo năm trăm cung nữ:
– Nầy các em. Chẳng có ai có thể che chở cho chị em mình hết. Vì các Thiên vương, Thiên hậu với chị em mình cũng ngang đồng bậc, chẳng khác chi nhau, các em cứ lo rải tâm từ đừng ái ngại chi hết.
Quốc vương lấy chiếc cung vàng có sức bắn đi mạnh gấp ngàn cây cung thường (sahassathāmasiṅgadhanu), cầm lên tay búng thử dây cung, lắp mũi tên có tẩm thuốc độc vào, rồi truyền lịnh bắt Chánh hậu Sāmāvatī đứng đầu, cả đoàn cung phi sắp hàng đứng nối theo sau. Đoạn Quốc vương nhắm ngay ngực Hoàng hậu Sāmāvatī bắn mũi tên ra.
Do mãnh lực từ tâm của Hoàng hậu, mũi tên quay đầu trở lại bay thẳng về phía Quốc vương, suýt đâm thủng tim Quốc vương mới dừng lại. Quốc vương giật mình, ngẫm nghĩ rằng: “Mũi tên của trẫm bắn ra, dầu cho gặp đá cứng nó cũng xuyên thủng đi qua, còn trên hư không nó đâu có đụng bá chỗ nào, sao tự nhiên nó quay đầu trở lại, chực bay xỉa vào tim của trẫm? Ôi! Rất đỗi là một mũi tên, là thứ đồ bắn bỏ, là giống vô tình, là vật vô sanh mà nó còn nhận thức được giới đức của Hoàng hậu, trẫm là giống con người mà sao trẫm thua vật vô tri”. Quốc vương ném phăng chiếc cung vàng xuống đất, chắp tay ngồi xổm bên chân Hoàng hậu Sāmāvatī rồi đọc kệ rằng:
“Sammuyhāmi pamuyhāmi,
Sabbā muyhanti me disā;
Sāmāvatī maṃ tāyassu,
Tvañca me saraṇaṃ bhavāti”.
“Trẫm quên, trẫm lạc mất đường,
Trẫm không còn nhớ hướng phương đi về.
Ô Nhi Ly hãy phá mê,
Cho trẫm nương tựa cận cề được chăng?”.
Nghe Quốc vương thốt ra những lời khiêm tốn, tự hạ mình như vậy, Chánh hậu không nói “Phải đó Chúa thượng, Chúa thượng hãy qui y với thần thiếp”. Nhưng Chánh hậu lại tâu rằng:
– Tâu đại vương! Hễ thần thiếp quy y với vị nào thì đại vương cũng nên quy y với vị đó.
Hoàng hậu bèn đọc bài kệ rằng:
“Idaṃ vatvā sāmāvatī,
Sammāsambuddhasāvikā;
Mā maṃ tvaṃ saraṇam gaccha,
Yamahaṃ saraṇam gatā.
Esa buddho mahārāja,
Esa buddho anuttaro;
Saraṇaṃ gaccha taṃ buddhaṃ,
Tvañcame saraṇaṃ bhavāti”.
“Ô Nhi Ly nữ Thinh Văn.
Của Đức Toàn Giác đáp rằng: Chúa ơi!
Chúa đừng quy ngưỡng theo tôi,
Hãy quy ngưỡng Phật đang ngồi từ bi.
Mà tôi cũng đã quy y,
Phật đó cao thượng không chi sánh bằng.
Phật đó, đại vương nhớ chăng?
Để tôi nương tựa hầu gần Đại vương”.
Đức vua Udena nghe dứt bài kệ của Hoàng hậu Sāmāvatī, bèn nói: “Bây giờ, trẫm càng hoang mang lo sợ hơn bao giờ hết”.
Đoạn vua lại ngâm kệ rằng:
“Esa bhiyyo pamuyhāmi,
Sabbā muyhanti me disā;
Sāmāvati maṃ tāyassu,
Tvañca me saraṇaṃ bhavāti”.
“Phật càng làm trẫm lạc đường,
Trẫm không còn nhớ hướng phương đi về;
Ô Nhi Ly hãy phá mê,
Cho trẫm nương tựa cận kề ái khanh”.
Dầu cho đức vua yêu cầu mấy lượt, Hoàng hậu cũng vẫn từ nan như trước.
– Thôi thì để trẫm quy y với Đức Bổn Sư và đồng thời trẫm ban cho ái khanh một ân huệ tùy ý ái khanh chọn lựa. Nghe vua chuẩn hứa, Chánh hậu đáp: “Tâu đại vương, thần thiếp vui lòng nhận lãnh ân huệ vua ban”.
Quốc vương Udena bèn đến chỗ Đức Bổn Sư đang ngự xin quy y với Ngài, rồi cung thỉnh Tỳ khưu Tăng quang lâm vào hoàng cung thọ thực, sau cuộc lễ Trai Tăng liên tiếp bảu ngày, quốc vương phán bảo Hoàng hậu Sāmāvatī: “Bây giờ ái khanh muốn được trẫm ân tứ vật gì, ái khanh cứ nói cho trẫm biết”.
– Tâu đại vương! Thần thiếp không cần dùng châu báu, bạc vàng chi cả. Thần thiếp chỉ xin chúa thượng ban cho ân huệ nầy là: Chúa thượng thỉnh Đức Bổn Sư với năm trăm Tỳ khưu hằng ngày vào hoàng cung để thần thiếp và các cung nhân được nghe thuyết pháp.
Quốc vương bèn đảnh lễ Đức Bổn Sư, rồi bạch rằng:
– Bạch Ngài! Trẫm xin cung thỉnh Ngài với năm trăm vị Tỳ khưu, hằng ngày vào thọ thực nơi đây để cho Chánh hậu cùng đoàn cung nhân được dịp đảnh lễ và thính pháp.
– Tâu đại vương! Đồng danh với chư Phật Như Lai, không nên đi mãi một chỗ nào vì đại chúng ở khắp nơi còn đang ngóng đợi Như Lai.
– Bạch Ngài! Nếu vậy xin Ngài biệt phái một Tỳ khưu đại diện cho Ngài.
Đức Bổn Sư bèn chỉ định Đại đức Ānanda. Từ đó về sau, mỗi ngày Đại đức Ānanda đều dắt năm trăm vị Tỳ khưu vào hoàng cung thọ thực, Chánh hậu cùng đoàn cung nhân vẫn chăm lo sớt bát cúng dường và nghe kinh, thính pháp đều đều không ngớt.
Một hôm, sau khi nghe dứt thời pháp do Đại dức Ānanda thuyết, đoàn cung nhân phát tâm thành tín hết sức trong sạch bèn dâng năm trăm lá y vai trái (Uttarasaṅgā) để cúng dường Pháp Bảo, thứ y nầy rất quý, mỗi lá trị giá đến năm trăm đồng vàng. Khi thấy các cung nhân không còn một lá y quý báu nào hết, Quốc vương phán hỏi:
– Những y vai trái của các ái khanh để đâu?
– Chúng tôi đã cúng dường Ngài Đại đức.
– Đại đức đã nhận hết cả ư?
– Tâu chúa thượng, Đại đức đã thu nhận hết cả.
Quốc vương đến đảnh lễ Đại đức Ānanda và phán hỏi về các cung nhân cúng dường năm trăm lá y Uất Đà La Tăng. Khi Đại đức xác nhận rằng: Các cung nhân có dúng dường và Đại đức có thọ lãnh số y ấy, Quốc vương bèn hỏi: “Bạch Ngài bấy nhiêu y đó há chăng phải là quá nhiều lắm sao? Vậy Ngài dùng làm gì cho hết?”.
– Tâu đại vương, ta chỉ thọ dùng vừa phải thôi, còn dư ra thì ta bố thí cho các vị mặc y cũ rách.
– Có y mới, các vị ấy sẽ dùng y cũ của mình làm gì?
– Họ sẽ bố thí cho những vị có y cũ rách hơn.
– Rồi các vị sau nầy sẽ làm gì với những y cũ rách của mình.
– Chư Tăng sẽ lấy làm tấm trải lót giường.
– Còn những tấm trải lót giường cũ , chư Tăng để làm gì?
– Chư Tăng sẽ lấy làm tấm trải lót dưới đất.
– Những tấm trải lót dưới đất cũ, chư Tăng để làm gì?
– Tâu đại vương! Chư Tăng dùng làm giẻ chùi chân.
– Giẻ chùi chân cũ, chư Tăng để làm gì?
– Chư Tăng xé nhỏ ra, quết cho nhuyễn rồi nhào lộn với đất sét để tô trên vách.
– Bạch Ngài, nếu chư Tăng làm như thế thì những vật cúng dường quý Ngài quả thật không uổng chút nào.
– Tâu đại vương phải.
Quốc vương phát khởi đức tin trong sạch, bèn hạ lịnh cho quân hầu mang thêm năm trăm lá y nữa đến cúng dường, đặt xuống bên chân Đại đức Ānanda.
Tương truyền rằng: “Mỗi khi có năm trăm lá y quý giá cúng dường thí chủ chia ra làm năm trăm phần, dâng đến bên chân của Đại đức và Đại đức thọ lãnh đủ năm trăm lần. Mỗi khi có một ngàn bộ y quý giá cúng dường, thí chủ chia ra làm một ngàn phần dâng đến bên chân Đại đức và Đại đức thọ lãnh đủ một ngàn lần. Nhưng y phát sanh đến Đại đức vô số kể, không chỉ có một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín,
mười hay một đôi chục đâu.
Theo truyền ngôn: Khi Đức Như Lai Níp Bàn rồi, Đại đức đi vân du ta bà khắp cõi Diêm Phù Đề, đến chùa nào Đại đức cũng bố thí những y bát của mình cho tất cả Tỳ khưu trong chùa ấy.
Thử hỏi: Đại đức nhờ tạo nghiệp gì trong quá khứ mà trong kiếp nầy có được y phát sanh dồi dào như thế?
Tương truyền rằng: Xưa kia trong một kiếp làm thợ dệt Đại đức có cúng dường một cây kim và một nắm vải vụn đến một vị Phật Độc Giác. Nhờ quả phước của sự cúng dường cây kim kiếp nầy Đại đức có được Trí Bát Nhã (Mahāpañño), nhờ quả phước của sự cúng dường vải vụn, kiếp nầy Đại đức mới có nhiều y như thế.
Nói về Thứ hậu Māgandiyā từ khi thất bại trong các việc vu cáo, thấy Chánh hậu cùng đoàn cung nhân, chẳng những đã không bị thiệt hại mà còn được Quốc vương trọng dụng thì càng đem lòng căm tức. Thứ hậu nghĩ thầm: “Cơ mưu của ta sắp đặt đều sai lạc hết, thật là hoài công vô ích, bây giờ ta phải tính sao đây? À ta còn một cách nầy”.
Chờ lúc Quốc vương xuất thành, ngự đi du ngoạn, Thứ hậu thảo bức mật thư gởi cho chú mình: “Quốc trượng mau đến cung của Sāmāvatī, mở cửa kho chứa vải và kho chứa dầu, rồi đem quấn vòng hết mấy cây cột, nhốt chung tất cả cung nhân vào một chỗ, khóa kín cửa cung phòng, bên ngoài cho một nhóm thợ máy, sắp đặt hỏa tiễn phóng vào, chừng lửa bốc cháy cung phòng, Quốc trượng lánh mặt đi”.
Cūḷa Māgandiyā lập tức trèo lên cung điện của Chánh hậu, mở cửa các kho lấy vải nhúng vào dầu, rồi đêm quấn vòng các cây cột. Khi ấy, Chánh hậu Sāmavatī cùng đoàn cung nhân xúm nhau đến hỏi: “Quốc trượng làm chi đó vậy?”.
– Tâu Chánh hậu, Quốc vương hạ lịnh phải quấn vải dầu vào hết mấy cây cột nầy. Lịnh của vua ra thì thần chỉ biết tuân theo chứ không dám bàn cải chi cả. Xin quý lịnh bà đừng đến gần các cây cột nầy.
Kế đó Quốc trượng lùa hết cung nhân nhốt vào trong cung thất, khóa trái cửa lại, bên ngoài cho quân đốt lửa, dùng máy phóng hỏa, bắn xả vào các cung phòng, lửa cháy bốc lên ngùn ngụt. Thấy vậy, Chánh hậu Sāmāvatī ban huấn từ phủ dụ các cung phi: “Chị em chúng ta đã từng là những kẻ phiêu bạt lang thang trong vòng luân hồi sanh tử từ đời vô thủy cho đến nay, dầu cho ngọn lửa hồng như thế kia có thiêu rụi
thân xác chúng ta trong một kiếp nầy cũng không thể nào chúng ta cắt đứt cái vòng tái sanh lẩn quẩn và chứng đắc Tuệ giác chư phật. Vậy chị em chúng ta hãy ráng chuyên cần chớ khá dể duôi”.
Thế rồi, trong tòa hậu cung bừng bừng lửa cháy dậy trời, Hoàng hậu Sāmāvatī cùng với các cung phi lấy sự thọ khổ làm đề mục tham phiền, gia công chuyên chú niệm, nên người đắc Nhị quả, người đắc Tam quả trong lúc lâm chung. Hay tin hỏa hoạn thiêu rụi cánh cung, có nhiều Tỳ khưu sau bữa Trai Tăng, hoặc đi khất thực rồi trở về đến chỗ ngự của Đức Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi nép qua một bên.
Khi đã ngồi yên, chư Tỳ khưu bạch cùng Đức Thế Tôn: “Bạch Ngài! Hôm nay trong lúc Quốc vương Udena xuất ngoại ngự du, lửa cháy hậu cung, cả đoàn năm trăm vương phi có Sāmāvatī là Chánh hậu đều thiệt mạng. Bạch Ngài, các cung phi ấy đều là tín nữ, chẳng hay họ sẽ được chuyển kiếp, siêu sanh về cảnh giới nào?”.
– Nầy các Tỳ khưu! Trong nhóm cận sự nữ ấy có người đắc Tu Đà Hườn, có người đắc Tư Đà Hàm, có người đắc A Na Hàm. Nầy các Tỳ khưu, tất cả các cận sự nữ ấy đều đắc Thánh quả, không còn ai là phàm phu trong lúc lâm chung cả.
Khi ấy, nhận xét cái chết vì hỏa tai của đoàn cung phi và Chánh hậu không ngoài định lý nhân quả. Đức Thế Tôn cảm khái ngâm bài kệ sau đây:
“Mohasambandhano loko,
Bhabbarūpova dissati;
Upadhibandhano bālo,
Tamasā parivārito;
Sassatī viya khāyati,
assato natthi kiñcananti”.
“Thế gian liên kết bởi vô minh,
Chỉ thấy nhãn tiền cảnh sắc thinh,
Kẻ dại đắm chìm trong biển tối,
Vì mang thủ chấp buộc theo mình,
Cho rằng thế giới lưu tồn mãi,
Người thấy không gì thoát tử sinh”.
Sau bài kệ, Đức Thế Tôn thuyết luôn một thời pháp tóm tắt như vậy: “Nầy các Tỳ khưu! Tất cả chúng sanh khi còn lang thang trong vòng luân hồi, nếu có chuyên cần mãi mãi thì tạo được phước nghiệp luôn luôn, còn nếu lúc nào dể duôi thì lúc ấy cũng tạo gây ác nghiệp vậy, bởi thế cho nên chúng sanh khi thì thọ vui, khi thì thọ khổ đều do tiền nghiệp của mình trong kiếp nầy hoặc kiếp xa xưa!”.
Quốc vương Udena đang ngự du, nghe tin phi báo cung điện của Chánh hậu Sāmāvatī phát hỏa, bèn cấp tốc hồi loan để dốc thúc việc cứu chữa. Quốc vương ngự về đến nơi thì đã muộn. Tòa chánh cung đã bị hỏa thiêu, chỉ còn trơ lại những đống tro tàn.
Lòng buồn rười rượi, Quốc vương ngồi phịch trên chiếc cẩm đôn, quần thần xúm nhau khuyên giải, Quốc vương vẫn lặng thinh. Càng tưởng nhớ đến ân đức của người quá cố, Quốc vương càng thêm ảo não, tự hỏi: “Kẻ nào ác tâm gây ra cảnh chia lìa tang tóc nầy đây? Chắc có lẽ Thứ hậu Māgandiyā chớ không phải ai đâu xa lạ”. Tuy hiểu biết như thế, nhưng Quốc vương lại nghĩ thầm: “Nếu dùng biện pháp hăm he, tra
tấn, sợ e Thứ hậu không chịu khai ngay, trẫm phải dùng mẹo mà tra hỏi một cách êm thấm mới mong tìm ra manh mối được”. Nghĩ rồi, Quốc vương đổi buồn làm vui, phán bảo các quan cận thần tư vấn rằng: “Chư hiền khanh, lúc trước trẫm ăn ngủ không yên, ngày đêm cứ phập phồng lo sợ vì trẫm nghĩ: Sāmāvatī đang rình rập mong chờ cơ hội để ra tay hành thích trẫm. Bây giờ Sāmāvatī thác rồi, trẫm mới vững dạ
yên lòng, toại hưởng một đời hạnh phúc”.
– Tâu chúa thượng việc nầy do kẻ nào gây ra vậy.
– Chắc là do một người nào đó có lòng yêu mến trẫm.
Thứ hậu Māgandiyā đứng gần đó nghe Quốc vương đáp lời như vậy, thì vội vã tâu rằng:
– Tâu Chúa thượng việc nầy do tay thần thiếp gây nên, chớ ngoài thần thiếp ra không ai có thể làm được. Thần thiếp đã triệu Quốc trượng vào cung và ra lịnh cho Quốc trượng thi hành việc ấy.
Quốc vương phán: “Trừ ái Hậu ra, trẫm không còn ai thật lòng yêu quý trẫm. Ái hậu ơi! Trẫm phát tâm trong sạch muốn ban bố cho ái hậu một ân huệ. Vậy ái khanh hãy triệu của gia nhân quyến thuộc của ái hậu vào đây”. Thứ hậu bèn gởi thư kêu gọi thân nhân: “Đức vua phát tâm trong sạch đối với ta, Ngài sẽ ban bố ân huệ, tất cả bà con hãy đến cho mau”. Những gia nhân của Thứ hậu Māgandiyā lũ lượt kéo nhau vào hoàng cung đều được Quốc vương ban thưởng rất trọng hậu. Thấy vậy, nhiều người không phải khuyến thuộc của Thứ hậu cũng ráng lo lót để được chứng nhận là: “Gia nhân của Māgandiyā để vào cung lãnh thưởng”.
Sau khi đã kiểm kê gia nhân của Thứ hậu Māgandiyā, Quốc vương ra lịnh bắt hết những người ấy trói lại, dẫn họ ra chỗ sân ngự, xô họ xuống ngồi dưới những hố cá nhân đã đào sẵn, rồi lấp đất lại, rải rơm lên trên và châm lửa đốt. Khi lửa bén cháy da tội nhân, Quốc vương truyền lịnh lấy cây sắt cày qua cày lại nhiều lượt để phân thây họ ra từng mảnh. Còn Thứ hậu Māgandiyā cũng bị Quốc vương ra lịnh lấy dao bén lóc hết những mảng thịt nạc trong người của Thứ hậu bỏ vào chảo dầu sôi, chiên chín như bánh cam, rồi bắt Thứ hậu phải ăn.
Một hôm, trong phòng pháp hội, nhân khi nhắc đến vụ hỏa thiêu hậu cung, chư Tăng đồng kết luận rằng: “Nầy các đạo hữu, thật là không hợp lý khi những tín nữ có những đức tin trong sạch như thế, sao lại phải hứng chịu cái chết thê thảm như thế?”. Đức Thế Tôn ngự đến phán hỏi: “Nầy các Tỳ khưu các ông ngồi thảo luận việc chi đó?”.
– Bạch Ngài, như thế… như thế…
Nghe chư Tăng đáp xong, Đức Bổn Sư dạy rằng:
– Nầy các Tỳ khưu! Trong kiếp nầy đoàn cung nhân có Sāmāvatī là Chánh hậu tử nạn như thế là vì họ trả quả của nghiệp tiền khiên, chớ không có chi lạ.
– Bạch Ngài! Xin Ngài từ bi hoan hỷ giải rõ tiền nghiệp của họ cho chúng con được biết.
Nghe chư Tăng yêu cầu, Đức Thế Tôn bèn nhắc lại tích xưa:
Thời quá khứ, dưới triều đại của Quốc vương Brahmadatta, có tám vị Phật Độc Giác đóng đô tại thành Bārāṇasī, hằng ngày ngự đến thọ thực trong vương cung, năm trăm cung nữ lo việc hộ độ chư Phật.
Khi bảy vị Phật ngự về núi Hy Mã (Himavanta), còn một vị ở lại đang ngồi nhập đại định trong một đám cỏ rậm gần bên bờ sông.
Một hôm, nhân thấy chư Phật đi vắng, Quốc vương dắt đoàn cung nữ xuống sông để bơi lội. Các cung nữ ham vui đắm mình dưới nước cả ngày, đến khi lên bờ họ cảm thấy lạnh run, nên muốn nhóm lửa để hơ cho ấm.
“Chúng ta đi kiếm lửa nhúm”, nói rồi họ kéo nhau đi tìm chỗ nọ, chỗ kia, đưa mắt lục soát tứ phía. Trông thấy đám cỏ rậm rạp tưởng là đám cỏ không họ bèn châm lửa đốt rồi đứng xúm xít quanh để hơ. Khi đáp cỏ cháy rạp xuống, các cung nữ mới thấy Đức Phật Độc Giác ngồi yên trong đám lửa. Họ hoảng sợ kêu bảo nhau: “Thôi chết rồi, chết mình rồi chị em ơi. Đức Phật Độc Giác của Quốc vương mà chết cháy,
Quốc vương hay được thì chị em mình chắc không toàn tánh mạng. Bây giờ đã trót lỡ như thế, chúng ta phải thiêu Ngài luôn cho mất tích”.
Thế là, cả đoàn năm trăm cung nữ rối rít chạy túa ra đi, quơ củi khô gom lại, chất thành một đống cao lớn. Họ châm lửa đốt củi rồi bỏ đi, yên chí là lần này chắc Ngài sẽ cháy tiêu mất xác.
(Các cung nữ ấy ban đầu không có tác ý, nhưng bây giờ thì họ cố ý vì lẽ đó họ phải mắc nghiệp quả về sau).
Tuy nhiên, dầu họ có gom cả trăm cả ngàn khúc củi chất đống rồi đốt cháy bừng lên, họ cũng không làm cho Đức Phật Độc Giác đang nhập đại định phải bị tác hại hay nóng nảy một chút nào. Bởi vậy, đến ngày thứ bảy, Đức Phật Độc Giác xuất định ra đi bình yên vô sự. Do ác nghiệp đã tạo, các cung nữ bị sa vào hỏa ngục, bị lửa thiêu trong nhiều trăm ngàn năm, do quả còn dư, khi tái sanh lên làm người, họ còn bị chết cháy cả trăm kiếp và kiếp chót nầy họ bị hỏa thiêu trong tòa hậu cung như thế. Đó là do tiền nghiệp của họ vậy.
Nghe dứt tích nầy, chư Tăng hỏi Đức Bổn Sư:
– Bạch Ngài! Còn cô Khujjutarā do ác nghiệp gì mà cô bị tật gù lưng, do thân nghiệp gì mà cô có trí tuệ đại Bát nhã, do phước nghiệp gì cô chứng quả vị Tu Đà Hườn và do ác nghiệp gì cô phải chịu làm nô tỳ cho người khác?
– Nầy các Tỳ khưu! Cũng dưới triều đại của Quốc vương Brahmadatta đó, ở tại thành Bārāṇasī, có một vị Phật Độc Giác có tật hơi gù lưng.
Khi ấy có người nữ là người phục dịch cho Đức Phật. Lấy các mền nỉ làm y trùm, lại lấy cái chén chum làm bát (bằng vàng), giả cách gù lưng nhái theo Đức Phật Độc Giác cho mọi người coi chơi và nói: “Đức Phật Độc Giác của chúng ta có tướng đi như vầy, như vầy…”. Do quả nghiệp của ác hành ấy mà cô Khujjuttarā phải mang tật gù lưng.
Khi chư Phật vào vương cung thọ thực lần đầu tiên, Quốc vương thỉnh các Ngài an tọa xong, cho người thỉnh bát không của các Ngài, đơm đầy cơm trắng rồi đem dâng trở lại, cơm nóng quá khiến chư Phật phải trở tay liền liền.
Thấy vậy, cô phục dịch lấy tám chiếc vòng tay bằng ngà của mình đem dâng chư Phật và bạch: “Xin các Ngài để bát lên trên cái vòng nầy mà bưng”. Chư Phật lấy vòng ngà lót kê đít bát rồi nhìn cô cung nữ. Cô hiểu ý chư Phật nên bạch: “Bạch các Ngài, chúng con không cần dùng những chiếc vòng ấy, xin dâng đứt luôn đến các Ngài, các Ngài cứ nhận lấy đi”.
Chư Phật Độc Giác nhận lãnh các vòng tay ngà ngự luôn về núi Nandamūlaka, cho tới ngày nay, những chiếc vòng ngà ấy vẫn còn nguyên vẹn.
Do thiện nghiệp ấy, bây giờ cô Khujjutarā có trí đại Bát nhã, thông suốt Tam tạng và do phước báu của sự phục dịch chư Phật Độc Giác cô chứng đắc Tu Đà Hườn.
Trên đây là tiền nghiệp của cô Khujjuttarā có trí đại Bát nhã (Mahāpañño) thông suốt Tam tạng và do phước báu phục dịch chư Phật Độc Giác cô ta chứng đắc Tu Đà Hườn.
Còn đây là tiền nghiệp của nàng Khujjuttarā trong thời kỳ không có Đức Phật Độc Giác.
Đến thời Đức Phật Tổ Kassapa (Ca Diếp), cô là một tiểu thư của ông Trưởng giả thành Bārāṇasī. Một buổi chiều kia cô cang ngồi soi kiếng để tự trang điểm. Khi ấy, có một Tỳ khưu Ni là bậc Lậu Tận (A La Hán) quen thân với tiểu thư đến nhà để thăm (các Tỳ khưu Ni A La Hán thường hay đến viếng thăm những gia đình hộ độ mình vào buổi xế chiều). Ngay phút ấy, cô không có tớ gái nào đứng hầu gần đó để làm tay sai cho cô tiểu thơ cả.
Khi ấy vị Tỳ khưu Ni đến, tiểu thư nói: “Con xin đảnh lễ Sư cô, Xin Sư cô hoan hỷ trao giùm cái hộp nữ trang qua cho con”.
Sư cô nghĩ thầm: “Nếu ta không lấy cái hộp nầy trao qua cho tiểu thơ thì cô ấy sẽ buộc oan trái với ta và rồi về sau cô ta sẽ đi địa ngục, còn nếu ta làm theo lời cô thì cô sẽ làm tôi tớ trong đời vị lai. Thà để cô phải làm tôi tớ cho người, còn hơn là để cô phải chịu thiêu đốt trong cảnh địa ngục”.
Quán xét thấy rõ nguyên nhân như thế vị Tỳ khưu Ni Lậu Tận bèn lấy cái hộp đồ nữ trang trao qua cho cô tiểu thư. Do tiền nghiệp đã sai khiến một vị A La Hán mà cô Khujjuttarā phải mang kiếp làm kẻ tôi đòi vậy.
Qua ngày sau, chư Tăng lại nhóm trong phòng pháp hội, câu hỏi sau đây được nêu lên: “Một nhóm năm trăm phụ nữ có nàng Sāmāvatī đứng đầu bị hỏa thiêu trong tòa hậu cung, một nhóm nữa gồm có quyến thuộc của bà Māgandiyā bị ủ rơm đốt cháy, rồi bị cày sắt phun thây. Bà Māgandiyā bị lóc xẻo thịt chiên trong chảo dầu. Trong số người trên đây, những ai đáng gọi là còn sống, những ai đáng gọi là đã chết?”.
Đức Bổn Sư ngự vào phòng nhóm phán hỏi chư Tăng: “Nầy các Tỳ khưu! Các thầy đang thảo luận việc chi đây?”.
– Bạch Ngài! Việc như vậy, như vậy…
Nghe chư Tăng đáp xong, Đức Thế Tôn phán bảo rằng: “Nầy các Tỳ khưu những kẻ giải đãi biếng nhác, dầu cho còn sống một trăm năm nữa, cũng đáng gọi là đã chết. Những người chuyên cần tinh tấn, dầu cho chết rồi cũng vẫn như còn sống y nhiên. Cho nên Māgandiyā sống cũng vậy, chết rồi cũng vậy, đều đáng gọi là tử vong, còn năm trăm cung nữ có Sāmāvatī đứng đầu tuy đã chết nhưng cũng đáng gọi là đang
còn sống. Quả thật, nầy các Tỳ khưu những người chuyên cần không đời nào chết đi”.
Nói rồi, Đức Thế Tôn ngâm liên tiếp ba bài kệ:
“Appamādo amataṃ padaṃ,
Pamādo maccuno padaṃ;
Appamattā na mīyanti,
Ye pamattā yathā matā”.
“Etaṃ visesato ñatvā,
Appamādamhi paṇḍitā;
Appamāde pamodanti,
Ariyānaṃ gocare ratā”.
“Te jhāyino sātatikā,
Niccaṃ daḷhaparakkamā;
Phusanti dhīrā nibbānaṃ,
Yogakkhemaṃ anuttaranti”.
“Chuyên cần là lộ trường tồn,
Buông lung là lộ đưa hồn âm cung.
Người cần chuyên sống vô cùng,
Kẻ buông lung sống, lâm chung khác nào.
Hiền nhân biết rõ thấp cao,
Cần chuyên thủ phận dám nào buông lung.
Cần chuyên ngày tháng thung dung,
An vui tự tại sánh cùng Thánh nhân,
Nhờ tu thiền định tinh cần,
Ngày đêm tinh tấn, trí nhân siêu phàm,
Chứng ngay vô thượng Níp Bàn,
Não phiền giũ sạch, tịnh an cõi lòng”.
CHÚ GIẢI:
Appamādo: Sự chuyên cần, không buông lung. Trong câu kệ nầy, Đức Thế Tôn nêu rõ sự lợi ích lớn lao mà người tu tập chuyên cần hằng đạt được và một khi đạt được sự lợi ích lớn lao (tức là Níp Bàn) ấy rồi, hành giả hằng trú vững trong đó. Quả thật dầu cho ai có dầy công học hết Phật ngôn trong toàn bộ Tam tạng, rồi đem ra thuyết giảng cũng không được sự lợi ích bằng người chuyên cần tu tập, bởi thế Đức Phật có dạy rằng: “Nầy các Tỳ khưu! Ví như ta đem dấu chân voi mà so sánh với bất cứ dấu chân nào khác của các giống thú rừng, thì ta thấy dấu chân voi bao giờ cũng to lớn vượt bậc, lấn át tất cả các dấu khác.
Cũng như thế! Nầy các Tỳ khưu, nếu ta đem pháp chuyên cần mà so sánh với bất cứ những thiện pháp nào chẳng hạn thì bao giờ chuyên cần (appamādo) cũng có sự lợi ích to lớn vượt bậc, lớn hơn những thiện pháp khác. Người mà không xa lìa pháp ghi nhớ đến sự lợi ích ấy, có tâm thường trú trong chánh niệm, gọi là người chuyên cần vậy.
Amataṃ padaṃ (Con đường bất tử): Đức Thế Tôn dùng danh từ bất tử (amataṃ) để ám chỉ Níp Bàn là cõi Vô sanh (Ajatatta) vì nơi đó không có sự sống, chết cho nên gọi là cõi bất tử. Đức Thế Tôn gọi là con đường bất tử (amataṃ padaṃ). Pamādo (Giải đãi): Là sự lười biếng, sự phóng dật, sự buông lung dể duôi, tiếng nầy chỉ trạng thái của người bỏ mất pháp ghi nhớ, thường hay quên, mà ta quen gọi là lãng trí (muṭṭhāsacca).
Maccuno padaṃ (Lộ suy vong): Maccu là cõi chết, chỗ tử vong, padaṃ là con đường lối đi, đạo lộ.
Quả nhiên giải đãi (Pamatto) không vượt qua khỏi biển luân hồi, chỉ lẩn quẩn trong vòng sanh tử, sanh ra để mà chết mãi vậy thôi.
Con đường đưa kẻ giải đãi đến chỗ suy vong gọi là lộ suy vong (maccuno padaṃ).
Appamattā (Những người chuyên cần): Tức là những người có chánh niệm, luôn luôn có đầy đủ pháp ghi nhớ đến điều lợi ích lớn lao.
Na mīyanti (Chẳng biết): Ta chẳng nên nghĩ tưởng là họ chẳng già, không chết vì thật ra chẳng có chúng sanh nào không già, không chết cả. Những người dể duôi thì bất chấp thiện ác, hành động của họ vô giới hạn, họ không có lý tưởng chánh kiến, cho nên họ không thoát khỏi con đường sanh tử triền miên. Dầu họ đang còn sống thì cũng kể như họ đã chết rồi vậy. Còn những người chuyên cần, gia công nỗ lực, chứng
đắc đạo quả một cách mau chóng, thì khỏi phải tái sanh kiếp thứ nhì thứ ba… Cho nên dầu họ đang còn sống hay đã chết cũng đáng gọi là chẳng chết vậy.
Ye pamattā yathā matā (Những kẻ biếng như đã chết): Những chúng sanh nào lười biếng, giải đãi thì sống cũng như không, ta có thể xem họ như đã chết vì lười, cũng như xác chết vì đã đứt mạng căn, như khúc củi mục, không có tâm thức, nếu là người tại gia họ chẳng hề khi nào có ý nghĩ khắc kỷ lợi tha, chẳng hạn như: “Ta sẽ bố thí vợ con, ta sẽ thọ trì Ngũ giới, Bát quan trai giới…”.
Nếu là người xuất gia, họ chẳng hề phát tâm nhẫn nại, cầu tiến, chẳng hạn như: “Ta sẽ hầu hạ thầy tế độ, thầy tiếp dẫn, hoặc các Đại đức Cao Tăng, ta sẽ giữ hạnh Đầu đà, ta sẽ hành thiền…”. Do các lý đã nêu, Đức Thế Tôn mới thuyết câu kệ ngôn trên đây vậy.
Etaṃ visesato ñatvā (Nhờ giác tri như thế): nghĩa là biết rõ rằng: Kẻ giải đãi không thể nào thoát khỏi vòng sanh tử, còn người chuyên cần thì chắc chắn là sẽ thoát khỏi biển luân hồi.
Appamādamhi paṇḍitā (Các bậc trí chẳng buông lung): Hiền nhân hay trí giả là những bậc thông minh trí tuệ, tự mình kềm lấy mình, đã không dám buông lung mà còn tinh cần thêm lên mãi mãi, các bậc ấy biết rõ hai con đường sanh và tử đã nêu trong hai câu kệ đầu (1 và 2).
Appamāde pamodanti (Mãi chuyên cần hoan hỷ): Là các bậc hiền trí biết rõ lý trên, hằng hoan hỷ vui thích thỏa mãn trong sự chuyên cần.
Ariyānaṃ gocare ratā (Cõi Thánh được thung dung): Các vị hoan hỷ trong sự chuyên cần, càng ngày càng tinh tấn thêm, ắt được hưởng sự an vui tịnh lạc, tự tại ung dung trong cảnh giới thiền định đạo quả của bậc Thánh nhân, gọi là cõi Thánh của hàng Thinh Văn đệ tử Phật Độc Giác và chư Chánh Đẳng Giác, gồm có bốn chỗ niệm, ba mươi bảy pháp trợ đạo và chín pháp siêu thế…
Te jhāyino (Người tu thiền định) chỉ các bậc hiền trí hằng tu tập theo hai pháp hành Thiền định (Samādhi) và Chỉ quán (Samātha vipassanā) để đắc thiền định và đạo quả, bằng cách định tâm trên đối tượng gọi là Bát thiền (aṭṭhasamāpatti) và pháp quan sát ba tướng (Vô thường, Khổ não, Phi ngã), gọi là Minh sát (vipassanā).
Sātatikā (Chuyên): Từ khi xuất gia về sau, hành giả cứ một mực tinh tấn, chuyên cần rèn luyện tâm mãi cho đến bao giờ chứng đạt A La Hán quả mới thôi. Niccaṃ daḷhaparakkamā (Hằng tinh tấn dụng công): Pháp nào mà ta cần nên chứng đắc với sức mạnh với sự hăng hái với sự cố gắng của một người nam. Nếu chưa chứng đắc pháp ấy, ta nhất định chưa đình chỉ sự tinh tấn, nhờ quyết tâm như thế, bậc hiền trí không thối chuyển trên đường hành đạo và hằng tinh tấn nỗ lực, không bỏ dở sự công phu.
Phusanti (Chứng đạt): Trong Phật giáo có hai danh từ dùng để chỉ sự chứng đắc đạo quả là: Tuệ chứng (ñāṇaphusana) và Dị thục chứng (vipākaphusana). Nói về bốn đạo (Cattāri magga) thì gọi là Tuệ chứng, nói về bốn quả là Dị thục chứng (cattāri phalāni: bốn quả). Nơi đây Đức Phật thuyết về Dị thục chứng.
Câu nói: “Các bậc trí tuệ (dhīrā) hằng làm cho thấu rõ Níp Bàn bằng Thánh quả (Ariyāphalena nibbānaṃ sacchikarontā) đồng nghĩa với câu do nơi Dị thục chứng (Vipākaphusanāya) của Thánh quả ấy mà các bậc hiền trí (dhīrā paṇḍita) làm cho thấu rõ Níp Bàn.
Yogakkhemaṃ anuttaranti (Thoát phiền trược vô thượng): Yoga nơi đây chỉ cho bốn cái ách mà chúng sanh bị trói chặt vào, càng làm cho họ chìm đắm mãi trong biển sanh tử, là nguyên nhân của mọi phiền não nhiễm ô: Đó là dục ách (Kāmāyoga), hữu ách (Bhavayoga), kiến ách (Diṭṭhiyoga) và vô minh (avijjāyogo).
Khemaṃ là an toàn, tự tại, không còn lo sợ vì đã thoát khỏi bốn ách.
Anuttaraṃ là vô thượng vô song vì Níp Bàn là pháp cao thượng quý báu hơn tất cả các pháp thế gian (phàm) và siêu thế gian (Thánh).
Sau thời Pháp của Đức Thế Tôn, có nhiều người đắc chứng Thánh quả, nhất là Tu Đà Hườn quả, kỳ dư đại chúng thính pháp đều hưởng được sự lợi ích.
Dịch Giả Cẩn Đề
Sanh tử hai đường, hệ ở đâu?
Mưu cao chỉ lắm họa càng sâu!
Khổ vui nhớ xét nhân tiền nghiệp,
Lành dữ chờ xem quả đáo đầu.
Trắng cỡ Ma Phi sao Phật gớm?
Đen như Ô Hậu lại vua cầu?
Ai người trí tuệ ham thinh sắc?
Thánh Đức miên trường, mặc bể dâu.
DỨT TÍCH HOÀNG HẬU SĀMĀVATĪ