Cố Chấp (Sandiṭṭhiparāmāsa)

Sandiṭṭhiparāmāsa nghĩa đen là tư duy sai lầm trên quan kiến của mình, tuy nhiên tùy theo ngữ cảnh mà nó còn có ý nghĩa khác, chẳng hạn ở đây, nó phải được hiểu là ādhānaggāha: chấp thủ và duppaṭinissagga: khó từ bỏ quan niệm của mình. Vì vậy nếu hợp ba chữ lại nó có nghĩa là cố chấp vào quan kiến của mình hay ngắn gọn: cố chấp. Theo Chú giải, Đức Phật đặc biệt đề cập đến loại cố chấp vào tà kiến này như một bất lợi cho nỗ lực tinh thần trên Đạo Lộ. Đức Phật nói: “Người khác tin rằng chỉ có tri kiến của họ là chánh kiến. Họ chấp chặt vào quan điểm của họ và khó lòng thay đổi nó. Nhưng chúng ta ở đây sẽ không bảo thủ và chấp chặt quan điểm của mình một cách mù quáng. Chúng ta sẵn sàng để từ bỏ nó trên cơ sở hợp lý. Chúng ta sẽ chấp nhận pháp hành nào giúp chúng ta đoạn giảm những phiền não.”

Chú giải mô tả sự cố chấp như một thái độ của tâm khiến một người chấp chặt vào quan điểm của mình xem nó là chánh kiến duy nhất. Họ sẽ không từ bỏ quan điểm ấy cho dù Đức Phật và các bậc giác ngộ khác có gắng để tranh luận với họ. Thái độ cố chấp này cũng được thấy trong cuộc sống hàng ngày nữa, tuy nhiên nó không đến nỗi nghiêm trọng, vì nó không đặt ra một sự đe dọa cho đời sống tâm linh. Chẳng hạn, có những quan niệm khá phổ biến về vị trí của quả đất, mặt trời, mặt trăng và những hành tinh khác mà các tác phẩm cổ điển đã mô tả. Những quan niệm này hoàn toàn trái ngược với những khám phá của khoa học hiện đại. Người xưa giải thích về rặng Hy-mã-lạp-sơn (Hymalayas) và năm con sông chính cũng không đúng với thực tế địa dư hiện nay. Tuy nhiên, sự cố chấp đối với những quan niệm này không làm tổn hại đến đời sống tâm linh vì chúng không liên quan đến việc thực hành giới, định và tuệ.

Chỉ có sự cố chấp liên quan đến việc thực hành Pháp là nghiêm trọng. Nó làm cho người ta mù quáng chấp chặt vào một quan kiến sai lầm nào đó. Nếu một người giáo điều đến độ không thể từ bỏ được niềm tin của mình vào tự ngã, vào sự hiện hữu liên tục (thường kiến) hay sự hủy diệt của nó sau khi chết (đoạn kiến), họ sẽ bị cản trở trong tiến bộ tâm linh của họ. Một trong những quan niệm sai lầm nhất là quan niệm bác bỏ nghiệp và các kiếp sống tương lai. Những người chấp chặt vào quan niệm này chắc chắn sẽ không tránh làm điều ác và nếu có, họ sẽ làm điều thiện với giá an vui và hạnh phúc của kẻ khác. Họ cũng sẽ không thực hành Pháp dẫn đến Đạo Quả và Niết Bàn. Một niềm tin sai lầm khác là không tin có Đức Phật và các vị A-la-hán, những người đã đạt đến trí tuệ phi thường ở đời.

Những người tin chắc vào tự ngã và sự bất diệt của nó quả quyết rằng tự ngã tồn tại vĩnh hằng; sau khi thân vật lý thô này tan hoại, nó sẽ di chuyển đến một thân khác và tiếp tục tồn tại ở đó. Họ không chấp nhận lời dạy của Đức Phật cho rằng danh sắc của hiện hữu mới phát sanh như kết quả của phiền não và nghiệp, rằng sự diệt của phiền não và nghiệp dẫn đến sự diệt của danh sắc và nó cũng có nghĩa là sự diệt hoàn toàn của khổ. Do sự tin tưởng này họ không đi theo Thánh Đạo cho đến tận cùng. Như vậy thường kiến là một chướng ngại cho sự tiến bộ tâm linh. Tuy nhiên, vì nó không phản bác nghiệp và quả của nghiệp, nó vẫn có thể cho người tin nó đạt đến thế giới của chư thiên. Trái lại, những người chủ trương sự hủy diệt hoàn toàn sau khi chết (đoạn kiến) không thể đạt đến cảnh giới chư thiên vì họ đã phản bác nhân quả hay quy luật của nghiệp. Tà kiến này của họ loại trừ sự khả dĩ của tái sanh như một vị chư thiên hay sự chứng đắc Thánh Đạo.

Chướng ngại khác cho tiến bộ tâm linh là giới cấm thủ (sīlabbatapāramāsa), tà kiến cho rằng một sự thực hành hay cách cư xử nào đó tự thân nó sẽ bảo đảm sự giải thoát khỏi cái khổ của luân hồi. Chính giới cấm thủ này tin rằng sự giải thoát hoàn toàn tùy thuộc vào việc sinh sống, ăn uống và ngủ nghỉ giống như những con vật. Việc tôn thờ những con vật cũng được xem là giới cấm thủ (sīlabbatapāramāsa), đối với việc tôn thờ mặt trời, mặt trăng, thần sông, thần biển, chư thiên, Phạm thiên,… cũng thế. Tóm lại, bất cứ việc thực hành nào không liên quan đến Tứ Thánh Đế hay Bát Thánh Đạo mà chỉ đòi hỏi thực hành giống như những con vật và tôn thờ chúng đều là giới cấm thủ (sīlabbatapāramāsa) và trông đợi vào nó như một cách để đoạn tận cái khổ của luân hồi cũng đều là giới cấm thủ.

Hầu hết những pháp hành ngoài Phật Giáo với ý định đưa đến đoạn tận khổ và hạnh phúc vĩnh hằng đều là giới cấm thủ (sīlabbatapāramāsa). Một số người tin rằng họ có thể tự tẩy sạch mọi bất tịnh nghiệp trong sông Hằng. Một số thậm chí còn nghĩ rằng việc thờ cúng chư thiên, Đế Thích (Sakka) hay Phạm Thiên sẽ bảo đảm cho họ được tái sanh lên thiên giới và hạnh phúc sau khi chết Một số chủ trương rằng hiến tế bò, dê, hay những con vật khác sẽ giải thoát cho họ khỏi những tội lỗi và được sống một cuộc sống an vui. Những pháp hành như vậy khác xa với nỗ lực chứng ngộ Tứ Thánh Đế hoặc trau dồi giới, định, tuệ, và vì thế nếu xem chúng là một cách để giải thoát thì đó là giới cấm thủ. Những người chấp chặt vào những việc thực hành này không đi theo Con Đường Bát Chánh và do đó cũng không bao giờ đạt đến Đạo Quả Trí được.

Tín ngưỡng tôn giáo luôn luôn đúng dưới mắt những tín đồ của nó nhưng từ quan điểm của những người không tin thì nó hoàn toàn sai. Tuy nhiên bạn không thể buộc tội một người là cố chấp nếu họ đi tìm chân lý mà không bị giáo điều. Ngày nay một số người không phải là Phật tử nòi hay dòng dõi nhưng đã để tâm nghiên cứu kinh sách Phật Giáo và sau khi hiểu ra có người đã cải sang đạo Phật. Một số người từ Châu Âu và Châu Mỹ sau khi đi đến Miến Điện hành thiền đã đạt được những kết quả nhất định. Họ có thể mô tả những tuệ minh sát mà họ kinh nghiệm được rất chính xác. Những người phương Tây này hoàn toàn không bị cố chấp.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app