Thanh Tịnh Tâm Nhờ Nhất Thời Định

Vì lẽ đó người hành thiền không nên nuôi dưỡng hoài nghi và có những ý nghĩ chỉ trích mà nên quan sát chúng và loại bỏ. Đồng thời người hành thiền cũng phải quan sát và loại bỏ tham dục, sân hận, hôn trầm và trạo cử. Theo cách này họ sẽ thoát khỏi hoài nghi và những triền cái khác, và nhờ luôn luôn chánh niệm, tâm họ sẽ được thanh tịnh. Đây là sát-na định minh sát (vipassanā khaṇikasamādhi), một loại định được xếp ngang hàng với cận định. Nó cũng có thể được gọi là cận định bởi vì sự giống nhau trên phương diện giải thoát khỏi các triền cái của nó. Chính vì lý do này mà trong chú giải kinh Đại Niệm Xứ, quán các oai nghi của thân, sự trong sáng của tâm, tác ý các giới và những pháp minh sát khác đã được mô tả như các đề mục quán đưa đến cận định (upacārakammaṭṭhāna). Tuy nhiên, dù là sát-na định hay cận định thì mục đích cũng là sự thanh tịnh của tâm vậy.

Do đó Đức Phật dạy: “Người khác có thể có hoài nghi về Đức Phật, chánh pháp, và chúng Tăng. Nhưng chúng ta sẽ vượt qua những hoài nghi ấy.” Như vậy, chúng ta nên thực hành pháp đoạn giảm (Sallekha) để đoạn giảm các phiền não. Chúng ta phải xác nhận ý chí muốn vượt qua hoài nghi của chúng ta bằng cách đi theo con đường chánh kiến và chánh quyết định. Chúng ta phải làm như vậy để nâng cao địa vị tinh thần của chúng ta lên và để dập tắt phiền não hoài nghi bằng sự kiên định.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app