Vô Tàm (Ahirika) và Vô Quý (Anottappa)

Hổ thẹn và sợ hãi là những gì chúng ta có thể kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng hổ thẹn không phải là cảm giác không vui vì không có quần áo đẹp hay địa vị trong xã hội. Hirī là sự hổ thẹn liên quan đến việc làm ác. Cũng vậy, ottappa có nghĩa là sợ hãi việc làm ác. Không có sự hổ thẹn hay lương tâm được gọi là vô tàm (ahirika, không biết hổ thẹn) và không có sự sợ hãi đối với việc làm ác được gọi là vô quý (anottappa, không biết sợ hãi). Vô tàm và vô quý thường đi chung với nhau nhưng hai loại khuyết điểm đạo đức này về tính chất lại khác nhau. Ví như một người sạch sẽ không muốn bị vấy bẩn bởi đồ dơ như thế nào, một người hiền lương cũng không muốn lương tâm (hirī, lòng tàm) mình bị vẩn đục bởi điều ác như thế ấy. Tuy nhiên chính ottappa (quý) mới sợ hãi hậu quả của điều ác. Nói cách khác, tàm (hirī) khiến một người do dự làm điều ác bởi vì nó dẫn người ấy đến chỗ suy xét: “Chỉ những người hèn nhát, ngu si, và những người thuộc giai cấp hạ tiện mới làm điều ác. Là một người thuộc gia đình cao quý, có trí tuệ, hiền thiện và can đảm, ta sẽ không làm điều ác.” Nhưng chính ottappa (quý) mới khiến một người biết sợ dư luận và miễn cưỡng làm điều ác.

Vì thế một vị Tỳ-kheo hay một người hành thiền hay một người hiền lương do lòng tàm (hirī) thúc đẩy sẽ tránh điều ác do ý thức về lòng tự trọng của mình hay người ấy có thể tránh điều ác do tôn trọng xã hội hay do sợ bị chư thiên nếu không muốn nói những người biết được việc làm xấu của mình, chỉ trích.

Như vậy, chúng ta chùn bước không làm điều ác khi lương tâm đạo đức làm cho chúng ta ghê tởm với việc ấy hay khi nghĩ đến những hậu quả tức thời và sau khi chết khiến chúng ta sợ hãi. Chỉ khi chúng ta không có lòng tàm quý (hổ thẹn và ghê sợ điều ác) chúng ta mới có khuynh hướng làm điều ác; nói cách khác, mọi ác nghiệp đều bén rễ trong việc thiếu hai pháp ngăn cản này. Tiến bộ tinh thần của con người là do hai pháp tàm và quý và nếu không có hai pháp này, về phương diện đạo đức, con người sẽ tụt thấp xuống mức của loài dã thú. Chính vì điều này mà tiếng Pāḷi gọi chúng là lokapāla-dhamma, pháp hộ trì thế gian, hay pháp được dùng để bảo vệ xã hội loài người.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app