Lời Dạy Cuối Cùng
Lời dạy cuối cùng của Đức Phật vào cái đêm trước ngày nhập diệt (Bát Niết Bàn) gồm những từ “vaya dhamma saṅkhāra”. Câu này có nghĩa rằng tất cả mọi hiện tượng của hiện hữu (các pháp hữu vi) đều phải chịu tan hoại và không đáng tin cậy; rằng tâm và vật chất đều vô thường, luôn luôn hoại diệt; rằng mọi sự cuối cùng đều sẽ phải chấm dứt và do đó chúng ta phải thực hành giới, định, và tuệ một cách triệt để. Chẳng hạn, hãy suy xét về căn nhà mà bạn đã xây xem. Bất chấp sự kiên cố của nó như một căn nhà mới, chắc chắn nó sẽ tan hoại theo thời gian và trước khi sự tan hoại cuối cùng của nó xảy ra nó sẽ hư hoại dần dần. Một căn nhà được người ta trông đợi kéo dài một trăm năm thì mỗi năm nó sẽ hư hoại một phần trăm và như vậy trong từng giây phút nó cũng có sự tan hoại tương xứng.
Chúng ta thường không nói đến những đơn vị thời gian nhỏ hơn một giây nhưng theo kinh điển, có rất nhiều sát-na tâm trong một giây và suốt quá trình của một giây ấy sự tan hoại xảy ra không ngừng. Giống như căn nhà khéo được xây dựng ấy, thân con người cũng phải chịu quy luật vô thường. Nó cường tráng rõ rệt ở độ tuổi mười sáu, đôi mươi. Lúc đó con người chấp thủ vào thân của mình, tin tưởng vào sức mạnh và tính chất tươi trẻ của nó. Họ cũng tự tin về kiến thức, sự hiểu biết và khéo léo của mình. Họ xem mình như được miễn khỏi sự hoại diệt nhưng thực sự cả tâm lẫn thân đều không bền vững ngay cả trong một cái nháy mắt. Thậm chí khi đang ngủ, đang ăn hay khi đang làm việc, các hiện tượng tâm-vật lý cũng vẫn sanh và diệt không ngừng. Điều này những hành giả thực hành chánh niệm liên tục theo phương pháp tứ niệm xứ có thể nhận ra được. Nó không phải là một kinh nghiệm vượt ngoài tầm khả năng của người bình thường. Một số người nói rằng ngày nay việc có được một kinh nghiệm như vậy là điều không thể xảy ra nhưng tôi nghĩ đây là một quan niệm sai lầm do thiếu sự thực hành lâu dài mà thôi.
Như vậy, do sự tan hoại không ngừng nầy mà ngay cả một người sống đến trăm tuổi cuối cùng cũng phải trở thành một thây ma. Chính vì tính chất mong manh của sự sống mà Đức Phật nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc thực hành giới, định, và tuệ để đi đến giải thoát.
Người hành thiền quan sát mọi hiện tượng ở từng sát na thấy, nghe,… là đang thực hành chánh niệm đúng theo lời khuyên của Đức Phật “Appamādena sampādetha” “các con nên làm tất cả những gì cần phải làm liên quan đến giới định và tuệ với tâm chánh niệm (không phóng dật). Khi định phát triển, lúc đó sự hiểu biết sâu sắc về hai hiện tượng của hiện hữu, đó là sắc bị biết và tâm hay biết (nāmarūpaparicchedañāṇa, trí phân biệt danh và sắc) sẽ phát sanh. Kế tiếp, người hành thiền suy xét trên tính chất vô thường, khổ, và vô ngã của mọi hiện tượng (sammasanañāṇa, trí thẩm sát tam tướng). Trí này được theo sau bởi trí minh sát vào sự tan hoại của mọi hiện tượng ở từng sát na (udayabbayañāṇa, sanh diệt trí, hay trí quán sự sanh và diệt). Ở giai đoạn này người hành thiền thấy ánh sáng, có cảm giác đê mê và tin rằng việc thực hành minh sát của mình đã hoàn tất. Nhưng không phải như thế vì sau đó, nếu tiếp tục quán, vị ấy sẽ thấy cả danh và sắc đều diệt mất (Bhaṅga Ñāṇa, diệt trí, hay trí quán sự diệt).
Kế tiếp, chánh niệm liên tục sẽ dẫn đến trí quán sự sợ hãi (Bhaya Ñāṇa), trí quán sự nguy hiểm (Ādinav-Ānupassanā-Ñāṇa), trí quán sự nhàm chán (Nibbid-Ānupassanā-Ñāṇa), trí muốn giải thoát (Muñcitu-Kamyatā-Ñāṇa), trí quán sự tỉnh sát (Paṭisaṅkh-Ānupassanā-Ñāṇa) và trí xả đối với các hành (Saṅkhārupekkhā Ñāṇa). Những trí này vẫn chưa đủ để đưa người hành thiền đến mục tiêu tối hậu. Khi nó được phát triển, trí thuận thứ (Anuloma-Ñāṇa) và chuyển tộc (Gotrabhu-Ñāṇa) sẽ phát sanh và được theo sau bởi nhập lưu thánh đạo trí và nhập lưu thánh quả trí. Tuy nhiên, để đắc các đạo quả cao hơn, người hành thiền phải tiếp tục thực hành lại từ sanh diệt trí và kinh qua các loại trí minh sát khác theo đúng trình tự cho đến khi đạt đến nhất lai thánh đạo và nhất lai thánh quả. Rồi cũng lại lập lại tiến trình phát triển ấy cho đến khi đạt đến giai đoạn bất lai, và A-la-hán. Chỉ lúc đó người hành thiền mới đạt đến sự giải thoát viên mãn hợp theo lời khuyên cuối cùng của Đức Phật.
Như vậy, trong khi những người khác có thể sống phóng dật (quên), chìm đắm trong các dục trần và xa rời những thiện nghiệp, chúng ta sẽ tránh sống phóng dật, chiến thắng những điều ác bằng giới, loại trừ sự phóng dật của những tư duy ác và các dục trần bằng việc tu tập tâm. Có thể nói không phóng dật đóng vai trò chính yếu trong Đạo Phật. Thực vậy, theo các bản chú giải, không phóng dật là mẫu mực của lời Đức Phật dạy trong suốt sứ mạng 45 năm của ngài.