Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II
Phẩm Ngàn: Tích Trưởng Lão Ba Hí Dá Mặc Y Võ Cây
“Sahassamapi ce gāthā,
Anatthapadasañhitā,
Ekaṃ gāthāpadaṃ seyyo,
Yaṃ sutvā upasammati”.
“Dầu nói ngàn câu kệ
Nhưng không gì lợi ích
Tốt hơn nói một câu
Nghe xong, được tịnh lạc”.
Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết, khi Ngài ngự tại Jetavana Vihāra (Kỳ Viên Tự), đề cập đến Trưởng lão Bāhiyadārucīriya (Ba Hí Dá Mặc Y Vỏ Cây).
Một thời nọ, có nhiều người ngồi thuyền vượt ra biển khơi, đến giữa đại dương, thuyền bị sóng đánh vỡ, tất cả đều chết chìm làm mồi cho cá và rùa. Nhưng còn một người sống sót nhờ vớ được tấm ván, ráng sức lội mãi, thời may tấp vào một bãi cát tại cảng tên là Suppāraka (Súp Pa Rá Ká). Lúc bấy giờ, nạn nhân không còn quần áo chi cả, không tìm thấy được thứ chi khác, anh bèn lấy cành cây khô, tước vỏ soắn lại làm chỉ đan thành y phục để mặc đỡ che thân cho khỏi bị lõa lồ, rồi lượm cái bát của chư thiên (vỏ sò) đi vào hải cảng Suppāraka để khất thực.
Dân chúng thấy người hành khất nầy, cho là vị A La Hán nên tôn trọng cúng dường cháo cơm đầy đủ. Khi có người tặng anh y phục bằng vải thì anh ta từ chối, chỉ đắp bằng thứ y phục vỏ cây mà thôi, vì nghĩ rằng: Nếu ta mặc y phục vải nầy, ta sẽ bị giảm bớt sợ tôn trọng cúng dường của dân chúng đi chăng.
Khi ấy, có vị chư thiên trong tiền kiếp đã từng kết nghĩa bạn bè với vị khất sĩ mặc y vỏ cây nầy. Nay thấy bạn cũ thì nghĩ rằng: “Khi bạn ta được nghe mọi người tôn xưng là A La Hán, y đã khởi lên Tà kiến “nếu có người nào đắc A La Hán hoặc là chứng A La Hán đạo, thì ta là một trong những vị A La Hán đó”, ta nên nhắc nhở bạn ta”.
Câu chuyện kết nghĩa trong tiền kiếp để hành Sa môn Pháp đã diễn tiến như vầy. Theo truyền thuyết thưở xưa, trong thời mà Giáo Pháp của Đức Thập lực
Kassapa (Ca Diếp) đã mạt, có bảy vị Tỳ khưu trông thấy việc làm phi Pháp của chư Tỳ khưu, nhất là các vị Sadi thì phát sanh tâm kinh cảm, đồng phát nguyện đem hết sức của mình hành đạo để duy trì Giáo Pháp không cho tiêu hoại.
Sau khi đảnh lễ Bảo tháp vàng thờ Xá lợi của Đức Phật, bảy vị ấy vào rừng trông thấy một ngọn núi cao, bèn rủ nhau: “Ta hãy là người vô dục (Niralayā), chối bỏ tất cả sự luyến tiếc mạng sống. Ta hãy trèo lên núi nầy hành đạo”.
Nói rồi, bảy vị Tỳ khưu kiếm cây buộc làm cái thang trèo lên đỉnh núi, rồi xô bật cái thang, nguyện ở lại nơi đó hành Sa môn Pháp. Trong bảy vị, vị Trưởng lão cao hạ nhất chỉ qua một đêm đã đắc quả A La Hán.
Ngài bay đến hồ Thiên Lãnh (Anottatta) ở Hy Mã Lạp Sơn rửa mặt, súc miệng xong, bay qua xứ Bắc Câu Lưu Châu khất thực xong mang về, gọi chư Tỳ khưu bạn: “Nầy các đạo hữu, hãy lấy dây trầu (māgalatā) nầy đánh răng, súc miệng, rửa mặt đi, rồi độ hững vật thực nầy”. Chư Tăng không muốn độ, hỏi rằng:
– Bạch Ngài, sao Ngài lại bảo vậy. Chúng ta có giao ước với nhau: “Vị nào đắc quả A La Hán đầu tiên, thì phần cơm bát đầu tiên của vị ấy, các vị kia sẽ thọ thực” hay không?
– Không có như vậy đâu, này các đạo hữu.
– Như vậy thì, nếu chúng tôi giác ngộ Níp Bàn, chúng tôi sẽ tự mình đi bát về mà độ.
Qua ngày thứ hai, vị Trưởng lão thứ hai đắc quả A Na Hàm, Ngài cũng bay đi khất thực, mang bát vật thực về mời các bạn kia như vị trước, các Tỳ khưu ấy không chịu độ, đáp rằng:
– Bạch Ngài, sao Ngài bảo vậy? Chúng ta có giao ước với nhau: “Phần cơm của vị Đại Trưởng lão mang về không được độ, chúng ta sẽ độ phần cơm của Ngài Trưởng lão thứ hai chăng?”.
– Không có như vậy, này các hiền hữu.
– Như vậy, chúng tôi phải ráng hành đạo cho giác ngộ như Ngài rồi mỗi người sẽ độ phần cơm của mình tự lực kiếm được mà thôi.
Sau đó, vị đắc A La Hán thì diệt độ, vị A Na Hàm thì tái sanh về Phạm thiên giới, còn năm vị kia không chứng đắc Níp Bàn, bị đói kiệt quệ như cánh hoa tàn, đến ngày thứ bảy thì chết sanh lên thiên giới.
Trong thời Đức Phật hiện tại giáng sanh, năm vị thiên nhân tái sanh vào năm gia tộc có danh giá. Một vị là Đức vua Pukkusati (Púk Kú Sa Tí), một vị là công tử Kumārakassapa (Ca Diếp Đồng Tử), một vị là khất sĩ Bāhiyadārucīriya (Ba Hí Dá Mặc Y Vỏ Cây), một vị là công tử Dabba Mallaputta (Đáp Bá Man Lá Pút Tá) và một vị nữa là du sĩ Sabhiya (Xá Phí Dá). Còn vị phạm thiên A Na Hàm, chính là thiên nhân đang muốn trợ giúp cho Bāhiyadārucīriya.
Vị phạm thiên nầy suy nghĩ: “Vị nầy cùng với ta trong tiền kiếp đã từng cột thang, bắt trèo lên núi hành Sa môn Pháp. Bây giờ lại chấp giữ tà thuyết (Laddhi) nầy, sợ e lâu ngày sẽ hư hỏng. Ta phải nhắc nhở bạn ta kinh cảm mới được”.
Thế rồi, vị phạm thiên đến gần vị khất sĩ bảo rằng:
– Nầy ngoại đạo Bāhiya, ông chưa đắc quả A La Hán, mà cũng chưa đắc đạo A La Hán nữa, ông không có hành đạo (Paṭipadā) thì bao giờ mới đắc quả hoặc là đắc đạo A La Hán được chứ?
Du sĩ Bāhiya nhìn lên thấy vị Đại Phạm thiên đứng giữa hư không mà nói chuyện với mình thì tự nghĩ: “Chao ôi! Nặng thay là nghiệp mà ta đã tạo! Ta đã tự phụ cho mình là A La Hán. Nay ông nầy nói với ta: “Ông chưa đắc đạo quả A La Hán”, vậy trong thế gian nầy có vị Sa môn nào ở rừng là vị A La Hán chăng?”.
Vị khất sĩ bèn hỏi Đại Phạm thiên: “Hiện nay trên thiên giới hoặc ở cõi nhân gian này, có những vị nào đắc quả A La Hán hoặc là đắc đạo A La Hán không?
Vị phạm thiên chỉ dạy rằng:
– Nầy Bāhiya, trong quốc độ miền Bắc có thành Sāvatthī (Xá Vệ), là nơi Đức Thế Tôn đang ngự. Ngài là bậc A La Hán, Chánh Đẳng Giác. Nầy Bāhiya, chẳng những Ngài là bậc Thế Tôn đã đắc A La Hán, mà Ngài còn thuyết pháp dạy đệ tử đắc A La Hán nữa.
Ngoại đạo Bāhiya đang đêm, nghe lời mách bảo của vị thiên nhân bạn cũ, thì phát tâm kinh cảm (Saṃviggamānaso), liền lập tức rời hải cảng Suppāraka, đi suốt đêm đến thành Sāvatthī, theo người ta nói: Sỡ dĩ trong khoảng đường xa một trăm hai mươi do tuần mà Bāhiya vượt qua chỉ trong một đêm như thế là nhờ oai lực của vị phạm thiên và của Đức Phật.
Khi Bāhiya vừa đến nơi thì Đức Bổn Sư đã vào thành Sāvatthī khất thực, gặp nhiều vị Tỳ khưu đang đi kinh hành ở ngoài sân trống để cơ thể hết rã rượi sau buổi điểm tâm, ông bèn hỏi: “Đức Tôn Sư bây giờ ở đâu?”.
Chư Tăng đáp: “Ngài đã ngự vào thành Sāvatthī để khất thực rồi”. Chư Tăng lại hỏi: “Còn thầy từ đâu đến đây?”.
– Tôi từ hải cảng Suppāraka đến.
– Thầy đi từ bao giờ?
– Tôi khởi hành từ tối hôm qua.
– Thầy từ xa đến, hãy ngồi xuống rửa chân thoa dầu đã, hãy nghỉ khỏe một chút, khi nào Đức Bổn Sư trở về rồi hãy đến yết kiến Ngài.
– Bạch các Ngài, tôi không biết có chi tại hại xảy ra cho mạng sống của Đức Bổn Sư hoặc của tôi hay không, cho nên trọn cả một đêm, tôi không vì lẽ gì mà đứng lại hoặc ngồi xuống, trừ ra khi tôi đã vượt cả lộ trình một trăm hai mươi do tuần để được gặp mặt Đức Thế Tôn rồi, tôi mới nghỉ ngơi.
Nói như thế rồi, Bāhiya vội vàng đi luôn vào thành Sāvatthī. Trông thấy Đức Bổn Sư đang ngự đi trì bình với tướng hảo quang minh vô tỷ của một vị Chánh Đẳng Giác. Ông nói thầm: “Quả thật, đã lâu lắm rồi, bây giờ ta mới được gặp Đức Chánh Biến Tri Gotama (Cồ Đàm)!”.
Từ chỗ trông thấy Đức Bổn Sư, Bāhiya cúi rạp người xuống giữa đường, gieo cả năm vóc xuống đất đảnh lễ Ngài, nắm chặt hai mắt cá chân Ngài mà nói:
– Bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài thuyết pháp cho con nghe. Bạch Đức Thiện Thệ, xin Ngài hãy thuyết pháp nào làm cho con được tấn hóa, được an vui lâu dài.
Khi ấy, Đức Bổn Sư khước từ, đáp rằng: “Nầy Bāhiya, bây giờ không phải thời, trong khi Ta đang đi bát giữa đường”.
Nghe vậy, Bāhiya van nài:
– Bạch Ngài, trong vòng luân hồi chuyển kiếp, hạng người đi khất thực không định trước được bát cơm của thí chủ, con không thể biết trước được sự tai hại sắp xảy đến cho mạng sống của Ngài hay mạng sống của con. Bởi vậy, con xin Ngài thuyết pháp cho con nghe.
Lần thứ hai, Đức Bổn Sư lại từ chối, có lời rằng: Đức Bổn Sư nghĩ: “Bāhiya này từ khi thấy Ta, khắp cả châu thân tràn đầy hỷ lạc, tâm đang bị hỷ lạc mãnh liệt chi phối, dầu có nghe Pháp cũng không thể lãnh hội. Hãy chờ lúc tâm thầy trở lại trạng thái quân bình là Xả. Vả lại, chỉ trong một đêm mà thầy vượt qua đoạn đường xa một trăm hai mươi do tuần đến tận nơi nầy, tâm còn bứt rứt. Ta phải để cho thầy ổn định đã”.
Do lẽ đó, Đức Bổn Sư từ chối hai lần.
Bāhiya khẩn cầu đến lần thứ ba, mặc dầu đang đứng giữa đường, Đức Bổn Sư thấy đã đến thời, nên Ngài thuyết pháp dạy rằng:
– Nầy Bāhiya! Ông nên học tập như vậy ba lần:
Diṭṭhi diṭṭhamattaṃ bhavissati;
Sute sutamattaṃ bhavissati,
Mute mutamattaṃ bhavissati,
Viññāṇe viññātamattaṃ bhavissati”.
“Trong Kiến, Văn, Giác, Tri
Chỉ có Kiến, Văn, Giác, Tri mà thôi”.
Được nghe Đức Bổn Sư thuyết pháp nầy, Bāhiya đương nhiên dứt hết Lậu hoặc, đắc quả A La Hán với Tuệ phân tích, liền ngỏ lời với Đức Thế Tôn cho mình được xuất gia.
Ngài hỏi:
– Ông đã có đủ cả y bát chưa?
– Bạch Ngài, con chưa có đủ.
– Vậy thì, ông hãy lo cụ bị cho đủ y bát đi.
Nói rồi, Ngài đi luôn.
Theo truyền thuyết, thời quá khứ Bāhiya đã từng hành Sa môn Pháp đến hai muôn ngàn năm, giữ đúng hạnh Tỳ khưu và chỉ thọ dụng tứ vật dụng tự mình tìm được, chớ không dòm ngó đến của vị khác, ông không hề tiếp độ y hoặc bát cho một vị Tỳ khưu nào cả. Do biết rằng: Y bát do thần thông lực phát sanh không có đến Bāhiya nên Đức Bổn Sư đã không cho ông xuất gia “Thiện lai Tỳ khưu” (Ehi bhikkhu). Trong khi ông đang đi tìm y bát để chuẩn bị xuất gia thì một nữ dạ xoa dưới hình thể một con bò chạy đến húc vào hông bên trái và chấm dứt mạng sống của ông.
Đức Bổn Sư ngự vào thành khất thực, thọ thực xong rồi, cùng nhiều Tỳ khưu trở ra ngoài thành, thấy xác Bāhiya nằm một nơi đầy rác rến, Ngài gọi các Tỳ khưu và bảo rằng:
– Nầy các Tỳ khưu, hãy đến đứng trước cửa một nhà thiện tín, kêu họ mang giường nhỏ, chở xác này ra ngoài thành hỏa táng, thiêu xong hãy lập Thánh tháp thờ xá lợi.
Các Tỳ khưu làm đúng theo lời của Đức Bổn Sư dặn, rồi trở về chùa báo cho Ngài biết là công việc mình đã làm xong. Kế đó, chư Tăng hỏi về hậu lai của Bāhiya.
Sau khi chỉ dạy cho chư Tăng biết rằng Bāhiya đã Vô Dư Níp Bàn. Đức Bổn Sư nói tiếp:
– Nầy các Tỳ khưu! Các Tỳ khưu Thinh Văn của Ta giác ngộ mau lẹ quả vị tối cao nào, thì ngoại đạo Bāhiyadārucīriya (Ba Hí Dá Mặc Y Vỏ Cây) nầy cũng đạt đến quả vị tối cao đó.
Chư Tăng ngạc nhiên hỏi:
– Bạch Ngài, Ngài nói ngoại đạo Bāhiyadārucīriya (Ba Hí Dá Mặc Y Vỏ Cây) đắc quả A La Hán. Ông ta đắc quả A La Hán hồi nào?
– Nầy chư Tỳ khưu, khi nghe Ta thuyết pháp.
– Bạch Ngài, Ngài có thuyết pháp lúc nào đâu?
– Trong khi trì bình, lúc Ta đã dừng chân lại giữa đường đó!
– Bạch Ngài, khi đứng giữa đường, Ngài thuyết pháp quá ít mà! Làm sao chỉ nghe có bấy nhiêu đó mà ông ấy giác ngộ Níp Bàn?
Khi ấy, Đức Bổn Sư giải thích rằng:
– Này các Tỳ khưu! Pháp của Như Lai thuyết dầu ít hoặc nhiều, chớ có tính bằng số lượng. Quả vậy, dầu cho có thuyết hằng ngàn câu kệ vô ích thì cũng chẳng làm gì!
Thà là chỉ thuyết một câu kệ hữu ích còn quý hơn.
Đức Thế Tôn thuyết pháp giảng giải thêm rồi kết luận bằng bài kệ nầy:
“Sahassamapi ce gāthā,
Anatthapadasañhitā,
Ekaṃ gāthāpadaṃ seyyo,
Yaṃ sutvā upasammati”.
“Dầu cho tụng đến ngàn câu.
Toàn kệ vô nghĩa thì đâu ích gì?
Thà kệ chí lý, thích nghi,
Một câu nghe cũng đoạn ly khổ sầu”.
CHÚ GIẢI:
Ekaṃ gāthāpadaṃ: một câu kệ như: Appamādo amataṃ padaṃ (Cần chuyên là lộ trường tồn… Yathā matāti (Kẻ buông lung sống lâm chung khác nào) một câu kệ như thế thì quý hơn.
Phần còn lại lý giải như câu kệ trước.
Cuối thời Pháp, nhiều vị Tỳ khưu chứng Thánh quả như Tu Đà Hườn.
Dịch Giả Cẩn Đề
Ngoại đạo đón đường hỏi Phật Đà”
“Pháp nào tu chứng Tuệ cao xa?”
Phật rằng: “Trong Kiến, Văn, Tri, Giác,
Hãy giữ tâm Không, chớ chấp ta!”
Ba Hí Dá liền chứng Vô sanh,
Nhờ duyên tiền kiếp đã tu hành.
Bị bò húc chết, thây nằm đó,
Khó biết tâm ông, Đạo quả thành!
Phật dạy chư Tăng hãy trà tỳ,
Thiêu ông ngoại đạo đủ uy nghi,
Như A La Hán Thinh Văn vậy,
Đó thật Tỳ khưu thiếu bát y!
DỨT TÍCH TRƯỞNG LÃO BA HÍ DÁ MẶC Y VỎ CÂY