Thiền Định Và Sự Thanh Tịnh Tâm

Có quan niệm cho rằng chỉ có an chỉ định hay định của bậc thiền mới làm cho tâm của một người thanh tịnh. Ở Miến Điện quan niệm này không thịnh hành lắm vì các bản chú giải đã tuyên bố rõ rằng sự thanh tịnh tâm còn được dựa vào cận định (upacāra samādhi). Hơn nữa, chú giải Kinh Đại Niệm Xứ nói đến 19 phần trong quán thân kể cả niệm hơi thở vô-ra,…như những đề mục luyện tập tâm dẫn đến cận định. Vả lại, theo Thanh Tịnh Đạo, trong số bốn mươi đề mục tu tập tâm có một đề mục Phân Tích Tứ Đại (catudhātuvavaṭṭhāna) là đề mục tác ý các giới (dhātumanasikāra kammaṭṭhāna) của Kinh Đại Niệm Xứ, và người hành thiền thực hành thuần quán sẽ bắt đầu với việc quán 18 giới (dhātu), 12 xứ (āyatana), năm uẩn (khandha) và danh sắc (nāma-rūpa).

Ở đây rõ ràng người hành thiền có thể đạt đến cận định bằng cách quán tứ đại, và cận định với sát-na định minh sát là như nhau trong nghĩa vượt qua các triền cái. Cận định hay sát-na định này dẫn đến sự thanh tịnh tâm cũng như năm loại tuệ (paññā) và sự thanh tịnh của tri kiến (kiến tịnh). Điều này đã được nói rõ trong các thư tịch cổ và sự thanh tịnh hoàn toàn của tâm và kiến này phát sanh do kinh nghiệm của người hành thiền thực hành một cách nghiêm túc theo phương pháp Tứ Niệm Xứ. Theo sự hiểu biết của chúng tôi con số những hành giả có được kinh nghiệm như vậy lên đến hàng ngàn người. Do đó, cận định hay sát na định minh sát bảo đảm sự thanh tịnh tâm là điều không có gì phải hoài nghi. Những ai tin chắc rằng chỉ có thực hành thiền định mới đưa đến sự thanh tịnh tâm sẽ thấy nỗ lực tu tập của họ là vô ích nếu họ không thể đắc thiền và có những hoài nghi về định của minh sát. Một quan niệm cực đoan như vậy sẽ là một chướng ngại cho thiền minh sát và mọi người cần phải tránh. 

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app